Bà Tâm Điếc

Thứ Tư, 18 Tháng Tư 20185:15 SA(Xem: 7545)
Bà Tâm Điếc

Ngôi nhà cuối hẻm cụt là của bà “Bà Tâm Điếc”, bà “thợ nấu” rất nổi tiếng, ai đám tiệc gì cũng kêu bả. Trong xóm, từ trẻ đến già, kể cả tôi cũng gọi bà bằng biệt danh “Bà Tâm Điếc”. 

ba-tam-diec5
Thợ nấu đám từng một thời làm mưa làm gió, họ được xem là “vua đầu bếp” ở mọi “mặt trận” đám tiệc – Từ Dân Trí

Bà đã 61 tuổi nhưng nhìn vẻ ngoài cứ như là ngoài bốn mươi nhờ dáng người nhỏ nhắn, chắc nịch. Bà có làn da ngăm “thụ động” vì phải dang nắng dang mưa chứ thật ra cũng trắng trẻo, khi bà xốc tay áo thun ngắn lên lau mồ hôi trên mặt, sẽ nhìn thấy hai màu da rõ rệt giữa cánh tay và bắp tay, hay khi bà đi tiệc mặc áo bà ba, miếng eo nhỏ lộ ra chút xíu ở đường xẻ tà áo cũng khiến người ta chói mắt vì độ trắng mịn khác xa với những vùng da cháy nắng. Bà có gương mặt rất đẹp, nét nào ra nét đó, da tuy cháy sém nhưng vẫn còn căng lắm, không có dấu hiệu nào cho thấy bà đã ngoài 60, ngay cả năng suất làm việc gấp chục lần người khác của bà. Tuy chuyên môn là nấu nướng nhưng khi đến làm việc thì từ nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp, chạy bàn bà làm hết, thậm chí thấy nhà nào có nhiều cỏ, rác bà cũng giẫy cũng hốt luôn. Làm đến khi chủ nhà ra năn nỉ hoặc trói tay chân lại mang vô nhà thì bà mới “miễn cưỡng” ngưng với lý do “Làm cho xong về nấu cơm cho con”, “Làm cho xong về rước cháu đi học về”, “Làm cho xong về nhà… làm tiếp”, “Làm biếng mốt ai mướn nữa?”, “Nhớ bo cho tao”…

Một ụ chén to của mười mấy bàn tiệc mình bà làm cái một, ai phụ cũng không cho vì “vướng chân vướng tay”. Sức làm của bà khiến mấy chàng làm nghề “cửu vạn” cũng nể sợ.

ba-tam-diec4
Các “vua đầu bếp” nổi tiếng ở VN bây giờ cũng như bà Tâm ngày xưa, nổi tiếng, nhan sắc, chỉ khác một điều là không biết… nấu ăn! Hình từ VOA, Vietnamnet

Gọi “Bà Tâm Điếc” không phải vì bà họ Tâm tên Điếc mà bà tên là Tâm và bị điếc. Bả cũng không ngại mà còn vui vẻ chấp nhận vì “Tao điếc không kêu Tâm điếc chứ kêu gì?” “Kệ, cứ kêu là tao có tiền”! Bà  không nghe được nhưng đọc được miệng của người khác nói rất nhanh và chính xác (có thể vì kinh nghiệm… điếc hơn hai mươi năm?), bất kể họ nói nhỏ hay nói thầm. Cho nên, ai ngồi gần bà mà nói xấu người khác dẫu thì thầm bà cũng biết hết, biết rồi để đó, chứ không đi méc lại, kể cả nói xấu bà (vì người ta thường ỷ y bả điếc). Một lần bà qua nhà tôi nấu đám, khi khổng khi không bà xách đít đi về sau khi làm hết việc, mà rơm rớm nước mắt: “Tao dìa, mày kiếm người phụ đi. Tao đau lưng quá!” Hỏi bà có sao không, bị sao mà khóc, một hai bà không nói. Bảo bị xốn mắt. Bà không nói, dĩ nhiên tôi không biết, để bà về. Mà bà về luôn chiều không thấy lại nữa trong khi sắp đến bữa tối cho hơn chục miệng ăn và mồi cho khách khứa. Không ai biết làm nên tôi mon men xuống bếp, nhưng ai cũng hoảng hốt cản lại, nói “Nồi ơ chén đũa là đồ mướn không đó, mày xuống mốt không đủ tiền đền đâu!” “Cái bếp bà Tâm điếc mới lau mày bày bả tới bả nhằn!” Chắc họ có kinh nghiệm? Nhờ sự “cương quyết” giựt việc của tôi mà cũng có người “bật mí”:

– Chắc do hồi sớm ngồi ăn xoài con My với mấy đứa thắc mắc không biết bả đi chợ có bớt xén gì không mà lần nào cả triệu, cả triệu, tao có la rồi. Mà nó nấu nướng cũng lạt lẽo quá tao không thích mấy!

Tôi hỏi lại: “Lúc đó bả ở đâu?”

“Thì nó đang chà rửa sân sau (gần đó), quét dọn ầm ầm, với lại nói có chút xíu à, không hiểu sao nó nghe được. Nó điếc mà!”

ba-tam-diec3
Bà Tâm nhậu cũng rất giỏi Hình từ facebook Violet

Nghe được chứ, bả là người nhạy cảm. Một ánh nhìn thôi bả cũng “nghe” được huống chi là những câu nói “dao găm” của những người không làm nhưng thích phê bình kia! Nhìn qua nhìn lại, xung quanh bà Tâm có rất nhiều người lành lặn, giàu có hơn bà, nhưng có khi còn không biết chữ nghĩa lẫn chả biết… điều, chẳng hiểu “lòi” đâu ra một bà Tâm vừa điếc, vừa nghèo, lao động chân tay lại rất tử tế, giỏi giang, không những biết chữ, viết chữ đẹp mà còn biết làm được nhiều cái khiến người ta bất ngờ nữa. Cứ mỗi 6, 7 giờ tối là người ta lại nghe giọng bà hét thi giọng với nhỏ cháu ngoại của bà. Hồi đầu ai cũng nghĩ hai bà cháu cãi lộn, nhưng qua coi, với lâu dần quen giọng, mới biết bà đọc chính tả, dạy nó làm toán, dạy nó đọc tiếng Anh…  Chắc cả xóm này, mình bà biết nhiều như vậy! Vì con gái bà cũng giỏi như bà, làm hai ba jobs. Chồng nó cũng giống như chồng bà, thả “giống” rồi ra đi biền biệt. Nên con bé từ khi sanh ra được một tay bà Tâm điếc nuôi nấng dạy dỗ. Không phải vì bà cố tình hét mà do từ khi bà bị tai nạn, tai bị khiếm thính nặng nên mỗi lần nói chuyện bà phải nói thật lớn để “nghe” được chính mình nói gì với người ta.

“Nói vậy tao mới nghe được.”

Hỏi lại: “Bà nói người ta nghe, bà nghe làm chi?”

“Tao không nghe sao tao biết tao nói gì?”

Cô cháu ngoại bà thì rất… khoái mỗi khi bà hét lên, nên hét theo cho… vui. Có mấy hôm bà bệnh hay đi vắng, đi ngang thấy con hẻm cụt bỗng sâu hun hút vì không có tiếng học bài, chỉ bài hay tiếng la con, cháu của bà vọng ra.

ba-tam-diec2
Nhưng bà lại không có gu thời trang nổi bật như người phụ nữ này! Từ Facebook Kieu Phong tran

Bà ở với ba người con và đứa cháu ngoại. Chồng bà khi không bỏ đi khi thằng Cu Đỏ (con út của bà) còn trong tháng, bà đang nằm “ổ”. Ổng đi gần mười năm ổng về, ở được chừng mười ngày gom hết tiền bạc của bà dành dụm đi tiếp trong ngỡ ngàng của cả xóm, của bà, của mấy đứa con vừa biết suy nghĩ. Lần đó ổng đi thiệt, đi luôn… Ai cũng nói ổng hiền, ổng lịch thiệp nên xưa mới tán được bà Tâm vì bả vừa đẹp, vừa giỏi vừa làm cho nước ngoài, ổng chỉ là một thằng cha thợ… đụng (đụng gì mần đó). Nghe đồn mặt ổng không đẹp trai nhưng được cái có tướng phong độ, cái miệng duyên dáng, nên ai cũng nói hai người đẹp đôi lắm. Sau khi ổng bỏ đi lần hai, bà Tâm vì đi kiếm ổng mà bị tai nạn, bị điếc nên mới phải nghỉ việc, ở nhà buôn bán đồ ăn sáng trong xóm, còn buổi chiều đi phụ nấu đám. Nấu riết quen tay lên thợ chính rồi có tiếng xa gần nên bà Tâm nghỉ bán đồ ăn sáng mà chỉ nhận “show” đi nấu đám. Nghe nói tay nghề của bà nổi tiếng hơn hàng loạt “vua đầu bếp” được xưng danh bây giờ, tiệc nào có bà nấu thì coi như yên tâm. Cộng với bà quá giỏi và không ngại khó nên có nhiều lời mời làm ở resort, quán ăn lớn khi họ thiếu người, nhưng bà còn ba đứa con ăn chưa no lo chưa tới, nên không đi làm cố định được. Cộng thêm bếp núc lớn thì sẽ có nhiều người lu bu, bà không quen. Vậy mà cũng thành cái nghề hơn hai mươi năm. Thằng Út nay xấp xỉ ba mươi tuổi, thằng lớn lỡ dở lần đò, sắp lần hai, con gái thì cho bà đứa cháu ngoại rồi cũng lủi thủi cắm mặt làm ăn không mặn mà ‘đi bước nữa”.

“Cái nghề này nuôi ba đứa nó lớn, nhưng bây giờ một mét vuông đến 8 chục cái nhà hàng, không còn ai mặn mà bày biện.”

Giờ con cái lớn, cũng biết phụ lo nên lâu lâu có đám là bà đi làm như một niềm vui “đỡ ngứa chân ngứa tay”, “nhớ nghề”  chứ không còn thục mạng làm đêm làm ngày như xưa nữa. Nhưng vẫn rốp rẻng, tham việc như cái tật. Niềm vui của bà bây giờ là bữa nào không có đám tiệc, “show chậu” gì, là ngày bà quét lá ngoài sân 80 lần, lau nhà chắc cũng gấp đôi số lần đó vì cứ gặp bà là cầm chổi hoặc cây lau, sau đó là nấu cơm nấu nước chờ cả nhà về để dạy cháu, la con gái tại sao phơi đồ không lộn trái, sao xếp đồ không lộn phải, la con trai sao làm con gái người ta có bầu mà không nói sớm, la thằng Út mê game mà hổng biết mê… gái. Lâu lâu bả “dí” theo thằng nhỏ hỏi: “Mày có thích con trai không mậy?”… Vì giọng bà lớn mà cái hẻm cụt lại quá… cụt, nên tôi cũng nghe lóm được đôi chút, toàn chuyện… bí mật! Mà tôi nghe được thì…

ba-tam-diec1
Xin hình bà thợ nấu không cho nên đành thế bằng hình của bà thợ… ăn 

Lâu lâu có người hỏi: “Thằng Tuấn về thì mày có chịu không?”

Bà Tâm trả lời bình thản: “Ổng đang bên quận 8 với vợ bé, già rồi, chắc hết “chạy tới chạy lui” được như hồi đó!”

“Mấy đứa nhỏ có biết không? Mày có cho nó qua nhận cha không?”

“Cha nó nó nhận, qua đó ở luôn cũng được, tôi đỡ hầu!”

Lúc cứng thì nói vậy, còn lúc mềm thì bả lại sụt sùi: “Đời này tao mất chồng là đủ rồi, mất con nữa chắc tao chết!”

Bả sợ con bà đi “qua đó” cũng sẽ bị “bỏ ngải” như chồng bà bị, theo lời bà thầy bói xóm nói. Cũng chính bà thầy đó nói, do bà Tâm đi tìm chồng nên bị “con kia” hại cho điếc – cái con bên quận 8 với chồng bả, cũng do bà thầy đó nói luôn. Bà Tâm nói:

“Xưa tao đời nào tin, mà bả nói đúng quá, chuyện nhà tao bả biết hết trơn!” Tôi nhìn bả thở dài, nói trong đầu, chuyện nhà bà ai mà không… biết?

ba-tam-diec
hay là ráng đợi tới 86 tuổi cho chắc? Hình từ VNexpress

Tôi qua năn nỉ bà về phụ cho xong bữa nay nữa là xong việc vì không ai chịu làm, mấy người chê bai thì bỏ về hết rồi. Sau một hồi thì bà cũng nói “Lát tao qua, tưởng ở nhà ngủ nên mới quất tô cơm để tiêu đã, làm nặng liền bị xóc hông!”

Giờ tôi mới hiểu, không thấy khi nào bà qua làm mà chịu ăn bất cứ thứ gì mặc dầu năn nỉ, cuối ngày còn đồ ăn thì mới xin về đúng một phần của bà chứ không chịu lấy luôn cho con cháu. Chắc chúng chê hoặc bà tự trọng, sợ dòm ngó. Cái tự trọng của bà cũng bị những cái “miệng đời” xung quanh dằn dẻ, mỉa mai “nghèo mà sĩ diện”. Bà Tâm thấy tôi không chịu về mà ngồi chờ bả, sợ bả đổi ý nên mới tám đông tám tây. Kể đủ chuyện, những kỷ niệm khi xưa của hai ông bà, vừa kể mắt vừa lấp lánh thứ ánh sáng kỳ lạ. Đi một vòng lớn, như là “định mệnh” cuộc đời tôi. Bà lại hỏi tôi chuyện chồng con. Thiệt tình uổng phí không biết bao nhiêu là ấn tượng tốt tôi đã “tôn vinh”, gắn đèn lấp lánh cho bà. Tôi nhún vai trả lời câu “Bao giờ mày lấy chồng? Không nôn hả?” của bà:

– Bà yên tâm đi. Hồi xưa, tôi còn đứng nhìn các cặp đôi yêu nhau nắm tay đi ngoài đường, chạnh lòng, nôn lắm. Nghe ai bỏ chồng bỏ vợ là mừng hết lớn luôn. Giờ thì khác rồi, không còn thèm đứng nhìn nữa mà đã lấy… ghế ra ngồi nhìn cho đỡ mỏi chân…

DU 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn