‘‘Tôi không phải là thần dược’’ : Thảm cảnh người bị ung thư tại Trung Quốc

Thứ Hai, 13 Tháng Tám 20188:46 CH(Xem: 4257)
‘‘Tôi không phải là thần dược’’ : Thảm cảnh người bị ung thư tại Trung Quốc
‘‘Tôi không phải là thần dược’’ : Thảm cảnh người bị ung thư tại Trung Quốc
 
Nước, không khí, thực phẩm nhiễm độc gây ung thư. Trong ảnh, người dân xếp hàng mua nước chai tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ngày 11/04/2014, sau khi phát hiện nước máy có chứa chất benzen, gây ung thư, cao gấp 20 lần mức an toàn.Reuters/Stringer

Bộ phim đông khách thứ sáu trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc, tư pháp Mỹ ra lệnh cấm một hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu vốn được chính quyền Trump hậu thuẫn, Đại hội Thể thao đồng tính quốc tế tại Pháp mở cửa cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, điện Kremlin đặt tên thành phố châu Âu cho nhiều đơn vị quân đội Nga. Trên đây là những nội dung chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Phim « Tôi không phải là thần dược » của đạo diễn Trung Quốc Văn Mục (Wen Muye), ra rạp hôm 5/7/2018, đã trở thành một hiện tượng xã hội. Sau ba tuần công chiếu, « Tôi không phải là thần dược » đã mang lại cho nhà sản xuất hơn 360 triệu euro. Phim được coi là một trong 10 thành công thương mại lớn nhất của lịch sử điện ảnh Trung Quốc.

Phim thu hút rất đông khán giả Trung Quốc, bởi nhằm đúng vào một vấn đề xã hội lớn của quốc gia được coi là nền kinh tế thứ hai thế giới. Đó là tình trạng khốn cùng của những người mắc bệnh ung thu và thân nhân họ. Trả lời RFI, một nữ khán giả ở độ tuổi 70 tuổi bày tỏ tâm trạng của bà, sau khi xem phim :

« Thuốc thực sự là quá đắt đỏ. Trong gia đình tôi, có hai người đã bị chết vì bệnh ung thư, đó là chồng tôi và em rể tôi. Gia đình tôi đã phải trả tiền thuốc tổng cộng 90.000 euro, mà không hề được bảo hiểm đồng nào. Từ đó đến nay, đã không có gì thay đổi cả. Rất nhiều người không có điều kiện được chữa bệnh. Nếu mắc một bệnh nặng, người ta chỉ còn nước là chờ chết ! Sự thực là vậy ! ».

Tôi không phải là thần dược lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của Lục Dũng (Lu Yong) một người Trung Quốc bị ung thư máu. Câu chuyện xảy ra cách nay đã hơn một thập niên. Không có tiền mua thuốc tại Trung Quốc, ông đã phải đi sang Ấn Độ để tìm nguồn thuốc rẻ. Lục Dũng đã trở thành người chủ trì một đường dây bất hợp pháp, đưa thuốc giá rẻ từ Ấn Độ về Trung Quốc. Hơn 1.000 người bệnh ung thư được chăm sóc nhờ sự dũng cảm, quên mình của người đồng hương mắc bệnh hiểm nghèo.

Luật sư của ông Lục Dũng kể lại : « Thân chủ của tôi, ông Lục Dũng, bị bệnh máu trắng. Ông ấy đã giúp cho bạn bè mình mua được thuốc, mà không hề lấy lãi. Hành động của ông ấy gây xúc động mạnh, rất nhiều người bệnh đã ký tên ủng hộ ông, rốt cuộc ông Lục Dũng đã được trả tự do ».

Một khán giả Trung Quốc, cũng là một người hoạt động trong ngành bảo hiểm, nhận xét : « Tôi hài lòng vì bộ phim đã gây ra một làn sóng phẫn nộ lớn đến như vậy, thậm chí còn thu hút sự chú ý của cả thủ tướng. Điều này khiến cho việc nhập khẩu dược phẩm dễ dàng hơn ».

Hiện tại, bệnh ung thư đang tiếp tục bùng phát tại Trung Quốc, với thêm 4,3 triệu người mắc bệnh hồi năm ngoái. Chỉ có khoảng 30% người bệnh sống được đến năm thứ năm. Kể từ đầu mùa hè này, chính quyền vừa quyết định xóa thuế nhập khẩu đối với thuốc trị bệnh ung thư. Giá thuốc trị ung thư ở Ấn Độ chỉ bằng 1/10 so với các thuốc tương đương nhập vào Trung Quốc.

Môi trường khắp nơi ô nhiễm, từ không khí, nguồn nước, cho đến đất đai, chưa kể thực phẩm, dược phẩm độc hại, giả mạo. Liệu sự nới lỏng điều kiện nhập khẩu thuốc men bù lại được bao nhiêu phần thiệt hại về sức khỏe và tinh thần đối với các nạn nhân của chính sách phát triển ồ ạt, bất chấp sinh mạng con người ?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn