Việt ngữ trong môi trường tiếng Anh - Ts. Lê Thiện Phúc ( TVQ, Úc Châu chuyển )

Thứ Năm, 26 Tháng Bảy 20183:15 SA(Xem: 4692)
Việt ngữ trong môi trường tiếng Anh - Ts. Lê Thiện Phúc ( TVQ, Úc Châu chuyển )

Ts. Lê Thiện Phúc

https://www.ngo-quyen.org/images/file/1bUY2x2a0QgBAB86/ngon-ngu.jpg

Hình ảnh minh họa của ngo-quyen.org.


Ngày nay khi sự giao tiếp lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều lãnh vực khác nhau thì nhu cầu chuyển ngữ bắt đầu lan rộng trong môi trường tiếng Anh như ở Mỹ, Úc, Canada và Anh Quốc khi người Việt có mặt khá đông đảo tại các quốc gia nầy.

Việc chuyển ngữ từ tài liệu viết bằng chữ Việt sang chữ Anh khá phổ thông và cần thiết khi người ta thiết lập các hồ sơ liên quan tới người Việt tại các quốc gia nói tiếng Anh như vừa nêu. Về phương diện ngôn ngữ học thì cái giá trị hay phẫm chất của một bản dịch dựa vào phẫm chất của cả hai ngôn ngữ gốc (Việt) và ngôn ngữ dịch (Anh) mà người dịch cần phải am tường cả hai ngôn ngữ.

Sau nhiều năm nghiên cứu về ngôn ngữ học và kinh nghiệm trong ngành phiên dịch Việt – Anh, tôi xin nêu ra đây nhận xét về tình trạng viết chữ Việt trong môi trường tiếng Anh; nghĩa là tài liệu Việt ngữ dùng trong môi trường tiếng Anh như sau:

Một cách tổng quát trong tài liệu Việt ngữ, ý tứ trình bày không có thứ tự rõ ràng, với nhiều đoạn hay nhiều câu không có liên quan tới chủ đề nên không cần phải viết. Thí dụ khi nói về sự quan hệ giữa hai người thì không cần phải mô tả về thời tiết nắng mưa! Khi trả lời một câu hỏi, người Việt mình thường có thói quen không trả lời trực tiếp mà hay đi lòng vòng theo kiểu nhập đề luân khởi! Đây là một điều tối kỵ trong văn hóa tiếng Anh.

Về cách viết tên họ của người Việt mình cũng rất phức tạp, nếu không khéo sẽ gây ra nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Thí dụ trong một bức thư diễn tả về mối quan hệ vợ chồng của một người bạn, thay vì viết bình thường Nguyễn Thị Kim Thúy thì lại viết Thúy Kim Thị Nguyễn! Trong chữ Việt đâu có khi nào người ta viết ngược ngạo như vậy, nhưng người viết có lẽ vì nghe đồn lỏm bỏm đâu đó nghĩ rằng trong thế giới tiếng Anh người ta hay viết ngược ngạo như vậy nên khi viết một văn bản chữ Việt họ cũng bắt chước viết ngược như vậy! Thực ra dù viết để dùng trong môi trường tiếng Anh khi viết tên người Việt một cách trọn vẹn, có lẽ an toàn nhất là ta viết theo thứ tự bình thường “Nguyễn Thị Kim Thúy”. Kể cả khi dịch sang tiếng Anh cũng nên viết theo thứ tự như vậy mặc dù không bỏ dấu – Nguyen Thi Kim Thuy, không cần phải lo cho người đọc không biết chữ nào là tên, chữ nào là họ; bởi vì họ có cách tham khảo để biết khi họ muốn biết chắc tên họ của một người Việt. Thật ra trong tiếng Anh khi người ta viết tên của một người thì viết tên trước (first name) rồi mới tới họ (surname), còn mấy chữ lót thì viết tắt một chữ thôi, thí dụ Thuy Nguyen T. K.

Trong mấy năm gần đây, hay nói đúng hơn là từ sau năm 1975 khi chế độ cộng sản khống chế toàn cõi đất nước Việt Nam, cách viết chữ Việt dần dần thay đổi kèm theo một số từ ngữ nghe rất chỏi tai đặc biệt là đối với người dân miền Nam; ví dụ như người ta thay chữ ph bằng f như trong chữ “phải” thì người ta viết là “fải”. Chữ y thì thay bằng chữ i và ngược lại như trong chữ bác sĩ thì người ta viết bác sỹ. Thanh Thúy nếu thay chữ y bằng chữ i thì nó thành ra Thanh Thúi ! Chưa hết một số danh từ riêng như Nhà thương Tử Vũ thì người ta đổi thành “xưởng đẻ”, máy bay trực thăng thì họi gọi là máy bay lên thẳng, thủy quân lục chiến thì gọi là lính thủy đánh bộ v.v.

Thôi thì khi người ta nắm quyền lực trong tay rồi thì mặc sức thay đổi dù nghe rất chỏi tai khi chưa quen. Tệ hại hơn nữa ngay cả cái tên nước của người ta mà họ còn tự ý thay đổi như Australia thì đổi thành “Ô-Xì-Trây-Lia”. Đây là một cách làm rất bỉ ổi và dốt nát vì khi đổi như vậy thì không còn ai biết đó là nước nào! Nếu muốn Việt hóa tên nước của người ta thì đã có sẵn là Úc hay Úc Đại Lợi đã có từ thời xa xưa rồi, mặc dù cái tên Australia thì không cần phải thay đổi gì hết cho dù là khi viết một văn thư bằng chữ Việt đi nữa; bởi vì không ai có quyền đổi tên của người khác hay của một quốc gia khác cả.

Khi viết một bản văn ta cần nên để ý một điều là mình đang chuyển gởi ý tưởng của mình cho người đọc hiểu qua hình thức chữ Viết. Cho nên ta phải luôn luôn cẩn thận trong việc chọn chữ cho thích hợp; nếu không người đọc sẽ hiểu sai ý của ta thì không hay lắm! Cũng tương tự như vậy, người dịch cũng phải cân nhắc chọn chữ thích hợp để chuyên chở đúng cái ý của người viết trong ngôn ngữ gốc (Việt). Nên lưu ý rằng chữ viết là vật vô tri mà ta muốn dùng nó để làm nhiệm vụ chuyên chở hay diễn đạt cái ý của ta. Trong trường hợp nầy người dịch cần phải có đủ khà năng hiểu ý chứa trong ngôn ngữ gốc (Việt) lại còn phải có đủ khả năng chuyển tải cái ý gốc đó qua ngôn ngữ dịch. Trong cả hai trường hợp chọn chữ thích hợp và chính xác là một điều tối cần thiết đối với người dịch.

Khi viết một văn thư bằng Việt ngữ để dùng trong môi trường tiếng Anh như khi viết một bức thư lên ông Bộ Trưởng Di Trú chẳng hạn, người viết nên cố gắng viết cho có thứ tự mạch lạc, rõ ràng. Phải biết cân nhắc không viết ngoài vấn đề mà mình muốn nêu lên. Nên nhớ là phải biết rõ ràng mình muốn nêu ra điều gì rồi chọn từ ngữ cho chính xác mà dùng. Có như vậy người dịch mới dễ nắm vững cái ý của mình để đạt trong tiếng Anh được.

Người viết một văn bản bằng chữ Việt thường không rành tiếng Anh nên không cần phải nghĩ tới cách viết theo kiểu tiếng Anh làm gì (như trong trường hợp viết tên đảo ngược nêu trên). Nếu mình cảm thấy không tự tin về cách viết một bản văn mạch lạc bằng chính chữ Việt của mình thì không cần phải tự ái hay cố chấp mà viết bản văn ấy mà nên nhờ người có khả năng hay nhờ người dịch viết cho mình càng tốt hơn.

Một tệ trạng thông thường nhất mà tôi nhận thấy qua các văn bản chữ Việt dùng lãnh vực di trú. Người viết một bản tường trình về mối quan hệ giữa hai người thường không hiểu là có sự khác biệt giữa văn hóa Việt và văn hóa Anh Ngữ cho nên cách trình bày một vấn đề cũng khác nhau. Trong văn hóa Anh Ngữ thì người ta trình bày trực tiếp khi muốn bày tỏ một ý tưởng nào đó, chớ không nói lòng vòng như trong văn hóa Việt của mình. Muốn nắm rõ hơn về cách trình bày một văn bản bằng Việt ngữ thích hợp trong môi trường Anh Ngữ thì người viết phải luôn luôn suy nghĩ xem cái ý chính của mình muốn trình bày là gì để từ đó tìm từ ngữ thích hợp mà dùng. Không nên viết những câu thừa thải, không đi lạc đề mà phải tập trung vào ý chính mà mình muốn trình bày.

Trên đây chỉ là một số ít ý kiến cá nhân, đưa ra trong phạm vi hiểu biết giới hạn của tôi trong lãnh vực ngôn ngữ, một lãnh vực rất bao la và phức tạp bởi vì nó liên quan diễn biết tư tưởng con người. Ngoài ra, ngôn ngữ còn là một phần của văn hóa, vốn dĩ vô cùng phúc tạp và rất khó định nghĩa một cách chính xác. Tuy nhiên, một cách đơn giản, tôi có thể nói rằng văn hóa là giá trị tinh thần do con người tạo ra và áp dụng qua hành động thực tiễn qua thái độ, ngôn ngữ, và biểu hiện cảm xúc theo từng giai đoạn thời gian và hoàn cảnh thực tế chung quanh.

Sau cùng tôi muốn xin nhất mạnh ở đây là trong ngôn ngữ không có chuyện đúng hay sai, bởi vì thể hiện của ngôn ngữ nói hay viết là bắt nguồn từ tư tưởng của con người; vậy thì người nghe hay người đọc làm sao biết được cái diễn biến trong tư tưởng của người khác như thế nào mà có thể đánh giá là đúng hay sai ! Nếu nói sự đánh giá sự thể hiện ngôn ngữ của một người căn cứ vào kiến thức hay sự hiểu biết cá nhân của mình thì lại là một điều hoàn toàn thiếu khách quan, và không có gì chắc chắn cả, bởi vì kiến thức hay sự hiểu biết cá nhân của một người là cái gì? Và lấy gì bảo đảm nó hoàn hảo?

Tôi xin nêu ra các câu hỏi nầy nhằm mục đích khuyến khích mọi người suy gẫm và thận trọng khi phê phán đúng hay sai trong sự thể hiện ngôn ngữ của người khác vậy. Ước mong chúng ta có một diễn đàn hay những cuộc hội thảo về “Việt ngữ trong môi trường tiếng Anh” để chúng ta có cơ hội bàn thảo rộng rải thêm.

Ts. Lê Thiện Phúc chuyển

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn