"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh"

Thứ Năm, 28 Tháng Sáu 20184:00 SA(Xem: 5420)
"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh"

Gerry Shil
Trần Quốc Việt dịch

tqv_gerryshil
Omir Bekali khóc khi kể lại bao căng thẳng tâm lý anh đã chịu trong trại giam ơr Trung Quốc. Hình: Ng Han Guan / AP.

5/18/2018 - Almaty, Kazakhstan (AP) - Hết giờ này sang giờ khác, hết ngày này sang ngày khác, Omir Bekali và những tù nhân khác ở những trại học tập chính trị mới mở ra ở vùng viễn tây Trung Quốc phải từ bỏ đức tin Hồi giáo của họ, tự phê và phê những người thân yêu của họ và bày tỏ lòng biết ơn Đảng Cộng Sản cai trị.

Khi Bekali, người Hồi giáo Kazakh, từ chối làm theo nội quy mỗi ngày, anh bị bắt đứng vào tường suốt năm giờ liền. Tuần sau, anh bị biệt giam và tại đây anh bị bỏ đói một ngày. Sau 20 ngày trong trại được canh gác rất chặc chẽ này, anh muốn tự tử.

"Áp lực tâm lý cực kỳ lớn, khi người ta phải tự phê, phải tố cáo suy nghĩ của mình-tố cáo chính dân tộc mình," Bekali nói rồi bật khóc ràn rụa khi kể lại thời gian ở trong trại. "Tôi vẫn nghĩ về nó hằng đêm, cho tới lúc trời rạng sáng. Tôi không ngủ được. Lúc nào tôi cũng nghĩ ngợi đến chuyện tù."

Kể từ mùa xuân vừa qua, nhà cầm quyền Trung Quốc ở vùng Tân Cương nơi đa số dân chúng theo Hồi giáo đã gài bẫy bắt giam hàng chục, có thể hàng trăm ngàn người Trung Quốc theo đạo Hồi - và cả những công dân nước ngoài - trong những trại giam tập trung. Chiến dịch giam cầm này đã và đang càn quét khắp vùng Tân Cương, một lãnh thổ có diện tích bằng nửa Ấn Độ, khiến cho một ủy ban Hoa Kỳ về Trung Quốc vào tháng qua đã phải thốt lên "đây là cuộc tống giam dân chúng thiểu số tập thể lớn nhất trong lịch sử thế giới ngày nay."

Các viên chức Trung Quốc hầu như tránh bình luận về những trại này, nhưng truyền thông nhà nước đã trích dẫn lời của nhiều viên chức cho rằng thay đổi ý thức hệ là cần thiết nhằm chống lại chủ nghĩa ly khai và khuynh hướng Hồi giáo cực đoan. Trong những năm gần đây những người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo cực đoan đã giết hàng trăm người, cho nên Trung Quốc coi vùng này là mối nguy cơ cho an ninh trong quốc gia nơi đa số là người Trung Quốc dân tộc Hán.

temp-danlambao.png
Camera hiện diện khắp nơi để theo dõi và giám sát cả một dân tộc. Tranh của Foreign Policy.com

Chương trình giam giữ tập trung này nhằm mục đích làm thay đổi hoàn toàn tư tưởng chính trị của tù nhân, xóa bỏ đức tin Hồi giáo của họ và thay đổi chính cả bản sắc của họ. Trong năm qua những trại này đã mở rộng nhanh chóng mà hầu như không có thủ tục tư pháp hay văn bản pháp luật. Tù nhân nào chỉ trích mạnh mẽ nhất dân tộc mình và những điều họ yêu thích thì được ban thưởng, còn ai từ chối làm thế thì bị phạt biệt giam, đánh đập và bỏ đói.

Hồi tưởng của Bekali, 42 tuổi người rắn chắc và trầm lặng, có vẻ như là sự kể lại đầy chi tiết nhất cho đến nay về cuộc sống ở bên trong cái gọi là những trại cải tạo. Hãng thông tấn Associated Press cũng thực hiện những cuộc phỏng vấn hiếm hoi với ba cựu tù nhân khác và một thầy giáo ở những trung tâm khác và họ đã chứng thực lời miêu tả của Bekali. Hầu hết họ đều nói với điều kiện ẩn danh để bảo vệ gia đình họ ở Trung Quốc.

Trường hợp của Bekali nổi bật vì anh là công dân ngoại quốc, của Kazakhtan, bị các cơ quan an ninh Trung Quốc bắt giữ và giam cầm bất hợp pháp trong tám tháng vào năm ngoái. Mặc dù nhiều chi tiết không thể nào kiểm chứng, nhưng hai nhà ngoại giao Kazakh đã xác nhận anh đã bị giam giữ trong bảy tháng và rồi đưa đi cải tạo.

Chương trình giam giữ này là đặc trưng của bộ máy an ninh nhà nước đã trở nên bạo dạn dưới sự cai trị theo đường lối cứng rắn, mang nặng tinh thần dân tộc của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chương trình phần nào bắt nguồn từ niềm tin từ xa xưa của người Trung Quốc vào sự cải tạo qua giáo dục - có lần đã diễn ra trước đây đến mức cực đoan kinh hoàng trong những chiến dịch cải tạo tư tưởng tập thể của Mao Trạch Đông, lãnh tụ Trung Quốc mà thỉnh thoảng Tập bắt chước như ông.

"Thanh lọc văn hóa là mưu toan của Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp cuối cùng cho vấn đề Tân Cương," James Millward, sử gia về Trung Quốc ở Đại học Georgetown nói.

Rian Thum, giáo sư ở Đại học Loyola ở New Orleans, nói hệ thống cải tạo của Trung Quốc lặp lại nhiều vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong lịch sử.

"Sự so sánh gần gũi nhất có lẽ là cuộc Cách mạng Văn hóa ở chỗ hệ thống cải tạo này sẽ gây ra những hậu quả tâm lý lâu dài," Thum nói, "Điều này sẽ tạo ra sự chấn thương tâm lý qua nhiều thế hệ mà nhiều người sẽ không bao giờ bình phục."

Được yêu cầu bình luận về những trại này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bộ "đã không nghe" về tình trạng này. Khi được hỏi tại sao những người không phải là người Trung Quốc lại bị giam cầm, bộ nói chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền của người nước ngoài ở Trung Quốc nhưng họ cũng nên tôn trọng luật pháp. Những viên chức Trung Quốc ở Tân Cương đã không đáp lại những lời yêu cầu cho biết ý kiến.

Tuy nhiên những thông tin lượm lặt trên truyền thông và báo chí nhà nước chứng tỏ các viên chức ở Tân Cương vẫn tin tưởng ở những cách thức mà họ nói rất thành công trong việc ngăn chặn khuynh hướng tôn giáo cực đoan. Trong tháng này Trương Quân, viện trưởng viện kiểm sát tối cao của Trung Quốc, thúc giục nhà cầm quyền Tân Cương hãy mở rộng mạnh hơn nữa điều mà chính quyền gọi là đợt phát động "cải tạo qua giáo dục" trong "chiến dịch toàn lực" chống lại chủ nghĩa ly khai và khuynh hướng cực đoan.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí của nhà nước vào tháng Sáu 2017, một nhà nghiên cứu ở trường đảng Tân Cương báo cáo hầu hết trong số 588 người tham gia được thăm dò đã không biết họ đã làm những điều sai trái khi họ được đưa đi cải tạo. Nhưng bài báo nói vào lúc họ ra trại, gần như tất cả họ - 98.8% - đã nhận sai lầm của bản thân.

Cải tạo qua giáo dục, nhà nghiên cứu kết luận, "là phương thuốc chữa bệnh vĩnh viễn."

"Chiến tranh nhân dân chống khủng bố"

Vào buổi sáng giá lạnh ngày 23 tháng Ba, 2017, từ nhà mình ở Almaty, Kazakhstan Bekali lái xe đến biên giới Trung Quốc, đóng đấu vào hộ chiếu Kazakh để vào Trung Quốc cho chuyến công tác, không hiểu rõ tình huống anh đang bước vào.

temp-tqv_gerryshil_2
Công an Trung Quốc lập chốt ở chợ để kiểm tra căn cước của người Duy Ngô Nhĩ. Hình của Tribune Agency Photos.

Bekali sinh ở Trung Quốc vào năm 1976 có cha mẹ là người Kazakh và Duy Ngô Nhĩ, qua Kazakhstan ở vào năm 2006 và ba năm sau trở thành công dân. Anh không ở Trung Quốc vào năm 2016, khi nhà cầm quyền đột ngột gia tăng cuộc "chiến tranh nhân dân chống khủng bố" nhằm loại trừ điều mà nhà cầm quyền gọi là khuynh hướng tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn có chung biên giới với Pakistan và vài nước Trung Á khác, bao gồm Kazakhstan.

Ngày anh trở về anh không thể nào nhận ra được Tân Cương. Thiết bị giám sát điện tử dựa trên thu thập và phân tích dữ liệu hiện diện khắp mọi nơi để theo dõi dân chúng trong vùng với độ 12 triệu người Hồi giáo, bao gồm người Ngô Duy Nhĩ và người Kazakh. Xem trang mạng nước ngoài, trả lời điện thoại của thân nhân ở nước ngoài, thường xuyên cầu nguyện hay để râu đều có thể khiến cho ta phải ở trại học tập chính trị, nhà tù, hay cả hai.

temp-tqv_gerryshil_2
Camera giám sát và theo dõi hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cả trong hẻm nhỏ trong hình. Cứ vài khu phố có một đồn công an thường xuyên xét giấy tờ tùy thân của người qua đường. Hình của Rob Schmitz/NPR

Hệ thống giam cầm tập trung mới này liệm kín trong màn bí mật, không có dữ liệu công khai có sẵn về số trại hay số tù nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính số người đang bị cầm tù là "ít nhất hàng chục ngàn người", đài truyền hình của những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở Thỗ Nhĩ Kỳ trích dẫn những tài liệu của chính quyền bị lộ ra ngoài cho biết khoảng 900.000 người bị giam giữ.

Adrian Zenz, nhà nghiên cứu ở Trường Văn hóa và Thần học Châu Âu, đưa ra con số từ vài trăm ngàn đến hơn một triệu người. Các quảng cáo về đấu thầu và tuyển người mà Zens đã nghiên cứu cho thấy những trại này có phí tổn hơn 100 triệu đô la kể từ năm 2016, và việc xây dựng vẫn tiếp tục.

Bekali chẳng biết gì chuyện này khi anh thăm viếng cha mẹ vào ngày 25 tháng Ba. Anh đi qua các trạm kiểm soát của công an và nộp lại thẻ chứng minh nhân dân cũ đã chục năm.

Ngày hôm sau, năm công an vũ trang xuất hiện ở ngoài cửa nhà cha mẹ Bekali và bắt anh đi. Họ nói có trát bắt anh ở Karamay, thành phố dầu mỏ ở vùng biên nơi anh đã sống mười năm trước. Anh không thể gọi cha mẹ hay luật sư, công an nói thêm, vì trường hợp anh "đặc biệt".

Bekali bị giam riêng trong xà lim suốt tuần, và rồi bị chuyển đi 804 cây số đến ty an ninh quận Baijiantan ở Karamay.

Tại đấy, họ trói anh vào "ghế cọp", một công cụ kẹp chặt cổ tay và mắt cá anh lại. Họ cũng treo hai cổ tay anh lên để tựa vào tường có song sắt, treo cao chỉ vừa đủ để anh cảm thấy sức ép cực kỳ đau đớn ở vai trừ phi anh đứng nhón gót chân không mang giày. Họ tra hỏi anh về công việc của anh với công ty du lịch mời gọi người Trung Quốc làm thị thực du lịch đến Kazakhstan, mà họ tuyên bố là cách để giúp những người Hồi giáo Trung Quốc đào thoát.

"Tôi không phạm bất kỳ tội gì!" anh la lên.

Trong suốt nhiều ngày trời họ hỏi anh biết gì về hàng chục nhà hoạt động và doanh nhân người Ngô Duy Nhĩ ở Kazakhstan. Kiệt sức và đau nhức, Bekali phải khạc ra những gì anh biết về một vài tên tuổi anh nhận ra.

Rồi công an tống anh vào xà lim có chiều dài 10 mét chiều rộng 10 mét trong tù với 17 tù nhân khác, chân họ bị xiềng vào những cái cột của hai cái giường lớn. Người thì mặc quần áo tù màu xanh đậm, kẻ thì mặc quần áo tù màu cam dành cho các tội chính trị. Bekali được phát màu cam.

Vào giữa tháng Bảy, ba tháng sau khi bị bắt, Bekali được những nhà ngoại giao Kazakhstan vào thăm. Cuộc giam cầm tập thể những người dân tộc Kazak - và ngay cả công dân Kazakh - của Trung Quốc bắt đầu gây chấn động ở quốc gia Trung Á 18 triệu người này. Các viên chức Kazakh nói trong năm qua Trung Quốc đã giam giữ 10 công dân Kazakh và hàng trăm người Trung Quốc gốc Kazakh ở Tân Cương, mặc dù vào cuối tháng Tư họ đã được thả ra theo sau cuộc viếng thăm của Phó Bộ trưởng Ngoại giao Kazakh.

Bốn tháng sau lần thăm viếng ấy, Bekali được đưa ra khỏi xà lim và được trao giấy ra tù.

Nhưng anh vẫn chưa được tự do.

temp-tqv_gerryshil_3
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ la mắng công an Trung Quốc trong cuộc biểu tình vào ngày 7 tháng 7 2009. Trong tháng 7 năm ấy gần 200 người bị giết và hơn 1000 người bị thương trong các cuộc bạo loạn. Hình của Peter Parks/AFP.

"Chúng tôi thấu hiểu"

Bekali nói từ nhà tù họ chở anh đến một khu trại rào kín ở vùng ngoại ô phía bắc Karamay, nơi ba tòa nhà giam hơn 1000 tù nhân đang học tập chính trị.

Anh bước vào trại, đi qua đài canh gác chính mà có thể nhìn thấy bao quát cả toàn trại, và nhận áo quần tù. Lính gác trang bị vũ khí đầy mình từ trên tầng hai theo dõi khắp cả trại. Anh nói anh ở chung xà lim với 40 tù nhân bao gồm giáo viên, bác sĩ và sinh viên. Nam nữ ở các khu riêng.

Tù nhân thường thức dậy cùng một lúc vào trước bình minh, hát quốc ca Trung Quốc, và chào cờ Trung Quốc vào lúc bảy giờ rưỡi sáng. Họ tập trung lại bên trong những phòng học lớn để học "những bản nhạc đỏ" như "Nếu không có Đảng Cộng Sản thì không có Trung Quốc Mới", và học tiếng Trung Quốc và lịch sử Trung Quốc. Họ được dạy rằng nhân dân Tân Cương bản xứ là những người chăn cừu lạc hậu đắm chìm dưới ách nô lệ trước khi họ được Đảng Cộng Sản "giải phóng" vào thập niên 1950.

Trước mỗi bữa ăn gồm có canh rau và bánh bao, họ sẽ ra lệnh cho những người tù hô to "Ơn Đảng! Ơn Nước! Ơn Tập Chủ tịch!"

Kỷ luật được áp dụng triệt để và hình phạt có thể rất nặng. Bakeli bị nhốt trong phòng khóa kín hầu như suốt ngày đêm với tám tù nhân khác, tất cả đều dùng chung giường và một phòng vệ sinh cực kỳ dơ dáy. Camera gắn trong phòng vệ sinh và cả trong cầu tiêu. Hiếm khi được tắm, hay rửa chân tay, mà họ nói với người tù đó là lể tẩy rửa Hồi giáo.

Bekali và những cựu tù nhân khác nói phần đáng sợ nhất trong chương trình học tập chính trị là phải học đi học lại và tự phê. Mặc dù học viên không hiểu phần lớn những điều họ phải học và nội dung học tập gần như quá vô lý đối với họ, nhưng họ bị bắt buộc phải học cho đến khi nhập tâm bằng cách học đi học lại không ngừng trong các buổi học kéo dài hai giờ hay lâu hơn.

"Chúng tôi sẽ chống khuynh hướng cực đoan, chúng tôi sẽ chống chủ nghĩa ly khai, chúng tôi sẽ chống khủng bố" họ hô vang nhiều lần. Hầu như mỗi ngày, các học viên đều nghe những người từ công an, tư pháp và chính quyền các ngành ở địa phương được mời đến trại nói chuyện cảnh báo về nguy cơ chủ nghĩa ly khai và khuynh hướng cực đoan.

Trong những buổi học bốn giờ, giáo viên giảng về nguy cơ Hồi giáo và thường xuyên ra những bài kiểm tra cho những tù nhân mà họ phải trả lời đúng nếu không thì bị bắt đứng phạt sát tường trong hàng giờ liền.

"Học viên tuân theo luật Trung Quốc hay luật Hồi giáo?" giáo viên hỏi. "Học viên có hiểu tại sao tôn giáo nguy hiểm?"

Bekali nói lần lượt tù nhân từng người một đứng lên trước 60 học viên trong lớp để tự phê về lịch sử tôn giáo của họ. Tù nhân cũng phải phê phán những tù nhân khác và cũng bị những tù nhân khác phê phán lại. Anh nói những ai thuộc lòng như vẹt đường lối của đảng hay đấu tố tàn nhẫn các bạn tù thì được điểm cao và có thể được chuyển sang nơi ỏ mới thoải mái hơn gần đấy trong các tòa nhà khác.

Bekali nghe một tù nhân nói "Cha tôi dạy tôi Kinh Quran và tôi học kinh ấy vì tôi không thấu hiểu."

Bekali nhớ lại tù nhân khác nói "Tôi đi ra ngoài Trung Quốc mà không biết rằng tôi có thể nhiễm những tư tưởng cực đoan ở nước ngoài. Bây giờ tôi mới biết."

Một người phụ nữ Ngô Duy Nhĩ nói với AP bà bị giam giữ ở một trung tâm trong thành phố Hotan vào năm 2016. Bà nói bà và những bạn tù khác thường xuyên bị bắt phải xin lỗi vì mặc áo choàng dài theo kiểu Hồi giáo, cầu nguyện, dạy con cái Kinh Quran và nhờ các imam đặt tên cho con.

Cầu nguyện ở thánh đường Hồi giáo vào bất kỳ ngày nào ngoại trừ ngày thứ Sáu là biểu hiện khuynh hướng cực đoan; cũng như tham dự lễ cầu nguyện vào ngày thứ Sáu ở ngoài làng họ hay trên điện thoại họ có ảnh hay lời Kinh Quran.

Trong lúc giáo viên quan sát, những ai thú nhận có những hành vi như thế thì được bảo phải lặp đi lặp lại: "Chúng tôi đã làm những điều bất hợp pháp, nhưng bây giờ chúng tôi thấu hiểu."

Ơn Nước

Những tù nhân khác và một giáo viên ở trại cải tạo kể những câu chuyện tương tự.

Vào giữa tháng Bảy 2017, một người Ngô Duy Nhĩ tên Eldost là cựu phóng viên truyền thanh cho đài truyền hình Tân Cương được tuyển mộ để dạy lịch sử và văn hóa Trung Quốc trong trại học tập chính trị vì ông nói tiếng Quan thoại rất giỏi. Ông không có chọn lựa.

Hệ thống cải tạo, Eldost nói, phân loại tù nhân theo ba cấp độ an ninh và thời gian thụ án.

Nhóm đầu tiên tiêu biểu gồm có những nông dân thất học người thiểu số không phạm tội chính thức gì ngoại trừ không nói tiếng Trung Quốc. Loại thứ hai bao gồm những người bị bắt tại nhà hay trên điện thoại di động thông minh của họ có nội dung tôn giáo hay cái gọi là tài liệu về ly khai, chẳng hạn những bài giảng của trí thức người Ngô Duy Nhĩ Ilham Tohti.

Nhóm cuối cùng gồm có những người đã học tôn giáo ở nước ngoài và trở về nước, hay được coi là có quan hệ với các phần tử nước ngoài. Eldost nói trong những trường hợp sau tù nhân thường bị kết án từ 10 đến 15 năm tù.

Có lần trong lúc dạy học Eldost qua cửa sổ nhìn thấy 20 sinh viên được chở vào sân. Hai hàng lính gác chờ họ và đánh họ ngay khi họ ra khỏi xe tải công an. Về sau ông nghe rằng những tù nhân này là tù mới đã từng học tôn giáo ở Trung Đông.

Bạo lực không diễn ra thường xuyên, nhưng mỗi người tù mà phóng viên của AP nói chuyện đều thấy ít nhất một trường hợp đối xử thô bạo hay đánh đập.

Eldost nói mục đích giáo dục là để chứng minh văn hóa Ngô Duy Nhĩ truyền thống là lạc hậu và Hồi giáo cực đoan có tính cách áp chế so với Đảng Cộng Sản tiến bộ. Lời thú nhận của tù nhân về sự lạc hậu của họ góp phần cho mọi người thấy rõ ràng điểm này.

"Tù nhân được lệnh phải lặp đi lặp lại những lời thú nhận này đến mức khi cuối cùng họ được thả ra, họ tin rằng họ mang ơn tổ quốc sâu nặng, họ có thể không bao giờ đền đáp được công ơn của đảng", Eldost nói. Ông đã đào thoát khỏi Trung Quốc vào tháng Tám qua sau khi trả tiền hối lộ.

Eldost nói ông đã cố gắng giúp đỡ phần nào những tù nhân. Phụ trách dạy Tam Tự Kinh, sách giáo khoa Nho giáo thường được dạy rộng rãi ở trường tiểu học, ông thường nghĩ ra những mẹo nhớ để giúp đỡ học viên ông-bao gồm những nông dân Duy Ngô Nhĩ già cả hay thất học hầu như không biết ngôn ngữ của chính họ-thuộc lòng vài lời trong sách. Ông cũng khuyên học viên bỏ thói quen nói "ca tụng Chúa" bằng tiếng Ả Rập hay Duy Ngô Nhĩ vì những giáo viên khác phạt họ về chuyện này.

Mỗi lần ông đi ngủ trong phòng với 80 người khác, ông nói, lời cuối cùng ông thường nghe là âm thanh của đau khổ.

"Tôi nghe người ta khóc mỗi đêm," ông nói. "Đó là sự trải qua buồn thảm nhất trong đời tôi."

Một cựu tù nhân khác, một người Duy Ngô Nhĩ quê ở Hotan ở phía nam Tân Cương, nói trung tâm mới xây nơi ông ở chỉ có 90 người trong hai lớp học vào năm 2015. Ở đấy, một giáo viên của chính quyền tuyên bố rằng phụ nữ Ngô Duy Nhĩ từ xưa vốn đã không mặc đồ lót, bện tóc để chứng tỏ họ sẵn sàng ân ái, và quan hệ tình dục với hàng chục người.

"Tôi rất phẫn nộ," người tù nói." Những cách giải thích này về phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã lăng nhục tôi. Tôi vẫn nhớ câu chuyện này, mỗi lần tôi nghĩ đến, tôi cảm thấy như dao đâm thấu vào tim."

Kayrat Samarkan, người Kazakh gốc Trung Quốc từ Astana trong lúc đi công chuyện thì bị bắt giam ở đồn công an ở phía bắc Tân Cương vào tháng Mười Hai, bị đưa vào trại giam ở Karamagay ở phía bắc Tân Cương với 5.700 trại viên.

Ông nói những ai mà không vâng lời, đến lớp trễ hay đánh nhau bị bắt mặc áo rộng làm bằng sắt bao quanh thân mình để hạn chế sự đi lại. Những ai vẫn còn không vâng lời sẽ bị khóa vào ghế cọp trong 24 giờ. Ông nói một cách phạt là giáo viên ấn đầu tù nhân vào thùng nước đá.

Sau ba tháng, Samarkan không thể nào học nổi nữa, vì vậy ông lao đầu vào tường để cố tự tử. Ông chỉ ngã bất tỉnh.

"Khi tôi tỉnh lại, nhân viên trại hăm dọa tôi, nói nếu tôi làm như thế nữa họ sẽ tăng bản án của tôi ở đây thêm 7 năm," ông nói.

Sau 20 ngày, Bekali cũng tính tự tử. Vài ngày sau, do bướng bỉnh và không chịu nói tiếng Quan Thoại, Bekali không còn được phép ra ngoài sân nữa. Thay vì thế, anh bị đưa lên mức độ quản thúc cao hơn, nơi anh bị giam 24 giờ mỗi ngày trong phòng với 8 người khác.

Một tuần sau, anh đi biệt giam lần đầu. Anh thấy viên chức tư pháp địa phương đi thanh tra bước vào tòa nhà liền ráng hết sức la lớn. Anh nghĩ ngay cả trung tâm giam giữ cũ, tuy anh có bị hành hạ, nhưng dù sao vẫn tốt hơn.

"Hãy mang tôi ra phía sau bắn chết đi, còn không đưa tôi trở lại nhà tù," anh thét to. "Tôi không thể ở đây được nữa."

Anh lại bị lôi đi đến chỗ biệt giam. Biệt giam kéo dài 24 giờ, chấm dứt vào chiều ngày 24 tháng Mười Một.

Cũng chính lúc ấy Bekali ra tù, càng bất ngờ như lúc anh bị bắt giam trước đấy 8 tháng.

Viên công an quận Baijian luôn luôn nhẹ nhàng với Bekali trong thời gian đi cung xuất hiện và làm giấy tờ ra trại cho anh.

"Anh quá cứng đầu, nhưng chúng tôi đối xử với anh cũng không đúng," ông ta bảo Bekali khi ông lái xe đưa anh về nhà chị anh ở Karamay.

Bekali được tự do.

Tự do, nhưng không phải cho gia đình mình

Sáng hôm sau nhằm ngày thứ Bảy, công an mở cửa phòng nhập cảnh cho Bekali đến để nhận thị thực Trung Quốc duy nhất giá trị 14 ngày. Thị thực đầu tiên của anh đã hết hạn từ lâu. Bekali rời Trung Quốc vào ngày 4 tháng Mười Hai.

Bắt chính quyền Trung Quốc bồi thường là chuyện không bao giờ có. Nhưng Bekali vẫn giữ ở nhà bìa nhựa đựng những bằng chứng mà biết đâu ngày nào đấy sẽ chứng tỏ hữu ích: hộ chiếu của anh có các con dấu và thị thực, giấy tờ du lịch và một tờ giấy viết tay của công an Trung Quốc có ghi ngày tháng và có đóng dấu mực đỏ,

Tờ giấy này rất giống như là sự thừa nhận chính thức rằng anh đã đau khổ trong tám tháng trời. Nó nói anh bị bắt giam vì bị nghi ngờ xâm phạm an ninh quốc gia; câu cuối cùng tuyên bố anh được thả ra không có tội.

Thoạt đầu, Bekali không muốn AP đăng câu chuyện của anh vì sợ rằng chị và mẹ ở Trung Quốc sẽ bị bắt giữ và đưa đi cải tạo.

Nhưng vào ngày 10 tháng Ba, tại Trung Quốc, công an bắt chị anh, Adila Bekali. Tuần sau, vào ngày 19 tháng Ba, họ bắt mẹ anh, Amina Sadik. Và vào ngày 24 tháng Tư, đến lượt cha anh, Ebrayem.

Bekali thay đổi ý định và nói anh muốn kể lại câu chuyện của mình, bất chấp hậu quả.

"Mọi sự đã đến nước này rồi," anh nói. "Tôi không còn gì để mất."

temp-tqv_gerryshil_4
Những người biểu tình ở Bỉ vào tháng tư 2018 chống Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và yêu cầu thả tất cả những người Ngô Duy Nhĩ ra các trại cải tạo. Hình của Emmanuel Dunand/AFP.

Gerry Shih

Nguồn: Dịch từ bài báo của hãng thông tấn AP ngày 18 tháng 5, 2018. Tựa đề tiếng Việt của người dịch là câu thơ trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.

https://apnews.com/6e151296fb194f85ba69a8babd972e4b

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn