Ký ức từ ánh mắt - Trần Thúc Vũ

Thứ Ba, 13 Tháng Ba 20185:00 SA(Xem: 4986)
Ký ức từ ánh mắt - Trần Thúc Vũ

Ký ức từ ánh mắt - Trần Thúc Vũ

... Tôi đã nhận ra Anh, anh già đi nhiều so với ngày gặp gỡ đàu tiên cách đây 13 năm. Mười ba năm dài như bao nhiêu đời người gom lại.

Tôi không hiểu tại sao, cái hình ảnh của người đàn ông gần 50 tuổi, đứng lom khom trên mặt lò, chiếc xẻn trong tay đang đánh những phiến cháy trong chiếc chảo gan đang nghi ngút khói, không tài nào tôi quên được!

Mùi thơm của từng tảng cháy bo bo vàng quyến rũ tôi bước tới. Anh ngước mắt nhìn tôi và anh cười bằng mắt, trong khoảnh khắc rất ngắn, tôi hiểu được tấm lòng anh trong ánh mắt cảm thông kia. Ngày ấy, chỉ một mẫu cháy bo bo cứng như đá, cũng là một sự thèm khát trong ước mơ nôn nao của những người tù đói khổ. Tôi đã cúi đầu và quay đi, chắc chắn anh cũng ngạc nhiên về điều ấy.

Có lẽ ánh mắt vừa cảm thông vừa bao dung và độ lượng của anh, đã khiến tôi không tài nào quên được anh trong suốt 13 năm dài đăng đẳng, bởi vì tôi không bao giờ quên được chính mình. Sự quay đi kia, có giá trị như một chiến thắng chính bản thân mình trong cuộc chiến đấu gay gắt giữa tinh thần và vật chất.

Đó là ngày đầu tiên, tôi và một số trại viên khác của trại Nam Hà "A" được biên chế về đội cấp dưỡng, công việc chính của tôi là nhàu than, gánh nước mỗi ngày. Tôi và anh Duy Lam phải cung cấp đủ than cho 10 lò đốt và gánh nước đun cho 18 buồng giam.

Đó cũng chẳng phải là công việc nhẹ nhàng. Chúng tôi bị cấm không được bén mảng đến tổ cơm, nhưng bù lại tổ nước, tổ than chúng tôi có hoàn toàn tự do uống nước bằng thích, chớ không bị kềm chế khắc khe như tổ cơm.

Mãi đến hôm sau, khi anh bị đưa về buồng và sau đó chuyển anh về giam ở Hỏa Lò, tôi mới được biết tên anh và những lý do anh phải bị biệt giam như thế.

Anh Nguyễn Ngọc Doanh đã nói về anh cho tôi biết một cách mơ hồ. Tôi là một đứa ngu muội đôi khi trở thành hỗn xược với những nhân vật hữu danh không phải không có những lý do của nó. Tôi vốn ghét chánh trị vì những thủ đoạn, và tôi lại càng không thích và khinh bỉ nó, sau lần tôi bị tham dự buổi lễ phóng thích một lãnh tụ cao cấp của một đảng chánh trị danh tiếng nọ. Vị danh nhân 84 tuổi đã ăn năn sau một hồi khóc lóc một cách hèn mạt trong bản cảm tưởng ông đọc tại buổi lễ phóng thích. Tôi nhục nhả và đau xót, ít ra ông ta cũng là một nhân vật mang tính lịch sử và tôi yêu những trang sử của dân tộc Việt Nam.

Anh biết không tôi cùng với người bạn mới quen, anh Phạm Tường, lúc đầu tôi nhận làm anh em với một Đại Tá đơn vị trưởng của tôi, do đó tôi đã chào anh như một quân nhân, dầu sao tôi vẫn chỉ là người lính Việt Nam Cộng Hoà. Một người lính từ tận tâm hồn tôi. Dường như anh không nhận ra tôi, cho mãi khi tôi nhắc đến ánh mắt của một bửa trưa nào, như từ trên mặt lò thuộc tổ cơm tại Nam Hà những năm 1978-1979.

Tôi giữ ánh mắt ấy suốt 13 năm, cùng những cảm xúc của nó. Riêng anh! Anh làm sao nhớ được rằng đã có lần anh cho tôi ánh mắt vừa bao dung, vừa độ lượng, vừa nghiêm khắc kia.

Anh ngồi đó, nhìn tôi, tia nhìn vẫn như trước, bình thản, dịu dàng, đầm ấm, anh vẫn thế.

Bao nhiêu cơ nghiệp không thể xoá mờ được tâm hồn anh, và hơn thế nữa tôi còn tìm thấy chính trong ánh mắt anh một sức mạnh tiềm ẩn, nó giống như sức mạnh của niềm tin kỳ bí.

Điều gì đã khiến nó hình thành, tôi tự hỏi. Anh hỏi thăm tôi về cuộc sống, tôi cố nén tiếng thở dài: Anh đừng hỏi điều gì về cuộc sống của tôi, với tôi có chăng là những hận thù.

Và như một kẻ cuồng tín tôi nói với anh bằng tận cùng cay đắng đầy ủ tâm hồn tôi. Cuối cùng tôi đọc cho anh nghe một đoạn trong bài thơ cũ:

"Người xưa đã mài gươm thù, đá mòn trên mỏm núi"

"Nay ta mài hờn căm, cùng sao ngàn đêm tối"

Anh cau mày khi nghe tôi đọc thơ, và nói với tôi cả mọi điều: Tình Yêu, Tổ Quốc, Tương Lai, bằng một giọng ôn tồn, tôi thở dài. "... Chuyên chính nghiền nát như cám bụi... ". Tên quản giáo T3 Hoàng Liên Sơn đã hét vào mặt tôi, nhưng không cường lực nào cấm không cho tôi yêu đất nước tôi, đó là máu huyết của tôi, khi máu tôi còn đỏ, có nghĩa là tôi còn thuộc về tôi. Tôi sẳn sàng mộtcách vui vẻ đón nhận cái chết cho mình nếu tôi là một thứ... có thể gây trở ngại cho họ thực hiện những danh từ hoa mỹ của họ "vì tổ quốc, vì nhân dân".

Tôi khẳng định với anh:

"... và tôi cũng đã lầm yêu mến. Yêu mến nên tôi mới oán hờn..."

Anh nỡ một nụ cười, nụ cười rất lắm niềm vui trong tia nhìn, tôi hỏi:

- Sao anh cười?

- Tôi cười vì tôi vui, chú còn giữ được lòng yêu mến?

- Tôi trước sau vẫn là người lính bình thường, nên trước mặt tôi là việc lộ, còn các anh?

- Những người làm chánh trị.

- Anh là chiếc ghế đặt trên đầu dân...? Tôi đang nuôi 200 con gà, hằng ngày tôi hốt phân, tẩy rửa, cho nó ăn no, chăm sóc từng chút, tôi mong rằng các anh hãy chăm lo dân như tôi chăm sóc bầy gà. Tôi bán nó đi để kiếm sống. Còn các anh xin đừng kiếm sống trên đầu chúng tôi!

Anh vẫn cười bảo:

- Vâng, trên 40 năm tôi hoạt động chánh trị chưa bao giờ tranh cho tôi một chiếc ghế như ý chú nói. Còn những người khác, tôi không thể nói được gì về họ, có điều chú và tôi có chung một tấm lòng trắc trở vì tiền đồ dân tộc, nhưng chú yêu nước trong hận thù, chính là chú tàn hủy đất nước và dân tộc chú yêu mến.

Tôi gay gắt:

- Tôi không thể yêu những kẻ tôi không thể, họ làm băng hoại....

- Anh giơ tay ngăn lại:

- Và họ cũng nghĩ về chú như thế....

- Họ có quyền hành xử hơn thế và họ đã làm như thế....

- Vậy thù hận đất nước sẽ đi về đâu? Trong cơn hận thù, chia rẽ, nghèo đói, thống khổ này? Và mãi mãi hết đời này đến đời khác, dân tộc này chìm đắm trong thống hận, giữa huyết thống. Tương lai dân tộc chỉ là vực thẳm của đau thương tan tác và đói nghèo. Tội lỗi ấy chú không thể nhân danh bất cứ điều gì để bào chữa được...

- Tôi ngồi yên, thấm thía từng lời. Tôi nói:

- Với ý anh tôi phải quỳ xuống để van lạy họ để được yêu họ? Tôi phải liên minh với họ? Tôi phải lừa dối họ và lừa dối chánh trị? Ai trả lại cho tôi tuổi thanh xuân đã tiêu tán trong tù đày? Tôi không thể nguôi ngoai!! Anh Năm! Việc này đâu dễ quên?

- Trong yêu thương không thể có dối trá, lừa đảo mà là sự chân thành.

- Cái "trong" trong đạo chánh trực.

- Chú nghe tôi hỏi. Chú có yêu dân tộc chú không? Không! Chú chỉ yêu chính chú, nói ra chú chỉ yêu chút lòng hận của chú, đố kỵ của chú. Hãy nghe tôi hỏi? Sinh mệnh của Tổ quốc và sinh mệnh cá nhân cái nào lớn hơn?

- Hạnh phúc cá nhân không có làm thế nào có được hạnh phúc của dân tộc?

- Cá nhân hình thành tổ quốc, sự oán thù giữa cá nhân, phe phái biến Tổ quốc thành Đầm Lầy và vĩnh viiễn Tổ quốc này sẽ chìm đắm trong một vũng bùn nhơ nhuốc. Sự nghèo đói và tủi cực, điều ấy có làm cho chú vui về lòng thù hận kia chăng? Tổ quốc được hình thành bằng biết bao xương máu của tiền nhân, do đó Tổ quốc trở thành sự thiêng liêng. Chúng ta không có quyền nhân danh nó, phục vụ cho sự ti tiện của cá nhân...

Tôi nhìn anh thật lâu trong yên lặng.

Tôi thở dài:

- Anh và tôi chỉ là hạt muối bỏ vào biển, nó giống như một sự đàu hàng, không một ai biết được tấm lòng cao quí của anh.

- Chú lầm, mọi người hay nói đúng hơn phần lớn mọi người được hóa giải sự hận thù trong lòng dân tộc bằng tình thương yêu, như thế mới đưa dân tộc ra khỏi đầm lầy nhầy nhụa được. Kể cả Họ, tôi tin Họ cũng khao khát điều ấy. Chúng ta không nên quơ đủa cả nắm, không có điều gì hoàn toàn cả....

-Thưa anh, ao ước vẫn chỉ là khao khát trong ao ước mà thôi.

- Bởi vậy, chúng ta phải phát động một phong trào để thống nhất nhân tâm của một dân tộc đã ly tán đến tận cùng, là vì hạnh phúc thật sự của dân tộc, phải đấu tranh để xây đấp một nền dân chủ chân chính, đích thực....

- Vâng! Nhưng có phải chỉ là một ảo tưởng?

- Có ảo tưởng rồi đấu tranh cho nó ra thành sự thật. Chú có một que diêm giữa rừng sâu, trong đêm mưa gió chú cứ e dè sợ một que diêm nhỏ sẽ không gây thành một đám lửa lớn, và ai ai cũng chỉ nghĩ như thế, thì làm có được ngọn lửa nồng ấm để xua đi bóng tối của giá lạnh.

- Hãy cứ sống với thân phận một que diêm. Anh Năm, đúng thế "Như que diêm chỉ có một tiếng cười. Như ta chỉ có một đời tiêu phí.."

- Đừng! Chú không nên coi đó là điều tiêu phí.

- Nhưng, muốn hòa giải những người sống, chúng ta phải nhớ những người đã chết, nếu không chúng ta phản bội xương máu họ. Người chết, một nhân tố tâm lý cho sự hòa giải của người sống!!

- Tôi biết, những chiến sĩ Nam Bắc đã chết cho một giai đoạn bi thảm của lịch sử, họ phải được xem như những chiến sĩ trận vong không phân biệt giới tuyến, phải làm mọi điều để nở nụ cười cho những hồn oan thiêng ấy.

- Khó khăn quá anh Năm.

- Dĩ nhiên, chỉ sợ chúng ta không đủ kiên trì và tâm thành....

Tôi ngồi yên lắng nghe lòng tôi, cả quá khứ đời tôi sanh sau và vô ích, tôi đang chịu cơn đau của cuộc giải phẩu tâm hồn tôi. Tôi không biết điều gì đã làm cho tôi muốn khóc....

Giọng anh vang lên:

- Chúng ta, tất cả con dân Việt Nam, không một ai có quyền cho mình vô tội đối với những đau thương của Tổ quốc. Mỗi người trong chúng ta đã ít nhiều đóng góp để tạo ra sự chìm đắm của dân tộc này. Mọi người phải tâm thành phản tỉnh để nhận thấy tội lỗi của mình đối với mẹ Việt Nam, không một ai có quyền chối chạy tội lỗi ấy nhất là chú, nhất là chú!

Anh dí ngón tay vào ngực tôi, tôi hốt nhiên ngậm ngùi trong một thoáng vui mừng vừa nhen nhúm.

Anh phân tích cho tôi nghe nào đâu là thời, là cơ, là địa lợi, là nhân hòa. Ánh mắt anh ngời sáng lên những tia hy vọng, đã chuyền sang tôi một sự ấm áp với niềm tin.

Anh bắt tay tôi rất chặc thêm cho tôi một sức mạnh.

- Bổn phận chúng ta phải dựng lên một phong trào phục hưng tổ quốc. Phong trào của chung tất cả, mọi người Việt Nam có cùng một lý tưởng không phân biệt bất cứ một điều gì và như thế không nhất thiết chúng ta phải là những người lãnh đạo. vì dân tộc này còn biết bao nhiêu người tái trí đạo đức. Chỉ có tâm đạo mới đem thành quả trong vận hội mới này.

Chiều chớm muộn, chiều từ giả tâm hồn, tôi thấy tôi mênh mông. Tôi quên tiễn chân anh và anh Tường. Tôi lặng đi trong chìm đắm từng lời nói, từng mắt nhìn và những giọt lệ cơ hồ của anh ray rứt tôi, trăn trở tôi. Bao nhiêu đêm qua tôi nhận chìm tôi trong thao thức, rồi sớm mai tôi chổi dậy đốt đi những bài hận thù cũ. Ngọn lửa Phần Thư kia đã làm thành sự ấm áp và soi tỏ tôi....

Trần Thúc Vũ

* Ghi chú: nhân vật Anh Năm là tên gọi thân mật của Gs. Nguyễn Đình Huy .

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn