Những vùng đất và ngày tháng rời

Thứ Bảy, 03 Tháng Ba 20181:01 SA(Xem: 5726)
Những vùng đất và ngày tháng rời
dongsongcu.wordpress.com

Cây số 17 tối 29-4-68: Bốn giờ chiều đường dây từ Huế gọi ra: trở về gấp. Anh Hạnh kêu chiếc xe đổ thêm xăng, coi lại máy rồi tiễn tôi ra khỏi La Vang. Người tài xế nói với tôi: anh giữ chắc súng nghe, tôi phóng đó, hồi này cũng khá rồi. Quốc lộ mở rộng, những ngọn đồi cỏ thấp phía tây, xa những ngọn núi giấu đỉnh trong mây. Mé biển những lượn đất cát trắng khô khan, thỉnh thoảng mấy ngọn dương xơ xác… Cây số 27, Lê Hằng Minh của Trâu Điên đã chết, cột cây số bị bắn nát. Tới Huế trời đã hơi tối. Người bạn trong bộ tư lệnh nói: xe chở anh ra cây số 17, họ đợi anh ngoài đó, có lẽ sớm mai, phải ra đó ngay… Không kịp làm gì ngoài việc đổi xe trở lại cây số 17, người tài xế già lo ngại khi cho xe quay lại thị trấn, tôi trấn an: chết có số.

Khung cảnh trơ trụi, một bồn nước cao giữa những ngọn cây khô, hàng kẽm gai dày cỏ bị đốt cháy nhem nhuốc. Người tôi trở thành một chiếc xe vận tải: máy móc, mũ sắt, áo giáp, chiếc áo khoác trở thành chiếc va ly với đầy đủ những vật dụng, từ viên thuốc đau bụng tới que tăm, bàn chải và thuốc đánh răng. Gặp Khải, gặp Đính… Bính nói: ngủ hầm hay ngủ trên, pháo kích ghê lắm. Bính chỉ ra những bức tường đổ, những hầm hố chung quanh. Tôi nói: ngủ ở trên, pháo kích chạy. Yên chí có chỗ nằm, liên lạc để sớm mai nhảy xong mình đi ra ngoài, vòng qua những hậu cứ, ra quán bên quốc lộ kêu một chai bia. Mấy người lính mua theo những thứ cần thiết. Không thể thiếu đế, trong đó mưa và lạnh lắm. Buổi chiều bỗng nhiên có lúc sáng rực với nắng quái, con đường bụi và mấy chiếc xe chạy hết tốc lực thi đua với thời gian… chợt nhớ nhà… Anh Đính nằm trên chiếc võng treo vào hai thân cây ổi nhỏ, chiếc máy truyền tin ở bên, anh hút từng hơi thuốc ngắn kể lại cho tôi nghe ngày dẫn tiểu đoàn vào Ngọ Môn… anh nói: mai vào trong chắc đụng lớn. Anh cười.Khoảng nửa đêm trời đổ mưa, tôi thức dậy nghe tiếng động của im lặng. Người lính đều đã ngủ và những chiếc ba lô đã gọn gàng. Trong rừng núi thâm u của Trường Sơn kia những ai đang thức? …

Tà Bạc 30-5-1968. Năm giờ sáng tiếng còi réo tập họp. Tôi nhớ tới những sớm tinh mơ trong quân trường ngày nào. Dế kêu, cả lũ thức dậy nhanh nhẹn thu xếp, tập họp… Đã hai năm. Những người lính trở dậy, đeo ba lô lên vai thầm thì trở ra bãi đáp, chỉ có những tiếng ho, những tiếng nói nhỏ, tiếng bùn lép nhép dưới đế giầy, những đốm lửa trên đầu điếu thuốc lập lòe trong đêm tối. Từng người nối đuôi nhau, những chiếc mũ sắt, áo mưa phủ kín, đoàn người như một dòng những khối bóng tối di động. Quân đưa cho tôi chiếc lon nhỏ với chút cà phê bột nóng bỏng: như vậy là hiếm lắm đó, vào trong đó còn nhỏ rãi ra nữa… Con đường nhỏ đầy những vũng nước của trận mưa đêm qua. Băng qua những thửa ruộng còn chân rạ chúng tôi tới bãi đáp là một triền đồi thấp có cỏ. Quân nói: mình nhảy Tà Bạc, Lương, Bình ở trong đó từ chiều hôm qua, chuyến này đi e lâu mới về. Từng đơn vị nhỏ tập họp nơi hai bên sườn đồi cách xa nhau. Người đứng ngồi lóng ngóng, những bóng người di động không rõ nét, những người đứng xa nhau hai thước không rõ mặt. Từng nhóm người tụ lại, từng cơn gió lạnh buốt ẩm nước. 9 giờ một đoàn trực thăng xuất hiện và thấp dần đổ xuống ở ngọn đồi. Đếm được 30 cái. Từng tiểu đội nhanh nhẹn lên trực thăng. Thời gian chờ đợi kéo dài. Mây vẫn chưa tan trên những đỉnh núi phải vượt qua trước khi vào thung lũng. Những chiếc trực thăng nằm im với những cánh quạt rũ như những con chuồn chuồn gặp nước. Khi đợt nắng đầu tiên chiếu xuống những lá cỏ long lanh nước thì những chiếc cánh quạt bắt đầu quay nhanh. Trong giây phút cả đoàn trực thăng nhấc mình lên khỏi mặt đất, tôi bám chặt tay vào chiếc dây nơi ghế ngồi. Chúng tôi lên cao, lên cao mãi. Những ngọn đồi thấp, những ngọn núi không cây, màu cỏ thay đổi từng vùng. Gió lạnh thốc trong lòng máy bay. Trực thăng lên cao mãi, có những khoảng mây đục thấp, đoàn trực thăng nối đuôi nhau theo những khoảng trời xanh, len giữa những đám mây, len giữa những ngọn núi đồi trùng điệp… Cho tới khi máy bay bắt đầu xuống thấp, tôi nhận thấy phía trước mặt một thung lũng, hai chiếc trực thăng võ trang đang nhả đạn, đường bay nhanh và những chao lượn ngoạn mục. Thung lũng có một chiều ngang khá rộng, kéo dài về phía Nam , mấy ngọn đồi thấp trơ vơ mấy ngọn cây khô. Mầu đất phơi đỏ ở dưới, từng hố bom sâu có hình thù của những chiếc lá sen già đã tàn, những chiếc lá sen khổng lồ, đó là dấu tích của những trận mưa bom hồi đầu mùa xuân trước khi những trận mưa lớn đổ xuống… Từng chiếc đáp xuống nhanh nhẹn, từng người lính nhảy vội tóe sang hai bên, trực thăng bốc lên nhanh…

Tà Bạc, trung tâm của Ashau, phía Bắc là A Lưới giáp ranh với Quảng Trị, phía cực nam là Ashau thông vào Quảng Nam có con đường vào vùng công trường 6, tức Khe Tre. Từ Tà Bạc có con đường 547 qua Ba Hi Vũng Chậu để tới Huế, con đường mòn ấy trong những năm yên bình cũ đã đưa nhiều người vào trong Tà Bạc trong ý định thiết lập một vùng định cư mới, nhưng nay đã không có dấu vết gì về những cố gắng của một thời. Trên con đường 547 hiện có một đơn vị Mũ Đỏ hành quân. Trời bắt đầu đổ mưa nhỏ hạt, số quân còn lại không thể đổ tiếp. Anh Đính cố gắng bắt liên lạc với một tiểu đoàn ở hướng Nam . Chúng tôi rẽ cỏ làm đường, những ngọn cỏ lau sắc như dao cao hơn đầu người. Một người lính đi trước đập tay lên cổ vuốt xuống một con vắt nhỏ như sợi chỉ, màu xanh, nhảy tanh tách từ những lá cỏ bám vào cổ, vào tay, những người lính vội tụt tay áo, kéo cao cổ áo… Những thân cỏ lau ngã xuống, những bước chân đạp lên tạo thành một con đường mới, con đường đưa chúng tôi lên ngọn đồi lớn nhất nằm trong thung lũng. Lên tới lưng chừng đồi thì tôi gặp anh Lương đang đứng bên một chiếc hầm đang được đào dở. Từ Mậu Thân bây giờ chúng tôi mới gặp lại nhau. Trực thăng đang thả trọng pháo xuống, những người lính pháo binh vội vã thiết trí và ngay sau đó đã hướng về phía Nam , hướng lên những ngọn núi phía Tây nhả đạn. Anh Lương liên lạc với Mẫn ở một ngọn đồi phía Nam báo tin tôi đã xuống. Niệm đang dẫn đại đôi vào những sườn núi thăm dò. Ngọn đồi đang bị tràn ngập những người lính. Những ngọn cỏ cao đang được đạp nằm xuống, thật nhanh chóng những chiếc hầm đã hoàn thành và những ngọn khói xanh đã un lên: những người lính nhặt củi đốt lửa nấu cơm trong khi chờ đợi… Cho tới giữa trưa, tất cả đơn vị của Trung đoàn 3 đã xuống hết thung lũng. Tiếng trọng pháo nổ đều đều…

Ăn một miếng cơm đựng trong chiếc hộp sắt. Người Thượng sĩ già cầm chiếc bi đông đưa về phía tôi, miệng hơi mỉm cười: uống miếng nước anh. Tôi nói cám ơn và cầm lấy bi đông đưa lên uống. Tôi suýt bị sặc vì ngụm rượu đầy, tôi mỉm cười không nói, rượu đế có mùi vỏ quýt thơm nồng. Đây đó những người lính chụm lại với nhau ăn cho qua bữa, có người mở ra những thức ăn mang sẵn, có người nướng cá khô, có người bẻ lấy mấy tàu bắp cải bỏ ra ăn sống. Theo chân những đơn vị bộ binh bao giờ tôi cũng thấy hiện ra những gian khổ. Những gian khổ không phải chỉ trong những bữa ăn, nó hiện ra nơi những bộ quần áo sứt chỉ, đôi giày vẹt đế, dáng vẻ nhẫn nhục, họ thường có mặt trong những vùng đất có giới hạn, họ bám giữ lấy đất trong những điều kiện khó khăn và phương tiện tiếp trợ ít oi, khác hẳn với những người lính ở đơn vị tổng trừ bị… Họ đi hành quân mang theo gạo, rau, nước mắm, tàu vị yểu… họ không thích hợp với đồ hộp. Họ cần gạo hơn là bánh khô…

Tới quá trưa tôi theo một tiểu đội đi về những sườn núi phía Tây, Niệm báo về khám phá được những hầm của địch. Con đường mòn nhỏ có nhiều hố bom, chúng tôi thấy những ổ súng phòng không của địch bỏ lại, chúng tôi gặp những mảnh vỡ của xe vận tải bị phá. Lách qua những quãng đường mòn, qua những lùm cây, chúng tôi lọt vào trong một khu rừng rậm, không có chút ánh sáng nào, chừng như lá ở trên đầu chúng tôi có nhiều lớp khác nhau, thỉnh thoảng một vùng ánh sáng hiện ra, nơi đó là những hố bom đào sâu dưới đất và những ngọn cây phía trên đã bị đốt cháy. Qua một con suối nhỏ chúng tôi tới một sườn núi, ở đây có những ngọn cây cao và gốc lớn, dưới đất không có cỏ, chỉ có lá khô nhiều lớp và những khoản đất nhẵn, đây là nơi cộng quân đào nhiều hầm kiên cố bám vào sườn núi. Những căn hầm ngang cỡ nhau bỏ trống, mỗi chiều khoảng ba thước, ở dưới làm một lớp sàn bằng cây nhỏ cách đất khoảng ba mươi phân, trên hầm can những thân cây từng lớp xen với những lớp đất dày đến ba thước và trên cùng lợp cỏ tranh. Không thấy có hầm nào trúng bom. Chúng tôi dừng lại lâu ở một cái hầm lớn mà chúng tôi cho là của một người chỉ huy, phía trên, nơi gần miệng hầm là một khoảng đất bằng phẳng, có một cái bàn nhỏ, hoàn toàn được làm bằng những cành cây nhỏ, bốn chân đóng xuống đất, trên là những cành cây được cột lại với nhau bằng mây, những băng ghế dài bao quanh và tản mát cũng được làm như thế. Quân nói: chỗ này mà ngồi đánh cờ thì tuyệt. Sau đó Quân rủ tôi đi sâu vào trong, vừa đi Quân vừa ngước nhìn lên những ngọn cây, Quân nói: tôi mới phát giác ra, ở trong này có lan… Khi tới một ngọn cây cao, Quân ngừng lại và bỏ giày trèo lên, Quân mang xuống một cụm lan lớn, một chùm lan trắng muốt rũ dài, Quân nâng niu hài lòng. Trở lại chỗ đóng quân, Quân treo cụm lan nơi đầu lều vải.

Buổi chiều xuống thật nhanh, mây đục xuống vây kín thung lũng như cái vung, những ngọn núi chung quanh khuất kín ngọn trong mây mù. Cơn mưa lớn đổ xuống khi trời bắt đầu tối, nước đổ như thác, lều chúng tôi ở sườn đồi, nước đục ngàu từ trên chảy ào ào. chúng tôi cuốn mình trong những áo mưa ngồi tựa lưng vào nhau, nước ngập vào những chiếc hầm, chảy dưới lớp cỏ còn tươi. Chúng tôi tằn tiện với những mẩu thuốc được đốt lên. Mưa đổ xuống khoảng hơn một giờ thì tạnh, Quân cố gắng gây chút lửa đun nước trong chiếc ống bơ, chiếc bếp bằng đèn cầy là một sáng kiến lạ mắt đối với tôi. Nước sôi, Quân mở những gói cà phê bột thả vào chiếc lon. Tôi hỏi: kiếm đâu ra vậy. Quân cười hắc hắc: bọn nó mới xuống dưới kia kiếm được một mớ, đồ thả dù từ hồi trước bị mắc trên cây. Trong mưa lạnh chúng tôi chuyền nhau lon cà phê chua và chát xen vào những gói thuốc… Mưa kéo dài suốt đêm, chúng tôi ngồi bó gối dựa lưng vào nhau.

Tà Bạc ngày 2-5-68. Những cánh quân đi sâu xuống phía Nam, những đụng độ nhỏ, nhiều hầm vũ khí…

Tà Bạc đêm 4-5-68. Những ngày ngắn và những đêm mưa dài, mặt trận vẫn yên tĩnh. Quân có thêm mấy cụm lan. Mình nhớ nhà. Không có hy vọng một trận lớn. Trong lúc sửa soạn đi ngủ, Quân kêu lên: xong rồi. Tôi ngạc nhiên, Quân vẫn ôm lấy chiếc máy thu thanh nhỏ úp lên tai, chiếc máy gần hết pin nghe nhỏ. Lúc sau Quân hơi phác một nụ cười: xong rồi, tin cho biết Mỹ và Bắc Việt hẹn gặp nhau ở Ba Lê vào ngày 10-5. Xong rồi, xong rồi… Một anh lính ngồi bên: liệu có hòa bình không?

Tôi thấy phải trở về gấp.

duongnghiemmaudiquacautruongtienmauthanhue1968

Dương Nghiễm Mậu

Huế 5-5-68. Trực thăng đã đưa tôi trở lại cây số 17. Bùi ngùi chia tay những người bạn. Huế kinh hoàng những cuộc pháo kích. Đêm qua nhiều hỏa tiễn 120 rơi xuống Mang Cá, khu An Hòa… Tin tức dồn dập từ Sàigòn. Lưu Kim Cương đã chết. Tướng Loan bị thương nặng. Đàm Quang Quý chết. Các chuyến bay bị hủy. Làm sao về. Ở Sàigòn giới nghiêm 7 giờ tối.

Huế 7-5-68. Sáng vào sư đoàn gặp tướng Trưởng. Một người có nét mặt khắc khổ, rất thận trọng. Ông hỏi tình hình. Tôi nói: lính cần gạo, ăn đồ hộp Mỹ lính đi kiết chịu không được. Ông là người ở trên trời gần hết thời gian của một ngày. Chỗ nào ông cũng có mặt. Một người lính kể: tôi lái xe ra Quảng Trị, lúc bấy giờ quốc lộ còn nhiều mìn, xe đang chạy tôi bỗng nghe nổ lớn phía sau xe, ngừng xe lại coi tôi biết một trái mìn đã nổ sau khi xe tôi vượt qua. Sao lại có sự may mắn đó. Tôi nghĩ mãi mới nhớ, buổi sáng trước khi lên đường chúng tôi đã thấy tướng Trưởng cười. Câu chuyện này tôi đã nghe nói tới nhiều lần, thực giả không rõ nhưng có điều chừng như biểu lộ một cá tính của tướng Trưởng qua cái nhìn của người lính. Tướng Trưởng không vắng mặt trong mọi trận đánh, buổi sáng vừa thức dậy tôi đã thấy ông ở La Vang. Buổi trưa sau cuộc hành quân khai diễn được ba tiếng ông đáp xuống ngay bộ chỉ huy nhẹ ở Gia Đẳng, Trung đoàn 3 xuống Tà Bạc không đầy ba tiếng ông đã đứng trên đồi cao… ông xuất thân từ nhảy dù, con rể một nhà văn tiền chiến: Thạch Lam… 17 giờ, chuyến trực thăng độc nhất có được ở Huế đưa tôi vào Đà Nẵng.

Sàigòn ngày 8-5-68. Chuyến bay quân sự hiếm hoi đưa tôi trở lại Sài Gòn. Đà Nẵng trong đêm bị pháo kích. Máy bay trở lại lượn trên Sàigòn với những vòng lửa và khói ở gần sân bay. Đợt tổng tấn công mới đã khởi đầu…

Sàigòn ngày 11-6-68. 6 giờ sáng hàng loạt hỏa tiễn rơi xuống Sàigòn. Nhiều nhà cửa bị sập ở khu Gia Long. Nhiều người chết… Mai đi Cà Mâu… Chuyến đi không mấy yên tâm…

Cà Mâu 12-6-58. Chiếc phi cơ nhỏ đáp xuống một sân bay hẹp nằm giữa đồng lúa xanh. Con đường nhỏ vào thị trấn, những dấu tích tàn phá trong Tết vẫn còn nguyên vẹn. Không nơi nào thiếu vắng những dấu tích của cuộc chiến… Con đường ven sông, tôm khô phơi đầy một màu đỏ óng. Miền Nam của cá và tôm… Gặp Nhân hẹn mai đi Hòa Thành.

Cà Mâu 1306-68. Nhân dẫn đi ăn sáng, hẹn chiều về ăn canh chua lươn của bà Sáu Mập. Ai tới Cà Mâu phải biết tới điều đó. Xuống thuyền đi Hòa Thành. Dòng sông nước đục. Chiếc ghe máy chạy nhanh. Một người đứng bên bờ sông tay trái vẫy. Thằng nhỏ hỏi: ghé được không thầy hai. Nhân nói được, nhưng mé bên này thì không. Tôi hỏi sao vậy. Nhân nói: bên này mấy bố du kích ra hoài. Gần trưa chúng tôi tới Hòa Thành. Một ấp lớn…

Suốt từ ngoài đầu ấp suốt dọc con đường tôi không nhìn thấy một điều nào cho thấy rằng ở đây – trên một khoảnh đất nhỏ của quê hương – có chiến tranh, nhưng sự thật cũng không lâu những anh em du kích vẫn lẻn về phá rối đời sống dân chúng. Nhưng không vì thế mà họ khiến cho dân chúng không sống được. Dân chúng vẫn cầm súng và cầm cày. Mãi cho tới khi tới cuối ấp Tân Phong tôi mới nhận thấy những hàng rào kẽm gai và những chướng ngại vật chung quanh ngôi giáo đường, lúc bấy giờ những học sinh của ấp đang tập hát theo với mấy cô giáo, gác chuông làm bằng cây, phía trên lợp tôn mới trông như một vọng gác, trên đó cũng gắn những máy phóng thanh… Tôi đặc biệt chú ý tới vòng đất bao quanh một khẩu súng, mới nhìn tôi nghĩ là súng cối 82 ly, nhưng nhìn lại tôi thấy nó hết sức đơn sơ. Chừng như đoán được ý tôi, Nhân bước vào trong vòng đất, nhắc cái nắp đậy miệng súng ra nói:

– Đây là một khẩu súng cối nội hóa.

– Người mình làm lấy được?

– Của một ông thợ rèn, súng mình làm nhưng bắn bằng đạn Mỹ.

– Bắn được?

– Sao lại không, bắn nhiều rồi là khác…

Tôi cũng bước vào trong, tôi nhận thấy ống sắt được ráp lại bằng nhiều đoạn ngắn, vết hàn còn hằn rõ, súng không có máy nhắm, nhưng cũng có trục quay sang ngang, và lên cao xuống thấp được, bàn là một miếng sắt rộng mỗi chiều khoảng 20 phân, nòng súng được chống xuống đấy bằng ba cẳng sắt, bên cạnh đó còn có một cái bùi nhùi dùng thông nòng súng, lúc mở miệng ra xem tôi thấy nòng súng đã rỉ sét, tôi nói:

– Lâu nay không bắn nữa sao?

Một anh dân vệ đứng bên nói:

– Lâu rồi không dùng đến, nhất nữa người bắn chuyên môn hôm nay cũng không còn ở trong ấp…

– Thế còn ông thợ rèn?

– Ông ấy chết lâu rồi…

– Không có máy nhắm thế này rồi làm sao?

Nhân cười, những người đứng chung quanh tôi lúc đó cũng cười:

– Không có máy nhắm, vô phúc bắn nó nổ ngay khi ra khỏi nòng thì làm sao? hoặc tới chỗ không phải là mục tiêu… Nguy hiểm quá.

– Có người đã bắn rồi, bắn nhiều rồi, bắn theo kinh nghiệm, vậy mà hay lắm đó. Nếu không bắn được thì để đây làm gì… Ở đây có hai khẩu chứ không phải một.

Tôi theo người dân vệ đi ra đằng sau, ở đó cũng có một khẩu như vậy nữa.

– Vậy cái người làm cũng tài lắm đâu phải vừa gì, vậy ông ta còn làm được những khẩu nào khác không?

– Nghe nói có một khẩu để đâu đó trên quận, và ông ta còn làm thử một khẩu 105 ly nữa nhưng khi bắn thử thì đạn nổ trong nòng, chính lần thử này khiến ông ta thiệt mạng.

– Vậy ông ta là người thế nào?

– Bọn tôi ở đây không ai biết rõ về ông hết, những người già thì biết, ông ta chết đã lâu chỉ nghe nói lại. Sau này chỉ có một người bắn được hai khẩu này, rồi về sau chưa ai dám thử bắn hết, nhưng cũng không có dịp để dùng đến nữa… Bọn tôi định hôm nào lau chùi rồi bắn thử xem sao…

Tôi nghĩ tới một người thợ rèn vô danh, một người nào đó có lẽ chúng ta đã gặp, người ấy đã cặm cụi với những khẩu súng bằng chính những sáng kiến của mình… Rồi một hôm chết đi mang theo những điều mình đã có, không để lại dấu vết nào… Tôi nghĩ khẩu súng trong cánh đồng lầy này tự nó biểu trưng cho một sắc thái, tự nó nói lên một sức sống và niềm bí ẩn nào đó. Sức sống và niềm bí ẩn vẫn thường có mặt trong khắp xứ sở này…

Đức Hòa 28-6-1968. Vị sĩ quan giới thiệu qua về trái hỏa tiễn 120 ly vừa bắt được. Nó được đưa từ vùng mật khu Ba Thu tới đây để bắn vào Sàigòn, đây là những trái hỏa tiễn đầu tiên tịch thu được. Tôi nghĩ tới hành trình của nó từ Liên Sô…

Nha Trang 6-7-1968. Chuyến bay đi Pleiku ngừng lại ở đây. Biển xanh ơi, nhớ năm học cũ. Những người bạn thân thiết. Đi lại những con đường xưa…

Pleiku 13-8-1968. Chuyến bay đưa tôi tới Cao Nguyên lần thứ nhất. Đường lầy bùn, những cơn mưa lạnh. Thị trấn dơ bẩn với sinh hoạt thời chiến. Tôi nhớ tới ông tướng đã thành lập nơi giải trí cho lính: Trung tâm khang lạc, một thứ nhà điếm công khai dành cho lính. Bây giờ nó không còn, nhưng bây giờ nó có hình thức mới: con đường Hoàng Diệu và lính Mỹ. Những con lốc lầy bùn đỏ, lính Mỹ với súng đeo vai xuất hiện từ 11 giờ tới 4 giờ chiều…

Tuấn cho một chiếc áo khoác. Hoàng cho chiếc áo giáp còn mới. Tôi nói đùa: mong cho mau không phải dùng tới những thứ này. Những ly đế trong buổi chiều nơi quán nhậu. Tuấn cười khật khưỡng. Thuyên bình lặng. Hoàng huyên thuyên. Chúng tôi nói tới ngày hòa bình. Chợt tôi nói: ngày hòa bình nào.

Pleiku 14-8-1968. Buổi sáng sớm Nho đến, xe đợi ngoài đường, chúng tôi dời thị trấn lên quốc lộ 14, nơi buổi chiều vừa qua có cuộc giao tranh.

Nho móc trong túi ra cho tôi coi chiếc huy chương, trên một miếng đồng tròn có khắc hai chữ Cách Mạng, đó là một trong những chiếc gắn trên những xác chết nơi quốc lộ 14 nối liền Pleiku với Kontum. Nho kể lại trận đánh vào buổi chiều Chủ Nhật cho tôi nghe, khi một đoàn xe tiếp tế dời Pleiku đi Kontum khi tới gần ngả ba Dakdoa, cách Pleiku 13 cây số thì bộ đội Cộng sản từ hai bên tấn công, trước nhất là những trái đạn 75, 60 rồi từng đoàn người dời khỏi sườn núi và rừng cây xông ra. Ngay khi nghe thấy tiếng súng nổ, đơn vị thiết vận xa bảo vệ quốc lộ từ hai đầu kéo xuống vừa đủ thuận lợi để chống những bộ đội cảm tử từ trong bìa rừng vượt ra tới khoảng đấy trống cách đường nhựa khoảng một trăm thước, cuộc giao tranh diễn ra không đầy nửa tiếng, đoàn xe và những thiết vận xa hoàn toàn vô sự, địch bỏ lại trên 30 xác chết. Trong những xác chết đó có kẻ ra đã được gắn huy chương cách mạng. Bầu trời buổi sáng ngày thứ Hai có một lúc không mưa, trời quang, dù vậy vẫn còn nguyên bầu không khí rét mướt của rừng. Tôi lên xe theo Nho tới thăm nơi xẩy ra cuộc chiến ngày hôm trước. Trên đường chúng tôi ghé thăm căn cứ của đoàn thiết vận xa có nhiệm vụ bảo vệ quốc lộ. Thiếu tá D. cho chúng tôi thấy những vũ khí đã tịch thu được vào buổi chiều hôm trước. Trên một khẩu B40 máu còn đọng lại trên thân gỗ… Thiếu tá D. cho tôi biết tinh thần của những bộ đội miền Bắc, nhiều cuộc tấn công đã diễn ra trên quốc lộ 14 khiến con đường này có lúc rất nguy hiểm, ở xa tới người ta e ngại khi phải vượt qua, nhất là khoảng ngả ba Dakdoa, cũng như khoảng đường 19 gần nơi Suối Đôi, hai địa điểm này dù ở trên hai quốc lộ khác nhau nhưng chung một khoảng rừng mà trong nhiều năm Cộng quân vẫn trú ẩn. Cộng quân khống chế một thời gian dài trên quốc lộ 14 nhưng nay thì điều đó đã không còn nữa. Quốc lộ đã được mở rộng và trải nhựa như một xa lộ dù công tác chưa hoàn thành hết. Thiếu tá D. nói với tôi: bộ đội miền Bắc tấn công trên quốc lộ mục tiêu chính được nhắm tới là cướp lương thực, điều ấy đã được kiểm chứng bởi những cuộc tấn công nhắm vào các đoàn xe tiếp tế. Vị chỉ huy thiết vận xa có một vẻ cởi mở và đầy tin tưởng, ông còn cho tôi được thấy một sáng kiến của anh em thiết vận xa chống lại B40, một võ khí lợi hại đối với xe bọc sắt.

Quốc lộ 14 mở ra trước mặt, những con dốc dựng đứng, lớp bùn đỏ dày trên mặt nhựa khiến cho những bánh xe gần như vượt ra ngoài ý muốn của người cầm lái, đoàn xe nối đuôi nhau nhẹ nhàng, chậm chạp di chuyển.

Bây giờ thì chúng tôi đang ở trên một con đường hai bên không một bóng nhà: khoảng đất trống những cây thấp, rồi rừng cây rậm kéo mãi cho tới chân núi phía xa, trong đó những con mắt thù hận chờ đợi. Quốc lộ thực sự chưa được hoàn tất, nhựa chỉ mới được trải một nửa trên đường, bên kia còn lại đất và đá. Những đường vòng nguy hiểm, những chiếc xe nhà binh Mỹ phóng hết tốc lực… Một xác chết, hai, ba, bốn… những xác chết nằm ngay nơi mép đường nhựa. Chúng tôi ngừng lại giữa đường, những xác chết nằm rải rác cô quạnh, một vài chiếc xe ngang qua chạy chậm lại, có những chiếc máy ảnh được đưa ra, bên những xác đã trương, mặt tái nhợt, quần áo rách tôi thấy rải rác những vỏ đạn. Chiều hôm qua cuộc giao tranh đã diễn ra ở đó. Bây giờ thì còn lại những xác chết, những vỏ đạn, những vết bánh sắt chằng chịt trong khoảng đất trống… Với một địa thế thật trống trải, với khoảng cách khá xa từ lề đường tới ven bìa rừng, tôi thấy quả những người Cộng sản đã liều lĩnh để vượt ra phơi mình trên khoảng cách đó… Ngã ba Dakdoa, anh bạn nói có thể đi thẳng Kontum. Nhưng chúng tôi đã không tiếp tục đi, chúng tôi quay trở lại. Bây giờ tôi mới nhận thấy trong bìa rừng cách từng khoảng xa những thiết vận xa đã bố trí ở đó… Tôi hiểu vì sao những mưu toan cướp lương thực đã không thực hiện được.

Cơn mưa nặng hạt lại đổ xuống cùng với gió lộng, vào tới ranh thị trấn chúng tôi ngừng. Anh bạn chỉ cho thấy bên kia đường, mé tay trái, những người đàn bà và trẻ con co ro trong những chiếc áo mưa đứng hoặc ngồi lóng ngóng. Có người tay không, có người xách theo những chiếc giỏ. Người bạn nói: những người chờ đứng bán những lon bia, bán thân và chờ rửa xe cho Mỹ… Vào những buổi sớm nhiều chuyến xe phải ngừng lại đó chờ mở đường, những anh lính Mỹ phải chờ đợi và đó là thời gian làm ăn cho nhiều người. Tôi biết có một người trở thành giàu rất mau, anh ta không ở Pleiku mà ở Kontum, anh ta có một cái xe gắn máy nhắm chở những cô gái chơi tới quốc lộ, chỉ cần chở ra theo với những toán công voa, bỏ họ đấy, mỗi cô một ngàn, mà đâu phải chỉ có một cô, những cô này mang theo một tấm vải nhựa, thế là xong, buổi chiều anh chàng kia lại tìm nhặt những cô đó trên quốc lộ đưa trở về – Người bạn nói với tôi và cười – Nói ra nghe mà thảm, chiến tranh đưa dân mình tới những hoàn cảnh kỳ cục không thể tưởng được. Anh cứ ngó những người đứng lóng ngóng kia thì đủ rõ, ở đây có một đơn vị lớn của bộ binh Mỹ, họ nhiều khi ở trong rừng cả tháng mới trở ra, như vậy anh đủ hiểu… Có một số người mình thì có một quan niệm rất rõ ràng: bằng bất cứ cách nào kiếm được nhiều tiền, ăn cắp được nhiều, họ dùng mọi phương tiện. Ăn cắp ở đây không phải là ăn cắp nữa. Tôi đã vào nhà một người, bà ta làm lao công trong một sở Mỹ, trong nhà có nhiều thứ lắm, từ cái gạt tàn thuốc, những bộ tách uống nước, thôi thì đủ thứ… không phải bà ta mua đâu, bà ta ăn cắp dần dần mỗi lần một cái cốc, một cái dĩa, bà ta còn lấy được mùng màn, áo mưa, giấy lau… đủ thứ hết. Quả thật tôi không thể tưởng tượng được rằng làm cách nào mà bà ta mang được những cái rất cồng kềnh ra khỏi sự khám xét ngặt nghèo của những cơ sở Mỹ. Nhưng rồi tôi cũng được giải thích một phần nào, một phần thôi khi tôi tới cửa một cơ sở Mỹ vào lúc tan sở, những toán người ở trong đi ra đều bị khám xét bởi những anh lính Mỹ to lớn. Chừng như anh ta đã được huấn luyện một cách kỹ càng về những mánh lới của những người nhắm ăn cắp, anh ta lôi từ bụng chửa một người đàn bà ra một cái khăn tắm lớn, lôi từ trong quần một người đàn ông ra một cuộn giấy đi cầu, lôi từ trong búi tóc một bà già ra một cai ly… lôi từ trong đế giày ra một số dao cạo… Vậy đó, như vậy thì làm sao được. Nhưng người ta đâu chịu bó tay, một cô gái vừa tiến tới với anh Mỹ đã cười ngặt ngẽo, cô ta sát vào, ôm lấy eo, nhanh nhẹn hôn lên má anh ta một cái, thế là xong, anh lính Mỹ cười giơ tay vỗ vào mông cô gái một cái như tống đi thế là cô gái không bị khám gì hết, và anh hiểu rằng trong người cô ta, cùng cái xách chắc chắn sẽ có gì trong đó, một chai rượu là đủ rồi… Nhưng trông cảnh một bà già Tàu từ trong ra cũng ôm lấy anh lính Mỹ mà hôn thì tôi chịu không nổi tức cười… Để cho hôn, cho sờ, nhưng lấy được đồ là nhất rồi…

Cơn mưa đã ngớt hơn, người bạn cho xe leo dần lên dốc với tất cả thận trọng, mặt đường bùn đỏ trơn như mỡ… Bao nhiêu điều tôi đã thấy, đã nghe, những điều đó liên kết với nhau tôi có thể nhìn thấy một sự thật, nỗi cay đắng. Trở lại câu lạc bộ, đứng từ trong cửa sổ nhìn ra những ngọn đồi nối tiếp nhau, những núi, những con đường, màn mưa mỏng tôi thấy mình như lạnh đi…

Kontum 19-8-1968. Vượt qua quốc lộ 14, hơn bốn mươi cây số. Rừng xanh. Thiếu tá Báu ngần ngại khi nghe tôi nói muốn tới Dakseang, nơi đang diễn ra trận đánh. Ông ngại ngần vì hơn một tháng nay trực thăng không đáp xuống được… Một người bạn nói cho tôi biết tình trạng ở trong đó. Những người lính biên phòng có khi cả năm không ra khỏi đồn. Nơi đó chứa lương ăn, đạn và quan tài bọc kẽm. Một ông bố tới trại đưa xác con, đường bay bị cắt, ông bố ngồi đánh bạc hơn một tháng lúc ra được ông mang theo gần một triệu bạc về cùng với xác đứa con trai… Không có trực thăng. Tôi lang thang trong thị trấn với những giáo đường cổ kính, những con đường có cây cao xanh…

Phan Rang 15-10-1968. Tôi muốn thực hiện một chuyến đi dài. Khởi hành từ Sàigòn, qua Phan Thiết, ngừng lại Phan Rang. Mưa bão ập xuống. Bó người trong nhà.

Nha Trang 21-10-1968. Tôi đã tới Nha Trang được ba ngày, mưa bão tiếp tục đổ xuống vùng duyên hải, không thể tiếp tục đi Qui Nhơn như dự định… Mai trở lại Sàigòn…

Anh Q. Lần trở lại này tôi đã không được gặp anh, không được cùng nhau lặng lẽ bên những ly rượu, và sau đó phá lên cười… anh đang ở Sước Rũ, Khe Tre, Công trường 6, A Shau…còn nhớ không những câu thơ của Quang Dũng chúng ta đã đọc cho nhau nghe, nhớ không: Đêm đêm mơ chuyện làm khăn gói, để sớm mai rồi lại quẩn quanh…chính là thế, chúng ta đã quanh quẩn với những mộng tưởng, những phân vân giữa suy tưởng và hành động, chúng ta đã khôn quá, bịn rịn quá. Chúng ta đang đi, cũng khăn gói đó nhưng thực sự chúng ta không đi, không đi như điều chúng ta nghĩ phải làm. Chắc Q. còn nhớ hôm nào, một người đã chỉ vào mặt chúng ta: bọn chui vào vỏ ốc. Chúng ta chỉ biết cười chua xót. Chúng ta không chối được sự thực đó, chúng ta chỉ còn mỗi một cách thế, tự chúng ta trong những cố gắng cá nhân, chúng ta chỉ còn tư thế khiêm tốn trên điều mà tôi nói với anh: phục hưng lại một phẩm cách người…Phải giết đi bao nhiêu kẻ phải phá hủy đi bao nhiêu… những dơ dáy ngập lên tận mũi chíng ta phải chịu đựng, bao nhiêu nhược điểm chúng ta nhìn thấy. Chúng ta chỉ có thể làm trong hai điều, một là không làm gì hết, hai là xóa sạch đi rồi bắt đầu lại từ không có gì đó. Chỉ có thể, không thể làm khác… Thôi hãy uống đi, uống nhưng không được say. Nhớ anh vô cùng, những tan hoang còn đó…

B. Hôm nay anh ở đây nhưng anh nghĩ tới em những ngày đầu tiên sống trong quân trường, anh muốn có mặt ở Sàigòn để xuống thăm em trong những ngày đầu tiên sống với đời quân ngũ và để nhắc lại điều anh vẫn nói với em: bạn bè anh và bạn bè em đã có những người chết, hai anh em cách nhau mười năm của đời sống nhưng rồi chúng ta cùng ở trong một cuộc, chúng ta phải cùng nhau gánh chịu một thực tại chúng ta không mong ước, chúng ta đều không có tuổi thơ, không được sống trong thái bình yên vui, không được biết gì là hạnh phúc gia đình… Chúng ta chỉ còn lại một đời sống nhỏ bé… Chúng ta sống trong sự bất công, cùng mọi người chúng ta gánh chịu những bất công đó một cách đồng đều, trong bất công đó chúng ta hãy cố gắng làm cho bất công giảm đi, em nhớ không, như anh D. đã nói trước khi lên đường: mình ra mặt trận, phải ra vì sợ sau này khi hòa bình trở lại chỉ còn một mình sống sót, sự sống sót vô ích và buồn bã. Mong em vui với những bầu bạn mới, những người cùng chung cảnh ngộ như chúng ta, hãy nhớ một điều: ai sao ta vậy, việc người khác làm được thì chúng ta làm được, chỉ khác một điều: chúng ta chọn điều nào mà chúng ta cho là phải thì chúng ta làm. Khi trở về anh sẽ xuống thăm em…

Anh C. Tôi thông cảm những phân vân của anh, đời sống những người thân yêu, sự minh bạch ngay thẳng, trách nhiệm. Chắc anh còn nhớ một lá thư nào của T.: ta không biết làm chi hết, to be or not to be thì cũng ẩu như nhau. Nói vỡ nợ trước cuộc sống này, chính trị bẩn thỉu, nghệ thuật phù phiếm, yên ổn thì tồi tàn, chiến tranh thì phi lý hơn… Cho nên ta không biết xoay sở thế nào cả. Nghệ thuật có là một giải thoát không? Nghệ thuật chỉ cho ta và cho người yêu ta thôi… Sáng tác vẫn chưa chắc đã yên ổn trong tâm hồn khi nghĩ đến cái chết của bạn bè, của những thằng em và của những thằng học trò ngoài bãi chiến. Có lẽ ta chỉ còn cái chết để dâng hiến cho đời thôi, cho cả cái đám quần chúng vô ơn mà ta và cậu vẫn ghét cay ghét đắng. Những ngày rảnh rỗi đi chơi với những bạn bè để rồi mỗi chiều trở về nhìn nhau cười ngao ngán… Tôi nhắc lại về người đã vắng mặt, hay đã chết đó. Có điều tôi không đồng ý với một lựa chọn nào đó, nhưng như tôi đã nói với anh : tôi kính trọng thái độ đó, con người đó… Nỗi cay đắng khốn khổ của chung chúng ta…

Anh T. Tôi đã được thư của anh, thành thật xin lỗi anh chị, xin hứa sẽ ghé lại thăm, như anh đã biết công việc và những dời đổi không ngừng khiến tôi đã không ghé lại dự sinh nhật của cháu bé, đứa con nuôi của tôi, tôi cũng đã không có quà cho nó, nhưng tôi nhớ nó… Điều anh hỏi khiến tôi chẳng biết nói sao, có điều những gì xưa kia tôi đã nói với anh nay tôi vẫn tiếp tục, tôi không thể từ bỏ được. Buồn là nhiều lúc nhìn lại thấy những cố gắng của mình cũng trở thành vô ích, nhưng không phải vì sự vô ích hay hơn nữa vì vô vọng mà chúng ta không làm điều chúng ta nghĩ phải làm. Tôi chép lại đây điều mà Arthur Koestler đã viết: nhà văn có bổn phận xã hội, một công việc rõ ràng phải làm. Mỗi khi hắn viết một tác phẩm hắn như một người thuyền trưởng thực hiện một hành trình với những mệnh lệnh được niêm phong cất trong túi áo, khi hắn mở phong bì ra ở giữa biển cả, hắn nhận thấy những mệnh lệnh đều được viết bằng một thứ mực trông không thấy được. Không thể đọc được những mệnh lệnh đó, tuy nhiên hắn vẫn luôn luôn ý thức một bổn phận phải hoàn tất – bởi vì hắn đương chỉ huy một chiến thuyền chứ không phải một thuyền du lịch. Những mênh lệnh trong túi áo hắn có thể không đọc được nhưng vẫn có tính cách sai truyền cấp bách đem đến một ý thức trách nhiệm của hắn. Trong sứ mạng nhà văn ở đó sự lớn lao và cũng ở đó chướng ngại…

Anh K. Có thể anh đã không bằng lòng tôi, dù anh không nói ra, có điều về phần tôi thì tôi đã nói hết cùng anh: tôi dứt khoát với sự chọn lựa của tôi, tôi cố gắng sống như tôi mong ước. Tôi không có một ảo tưởng, một mặc cảm nào. Nào phải cho riêng ai. Tôi chịu ơn những người đã chết đi, hiện đang cố gắng để cho tôi còn được sống, và như thế tôi phải làm điều tôi nghĩ, tôi muốn được chia sẻ, tôi mong anh sống trọn được như điều anh nghĩ, không lừa dối mình và người khác…

Ng… dù ở đâu anh cũng chỉ nhìn thấy một cuộc sống gian nguy phải chấp nhận, chịu đựng, những cay đắng buồn phiền… chúng ta, nào đâu phải riêng chúng ta, cả dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường này, đã buộc chặt vào một định mệnh khắt khe… Trên quê hương ấy, trong cuộc sống ấy chúng ta gắn bó với nhau tình cờ… Anh đã đi trên những con đường chia cách, gian nan, hiểm nguy… những con đường đưa chúng ta đến những gặp gỡ bàng hoàng… Anh vẫn tự hỏi, con đường vô hình nào đã đưa anh đến bên em. Xưa kia mẹ anh dặn anh: con trai không được khóc, và em thì nói với anh một câu thơ: em sẽ không bao giờ để anh nhìn thấy em khóc đâu… chúng ta cùng giấu nhau những ngậm ngùi cảm thông… Có bao nhiêu điều anh không nói với em nhưng anh nghĩ em nghe thấy những tiếng nói đó…

Anh M. Tôi đã nhận được thư báo tin mừng của anh, tôi không biết có lời nào hơn là gửi lời chúc anh chị những ngày tới sống ở xứ người như sống trên quê hương thân yêu những ngày thơ ấu. Không, tôi nghĩ anh không phân trần một điều nào với bất cứ ai… Riêng phần tôi, tôi không thể làm điều gì khác, tôi tự gắn đời sống mình với quê hương với những người thân yêu, ở đó những bất hạnh và những vui tươi đằm thắm, những cay đắng ngọt ngào cùng với niềm kiêu hãnh chất ngất… Quê hương này là đất hứa, chúng tôi tự cắm thập tự trên đó cho chính mình… Sau này, tôi mong ước thế, thời gian địa ngục đã qua, anh sẽ trở về, nhưng tôi hỏi anh chắc lúc đó anh sẽ thấy sao mình không được sống như mọi người, những khổ đau làm thành hạnh phúc cho kẻ sống sót…

Sàigòn ngày 25-5-1962. Tờ sự vụ lệnh trong túi đợi chuyến bay đi Đà Nẵng và Huế… Lương đã mất một chân ở Đức Dục năm trước. Bình về Thủ Đức. Đính, Mẫn bị bắt ở Tân Lâm và Khe Gió. Quân đi Ban Mê Thuột. Hạnh đã dời khỏi Quảng Trị… Bây giờ những ai còn ai mất. Tôi nói với một người bạn: tôi chịu ơn quân đội, nói thế chỉ để nói: tôi chịu ơn những bạn hữu suốt trong 5 năm trong quân ngũ đã giúp tôi có được hoàn cảnh để di chuyển không ngừng. Tôi nhớ đời những người bạn và những ân tình…

Dương Nghiễm Mậu
(1972)
Văn số 204 xuất bản tại Sài Gòn ngày 15/6/1972

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn