TS Lê Trung Tĩnh

Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Gloucestershire, UK

Nữ hoàng Elizabeth II, ảnh chụp ngày 24/11/2016

Nguồn hình ảnh, Yui Mok/PA Wire

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng Elizabeth II, ảnh chụp ngày 24/11/2016

Phải sau vài năm sống ở Anh quốc tôi mới quen được với việc có một Nữ hoàng. Là một người đã ở Pháp trong nhiều năm dưới phương châm tự do, bình đẳng, bác ái, không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng chấp nhận việc được cai trị bởi một Nữ hoàng/Vua (mặc dù tôi biết họ chỉ là biểu tượng chính trị với tư cách là nguyên thủ quốc gia trong một hệ thống quân chủ lập hiến). Tôi càng khó chấp nhận một thực thể được gọi là Hoàng gia. Một phần vì gia đình này còn đầy những rắc rối từ vợ chồng đến giữa anh em và thậm chí bê bối từ một số cá nhân. Tinh thần có được từ những năm tháng hoạt động xã hội cùng với một sự đòi hỏi nghiêm khắc và mạnh mẽ tính bình đẳng đã không cho phép tôi chấp nhận, ít nhất là một cách dễ dàng.

Những suy nghĩ đầu tiên của tôi về Nữ hoàng có được trong những tháng đầu tiên sống ở Anh. Khi đó tôi ở chung một căn hộ với một bà chủ lớn tuổi gốc Việt - Hoa ở Canary Wharf. Tôi vẫn nhớ mỗi chiều thường đứng ngắm từ cửa sổ nhà bếp tấm biển HSBC lấp lánh ánh đèn trên nóc tòa văn phòng cao tầng của họ. Bà chủ nhà là một bà già có lịch sử gia đình chạy nạn cộng sản Trung Quốc lẫn Việt Nam trong những năm bảy mươi. Thời gian đó, tôi làm việc vào ban ngày và lang thang khắp London để tận hưởng những mặt tươi sáng cũng như kém tươi sáng của nó về đêm. Khi mệt mỏi vì sau những đêm dài bên ngoài, tôi dành thời gian uống trà với bà chủ nhà.

Bà ấy kể cho tôi nghe về Nữ hoàng, và đề cập đến bà với sự tôn trọng cao nhất và với một tình cảm sâu sắc dầu khá ý nhị. Bà ấy kể cho tôi nghe về Nữ hoàng và Thatcher, những người đã tiếp bà ấy đến đất nước này, đã sắp xếp chỗ ở của bà trong những tháng đầu tiên ở Coventry trước khi cả gia đình bà tập hợp lại ở Anh. Từ những cuộc trò chuyện này, tôi có một chút cảm giác và quan niệm rằng tôi đang bước vào không chỉ một đất nước, mà còn là một ngôi nhà, Ngôi nhà của Nữ hoàng. Những suy nghĩ ban đầu này ngày càng trở nên rõ ràng và rõ ràng hơn và giúp tôi hiểu được bản sắc của Anh quốc.

Những cuộc trò chuyện này cũng khiến tôi nhớ đến mẹ. Mẹ thường nói với tôi, và thậm chí bây giờ, mỗi khi tôi đến Paris, hãy nhớ đi cầu nguyện ở Nhà thờ Đức Bà, thánh đường mà người Việt Nam gọi là Đức Bà, nhưng theo tình cảm của Mẹ tôi, nó nên được gọi là Đức Mẹ. Mẹ cũng đã nói và nói với tôi điều tương tự về Nữ hoàng. "Hãy đến Nhà của Nữ hoàng hoặc thăm bà ấy khi có thể nhe con". Tôi đồ rằng mẹ tôi nghĩ rằng dầu đi hay ở bất cứ nơi nào, tôi cũng nên sớm đến và nói lời chào với Chủ nhân của đất nước tôi thăm viếng hay sinh sống.

Nữ hoàng Elizabeth II dự lễ ở Nhà thờ Norwich

Nguồn hình ảnh, Tim Graham Picture Library/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng Elizabeth II dự lễ ở Nhà thờ Norwich

Và Nữ hoàng không chỉ là Chủ sở hữu của những thực thể vật chất (mặc dù thật là như vậy: bà sở hữu rất nhiều đất đai về một cách cụ thể cũng như mang tính biểu tượng ở London, Vương quốc Anh và hơn thế nữa), bà còn là đường kết nối của chúng ta với Thiên Chúa. Ở một mức độ nào đó, giống như Nhà thờ Đức Bà Paris, với tư cách là Người đứng đầu Giáo hội Anh, Nữ hoàng là biểu tượng sống của Thiên Chúa trên trái đất.

Một lần nữa, không dễ để tôi chấp nhận điều đó. Tôi có phải là một cá nhân không chấp nhận gì ngoài các giá trị của con người như bình đẳng và tự do, mà tôi được thừa hưởng sau nhiều năm học hỏi và sinh hoạt và thực hiện các hoạt động xã hội ở Pháp? Hay tôi chỉ là một đứa con khiêm nhường của Thiên Chúa, mà người đại diện của Ngài tại nơi tôi sống là Nữ hoàng? Và như một người con khiêm nhường của Thiên Chúa, tôi có trong tôi tất cả Vinh Quang và Sự Vĩ Đại của Ngài, từ đó cho tôi tình yêu thương những người xung quanh và coi họ như là anh chị em của tôi? Chẳng lẽ tình yêu này còn không sâu sắc hơn tình bác ái sao? Và việc xem những người hàng xóm của chúng ta như anh chị em thậm chí không đáng yêu và lãng mạn hơn một đòi hỏi bình đẳng thông thường? Cũng như nếu tôi coi mình là một phần của Thiên Chúa, thì sự tự do của tôi không to lớn và vĩ đại hơn nhiều hay sao?

Những suy nghĩ và cảm xúc chính trị - đạo đức - triết học này vẫn luôn ám ảnh tôi mỗi ngày, nếu không muốn nói trong từng hơi thở.

Horatio Nelson

Nguồn hình ảnh, Royal Navy Museum

Chụp lại hình ảnh,

Phó Đô đốc Horatio Nelson

May mắn thay, tôi có Nữ hoàng, người không chỉ là người đứng đầu Giáo hội Anh, mà còn là một người phụ nữ Anh làm công việc của mình, thực hiện nhiệm vụ của mình với sự kiên định, kiên nhẫn và siêng năng trong suốt 70 năm qua. Bà là hiện thân của tinh thần của Anh quốc mà tôi cũng đã phần nào học được từ anh Dương Danh Huy, một người bạn, một người anh em và một người đồng chí trong cuộc chiến giành hòa bình và công lý của chúng tôi ở Biển Đông. Anh Huy nói với tôi rằng Phó Đô đốc Horatio Nelson, người đã đánh bại liên quân Tây Ban Nga và Pháp của Napoleon trong trận hải chiến Trafalgar (1805), đã có một lời kêu gọi đơn giản với những người lính của mình: "Hãy làm nhiệm vụ của bạn với đất nước."

Rất đơn giản. Và nước Anh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này cũng như nhiều cuộc chiến khác.

'Hãy làm tròn nhiệm vụ được trao' là bài học từ Nữ hoàng

Tuy Hoàng gia có nhiều bê bối (theo tin tức và đôi khi bị các tờ báo lá cải soi rọi và phóng đại quá mức), càng có tuổi tôi càng có thể nói rằng những bê bối này tồn tại trong bất kỳ gia đình nào. Những rắc rối giữa anh em, vợ chồng, những bê bối hành vi của người này người kia không phải là một phần của cuộc sống của bất cứ ai hay sao? Ngoài ra, tôi cũng phải nói rằng cách Nữ hoàng ứng xử trong các câu chuyện gia đình là một điều rất đáng học hỏi, bà ấy luôn đặt nghĩa vụ của mình đối với đất nước lên hàng đầu.

Nữ hoàng đã không giành được ngai vàng của mình khi sinh ra, bà đã giành được nó từ hàng triệu người Anh trong thời gian trị vì. Hãy nhớ rằng người Anh từ mọi chính kiến là những người thực dụng, táo bạo và dân chủ. Họ có thể bỏ phiếu bác bỏ bất cứ điều gì, từ việc thay đổi thủ tướng đến gia nhập hoặc rời khỏi bất kỳ tổ chức nào.

Bà Thủ tướng mới lên, Liz Truss, trong những năm còn trẻ, đã từng kêu gọi bãi bỏ Hoàng gia. Để Hoàng gia Anh còn tồn tại được trong thế kỷ hai mươi mốt này, tất phải có cái lý của nó.

Mọi người đặt hoa tưởng nhớ Nữ hoàng
Chụp lại hình ảnh,

Mọi người đặt hoa tưởng nhớ Nữ hoàng

Người dân Anh trước Điện Buckingham
Chụp lại hình ảnh,

Người dân Anh trước Điện Buckingham

Một trong những lý do đó là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Bà cai trị một cách nghiêm túc, sáng tạo và luôn sẳn sàng đổi mới ngay cả ở tuổi 90 (vâng, không biết bạn thế nào nhưng ít nhất là đối với bản thân tôi ở khoảng 40, tôi không nghĩ rằng tôi sẳn sàng cho sự đổi mới nhiều như vậy). Nữ hoàng và Hoàng gia ủng hộ ngày càng nhiều ý tưởng tiến bộ, đặc biệt là những ý tưởng liên quan đến môi trường, sự đa dạng và hòa nhập.

Họ không muốn biến nước Anh trở thành một quốc gia độc quyền cho bất kỳ chủng tộc và tầng lớp nào, mà là một quốc gia toàn diện, nơi bất kỳ ai có tài năng và quyết tâm mạnh mẽ đều có thể đến và chọn làm nơi ở.

Elizabeth II thân thiện, thậm chí trẻ trung kể cả ở tuổi rất cao. Bà có thể song hành với James Bond từ một chiếc trực thăng nhân kỳ Thế vận hội 2012 hoặc uống trà với chú gấu Paddington để làm hài lòng bọn trẻ trong dịp kỷ niệm 70 năm trị vì gần đây.

Thật buồn là Nữ hoàng đã không còn nữa, nhưng những ký ức của tôi về bà và những gì học được từ bà sẽ mãi ở lại trong tôi.

Cảm ơn bà, hãy yên nghỉ và về với vinh quang, thưa Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị!

Bài thể hiện quan điểm riêng của tiến sĩ Lê Trung Tĩnh ở Anh Quốc.

Tác giả TS Lê Trung Tĩnh lúc nhận Giải thưởng Địa kỹ thuật năm 2017 khi tham gia dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho xứ Wales

Nguồn hình ảnh, Lê Trung Tĩnh

Chụp lại hình ảnh,

TS Lê Trung Tĩnh trong lễ cùng đồng nghiệp nhận Giải thưởng Địa kỹ thuật năm 2017 khi tham gia dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho xứ Wales