Đứa Con Người Tù

Thứ Tư, 12 Tháng Giêng 20225:13 CH(Xem: 3990)
Đứa Con Người Tù

Tunhan

Con đường nhựa, chạy đến đó, qua khỏi cái chỗ này, nó bị kẹp chặt lại ở cả hai bên, bởi những hàng cây cao su. Hai bên của con đường là bạt ngàn những hàng cây tạo thành rừng; rừng chỉ nơi này mới thấy có. Rừng cây cao su được trồng có lớp lang, hàng hàng lớp lớp thẳng tăm tắp. 

Từ chỗ này trở đi, con đường sẽ đi theo với những uốn lượn hay thẳng tắp, đều như phải theo hết cái uốn lượn hay thẳng tắp của các hàng cây. Vì đây là giang sơn của những đồn điền cao su của  người Pháp, con đường chỉ ghé mình đi qua. Con đường mang cái tên Quốc Lộ Một.

Trời còn tối. Hai người ngồi ở đó ngó mông ra con đường chỉ thấy được phía rừng cao su là một khối màu sẫm đen. Về phía trước, bên kia của con đường là cái đồn lính Tây. Đèn trong đồn thắp sáng, các vọng gác nổi lên trên cái nền đèn sáng đó, nên thấy được.

Hai người ngồi đó, một người đàn ông trung niên râu cằm lưa thưa, tóc pha muối mặc một bộ pyjama sậm màu, dưới chân ông, một cái giỏ đệm ló ra những lóng mía chặt thành khúc.

Đằng kia, người cũng ngồi ngó mông ra đường, khuất sau cái cột, là một đứa bé mặc áo chemise. Áo bỏ trong quần, quần short. Tươm tất. Chân mang sandale da.

Hai người chắc là người lạ, mới có mặt vào lúc này, quá sớm. 

Họ ngồi chỗ đó là đầu gian chợ, chỗ bán cà phê. Chưa ai thèm ra bán cà phê. Đủ biết.

Dần dần, phía ngoài của gian chợ, đã có người. Họ mang những bao hàng ra, chất thành ụ hai bên đường. Sự sinh hoạt nơi đây bây giờ mới bắt đầu.

Một thanh niên vào chỗ bán cà phê có lẻ kiếm một ly cà phê nóng ấm cho đầu ngày. Gặp người trung niên có râu cằm ngồi đó nhận ra người quen anh thanh niên hỏi:


– Chú Tư, đi đâu đây, làm gì mà đi sớm dữ? Bữa nay phải là bữa họ đi mở đường như người ta hay nói không chú?

– Dạ phải.

– Bộ chú Tư có gì cần chở đi chỗ khác để bán hả?

– Nào có bán buôn gì. Thằng con tui nó bị Tây đi ruồng bắt lúc nó đi rừng lén hạ cây làm than. Nghe nói sẽ bị tội và bị xung vào làm lính cho họ. Sợ bị đưa đi mà mình không biết họ đưa đi đâu. Lên đây ngồi chờ. Nếu gặp nó gởi nó mấy khóm mía mà nó trồng luôn thể. Chớ làm sao tụi tui ăn mấy lóng mía này cho vô.

– Thì cũng phải đợi sáng rõ rồi mới đi. Mở đường, thì mở. Mìn nổ cũng cứ nổ. Mấy ông bên mình lúc này làm dữ a!

Tiếng của người thanh niên nghe sang sảng, vì bị điếc, người khác phải nói lớn anh ấy mới nghe. Thành thử anh cũng nói lớn. Mà mấy cái chuyện như vậy mà cứ nói lớn có ngày bị đòn. Nghe nói bị điếc vì Tây nó đánh. 

Cậu bé ngồi một mình đàng kia, cậu biết cái anh thanh niên này. Anh Toàn con ông bà Năm Hường một đồng hương, nghĩa là rất thân, đã có tuổi của Ba cậu. Tánh anh nghễnh ngãng hơi tàng tàng. 

Tránh không cho anh này gặp, cậu càng núp kín hơn sau cây cột của chợ. Núp, là để khỏi bị thấy nhưng có xa xôi gì nên những điều mà sau đó như một người rất rành về phe mấy ổng của mình người thanh niên này ghé miệng vào tai chú Tư. Cố  ý chỉ để chú Tư nghe:

– Chú biết hông hôm qua tới nay tụi nó bắt người của mình về đây nhiều lắm. Cứ nghe tiếng chúng quát tháo rồi là tiếng bịch bịch như đánh vào bị cát rồi lại tiếng rú, rú lên. Ai không biết tụi nó tra khảo người của mình.

Nghe một người như cái anh Toàn này nói về chuyện gì khác cậu bé sẽ không tin anh ấy. Nhưng cái mà anh ấy vừa nói đó chả có gì chứng tỏ anh ấy nói thật cũng đủ làm cậu bé muốn nấc lên tiếng khóc.

Cũng may, là lúc anh Toàn ngoài kia đổi qua đề tài chiến sự.

Những trận đụng độ nảy lửa, Pháp được, Pháp thua. Ở đâu Việt Minh có cơ hội mà không nắm bắt được. Những điều gây được sự tiếc rẻ cho phía của anh Toàn mà cũng là của phe mà cậu bé chọn để theo, tiếc quá, phải chi phe mình đừng bỏ hụt chuyến đó.

Nghe anh Toàn cậu bé quên là mình sắp khóc vì chuyện anh ấy nói lúc trước. Giờ đây nghe anh Toàn kể về các chiến trận sau cái chiến dịch Cao Bắc Lạng mà phe của hai anh em được coi là đẩy được quân Pháp vào thế phải rút. Còn phải đưa tướng De Lattre de Tassigny sang thăm chiến trường, lập kế hoạch, gồm: Lập các đội quân lưu động, chống du kích Việt Minh, xây chiến lũy bê tông quanh Hà Nội Hải Phòng chống sự xâm nhập của Việt Minh, lập một vành đai hay một vùng làm hành lang trắng để ngăn thượng du Bắc Việt với Trung châu, v.v.

Anh Toàn nói nhiều lắm, rồi anh bỗng hỏi, có ai biết tướng De Lattre bây giờ ra sao không. Ông ấy tử trận khi đánh với phe ta trận ở Hòa Bình. Bà con biết ông ta còn để cái gì trước mắt mình không. Còn đó cái kế hoạch mà ông ấy cho lập ra những đội quân lưu động để chống du kích Việt Minh. Vụ mở đường lúc này nè. Nó đó. Tụi tui rành cái này của mấy sừ lũy lắm.

Bỗng bên cổng trại lính chiếc xe nhà binh đầu tiên ghé đậu cạnh cổng làm thủ tục xuất trại. Cậu bé lanh như chớp chạy sang. Nhìn thùng xe trống không. Cậu bé yên chí. Không phải.

Chờ chiếc khác.

Bên này con đường lúc thằng bé vụt chạy qua bên kia anh  Toàn như thấy thằng bé là người quen. Con thầy Ba phải không. Thầy Ba cô Ba cưng nó như gì, vì sao lại để lang thang đây. Lại vào giờ này. Buột mồm anh nói ra thành tiếng:

– Sao nó lại ở đây, giờ này? Nhà nó cách đây hàng năm sáu cây số chứ ít đâu. Toàn đường rừng dù rừng cao su. Thằng nhỏ cỡ nó bảy tám tuổi. Mà đã ở đây giờ này. Nó đi đứng ra sao. Cái thằng nhỏ.

Nghe thế chú Tư góp lời:

– Tôi đến đây đã thấy có cậu ấy ngồi đây, trước tôi.

Bên kia đường, chiếc thứ hai làm thủ tục, chiếc xe phủ bạt kín hai bên hông xe. Phía sau của chiếc xe nằm lọt bên trong cổng không cách gì thấy được. Thấy người trưởng xa bước xuống sắp trình giấy xuất trai, Thằng bé bước tới hỏi: 


– Monsieur, s'il vous-plaît…


– Et alors, le petit garçon, que veux-tu ici?


– Xe ông chở gì đó? Có chở tù không?

– Tù gì. Đi chở thực phẩm gần đây, chuyện mỗi sáng mà. Hỏi làm gì.


– Thôi, xin cám ơn.

Vài ba chiếc xe nhà binh khác qua cổng chú bé như cũng chưa tìm được điều gì chú tìm. Có lẽ là những xe với các công tác thường nhật của trại lính.

Bẵng một lúc, không xe nào ra nữa. Mà xe vào cũng không.

Thấy ngớt xe ra vào cậu bé trở lại chỗ ngồi trong chợ, về lại bên này đường.

Gặp ngay anh Toàn đứng chờ:

– Nam em làm cái gì vậy?

Như không muốn bị anh Toàn này cản trở những gì mình sẽ phải làm cậu đã không trả lời thì chớ. Lại lên giọng nói với người đang đứng trước mặt của cậu. 


– Anh đứng ra chỗ khác. Để em nhìn thấy trước mặt. Bỏ công cả buổi sáng tới giờ hụt hơi, có nước đi tự vận chớ về nói với

Má làm sao.

Nghe giọng thằng bé như giọng những người lớn nói chuyện, e rằng cậu là người hay lén nghe người lớn, những người lớn khác với cái cỡ anh,  anh Toàn cũng phải e dè cậu bé:


– Thì đây, anh bước lùi ra sau cho em. Được chưa. Mà em đi ra đây làm chi mà Má có biết em ra đây hông. Hổng phải em đi hoang như từ nãy giờ anh vẫn lo. Con thầy Ba có khi nào tệ vậy.

– Thôi được, nói cho anh biết em đang làm gì đây. Được thì anh giúp cho.

Nghe câu nói người ta bảo người ta muốn giúp, vả lại cũng biết điều với con thầy Ba: Con thầy Ba có khi nào tệ vậy! Một lời đã biết đến ta. Cái câu mình học lỏm đâu đó trong những quyển sách có các người hùng, những hảo hán mà Ba mình hay đọc. Đã biết đến ta. Sao mình hẹp hòi.Ta bèn cùng người chia sẻ mối bận tâm:


– Má bảo em ra đây chờ. Để biết họ đưa Ba đi đâu còn đi thăm.

– Ba em đi đâu sao phải thăm. 

– Tụi họ đêm qua bắt Ba em. 

Nghe tới đây, tự nhiên anh Toàn đứng phắt dậy quay qua một số người đang hiếu kỳ vì những gì thằng bé con làm cho họ thấy có cái gì đó khác với những ngày thường, với những người đó anh hả hê phân bua:

– Thấy chưa? Tui nói mấy người hổng chịu tin tui. Ổng đâu phải cái người ai muốn nói gì thì nói. Thầy Ba mà theo Tây sao!

Rồi như nhìn vào một người nào anh Toàn biết trước anh gằn giọng:

– Thầy Ba mà theo Tây như mấy người cố tình nói cho ổng. Theo Tây để bị Deuxième Bureau bắt. Bắt lần này tui biết là lần thứ hai. Người theo Tây thì bị, người hổng theo Tây mấy người làm gì?

Quay qua chỗ thằng bé ngồi, anh Toàn lần này, tỏ những cử chỉ và lời nói mà thằng bé nghe như anh đã thoát xác. Anh như là cán bộ của một tổ chức gặp đúng vấn đề đứng ra hô hào quần chúng.

– Nam em nói cho mọi người đây nghe. Đừng sợ lỡ chuyện đón được xe chở Ba đi tù về đâu. Anh đoan chắc chưa phải bây giờ. Mà lỡ em có không kịp, tụi anh lo cho. Nói cho anh và mọi người ở đây biết họ bắt ba em thế nào. Tội gì. Và em làm gì, đi từ lúc nào mà sáng nay ở đây sớm vậy. 

Cậu bé nghe câu hỏi như đụng thấu tâm can một đứa bé biết mình còn bé mà đã chịu nhiều cái mà nếu vào tay một người lớn chưa hẳn người này chịu đựng được như mình. Có hãnh diện, cái hãnh diện mình là người đàn ông của gia đình khi Ba mình vắng nhà. Nhưng một đứa bé khác trong nó. Một đứa bé lúc nào cũng muốn dựa vào vai bố, sà vào lòng mẹ để được nuông chìu, thương yêu, cậu bé trẻ người này sao không tủi thân. 

Càng tủi thân khi có người biết đến cái chịu đựng, cái lo, cái sợ của mình. Có ai biết cho là mình, mình đã sợ thế nào. Trên đường đi, tiếng gọi “Má ơi!” của mình ai hiểu nổi!

Thay vì làm theo lời anh Toàn, cậu bé bây giờ là một đứa bé đáng thương. Nó xìu người xuống, bật lên tiếng nấc nghẹn ngào, đoạn òa lên khóc.

Nhiều người khi thấy có đám đông tụ tập quanh em bé cũng hiếu kỳ ghé vào đám đông, thấy cậu bé dễ thương ăn mặc tươm tất, khóc ngất khi bảo kể lại chuyện ba mình bị Tây bắt, và chuyện em đi qua rừng sáng nay, thì ai không mủi lòng.

Một thanh niên nãy giờ đứng cạnh anh Toàn giờ mới lên tiếng:

– Bà con cô bác, anh em tụi tui biết Thầy Ba. Thầy Ba mà con thầy mình thấy đó, tám tuổi, tới tám chưa nữa, chưa, không chừng. Vậy mà vì cái gì. Lặn lội qua rừng trong bóng đêm đầy những quỷ ma, người lớn còn sợ nữa là em.

Trong lúc người thanh niên đang nói cậu bé như muốn nhớ ra người này có quen gì với Ba mình không. Sao lại có thể hiểu mình đến thế. Như là họ có làm cái việc này rồi. Nên không xa lạ. Cho đến khi anh này nhấn mạnh. “Thầy Ba không hề là người theo Tây. Trái lại là đằng khác”. Vậy mà cũng có người cứ muốn ai cũng tin như họ. Để làm gì. Chỉ để họ độc quyền yêu nước.

“Những người như Thầy Ba anh em tôi biết”. Câu này nghe quen. Nhất là lại hay nghe được ở nhà bác Năm Hường. Mỗi khi đến đó Ba tôi như được về nhà. 

Cậu bé chợt nhớ lúc này cách ăn nói của anh Toàn có khác. Trước đây cái nghễnh ngãng của anh luôn được chấm câu bằng cái cười hề hề, có lúc thấy hiền từ, có lúc vô duyên tệ. Có đâu chắc nịch. Rõ ràng tỏ ra giận dữ những ai coi thường sự đóng góp của Ba tôi, Thầy Ba mà họ biết. Có họ với Ba tôi chăng!

Vừa lúc đó ngoài con đường nhựa nối liền những trung tâm thương mại, những chỗ thông thương hàng đoàn xe dân sự ở về cả hai phía của cái nơi mà cậu bé con thầy Ba vừa là cái trung tâm điểm. Nó không còn được ai nhớ tới. Người ta phải làm tiếp cái việc mở đường. Hàng đoàn xe dân sự được các cánh quân lưu động mở đầu bằng các xe bọc thép hộ tống để khỏi phải rơi vào ổ phục kích của những người Việt chống người Pháp, mà người Pháp vô tình gộp chung họ thành chỉ một Việt Minh, để gởi cái tín hiệu mở đường thành công khi xe cộ từ hai phía đến được cái nơi có người chờ.

Lúc đó là lúc người cẩn thận như các ông Deuxième Bureau mới khởi hành. Là lúc cậu con thầy Ba mới có dịp nhìn xem họ hướng xe họ về đâu để đưa Mẹ, các em đến thăm Ba mình sau này.

Cái này các anh như anh Toàn dựa vào đâu để biết. Cậu bé con thầy Ba muốn tìm hiểu.

– Đừng sợ lỡ chuyện đón được xe chở Ba đi tù về. Anh dám chắc chưa phải bây giờ. Mà lỡ em không kịp, tụi anh lo cho.

Khi chiếc xe Hitchcock, một thứ xe của Đức, như Dodge Quatre của Mỹ mà lính Pháp dùng trong trận chiến Đông Dương, nó bò ra đậu lại gần cổng trại lính. Chiếc xe ít người thấy. Nhưng cũng chỉ là một thứ Dodge Quatre, đa dụng trong quân đội. Chở người, chở vật dụng.

Cái xe này dường như chỉ chở những người tù có chút gì đặc biệt. Bạt che kín, đậu mãi trong xa, chưa ra đến cổng. Đã ngừng để một người trên xe bước xuống đi đến cổng với mớ giấy tờ trên tay.

Là lúc anh Toàn và cái anh đứng kế anh khẽ nháy mắt với cậu bé. Biết đến lúc tìm gặp Ba mình nhưng làm sao vào được bên trong? Cậu bé chỉ còn nước chờ bên ngoài mong nhìn thấy có Ba mình trên xe. 

Thấy người với mớ giấy tờ trở ra lên xe, cậu bé chuẩn bị chạy theo xe một lúc họa may còn thấy. Nhưng đón lối nào. Không thể nào cả hai lối như nhau được. Đành đoán chúng sẽ đưa Ba mình về Suối Tre, Deuxième Bureau Suối Tre như lần trước. Nếu đúng, thì có lợi thế thời giờ đủ để chạy theo.

Chiếc xe từ trái ra, quẹo phải về hướng Xuân Lộc, nghĩa là về hướng Suối Tre. Không chờ xe vượt qua cậu mới chạy. Cậu bé đã lấy trớn để chạy theo kịp lúc xe vừa qua cậu. Chạy và nhìn trong xe. Cậu thấy một người ngồi bất động trong lớp áo dân sự. Chỉ một người đó. Những người khác mặc đồ lính, có súng.

Là Ba mình sao? Đâu lại to, lại đen như tượng đồng. Cậu la to:

– Ba ơi! Ba ơi!

Nếu là Ba, chắc chắn khi nghe mình gọi, còn sống thế nào Ba cũng trả lời mình. Nghĩ thế cậu lấy hết sức la to hết mức:

– Ba ơi! Ba ơi…

Ông vẫn bất động. Như một tượng đồng đen, bất động. Nếu là người thì có lẽ da của ông như nhuộm đồng. 

Bức tượng đồng lại mặc chiếc áo len của bố em mặc lúc ông bị trói dẫn ra khỏi nhà. Chiếc áo quen thuộc của Ba mình trên người một người như đồng đen, chiếc áo bị đánh rách bung hẳn ở một bên. Cái áo len quen thuộc lắm với cậu bé giờ vắt vẻo trên vai ở bên phía mặt một người sống, chết… hay bức tượng.

Hai người lính với súng ngồi sau cùng, mỗi người trên một băng ghế dọc tựa vào hai cái thành xe, tận hai bên hông, nối đầu xe với cái bửng xe. Ngồi cạnh hai đầu của cái bửng xe, họ thôi ngó thẳng vào nhau, mà quay nghiêng ngó thằng bé chạy theo xe. Cả hai, cũng ngồi yên. Chỉ chiếc xe càng lúc càng chạy nhanh.

– Ba ơi! Ba ơiiiiii…

Tiếng thằng bé gọi, vọng vào rừng cao su… "Ba… Ba …ơiiiii!"

 Lý Khánh Hồng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn