Đọc Nho lâm Ngoại sử – Thức nhận lại chế độ khoa cử cũ

Thứ Bảy, 04 Tháng Tám 20184:00 SA(Xem: 5746)
Đọc Nho lâm Ngoại sử – Thức nhận lại chế độ khoa cử cũ

ExamSong.jpg

                    Lê Thời Tân

          Các nghiên cứu lịch sử cho thấy, Trung Quốc dưới thời Tần mỗi quận đều đặt hai chức quan văn võ ngang quyền. Đến đời Hán bắt đầu chỉ dùng quan văn. Từ sau đời Hán, thiên hạ loạn lạc quyền thống trị các quận chuyển qua tay một võ quan do vương hầu tiến cử. Cải cách tổ chức hành chính của Đường Thái Tôn có một ý nghĩa quan trọng. Vị hoàng đế này đã dần dần phế trừ các võ quan này, thay thế bằng những sĩ nhân có học vấn và phẩm hạnh do chính ông chọn lựa. Chế độ tuyển dụng đề bạt đó đã bắt đầu từ thời Tùy. Qua đời Đường, Thái Tôn Đế vẫn tiếp tục sử dụng và hoàn thiện thêm bằng việc bắt đầu tổ chức khảo hạch. Đường Thái Tôn thiết lập khoa thi tiến sĩ trọng văn từ và khoa minh kinh trọng kinh sử. Bộ Lễ được trực tiếp quản lí việc thi cử. Những người thi đậu muốn ra làm quan còn qua kì khảo hạch của Bộ Lại (như Hàn Dũ sau khi đậu tiến sĩ ba lần không qua được khảo hạch ở Bộ Lại). Như vậy là kể từ Đường, chế độ khoa cử chính thức trở thành một phần của lịch sử Trung Hoa. Đương nhiên vào lúc đó sức mạnh của các gia tộc môn phiệt vẫn còn. Con em của một số đại điền chủ và quý tộc quan liêu vẫn có thể ra làm quan mà không cần thi cử. Thế nhưng so với châu Âu cùng thời, tình hình đó tại Trung Quốc là không phổ biến. Tổ chức khoa cử thời Đường nhìn chung được đánh giá là nghiêm túc, công bằng. Sĩ tử nếu gian lận sẽ bị nghiêm trị, quan giám khảo cũng sẽ bị cách chức nếu phát hiện thấy làm sai quy định. Khác với các triều đại về sau, khoa cử thời Đường tuy trọng văn từ nhưng cũng không hoàn toàn xem nhẹ nhưng môn có tính kĩ thuật hay tính chuyên ngành mà ngày nay gọi là toán, luật, lịch sử và thư pháp. Thí sinh phải qua các môn đó mới nói đến bài thi kinh sách thơ văn. Chính sách dùng khảo tuyển hạch để chọn “kẻ trị dân” như thế gọi chung là chế độ khoa cử. So với bất kì quốc gia nào trên thế giới đương thời, chính sách đó là rất tiến bộ. Bất kì một học giả phương Tây nào, đặc biệt là các nhà triết học Pháp thế kỉ XIIX cũng đều nhất trí công nhận điều này. Chế độ khoa cử có tính dân chủ, khẳng định tài năng và trí tuệ, thủ tiêu đặc quyền cai trị của giai tầng quý tộc.

Khoa cử từ Tống về sau đã hoàn toàn thiên về coi trọng văn từ. Dư Anh Thời (Yu Ying-shih) viết trong Tựa cho cuốn sách Trí thức xưa và Văn hóa Trung Quốc (士與中國文化新本序)[2]: “Thời Tống trọng văn khinh võ. Để tranh thủ sự ủng hộ của “sĩ”, triều đình đã chọn dùng nhiều chính sách ưu đãi bao dung đối với giai tầng này”. [1 tr.3] Thời Minh quyết định dùng khoa cử văn bát cổ. Việc thi cử trên thực tế chỉ là dùng thể văn bát cổ giải thích bình luận câu chữ dẫn trích từ Tứ Thư, Ngũ Kinh. Tệ hơn nữa là, việc giải thích bình luận bằng bài văn tứ lục tám đoạn đó chẳng qua cũng chỉ là xáo xào sao chép lại nội dung bình chú kinh sách của Lí học Tống nho mà thôi. Tất nhiên bản thân thể văn bát cổ không có lỗi gì, nhưng việc quy định dùng thể văn đó để làm bài thi viết đi viết lại những nội dung sẵn có trong hàng trăm năm quả đã trở thành một tai họa cho nền văn minh Trung Hoa suốt hai triều đại Minh Thanh. Trên một mức độ nào đó, cần phải so sánh khoa cử bát cổ tại Trung Quốc cũ với đêm trường Trung cổ ở Âu châu. Trách nhiệm đương nhiên thuộc về tập đoàn thống trị. Bởi vì nếu chính quyền không sa vào kinh viện hóa và giáo điều hóa học thuật thì bản thân một thể văn không làm hỏng được nhân cách của con người. (Đám nhà nho Trung Hoa cận đại căm tức văn bát cổ, đổ lỗi mất nước cho văn bát cổ khác gì những người thợ thuyền đập phá máy móc vì cho rằng máy móc đã vắt kiệt sức của họ mà không biết tội đồ chính là giới chủ bóc lột giá trị thặng dư vậy). Huống hồ cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn chọn công vụ viên thông qua “khoa cử” dưới nhiều hình thức. Và điều phải rõ là “Khi “sĩ” trực tiếp tiến qua cánh cửa lớn của thế giới quyền lực, việc đảm nhiệm các chức vụ đã được bảo đảm bằng chế độ. Đó là điều mà học sinh tốt nghiệp của các trường học hiện đại ngày nay ngồi mà mơ tưởng” [1 tr.6].

            Như phần đầu bài viết đã nói rõ, thể chế khoa cử không phải hình thành ngay từ buổi đầu chế độ phong kiến. Nho nhân đời này qua đời khác nhắc truyền câu của đấng mà về sau chế độ phong kiến tôn xưng vạn thế sư biểu Sĩ nhi ưu tắc học, Học nhi ưu tắc sĩ” (Luận Ngữ 論 語 thiên 子張).[3] Đọc Luận Ngữ, ta thấy vào thủa ấy không thấy đức Khổng nói chuyện “khảo thí”. Qua hơn nghìn năm sau, Nho lâm Ngoại sử chỉ rõ cho độc giả thấy thực chất thời đại khi dựng tình tiết thầy đồ tú tài Mã Nhị giáo huấn nho sinh Khuông Siêu Nhân. Tú tài họ Mã giảng cùng chàng thư sinh trẻ tuổi: “Ngày nay nếu Khổng Phu Tử sống lại thì ngài cũng phải học để đi thi, quyết không giảng những là “Nói ít điều sai, làm ít điều phải thẹn” (ngôn quả vưu, hành quả hối). Vì sao? Vì nếu ngài cứ lo “nói ít điều sai, làm ít điều phải thẹn” thì ai cho ngài làm quan và đạo của Khổng Tử cũng không được nữa”[4] [4 tr.162; 5 tr.255]. Khổng Tử sinh thời bôn ba đôn đáo chuyện thực hiện học thuyết của mình. Vậy mà, thế quyền ai kẻ chấp nhận ngài? Câu nói tự ví mình là “chó nhà có tang 喪家之狗” (xem Khổng Tử Thế gia trong Sử Kí 《史記·孔子世家》) chính là một sự khái quát khá lâm li cảnh huống của một kẻ thủa hãy còn chưa được phong thành “vạn thế sư biểu”.  Lẽ nào cái kết luận “Khổng Tử mà sống thời nay cũng phải ôn luyện theo sách văn mẫu mà đi thi” (就是夫子在而今也要念文章做举业) mà ông tú họ Mã (đương thời tú tài mới chỉ là “chứng chỉ” mở đường cử nghiệp, muốn được bổ làm quan ít ra phải tiếp tục thi đậu cử nhân) hồ đồ tuyên bố đó lại không phải là một sự khái quát thực chất của mối quan hệ Đạo thống và Thế quyền hay sao? Thực ta không biết Khổng Tử nếu sống lại thì ngài có thi đậu được hay không nhưng điều chắc chắn là đấng sư biểu đã không biết học thuyết của mình có ngày được “độc tôn” (orthodoxy) và từng đoạn nhỏ mươi chữ trích từ sách của ngài thì trở thành đề thi tuyển “cán bộ” trong hàng trăm năm! Nho lâm Ngoại sử là bức tranh toàn đồ đám đông những tín đồ của khoa cử. Nhưng ta cũng thấy trong tiểu thuyết này những kẻ “chán thi”. Ngoài số đông chen chân đường khoa cử, Nho lâm ngoại sử cũng giới thiệu cùng độc giả một số đại biểu sĩ nhân đã chủ động giải phóng bản thân mình khỏi sự kiềm tỏa của vòng khoa hoạn. Như ta đọc thấy, cuốn tiểu thuyết  đã dành trọn hồi áp chót kể chuyện một nhóm bốn người gọi là tứ khách cầm kì thi họa từ bỏ cái học đi thi, tiến thân khoa cử để cam tâm chấp nhận cuộc sống lầm than nuôi sống lấy bản thân bằng đủ nghề mọn. Gạt qua một bên lối mĩ miều hóa bằng những cụm từ như “an bần lạc đạo” “ẩn dật”, ta không ngại dùng lại cụm từ của chính tác giả cuốn sách chúng tôi vừa dẫn (Trí thức xưa và Văn hóa Trung Quốc) – “xóa mình” (nguyên văn自我取消 tự ngã thủ tiêu) để khái quát hiện tượng “sĩ” bỏ nghiệp chính đi làm nông, làm thợ đặng giữ lấy tự tại và thiên lương.

            Tất nhiên, chúng tôi không có ý dùng một cuốn tiểu thuyết để phủ nhận toàn bộ chế độ khoa cử. Điều rõ ràng là giáo dục Nho gia đã liên tục đào dưỡng cho Trung Hoa một giai tầng đặc biệt gọi là “sĩ đại phu”. Đây là tầng lớp có ý thức tự giác mãnh liệt về nhân cách và phẩm hạnh bản thân. Những con người trong hàng ngũ sĩ đại phu chân chính luôn đặt trách nhiệm đối quốc gia và dân chúng lên hàng đầu, dám trực ngôn trước tối cao thống trị, bản thân an bần lạc đạo. Mỗi khi quốc gia lâm nguy, họ cũng là người xả thân vì nghĩa. Và giai tầng này luôn nhận được sự tôn kính chung của đất nước. Sự hưng vong của một triều đại trên thực tế có quan hệ gắn liền với tầng lớp sĩ đại phu. Học giả Mĩ Will Durant rất tán thưởng chế độ đã đào tạo nên giai tầng sĩ. Ông nói một xã hội đã biết dùng cổ điển học và triết học để đào dưỡng nên những con người cần cho quản lí và cai trị quốc gia – nội điểm đó đã đáng để cho thế giới kính phục. Một chỗ khác sử gia này cũng nói, giả sử Platon mà được biết điều đó thì chắc chắn ông cũng phải lấy làm kinh ngạc và vui mừng khôn xiết. [2 tr.312-313] Vậy nên có thể nói, vấn đề là phải xem nhà cầm quyền đã vận dụng ra sao và vận dụng với mục đích, động cơ gì một chế độ, một chính sách. Nhà nghiên cứu không nên chỉ ngồi bới tìm các lỗi lầm trên bản thân một chính sách. Trong Sử Trung Quốc, khi bàn thời kì suy vong của nhà Minh, Nguyễn Hiến Lê có luận về tệ nạn tham nhũng của hệ thống quan lại. Ông dẫn sử gia Pháp Eberhard – đoạn nêu nguyên nhân của việc tham nhũng. Nguyễn Hiến Lê nói tác giả Histoire de la Chine (Payot, 1952) W. Eberhard đã truy lần nguyên nhân tình trạng quan lại lại tham ô hủ bại dưới thời Minh từ việc phổ biến của thuật ấn loát. Eberhard cho rằng vì kĩ thuật in ấn phát triển cho nên số lượng kinh sách được in tăng mạnh, giá sách xuống thấp nên rất nhiều người đã có thể mua được sách để ôn thi. Phạm vi kiến thức được thu gọn, bài thi được trình thức hóa. Những điều đó càng kích thích sĩ tử mạnh dạn đi mở cánh cửa đầu tiên của khoa cử – tham gia kì thi tú tài. Nếu như trước đó chỉ có con em nhà quan, điền chủ dám ứng thí thì giờ đây con nhà bình dân có chí cũng đã có thể đi thi. Trên thực tế việc học không đến nỗi tốn tiền. Nhiều khoản khác như kinh phí từ nhà lên tỉnh rồi lên kinh ứng thí mới là vấn đề. Nếu như còn hối lộ khảo quan hay thi đậu xong muốn được ra làm quan thì tiền phải bỏ ra là không nhỏ. Kết quả là cho đến ngày bước được vào công đường nha môn thì bản quan không phải là phụng sự triều đình nữa mà là buộc phải ra sức nghĩ cách kiếm cho lại vốn. Nguyễn Hiến Lê dẫn Eberhard là để nêu thêm một cách lí giải về tình trạng tham nhũng trong xã hội thời Minh. [3 tr.300] Tuy vậy ta không ngại đọc Eberhard trong liên hệ với Nho lâm Ngoại sử để ít nhiều cảm nhận được mối liên hệ giữa những sa sút trong chế độ khoa cử với hủ bại chính trị và suy thái toàn xã hội.

            Một điều cần chú ý là, ngay khi được chính thức bắt đầu từ Đường, chế độ khoa cử đã bị giới hạn trong phạm vi văn hóa Nho gia. Mà văn hóa đó vì để thích dụng cho nền chuyên chế tập quyền mới cũng đã lần thứ hai (kể từ thời Hán với Đổng Trọng Thư) bị cải biến đi. Thực tế thì chế độ tiến cử trưng tịch hiền tài thời Hán chí ít còn chú ý đến phẩm hạnh. Dần dần cho đến thời Minh khi khoa cử đã định hình hẳn, vấn đề phẩm hạnh và tu dưỡng nhân cách đã không còn được chú ý nữa. Nho lâm Ngoại sử có hồi mở đầu kể chuyện nho nhân Vương Miện hay tin triều đình khâm định chế độ khoa cử bát cổ đã bình luận: Phép thi này không hay rồi! Tương lai kẻ sĩ chỉ có mỗi đường vinh thân này, những là văn hóa, phẩm hạnh, lẽ xuất xử đều bị coi khinh” (hồi 1) [4 tr.15; 5 tr.46].  Ý kiến phổ biến cho rằng khoa cử nói chung chỉ nghiêng về khảo sát năng lực văn từ và vốn kiến thức sách vở của sĩ nhân, còn như phẩm hạnh người thi thì rất khó đánh giá. Từ chỗ là một chế độ tiến bộ hơn thế tập quý tộc, tiến bộ hơn lối phong tước giao chức căn cứ vào quân công, khoa cử dần dà lại trở thành công cụ chính trị văn hóa của quân quyền. Khoa cử đã biến nho nhân thành nô tài của kẻ tự cho mình là hiện thân của Đạo – thiên tử. Khoa cử hậu kì với thể văn bát cổ khâm định, giáo điều và hình thức hóa cao độ phối hợp nhịp nhàng với các kì hương thi hội vừa khéo để cho phần đa sĩ nhân vớt vát được một “chứng chỉ” tú tài mở cánh cửa đầu tiên trên con đường “học ưu nhi thời nhiệm” – chuyển chữ thành quyền tiếp bước chuyển quyền thành tiền. Khoa cử hậu kì đã đánh đồng trí thức với đi thi, biến nho nhân thành người mất đi cả các kĩ năng sinh sống thông thường, đem các giá trị nhân sinh văn hóa phong phú giới hạn lại trong học gạo để đi thi ra làm quan. Nhìn từ một giác độ lịch sử văn hóa rộng lớn như thế ta có thể nói Nho lâm Ngoại sử chính là một trong những trang kí tải chân thực đáng đau đớn nhất về cuộc đọa lạc mà khoa cử đã gây ra cho sĩ trong tư cách là giai tầng có chữ bị biến thành động vật ứng thí của lịch sử Trung Hoa.

Thực ra, thời đại xã hội nào mà không định ra cho mình cái gọi là “chính đồ” (con đường xuất thân chính), vì thế mà yêu cầu một “học vấn” hoặc “chính nghiệp” tương ứng? Trong những xã hội đó, những kẻ đi “đường chính” của thời đại ngẩng cao đầu cười khinh những người “đi tắt”, ái ngại cho những người “lạc bước” và thương hại những kẻ “quy khứ” an bần lạc đạo. Độc giả dễ dàng tìm thấy cả ba hạng người đó trong Nho lâm Ngoại sử. Có thể nói, bằng việc trình bày thực chất khoa cử, Nho lâm Ngoại sử đã nỗ lực cắt nghĩa trở lại mối quan hệ giữa chính quyền và trí thức. Nho lâm Ngoại sử cho ta thấy trong cái thời đại mà nó mô tả, học vấn thực sự lại không liên quan đến chuyện đậu đạt. Tiểu thuyết này đồng thời cũng cho ta thấy học vấn và làm quan cũng chẳng liên quan gì với nhau. Thử xem tất cả các viên quan xuất thân cử nhân, tiến sĩ trong cuốn tiểu thuyết này ai là kẻ từng khổ công đọc sách? Bạn đọc không khó phát hiện rằng thực tế nếu không kể đến duy nhất một kẻ khổ học nhưng lại không thể đi thi là con gái quan Biên tu họ Lỗ[5] ra, trong tiểu thuyết chỉ có mỗi cậu thiếu niên nho sinh Khuông Siêu Nhân là có một quãng ngắn thời gian “sôi kinh nấu sử” thực sự. Hai thầy trò luống tuổi Chu Tiến Phạm Tiến kể chuyện ở đầu sách cũng chỉ là “khổ thí” chớ không có chuyện khổ học. Mà cả thầy lẫn trò đậu cao ra làm quan cũng chủ yếu là gặp may. Viết tốt hay viết dở với chuyện thi đậu hay không cũng chẳng có quan hệ tất yếu gì với nhau. Đọc chuyện Chu Tiến chấm bài thi của Phạm Tiến là đủ biết điều đó. Điều quan trọng trong cử nghiệp như nhiều nhân vật đã chỉ ra là phải biết vận dụng tổng hợp nhiều tri thức bên ngoài trường thi mới hòng đối phó nổi các kì khảo thí. Ngoài ra chuyện đó ra thì chỉ còn hai chữ may rủi nữa mà thôi. Thực tế tự sự các câu chuyện lều chõng của các nhân vật trong tiểu thuyết chỉ rõ điều đó. Còn như những nho sĩ soạn sách ôn thi đáng gọi là cử nghiệp lí luận gia trong tiểu thuyết như Mã Nhị, Tiêu Kim Huyền cũng đâu dám lấy thân làm gương ra đi thi cướp cái bảng vàng? Khi Đạo thống đã bị Thế quyền tùy ý đùa giỡn thì tất cả đều trở nên “mạt hữu bằng cứ” (“không có căn cứ gì” – xem bài từ mở đầu cuốn tiểu thuyết). “Học để đi thi – đậu đạt làm quan” (chính đồ – tác quan) đã trở thành đạo sống của sĩ nhân. Thế mà cũng chỉ những kẻ cơ hội đầu cơ chủ nghĩa, giỏi nắm bắt tình hình hoặc ôm tâm lí cầu may mới có khả năng thành công trên con đường “chính đồ” – lối dẫn vào hoạn lộ này. Tự sự trong Nho lâm Ngoại sử dẫn dẫn ta đi đến chỗ ngộ ra một điều là – để có thể tọa hưởng giang sơn, đảm bảo quyền lợi riêng, tối cao thống trị thà thực hiện chính sách ngu dân, bóp nghẹt văn hóa chứ không cần đến một tầng lớp có lương tri và tri thức. Đương nhiên không có đế chế nào là vĩnh viễn. Có thể một chế độ độc tài với hình pháp khắc nghiệt và bộ máy công vụ viên thạo nghề (tức pháp trị hà khắc) có khi còn hay hơn một chế độ nhân trị mù mờ, quan lại vô học bất tài nhưng vẫn nghĩ mình là đại diện cho một chính đạo cao cả (thừa thiên hành đạo, cha mẹ dân). Thế nhưng dù gì thì cuối cùng tất cả sẽ sụp đổ. Nho lâm Ngoại sử từ việc lựa đề tài, chọn bối cảnh, tổ chức tự sự, xây dựng hệ thống hình tượng cho đến bố cục kết cấu, từ đặt nhan đề trang bìa qua đặt hồi giáo đầu (tiết tử) cho đến kết thúc bằng hồi “vĩ thanh” (u bảng) sao chép văn bản hành chính truy phong tiến sĩ cập đệ cho mồ ma mấy thế hệ nho nhân (hồi 56)[6] [4 tr.302]… tất cả đều dồn người đọc đi đến chỗ nhận ra mối quan hệ giữa thế quyền và đạo thống – một mối quan hệ biểu hiện tập trung ra trên con người giai tầng “độc thư nhân” – sĩ, hạng mà khoa cử đã biến thành động-vật-ứng-thí.

Giữ một thái độ tỉnh táo, Ngô Kính Tử đã dồn sức cả đời mình vào việc nhận thức chân lí thời đại và thực chất lịch sử dân tộc. Nho lâm Ngoại sử chính là kết quả, là biểu hiện của nhận thức đó. Trong lịch sử văn học, những văn nhân khái quát được thời đại và lịch sử vào trong một tác phẩm không phải là nhiều. Nếu ta biết được chẳng hạn một thế kỉ sau đại văn hào Nga L.Tolstoi cũng đã vất vả một đời để cố gắng khám phá chân lí thời đại thì ta mới thấy được sự vĩ đại của Ngô Kính Tử. Mà sự vĩ đại của Ngô Kính Tử cũng không có cái dáng vẻ lừng lững chói ngời như Tolstoi. Độc giả Trung Quốc không khó phát hiện ra ở bản thân Tolstoi đôi nét nhân vật Đỗ Thiếu Khanh của Ngô Kính Tử. Và trong một loạt hình tượng nhân vật lí tưởng của đại văn hào Nga, nhiều ít đều có bóng dáng của các nhà lễnhạcbinhnông trong Nho lâm Ngoại sử. Chỉ có điều tác giả của Chiến tranh và Hòa bình và Anna Kareninna thì chân thành, lão thực còn Ngô Kính Tử thì ngược lại – giống người cùng thời của Tolstoi là Anton Trekhov thường vẫn chỉ mỉm một nụ cười hài hước thâm trầm. Những cách hiểu đại loại – tác giả Nho lâm Ngoại sử đang giả thác chuyện dưới thời Minh để phê bình khoa cử bát cổ cùng thói đam mê công danh phú quý của sĩ nhân đương thời, suy cho cùng chỉ là đang đơn giản hóa vấn đề. Nhiệm vụ quan trọng của nhà văn là phản tư trở lại cả một nền văn hóa của dân tộc, là xét xem truyền thống văn hóa đó đã ảnh hưởng ra sao đến văn minh của cả một quốc gia và tính cách của cả một giai tầng xã hội chứ không chỉ là phê phán tố cáo những tệ nạn dị đoan, tật bệnh đã đến hồi bùng phát, lan nhiễm phổ biến. Còn như đơn thuốc cứu chữa xã hội thì đó là việc của lịch sử. Diễn biến trên mảnh đất bao la của dân tộc viết chữ khối vuông từ sau đế chế Thanh cho đến Trung Hoa Dân Quốc rồi Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc chẳng nhẽ lại không giúp gì cho bạn đọc ngày nay trong việc cắt nghĩa câu chuyện Nho Lâm? Câu chuyện mà con người đã kể ra nó từng hạ bút kết thúc cuốn sách của mình với dòng cảm thán “viết ra kể cũng đau lòng” (tả nhập tàn thiên tổng đoạn trường – câu cuối cùng của bài từ kết thúc tác phẩm)! Hơn một thế kỉ sau thời tác giả Nho lâm Ngoại sử  chế độ khoa cử đã được bãi bỏ, Trung Hoa Dân Quốc hiện đại hóa giáo dục theo phương Tây. Và rồi từ 1949, Trung Hoa đại lục lại bước vào một thời đại mới. Nền giáo dục của Trung Quốc giờ đây vẫn bị ám ảnh bởi bóng ma của khoa cử. Sĩ nhân xưa học để đi thi ra làm quan thì giờ đây học sinh các cấp lại học để ứng phó với các kì thi lấy chứng chỉ-văn bằng đủ loại, sinh viên chỉ lo qua cho được các kì thi để tốt nghiệp tìm chỗ làm. Năm 2005, một tờ báo lớn của Trung Quốc  Nam phương Tuần báo[7] đăng bài “Thi cử chuẩn hóa có thể được bãi bỏ” gây chú ý đặc biệt trong dư luận. Tác giả bài báo đã phỏng vấn một cựu giáo sư Đại học Thanh Hoa.[8] Vị giáo sư này cho rằng: Dưới sự không chế của của nền giáo dục ứng thí, thi cử đã trở thành tiêu chuẩn đo lường giáo dục duy nhất. Nó làm cho gánh nặng của học sinh ngày càng nặng nề thêm. Thi cử chuẩn hóa[9]– hình thức đang được đề cao và thực hiện rộng rãi hiện tại là một phương pháp lạc hậu rất không khoa học nhập khẩu từ nước ngoài vào. Hình thức này đang bóp nghẹt tài năng và thiên bẩm của học sinh. Ông cũng nói thêm chỉ khi loại bỏ cái vòng kim cô “giáo dục kế hoạch hóa” với những “thống nhất đề cương, thống nhất giáo trình và sách giáo khoa, thống nhất thi cử” thì các vấn đề trên mới có thể có cơ giải quyết. “Ôn cố tri tân” – đọc Nho lâm Ngoại sử trong liên hệ với tình hình giáo dục Trung Quốc hiện tại cũng là một dịp trông người gẫm ta vậy.

                                                                                                                                              Thiên Tân 2004-2008 Hà Nội


Chú thích:

[1] Nho lâm Ngoại sử儒林外史》bản dịch tiếng Việt Chuyện làng Nho. Tất cả các đoạn dẫn tác phẩm trong bài này đều dẫn dịch từ [4] Nho lâm Ngoại sử, Tân thế giới xuất bản xã, bản in 2001 [4]; Số trang đối ứng bản dịch ở đây thống nhất dẫn theo bản dịch tiếng Việt [5] Chuyện làng Nho, Nxb.Văn Học, bản in 2001.

[2] Nguyên văn tác giả dùng chữ “sĩ”. Trong những trường hợp cụ thể có thể cần phân biệt sĩ nhân và nho nhân. Tuy vậy không ngại gọi chung là “trí thức xưa”. “Sĩ nhân” (士人) thời hiện đại tiếng Hán gọi là 知識份子 (âm Hán Việt “tri thức phần tử”; trong tiếng Hán hiện đại từ “phần tử” này thường dùng kết hợp với các từ “phản động”, “tư sản” để cấu tạo nên cụm danh từ xác định “loại/hạng/kiểu người”), nếu chỉ số đông có thể dùng từ 知識界 (âm Hán Việt “tri thức giới”). Trong lúc đó tiếng Việt của ta có từ “trí thức” (intellectuals, gọi gọn “trí” – chẳng hạn trong câu “trí phú địa hào…”) bên cạnh từ “tri thức” (knowledge).

[3] Nguyên văn câu trong Luận Ngữ      ,     .  Ngày nay, Trung Quốc phổ biến cách nhại Luận Ngữ “Học nhi ưu tắc sĩ” “Sĩ nhi “ưu” tắc học” (“học mà giỏi thì ra làm quan” “làm quan “giỏi” thì đi học”.  Có người nói câu chuyện  đó cho thấy vấn đề gọi là “quan bản vị của giới học thuật” trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Nhân tiện xin nói rõ, trong Hán ngữ chữ “sĩ” với nghĩa “làm quan – sĩ hoạn” và chữ “sĩ” trong  chẳng hạn cụm từ “sĩ nông công thương” (sĩ nhân) là từ đồng âm.

[4] Hồi 13, nguyên văn: 就是夫子在而今,也要念文章、做举业,断不讲那‘言寡尤行寡悔’的话。何也?就日日讲究‘言寡尤行寡悔’,那个给你官做?孔子的道也就不行了。

[5] Lỗ Biên tu là người tôn sùng khoa cử bát cổ. Chẳng có con trai để nối đường thư hương trong lúc cô con gái lại rất giỏi văn bát cổ ứng thí! Trong tư cách là con một, Lỗ Tiểu thư trên thực tế chỉ còn biết biểu hiện chữ hiếu với cha qua việc tôn sùng việc học để đi thi – chế nghệ độc tôn chủ nghĩa. Hành động chí đồng đạo hợp của cô có lẽ đã bù đắp phần nào cho nỗi buồn thẹn không có con trai nối đạo nhà của ông Biên tu. Nỗi buồn thẹn đó đương nhiên còn trầm trọng thêm vì tư tưởng “bất hiếu vô hậu” của lí luận đạo Nho và thực tế dân gian cho rằng trời báo ứng đời làm quan của ông ta. Vậy mà cũng chính vì “tiểu thư làm văn, luận lí chân thực, phép tắc lão luyện, kết gấm nở hoa”(hồi 11) [4 tr.133] mà nỗi đau không có con trai của phụ thân chắc lại càng thêm trầm trọng. “Giả sử là con trai thì đậu đến mấy tiến sĩ, trạng nguyên rồi!” Điều nực cười là, Lỗ tiểu thư cũng vì mê đắm vào cái đẹp của văn đi thi nên không những không có thú vui tuổi thơ ấu mà đến cả cái ngọt ngào của đêm tân hôn cũng không biết mùi vị ra sao (xem Lỗ Tiểu thư chế nghệ nan tân lang – Hồi 11; Bản dịch tiếng Việt: Lỗ tiểu thư buộc tân lang làm kinh nghĩa). Trước đó, quan Biên tu thấy con rể Cừ Công tôn văn đi thi mà dám viết lẫn thi từ thì đã hết sức thất vọng, chê “không phải là văn chương đứng đắn” (hồi 11) [4 tr.135]. Lại thêm chuyện phu nhân không cho “lấy thêm nàng hầu, sớm đẻ thằng con trai, dạy nó học để nối dòng thư hương nhà tiến sĩ” (hồi 11) [4 tr.141) làm cho ông “hết sức tức giận” “sẩy chân trượt ngã, đổ bệnh không ngồi dậy được”. Lang trung Trần Hòa Phủ thăm bệnh nói quan Biên tu “thân tại giang hồ mà lòng treo nơi cung khuyết”, “ưu sầu u ất”, hư hỏa cuồng động. Đang lúc bệnh nặng thì bất ngờ được tin vui triều đình thăng chức Thị độc. Vốn đã tuyệt vọng đường thăng tiến, tính chuyện cáo việc về quê nay thình lình đại hỉ chẳng khác gì thân thể suy nhược mà phục thuốc đại bổ. Kết quả là quan Biên tu đờm suyễn đại phát, chết ngay trên giường. Câu chuyện cha con Lỗ Biên tu được Ngô Kính Tử trần thuật với một bút pháp phúng dụ kín đáo và sâu sắc.

[6] Chúng tôi theo quan điểm Nho lâm Ngoại sử 56 hồi. Tại Trung Quốc bản in phổ biến của nhà xuất bản quyền uy là Nhân dân Văn học Xuất bản xã “kết” ở hồi 55 (Chuyện Làng Nho dựa theo bản của Nhân dân Văn học Xuất bản xã nên cũng chỉ có 55 hồi). Chúng tôi trước sau giữ quan điểm khẳng định Nho Lâm Ngoại Sử 56 hồi. Quan điểm của chúng tôi là, tạm thời gác hẳn sang một bên vấn đề khảo cứu văn bản học, chỉ xuất phát từ logic nội tại của tác phẩm (inner logic), nhất quán một lập trường nghiên cứu tổng thể các phương diện tác phẩm từ thể loại, kết cấu, chủ đề-tư tưởng để khẳng định bản 56 hồi. Hồi 56 này quen được gọi là “U Bảng” (bảng vàng tiến sĩ cho các u hồn nhà nho) do chỗ kể chuyện bộ Học tấu trình triều đình xét hồ sơ mồ ma các sĩ nhân từng thi trượt hay không đủ điều kiện đi thi để truy phong một “Bảng tiến sĩ cập đệ” cho họ trong một buổi tế lễ ở Văn miếu Quốc tử Giám. Việc “từ chối” hồi truyện này của số đông các nhà khảo cứu theo chúng tôi chắc chắn có nguyên do từ việc không cảm nhận được ý vị mỉa mai “chính sách văn hóa” khoa cử sâu sắc của tác giả cuốn sách.

[7] Báo 南方周末 (Nanfang Zhoumo Southern Weekly hay Southern Weekend). Bài phỏng vấn đăng số 24/2/2005.

[8] Giáo sư Tôn Phục Sơ孙复初 (Sun Fuchu). Ông cũng chính là tác giả của bộ Tân Anh Hán Khoa học Kĩ thuật Từ điển (新英汉科学技术词典). Sau khi nghỉ hưu mở blog (sunfuchu.blog.sohu.com) phát biểu nhiều ý kiến về giáo dục Trung Quốc.

[9] Anh ngữ: Standardized Test hay Standardization Examination, được Bộ Giáo dục Trung Quốc áp dụng thử nghiệm trước tiên tại Quảng Đông từ 1985-1988.

Tài liệu tham khảo

[1] 余英時 《士與中國文化》上海人民出版社  2002.

[2] Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb.VHTT, 2006.

[3] Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, quyển I, Nxb. Văn Hóa, 1997.

[4] 吳敬梓儒林外史(清凉布褐陈美林批评校注)新世界出版社 出版 2001.

[5] Ngô Kính Tử, Chuyện Làng Nho, Phan Võ-Nhữ Thành dịch, Nxb.Văn Học, Hà Nội, 2001.

[6] 黎时宾 (Thoitan Le)《儒林外史》新诠 (博士论文-导师陈洪教授)南开大学5/2004.

[7] Lê Thời Tân, “Sĩ nhân trên chiếc cầu khoa cử bắc giữa Đạo Thống và Thế Quyền (Lạm bàn nội hàm văn hóa tiểu thuyết Nho lâm Ngoại sử)”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 02(87), 2015.

Nguồn: Bài in lần đầu trên Chuyên san Nghiên cứu Giáo dục, Tập 31, Số 3 – 2015 (Tạp chí Khoa học ĐHQGHN – VNU Journal of Science, ISSN 0866-8612).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 06 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD ) ôi thôi rồi nồi xôitrên dòng nước chẩy xiết
Thứ Tư, 05 Tháng Chín 20185:03 CH
( HNPD )Một màu tang trên mảnh đất quê hương /Món nợ này chúng ta chưa trả hết
Thứ Tư, 05 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD )lấy cài gì mà đút vào mồmđành dẹp luôncả thơ lẫn văn
Thứ Ba, 04 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD )ờ ờ chó mắc lẹo 2 bên 2 cái đầu ở giũa đánh xà nẹo
Thứ Hai, 03 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD ) hưỡn chép lại pho Lục Vân Tiên duy trì lòng trung quân ái quốc
Chủ Nhật, 02 Tháng Chín 20186:07 SA
( HNPD ) thơi Thực Dân có borden militaire /thời hậu hiện đại có Nhà Thổ