Người gieo trồng thánh giá

Thứ Bảy, 26 Tháng Năm 20187:15 SA(Xem: 4853)
Người gieo trồng thánh giá
Trịnh Thanh Thủy

“Ông cầm một nắm thánh giá nhỏ màu đỏ bằng gỗ, cẩn thận đo khoảng cách bằng mắt, rồi gieo từng cái xuống cát, dọc theo dãy dây vàng giăng ngang dọc trên mặt cát. Sau khi gieo thánh giá, ông trở lại và trồng chúng cho ngay hàng thẳng lối. Bên cạnh ông, một vài người nữa già có, trẻ có cũng tỉ mỉ cần mẫn làm công việc đó một cách say sưa. Sau một vài giờ, bãi biển mênh mông cát vàng, cạnh chân chiếc cầu bắc trên con đê, mọc đầy những cây thánh giá hai màu đỏ, trắng, thẳng tăm tắp.”

Tôi gọi ông và họ là những người gieo trồng thánh giá.

nguoi-gieo-trong-thanh-gia4
Hai con bồ câu đột nhiên tình cờ đứng giữa hai tấm mộ bia ghi tên 2 tử sĩ

Họ, những người tình nguyện của một vài tổ chức thiện nguyện bỏ thì giờ riêng và công sức đến đây, một bãi biển đông nghịt người. Họ cố gắng làm những cử chỉ, hành động ý nghĩa, để tưởng niệm những quân nhân đã anh dũng hy sinh cho cuộc chiến, cho hoà bình thế giới. Một nghĩa trang được tạm dựng bằng thánh giá màu trên cát là nơi nằm linh thiêng có gió, trăng và âm thanh rì rầm của sóng đại dương về đêm cùng nụ cười tươi mát của thần thái dương buổi sớm.

nguoi-gieo-trong-thanh-gia5
Người gieo trồng thánh giá

Hoạt cảnh ấy diễn ra trong một bình minh ở bãi biển Santa Monica Beach, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Gần đó, là một rừng cờ đủ sắc bay phất phơ trong gió như đón chào bước chân du khách. Tôi thấy một người đàn ông trung niên đang ra sức  cắm chặt những lá cờ rất lớn xuống mặt cát. Tôi lân la đến thăm hỏi và được biết nơi tôi đứng có tất cả 193 lá cờ đủ mọi quốc gia được cắm hôm nay. Mục đích để tưởng niệm ngày Chiến Sĩ Trận Vong, những người lính đã hy sinh cho nền hoà bình của Hoa Kỳ và thế giới, vào tuần tới, tức là ngày lễ Memorial Day. Ông còn chỉ thêm cho tôi thấy một dãy những lá cờ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và 50 tiểu bang.

Tôi đi giữa rừng cờ người đàn ông đang cắm, dù biết ông làm chưa xong, mà bâng khuâng không biết lá cờ vàng ba sọc đỏ VNCH có được trồng xuống trên mảnh đất tự do này không? Tôi len lỏi tìm kiếm nhưng không thấy lá cờ thân yêu, chỉ thấy một lá cờ tương tợ mà không phải là nó. Tôi hỏi người đàn ông về lá cờ vàng VNCH, ông ta lắc đầu không biết, ông bảo tìm người quản lý của tổ chức mà hỏi nhưng hôm nay người đó không có ở đây. Lòng tôi bỗng dưng hụt hẫng. Một gia đình người ngoại quốc tìm được lá cờ quốc gia mình, liền đứng hớn hở thay nhau chụp hình với lá cờ tổ quốc. Họ khiến tôi muốn rơi nước mắt vì không tìm ra lá cờ vàng ba sọc đỏ để có thể đứng selfie một tấm mà chỉ thấy lá cờ đỏ sao vàng!!!.

nguoi-gieo-trong-thanh-gia3
Tấm bia lớn

Dù biết đó là cờ của nước VN hiện tại, tôi vẫn không cam lòng để đứng dưới nó vì nó không phải là một biểu tượng của tự do. Tôi nhớ một câu chuyện tương tợ, nhân có lần người bạn dẫn tôi thăm toà nhà thủ phủ Sacramento, CA. Trước lối ra vào toà nhà,  có một tổ chức vận động cho hoà bình thế giới đang triển lãm những câu chuyện, những đôi giày và những chiếc bong bóng với trái tim đỏ mang ý nghĩa của hoà bình. Trên chiếc bàn nhỏ bày một chiếc ly cắm rất nhiều lá cờ của đủ mọi nước trên thế giới. Người bạn tôi dừng lại và hỏi người phụ nữ ngồi sau chiếc bàn rằng bà có lá cờ VN không? Bà lục tìm và rút ra chiếc cờ đỏ sao vàng cười hớn hở “May quá, chúng tôi có đây”. Người bạn tôi cám ơn và lẳng lặng đi tìm vị chủ tịch của hội. Anh bắt tay ông ta niềm nở hỏi chuyện ông chủ tịch người Nhật và bắt đầu cắt nghĩa với ông ta về lá cờ đỏ sao vàng không mang đến hoà bình như ý nghĩa của hội mong muốn. Anh tiếp tục kể ông nghe về lá cờ vàng ba sọc đỏ mới là lá cờ của miền Nam VN và lý do tại sao chúng tôi vì lý tưởng tự do mà đến đây cũng như lá cờ VNCH bây giờ được chấp nhận ở nhiều nơi trên đất Hoa Kỳ. Ông ta xin lỗi vì không biết và đồng ý cho anh bạn tôi thay lá cờ đỏ sao vàng bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ vào trong ly.

nguoi-gieo-trong-thanh-gia2
Hình ảnh các tử sĩ

Câu chuyện xưa trở lại trong trí, tôi nghĩ người bạn tôi có nhiệt tâm thay đổi được lá cờ như thế tại sao tôi không làm được. Tuy nhiên, khi tôi đi kiếm người đàn ông dựng cờ thì không gặp ông nữa, ông đã làm xong và ra về. Tôi biết được tên của tổ chức của những người trồng thánh giá gần đấy là Veterans For Peace nên gọi thử họ để dò tìm tổ chức của người chủ trương cắm cờ xem sao. Tôi được nói chuyện với Michael, chủ tịch của hội Veterans For Peace chi nhánh Los Angeles. Tôi cám ơn hội đã đến bãi biển làm những nghĩa cử đẹp để tri ân người nằm xuống nhân dịp lễ Memorial và hỏi thăm chuyện lá cờ. Ông bảo việc cắm cờ không phải việc của tổ chức ông, tổ chức của ông làm nghĩa trang tưởng niệm thôi và trong hai ngày 28, 29 tháng Năm sẽ có đêm thắp nến ở đó nữa. Ông cũng không biết tổ chức cắm cờ là tổ chức nào và của ai, nên không thể giúp tôi can thiệp và rất lấy làm tiếc. Tôi chào ông và không quên cám ơn những cựu chiến binh và quân nhân Hoa Kỳ đã tham chiến ở VN nơi có trên 58 ngàn (theo wiki) chiến sĩ Hoa Kỳ đã thiệt mạng.

Những du khách đến biển vui chơi hôm nay và cho đến hết ngày 29 khi đi qua cây cầu bắc trên con đê Santa Monica Beach không ít thì nhiều hẳn sẽ dừng lại, lòng ngậm ngùi và trầm xuống, để nghĩ đến biết bao người đã hy sinh cho hoà bình trong những cuộc chiến lịch sử đẫm máu. Hoa Anh Túc đỏ đã là biểu hiện cho 645 ngàn người Mỹ đã hy sinh từ trận Thế Chiến Thứ Nhất cho đến nay, trong đó có VN. Thật vậy, tự do không phải cho không mà nó là sự đánh đổi của nhiều nhân mạng. Người còn sống mắc nợ những người nằm xuống một món nợ thiêng liêng không thể trả được.

nguoi-gieo-trong-thanh-gia1
Rừng cờ 193 quốc gia

Do đó hàng năm mỗi Thứ Hai cuối tháng Năm, người Mỹ làm lễ Chiến Sĩ Trận Vong để tưởng niệm và cờ Hoa Kỳ được treo rủ. Từ xa xưa, theo truyền thống, vào ngày này các ngôi mộ và nghĩa trang được người ta quét dọn cho người đến thăm viếng. Đây là ngày lễ toàn quốc được nghỉ, cũng là lúc dân Mỹ bắt đầu các buổi picnic, thể thao và đi chơi ngoài trời vào ngày hè và cuối tuần. Ở nghĩa trang quân đội của thủ đô Hoa Thịnh Đốn và khắp các tiểu bang, có những buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trong hai ngày 27 và 28 tháng Năm. Người dân ai cũng đợi đến ngày này, chỉ để chuẩn bị một chuyến đi chơi được kéo dài 3 ngày cuối tuần sau những tháng không được nghỉ lễ.

Một buổi trưng bày được gọi là “Poppy Memorial” tức “Lễ tưởng niệm hoa Anh Túc” lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng ở phía Tây Nam hồ phản chiếu của đài tưởng niệm Lincoln Memorial ở Hoa Thịnh Đốn, từ 9:00 sáng tới 9:00 chiều ngày 25 tới 27 tháng Năm, 2018. Một bức tường trong suốt dài 133 feet, cao 8 feet rưỡi, được chất đầy với 645 ngàn đoá Anh Túc đỏ bằng lụa tượng trưng cho các quân nhân đã hy sinh. Loại hoa này đã có mặt trong bài thơ “In Flanders Fields”của Đại tá Canada John McCrae, người đã phục vụ trên các tuyến đầu của cuộc Chiến tranh Thế Giới Thứ Nhất. Hoa tượng trưng cho sự đổ máu và đã được công nhận rộng rãi trong việc tưởng nhớ những người lính và phụ nữ.

nguoi-gieo-trong-thanh-gia
Hoa Anh Túc đỏ tưởng niệm

TTT

In Flanders Fields- John McCrae

bản dịch Việt Ngữ của Phạm Thiên Mạc

Bên chiến hào Flanders

Hoa đong đưa những hàng thánh giá

Bên chiến hào ở Flanders

Chúng tôi nằm sâu trong đất lạnh

Tiếng chim sơn ca

Vẫn thoảng nghe giữa tiếng bom

Mới ngày qua

Còn ngắm nhìn bình minh

Và những hoàng hôn chập choạng

Như tình yêu đã cách xa

Lũ chúng tôi

Bây giờ khuất mặt

Chết rũ gục bên chiến hào ở Flanders

Hai tay buông xuôi

Vẫn mong chuyền về đốm lửa

Để thắp sáng mãi niềm tin

Xin đừng đánh mất

Vì người chết sẽ không yên ngủ ở Flanders

Cho dù bên chiến hào

Hoa có nở …

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn