MƯỜI TIỂU ĐOÀN BIỆT ĐỘNG QUÂN THANH TOÁN XONG CHU-PAO, KHÚC XƯƠNG KHÓ NUỐT

Thứ Tư, 13 Tháng Bảy 20224:41 CH(Xem: 4257)
MƯỜI TIỂU ĐOÀN BIỆT ĐỘNG QUÂN THANH TOÁN XONG CHU-PAO, KHÚC XƯƠNG KHÓ NUỐT


Trần Vũ đánh máy lại tháng 5-2018 từ “Tuyển tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972”, Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973.

Chúng tôi ngồi bên bờ đường 14, con đường đã chôn xác hàng ngàn chiến sĩ miền Nam, hàng ngàn lính Bắc Việt. Hai chai rượu Martell của những thân hữu, những nhà phát hành sách báo bị “bẻ cổ” rồi được chuyển từ tay này sang tay khác. Hai chai rượu này tôi tự ý trích ra trong số một thùng 12 chai được gởi đến Kontum, tặng những chiến sĩ tử thủ. Tôi nghĩ đã làm đúng ý những người bạn ở Sàigòn: đem một phút ấm lòng đến cho những người ngoài chiến tuyến dù họ đang ở Chu Pao hay Kontum.

40 người lính ngồi thành một vòng tròn đường kính khoảng 15 thước. Chai rượu được rót vào cái nắp đậy, mỗi người một nắp. Câu chuyện cởi mở, thoải mái. Mọi người đều có cảm giác đã làm xong nhiệm vụ, xứng đáng hưởng thụ những phút nghỉ ngơi.

Ngoài đường, những chiếc xe hàng, xe đò ì ạch vượt quãng đường xấu, xấu vì bom đạn tàn phá, xấu vì trời đang mùa mưa. Những hành khách ngồi trên xe vẫy chúng tôi tíu tít, miệng la lớn “Cám ơn, cám ơn lắm”. Có người ném vào giữa “tiệc rượu” của chúng tôi một gói thuốc. Những người đầu tiên tái sử dụng đường 14 đều vui ra mặt, thương lính ra mặt. Những chiếc thiết giáp cháy đen, những quân xa lật chổng bánh rải rác hai bên đường đã là những chiến tích hùng biện nói lên với họ cái giá trị mà các đơn vị anh hùng đã phải trả để mở cho họ đường trở về tìm lại mái nhà ấm, tìm thửa vườn, khoảng sân mà hai tháng trước họ đã phải bỏ tất cả để chỉ chạy lấy thân.
Anh Thiếu úy Tám, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 62 Biệt Động Quân khẽ nói:

– Có triệu bạc thưởng nào lớn hơn những phút này! Nhìn đồng bào trở về Kontum, mình thấy kết quả những việc làm của mình, những hy sinh của mình như được cụ thể hóa.

image-35Đại tá Đương, Chỉ Huy trưởng BĐQ Quân khu II gật gù:

– Chu Pao quả là một khúc xương khó nuốt. Hai tháng trước, đọc Diều Hâu, các anh nêu lên tính chất quan trọng của Chu Pao mình cũng chỉ biết vậy. Bây giờ mới thấy thấm thía đúng: Không giữ Chu Pao không giữ được Kontum.

Sương mù và những trận đánh lựu đạn

Thiếu tá Đồng Đăng Khoa, Tiểu Đoàn trưởng 71 BĐQ lắc đầu, rùng mình khi nhắc lại hình ảnh hãi hùng của những trận cận chiến:

– Chúng tôi thanh toán mục tiêu bằng lựu đạn, đánh từng hầm, từng hầm một. Không có cách nào khác hơn để làm im tiếng súng của những đám xạ thủ đã bị xiềng chân vào hầm.

– Sao các anh không chụp hình? Tổng cục Chiến tranh Chính trị đang treo giải thưởng cho những người chụp hình lính Bắc Việt xiềng chân.

Anh Jean, một Hạ sĩ quan lai Pháp 75% lắc đầu:

– Nội việc chặt chân cái xác chết ra để kéo súng xuống núi cũng đã khó khăn lắm rồi. Địch quân phối trí hầm của chúng thành hình chữ V, hầm này yểm trợ cho hầm kia. Tử thần hẹn gặp chúng tôi ở khắp bốn phía và bất cứ lúc nào. Thì giờ đâu chúng tôi nghĩ đến chuyện chụp hình nữa?

Tôi nhìn lên những đỉnh Chu Pao, Chu Thoi ngán ngẩm:

– Leo được lên đó và leo dưới hỏa lực của địch quân thật không phải là chuyện đi dạo.

Đại úy Lê Thiên Phong, Tiểu Đoàn trưởng 62 BĐQ gật đầu xác nhận:

– Cam go lắm anh à. Nhưng cũng may lúc này có sương mù buổi sáng. Sương dày đặc đến mức cách nhau khoảng 10 thước là không thấy gì nữa rồi. Anh có để ý tất cả xe đang chạy ngoài đường đều mở đèn không? Cũng nhờ sương mù mà chúng tôi bò lên đánh được những vị trí súng của địch.

Tôi nghĩ đến những buổi thuyết trình mà chúng tôi nghe được tại một vài bộ chỉ huy lớn: Yếu tố thường được người ta nhắc nhở đến là B52, là bom CBU, là tia sáng laser, v.v… Nhưng rồi rốt cuộc bên những chiến cụ tối tân đó, lòng can đảm và tài thiện chiến của người lính đánh bộ vẫn là yếu tố quyết định.

Tôi hỏi: “Giá trị tác chiến của quân lính Bắc Việt thế nào?”.
Đại Úy Phan Thới Bình, anh hùng của những trận Lệ Khánh, Chu Pao lắc đầu:

– Đại khái cũng thường thôi. Điều này tưởng cũng dễ hiểu, lính Bắc Việt đã đánh trận nào chưa mà thiện chiến. Trong khi đó thì lính mình đánh năm này sang năm khác. Tôi nghĩ nếu không bị cầm chân trong những vị trí cố định, bất lợi, quân đội mình đã giải quyết xong trận Tổng tấn công này từ lâu rồi.

Đại úy Bình là một trong những sĩ quan thăng cấp nhanh nhất trong quân đội. Từ Thiếu Úy anh lên Đại Úy chỉ trong vòng 24 tháng và tất cả những cấp bậc này anh đều thăng đặc cách tại mặt trận.

Anh tiếp:

– Núi non trùng điệp như thế kia, nếu lính Bắc Việt chỉ khá thôi chứ đừng nói giỏi thì những đơn vị BĐQ chúng tôi cũng không lên được rồi.

Tôi đã chứng kiến những lần đánh Chu Pao trước và đã có lần tôi tường thuật lại những trận đánh đó. Hàng trung đoàn bộ binh có chiến xa yểm trợ, từ phi tuần này đến phi tuần khác tiếp tục đánh và cả B52 nữa, nhưng cuối cùng mọi người đành nhìn nhận rằng Chu Pao quả là khúc xương khó nuốt.

Đại tá Đương chỉ cho tôi thấy một vết mẻ trên phiến đá lớn gần đấy rồi nói:

– B52 mà chỉ làm “trầy” sơ sịa hòn đá như vậy thì mong gì dùng bom trục chúng nó ra khỏi hầm được. Chúng tôi đánh bằng lựu đạn từng hầm một.

Anh Thiếu úy Sơn, tiền sát viên pháo binh cho biết thêm một chi tiết:

– Hầm hố ở đây, địch quân đều đào theo kiểu hầm Triều Tiên. Bom hay đại bác có đánh trúng ngay trên hầm mới có kết quả. Đánh bên cạnh thì kể như huề.

Một người sĩ quan anh hùng trong quân đội Bắc Việt

Trong lúc anh Sơn đang loay hoay vẽ bằng dao găm hầm Triều Tiên trên mặt đất cho tôi xem thì anh Thiếu úy Tám vẻ mặt trầm tư bảo tôi:

– Khi nãy Đại úy Bình nói rằng giá trị chiến đấu của lính Bắc Việt rất tầm thường, tôi hoàn toàn đồng ý, có thể nói rằng họ nhát nữa. Nếu không bị khống chế chặt chẽ, bị xiềng chân, v.v… chắc họ đã bỏ chạy từ lâu. Tuy nhiên, theo tôi thấy thì đó chỉ là nhận xét chung. Trong cái quân đội tầm thường đó cũng vẫn có người khá.

Đại úy Bình cười chúm chím (khá có duyên):

– Chắc mày muốn nói trường hợp của anh Thiếu úy Phạm Văn Đôi?

Tám gật đầu. Anh tiếp tục nói với tôi, người độc nhất không biết những chuyện mà quanh “bàn tiệc” này ai cũng biết rất rõ :

– Anh Đôi là một Thiếu úy trẻ, tốt nghiệp trường Võ bị Lục quân Hà Nội năm 1968. Anh ta chỉ huy một trung đội trấn giữ ngọn đồi trọc mà anh thấy cao chót vót kia cà (vừa nói Tám vừa chỉ cho tôi thấy ngọn đồi). Sương mù ôm kín ngọn núi nên lúc chúng tôi bò lên đến tận nơi đánh rồi, lựu đạn nổ rồi anh mới tìm cách kháng cự. Dĩ nhiên là đối với những người lính BĐQ quen tốc chiến để giải quyết chớp nhoáng chiến trường thì cái phút hạ phong đầu tiên của đơn vị Bắc Việt đã đặt họ vào tình trạng không gỡ được nữa. Trên mỗi miệng hầm đều có một người lính Biệt động. Tất cả lựu đạn nổ gần như cùng một lượt. Sau loạt tiếng nổ này, sức chiến đấu của trung đội Bắc Việt chỉ còn bằng một phần mười so với giá trị tác chiến của chính đơn vị họ một phút trước. Những tiếng rên xiết, cả những tiếng van lơn nữa nổi lên khắp nơi, nhưng theo lệnh tôi, Đại đội 2/ Tiểu đoàn 62 BĐQ vẫn núp kín vào những ghềnh đá. Kinh nghiệm chiến trường làm chúng tôi hiểu rằng dù có đánh tàn nhẫn cách nào, có đánh bất ngờ cách nào, chúng tôi cũng không thể tiêu diệt 100% quân số địch ngay trong đòn đầu. Thể nào cũng có những chú bận đau bụng, bận xuống suối múc nước, v.v… và nhờ vậy mà sống sót. Người sống sót trong trận đánh lựu đạn này lại chính là Thiếu úy Đôi, Trung đội trưởng. Trong lúc sơ ý, chúng tôi không thấy hầm của anh, đào hơi xa những hầm khác.
Chúng tôi núp chừng 1 phút thì nghe tiếng đại liên “quạt” ào ào trên đầu. Nhưng, như anh thấy quanh anh đó, trong những ghềnh đá này bom đạn không giết người. Điều đó là sự thật đối với những người lính Bắc Việt cũng như đối với chúng tôi. Ngồi an toàn dưới một tảng đá lớn, tôi lấy tất cả thì giờ cần thiết để quan sát hầm đại liên của địch và những lối di chuyển có thể đưa chúng tôi đến miệng hầm. Một phút sau, chúng tôi đã đứng trên đầu anh Đôi (dĩ nhiên khi đó chúng tôi không biết người xạ thủ đại liên phía dưới là một sĩ quan Bắc Việt). Chúng tôi chờ một quãng ngừng của tràng đạn để lên tiếng gọi anh đầu hàng. Binh sĩ đã hành động như thường lệ cho địch quân một giới hạn thời gian và báo cho họ biết trước là sau khoảng thời gian đó nếu họ không ném vũ khí ra, đưa cao tay lên đầu và bước ra khỏi hầm, lựu đạn sẽ ném xuống.

Chúng tôi chờ đợi. Một người lính BĐQ đếm những giây chót trong cuộc sống của anh sĩ quan Bắc Việt.

– …Bảy, tám, chín, …

Miệng đếm, tay người lính mũ nâu đã cầm sẵn một quả lựu đạn rút chốt nhưng anh chưa kịp sử dụng thì một tiếng nổ rung chuyển đã vang lên. Căn hầm dưới chân chúng tôi bốc khói mù mịt. Trên miệng hầm, một anh lính BĐQ khác bị miểng văng trúng bị thương nhẹ.

Tôi nhìn kỹ vào hầm quan sát. Nhất định sau một tiếng nổ như vậy bên trong hầm kín không thể còn một sinh vật nào nữa cả. Tuy vậy, khi tiến vào hầm, chúng tôi vẫn dè dặt. Trước mắt tôi, anh quân nhân Bắc Việt với quân hàm Thiếu úy trên cổ áo nằm sóng soài, ngực vỡ ra vì bị phá bởi sức nổ của quả lựu đạn mà chính anh đã sử dụng, anh tự tử để không bị bắt.

Nghe xong câu chuyện khá dài, tôi nhắp một nắp Martell, kết luận:

– Ít nhất, đó cũng là một người có liêm sỉ.

Đại úy Phong:

– Một thi sĩ nữa. Trong túi anh, ngoài những tài liệu quân sự, chúng tôi còn tìm thấy một tấm ảnh chụp chung với một người đàn bà (có lẽ là vợ anh). Mặt sau có 2 câu thơ:

Ngày nào trái đất còn quay,

Trái tim còn đập, tình này còn yêu.

Sau khi Đại úy Phong đọc xong hai câu thơ nói lên tâm sự của một người lính xa vợ, tôi chợt nghe không khí quanh “bàn tiệc” như nặng hơn. Chai rượu cạn cũng được chuyền tay với nhịp độ mau hơn. Mọi người đều như muốn quên thật nhanh việc mà chính mắt họ đã chứng kiến 48 giờ trước.

Tôi hiểu. Những người lính mũ nâu, mũ đỏ, mũ xanh v.v… là những người lính có giá trị chiến đấu cao nhất của quân đội miền Nam. Họ có thể lăn vào thanh toán khẩu đại liên đang khạc đạn ngăn cản bước tiến của họ. Họ có thể, họ đã và hiện nay họ vẫn còn đang chịu đựng hàng trăm ngày dài chiến đấu gian khổ, thiếu thốn, nguy hiểm, cam go mà không hề hé răng than phiền nửa lời. Nhưng họ cần một điều: đối tượng trước mặt họ phải là một khuôn mặt độc ác gian manh, ghê tởm, v.v… chứ đừng là một người lính cũng biết yêu, biết nhớ vợ như họ.

Nhìn 40 khuôn mặt đen sạm vì mưa nắng cao nguyên bỗng nhiên tôi không còn thấy cái góc anh hùng gan lì của họ nữa. Tôi thử hình dung những người đàn bà sau lưng họ, những đứa trẻ quấn quýt bên chân họ. Cái việc vận dụng trí tưởng tượng này không đòi hỏi tôi phải cố gắng một chút nào cả. Tôi biết họ quá nhiều, tôi biết những trại gia binh bẩn thỉu không ngân khoản bảo trì, tôi biết những đám tang lạnh lẽo, những vành khăn sô đơn côi. Qua tất cả những cái biết đó, đang thấm thía hiểu phút khó chịu của những thiên thần mũ nâu trước cái chết của một người lính địch.

Tôi nhớ lại một câu nói của người lính già tên tuổi, Thống tướng Mac Arthur. Nguyên văn câu nói như thế nào tôi không thể lặp lại thật đúng, tôi chỉ xin viết đại ý của vị danh tướng này: “Trọn đời sống trong quân ngũ vậy mà vẫn có một việc tôi không thể nào hiểu được, đó là sức chịu đựng của những người lính bộ binh. Anh ta di chuyển, mang theo trên lưng tất cả tài sản: nhà bếp, nhà thương, phòng ngủ, tâm tư, v.v… Anh tiến lên mặt trận hay từ mặt trận trở về thì mỗi ngày 24 giờ, giờ nào cũng có thể là giờ hẹn gặp của anh với tử thần. Nếu anh chưa gẫy gập xuống quả là một phép lạ”.

Người lính bộ binh mà Thống tướng Mac Arthur mô tả là người lính Bộ binh Hoa Kỳ. Trên lưng người lính miền Nam còn biết bao gánh nặng nữa: Sự bất tài của những cấp chỉ huy, thăng thưởng thuyên chuyển qua ngã mua quan bán tước, sự trống vắng của một đơn vị vì nạn lính kiểng, lính ma, sự thiếu thốn của một hậu phương thật tình thương yêu, cảm thông với tiền tuyến.

Với tất cả những sức nặng đó trên lưng, người lính miền Nam vẫn đang làm được cái công việc mà 2 tháng trước đây không ai tin rằng họ làm nổi: đập vụn thành từng manh mún nhỏ đạo quân viễn chinh Bắc Việt được trang bị mạnh hơn họ, được chiến đấu trong những điều kiện lợi hơn họ.

Trước sự chịu đựng anh hùng đó, người ta chỉ còn một việc để làm: Ngả nón bái phục.

Source: http://baotreonline.com/khuc-xuong-kho-nuot/-
https
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn