Mon men lên Sài Gòn, sống cùng Sài Gòn hơn nửa thế kỷ

Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một 20226:00 SA(Xem: 1901)
Mon men lên Sài Gòn, sống cùng Sài Gòn hơn nửa thế kỷ

cmc_01 

Khu Ông Tạ bên cạnh Sài Gòn 3, Sài Gòn 10 – cách gọi trước 1975, tức quận 3, quận 10, Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu đi từ ngã ba Ông Tạ, theo đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám) lên trung tâm Sài Gòn, cụ thể là chợ Bến Thành phải bốn, năm cây số.

Tôi bắt đầu mon men lên khu vực trung tâm Sài Gòn từ hồi tám, chín tuổi gì đó. Lúc ấy, chưa rành đi xe đạp và cũng chưa có xe đạp riêng.

Con nít tiểu học lúc đó hay đọc truyện tranh Lúc Ky Lúc Ke (Lucky Luke), Bát Man (Batman), Tin Tin (Tintin), Tề Thiên Đại Thánh, Tí Hon thần lực, Phan Tân – Sĩ Phú, Chú Thoòng, Con quỷ truyền kiếp…  Hồi 1970, tôi học lớp Ba, tám tuổi, vừa đọc hơi sõi. Thằng Ngọc, con bà Sáu đầu hẻm Chùa Khánh Thiền, người Nam cố cựu cả trăm năm vùng này chỉ tôi lên chỗ bán sỉ truyện tranh trên Sài Gòn.

Thế là tôi đi bộ lên ngã ba Ông Tạ, đón xe lam từ đây lên tới dãy ba, bốn nhà chuyên bán truyện tranh đối diện xéo rạp Nam Quang (góc Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng Tám – Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần) mua truyện tranh.

Mua lẻ ở cổng trường mỗi cuốn 10 đồng. Còn lên đây, mua 50 đồng được sáu cuốn,  100 đồng 12 cuốn. Mua về đọc xong, tôi bày truyện tranh trên mảnh nhựa trước cửa tiệm buôn khá lớn của cha mẹ, ngồi bán lại cùng mấy đứa bạn trong xóm. Nếu bán hết được 120 đồng. Tiền xe lam đi về 20 đồng. Coi như huề vốn, nhưng lời là có truyện tranh đọc, khỏi mua. Ông Tạ vốn là khu buôn bán sầm uất. Nhiều trẻ con khu Ông Tạ cũng tập tành làm ăn.

Tôi ngồi bán truyện tranh với mấy đứa bạn, cậu mợ (tôi gọi cha mẹ là cậu mợ) mặc kệ. Thường không bán hết, cũng không sao, tôi đem đổi truyện tranh mình có cho bạn bè lấy truyện khác coi. Cũng là cách tiết kiệm tiền. Mỗi cuốn 10 đồng, bằng tiền sáng đi học mẹ cho hàng ngày; mua được ổ bánh mì thịt hoặc hai gói xôi.

Lúc ấy, tôi vừa tạm khỏi bệnh nám phổi, phải chạy chữa và phải nghỉ học mấy tháng. Trước đó, khi lâm bệnh, thấy tôi nằm khom người thở dốc vì khó thở, mợ tôi xót cả tâm can, vừa vuốt lưng cho tôi dễ thở, vừa nói với cậu tôi: “Chắc con không qua khỏi ông ạ”.

Lúc ấy, ngày ngày chị tôi dắt tôi từ nhà đi bộ lên ngã ba Ông Tạ cách nhà nửa cây số, từ đó lên xe lam tới ngã tư Bảy Hiền, lại đi bộ đến nhà thương Đại Hàn cách trăm thước (nay vẫn còn, là bệnh viện Tân Bình) sau trường Nguyễn Thượng Hiền hiện nay (năm 1969 trường chưa xây) để chích, hai ngày một lần. Mũi kim to như kim chích heo, chích xong máu rỉ một hồi mới hết. Về mợ tôi vạch mông con ra coi, xót xa: “Nát hết mông thằng bé”. 

Thấy con ngồi tí tởn với bạn bè chứ không nằm bẹp dí một đống trên giường, gia đình mừng thầm. Và đó là những chuyến đi lên Sài Gòn đầu tiên của tôi, năm 1969-1970 mà giờ tôi vẫn nhớ như in những tiệm bán truyện tranh đó. Chủ là người Tàu. Chỗ đó giờ là một quán cà phê vỉa hè, chủ là hai anh chị Ly có nhà ở đây lúc đó. Nghe tôi nhắc mấy tiệm bán truyện tranh, hai anh chị cũng bất ngờ: “Lâu quá mới có người nhắc lại mấy tiệm truyện tranh khu này”.

Thật ra ngồi xe lam thì chỉ ngó hai bên đường, còn muốn tìm hiểu Sài Gòn thì phải đến năm 1973, khi tôi đậu lớp Sáu trường công Tân Bình (sau đổi thành Nguyễn Thượng Hiền). Trường cách nhà một cây số rưỡi. Cậu tôi đưa tôi lên Chợ Lớn, nơi ông cất hàng mỗi tuần, ghé tiệm Hoàng Anh trên đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm, quận 5). Đây là một hiệu buôn xe đạp khá lớn ở Chợ Lớn, chuyên buôn bán xe nhập cảng. Tiệm này cách trường tiểu học Minh Đạo dạy tiếng Tàu hơn trăm mét. Mỗi sáng chủ nhật, đi cất hàng (lấy hàng) ông chở tôi đến đó, thả xuống, bắt vô học tiếng Tàu, kiểu học thêm.

Lúc đó, tôi không hiểu tại sao ông lại bắt tôi học tiếng Tàu. Lớn lên mới hiểu: thì ra hồi còn bé, ông học bập bõm đâu vài câu chữ Nho của một thầy đồ trong làng. Nho học lúc đó đã suy tàn. Nhưng ông vẫn bắt con mình thực hiện ước mơ thuở thơ bé của mình. Cũng nhờ vậy, khi học Cổ văn (Hán Nôm) ở đại học, tôi cũng có thuận lợi và viết chữ được thầy khen đẹp.

Cũng vậy, khi ở Hà Nội, ông làm bếp cho một gia đình người Pháp, cũng học lõm bõm vài câu tiếng Pháp. Nên khi tôi thi đậu vào lớp Sáu trường Nguyễn Thượng Hiền, ông “tỉnh bơ” ghi danh cho con học lớp Pháp văn. Trước đó, khi biết thi đậu, tôi đi học thêm tiếng Anh một, hai tháng cũng ở trường. Về nhà, hét lên rôm rả: “Dít i ờ búc”, “Dít I ờ pén sơn”, “hao a du” (this is a book, this is a pencil, how are you – Đây là cuốn sách, đây là cây bút chì, anh thế nào… 

Vào học mới té ngửa: trường xếp tôi học lớp Pháp văn. Thế là làm bạn với “Pierre (Vincent) “n’est ni beau ni laid” (Pierre không đẹp không xấu) trong Le Francais élémentaire (Tiếng Pháp vỡ lòng). Sau này, khi tốt nghiệp đại học, được chọn làm khóa luận tốt nghiệp, có tổ chức bảo vệ, đề tài của tôi là “Tác phẩm Balzac (nhà văn Pháp) được dịch và giới thiệu ở Việt Nam”). Các thầy chấm 9 điểm.

Vào tiệm xe đạp, ông để tôi chọn xe và mua cho tôi chiếc xe đạp sườn ngang hiệu Peugeot của Pháp, giá 16.550 đồng. Giá vàng năm 1973 khoảng 25.000 – 28.000 đồng/lượng.

Chiếc xe ghi tên “ông Cù Mai Công” hẳn hoi. Tôi chăm chút tài sản đầu tiên trong đời mà mình đứng tên lắm, cứ đi học về là lau chùi cẩn thận, cho tới khi xe sáng loáng mới thôi. Chiếc xe này ngày ngày đưa tôi đến trường. Tôi mới 11 tuổi, xe sườn ngang, dù hạ yên xe xuống thấp nhất, nhưng đạp vẫn phải nhón chân, người vẹo qua vẹo lại. Chả sao, có chiếc xe, tôi theo thằng bạn cùng bàn là Đặng Duy Đạo, nhà trên khu Tân Việt (giờ Đạo vẫn ở đó) sau giờ học chạy tứ tung lên khu cơ xưởng Đặng Đình Đáng cũ trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), Lăng Cha Cả… chơi cho thỏa chí tang bồng.

Chưa thỏa thì Đạo và tôi, mỗi đứa một xe chạy lên nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám) coi mộ hai ông Diệm – Nhu ở cuối nghĩa trang. Mộ xây bằng, cao hơn mặt đất hai tấc, trên chỉ ghi vỏn vẹn “Ông Huynh”, “Ông Đệ”. Chúng tôi ra nhà sách Khai Trí mua bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, bộ hai cuốn màu vàng và màu xanh lá cây. Sách do Mỹ tài trợ Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa in nên giấy tốt lắm. Tôi đọc đi đọc lại bộ này, mê mẩn sử Việt (giờ tôi vẫn còn bộ này). Chúng tôi tập tành chơi tem, chạy ra khu Dân Sinh mua album tem (giờ cũng vẫn còn).

Trên đường đạp xe, bao giờ cũng qua chợ Bến Thành. Tôi nhớ lúc ấy và viết: “Hồi 1973, tôi cùng bạn bè lên nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi mua sách, đi ngang cổng chính của chợ, thấy treo kín các bảng quảng cáo kem đánh răng Perlon và giày Bata. Lúc ấy đám học trò lớp Sáu chúng tôi cứ tưởng tên chợ là… Perlon hay Bata gì đó”.

Bảy năm sau, 1980,  chiếc xe đạp này lại đưa tôi lên Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, trung tâm Sài Gòn học võ, rồi dạy võ ở đây suốt 40 năm. Đây là nơi tới giờ vẫn còn dấu vết những giếng nước, hồ nước cung cấp nước cho cả Sài Gòn thời Pháp mới vừa chiếm đóng Sài Gòn – Gia Định. Rồi bốn năm 1980 – 1984, chiếc xe theo tôi đến Trường đại học sư phạm TP.HCM trên đường Lê Văn Sỹ và An Dương Vương - theo đường Bắc Hải lúc đó vẫn còn dấu vết kinh Bao Ngạn do Pháp đào năm 1875. 

Năm sau nữa, 1985, cũng chiếc xe đạp này, tôi đạp xe đi làm ở báo Khăn Quàng Đỏ - Mực Tím ở số 12 Phạm Ngọc Thạch - “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” xưa.  Ngôi biệt thự này trước 1975 là Văn phòng kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa - Phạm Văn Thâng - Nguyễn Quang Nhạc, nổi tiếng nhất miền Nam. Con út ông Hoa tên Thanh, coi tôi như em. Khi tôi làm ở đây, ngôi biệt thự rất đẹp và mát mẻ này hầu như còn nguyên vẹn, kể cả phòng họa viên mà lúc ấy trở thành phòng họp (nay đã phá bỏ, xây mới).

Những gì mắt thấy tai nghe ở Sài Gòn – Gia Định và tìm hiểu nó liên tục hơn nửa thế kỷ, tôi xin mạo muội viết những chuyện này trong tập sách “GIA ĐỊNH LÀ NHỚ - SÀI GÒN LÀ THƯƠNG” sắp phát hành.

CÙ MAI CÔNG 08.11.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn