NGÀY GỌI KIẾP LANG THANG

Thứ Năm, 19 Tháng Giêng 20235:00 CH(Xem: 1370)
NGÀY GỌI KIẾP LANG THANG
Truyện viết đã lâu, chuyện tình của hai người bạn thời thập niên 90 của thế kỷ 20. Người đàn ông đã mất 5 năm trước và người đàn bà vừa qua đời tuần qua. Bài viết thay nén hương tiển bạn tôi lên đường. Trong kiếp luân hồi chắc gì hai bạn sẽ lại được gặp nhau… Nhưng ít ra trong kiếp này, trong cõi tạm trần gian này, hai bạn đã có với nhau, một cuộc tình ấm êm trọn vẹn, một điều mà không phải ai cũng có được trong đời. Hãy yên tâm lên đường, bạn tôi ơi!

*


Thử tưởng tượng hai người Việt Nam, một đàn ông, một đàn bà gặp nhau trong một quán rượu vùng biên giới Mễ Tây Cơ. Chàng lang thang tới đây vì không biết làm gì cho hết mấy ngày nghỉ trong năm. Từ San Diego, chàng chạy dọc theo một bờ biển rất đẹp đến thị trấn này. Lang thang cả buổi trưa vẫn không tìm thấy được một kiểu áo da ưng ý, chỉ thấy từng bầy đàn bà, trẻ con hành khất, nhơ nhớp… Chàng hối tiếc cho một ngày nghỉ dù biết rằng có ở nhà thì cũng chỉ ngủ vùi. Cái bước chân vô định vào một quán nước có cái tên Mỹ và một cái bảng giá tiền nước uống bằng tiếng Mỹ chỉ vì điều này làm chàng yên tâm hơn một chút. Quán nước ồn ào dơ bẩn, hôi hám mùi người khiến vừa bước vào chàng đã quay lưng định bước ra. Dọc theo cái quầy hàng chạy dài suốt chiều dọc bên tay phải là những người Mễ mặt đỏ gay gắt vì men bia. Rải rác một vài phụ nữ đứng tuổi. Một cặp Mễ đang nhảy Flamingo trên cái sàn gỗ sỉn, theo tiếng nhạc guitare rộn rã của ba ông nhạc công. Người đàn ông dáng cao nhưng cái bụng to, xẹ hẳn xuống trông buồn cười hết sức khi cố biểu diễn những bước nhảy bay bướm. Người đàn bà đã đứng tuổi, thân hình còn gọn ghẽ tương phản với những nếp nhăn trên gương mặt bóng mỡ. Tiếng đàn guitare khiến chàng đổi ý quay lại ngồi xuống một cái bàn nép sau tấm bình phong chắn cửa ra vào, mỉm cười chào hai cô du khách Mỹ đang vỗ tay theo nhịp đàn. Một vài ánh mắt tò mò dành cho anh chàng Á Đông lạc bước. Người bồi bàn là một trong những người đàn ông đang đứng dựa quầy tiến đến hỏi chàng uống gì. Chàng gọi một chai bia Budweiser. Trên sàn gỗ, cặp tình nhân đang biểu diễn những điệu nhảy đến hồi gay cấn, bóng dáng người đàn bà nhanh nhẹn thoắt bên nầy, nhún bên kia đến chóng mặt. Tiếng cổ võ, cười nói. Chàng đang chăm chú theo dõi, giật mình khi nghe một giọng đàn bà Á đông: 5 dollars, Sir. Sau nầy khi họ đã thân nhau, chàng vẫn không quên được cái cảm giác ngỡ ngàng khi nhìn thấy một gương mặt dịu dàng, hai bàn tay trắng muốt, như không có một chút gì liên hệ với cái quán rượu tồi tàn dơ bẩn này.

Vậy mà thật. Có một người đàn bà Á Đông ở nơi này. Chàng móc túi, trả tiền, hỏi lại: Cô từ đâu tới đây. Đại Hàn, Nhật, Tàu, Phi? Chàng không thêm Việt Nam bởi vì thâm tâm, chàng không thể tưởng tượng một người đàn bà Việt Nam có thể hiện diện trong không khí nầy, trong hoàn cảnh nầy mặc dù khuôn mặt nàng, một khuôn mặt yêu kiều rất Việt Nam. Giọng trả lời lạnh lùng, dứt khoát: Tôi người Tàu. Chàng ngập ngừng: Cô giống người Việt quá. Giống đứa em gái mà tôi yêu nhất, đã 10 năm rồi không được gặp. Ánh mắt hơi ngập ngừng, chưa vội bỏ đi. Chàng cố nói: Cô sống ở đây, lâu chưa. Có nhiều người Á Đông như cô sống ở đây không? Cách trả lời như không muốn bắt chuyện: Không nhiều lắm đâu. Tôi sống ở đây lâu rồi, đã quen... Một người Mỹ đen đang đứng dựa quầy, vẫn nhìn chàng chăm chú từ khi chàng bước vào, bước đến bên cạnh, bắt tay tự giới thiệu: Tôi tên là Jim, anh chắc là người Việt Nam. Chàng nói tên mình, Jim cười nói: Tôi đi lính ở Việt Nam, có vợ Việt Nam, có ba đứa con. Nhưng vợ tôi bỏ tôi và các con đi lấy chồng Việt Nam rồi... Tôi thích ở đây hơn là ở bên Mỹ... Jim vui miệng nói tiếp: Cô Kim cũng là người Việt Nam. Anh có bạn rồi đó.

Khi người con gái trở ra, đi ngay nơi chàng, chàng nói nhỏ:
- Xin cô cho tôi một ly nước đá lạnh.

Tiếng Việt của chàng làm người con gái bối rối thấy rõ. Gương mặt lạnh, lì lợm này, chàng đã nhìn thấy nhiều lần trên đảo, trên những trại tị nạn chuyển tiếp chàng đã đi qua. Gương mặt lì lợm của biển Đông, của Việt Nam điêu linh, của nhục nhã trăm bề, của đá tảng bên ngoài, của hồ lệ bên trong, những gương mặt đã làm chàng kinh hoàng khi nhớ đứa em gái ngây thơ duy nhất còn sống tại Sài Gòn. Chàng dứt khoát không cho em và mẹ vượt biên. Mặc dù có lúc nó viết thư khóc lóc đòi vượt biên vì không chịu nổi những bất công phi lý của một đời con “ngụy” ở thành Hồ. Chàng khuyên nó chờ đi chính thức. Người nó yêu đã lìa xa quê hương. Người con gái không trả lời chàng, lẳng lặng đem ra cho chàng một ly nước lọc và không lấy tiền. Chàng cố bám víu:
- Tôi muốn mua một cái áo da. Cô ở đây, có thể chỉ nơi nào tôi có thể tìm thấy đồ da không?

Cô gái mở miệng. Tiếng Việt Nam phát ra là lạ một thứ tiếng lâu ngày không dùng tới. Thân cận đó, mà xa lạ đó. Cô nói không đầu, không đuôi:
- Đi theo con đường nầy. Cuối đường là tiệm bán đồ da. Phía bên kia đường...

Những chủ nhật sau đó, chàng luôn tìm cách trở lại. Chàng tự chế diễu mình tại sao. Tại tính tò mò. Tại lòng thương xót hay tại trong thâm tâm, chàng không thể chấp nhận một thân phận phụ nữ Việt nổi trôi ở không khí đó, hoàn cảnh đó. Hay tại đôi mắt đen lay láy, mái tóc dài thẳng đuột, hai bàn tay xương xẩu mịn màng... Chỉ biết chàng đã trở lại nhiều lần. Bịa với cô gái là chàng đi buôn bán cuối tuần kiếm thêm tiền. Những lần sau đó, cô gái thân thiện hơn một chút, chỉ chàng chỗ này, chỗ nọ mặc dù: Tôi ít khi đi đâu nên không biết nhiều. Chỉ có một câu hỏi cô không trả lời là: Tại sao lưu lạc tới đây, tại sao lại sống chung đụng với những người Mễ bình dân nầy. Tại sao lại chọn quán rượu Mễ nầy làm nơi dung thân. Nàng dứt khoát: Nếu ông không ngừng những thắc mắc của ông lại thì tôi sẽ không nói chuyện với ông.

Nhiều lần sau đó, chàng trở lại với những gói quà. Thường chỉ là thức ăn Việt Nam. Một cây chả lụa. Một gói thịt heo quay. Một vài bó rau thơm. Một gói xôi vò. Ánh mắt cô gái đã dịu dàng hơn, thân thiện hơn mỗi khi nhìn thấy chàng. Những người Mễ đã vỗ tay nô đùa mỗi khi thấy chàng xuất hiện trong quán rượu...

Có lần nàng rơm rớm nước mắt bảo chàng:
- Ông đến đây làm gì, cho quà tôi làm gì. Tôi đã muốn quên tôi là người Việt Nam.

Chàng nghe xót xa quá đổi. Đất nước ta còn bao nhiêu đứa con gái nhỏ lưu lạc tha phương như cô nhỏ này. Chàng nhớ đứa em gái nhỏ còn kẹt lại mà dù có cố gắng đến đâu, chàng cũng không đủ lấp đầy những điều cần thiết cho đời sống nó nơi thành phố không còn là nơi bình an dù là quê nhà. Nó thường nói về  sự cô đơn, lo lắng sợ sệt khi bóng đêm về. Chàng nắm lấy cái bàn tay nhỏ lạnh buốt đem ra cho chàng ly bia:
- Cứ coi như kiếp truớc, anh có nợ. Một tuần không thấy em, anh không chịu được. Đêm nay, anh sẽ đưa em về nhà, sau khi em tan việc.

Nàng lắc đầu muốn khóc:
- Không được đâu anh.

Trí tưởng tượng phong phú của chàng đã làm việc nhiều trong thời gian đó. Chàng đã tưởng tượng nàng thân gái dặm trường, bị ép buộc sống đời bất lương. Chàng tưởng tượng nàng đam mê, bị một người đàn ông Mỹ nào đó bỏ rơi nơi xứ lạ quê người. Chàng tưởng tượng nàng bán thân, chuộc cha như Thúy Kiều. Chàng tưởng tượng nàng trầm luân biển Đông, người yêu phụ bạc nên buồn lòng lánh xa xứ Mỹ. Những tưởng tượng khiến chàng không vui một chút nào hết, không muốn biết, không muốn nghĩ đến khi mỗi cuối tuần vượt hàng trăm dặm đến thăm. Quán rượu nghèo, nhưng mọi người hầu như rất tốt, rất thân với nàng. Có một chút gì đó che chở, ruột thịt. Nàng lại hiền lành, nhút nhát, không có một vẻ gì của một người đàn bà sống buông thả, son phấn. Nàng nhất định không cho chàng biết nơi nàng cư ngụ. Chàng viết thư tỏ tình:

Anh biết em có một điều bí ẩn muốn dấu anh. Hãy nói, nói với anh đi. Hãy nghĩ ít nhất trong đời em cũng còn một người thân, muốn lo cho em. Người đó là anh. Anh không thể nghĩ em đã làm những điều bậy trong đời. Nói với anh đi, con thỏ nhỏ.
Anh không có gia đình ở đây. Em gái anh hay khóc lắm. Những giọt nước mắt của nó làm anh không cách gì đọc thư của nó một lần thứ hai. Nó đang ở xa anh. Nhưng em, em đang ở gần. Anh không thể nắm tay nó nhưng hiện giờ anh có thể nắm tay em. Hãy để anh làm một điều gì đó, tham dự vào đời sống em một phần nào. Hãy giúp anh quên đi cái cảm giác hụt hẫng, không trọn vẹn của những lá thư quê nhà...

Nàng im lặng khóc. Một chủ nhật chàng đến quán rượu, nàng vắng mặt. Người chủ quán cho biết nàng đã xin nghỉ việc. Ông nói: Kim khóc hoài. Nó khổ lắm. Tiếng Mễ bập bẹ của chàng không giúp cho chàng hiểu nhiều hơn chút nào. Chàng hỏi nơi nàng cư ngụ. Những người Mễ trong quán đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu. Chàng bước ra khỏi quán, con đường nhỏ tồi tàn, những hàng quán quê mùa xanh xanh, đỏ đỏ. Chàng nghe thương mình, thương thân nàng đến xót xa. Chàng nắm chặt bàn tay. Móng tay út dài đâm vào da thịt nhói đau. Chàng nghe mắt mình cay xè như đang sống lại giây phút đứng bó tay trong mạn thuyền nhìn những người phụ nữ Việt Nam trần truồng quằn quại. Chàng nói nhỏ với chính mình: Em đang ở bên bờ tử sinh? Làm cách nào anh bỏ mặc em nơi đây, một mình...

*
Người đàn ông xuất hiện vào đúng lúc đời sống tôi, tôi không còn phân biệt nổi ngày và đêm. Quán rượu mở cửa từ rạng đông cho những người Mễ lao động uống cà phê buổi sáng, cho đến nửa đêm, khi họ từ những cánh đồng, những công xưởng lân cận trở về. Đối với những người Mễ nghèo khó nầy, đàn ông cũng như đàn bà, những quán rượu tồi tàn nầy là mái nhà thật sự của họ. Bởi vì nhà của họ – nếu có thể gọi là nhà – chỉ là một nơi vá víu với tất cả những gì có thể che nắng che mưa. Nó khá hơn mái tranh, vách đất của xóm nghèo quê hương tôi nhưng ngược lại nó trần truồng, bỉ ổi đến rợn người.

Vậy mà mỗi đêm tôi chỉ mong ước được lui về cái xó tối này của tôi. Qua một khung cửa sổ không kín đôi khi tôi thấy vài vì sao. Không biết vì đời sống tôi bây giờ thay đổi hay tại trời đất nơi đây là như thế, tôi không còn nhìn thấy một khung trời đêm đầy sao như lúc tôi còn nhỏ ở quê nhà. Thuở đó có lắm đêm mùa hạ, mẹ tôi hay trải chiếu nằm trước sân nhà, mẹ tôi nói về quãng đời làm dâu trăm đắng ngàn cay của mẹ. Tôi nằm ôm thân thể ốm yếu của mẹ mà cảm thấy ấm áp tựa như nằm giữa nệm ấm, chăn êm. Trời mùa hạ ở quê nhà đầy sao. Tôi nhớ như thế. Ở nơi đây, tôi ít khi nhìn thấy những đêm sao.

Đời sống ở nơi đây làm cho người ta có những giờ phút rảnh rỗi mà không biết làm gì. Tôi nghĩ đó là lý do mà người đàn ông đã trở lại nơi đây rất nhiều lần, ngồi rất lâu dù để chỉ hỏi tôi một vài câu cố định. Bởi vì qua mảnh gương vỡ của căn phòng tắm đơn sơ tồi tàn của căn phòng trọ tôi đang ở, tôi nhìn thấy rõ tôi hơn ai hết. Đó là một khuôn mặt tôi không còn muốn nhận là của mình, không còn muốn nghĩ đó là hình ảnh của mẹ tôi, bởi vì từ khi tôi lớn khôn, ai cũng bảo tôi giống mẹ tôi như đổ khuôn.

Dĩ nhiên, một người đàn bà Việt Nam xuất hiện trong một quán rượu tồi tàn vùng biên giới Mỹ-Mễ phải là một điều bất bình thường. Nhưng tôi không cần sự chú ý của ai hết. Tôi không muốn thì đúng hơn. Người đàn ông nầy thực sự đang làm tôi lo sợ. Trông anh ta có vẻ đứng đắn, áo quần nghiêm chỉnh nhưng cái nhìn tò mò làm tôi có cảm giác bất an.

Nhất là những câu hỏi. Những câu hỏi cố định và đương nhiên đó đã làm tôi bực dọc quá chừng. Tại sao cô lại ở đây? Tại sao cô chọn nơi này để làm việc? Hoặc những câu khác đi một chút như: Tôi trông cô rất hiền lành, tại sao lại sinh sống và làm việc ở đây? Lần nào tôi cũng im lặng, cố mỉm cười rồi lảng đi chỗ khác. Nhưng có một lần, anh ta đã nắm lấy bàn tay tôi, hỏi lớn qua tiếng nhạc Flamingo đang làm bật tung từng sợi thần kinh của tôi. Lần đó tôi đã không còn dằn nổi nữa. Tôi đã xẳng giọng trả lời anh ta bằng tiếng Việt là: Mỗi người có một đời để sống. Tôi sống ở đây, làm việc ở đây là một chọn lựa. Tôi mong câu trả lời nầy sẽ chấm dứt sự tò mò của ông. Tôi chọn lựa nơi đây để sinh sống như người ta chọn lựa cảnh màn trời chiếu đất đầy dẫy trên nước Mỹ... Như ông đã chọn lựa nơi đây để đến những khi ông không có gì để làm. Tôi chỉ mong rằng ông đến nơi đây không phải vì tôi...

Những người Mễ quen thuộc trong quán đã nhìn thấy việc người đàn ông Á Đông trở lại nơi đây rất nhiều lần là tôi đã có một cây si. Họ gọi đùa mỗi khi thấy bóng người đàn ông xuất hiện là “nhân tình của tôi” đã đến. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi không là gì, không có gì, và không còn mong muốn gì... Từ Mễ đến Mỹ... không cách xa gì. Chắc chắn là sự tò mò đã đưa người đàn ông này trở lại nơi đây. Người đàn ông có một vẻ gì đó rất lạ. Sau lần tôi cáu kỉnh, anh ta không còn chất vấn tôi nữa mà lại có vẻ như muốn tâm sự với tôi. Như: Cô giống một đứa em gái mà tôi chưa bao giờ thấy mặt từ khi nó lớn khôn. Khi tôi lìa Việt Nam thì em tôi còn nhỏ xíu. Tôi chỉ nhìn nó qua ảnh... Lần khác thì: Tôi ước gì cô là em gái của tôi. Nó không ở gần  tôi. Tôi ân hận khôn cùng vì chuyện này...

Tôi thấy tôi mong đợi những ngày cuối tuần mặc dù tôi biết tôi không nên như thế. Người đàn ông nầy là một bất an cho đời sống tôi bây giờ. Tôi vừa lo sợ, vừa bị cuốn hút vào. Người đàn ông như một ngọn đèn chiếu thẳng vào đời sống tôi tăm tối. Tôi biết tôi không thể có tình cảm về anh ta như thế được. Dù anh ta có đôi mắt trầm ấm, dù anh ta dịu dàng rất mực. Và nhất là dù anh ta có vì tò mò đến đây mỗi cuối tuần...

Những người Mễ bình dân là những người hiền lành tốt bụng trái ngược với vỏ ngoài dữ dằn của họ. Họ đã chấp nhận tôi như chấp nhận một chuyện tình cờ xãy ra trong đời sống họ. Họ gọi tôi là “Asiatica” một cách rất thân, rất vui. Đời sống nghèo khổ cơ cực khiến họ cũng ít có thì giờ bận tâm đến tôi.

Lâu dần, tôi có cảm giác tôi đã bị bỏ quên, bị lãng quên trên cõi đời nầy...

Bởi vì...
Người đàn ông hỏi mấy giờ đêm thì tôi tan việc. Anh ta muốn mời tôi đi ăn tối nay. Chỉ để nói chuyện với cô thôi. Không hiểu sao tôi thấy cô rất gần gủi, thân quen. Tôi lắc đầu. Anh ta lại nói: Cô ở một mình nơi đây không sợ sao? Anh ta cũng lắc đầu: Tôi hỏi những người Mễ nầy họ cho biết là cô chưa có chồng, cô sống một mình. Tôi cũng sống một mình và tôi muốn lo cho cô. Hãy cho tôi biết, tôi có thể làm gì cho cô không?

Làm gì cho tôi. Không ai đã có thể làm gì cho tôi kể từ khi tôi lìa tay mẹ tại một điểm hẹn ở Phan Rang xuống tàu vượt biên. Mẹ tôi lo lắng cho tôi biết là chừng nào. Mẹ tôi lo trời nắng dưới ghe tôi sẽ cảm, nhớ đội nón trên đầu nghe con. Mẹ tôi lo tôi sẽ không bương chải được, đối đầu với cuộc đời được vì tôi vốn hay mắc cở, ít khi mở miệng được để nói chuyện với người lạ. Con đường duy nhất tôi qua lại là con đường xe lam tôi đi học mỗi ngày. Cha tôi mất từ khi tôi còn nhỏ. Mẹ tôi ở vậy nuôi ba anh em tôi. Mẹ tôi bán tất cả tài sản góp tiền cho ba đứa con vượt biên khi anh tôi từ trại cải tạo được thả về. Mẹ tôi dặn: Anh em phải lo đùm bọc, lo lắng cho nhau. Nhà bán rồi nên mẹ sẽ về ở với Cậu Mợ Ba. Đừng lo cho mẹ. Tôi nhớ đến người anh em duy nhất của mẹ tôi mà rùng mình. Đó là một người ích kỷ nhất trên đời mà tôi có thể biết. Lại còn bà vợ chuyên bài bạc, gian lận. Mẹ mà phải ở chung với họ... Nhưng mẹ tôi bảo, chỉ một thời gian thôi, mẹ buôn bán rồi ra riêng. Đừng lo cho mẹ, anh em ráng lo cho nhau.

Mẹ tôi đâu biết rằng cái câu mẹ dặn anh tôi: “Con ráng lo cho em con. Nó là con gái lại yếu đuối, đau ốm hoài. Thương mẹ thì ráng lo cho em” đã giết người anh cả hiền lành thương em rất mực của tôi. Khi một tên hải tặc sờ bàn tay đen đúa của nó lên thân thể trần truồng của tôi giữa boong tàu, anh tôi đã không còn nhớ gì nữa hết. Anh tôi đã quên, cái búa bửa củi của thằng đồng bọn nó đang có trong tay. Anh tôi cũng quên luôn mặt biển gầm sóng dữ chung quanh. Chỉ biết trong cơn đau đớn nhục nhã, tôi nghe tiếng khóc ầm ĩ của đứa em trai cùng với tiếng rú lên đau đớn của những người con gái đồng cảnh ngộ... Khi tôi tỉnh dậy, không biết mấy ngày sau đó khi tàu tôi được đến bờ, khi mọi người trên tàu reo hò là chúng tôi may mắn vì ít ra bọn hải tặc đã không bắt chúng tôi theo... Thì đứa em trai 15 tuổi của tôi đã là một người khác. Tôi cố gắng không khóc, cố gắng chai lì trước những đôi mắt nhìn đôi khi thương hại, đôi khi sàm sỡ của những người đàn ông trong trại. Tôi cố gắng quên tất cả... nhìn thấy việc lo lắng cho em tôi là chính. Chỉ tiếc có một điều: Nó đã nhìn thấy rõ hơn ai hết cái con vật người vật vã trên boong tàu là chị nó. Cái con người không còn một chút sinh lực nào, sống dở chết dở cũng chính là chị nó. Nó không còn tin, còn nghĩ được rằng tôi sẽ lo được cho đời nó.

Tôi chỉ biết rõ một điều là sau đó, em tôi nó đã khác. Nó không còn là một đứa bé theo tôi đòi ăn, hay chạy giỡn đùa nghịch, đánh đu trên lưng tôi nữa. Nó hay ngồi trầm ngâm với ánh mắt thù hận. Nó không bao giờ nhắc đến mẹ và nhất là... nó tránh nhìn tôi hay chạm vào thân thể tôi. Tôi biết nó đang nghĩ gì nhưng tôi không biết làm gì khác hơn ngoài chuyện cố đứng dậy mỗi buổi sáng cố nhìn thẳng vào con đường trước mặt và cố nghĩ về mẹ tôi mà sống. Tôi viết thư về nhà báo tin cho mẹ tôi biết là anh em tôi đã lên đến đất liền.

Những ngày tháng sau đó mẹ tôi hỏi sao anh Hai con không viết thư về cho mẹ. Tôi trả lời: Anh con bận làm, bận học, anh bận nuôi chúng con. Anh bảo con viết thư cho mẹ thay anh ấy...

Rồi chúng tôi đến nước Mỹ. Tôi đi may vá, đi học buổi tối, cố quên đi những gì đã xảy ra. Bởi vì nói cho cùng tôi không phải là người duy nhất bị điêu linh. Tôi cố an ủi tôi như những người tốt bụng đã an ủi tôi là ít ra tôi đã không bị đày đọa quá lâu. Nhưng em trai tôi thì khác. Nó vào nước Mỹ như con chim nhỏ lạc vào vùng gió lớn. Nó đến trường được một thời gian ngắn thì chán nản. Nó bảo tụi Mỹ cùng lớp chúng nó khinh bỉ “boat people”. Nó bảo nó chán học vì không theo kịp Anh văn. Em tôi bắt đầu bè bạn với nhóm bụi đời, du đãng. Nó vẫn thương tôi, thương mẹ. Có đêm nó trở về nhà rất muộn, nó khóc lóc nhớ mẹ, nhớ anh. Có đêm nó say khướt, nó bảo nó không muốn nhìn thấy tôi khổ sở. Nó bảo nó muốn giết tôi chết lúc đó. Nó bảo nó không biết làm gì. Hình như cái bất lực của tôi trước thảm họa của đời mình làm cho nó không còn một chút nào tin tưởng vào người chị ốm yếu của nó... Tôi thương em tôi, tôi không thích đám bạn bè du côn, du kề của nó. Nhưng con chim nhỏ theo đà gió cuốn...

Một đêm em tôi hốt hoảng trở lại nhà. Bạn nó ăn hàng một cửa tiệm và  đã bị người chủ tiệm có súng bắn chết, hay bắn trọng thương không rõ. Nhưng chúng nó phải tẩu tán trước khi cảnh sát lùng ra tông tích. Sự kiện nó về nhà, mang tôi theo trên đường lẩn trốn, đã không được bạn bè nó đồng ý nhưng nó đã nhất định vì: không bao giờ tao xa lìa chị tao cả. Đó là lý do tôi trôi dạt đến vùng biên giới Mễ Tây Cơ này...

Đó cũng là câu chuyện tôi muốn kể lại cho người đàn ông tò mò có đôi mắt buồn hay đến quán rượu mỗi cuối tuần. Lâu lâu, em tôi mới về thăm tôi một lần... Lần cuối tôi gặp nó cách đây đã sáu tháng và là khoảng thời gian lâu nhất nó không về thăm tôi... Tôi biết tôi chẳng có thể làm gì ngoài sự chờ đợi. Em tôi có thể đã bị bắt và có thể chính tôi cũng đang bị tầm nã ... Mặc dù tôi chẳng làm gì cả ngoài việc tôi là chị của nó. Nhưng sự việc tôi mất tích cùng lúc với nó đã chẳng biến tôi thành một người đồng lõa hay sao? Tôi chẳng biết. Ngoài một điều thắc mắc duy nhất: Em tôi bây giờ ra sao? Đời sống tôi chỉ là một chuỗi chờ đợi kéo dài...

Người đàn ông dúi vào tay tôi một mảnh giấy khi anh ta trả tiền rượu tối nay.
“Tôi biết đời sống em có một điều bí ẩn. Hãy nói cho tôi nghe. Biết đâu chừng tôi có thể giúp em. Ít nhất, cô nên nghĩ đến một người tốt với em không điều kiện. Tôi cũng không biết rõ tình cảm tôi dành cho em là gì nữa. Nhưng có một điều chắc chắn tôi không đành lòng bỏ em ở lại nơi đây một mình cho đến khi tôi biết rõ tại sao em lại đến đây và ở lại. Bởi vì tôi không muốn sẽ ân hận suốt cả một đời tôi còn lại...

Tôi đang nằm đây trong đáy huyệt của đời người với một trang thư tiếng Việt ép trên ngực mình. Tôi nghe thân thể tôi ấm áp như tôi đang được người đàn ông ấy ôm tôi trong lòng. Mẹ tôi vẫn nói từ khi tôi còn nhỏ dại là tôi sẽ khổ hoài vì tánh tôi hay nghĩ ngợi và hành động khác người. Những đứa con gái như tôi sau thảm kịch thường buông thả vì chúng nó nghĩ chẳng còn gì để mà gìn giữ. Tôi nghĩ ngược lại. Tôi chỉ còn lại cái thân xác này để sống tiếp đời mẹ tôi, đời anh tôi và ngay cả cái đời bình thường hạnh phúc mà đứa em phiêu bạt không bao giờ có được. Thân xác người ta gồm nhiều phần. Một phần thân thể bị ung thư không hẳn là toàn thể con người không còn một chút giá trị nào. Do đó mà tôi sống rất bình thản, ngày cũng như đêm, ở một chỗ rất xa lạ là nơi đây. Bởi vì ngoài ngôi nhà xưa của mẹ, một xưởng may ở Hoa Kỳ, một quán rượu ở Mễ đâu có gì là khác biệt, từ khi tôi xa mẹ. Ngoại trừ việc tôi đang ngóng đợi... Tại sao lâu quá em tôi không trở lại. Nó còn sống hay đã chết...

Em tôi dặn tôi không nên thân cận với những người lạ mặt ngoài người chủ quán rượu Mễ và gia đình của ông ta vì nó và ông ta có nợ giang hồ với nhau. Sự tò mò của người đàn ông Việt Nam đã làm người chủ quán rượu Mễ lo sợ không ít... ngoại trừ, ông ta cười: Nếu cô yêu ông ấy và muốn đi thì cứ đi. Tôi sẽ bảo cho em cô biết khi nó trở lại...

Lần cuối gặp nhau, em tôi đã có dáng vẻ của một người đàn ông trưởng thành đúng mực. Tôi không muốn phán xét em tôi và cuộc sống bên ngoài của nó mà chỉ muốn nói đến sự trưởng thành của người đàn ông trong nó. Nó đã có cho nó một đời ngang dọc, giang hồ mã thượng và nhất là nó đã nghĩ rằng nó đã che chở được cho chị của nó. Nó cho tôi biết là nhóm bạn ngày trước của nó không có ai bị tầm nả cả. Nó đã có việc làm vững chắc ở Mễ và không muốn trở về Mỹ. Nó sẽ về và mang tôi theo khi đời sống nó ổn định hơn về tài chính. Tôi biết những người Mễ hàng xóm tốt bụng với tôi một phần cũng vì lần nào trở về thăm tôi nó cũng cho họ tiền... Tôi biết nó thương tôi lắm. Và vì thế tôi muốn nói chuyện với em tôi biết là bao nhiêu. Tôi muốn nói với em tôi cái rung động tôi chưa hề được biết đến trong đời khi người đàn ông bóp chặt bàn tay nhỏ bé của tôi và nói với tôi rằng: Anh không đành lòng bỏ em nơi đây một mình. Tôi muốn nói với em tôi rằng tôi đã nhìn thấy tấm lòng biển rộng nơi người đàn ông có nụ cười thật hiền, đôi mắt reo vui dù tôi cáu kỉnh. Và nhất là trong cái không khí ồn ào hỗn độn của một nơi xa lạ, tôi đã nhìn thấy qua khuôn mặt của người đàn ông đó, những hàng ngô xanh lá nõn của mẹ. Tôi chưa được anh hôn một lần nào nhưng tôi đã ngửi thấy ngọt ngào mùi ngô mới luộc, nghe trong không khí, mùi dầu Nhị Thiên Đường của mẹ, mùi khét nắng của đầu em tôi sau khi phơi nắng đá banh với trẻ hàng xóm suốt ngày.

Tôi nắm chặt lấy lá thư của người đàn ông và cái địa chỉ gần như nhầu nát trong tay và nói nhỏ như em tôi đang ngồi trước mặt: Em, cánh chim đã trưởng thành. Dù em có làm gì chăng nữa, mãi mãi em cũng chỉ là đứa em trai nhỏ xíu của chị. Và chỉ có chị mới biết, đứa con trai đó dịu dàng, tình cảm và hiền dịu đến chừng nào. Một lúc nào đó, cánh chim em mỏi mệt, em sẽ tìm đến chị. Ở nơi đâu thì chị cũng sẽ trồng vài hàng ngô để lúc nào em về, chị em mình sẽ có lại một nồi ngô mới luộc, mùi sớm mai của mẹ. Em ơi, chị mong ngày đó lắm...
 
*

Khi người đàn ông nghe tiếng chuông cửa rung lên vào một buổi sáng chủ nhật cuối năm, anh biết ngay người đó là ai trước khi mở cửa. Suốt đêm qua, anh thao thức với lá thư dài của người con gái. Người ta không thể lầm lẫn khi người ta nhìn thấy bóng dáng của định mệnh, của tâm linh, của hạnh phúc một đời. Người đàn ông sống tịnh mặc trong căn nhà cuối ngõ với những cuốn kinh Phật vây quanh đã chợt hiểu vì sao Phật Quan Âm đã chọn một đóa hoa sen để hiện hình.

Hạnh phúc thật kỳ diệu phải không em. Vào một lúc không ngờ nhất, vào một hoàn cảnh không thể tưởng tượng nhất thì nó lại hiện ra với một khuôn mặt thiên thần rạng rỡ nhất.

Người đàn ông bước đến tủ lạnh, ngậm vào miệng một lát gừng cay như anh vẫn thường làm trước khi đọc hồi kinh sớm mai, bởi vì anh chợt có cảm tưởng khi môi anh chạm phải môi nàng anh sẽ lại có trong anh cái dạt dào yêu thương, cái sảng khoái thần kỳ, cái yên tịnh tuyệt đối của tâm hồn như anh vẫn thường có khi bắt đầu tụng niệm.

Những cành đào đầy nụ ngoài sân đó em. Em nghĩ sao về đứa con gái đầu tiên mình sẽ có? Anh muốn tên con là “Tịnh Trúc”, bởi vì nó sẽ là một cành trúc êm ả, mềm dịu nhất, như tâm hồn em đó. Sóng gió ba đào là chuyện thế gian. Tình yêu của hai đứa là chuyện của mình. Gừng cay anh vẫn ngậm trong miệng mình mỗi sáng, hạt muối mặn là em, anh cũng sẽ ngậm trong tim anh mỗi ngày.
Em có hứa sẽ hai tay bưng dĩa muối gừng cùng anh suốt đời không em!!!

HOÀNG DƯỢC THẢO
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn