Đội lính đánh trống

Thứ Ba, 27 Tháng Ba 20184:15 SA(Xem: 5653)
Đội lính đánh trống

Hẳn bạn còn nhớ hình ảnh tuyệt vời đầy xúc động của ca khúc Fernando (ABBA). Dưới bầu trời sao sáng, tiếng kèn, trống trận xa xa. Bùi ngùi lòng 2 chàng lính già một thời vượt sông Rio Grande về Mễ Tây Cơ chiến đấu cho nền độc lập. 

doi-linh-danh-trong7

“Mày nghe tiếng trống không Fernando?

Tao nhớ một đêm đầy sao thật xưa, như đêm nay

Trong ánh lửa mày hát âm ư và gảy nhẹ guitar

Tiếng trống trận và tiếng kèn từ xa đang tới gần…

Tao sợ lắm Fernando. 

Tụi mình còn trẻ và không đứa nào sẵn sàng chết

Và không có gì xấu hổ khi nói,

tiếng gầm của đại bác và súng làm tao muốn khóc.

Cuộc chiến bao giờ cũng có những chàng trai như Fernando. Và cuộc chiến xưa bao giờ cũng có tiếng trống trận. Trong nội chiến Bắc Nam có những người lính nhỏ hơn Fernando, họ đánh trống, thổi kèn. Người Mỹ gọi họ là “Các cậu bé của chiến tranh”, “Lính con nít” hay chính xác hơn là “Chú bé đánh trống”.

doi-linh-danh-trong5
Thiếu Tướng John Klem năm 1922
doi-linh-danh-trong6
John Joseph Klem 12 tuổi trong quân phục năm 1863

Mặc dù điều kiện nhập ngũ là 18 tuổi nhưng ước chừng có đến 100 ngàn lính dưới 15 tuổi và 20 phần trăm số người lính trong nội chiến dưới tuổi 18. Khi mà chiến tranh khốc liệt, con số tử vong cao và chiến tranh chừng như kéo dài thì cả 2 phía đều cần binh sĩ. Các cậu bé nhỏ tuổi đã khai gian tuổi thật để được nhập ngũ. Nhiều công việc trong chiến tranh không giới hạn tuổi tác như liên lạc giao thư, phụ trách hậu cần, giúp y tá bác sĩ, và nơi tiền tuyến thì cần các người đánh trống, thổi kèn. Phần lớn chúng là trẻ mồ côi. Vào quân đội sẽ được trả lương, đồng lương 13 đô mỗi tháng thật là to lớn. Chúng lại được mang quân phục oai phong, có mái ấm gia đình; có những người anh, cha, chú trong quân ngũ; tất nhiên là có cả các người chị, người mẹ là các cô y tá chăm sóc. Nhiều chú bé bị từ chối vì tuổi nhỏ nhưng đã kiên trì đeo bám theo đoàn quân, sau rốt cũng được nhận.

doi-linh-danh-trong4
3 cậu lính đánh trống 1863

Phần lớn nhiệm vụ của các chàng lính tí hon này là đánh trống. Chúng đi phía sau hàng tiến quân của các tay súng bộ binh. Tiếng trống vang lên cùng tiếng còi thúc trận, trong muôn vàn âm thanh hỗn tạp của súng đạn, hò reo, kêu gào đau thương hay phấn khích; tiếng của địa ngục trần gian, của bờ cõi sinh tử, của vận mệnh con người và đất nước. Trong âm thanh chiến tranh ấy, thuở mà các máy truyền tin chưa có, các hiệu lệnh được truyền đi bằng các lá cờ, màu áo không được hiệu quả, vang xa bằng các tiếng trống lệnh. Mỗi tiếng trống lệnh được luyện tập và mang tính quyết định cho trận đánh. Các chú bé được tập đánh trống làm lệnh “triệu tập”, tiếng bập bùng khác thì “rút lui”, và rạo rực phấn khích khác là “tấn công”. Đó là một tràng trống dài nối tiếp nhau, thúc giục hối hả, nhiều nhịp nhanh vang to, vang xa. Khi các tiếng trống này vang đến các đội quân ở mé rừng hay sau đồi cây, thì các chú bé ở đội quân ấy nối tiếp để truyền đi hiệu lệnh. Và thế là một chiến dịch tấn công đều nhịp, đúng thời điểm để quyết định trận chiến, cũng như di quân về phía khác… Chúng như tiếng sấm được lan truyền trên mặt đất đầy khói lửa. Khi không cần đánh trống, thì chúng được phân công làm khiêng cáng, mang đạn dược, chuyển các tin nhanh, đi đếm số, tìm các thương binh để báo tin cho y tá đến cứu giúp, và chôn cất người chết.

doi-linh-danh-trong2
Orion Howe 14 tuổi

Cũng như bao đứa trẻ nhỏ, chúng mê say những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy hứng thú như trong sách vở, tìm thấy hình ảnh anh hùng trong các người lính mà chúng xin đi theo. Sinh năm 1851, John Joseph Klem, gốc ở Ohio, thay đổi tên họ là John Lincoln Clem vì ái mộ Tổng thống Lincoln. Mùa xuân 1861, cậu lên 10 tuổi, mẹ mất vì tai nạn tàu lửa, Clem bỏ nhà xin gia nhập Quân đoàn 3 Bộ binh Tình nguyện Ohio. Sau khi bị từ chối, cậu lại đến xin gia nhập quân đoàn 22 Michigan, bị từ chối cậu bé cứ lẽo đẽo theo đoàn. Sau cùng các binh sĩ xin sĩ quan nhận cậu làm con nuôi và đánh trống. Họ trả lương cho cậu, trao cho cậu một khẩu súng cưa ngắn và hứa cho nhập ngũ chính thức 2 năm sau. Khi trận chiến xảy ra ở Shiloh, Tennessee; một quả cà nông nổ làm cậu ngã bất tỉnh, mảnh đạn làm thủng trống, đoàn tìm thấy cậu mang về an toàn. Trong trận chiến ở Chickamauga ở Georgia, cậu được giao làm ghi chép, đánh dấu, quân Union bị tấn công mạnh mẽ, trong mù mịt khói lửa, 3 viên đạn xuyên qua mũ, cả đoàn quân tán loạn, cậu ngồi trên chiếc xe tải đạn rút lui thì thoáng trong khói mù, bóng dáng một Trung tá Confederate đòi cậu dừng lại đầu hàng. Clem bắn chết viên trung tá tức thì và trốn thoát. Clem được phong trung sĩ, trở thành hạ sĩ quan đầu tiên nhỏ tuổi nhất trong quân đội Mỹ bấy giờ.

doi-linh-danh-trong1
Một chú lính chụp trong studio, nét mặt tự hào

Tháng 10, 1863, Clem bị bắt ở Georgia, quân Confederate lột quân phục của cậu. Sau thời gian ngắn ngủi Clem được trao trả tù binh. Báo chí Confederate được dịp tuyên truyền rằng phe Union đã yếu kém, phải dùng trẻ thơ ra trận. Trở về tiếp tục theo các đoàn quân, Clem làm nhiệm vụ truyền lại hiệu lệnh từ cấp cao. Tháng 9, 1864 Clem được giải ngũ sau 2 lần bị thương. Trở về sau chiến tranh, Clem đi học lại và tốt nghiệp trung học năm 1870. Clem lại gia nhập Cảnh vệ Đặc khu Columbia, sau đó thi vào trường võ bị Westpoint, thi rớt nhưng lại được Tổng thống Ulysses S. Grant phong chức thiếu úy trong sư đoàn 24 bộ binh vào tháng 12, 1871. Từ đó Clem thăng tiến đi lên trong quân ngũ, lên đại úy vào năm 1895, lúc ấy Clem tròn 44 tuổi. Clem tiếp tục tham gia trong cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ, trở thành thiếu tá năm 1901 và đại tá vào năm 1903. Năm 1915 Clem về hưu ở tuổi 64, và theo truyền thống được phong chức Thiếu tướng đối với cựu chiến binh. Clem trở về sống cuối đời ở San Antonio, Texas và mất ngày 13 tháng 5, 1937, được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia Arlington, Virginia.

doi-linh-danh-trong3
Ảnh William Black bị thương tay trái

Ở trận Antietam đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến ở Maryland ngày 17 tháng 9 năm 1862, chỉ trong 12 giờ, gần 23,000 binh sĩ (trong đó có hơn 1 vạn người ở mỗi bên) đã bị thiệt mạng hay tàn phế. Trận đánh tàn khốc đã chấm dứt hoàn toàn cuộc tiến công của quân miền Nam vào Maryland, giúp miền Bắc đẩy lui hiểm họa, khiến tướng Lee thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của Anh, Pháp; giúp Abraham Lincoln quyết định tuyên bố Tuyên ngôn giải phóng nô lệ vào 5 ngày sau. John Cook là một thiếu niên 15 tuổi thổi kèn thúc trận, đã tình nguyện bỏ kèn cầm thuốc súng mồi pháo cà nông. Cook được tặng Huân chương danh dự sau trận chiến này. Trong trận chiến Vicksburg, cậu bé đánh trống 14 tuổi Orion Howe thuộc đại đội C, tiểu đoàn bộ binh 55 Illinois, cũng tình nguyện băng qua chiến trường để báo cáo số đạn dược, thu nhặt vũ khí trong làn đạn pháo dữ dội, nhiều người cùng làm nhiệm vụ với cậu đã tử vong, riêng cậu dù bị thương nặng nhưng đã giúp tướng liên quân Sherman nắm được tình trạng chiến trường. Một sử gia quân đoàn ghi lại: Chúng tôi có thể thấy rõ cậu suốt cuộc chiến…cậu chạy xuyên cơn bão đạn pháo, đạn xới tung mặt đất khô từng đám bụi. Thình lình cậu ngã xuống, tim chúng tôi nhói lên, nhưng cậu chỉ vấp ngã. Cậu lại gượng dậy và chạy, vấp ngã rồi lại đứng dậy, cậu chạy cho đến khi khuất sau đồi…”  Howe giải ngũ năm 1864 với quân hàm hạ sĩ sau 14 lần tham chiến. Cậu được phong Huân chương Danh dự vào năm 1896. Tổng thống Lincoln cho cậu vào Học Viện Hải quân Mỹ năm 1865. Howe không vượt qua được cuộc thi tuyển vào trường võ bị nhưng cũng đã tốt nghiệp đại học ở New York. Howe mất năm 1930 và được chôn cất ở Nghĩa trang quốc gia Springfield.

doi-linh-danh-trong
Robert Henry Hendershot anh hùng của trận Rappahannock

Phe Confederate cũng có những chiến sĩ nhỏ tuổi. Charles C. Hay gia nhập Trung đoàn Alabama khi vừa 11 tuổi. Một cậu lính khác là William Black làm trống hiệu và bị thương mất đi cánh tay trái khi đạn cà nông nổ cạnh. Có chừng 48 chiến sĩ tí hon này nhận được Huân Chương Danh Dự vì sự can trường và những đóng góp phi thường trong và sau nội chiến. Mặc dù vậy, các nhật ký ghi lại còn đậm nét kinh hoàng của chiến tranh đi qua tuổi thơ. Elisha Stockwell, một cậu bé ở Wisconsin viết sau trận chiến ở Shiloh năm 1862: “Khi tôi ngã nằm trên mặt đất, đạn pháo như mưa bay qua người, thì tâm trí lại nhớ về quê nhà. Và tôi nghĩ mình thật là ngốc khi đã bỏ nhà và lao vào cuộc chiến rối beng này. Ước gì cha tôi còn đó để chăm sóc cho tôi.” Một cậu trẻ khác 16 tuổi ghi lại: “Tôi ngất đi…tỉnh dậy thấy xác của một cậu bé đẹp trai mặc áo xám nằm cạnh, mái tóc vàng xoăn xõa trên mặt, 2 tay khép lại nằm chéo yên bình trên ngực. Quân phục chỉnh tề, nút đồng và dây vàng. Trông giống như hình ảnh một người mẹ hiền hay chị yêu đã gởi con chó nhỏ thân thương đi vào vùng chinh chiến. Chiếc mũ nhỏ nằm cạnh mang số quân của Trung đoàn Georgia…Cậu chừng trạc tuổi tôi…Nhìn cậu ta, tôi bật lên tiếng khóc. Khóc không nguôi.”

Hơn trăm năm qua, các cuộc chiến đã im ắng. Nhưng tiếng trống trận mãi còn đó vang vọng lịch sử. Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt / Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây. Tiếng trống thổn thức lòng chinh phụ hay tiếng trống của Fernando. Và tiếng trống của những chú bé trong cuộc nội chiến năm xưa – đầy huyền thoại.

SB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn