Chuyện Ông Gìa Sĩ Quan Tình Báo ( Muốn cỡ chữ To hay Nhỏ xin bấm vào + hay - trên mỗi bài )

Thứ Bảy, 17 Tháng Ba 20189:00 CH(Xem: 12633)
Chuyện Ông Gìa Sĩ Quan Tình Báo ( Muốn cỡ chữ To hay Nhỏ xin bấm vào + hay - trên mỗi bài )

Minh Vũ Hồ Văn Châm


Ông già ấy họ Lý, tên Thành Cầu. Già Lý là người Việt gốc Hoa, sinh trưởng ở Hải Phòng, công tác nhiều năm tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, lập nghiệp ở Gò Vấp ngoại ô Sài Gòn, chủ hãng xì dầu Hai Con Bướm.

Từ Sài Gòn lên, ngược đường Lê Quang Định, quá chợ Gò Vấp một quảng ngắn, rẻ tay mặt chừng 200 thước là thấy cơ ngơi của Già Lý. Khuôn viên hãng xì dầu Hai Con Bướm khá rộng, phía trước là cửa hiệu và nhà ở, phía sau là xưởng chế xì dầu và nhà kho. Ngoài đướng nhìn vào thì cơ ngơi của Già Lý có vẻ khiêm tốn, như tự co rúm mình lại để tránh sự chú ý của khách bàng quan. Sản lượng xì dầu lớn lao nhường ấy, địa bàn tiêu thụ rộng rãi nhường ấy, mà mặt tiền cửa hiệu chỉ có cái bảng con con sơn vàng kẻ nét đỏ với hàng chữ quốc ngữ "Xì Dầu Hai Con Bướm" ở chính giữa, mấy chữ Hán "Song Điệp Tương Du" ở hai bên, cùng với số nhà, tên đường, tên thị trấn ở bên dưới. Già Lý có vợ người Việt Nam, có với bà này 3 mặt con. Già Lý cưới vợ sau ngày định cư lập nghiệp ở Gò Vấp, nên các con của Già Lý còn nhỏ tuổi. Ngoài ra, Già Lý còn có bà vợ tấm cám người Tàu và hai người con trai lớn sinh sống tại Hương Cảng. Đầu năm 1975, bà này mua sẵn vé máy bay Sài Gòn-Hồng Kông cho Già Lý và đích thân sang Sài Gòn nài nĩ Già Lý theo bà về Hồng Kông. Tuy nhiên, Già Lý nhận thấy tình cảm với người vợ cũ đã phai nhạt nên từ chối không chịu ra đi, quyết tâm ở lại với người vợ Việt. Gan ruột Già Lý đã cố kết với đất nước và con người miền Nam, Già Lý bỏ đi sao đành. Tuy tình hình chiến sự mỗi ngày một sôi động, nguy cơ mất nước mỗi ngày một rõ ràng, nhưng Già Lý hy vọng với thân phận tiểu thương tiểu chủ của mình, và với cung cách làm ăn khiêm tốn thật thà của gia đình mình, rất có nhiều khả năng "cách mạng" sẽ không bắt tội mình, vẫn để cho gia đình mình yên ổn làm ăn như cũ. Vậy mà mới sáng tinh mơ ngày 2 tháng 5 năm 1975, cán bộ an ninh nội chính đã tìm đến nhà, còng tay Già Lý dẫn đến Tổng Nha Cảnh sát cũ ở đường Võ Tánh tống giam và hỏi cung trong mấy năm trời, rồi đến năm 1979 thì chuyển Già Lý ra Trại Trừng giới Xuân Phuớc ngoài Phú Khánh. Tất cả những tình tiết trên đây dều do chính miệng Già Lý kể cho tôi nghe, chứ tôi chưa bao giờ quen biết một ai trong thân tộc hay bạn bè của Già Lý để nghe kể chuyện về Già Lý, cũng như tôi chưa bao giờ được nhìn tận mắt cơ ngơi sản xuất xì dầu của Già Lý, mặc dù năm 1989, tôi đã cất công đi lên Gò Vấp tìm thăm Già Lý, đi xuyên suốt tất cả các ngõ ngách bên này và bên kia lồng chợ, cả phía trái lẫn phía phải con đường , nhưng sao dời vật đổi, tôi chẳng tìm đâu ra dấu vết cửa hiệu xì dầu Hai Con Bướm của Già Lý.

Tôi quen Già Lý tại Phân Trại C, Trại Cải Tạo Xuân Phước, thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Khánh, vào cuối năm 1982, lúc cả hai chúng tôi cùng được phiên chế ở chung một đội đưa vào giam giữ tại đó. Già Lý vóc người nhỏ thó, nói năng dịu dàng và lễ độ. Già Lý nói tiếng Việt rất lưu loát, phát âm đúng giọng chuẩn miền bắc, tuy sinh trưởng ở Hải Phòng nhưng giọng nói không nằng nặng như người Hải Phòng, trái lại nhẹ nhàng như giọng Hà Nội mà không phạm phải những lỗi phát âm sai lệch thông thường của người Hà Nội. Sẵn căn bản học thức, lại thêm vốn liếng văn hóa cố cựu của "thoòng dần" (Đường nhân, người Tàu hải ngoại), Già Lý nói năng văn hoa, chải chuốt, y hệt như những lời đàm thoại trong các truyện Tàu dịch ra Việt ngữ. Ai khen ngợi hay ngõ lời cám ơn, Già Lý luôn luôn đáp lại:"Không dám! Không dám!" Ai biếu xén chút quà bánh ăn lấy thảo, bao giờ Già Lý cũng cung tay trân trọng đón nhận và nhỏ nhẹ ngõ lời:"Đa tạ, đa tạ! Khước bất cung, thụ hữu quý!" (Cám ơn, cám ơn! Khước từ thì thiếu lễ phép, mà thụ nhận thì hổ thẹn xét mình không xứng đáng!). Ngay cả với những nguời lỗ mãng quen thói bộc trực, nói năng không rào trước đón sau, nắm vai kéo áo hỏi Già Lý:"Bác Cầu già rồi, làm cái gì mà bị bắt vào đây?", Già Lý vẫn từ tốn trả lời:"Ngài (hay ông, chú, anh ...) đã có lòng thương tưởng hỏi tới, tôi đâu dám không hết lòng giải bày cặn kẻ ngọn nguồn....". Đối với những ai đã phong thanh biết Già Lý trước đây là sĩ quan tình báo chiến lược của Trung Hoa Dân Quốc, nay muốn biết rõ Già Lý mang cấp bậc gì, thì Già Lý khiêm tốn rào đón:"Nói ra thêm hổ thẹn với mọi người, năm 45-46, tôi mang quân hàm Đại Tá". Đại loại, cung cách ăn nói của Già Lý là như vậy.

Buổi đầu, câu chuyện trao đổi giữa tôi với Già Lý thường giới hạn trong địa hạt văn chương. Già Lý lại dạy tôi nói quan thoại và dạy một linh mục dòng Don Bosco nói tiếng Quảng Đông. Dạo đó, chúng tôi bị đưa đi giam cách ly ở Phân Trại C, nằm sâu trong thung lũng thượng nguồn La Hai. Chúng tôi không phải lao động nên vô cùng rỗi rãi. Không có sách vở báo chí để đọc, lại không được tiếp xúc với bên ngoài, suốt ngày vào ra cũng chỉ từng ấy khuôn mặt, nên chúng tôi chỉ còn lấy việc học ngoại ngữ và nói chuyện phiếm làm vui. Già Lý thường kể cho chúng tôi nghe những giai thoại trong khu rừng văn học Trung Quốc. Tôi thích nhất câu chuyện Chu Nguyên Chương làm thơ sau đây.

Chu Nguyên Chương xuất thân từ đám lục lâm thảo khấu, nổi loạn chống triều đình Mông Nguyên. Một hôm một mình một ngựa đến một sơn thôn, Chu Nguyên Chương thấy một cảnh chùa vô cùng u nhã nên rẻ cương vào chơi. Vị sư trụ trì vội vàng ra đón. Nhân thấy khách hành hương dung mạo hung tợn, y phục xốc xếch, hành tung khác thường, nhà sư lên tiếng chào hỏi:"Bần tăng xin ra mắt thí chủ. Dám xin thí chủ cho biết quý tính cao danh?". Chu Nguyên Chương trừng mắt, chắng nói chẳng rằng, vội vã lượm một mảng gạch viết ngay lên vách chùa mấy câu thơ sau đây:

"Sát tận Giang Nam bách vạn binh,

"Yêu gian bảo kiếm huyết do tanh.

"Sơn tăng bất thức anh hùng chủ,

"Nhiễu nhiễu do lai vấn tính danh!

(Giết sạch trăm vạn lính Giang Nam, Kiếm báu bên hông còn tanh máu. Thầy chùa xó núi không biết tới người đứng đầu anh hùng trong thiên hạ, Cứ mãi quấy rầy hỏi họ tên!). Viết xong, Chu Nguyên Chương quày ngựa ra đi, không thèm nói nửa lời. Sư trụ trì bây giờ đã biết khách là ai rồi, sợ quá, nếu quan quân triều đình thấy bài thơ thì chắc chắn sư phải rụng đầu, nên vội vàng lấy nước vôi tẩy xóa toàn bộ bài thơ, không còn một chút dấu tích. Thời gian sau, Chu Nguyên Chương đuổi được quân Mông Nguyên ra khỏi Trung Quốc, lên làm vua, tức là Minh Thái Tổ, vì vua sáng nghiệp nhà Đại Minh. Một hôm rổi việc, Minh Thái Tổ chợt nhớ tới bài thơ duy nhất đã làm trong đời, nên hạ chỉ du hành đến ngôi chùa thuở nọ. Không còn thấy bài thơ trên vách, lại biết nhà sư đã lấy nước vôi tẩy xóa, nhà vua nổi giận, truyền lệnh đem nhà sư chém đầu. Nhà sư lanh trí, vội vàng phủ phục tâu rằng:"Hạ thần tội đáng chết ba họ, nhưng hạ thần có lý do chính đáng không lưu ngự thi trên vách, cúi xin Hoàng Đế Bệ Hạ cho thần tâu bày". Nhà vua chuẫn tấu. Sư trụ trì bèn đọc bài thơ sau đây:

"Ngự bút đề thi bất cảm lưu.

"Lưu thời quỹ khốc dữ thần sầu.

"Toại dụng pháp thủy khinh khinh tẩy,

"Do hữu hào quang xạ Đẩu Ngưu.

(Chính tay vua đề thơ mà không dám lưu, Nếu lưu lại thì quỹ khóc thần buồn (vì thơ hay quá). Vì thế phải dùng nước phép tẩy xóa nhè nhẹ, Tuy vậy hào quang vẫn bắn tới sao Đẩu sao Ngưu). Minh Thái Tổ khoái trí, cười ha hả, tha tội cho nhà sư, lại ban thưởng vàng bạc hậu hỉ.

Chúng tôi sống với nhau ở tình trạng hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài, như thế trong một thời gian khá dài, nên dần dà thông cảm nhau hơn, thân thiết nhau hơn. Già Lý không còn giữ thái độ dè dặt và khách sáo buổi dầu. Ngoài chuyện văn chương chữ nghĩa, Già Lý bây giờ vui miệng thổ lộ cho chúng tôi biết một phần nào cuộc đời phiêu bạt của mình, từ Hải Phòng lên Hà Nội, qua Liễu Châu, sang Hương Cảng, rồi quay lại Hải Phòng và cuối cùng định cư lập nghiệp tại Gò Vấp. Qua các mẩu chuyện của Già Lý, tôi được soi sáng nhiều điểm liên quan đến chính trường Việt Nam cận đại, nhất là giai đoạn những năm đầu thập niên 40. Già Lý được Trung Hoa Quốc gia tuyển dụng làm tình báo từ cuối thập niên 30, đặc trách vùng Hải Phòng và phụ cận. Cuối năm 1945, Già Lý được thuyên chuyển lên Hà Nội, công khai mang quân hàm Đại Tá và được bố trí làm việc trong ban Tham mưu chính trị của Tiêu Văn. Tư lệnh quân Tàu sang Việt Nam giải giới quân Nhật là Lư Hán, nhưng Lư Hán võ biền, không có ý thức chính trị, suốt ngày chỉ hút thuốc phiện và ăn của đút, mọi việc đều phó thác cho Tiêu Văn và Chu Phúc Thành. Hơn nữa, Lư Hán là tay chân của Long Vân, cho nên từ khi Long Vân bị Tưởng Giới Thạch thừa cơ đánh úp đoạt mất căn cứ địa Vân Nam, Lư Hán lại càng tỏ ra tiêu cực. Chính vào lúc này, tức là đầu năm 1946, Hồ Chí Minh đang gặp quá nhiều khó khăn, đã toan nhường quyền lại cho Bảo Đại, nhưng nhờ Tiêu Văn hết lòng giúp đỡ khuyến khích, Hồ Chí Minh mới qua được cơn ngặt nghèo. Từ lâu, Tiêu Văn đã có khuynh hướng thân cộng, nên đầu năm 1941, sau khi Hồ Chí Minh được Nguyễn Hải Thần bảo lãnh đem ra khỏi ngục Liễu Châu, cho gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và đưa lên làm Hậu Bổ Ủy Viên, Tiêu Văn đã cùng Ngô Trạch bảo cử cho Hồ Chí Minh xung phong lãnh đạo đoàn công tác của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, xâm nhập vào Việt Bắc làm gián điệp, lấy tin tức hoạt động của quân Nhật cung cấp cho Đồng Minh. Hồ Chí Minh lãnh tiền bạc, chọn cán bộ, lấy danh nghĩa quốc gia và danh xưng Việt Minh của Đồng Minh Hội, về Việt Bắc hoạt động cho Đồng Minh Hội nhưng chỉ chuyên tâm làm việc riêng tư cho phe đảng. Già Lý có đề cập đến một thiếu nữ cán bộ Đồng Minh Hội tên là Đỗ Thị Lạc trong đoàn công tác đã bị Hồ Chí Minh quyến rũ, sau sinh hạ một người con gái. Lúc này, phái đoàn quân sự Pháp đã tiết lộ với Trùng Khánh thành tích cộng sản của Nguyễn Ái Quốc và cho biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, nên Chính phủ Trùng Khánh không ưa gì Hồ Chí Minh, một mặt vì đã được biết Hồ Chí Minh là cộng sản, mặt khác vì Hồ Chí Minh thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội ngày 19 tháng 5 năm 1941 mà vẫn nhập nhằng lấy tên tắt là Việt Minh, lạm dụng chiêu bài quốc gia dân tộc để bành trướng ảnh hưởng chính trị riêng của phe nhóm. Chính phủ Trùng Khánh ra lệnh cho Trương Phát Khuê ngăn cản hoạt động của Hồ Chí Minh. Tiêu Văn và Ngô Trạch bèn gỡ rối cho Hồ Chí Minh bằng cách hiến kế với Trương Phát Khuê để cho Hồ Chí Minh tham gia Chính phủ Liên Hiệp Lâm Thời thành lập tại Liễu Châu ngày 28 tháng 3 năm 1944 do Trương Bội Công làm Chủ Tịch, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Hồ Chí Minh, Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Nghiêm Kế Tổ làm Ủy Viên. Đó là chính phủ liên hiệp quốc cộng lần thứ nhất. Nhờ vào chính phủ liên hiệp này mà Hồ Chí Minh tạm thời được yên thân với phía Trùng Khánh. Nhưng qua mùa hè 1945, sau khi liên hệ được với tổ chức OSS của Mỹ ở Vân Nam, nhất là sau khi Thiếu Tá Allison K. Thomas chỉ huy một toán chuyên viên OSS nhảy dù xuống Việt Bắc huấn luyện tác chiến và trang bị vũ khí cho du kích Việt Minh, thì Hồ Chí Minh ngang nhiên cắt đứt liên hệ với chính phủ Trương Bội Công, thành lập Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc, chuẩn bị chớp thời cơ tổng khởi nghĩa. Nay cướp được chính quyền rồi thì Hồ Chí Minh lại gặp khó khăn với phe quốc gia. Tờ Thiết Thực của Phan Quang Đán ở Ngũ Xã và tờ Việt Nam của Khái Hưng ở Quan Thánh ngày nào cũng có bài cay độc chửi rũa phe cộng sản. Chính phủ Trùng Khánh lại liên tục thôi thúc Lư Hán yểm trợ phe quốc gia lật đổ Hồ Chí Minh. Lần này, Tiêu Văn cũng lại dùng nước cờ liên hiệp quốc cộng để gỡ bí cho Hồ Chí Minh. Tiêu Văn làm áp lực với Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội để họ tham gia chính phủ liên hiệp quốc cộng lần thứ hai do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch, với 10 Bộ Trưởng gồm 4 cộng sản, 2 không đảng phái, 2 Việt Nam Quốc Dân Đảng, và 2 Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Lãnh tụ các đảng Đại Việt (Trương Tử Anh), Duy Dân (Lý Đông A), Quốc Xã (Nguyễn Xuân Tiếu), nhât quyết không tham gia chính phủ liên hiệp nên Hồ Chí Minh để tâm oán thù, trước sau đều bị Hồ Chí Minh sát hại. Khi ký kết hiệp định sơ bộ với Pháp ngày 6 tháng 3 năm 1945, Nguyễn Tường Tam không chịu phó thự thì Tiêu Văn lại làm áp lực khuyến cáo Vũ Hồng Khanh ký thay. Tiêu Văn cố tình làm ngơ không thi hành các chỉ thị của Trùng Khánh. Do đó mà Hồ Chí Minh qua được cơn sóng gíó ngặt nghèo, và bọn Lư Hán, Tiêu Văn tránh được việc đụng đầu với quân đội Pháp, yên ổn rút về Trung quốc với tiền bạc châu báu cướp đoạt được. Già Lý cho biết là về sau Ngô Trạch bị chính phủ Tưởng Giới Thạch xử tử hình; Tiêu Văn thì không chạy ra Đài Loan mà ở lại lục địa với Trung cộng, cam phận hàng thần lơ láo rồi bị cho về hưu non; còn Lư Hán thì bị đưa đi cải tạo dài hạn.

Già Lý cũng xác nhận với tôi là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, được thành lập tại Nam Kinh từ năm 1936, chứ không phải như các tác giả ở Sài Gòn trước năm 1975 viết rằng Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội được thành lập ở Liễu Châu vào đầu thập niên 40. Có tác giả còn khẳng định là Nguyễn Hải Thần triệu tập ở Liễu Châu một Đại Hội họp từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 10 năm 1942 để thành lập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Sự thực thì Đồng Minh Hội trước đã có mặt ở Nam Kinh, đến đầu Thế chiến II thì trụ sở dời về Liễu Châu để được Tướng Tư Lệnh đệ IV Quân Khu Trương Phát Khuê trực tiếp yểm trợ. Vào năm 1940 thì Đồng Minh Hội bị cộng sản đệ tam xâm nhập trầm trọng. Qua năm 1941 thì Đồng Minh Hội bị Hồ Chí Minh cưỡng đoạt mất danh xưng Việt Minh. Đại Hội Liễu Châu tháng 10 năm 1942 chỉ là để chấn chỉnh lại tổ chức chứ không phải là để thành lập tổ chức. Sau này, ra hải ngoại, có dịp tham khảo các thư tịch tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa, nhiều tác giả Việt Nam hải ngoại đã xác định là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội do Nguyễn Hải Thần thành lập năm 1936 tại Nam Kinh.

Già Lý cũng bàn luận nhiều về vai trò của chính phủ Trùng Khánh trong việc kết hợp 3 đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng , Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính Đảng thành Quốc Dân Đảng Việt Nam hay Mặt Trận Quốc Dân Đảng. Việc này được thực hiện vào tháng 5 năm 1945. Trước đó, chính phủ Trùng Khánh soạn thảo kế hoạch "Hoa Quân nhập Việt", trong đó có điểm chính yếu là phải liên minh với một tổ chức chính trị có thực lực của người Việt Nam để làm hậu thuẫn chính trị cho quân đội Trung Hoa vào Việt Nam giải giới quân Nhật. Tình báo Trung Quốc phân tích tình hình các chính đảng Việt Nam đương thời và nhất loạt loại bỏ nhóm Đại Việt Quốc Gia Liên Minh thân Nhật và các tổ chức cộng sản đệ tam và đệ tứ. Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đương nhiên là thân hữu với Trung Quốc, nhưng không có cơ sở trong nước. Đại Việt Dân Chính Đảng thì đã hoàn toàn tan rã, anh em Nguyễn Tường Tam đã trốn qua Côn Minh tá túc với Vũ Hồng Khanh. Tàn dư lực lượng Kiến Quốc Quân của Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm ở trong nước chẳng còn gì; số ít chạy được qua Trung Quốc thì tập trung gần biên giới Hoa Việt bên trên Đông Hưng dưới sự chỉ huy của Vi Văn Lưu, hay tập hợp ở Liễu Châu để thành lập Đại Việt Duy Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Lý Đông A. Nhìn đi nhìn lại thì chỉ còn có Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng là có thực lực, có cơ sở quần chúng, có lãnh đạo chặt chẻ. Nhưng Việt Nam Quốc Dân Đảng lại bị phân hóa thành nhiều nhóm. Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thế Ngiệp, Ngô Thúc Địch, Nhượng Tống ở Hà Nội không lãnh đạo được nhóm Quảng Nam của Phan Khôi, Phan Kích Nam. Trên đất Trung Quốc thì các nhóm ở Nam Kinh, Quảng Châu, Quý Châu, Côn Minh, tất cả đều thân hữu với Trung Quốc, nhưng mỗi nhóm một chợ, không ai chịu ai. Tuy nhiên, nhìn chung thì nhóm Côn Minh tức là Việt Nam Quốc Dân Đảng Trung Ương Đảng Bộ Hải Ngoại Chấp Hành Ủy Viên Hội do Vũ Hồng Khanh lãnh đạo là có thực lực hơn cả. Trong lúc đó thì tình báo Trung Quốc nhận định rằng Đại Việt Quốc Dân Đảng do Trương Tử Anh lãnh đạo trải rộng địa bàn hoạt động khắp nước, lãnh đạo lại thống nhất, đảng viên đa số là tiểu tư sản trí thức, đúng là đối tượng lý tuởng để liên minh liên kết trong chiến dịch "Hoa Quân nhập Việt". Tuy vậy, vẫn còn một trở ngại lớn là chủ trương triệt dể dân tộc của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Mặt khác, người Tàu cảm thấy rất khó chịu về danh xưng Đại Việt. Từ ngàn xưa, người Tàu đã bị ám ảnh bởi câu nói của Tư Mã Thiên: "Đời Nhị Thế Hoàng, nhà Tần phía bắc thì khổ vì nạn người Hồ, phía nam thì khổ vì nạn người Việt". Thực vậy, mười vạn quân Tần cùng với chủ tướng Đồ Thư đã phải phơi thây trên đất Quảng Tây và Việt Bắc, để rồi cuối cùng, Triệu Đà dựng cờ cát cứ ở Quảng Đông, lập ra nước Nam Việt, lấy rặng Ngũ Lĩnh làm cương giới. Cuối đời Ngũ Đại, cha con Lưu Ẩn, Lưu Cung lập ra nước Đại Việt (về sau Lưu Cung đổi lại là Nam Hán) trên đất Lĩnh Nam, mở đường cho Ngô Quyền chiến thắng trận Bạch Đằng và Đinh Bộ Lĩnh lập nên nước Đại Cồ Việt. Từ Lý Trần về sau thì là nước Đại Việt. Gia Long lên ngôi, yêu cầu nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, nhưng người Tàu nghi ngại, đổi lại là Việt Nam. Minh Mạng đặt lại tên nước là Đại Nam cho đến Bảo Đại ngày 4 tháng 5 năm 1945 đổi lại là Việt Nam. Nhưng đấy là vua ta xưng với thần dân trong nước hay với vua chúa các lân bang, chứ đối với Trung Quốc thì Đinh và Tiền Lê chỉ là Giao Chỉ Quận Vương, Lý Trần và Hậu Lê là An Nam Quốc Vương, Nguyễn là Việt Nam Quốc Vương. Bởi các lẽ trên đây, chính phủ Trùng Khánh dồn mọi nổ lực vào việc làm trung gian kết hợp Đại Việt Quốc Dân Đảng với Việt Nam Quốc Dân Đảng Trung Ương Đảng Bộ Hải Ngoại Chấp Hành Ủy Viên Hội. Từ cơ sở trong Chợ Lớn, Đặc Ủy Tình Báo Trung Hoa Dân Quốc đầu năm 1945 phái người ra Hà Nội liên lạc thương lượng với Trương Tử Anh. Kết quả là ngày 12 tháng 4 năm 1945, Trương Tử Anh gửi phái đoàn Nguyễn Tiến Hỷ đi Trung Quốc thương lượng với lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính Đảng để thống nhất 3 đảng thành Quốc Dân Đảng Việt Nam. Phân tích diễn biến các buổi thương lượng qua việc thỏa hiệp về danh xưng của tổ chức mới, ta sẽ thấy rõ dụng tâm của chính phủ Trùng Khánh. Trước hết, Nguyễn Tiến Hỷ gặp Nguyễn Tường Tam ở ga Khai Viễn; Nguyễn Tường Tam thỏa thuận đem Đại Việt Dân Chính Đảng nhập vào Đại Việt Quốc Dân Đảng. Sự thỏa hiệp có phần dễ dàng vì Nguyễn Tường Tam có tinh thần quốc gia sôi nổi, vã lại lúc này, Đại Việt Dân Chính Đảng không còn cơ sở hạ tầng, bản thân Nguyễn Tường Tam cũng phải nương nhờ Vũ Hồng Khanh. Tiếp theo, Nguyễn Tiến Hỷ cùng với Nguyễn Tường Tam lên Côn Minh gặp Vũ Hồng Khanh. Hai bên thỏa thuận là tổ chức mới kết hợp 3 đảng, ở trong nước thì lấy tên là Đại Việt Quốc Dân Đảng, còn ở Trung Quốc thì lấy tên là Quốc Dân Đảng Việt Nam, tránh dùng danh xưng Đại Việt vì lý do tế nhị trong giao tế với bạn đồng minh Trung Hoa. Cờ thì lấy cờ của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Sau đó thì các đại biểu của 3 đảng kết hợp trong tổ chức mới lên Trùng Khánh gặp Bí Thư Trưởng Trung Hoa Quốc Dân Đảng Ngô Thiết Thành, yết kiến Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch, và dự lễ liên hoan do Quốc Dân Đảng Trung Quốc tổ chức chào mừng Quốc Dân Đảng Việt Nam. Trong văn bản công nhận Quốc Dân Đảng Việt Nam, viết bằng Hán tự, Quốc Dân Đảng Việt Nam trở thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, theo đúng mẹo luật văn phạm Hán tự. Vậy là mọi chuyện được diễn tiến theo đúng ý đồ của Trùng Khánh, Đại Việt Quốc Dân Đảng nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã mất danh xưng lại còn mất luôn cả đảng kỳ, mà Nguyễn Tiến Hỷ không có lý do gì để phản đối. Vã chăng, Nguyễn Tiến Hỷ bản chất thụ động, không phải là người dám ăn dám nói, hoặc giả Nguyễn Tiến Hỷ không đủ sắc bén để nhận thức được dụng tâm của người đối thoại ngay từ buổi thỏa hiệp tại Côn Minh. Dù sao thì đấy cũng chỉ là quan điểm của người Trung Quốc. Đối với người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa, ngoại trừ một vài phần tử có những ý đồ riêng tư, tuyệt đại bộ phận đảng viên của 3 đảng, từ trung ương đến hạ tầng, tất cả đều xem việc kết hợp 3 đảng thành một tổ chức duy nhất là sự thể hiện trọn vẹn tình tự dân tộc, chung sức chung lòng, để mưu cầu độc lập cho quốc gia, hạnh phúc cho quốc dân đồng bào. Từ ngày kết hợp và ra sinh hoạt công khai, tuy Đại Việt Quốc Dân Đảng chống lại áp lực của Tiêu Văn không chịu tham gia chính phủ liên hiệp Hồ Chí Minh, nhưng theo đúng tinh thần kết hợp, đảng viên kỳ cựu các cấp đều chỉ xưng mình là Quốc Dân Đảng, đảng viên mới tuyên thệ tham gia cũng chỉ biết mình là Quốc Dân Đảng. Bởi vậy, sau ngày bị cộng sản phản bội ra tay đánh diệt, Quốc Dân Đảng tan rã, các đảng thành viên trở lại sinh hoạt riêng rẻ, thì không những người ngoài mà ngay cả những người trong 3 đảng, mấy ai biết Đỗ Đình Đạo với Cung Đình Quỳ là Quốc Dân Đảng gốc Việt Quốc hay Quốc Dân Đảng gốc Đại Việt, và sách vở do anh em Việt Quốc trước tác thường vẫn ghi Bửu Hiệp và Nguyễn Trung Thuyết là những cán bộ lãnh đạo nòng cốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Âu cũng là một điều tốt đẹp. Họ là những người viết nên lịch sử dân tộc của một thời. Việc gì phải mất công phân định tách bạch họ là Việt Nam Quốc Dân Đảng hay Đại Việt Quốc Dân Đảng. Chỉ cần biết họ là những người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa. Bằng cách này hay cách khác, họ đã lần lượt trở nên người thiên cổ. Hình hài họ đã tiêu tan thành tro bụi. Chỉ còn lại tấm lòng son sắt yêu nước thương nòi lưu lại ngàn sau.

Ông già Lý Thành Cầu có lẽ cũng đã trở nên người thiên cổ. Đã chết thì hết chuyện.

Tháng mười hai, 1998

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn