“Hồi ức lính Tây Nam”

Thứ Tư, 07 Tháng Ba 20183:30 SA(Xem: 9731)
“Hồi ức lính Tây Nam”

FB Huy Đức

Năm con gà bị vặn cổ; một con heo sặc tro, chỉ ít phút sau, lính pha thịt chặt xương đâu ra đấy [gà và heo của những người dân Khmer vừa chạy, trong thời điểm người lính được quán triệt “không lấy cái kim sợi chỉ của dân”]. Những người lính giành nhau những miếng vàng lá. Những người lính loay hoay mở chiếc đồng hồ trên cổ tay một tên “Pốt” vừa bị bắn hạ. Và, những món đồ cổ trong ba lô…

Chưa có một cuốn sách nào tiếp cận những “người lính tình nguyện” ở cả những góc khuất như thế. Nhưng, đấy là chiến tranh. Đấy là những người lính rách rưới, đói xanh xao, hành quân cả tháng, không có “chất tươi”. Đấy là những người lính có thể chết vì hổ vồ, rắn cắn; có thể mất chân, có thể mục kích 4 năm đồng đội của mình bị hất tung lên bởi một trái mìn…

Đấy là những người lính đang ở độ tuổi 18, có người là “học trò Văn Vượng” có thể ôm guitar nắn nót từng bài cổ điển như Vũ Khúc Tây Ban Nha, Arabia… Nhưng, phải “đập vỡ cây đàn” theo đúng nghĩa đen để đối diện với một cuộc chiến mà số người chết khát, chết vì sốt rét chưa chắc đã ít hơn số người chết vì đạn xuyên, vì B40, vì mìn K58…

Chưa có một cuốn sách nào viết về cuộc chiến hơn mười năm (12-1978 đến 9-1989) của những người lính Việt Nam trên đất Campuchia cận cảnh, chân thực và sống động như Hồi Ức Lính Tây Nam.

H1-27
Ảnh bìa sách “Chuyện lính tây nam” của Trung sỹ Xuân Tùng

Đã từng có hàng chục tiểu thuyết, hàng ngàn bài báo được viết sau ngày 7-1-1979. Đã có những đại lễ diễn ra trước Hoàng Cung, trong dinh Độc Lập. Đã có những ngôn từ to tát – “nghĩa vụ quốc tế”, “cứu nhân dân campuchia khỏi hoạ diệt chủng” – được dùng… Nhưng, không phải tự nhiên mà diện mạo lần đưa quân ra nước ngoài lâu nhất trong lịch sử Việt Nam này càng ngày càng trở nên mờ nhạt. Sau những cuộc trống dong cờ mở, cuộc chiến chống Khmer Đỏ ở Campuchia, trước đây, chưa bao giờ được làm rõ hình hài.

Có lẽ, những người lính đã từng ở CPC, nếu đọc được cuốn sách này cũng sẽ như tôi, biết ơn trung sỹ Xuân Tùng. Người đã đi cùng những loạt đạn đầu tiên phá vỡ phòng tuyến Chi Phu, S’vey Rieng; có vài ngày tận hưởng “chiến lợi phẩm” trong tư thế người chiến thằng rồi ngay lập tực phải truy kích Khmer Đỏ đến tận biên giới Thái Lan…

Người, suốt bốn năm sống chết trong gang tấc, đôi khi xục bi đông xuống ao, uống đầy, mới nhìn thấy dưới đáy nước là một sọ người… nhưng không ai đổ nước ra khỏi bi đông cả. Khát đôi khi cũng giết người như súng đạn. Suốt 4 năm, những người lính như anh nhiều khi dửng dưng, thấy cái chết chỉ là giải thoát. Nhẹ nhàng gỡ đôi dép đúc còn đầy máu đông của đồng đội, nói với những gương mặt trắng bệch, “tụi bây vậy là không còn bị đánh thức để đổi gác”. Người, đã đặc tả cuộc chiến đó theo cách mà ai đã đọc sẽ không khỏi bị ám ảnh kéo dài.

“Mùa Xa Nhà” của Nguyễn Thành Nhân là cuốn sách khá chân thực đầu tiên của một người lính viết về chiến tranh của quân đội Việt Nam ở CPC. Nhưng, “Hồi Ức Lính Tây Nam” là một tác phẩm lớn. Chưa có một cuốn sách nào của một người tham chiến ở vai trò chiến sỹ viết về cuộc chiến tranh có mình – cho dù gần như chỉ nói về những người lính xung quanh mình – lại đạt đến tầm vóc lớn lao như thế.

Trên bìa sách, tác giả ký tên Trung Sỹ. Trung sỹ là cấp bậc cao nhất trong quân ngũ của Xuân Tùng. Cấp không có nghĩa vụ phải nhìn cuộc chiến theo nhãn quan chính uỷ.

Chưa bao giờ cuộc chiến được nhìn cận cảnh đến vậy. Xuân Tùng dường như không giấu chúng ta điều gì. Từ sự sợ hãi. Từ những khao khát giới tính. Từ bàn tay “trai tơ” để cho một cô gái dạn dĩ chung tàu kéo luồn sâu vào trong áo ngực. Từ giải khăn nắm chắc để mặc người vợ goá lính “Pốt” kéo vào góc tối khi sức trẻ đã bị đốt cháy sau những bước lăm thon. Từ lần “đào ngũ” về thăm nhà sau những tuần sốt rét cận kề cái chết…

Đó là cuộc chiến tranh mà những người lính biết trăn trở không khỏi tự vấn “căn cước”. Đôi khi chỉ vì người dân trong phum tháo đoạn thang tre để giảm thiểu số ống thốt nốt bị lấy bởi những người “lính tình nguyện”. Đôi khi chỉ vì cô gái Khmer trên tàu sợ hãi thu cái túi đựng vàng vào lòng trước ánh mắt của lính, thực ra là chỉ nhắm vào cái gáy nõn nà của cô… Những người “không tiếc máu xương” để “cứu nhân dân Campuchia” đã từng chết tức tưởi vì những họng súng đặt trên những chiếc xe bò thong thả về phum; những người bị dao quắn chặt đứt đầu khi vô tư một mình đi cùng những người dân mà mình vừa góp công “giải phóng”.

Vượt qua tất cả những điều đó, cuốn sách càng trần trụi, càng chạm tới đáy “tự nhiên chủ nghĩa” càng cho thấy lòng quả cảm của những người lính, sự gắn kết của một đội quân. Tác giả thường lột tả chất lính ấy chỉ trong vài dòng ngắn ngủi. Một người chỉ huy, khi địch bắn rát đã nhường công sự cho tân binh, cậu lính vài giờ trước đó chỉ vì lười mà không đào cho mình một nơi trú ẩn. Một người chỉ huy khác – bình thường suốt ngày văng tục, “tao, mày” – khi ổ bụng đã vỡ ra vì mìn, vẫn cố dặn “các em” cách đi sao không để kẻ thù truy sát.

Từ cách kể chuyện những người lính xuất ngũ nâng niu đôi chim sáo trên tàu. Từ cách đặc tả những con chim sẻ ngồi đợi lũ ong mật lóp ngóp ngoi từ những ống nước thốt nốt ra. Sau Bùi Ngọc Tấn ít thấy ai tả thực sinh động và lôi cuốn thế. Cuốn sách được nói là hồi ức của một người lính – không là nhà văn, không là nhà báo – nhưng thứ ngôn ngữ mà Xuân Tùng sử dụng lại văn tới mức gần như rất khó kiếm trong các tiểu thuyết trong nước xuất bản gần đây.

Cho dù tác giả rất tiết chế, từng chữ trong cuốn sách vẫn chứa đựng rất nhiều cảm xúc. Thứ cảm xúc khiến người đọc đôi khi bật khóc. Như khi đối diện với một cuộc chiến không quy ước, Hồi Ức Lính Tây Nam đã được Xuân Tùng viết ra một cách trầm tĩnh, bản lĩnh… Sự trầm tĩnh, bản lĩnh có được sau 40 năm đau đáu, dồn nén.

Xuân Tùng là trung sỹ thông tin tiểu đoàn bộ bình 4, trung đoàn 2, sư đoàn 9. Công việc của anh trong chiến tranh là giữ liên lạc giữa tiểu đoàn và các đại đội. Và, công việc của anh đạt được trong cuốn sách này là giữ được sự liên lạc giữa chúng ta với một phần lịch sử có nguy cơ quên lãng.

Đây không chỉ là một hồi ức cá nhân. Trong sách không chỉ có sự ám ảnh của “những gương mặt trắng bệch” nằm yên trong những chiếc võng nhuộm máu và bùn non. Trong sách không chỉ có những người lính cùng tiểu đoàn mà còn có cả hình ảnh của một thế hệ thanh niên Việt Nam, những người đã mang tuổi trẻ đến Campuchia rồi không bao giờ được trở về cố quốc.

Cuốn sách cho ta thấy giá của xương máu. Một cá nhân hay một quốc gia, đôi khi phải lấy máu để giữ phẩm giá. Tuy nhiên, những ai có quyền trước khi quyết định chiến tranh hãy đọc cuốn sách này, hãy nhận thức đầy đủ về máu và phẩm giá qua Hồi Ức của những người đã từng là Lính.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 11 Tháng Tư 20186:00 SA
Thứ Ba, 03 Tháng Tư 20185:30 SA
Chủ Nhật, 01 Tháng Tư 20184:04 CH
Cảng Tiên Sa rất đông người, tầu bè di chuyển không đủ, rất khó khăn, địch thỉnh thỏang lại nã vài trái hỏa tiễn gây chết chóc và thương tích cho bà con…
Thứ Bảy, 31 Tháng Ba 20185:10 SA
(HNPĐ) Trong một bài viết về Thi sĩ Phạm Thiên Thư hôm trước. Đồ Ngu tôi có đề cập đến "lớp học" chữ Hán, rồi đến chuyện lớp nghiên cứu về cách chữa bệnh bằng nhân điện do Phạm Thi sĩ