Nhớ Bố – Trần Bạch Thu

Thứ Tư, 22 Tháng Sáu 20224:00 CH(Xem: 5286)
Nhớ Bố – Trần Bạch Thu

Hình minh hoạ: Pixabay

Tôi vội vã tới nơi sau khi chiếc xe cấp cứu đã vào đến bệnh viện Pacific được hơn một giờ đồng hồ. Bố được chuyển thẳng vào phòng ICU cách ly để chăm sóc đặc biệt. Thường thì bệnh nhân được chuyển thẳng vào đây là đang ở trong tình trạng nguy kịch. Trước đó hơn một tuần, Bố cảm thấy sốt, mệt, thở dốc nên gia đình chở đi khám và sau đó đã nhập viện Memorial Long Beach ở trong bốn ngày. Bác sĩ chẩn đoán là bị sưng phổi. Điều trị tương đối khả quan, bác sĩ cho xuất viện về sớm. Cả nhà rất vui, đang chuẩn bị mừng sinh nhật lần thứ 91 thì Bố trở bệnh nặng phải chuyển lại vào nhà thương gấp. Nghe tin tôi bỏ sở về liền.

Bố mệt nhưng vẫn còn tỉnh táo nằm trên chiếc giường mắc đầy dây nhợ, máy móc, đèn báo nhấp nháy. Thấy là biết khó lắm. Tôi chỉ nắm tay vuốt nhẹ không dám hỏi, chỉ nhìn qua ánh mắt thôi mà trong lòng tự dưng hơi lo. Cả nhà đứng vây quanh giường bệnh, kẻ đứng người ngồi ở góc phòng. Đột nhiên Bố quay sang nói lớn bảo đứa em gái út đưa chiếc đồng hồ của Bố cho tôi.

Hình minh hoạ: Pixabay

Khi vào bệnh viện, trước khi y tá đưa lên phòng, các bệnh nhân đều phải thay quần áo của bệnh viện. Đồ quí kim, vàng bạc, đồng hồ thì đưa cho người nhà đi theo cất giữ, còn không thì phải làm giấy kê khai để nhân viên bệnh viện đem cất vào trong phòng lưu giữ. Nghe thế tự dưng cả nhà lại càng lo hơn nữa.

– Con đeo vào tay đi, đừng bỏ trong túi lạc mất.

Chờ cho Bố thiêm thiếp, tôi ra ngoài điện thoại cho đứa con gái đang đi học ở New York lo về sớm vì tình hình Ông Ngoại hơi mệt.

Nhớ trước đây khi mới đi học xa, lần nào về thăm nhà trước khi qua lại New York, ông Ngoại cũng đều cho cháu chút ít tiền và lần nào cũng nói:

– Ông Ngoại chờ con về để kê toa thuốc cho ông Ngoại.

Nhớ tới đó là lòng tôi buồn rười rượi. Trở vô phòng, nhìn Bố thở dốc, mắt nhắm nghiền, tôi miên man với biết bao nhiêu là kỷ niệm cũ, gần 50 năm qua, lại hiện về…

* * *

Năm 1972 sau “mùa Hè đỏ lửa”, tôi lên Kontum nhận nhiệm sở tại Tòa Hành Chánh nên có dịp họp hàng tháng với các Trưởng Ty, Sở trong tỉnh. Thường thì sau các phiên họp một số người hay rủ nhau đi cà phê hoặc ra nhà hàng ăn uống. Trong những dịp như thế, anh em trẻ thường hay gọi ông Trưởng Ty Ngân Khố bằng Bố.

– Hôm nay Bố Thông đãi anh em món gì?

– Vẫn như cũ. Sa–tô–bờ-ri-ăng (Chateaubriand, thịt bò nướng cắt lát ăn với sà lách, cà chua và khoai tây chiên) uống bia. Bố chỉ uống một chai 33 duy nhất, còn anh em người vài chai cũng được. Tiếp xúc ăn uống với nhau thân tình, Bố thường hay nói nửa đùa, nửa thật rằng có 5 tác dụng của rượu đối với người uống rượu, thể hiện phong cách của mỗi một người. Đứng đầu là Hỷ tửu, người uống vào bỗng hóa vui, Hùng tửu, người uống vào bỗng thấy mạnh mẽ hơn … Bi tửu, Ái tửu và Dâm tửu. Tất cả đều là “Ngũ Gia Bì Tửu”, uống nhiều đều say.

Trong quan hệ công việc cũng như ngoài xã hội, Bố rất ít nói. Có người bảo “không phải vậy” vì Bố nói tiếng Tây rành hơn tiếng Việt nên sợ bị hiểu lầm. Từ năm lên mười, Bố đi chủng viện sinh hoạt nội trú, học hành với các cố đạo người Pháp nên chỉ nói toàn tiếng Pháp.

Hình minh hoạ: Pixabay

Đi tu hơn 10 năm, đến khi trở về họ đạo Tân Hương (Kontum) làm thầy Sáu thì Bố chợt cảm lòng thương người con gái đẹp ở ngay bên dốc nhà thờ. Bố xuất ra, cởi áo dòng lấy vợ và sinh sống ở dốc Tân Hương. Được mấy năm, Bố ra riêng vào Sài Gòn thi đậu nhập ngạch Thư ký Ngân khố và được bổ nhiệm đi làm Trưởng Kho Bạc ở Ban Mê Thuột. Gia đình vợ con vẫn còn ở Kontum.

Đi làm được một thời gian cho đến khi Bảo Đại về nước thành lập Quốc gia Việt Nam, Bố được thuyên chuyển về quê nhà, tỉnh Kontum và sau đó thi đậu, nhập ngạch Tham sự Hành chánh trong hệ thống công vụ, giữ nhiệm vụ Trưởng Ty Ngân Khố suốt hai thời Đệ Nhứt và Đệ Nhị VNCH cho đến Tháng Ba năm 1975.

Khi trở về Kontum, một số ít các bạn cùng đi tu lúc trước nay đã trở thành cha xứ các họ đạo trong tỉnh, Bố được cử làm ông Biện  cho Nhà thờ Tân Hương suốt từ đó cho đến ngày cộng sản về thành. Ước mơ lớn nhất và cả đời của Bố là mong có con trai đi tu trở thành linh mục. Đứa con lớn gởi đi tiểu chủng viện được mấy năm rồi cũng xuất ra, lên Đà Lạt học phổ thông ở trường tư. Đến phiên đứa con trai thứ lên 10, Bố quyết định đưa đi xa hơn, vào tận trường dòng rất nghiêm khắc ở Tam Hiệp, Biên Hòa. Được mấy năm thì đến ngày 30 Tháng Tư, trường dòng đóng cửa nên cậu con thứ cũng đành trở về quê nhà sinh hoạt đời thường. Bố có cả thảy 10 người con, ba trai, bảy gái. Hết hy vọng có con trở thành linh mục, Bố thường hay nói “Chúa không chọn” thế thôi, nhưng cũng vui.

Bố làm công chức lâu đời thuộc hàng lão làng từ thời Pháp thuộc, cho nên trong tỉnh mọi người đều biết tiếng và kính nể. Tôi được Bố quí mến nhất vì còn trẻ và Bố thường hay mời về nhà cơm nước trong những dịp nghỉ lễ hay cuối tuần. Đến khi tôi về làm Phó Quận kiêm Phát ngân viên Quỹ định cư thì lại có dịp gần gũi với Bố nhiều hơn. Hơn 20 năm công vụ, Bố là người rất giỏi về chuyên môn và hết mực thanh liêm.

Đến nhà chơi lâu ngày tôi để ý và quen với cô con gái lớn của Bố, nhưng Bố nói thật là Bố đã chấm tôi từ bữa ăn đầu tiên có uống bia say khướt ở nhà hàng Bạch Đằng, hồi tôi mới lên Kontum.

Sau nầy khi tôi thăng quan, tiến chức, Bố đã giúp đỡ tận tình bằng cách lập một sổ “cẩm nang”, gom góp kinh nghiệm mấy mươi năm về nhiệm vụ “Chuẩn Chi ” ngân sách, gởi cho tôi để nắm vững các qui tắc rất phức tạp và đỡ tốn thì giờ rà soát các chi tiêu trong hồ sơ. Tình thâm nghĩa trọng, ngày càng thắm thiết, tôi quyết định về quê xin Ba Má được làm rể của Bố.

Hình minh hoạ: Pixabay

Chưa kịp làm đám hỏi thì đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975, cộng sản về thành bắt Bố đi cải tạo 5 năm tại địa phương, di chuyển nhiều nơi và cuối cùng đưa về trại Gia Trung (Pleiku). Trong tù Bố cũng được bạn đồng tù gọi là Bố, cán bộ thường hay họp kiểm điểm về cách xưng hô nầy, nhưng có lẽ vì tác phong của Bố lúc nào và ở đâu cũng toát lên kiểu “giang hồ mã thượng”, già mà còn “gân” nên trong chỗ riêng tư anh em cũng vẫn gọi bằng Bố.

Ra tù trở về đời với biết bao nhiêu là khó khăn, chẳng những về vật chất mà ngay cả tinh thần lúc nào cũng đối diện với nhiều điều không ưng ý. Lo lắng nhất là con cái đông mà cũng chưa có đứa nào lập gia đình. Gần 5 năm sau, khi gạn hỏi đứa con gái lớn thì được biết rằng cô ấy vẫn còn thương và chờ tôi nay đã cải tạo về, Bố tức tốc bán một phần đất vườn, xin phép chính quyền đi Sài Gòn chữa bệnh, nhưng kỳ thực là vào thẳng Cai Lậy gặp mặt tôi để xem sự thế ra sao.

Đến Cai Lậy, sau khi thăm hỏi hàn huyên mọi điều, tất cả đều “theo ý Chúa”, Bố liên lạc ngay với cha xứ họ đạo Cai Lậy xin tiến hành các thủ tục kết hôn và xin phép cha rao tại Nhà thờ Cai Lậy, đồng thời khi Bố về đến Kontum cũng sẽ xin cha xứ rao tại Nhà thờ Tân Hương.

Lo xong lễ cưới cho cô con gái lớn, Bố ngã bệnh không còn đủ sức lo gì thêm nữa cho gia đình. Người bạn đời của Bố giờ phải gồng lưng nuôi một đàn con vô cùng vất vả và cả cho chồng nên chỉ một ít năm sau mang bệnh và mất, khi tuổi đời vừa mới 60. Bố ở vậy với các con kể từ ngày đó.

Hình minh hoạ: Pixabay

Thế sự xoay vần, gần 15 năm sau, vào đầu những năm 1990, cả gia đình bố, con đều đi sang Mỹ định cư theo diện HO và cùng cư ngụ tại thành phố Long Beach. “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”, các con gái lớn của Bố đều lập gia đình với người thuộc chế độ cũ nên cũng lần lượt ra đi theo diện HO, kẻ trước, người sau đến Mỹ sinh hoạt rất đề huề khi ở chung với nhau. Đến lúc anh em mua nhà ra riêng, Bố đưa ý kiến mong muốn là nên ở gần với nhau, đi lại chừng 5, 10 phút cho tiện… để Bố có thể qua chơi dễ dàng. Nhưng tự trong thâm tâm, ai cũng hiểu là Bố muốn tất cả gia đình, anh chị em, con cái, dâu, rể đều ở gần để cùng đi lễ Nhà thờ Long Beach chung với nhau.

Từ những đứa trẻ nhỏ 9, 10 tuổi trong gia đình, dưới sự hướng dẫn của Bố đều lần lượt trở thành các em giúp lễ của nhà thờ, con cái tham dự hầu hết vào các ban Phụng vụ, đọc sách Thánh hay đều là thành viên của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo chỉ trừ Ca Đoàn. Bố nói “hát Thánh ca” phải có “ơn” Chúa dẫn dắt mới hát được. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của Bố từ ngày sang Mỹ là được cùng con cái vui vẻ đi lễ nhà thờ trong mỗi chiều cuối tuần.

Sống ở Mỹ với tiền trợ cấp ít ỏi, nhưng Bố vẫn làm được nhiều điều tốt đẹp, tham gia đóng góp vào quỹ từ thiện do các Cha khởi xướng. Trả tiền hàng tháng để lo đất đai hậu sự, không gây phiền hà cho con cái khi qua đời. Gửi tiền về Việt Nam hàng tháng để nuôi người thân bị bệnh tật. Nói chung, Bố sử dụng đồng tiền trợ cấp rất có hiệu quả và rộng rãi.

Riêng về sinh hoạt của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Mỹ, Bố không tham gia và cũng không có ý kiến vì Bố thuộc hàng “Lão giả an chi”. Chỉ có hai báu vật luôn giữ trên người khi đi ra ngoài, một là huy hiệu cài trên ve áo hình hai lá cờ Mỹ – VNCH xếp chéo nhau và hai là chiếc mũ lưỡi trai màu ka ki nhạt có thêu hình cờ vàng ba sọc đỏ.

Thỉnh thoảng cuối tuần, Bố thường hay bảo tôi chở xuống khu phố Bolsa đi chợ mua vài thứ cần dùng riêng, đặc biệt là cà phê rang, xay tại chỗ, sau đó đi ăn. Cũng vẫn như xưa, Chateaubriand cắt lát ăn với sà lách, cà chua và khoai tây chiên, uống bia. Bố bảo thịt bò Mỹ mềm và ngon hơn.

* * *

Từ sau ngày Bố mất, các cháu lần lượt lớn khôn, đứa đi học xa, đứa đi làm xa nhà nên chỉ đi nhà thờ dự Thánh lễ trong những ngày lễ lớn như Phục Sinh hay Giáng sinh, còn lại mấy người con của Bố nay cũng đã lớn tuổi là còn đi lễ ở Nhà thờ Long Beach hàng tuần.

Lúc sinh thời, Bố luôn khuyên con cháu nên siêng năng làm việc Chúa, mở lòng bác ái và giữ tâm lành, hướng thiện. Trong những lúc đoàn tụ gia đình, khi còn khỏe mạnh, Bố thường hay kể chuyện vui ngày trước và luôn luôn chờ đến câu cuối cùng “Phải chi có Mẹ lũ bây …” là Bố trầm giọng xuống trong im lặng. Mọi người biết ý, khui ngay cho Bố một lon bia Budweiser. Riêng hai Bố con tôi lúc vui, ưng ý là thế nào cũng cụng vài ly “ông già chống gậy” (Johnnie Walker) nhãn đen.

Sau nầy khi Bố ngày càng yếu, bác sĩ khuyên cữ rượu. Cả nhà từ đó không ai mua rượu, bia nữa. Bố than với tôi, buổi sáng Bố lạnh lắm, tôi thảo luận với bác sĩ đồng ý kiêng cữ thôi, nên tôi mua giữ một chai rượu Bố thích để ở ngăn riêng trong tủ kính có khóa không cho ai biết. Mỗi buổi sáng khoảng 9, 10 giờ, Bố kín đáo đi bộ sang nhà tôi mở ngăn tủ ra rót uống một ly nhỏ không hơn không kém và Bố đã giữ lời hứa cho đến khi mất. Chai rượu ấy vẫn còn giữ nguyên một khúc từ đó cho đến nay.

Khi gia đình mới tới Mỹ đi dự thánh lễ lần đầu ở Nhà thờ Long Beach, chúng tôi thật vui mừng gặp lại cha chánh xứ là người quen biết nhau từ trước ở Kontum nên cha có ý với Bố là khuyên các con nên tham gia vào Hội Đồng Mục Vụ. Từ đó, mọi người trong gia đình đều hăng hái tham gia tích cực vào các đoàn thể của nhà thờ, riêng tôi tự xét mình “tài sơ đức mỏng” và sợ không chu toàn trách nhiệm nên khi Ban Phụng Vụ mời tham gia, tôi chỉ xin được khiêm nhường nhận một chân xin tiền trong các Thánh lễ.

Hình minh hoạ: Pixabay

Sau khi Bố mất, tôi xin anh em trong ban Phụng Vụ cho được đi xin tiền ở bên cánh trái của nhà thờ. Tôi thật hạnh phúc khi đi ngang qua chỗ ngồi của Bố trong nhà thờ suốt hơn hai mươi năm qua. Vẫn chỗ ngồi ấy, vẫn hình dáng ấy nhạt nhòa trong tâm tưởng. Văng vẳng bên tai lời Bố “con hãy làm việc nhỏ với một tâm hồn quảng đại.”

Sau khi trút hết tiền vào rổ để chuẩn bị dâng lên cung Thánh, tôi nhìn trên tay, kỷ vật sau cùng của Bố, đồng hồ chỉ đúng 6:30 chiều. Nhớ Bố.

Nguồn: https://saigonnhonews.com/muon-neo-duong-doi/nho-bo/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn