LỜI BÌNH NGẮN CHO BÀI THƠ “KHĂN QUÀNG” CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG - PHẠM ĐỨC NHÌ

Thứ Hai, 06 Tháng Tám 20188:29 SA(Xem: 5007)
LỜI BÌNH NGẮN CHO BÀI THƠ “KHĂN QUÀNG” CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG - PHẠM ĐỨC NHÌ

BinhThoVan

 

KHĂN QUÀNG

 

Chiếc khăn quàng của em
Anh gấp lại, để dành

Như người lính đứng nghiêm
Gấp lá cờ cuối cùng
Của một đất nước chiến bại

Gấp làm hai
Gấp làm tư, làm tám, và gấp mãi (1)

Đây là bài thơ số 44 trong loạt Thơ Tình Thứ Bảy Nguyễn Đức Tùng.

Tôi thích nhất là thi pháp của bài thơ. Đây là tay nghề độc đáo của Nguyễn Đức Tùng. Số chữ trong câu, số câu trong bài hoàn toàn tự do, không theo một quy luật nào. Vần tự nhiên thoang thoảng vừa đủ ngọt; bài thơ lại ngắn nên không có hội chứng nhàm chán vần.

Về thi pháp, nhà thơ của chúng ta đã đạp đổ thơ truyền thống, bỏ xa thơ mới và bóp còi qua mặt thơ mới biến thể. Anh đã thực sự tự do ung dung múa bút trong vườn thơ để biểu diễn tuyệt chiêu của mình.

Em ở đây có thể là vợ, người tình đã khuất bóng hay đã chia tay. Cũng có thể là em gái, đã chết hay đã đi thật xa. Hay cũng có thể là người phụ nữ nào đó thân thiết. Đặt hình ảnh người lính “đứng nghiêm gấp lá cờ cuối cùng của một đất nước chiến bại” bên cạnh hình ảnh của chính mình đang gấp chiếc khăn quàng - kỷ vật của người phụ nữ gần gũi, thân yêu nhất-  vừa tương hợp, vừa sâu sắc vừa rất tài tình, đã làm nổi bật s mất mát lớn lao và nỗi xót xa đau đớn vô bờ.

Với người lính gấp cờ, mỗi nếp gấp là một lưỡi dao đâm nhói vào tim. Tương tự như vậy, mỗi cử động để gấp chiếc khăn quàng biểu hiện một nỗi tiếc nuối, nhớ thương day dứt, không nguôi. Bài thơ 37 chữ - chỉ vài cái liếc mắt là hết – nhưng để lại dư vị thật đậm đà, dễ thương.  Độc giả (như tôi) đã tắt máy bước ra vườn mà cái hình ảnh gấp khăn quàng ấy vẫn còn vương vấn mãi trong tâm hồn.

Thi sĩ hoàn toàn không nói gì đến nỗi niềm thương thớ, tiếc nuối, nhưng những hình tượng đưa vào bài thơ đã dẫn độc giả đến chỗ cần đến. Thủ pháp Show, Don’t Tell (Gợi, Không Kể) thật tuyệt vời.

Tôi bỗng nhớ đến Cánh Đồng (2), một bài thơ khác của anh, cũng có thủ pháp “Gợi, Không Kể” kín kẽ, độc đáo. Đặc biệt là tứ thơ - việc thỏa mãn nhu cầu tình dục của phụ nữ - đã được anh đẩy xa đến tận cùng. Có điều thế trận của bài thơ hơi xộch xệch.

Khăn Quàng không có tứ thơ hay như thế nhưng từ ngôn ngữ thơ, thể thơ, cách gieo vần đến thế trận chữ nghĩa đều không một chút gì sơ sót. Có thể nói là bài thơ có kỹ thuật thơ hoàn hảo.

Nhà thơ nữ Đinh Thị Thu Vân đã có lần thố lộ là Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư:

Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối

Còn nửa kia, đành giữ lại để … nghi ngờ”

Nguyễn Đức Tùng đến với thơ, hà tiện hơn, không bằng nửa, mà chỉ bằng một phần rất nhỏ của trái tim. Phần lớn còn lại anh đã để khối óc rất thông minh sác bén của chính mình che khuất. Vì thế, mặc dù cả hai bài đều có kỹ thuật thơ điêu luyện (Khăn Quàng đã đến mức hoàn hảo), vẫn thiếu một thứ mà người đọc thơ sành điệu vô cùng khao khát: Hồn Thơ.

PHẠM ĐỨC NHì

CHÚ THÍCH:

1/ Bài thơ cũng được đăng trên trang web Diễn Dàn trong đó câu cuối bỏ bớt một chữ “gấp”. Tôi thấy gọn hơn nên chọn bài đó.

https://www.diendan.org/sang-tac/tho-nguyen-duc-tung

 2/ Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

 http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/12/canh-ong-mot-bai-tho-la.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn