Không ra nước mắt

Thứ Bảy, 03 Tháng Ba 20184:00 SA(Xem: 5595)
Không ra nước mắt

Không ra nước mắt

 Truyện ngắn

Hồ Anh Thái

 

Trên chuyến bay từ Bangkok sang Bangalore, Diệp ngồi cạnh một doanh nhân Hàn Quốc. Anh Hàn Quốc đã sang làm ăn ở Bangalore được mấy năm rồi. Thung lũng Silicon của Ấn Độ đấy. Anh bảo. Không chỉ là của Ấn Độ, Bangalore là một trung tâm phần mềm của thế giới. Về phần mềm và công nghệ điện tử, ở đấy có những bác học đầu ngành, những kỹ thuật viên đầu ngành.

Ba tiếng rưỡi đồng hồ trên máy bay, Diệp được bổ túc kiến thức về thành phố mà cô sẽ phải ở đấy hai năm tới. Một lĩnh vực hoàn toàn khác với Thung lũng Silicon, cô sẽ sang đấy làm chương trình thạc sĩ về lịch sử. Cô hào hứng nghe anh Hàn Quốc kể chuyện. Nhưng lòng dạ ngổn ngang, lo lắng, băn khoăn. Liệu người của trường có đón cô ở sân bay. Ngày ấy chưa có điện thoại di động, không có tài liệu gì về thành phố mình sẽ đến, không có thông tin về ngôi trường mình sẽ học. Nói chung là nhận được học bổng thì cứ nhắm mắt lên đường theo cái vé máy bay trường gửi cho. Trong túi không một xu.

Anh Kim người Hàn Quốc hỏi han cô đôi câu thì biết ngay cô chẳng biết gì cả. Cô đang dấn thân vào một hành trình gần bảy nghìn cây số xa nhà theo kiểu nhắm mắt đưa chân. Anh đưa cho cô một cái danh thiếp, bảo số nhà tôi đây điện thoại tôi đây, ở Bangalore cô cần gì thì tôi sẽ giúp.

Quả nhiên. Đúng như Diệp đã lo. Ở sân bay không ai đón cô. Chờ mãi trước cửa sảnh đến, hy vọng rồi tuyệt vọng. Bốn mươi phút đứng chờ như vậy là lâu lắm. Kim có xe đến đón, nhưng anh cũng nán lại đứng chờ cùng Diệp. Anh ta bảo để cho cô gặp được người đi đón đã, rồi anh mới đi.

Anh chàng người Ấn ra đón sếp Kim cũng đứng chờ cùng. Anh ta tự giới thiệu tên là Ravi. Anh ta hỏi han vài câu thì biết ngay tình cảnh của cô. Hai người đàn ông kèm một cô gái, họ bảo cô giở tờ giấy thông báo của trường ra, tìm thấy số điện thoại của trường ở trong ấy. Hai người đàn ông thay nhau vào trạm điện thoại gọi điện cho trường. Càng tuyệt vọng, chiều thứ sáu, các văn phòng đều đã nghỉ rồi.

Sau một tiếng đồng hồ thì Kim quyết định. Thôi, cô về ở tạm nhà tôi, thứ hai sẽ đến trường làm thủ tục nhập học. Còn biết làm gì khác, đấy là lối thoát duy nhất, bây giờ có tống Diệp vào một nhà trọ nào đấy thì cô cũng chẳng trả được tiền trọ. Ravi bỏ va li của Diệp lên xe, cạnh va li của sếp, rồi anh ta tự tay lái xe đưa tất cả về nhà sếp.

Trên đường đi, nghe hai người đàn ông trao đổi với nhau, Diệp biết vợ con Kim cũng về Hàn Quốc thăm gia đình nhưng chưa trở lại chuyến này. Rằng trong nhà Kim có một cái phòng khách và Diệp có thể ở đấy. Thì cô chỉ có thể chấp nhận cách giải quyết ấy. Cô đâu có được kén cá chọn canh.

Về đến nhà Kim, Ravi xách va li vào phòng cho Diệp, an ủi cô đôi câu rồi chào ra về.

Cái bungalow hai tầng mà Kim thuê trở nên rộng mênh mông và vắng lặng không ngờ lúc chiều tối. Diệp mở cửa sổ nhìn ra vườn sau, chỉ nghe tiếng xoài rụng mà tưởng bước chân người. Đóng ngay cửa sổ lại, cài chốt cẩn thận. Bây giờ mới nhận ra tình cảnh một đàn ông một đàn bà trong một căn nhà vắng. Đàn ông có thể tung tăng như chúa sơn lâm giữa rừng. Đàn bà thì khép nép như thỏ ở gần hang sói. Diệp cài nốt cái chốt cửa ra vào, kéo cái bàn và cái ghế ra chặn cửa, từ giờ đến sáng mai quyết không ra khỏi phòng. Phòng tuyến cố thủ đã được dựng lên. Có lúc Kim đến gọi cô ra ăn tối, có kimbap, kimchi, cơm, xúp và một vài món Hàn Quốc. Thôi, cảm ơn anh, tôi đã ăn trên máy bay và bây giờ không đói.

Cô hy vọng đêm nay sẽ được bình yên.

Nhưng lúc tám rưỡi tối nghe có tiếng lao xao ở phòng khách bên ngoài. Rồi nghe tiếng Kim gọi, Diệp ơi, ra đây. Cô đáp, tôi không ra đâu, tôi mệt muốn đi ngủ luôn bây giờ.

Thế là có tiếng Ravi gọi, ra đây một tí Diệp ơi, mẹ tôi và vợ tôi muốn đến thăm cô. Đúng là có tiếng của hai người đàn bà, giọng người già trầm trầm, giọng thiếu phụ thanh thanh. Mời đến thế thì không thể không ra. Chỗ này không thể không mở ngoặc căn dặn chị em phụ nữ: có những người có tài giả giọng đấy, một mình họ có thể tạo ra giọng lao xao của nhiều người, có thể vừa giả giọng đàn ông đàn bà, người già người trẻ. Nhưng Diệp không nghĩ được xa xôi đến thế, cô nhẹ nhàng dỡ bỏ phòng tuyến rồi mở cửa đi ra.

Sau này nghe mọi người kể lại, Diệp mới biết chuyện gì xảy ra trong hai tiếng sau khi Ravi rời khỏi nhà Kim. Ravi về nhà kể chuyện với mẹ, mẹ à, có một cô Việt Nam sang học nhưng trường không ra đón, thế là sếp Kim đưa cô ấy về nhà cho ở nhờ rồi. Mẹ Ravi là giáo viên, nghe thế bà thấy ngay có điều không ổn. Vợ Kim đi vắng, đàn ông đàn ang ở nhà một mình, con gái con đứa vào ở trong nhà người ta như vậy là không tiện. Bà Vimala quyết định rất nhanh, đi, đưa mẹ đến đón cô ấy về đây. Bà bắt cả vợ Ravi cùng đi.

Bà Vimala trình bày với Kim. Bên nhà tôi nhiều phụ nữ, cô ấy ở bên nhà tôi sẽ thuận tiện và thoải mái, xin phép anh cho chúng tôi đưa cô ấy sang nhà tôi, thứ bảy hoặc chủ nhật anh có thời gian thì mời anh sang chơi, tôi sẽ nấu món ăn miền Nam.

Rất rõ ràng mạch lạc biết điều. Không nói là ở bên nhà anh không tiện, mà nói là ở bên nhà tôi sẽ thuận tiện. Cũng không ngại cái việc làm phật lòng sếp của con trai mình, cứ như không phải là bà đang tranh khách của ông sếp. Bà còn mở đường bằng cái ý nếu anh muốn gặp cô ấy thì ngày mai ngày kia mời anh cứ việc sang nhà tôi chơi.

Kim có sang. Chủ nhật anh ta đến ăn tối cùng gia đình Ravi. Họ cùng bàn việc đưa Diệp đến nhập học vào ngày hôm sau. Kim chủ động cho phép Ravi nghỉ để đưa Diệp đến trường, giúp thêm cho cô.

Sáng thứ hai Ravi đưa Diệp đến trường thì mới hóa ra rằng trường không thể nhận cô nữa. Cô đã mang theo cả va li để có gì vào ký túc xá luôn, nhưng bây giờ mới thấy là tính toán hơi sớm. Không được nhập trường. Cũng không được vào ký túc xá. Khóa học đã bắt đầu được ba tuần rồi, cô đến muộn, không ai được phép nhận. Diệp trình bày rằng vé máy bay gửi sang cho cô muộn, nhận được vé là cô lên đường luôn. Ông hành chính bảo thế thì đấy là lỗi của Hội đồng Quan hệ văn hóa ICCR, không phải lỗi của chúng tôi.

Ravi hỏi, không thể có một sự ưu tiên linh động nào ư? Không, ở trên đất nước Ấn Độ dân chủ này, mọi người đều bình đẳng, không ưu tiên ưu đãi bất cứ ai. Không ưu tiên người nước ngoài ư? Không đâu. Nếu ưu tiên người nước ngoài thì sinh viên Ấn của chúng tôi sẽ biểu tình phản đối, rằng họ bị phân biệt đối xử, rằng người ta coi trọng người ngoại quốc hơn là công dân của đất nước mình. Nhiều cuộc biểu tình đã dẫn đến việc có mấy sinh viên tự thiêu để phản đối. Tự thiêu đấy. Không, dứt khoát là không có ưu tiên ưu đãi gì ở đây, xin lỗi cô.

Rõ ràng đến thế, chẳng cò kè xin xỏ gì được nữa. Diệp đành xách va li quay về nhà Ravi. Nước mắt ngắn nước mắt dài. Thế này là chết rồi, trường không nhận, chỉ còn cách là về nước. Mà vé của cô là vé một chiều, muốn về cũng chẳng nổi. Lại nước mắt.

Bà Vimala an ủi, không sao đâu, ICCR đưa con sang đây thì ICCR phải có trách nhiệm với con. Mấy mẹ con lại lục tìm điện thoại của văn phòng đại diện ICCR ở trong thành phố. Hội đồng Quan hệ văn hóa Indian Council for Cultural Relations là một cơ quan của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, chuyên về văn hóa đối ngoại. Tìm mãi, gọi hơn chục cuộc điện thoại khác nhau mới đến được với bộ phận phụ trách học bổng. Họ hẹn gặp vào ngày hôm sau. Cứ sau mỗi cuộc điện thoại của mẹ con nhà Ravi và được họ thông báo lại nội dung, Diệp ta lại sụt sùi nước mắt. Ravi bảo, tôi sợ nước mắt lắm, nó làm tôi rối cả ruột. Vợ Ravi bảo, cứ để cho cô ấy khóc, khóc được mới nhẹ người.

Giống như một gợi ý. Ravi sực nghĩ ra một sáng kiến. Vậy mai tôi đưa cô đến Hội đồng ICCR, cô phải khóc thật nhiều vào, khóc như mưa như gió, Hội đồng sẽ sợ đấy.

Báo hại, hôm sau đến Hội đồng, nước mắt cô bay biến đi đâu hết. Khô không khốc. Cứ thế mà trình bày, vẻ mặt rầu rầu, nhưng không rặn ra được một giọt nước mắt. Cứ như khẩu súng trên thao trường thì nổ đùng đoàng ngon lành nhưng ra chiến trường thì câm tịt, thử kêu bắn tịt. Trên đường về Ravi cười thích thú, sao hôm qua thì khóc như mưa rào mà đến lúc cần khóc thì tạnh.

Ở Hội đồng, người ta bảo sẽ tìm cách giải quyết. Trường ấy thì chắc chắn không nhận cô rồi, nhưng để họ nghĩ xem có cách nào khác. “Để họ nghĩ” là bao lâu. “Cách nào khác” là cách gì.

Hoàn toàn mờ mịt. Họ cũng không có chế độ gì cho sinh viên chưa nhập học. Cô phải tự túc thôi.

Bà Vimala bảo, không sao, cứ ở lại đây, rồi Hội đồng sẽ phải có trách nhiệm. Bà hiệu trưởng một trường tiểu học luôn tin vào trách nhiệm, trách nhiệm là điều phải có giữa một tổ chức với cá nhân, giữa cá nhân với cá nhân. Nghe bà nói, Diệp ta lại chan hòa nước mắt. Lúc cần khóc thì chẳng khóc.

Mẹ Ravi bảo, phải cho Diệp đi tham quan thành phố. Một trung tâm của miền Nam Ấn như thế này có bao nhiêu nơi đáng xem. Bà phân công cho vợ Ravi đưa Diệp đi. Vợ Ravi là họa sĩ, lấy chồng rồi thì ít đến công ty mà mang các hợp đồng về nhà làm. Cô họa sĩ tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch. Cô dẫn Diệp đến lâu đài Bangalore, sa thạch hồng ấm áp nổi lên giữa một bầu trời xanh trong vắt. Mê luôn. Kiến trúc hơi giống lâu đài Windsor ở Anh. Chạnh nghĩ một nơi đẹp đẽ như thế này mà chẳng nhẽ mình bị chối bỏ, mình sẽ không bao giờ được ở lại để học hành ở nơi này. Nước mắt tự nhiên trào ra. Cô họa sĩ tỏ ý thán phục, mày nhiều nước mắt thật đấy, có những lúc chồng tao mắng, tao rất muốn nhỏ mấy giọt nước mắt để cho anh ấy thương cảm, nhưng chẳng rặn ra được, hai con mắt cứ như sa mạc Thar. Cô nhắc đến sa mạc ở miền Tây Bắc trong khi họ đang ở miền Nam.

Ai đến thành phố này thì cũng đến lâu đài Bangalore là nơi đầu tiên. Cô họa sĩ bảo, nhưng ý tao thì nơi đầu tiên phải là Vidhan Soudha. Nào thì đi. Đấy là tòa nhà đồ sộ cao bốn mươi sáu mét, ba trăm căn phòng, hiện là trụ sở của hai mươi hai cơ quan chính quyền bang, cũng là tòa nhà nghị viện bang lớn bậc nhất trong số các bang ở Ấn Độ. Mày nhìn đi, kiến trúc đặc trưng của người Dravidia phương Nam đấy.

Rồi thì đền thờ thần bò Nandi, đền Dodda Ganesha thờ thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng đầu voi mình người. Một ngày lang thang qua chỗ này chỗ khác, trừ những lúc nhớ ra thì dân dấn nước mắt, còn thì cũng nhiều lúc quên, và quên được thì thấy mọi thứ cũng đẹp và vui.

Vui, và hy vọng, khi cán bộ Hội đồng gọi điện đến. Họ cho cô một cái giấy giới thiệu xuống một trường đại học ở thành phố Mysore cách đấy một trăm sáu mươi cây số. Cô xuống đấy xem trường có thể nhận cô không.

Hy vọng. Mẹ con nhà Ravi tíu tít chuẩn bị, rồi đưa cô ra bến xe khách đi Mysore. Xuống đến nơi thì hóa ra trường cũng đã khai giảng hai tuần rồi. Hy vọng vừa nhen lên đã tắt lịm. Buổi tối, từ Mysore, Diệp gọi điện về cho bà Vimala. Lại khóc. Bà Vimala lập tức bắt Ravi phải đi ngay sáng sớm hôm sau, xuống đưa con bé về đây, nó đang tuyệt vọng, để nó lại đấy ai biết chuyện gì xảy ra. Thế là bốn giờ sáng Ravi ta phải dậy lái xe đi, bảy giờ sáng đến nơi thấy Diệp mắt đỏ hoe. Mày khóc giỏi nhỉ, khóc suốt từ lúc gọi điện cho mẹ tao tối hôm qua đến bây giờ à. Diệp bảo, tao chưa bao giờ gặp chuyện thế này. Ravi bảo, tao cũng chưa bao giờ gặp chuyện thế này. Ý là chưa bao giờ bị mẹ bắt dậy để đi lúc bốn giờ sáng.

Lại quay về nhà Ravi. Ngày hôm sau mẹ Ravi đưa Diệp đến trường mà bà đang là hiệu trưởng. Giới thiệu với các giáo viên và ban giám hiệu. Rồi bà dẫn cô vào một lớp bốn đang trong giờ lịch sử. Cả lớp đứng dậy chào. Bà giới thiệu, các em, đây là cô Diệp người Việt Nam, ở Việt Nam cô ấy là giảng viên lịch sử trong một trường đại học, cô ấy sang đây để nghiên cứu lịch sử Ấn Độ, các em thấy cô ấy có xinh không? Cả lớp xuýt xoa, xinh quá. Các em thấy cô ấy có trẻ không? Cả lớp xuýt xoa, trẻ quá.

Hôm sau nữa thì có thể coi như bà mở lớp nấu ăn trong nhà để dạy Diệp cách nướng bánh mì naan và áp chảo bánh mì chappati. Các món ăn phương Nam cũng được bà thao diễn và bảo Diệp làm lại cho bà xem.

Cứ thế mà cũng qua được hơn ba tuần chờ đợi trong hy vọng và tuyệt vọng. Ba mẹ con Ravi cứ thế mà gọi điện ngày ngày thúc giục Hội đồng ICCR. Họ đẩy tung những cánh cửa tưởng như đóng, họ khai thông những đường ống tưởng như bế tắc. Cuối cùng họ đã thành công. Hội đồng thông báo đã tìm ra được một trường đại học sắp khai giảng đồng ý nhận Diệp. Trường ấy ở thủ đô New Delhi. Cô được cấp cho một cái vé tàu để đi hơn hai nghìn cây số lên phía Bắc.

Mẹ con nhà Ravi đưa cô ra ga. Cả anh Kim người Hàn Quốc cũng ra tiễn. Hành lý bây giờ thêm cả xoong nồi bát đĩa thìa inốc bà Vimala mới mua cho Diệp đến nơi có mà dùng ngay. Bà Vimala còn đưa một miếng trầu, bắt Diệp ăn luôn, để lấy may. Nhìn mấy con người chỉ trong vòng một tháng qua đã trở nên rất mực thân thiết, trong lòng Diệp rất muốn khóc. Nhưng sự đời trớ trêu, lúc ấy cô chẳng làm sao mà nhỏ được một giọt nước mắt. Cứ gọi là khô không khốc.

Chuyện ấy xảy ra vào cuối năm 1992. Một năm sau, có lần tôi từ đại sứ quán ở thủ đô New Delhi đi công tác xuống miền Nam, đến thành phố Bangalore. Một buổi sáng tôi đến thăm nhà Ravi. Chỉ có vợ Ravi đang lúi húi bên những bản vẽ thiết kế. Cô gọi điện thoại, một lát sau bà mẹ và Ravi chạy về. Bà mẹ dẫn tôi vào một căn buồng, kéo rèm, mở cửa sổ rồi bảo, đấy căn phòng lúc nó ở như thế nào thì bây giờ vẫn nguyên xi như thế.

Không hẳn là vẫn nguyên xi. Trên mặt bàn có một cái bình phong nho nhỏ gồm bốn tấm sơn mài xuân hạ thu đông, chắc là khi Diệp ở đây, cô đã lấy tấm sơn mài mỹ nghệ Việt Nam từ va li ra, đặt lên đấy như một mảnh Việt Nam ghép vào khung cảnh xứ Ấn. Tôi nói cái bình phong đã bị đặt ngược. Cành hoa đào mùa xuân với đôi chim rõ ràng là chúc đầu xuống dưới. Mẹ Ravi bật cười, hàng ngày tôi lau dọn cái bàn và chắc là tôi đã đặt ngược đấy.   

 

*

*    *

 

 

Năm ngoái, Diệp nhắn tôi: mẹ Ravi mất rồi, Ravi gửi thư báo tin như thế. Tội nghiệp bà, khi còn sống, Ravi kể, thỉnh thoảng bà lại nhắc đến cô gái Việt Nam mà số phận đưa đẩy đã đến ở gần một tháng trong nhà bà. Bà nhắc và tự hào: cô ấy học xong về nước, làm giám đốc sở ở một tỉnh, rồi lên trung ương thành người thứ hai trong ngành du lịch.

Gần đây có lần tôi sực nghĩ ra, liền bảo Diệp nên sang thăm lại nhà Ravi. Từ Hà Nội sang Băng Cốc một tiếng rưỡi, từ Băng Cốc bay tiếp sang Bangalore ba tiếng rưỡi, đường bay như thế không phải là xa.

 

 

Nguồn: báo Tuổi Trẻ xuân 2018

 

 

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-2-18 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn