Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù và trận đánh Tết Mậu Thân

Thứ Hai, 06 Tháng Mười Hai 20214:14 CH(Xem: 4208)
Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù và trận đánh Tết Mậu Thân

MĐ Trần Đức Tường

Lời bạt: Vì quá xúc động, tôi đã không thể đọc hết một lúc bài “TĐ3ND và Trận Đánh Tết Mậu Thân” vừa nhận từ BBT/ĐSMĐ gởi đến. Tựa người bên cửa sổ nhìn ra bầu trời ảm đạm của mùa Đông, tôi mường tượng đến những chiến sĩ Mũ Đỏ trong cuộc đời chinh chiến của họ, những hào hùng với khí thế can trường của họ, những dũng cảm hy sinh của thời trai trẻ, những tiếng hô xung phong vang rền trong trận chiến, những máu xương đổ xuống vì an nhà nợ nước. Như người thương binh trong phút chót vẫn còn “dơ tay phải lên, như muốn chào tay, miệng nói: anh em ở lại đánh giặc bình yên, rồi mắt bỗng đứng tròng, tay anh rơi xuống bên cạnh khuôn mặt thanh thản như không hề đau đớn”. Như anh Thiếu úy mới vừa nhận đơn vị “chưa kịp nhớ tên thì nghiệp lính của anh đã hết… khi nhớ lúc trên tay tôi, anh nấc lên từng hồi, mắt môi hé mở, rồi… ra đi.”

Trong bối cảnh lịch sử của biến cố Mậu Thân 1968, bài viết đã dẫn tôi đi với TĐ3ND từ Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp ở Bà Rịa đến vòng đai Sài Gòn ở Bà Hom, qua đến Trại Hoàng Hoa Thám, rồi Gò Vấp, Trại Phù Đổng, vùng các trại định cư Xóm Mới với giáo xứ Lạng Sơn, qua đến Kho Đạn Gò Vấp, để cuối cùng dừng chân ở trận chót với chiến thuật hỏa công tại An Phú Đông, mà tác giả “giữa nơi bom đạn, lửa khói như hỏa ngục, đã có những khoảnh khắc thanh thản lừng hương hoa thơm cỏ lạ như cảnh thiên đường! Quả là huyền diệu.” Ôi những tâm hồn từng xông pha chiến trận, từng kề cận với tử thần nhưng vẫn mang trong lòng sự cảm hứng dào dạt trước cảnh đẹp của thiên nhiên, vẫn xúc động một cách chân tình trước màu sắc tươi thắm của quê hương. Ôi quê hương yêu dấu của ta!

Với bài viết tôi tìm thấy được tình đồng đội sát cánh bên nhau khi hành quân, sự gắn bó đầy trách nhiệm giữa quan và quân, giữa cấp chỉ huy và thuộc quyền, những tình người nở hoa trong thời chiến, và câu chuyện muôn thuở của tình nhà nợ nước khi vừa chu toàn công việc ở tiền tuyến vừa lo lắng cho gia đình vợ con ở hậu phương. Sự thương yêu gia đình và sự chứng kiến sự thật tàn khốc của chiến tranh đã khiến “Hoạn Thư” (hoạn thư này thứ thiệt chứ không phải giỡn chơi đâu- Ồ, mà hình như đàn em này cũng có một hoạn thư xêm-xêm như vậy bên cạnh đây…) xúc động thốt lên “trước đây em chỉ đồng ý cho anh đi ND 1 năm rồi phải về đi đơn vị tỉnh tại. Nhưng mấy hôm nay ở trại, em thấy mỗi lần xe chở xác các anh em về, vợ con họ chạy lên, khóc lóc đòi xem mặt… Em thương lính của anh và các người vợ lính lắm. Em nói hết cho anh nghe nha: anh muốn đi bao lâu cũng được. Anh em cần anh lắm đó.” Nghe mà mát cả lòng!

Report this ad

Vì “Anh em cần anh lắm” cho nên anh được Trời thương và che chở khi pháo địch nổ cạnh anh, đè bẹp anh dưới bức tường, “trời đất bỗng tối thui. Tôi không nghe tiếng gì, tai thì chỉ có tiếng ve kêu… Bỗng có tiếng của Trung sĩ Am: ĐM, BS Tường chết rồi! BS Tường chưa chết- tôi ráng nói mà ngực tức ran – Không được ĐM BS Tường” đó nghe!

Qua bài viết tôi đã tìm lại tên những người sĩ quan xuất sắc thời nào của TĐ3ND và sau này trở thành hình ảnh huyền thoại của toàn thể Sư Đoàn Nhảy Dù, nào là Đại tá Trần Quốc Lịch, Trung tá Nguyễn Chí Hiếu, và Y Sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân, rồi Trung tá Lê Hồng, Thiếu tá Ngô Tùng Châu là những Tiểu đoàn trưởng can cường của TĐ1ND mà tôi đã hãnh diện phục vụ một thời gian, Thiếu tá Vân, Thiếu tá Toán… và Y Sĩ Thiếu tá Trần Đức Tường, đích thân của tôi sau này trong TĐQYND, và tác giả của bài viết.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý Niên Trưởng, cùng quý anh em chiến hữu trong đại Gia Đình Mũ Đỏ cùng các độc giả của ĐSMĐ bài viết “Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù và Trận Đánh Tết Mậu Thân” của BS MĐ Trần Đức Tường. Xin quý vị đọc với lòng độ lượng, vì tuy tác giả xuất thân từ KBC 3053 của TĐQYND (mà trước khi chưa xác định lại với tác giả, tôi hoang tưởng đó là KBC của Đích Thân + Nhị Tỷ, cùng với 5 con và 3 cháu), nhưng bài viết không những dành cho những kỷ niệm với KBC 4794 của TĐ3ND mà còn luôn cho cả toàn thể con cái Thiên Thần của KBC 3058 thuộc Sư Đoàn Nhảy Dù.

Với lòng ngưỡng mộ và biết ơn đến BSMĐ Trần Đức Tường
BBT/ ĐSMĐ

Đoàn xe chuyển bánh đúng giờ. Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù vừa hoàn tất thời gian tái huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp. Trên chiếc xe jeep chỉ huy, Thiếu tá Trần Quốc Lịch ngồi phía trước, Trung úy Lê Hồng và tôi ngồi phía sau. Hai chiếc máy truyền tin AN/GRC46 chiếm hai bên ghế sau, nên không có chỗ cho nhân viên truyền tin và cận vệ. Lê Hồng cầm máy liên lạc với các Đại Đội, tôi đóng vai trực máy Lữ Đoàn. Ngoại trừ trước khi khởi hành và trong những phút đầu đoàn “công voa” vào đội hình di chuyển thì Lê Hồng bận rộn, chuyển báo cáo cho Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng hay chuyển lệnh của ông cho các Đại Đội. Mất khoảng 20 phút đầu các “đứa con” đàm thoại, báo cáo liên tục khiến Lê Hồng luôn tay luôn miệng. Tấm bản đồ để trên đùi, Lê Hồng chấm lên những nét đen, đỏ dọc theo quốc lộ. Tiếng đàm thoại thưa dần trong máy, chỉ còn âm thanh rè rè của hai cái loa nhỏ. Đoàn xe rời khỏi Bà Rịa trực chỉ Sài Gòn với tốc độ chưa đến 40 miles một giờ.

Report this ad

Trong trận Dakto, trên ngọn Ngok Wan, đồi 1416, TĐ3ND lãnh mũi nặng nhất, trực diện đụng đầu với Trung Đoàn 24 của việt cộng. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn Khoa Nam đi cùng với TĐ3ND tiến thẳng lên đỉnh Ngok Wan, TĐ2ND đi bên cánh trái. Đáng lẽ TĐ3ND được đóng ven đô vì đúng thời điểm đó, Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng Trần Quốc Lịch và Thiếu tá Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Chí Hiếu đều đi học. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đã cử Thiếu tá Nguyễn Viết Cần xử lý thường vụ chỉ huy tiểu đoàn. Ngay ngày đầu đụng trận, tôi đã di tản 3 đại đội trưởng. Vì địa thế bất lợi và phải đánh từ dưới lên đỉnh được địch phòng thủ rất vũng chắc. Ta và địch cách nhau chưa đầy 20 thước. Phi pháo của ta được kêu chỉ cách quân ta 50 thước. Có thể nói đây là một trận oanh liệt nhất của TĐ3ND, đã chiến thắng một lực lượng và một địa thế hơn hẳn quân ta. Kết quả là TĐ3ND đã chiếm được đồi 1416, tàn quân của trung đoàn 24 việt cộng đã rút chạy kéo theo nhiều thương binh của chúng, bỏ lại hàng trăm xác chết, súng đạn. Tuy chiến thắng, nhưng tiểu đoàn đã bị thiẹt hại khá nặng. Vì thế, nên sau khi rút ra Tân Cảnh, tiểu đoàn đã được không vận về Sài Gòn và trực chỉ đi tái huấn luyện, bổ sung quân số tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp.

Những ký ức của trận Dakto trong đầu người lính Nhảy dù đã lùi nhanh vào dĩ vãng, để chờ một ngày nào đó, chỉ nhớ lại về trận đánh lịch sử này. Chúng nhường chỗ cho những hình ảnh mới hơn, sống động hơn, những hình ảnh của trận tao ngộ chiến ngày hôm qua khi tiểu đoàn nhảy thao dượt hành quân ở chân núi Thị Vải. Thường thì sau khóa huấn luyện “rèn cán chỉnh quân” trong quân trường, một tiểu đoàn nhảy dù sẽ có một buổi thao dượt hành quân Nhảy dù, bắn đạn thật, có phi cơ và pháo binh yểm trợ. Buổi thao dượt của TĐ3ND được đặt dưới quyền chỉ huy của TTHL/VK và BCH/LĐ3ND. Trong buổi họp hành quân ngày hôm trước, Trung tá Nguyễn Khoa Nam đã trình bầy rõ là nếu diễn tập xảy ra bình thường thì TTHL/VK sẽ điều động, chỉ huy bên cạnh BCH/TĐ3ND. Nhưng nếu xảy ra biến cố chạm địch thì BCH/LĐ3ND sẽ dành lại quyền chỉ huy duy nhất. Tham dự cuộc họp, tôi nghĩ bụng, chắc không có gì bất thường xảy ra vì ở đây sát với Bà Rịa có các đơn vị đồng minh hành quân thường xuyên.

Nhưng thực tế thì biến cố bất thường đã xảy ra:

-Hôm qua lúc nào Tường Vi mới được đồ đệ mang đồ đạc đến cho người vậy? Thiếu tá Lịch hỏi.

-Dạ, thưa Thiếu tá, sau khi đáp xuống đất.

Tôi trả lời mà ngượng chín người. Đêm trước tài xế và đồ đệ của tôi đi nhậu. Sáng dậy không thấy mấy đứa ở đâu, tôi quá giang xe Thiếu tá TĐT ra bãi bốc phi trường Vũng Tầu. Gặp y tá trưởng trạm cứu thương của tôi, trung sĩ Nguyễn Mạnh Am, tôi hỏi mà cũng không ai thấy hai ông thần nước mặn của tôi ở đâu cả. Bực mình không thể tả được, ai nấy đai nịt gọn gàng, nón sắt, dây ba chạc, súng đạn đầy đủ… còn mình thì đầu đội nón đỏ, dây súng không có, túi thuốc cũng không… Chắc kỳ này có đứa ăn đòn đây. Những chiếc C130 khổng lồ của không quân Hoa Kỳ đã xếp hàng dài cánh quạt quay tít, đèn pha chiếu sáng. Trạm cứu thương được phân phối nhảy cùng BCH/TĐ3ND, tôi sẽ nhảy cách Thiếu tá TĐT một người là Lê Hồng ở cửa bên trái, trạm cứu thương và y tá trưởng nhảy cửa bên phải. Mặc dù vào mà thiếu cái nón sắt trên đầu, tôi có cảm tưởng như “cởi truồng”… Tôi nhét cái mũ đỏ vào trong ngực áo, ngồi yên trên máy bay mà không dấu được nỗi lo âu. Lần đầu tiên Nhảy đầu trần!

-Lúc dù mở, tôi nghe súng nổ bên dưới, cứ ngỡ là mình tập trận, bắn vào trong núi. Nhưng lúc gần đáp thì tôi thấy có mấy vệt đạn lửa từ trong chân núi bắn ra.

-Lúc đó Thanh Tùng đụng ở gần chân núi. Thiếu tá lịch nói.

-Bác sĩ đáp có đập đầu không, tại không thấy bác sĩ đội nón sắt, Lê hồng xen vào.

-Tôi cũng sợ đập đầu, vì thế nên đã liều đáp đứng, không lộn. Đang còn đứng hoay hoay cởi dù thì nghe trong bụi cây gần đó, có ai nói: “nằm xuống! có việt cộng đó!”, tôi kể lại.

Lúc xe chạy qua bãi nhảy hôm qua, mọi người đều không khỏi nhìn về phía bên phải quốc lộ, nơi hôm qua đã diễn ra trận đánh tao ngộ hy hữu.

-Chắc đơn vị việt cộng đang di chuyển ngang đây nên bất ngờ thấy trên đầu đầy dù nên hoảng rút vào phía chân núi. Lê Hồng nói.

-Tụi nó có vẻ không chủ trương đánh trả hay chúng có nhiệm vụ khác mà chỉ bỏ chạy. Chắc mang theo thương binh, nên mình chỉ luợm được hơn chục khẩu súng lấm máu mà không thấy xác địch. Thiếu tá Lịch giải thích.

-Sao mình không truy kích? Chắc sẽ hốt được một mớ nữa. Tôi hỏi.

-Đây là cuộc hành quân thao dượt của tiểu đoàn. Mình không có kế hoạch hành quân ở đây. Mình cũng có nhiệm vụ khác. Vì thế Chiến Đoàn đã ra lệnh rút sau khi oanh kích các mục tiêu. Thiếu tá Lịch cho biết.

-Tôi thấy các đích thân đại đội trưởng mới của mình đã cứng rồi, tôi nhận xét. Không biết trong những ngày tới mình đi đâu nữa đây?

Lê Hồng nhìn tôi im lặng, không có ý kiến. Thiếu tá Lịch tiết lộ:

-Chắc là sẽ ở ven đô trước khi đi đâu. Cũng cần thời gian để lính mình làm quen với không khí tiểu đoàn, các đại đội trưởng làm quen với con cái mình nữa. Tiểu đoàn cũng còn chờ bổ sung một số “tony” nữa.

-Tony là gi? Tôi hỏi nhỏ Lê Hồng.

-Trung đội trưởng. Các sĩ quan Đà Lạt hay Thủ Đức mới ra trường, Hồng giải thích.

-Thế thì chắc tết này tiểu đoàn được ở Sài Gòn rồi? Tôi hỏi trống không.

-Hy vọng là thế, Lê Hồng cười nói.

Quả đúng như vậy, chỉ vài ngày sau khi về đến hậu cứ là tiểu đoàn được lệnh đi giữ an ninh vòng đai Sài Gòn. BCH đóng tại Bà Hom.

Những ngày gần tết tại các thôn xóm ven đô thật là yên bình. Hoa mai trong nhiều khu vườn đã bắt đầu nở dưới ánh dương chan hòa của Miền Nam hai mùa mưa nắng. Người dân hiền hòa bắt đầu đã có nhà đi mua dưa hấu, bánh tét chuẩn bị đón xuân… Sau những trận chiến khủng khiếp ở vùng I và vùng II, tôi thấy rõ ràng một không khí an bình ở miền Nam này, tuy rằng chiến trận vẫn xảy ra đâu đây cách xa thành phố. Đêm đêm vẫn có những tiếng đại bác thay trống cầm canh; trên trời vẫn có những “ánh mắt hỏa châu” le lói phương xa…, nói như lời ca mà lính tráng chúng tôi hay hát.

Cũng như thường lệ, mỗi khi dừng quân, đóng chung với dân, tôi thường trình với Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng, hợp tác với Ban 2 và Ban 5 tiểu đoàn để làm “Dân Sự Vụ”. Ban 5 lo loan báo cho đồng bào có khám bệnh, phát thuốc. Tôi và Trạm Cứu Thương làm công tác chuyên môn. Ban 2 thì kín đáo quan sát… Mỗi ngày chúng tôi làm công tác dân sự vụ ở một xóm, một ấp khác nhau. Vùng Bà Hom, tuy gần Sài Gòn, nhưng cũng có khá nhiều gia đình nghèo khó. Họ trước đây là nông dân, có người ở các tỉnh lưu lạc về đây, có người là dân bản địa, nhiều đời trên phần đất này, trước đây là đồng quê. Nay thì người làm nghề nông cũng ít đi, trai tráng thì đều đi lính, nên phần đông những người tới khám bệnh đều là ông già bà cả, hoặc phụ nữ và con nít. Mỗi tối khi ngồi ăn cơm với “câu lạc bộ Tiểu Đoàn” có “Mặt Trời”, ám danh đàm thoại của Thiếu tá TĐT, chúng tôi thường có những nhận xét để trình với Mặt Trời. Về chuyên môn thì phần tôi báo cáo, phần quan sát thì Ban 2. Nói chung tất cả yên ắng, không như ở một số vùng ngoài Trung: ban ngày chúng tôi phát thuốc, vài hôm trở lại, bệnh không thuyên giảm; hỏi ra mới biết ban đêm việt cộng đã về tập trung những người đi khám bệnh và tịch thu hết thuốc của họ.

Mồng Một Tết Mậu Thân

Nghe nói có lệnh hưu chiến trong dịp Tết Nguyên Đán, nhưng Mặt Trời cũng vẫn cẩn thận ra lệnh các Đại Đội đóng rải rác nhiều địa điểm phải đề phòng bất trắc: vẫn phải gửi các nhóm sonnettes (1) ra ngoài để mai phục trên những bờ đê, đường mòn khả nghi. Đêm đó, sau khi ăn tối xong, ai về “nhà” nấy, đi ngủ. Thật không giống những Đêm Giao Thừa ở thành phố. Năm nay cũng cấm pháo nên thỉnh thoảng ở phía Sài Gòn chỉ ít có tiếng nổ bì bọp lẻ loi. Tôi nói với binh nhất Trung, cần vụ của tôi:

-Chắc mấy ông lính bắn chỉ thiên đây!

-Dạ, bác sĩ có muốn uống gì không?

-Hay cậu pha cho tớ một ly cà phê đi. Thầy trò mình uống cà phê đón Giao Thừa.

-Dạ em đi làm ngay.

-Pha nhiều nhiều, gọi trung sĩ Am với mấy anh em qua đây luôn, có tí mứt ăn chơi, tôi gọi với khi Trung đã nhanh nhẹn chạy xuống phía bếp nhà chủ.

Buổi đón Giao Thừa đơn sơ đạm bạc. Thế là hai bao Pall Mall của tôi đã được anh em y tá của tôi chiếu cố. Khói bay nghi ngút thay cho hương trầm trên bàn thờ ông bà trong đêm trừ tịch.

Chúng tôi rã đám. Tôi chui vào mùng dỗ giấc ngủ trong tiếng đì đọp lẻ loi ở phia Sài Gòn. Nơi đó, chắc vợ con tôi đang qua bên ông bà ngoại, cùng chung con hẻm, ở xế cửa nhà nhau. Chắc sắp đến giờ cúng ông bà. Năm nay, chắc không gầy sòng tứ sắc, vì mấy đứa con rể là lính đi xa. Có lẽ Bà Già buồn lắm. Có khi giờ này bà đang nhâm nhi chung rượu đế với mấy con tôm khô và củ kiệu mà bà đã làm từ cả tháng nay… Lòng bỗng nổi lên nỗi nhớ nhung chất ngất. Nhớ người chinh phụ vắng chồng khi xuân sang, nhớ lũ con thơ không có nhà cho quà mừng tuổi…

Sáng ra, vừa thức giấc, tôi đã nghe Lê Hồng, ở nhà bên cạnh gọi sang:

-Tường Vy ơi, 30 phút nữa mình lên Bộ Chỉ Huy chúc tết Mặt Trời đó!

-Biết rồi, Hồng Vân! tôi trả lời

Chúng tôi, quần áo mới ủi thẳng băng, đai nịt gọn gàng với đầy đủ nón sắt, équipement, súng đạn bước qua sân nhà Mặt Trời. Ông đã ra ngoài, nụ cười rạng rỡ, bắt tay mọi người. Thiếu tá Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Chí Hiếu thay mặt anh em chúc tết Mặt Trời và cầu chúc TĐ3ND chiến thắng mau được dây biểu chương mầu tam hợp. Tiểu đoàn đã được dây đỏ Bảo Quốc Huân Chương năm ngoái. Mặt Trời đã chúc lại mọi người và đã làm một cử chỉ rất thân thương của người gia trưởng trong một đại gia đình huynh đệ chi binh: đó là chiếc phong bì ông trao cho mỗi sĩ quan từ Minh Hiếu đến các “Đích Thân” Đại Đội Trưởng, Sĩ Quan Ban 3, Bác Sĩ và cả cố vấn Mỹ, đại uý Andrews. Sau khi uống tí rượu ngọt, hút mấy điếu thuốc lá, và hàn huyên đủ mọi thứ chuyện, mọi người dần dần rút đi. Có nhiều Đại Đội đóng ở xa, nên phải về ngay. Mặt Trời kéo tôi lại và nói một cách rất khách sáo như thói quen của ông:

-Hôm nay để mời bác sĩ về thăm nhà ngày mồng một Tết. Cho tôi gửi lời thăm và chúc tết bà và các cháu. Chiều chiều khoảng 5 giờ bác sĩ về lại Tiểu Đoàn là được rồi.

Tôi thật bất ngờ, tuy là nằm ven đô, nhưng đây là Tiểu Đoàn hành quân, mà được đi phép mấy tiếng đồng hồ vào đúng ngày mồng một Tết thì thật là không thể tưởng tượng được.

Tôi ú ớ, chưa biết trả lời thế nào thì Mặt Trời đã nói ngay:

-Bác sĩ lấy xe tôi đi về, chiều xe lại đón bác sĩ lúc 4 giờ, nên “cụ” cứ thong thả.

-Cảm… cảm ơn Thiếu tá! Nhưng nếu bất cứ lúc nào cần, thì xin Thiếu tá cứ cho xe tới, tôi sẽ về Tiểu Đoàn ngay; vừa nói, tôi vừa đứng nghiêm dơ tay chào kính như mới nhận mệnh lệnh công tác, quay đàng sau theo đúng quy cách nhà binh và chạy nhanh về nhà.

Tôi nói với Trung là tôi sẽ về phép ngay, chiều quay lại và tôi biểu Trung đi kêu Y Tá Trưởng Am lên để tôi dặn dò công việc.

Xe dừng ngay trước hẻm đường Trần Quốc Toản, tôi mặc nguyên quân phục hành quân đi vào trong ngõ, bước vào trong nhà trong sự ngạc nhiên mừng rỡ của cả nhà. Ông bà ngoại và vợ con tôi tíu tít bao quanh. Tôi nói với cả nhà là nhờ sự ưu ái của ông Tiểu Đoàn Trưởng nên tôi được về ăn Tết, đến chiều lại phải về đơn vị. Trưa hôm đó, bữa cơm bên nhà ông bà ngoại mấy đứa rất vui vẻ. Để sẵn sàng, tôi giữ nguyên quân phục, không thay civil. Thực tình, được đi phép đúng ngày Tết thì có mừng thiệt, nhưng trong lòng cứ thấy áy náy không yên, y thể như mình bỏ nhiệm sở vậy. Cùng với vợ con về nhà mình, tôi mới kể Thiếu tá Lịch lì xì bao thơ và chúc tết. Tuy thế, tôi vẫn thấy đồng hồ dường như chạy nhanh hơn mọi ngày. Thoáng cái, cô bé người làm chạy vào nói:

-Thưa thầy, xe Nhảy dù tới rồi!

-Mau vậy, bà xã tôi nói như trách móc.

-Thôi, anh phải đi thôi, tôi ôm hôn vợ con.

-Rồi bao giờ bồ về nữa?

-Mai mốt anh về!

Vừa nói tôi vừa đeo dây ba chạc với súng đạn, cầm chiếc nón sắt trên tay, chân bước nhanh ra ngoài cửa, trước những cặp mắt dương to của các con nhìn theo. Tôi chạy trốn cái bịn rịn của bà xã và những cái nhìn ngây thơ của các con tôi.

Những hình ảnh vợ con, gia đình cứ ám ảnh tôi trên suốt tuyến đường từ Trần Quốc Toản về đến Bà Hom. Tôi cố xua đuổi nó để bình tâm trở lại với thực tại của cuộc đời phục vụ chiến đấu trong một đơn vị luôn cần có đôi bàn tay cứu thương của mình. Chiều mồng một Tết, xe cộ không nhiều nên chẳng mấy chốc mà đã về đến vị trí đóng quân. Xe đậu đầu ngõ đi vào BCH/Tiểu Đoàn. Tôi nhanh nhẹn Nhảy xuống và chạy vào trình diện Mặt Trời. Tuy lúc lên xe, tôi đã gọi máy về và báo cho Hồng Vân là đang trên đường “zulu back”.

Đêm mở màn cuộc chiến

Trung tới bên cạnh chiếc băng ca nơi tôi nằm ngủ:

-“Bác sĩ! Báo động! Có thương binh”

Tôi choàng dậy, như một chiếc lò xo. Quen quá cái cảnh bị đánh thức như thế này rồi. Nhìn đồng hồ dạ quang, chỉ 12 giờ đêm. Chỉ trong vài phút tôi đã thay đồ xong. Am chạy vào:

-Thưa thầy, không có thương binh, chỉ có 3 lính Đại Đội 34 tử thương vì bị đâm. Em đã coi và bó xác rồi. Coi bộ họ bị đâm lúc chập tối. Tôi vẫn bảo phải mở poncho để khám và làm phiếu di tản. Tôi chạy lên báo cáo với Mặt Trời. BCH đang điều động các Đại Đội kiểm tra quân số và tăng cường các chốt, các vọng canh gác, phục kích. Tôi tới gần chỗ Lê Hồng nói máy, ngồi im theo dõi. Cố vấn Mỹ cũng lên máy của họ, nói có vẻ nhiều hơn mọi khi. Tôi thầm nghĩ “Chẳng lẽ lúc mình trên đường về đây, mình chạy trên đầu việt cộng sao? Một mình một ngựa, sao nó không tặng cho mình một băng, dễ ợt?” Thắc mắc này, ngay lúc đó, tôi đã chia sẻ với Mặt Trời. Ông có vẻ suy nghĩ và tinh tế trả lời:

-Cũng lạ! Nếu du kích địa phương nó muốn có thành tích thì nó sơi tái người rồi. Nhưng chắc là cái gì lớn hơn du kích địa phương đây, nên nó ém.

-Mấy hôm làm “dân sự vụ”, mình không thấy dấu hiệu nào đáng nghi ngờ, tôi xen vào.

-Tôi nghĩ chúng nó cũng mới tới thôi, nên mấy hôm trước dân chưa biết. Nhưng mà nó biết được đích xác chỗ lính mình đặt sonnette mà hành động không nổ súng thì phải có dân địa phương “nằm vùng” chỉ điểm. Chúng sợ lộ nên không nổ súng, Mặt Trời suy diễn và nói tiếp:

-Coi bộ đây là một đơn vị lớn; nó đi qua chỗ mình, né đụng độ với mình. Vậy mục tiêu của chúng là gì?

-Mình có chỉ thị gì của Biệt Khu Thủ Đô và của Sư Đoàn không Thiếu tá? tôi tò mò hỏi.

-Tôi có báo cáo sự việc ở đây rồi, chưa thấy gì lạ. Hồng Vân, dặn mấy đứa con cẩn thận, mở mắt ra! Ông quay sang phía Lê Hồng ra lệnh.

Tôi vẫn còn nấn ná bên BCH/TĐ. Lê Hồng sau khi bận rộn quay sang hỏi tôi:

-Ở nhà bác sĩ mạnh khỏe cả chứ?

-Cảm ơn Trung úy, nhờ Mặt Trời, cả nhà không chờ đợi tôi về ăn tết ở nhà.

-Khuya rồi, bác sĩ về nghỉ cho khỏe, Mặt Trời nói với tôi.

Tôi thưa vâng rồi lặng lẽ quay về chỗ tôi ngủ. Trung sĩ Am đón hỏi:

-Có gì lạ không bác sĩ?

-Chưa có gì cả.

Tôi tóm tắt những suy nghĩ và lời nói của ông TĐT và bảo Am nói anh em cứ sẵn sàng. Tôi cởi dây ba chạc treo đầu giường và tháo dầy lên băng ca khó khăn dỗ giấc ngủ, mặc nguyên đồ trận.

Bỗng tôi vùng dậy vì những tiếng nổ lớn nhỏ thi nhau vọng tới liên tục. Tôi nghĩ bụng, đã cấm đốt pháo mà sao còn đốt. Mà có đốt thì đốt đêm giao thừa chứ ai đốt đêm mồng một. Lúc đó là khoảng hơn 2 giờ sáng. Tôi cảm thấy có gì bất thường, khi nghe những tiếng “pháo đùng” vọng từ xa lại mà có vẻ lớn hơn tiếng pháo thường. Tôi mang dầy, mang dây ba chạc, đội nón sắt, bước ra sân thì anh em y tá cũng sẵn sàng như vậy rồi. Tôi hỏi Am:

-Bộ có lệnh di chuyển hả?

-Dạ không, nhưng em cứ cho anh em ứng chiến.

-Tôi sang bên BCH/TĐ nghe!

-Dạ.

Tôi chạy nhanh sang chỗ Mặt Trời, thì thấy mọi người cũng đã tập họp đông đủ. Theo dõi máy của SĐND và Biệt Khu Thủ Đô thì thấy lúc đầu có nhiều lùng bùng. Chỗ thì nói vô sự, chỗ thì nói việt cộng tấn công… Phải cả tiếng đồng sau mới rõ nét là việt cộng đã huy động lực lượng tấn công nhiều nơi trong một lúc. Một số nơi mà TĐ3ND biết chính xác là việt cộng tấn công ở đầu bãi đáp phi trường Tân Sơn Nhất từ hướng hãng dệt Vinatexco. TĐ8ND lúc đó đang chờ để được chuyển quân ra miền Trung thay thế TĐ5ND, nên sẵn sàng vũ khí hỏa lực đã lập tức được lệnh của Bạch Long (Trung tướng Tư Lệnh SĐND) chống trả, đồng thời đưa một cánh quân sang tiếp cứu Tổng Tham Mưu, vì lúc đó một đơn vị việt cộng đã đột nhập vào cổng số 4. TĐ3ND được lệnh nằm án ngữ tại chỗ chặn đường tiếp viện của địch từ hướng Tây Ninh xuống cho đơn vị việt cộng đang tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhất cũng như làm blocking force (2) chặn đường rút của địch.

Không khí ở Tiểu Đoàn rất căng thẳng. Ngoài tin tức nghe qua máy truyền tin về điều quân và chiến trận của Nhảy Dù, chúng tôi còn theo dõi liên tục đài phát thanh Sài Gòn và Quân Đội. Những tin các TĐND chạm địch ở đài phát thanh ở Tổng Tham Mưu khiến chúng tôi càng thêm nôn nóng. Cứ nghĩ trong đầu, sao giữa lúc dầu sôi lửa bỏng thế này mà bắt con hùm TĐ3ND phải nằm yên một chỗ thế này? Không riêng gì tôi, mà các Đại Đội Trưởng và anh em binh sĩ đều háo hức đợi lệnh xuất quân.

Vùng trách nhiệm của TĐ3ND vẫn hoàn toàn yên tĩnh, không một động thái nào của địch, không một tiếng súng nào nổ, trong lúc phía Sài Gòn thì súng nổ ran trời. Từ chỗ chúng tôi đôi khi còn nhìn thấy cả trực thăng võ trang xạ kích. Ban đêm, hỏa châu thả sáng cả một góc trời.

Một chuyến về hậu cứ liều lĩnh

Theo dõi trên đài phát thanh, nghe tin việt cộng đã lọt vào đến khu Bà Hạt, Trường Đua… và có tin chúng kiếm vào nhà các sĩ quan QLVNCH giết hại vợ con họ. Nhà tôi ở đường Trần Quốc Toản, với những ngõ ngách chằng chịt, việt cộng với bọn nằm vùng có thể biết và tới nhà những người mà chúng nhắm tới. Tôi gọi về cho hạ sĩ nhất Mai Trung Trực, y tá hậu cứ, nói anh ta tìm cách ra nhà tôi và đưa vợ với mấy đứa con tôi lên doanh trại Tiểu Đoàn. Tôi nghĩ, dù địch có tấn công hậu cứ thì cũng có lính và vũ khí để chống trả, còn hơn ở nhà không có tấc sắt trong tay để chúng giết hại. Tôi dặn Trực:

-Nếu bà ấy không chịu đi thì cứ bắt mấy đứa nhỏ lên xe thì bả phải đi theo.

-Tôi nhận rõ, sẽ thi hành ngay, Đích Thân yên tâm.

Tôi chỉ còn biết chờ đợi thôi. Không biết từ Ngã Tư Bảy Hiền xuống đến Trần Quốc Toản, đường có thông không. Chắc là Sài Gòn đã ban lệnh giới nghiêm, không biết cách nào mà Trực hoàn thành được nhiệm vụ này đây? Tôi có chia sẻ với Lê Hồng. Anh nói hy vọng là Trực nó làm được, vì hắn tháo vát lắm. Tôi bồn chồn như điên. Chẳng thiết ăn uống gì. Chỉ hút hết điếu Ruby Quân Tiếp Vụ này đến điếu thuốc kia… Bỗng khoảng 3 giờ chiều, nếu nhớ không lầm thì hôm đó là ngày mồng ba Tết, Ban truyền tin, trung sĩ Bản chạy lại chỗ tôi nói:

-Trực nó báo rằng đã đưa được bà với mấy cháu lên doanh trại bình yên, xin bác sĩ yên tâm.

-Cảm ơn ông Bản.

Tôi như trút được gánh nặng trong lòng. Tôi tới Ban Truyền Tin, nói với trung sĩ Bản:

-Đâu, ông có thể cho tôi nói mấy câu với bả được không?

-Dạ được.

Tôi đã cho bà xã biết là ở doanh trại không có tiện nghi, nhưng an ninh. Tôi nói, như thế tôi an tâm “đánh giặc”. Bả dặn dò, phải cẩn thận… Thế là yên được mọi chuyện. Thực chất, đâu có yên được “mọi” chuyện. Chuyện bất ngờ đã xảy đến sáng ngày hôm sau. Một anh lính truyền tin tới mời tôi xuống Ban Truyền Tin nói chuyện với bà xã tôi. Tôi choáng váng khi nghe nói bả nhất định đưa mấy đứa con về và chỗ nào có việt cộng thì bả sẽ tới. Hỏi tại sao thì bả cho biết có gặp mấy phu nhân các sĩ quan thuộc Tiểu Đoàn. Họ nói với bà rằng các ông bay bướm lúc ở Vũng Tầu, với nhiều chi tiết hoang tưởng. Là con người rất dễ tin và có máu Hoạn Thư hơi nặng và hay làm liều, nên tôi biết là phải bằng mọi cách chữa đám cháy này ngay. Phải có kế hoạch để gặp mặt mới thuyết phục được bả.

Tôi lên gặp Mặt Trời và trình với người:

-Chắc chắn Tiểu Đoàn sẽ được điều động trong nay mai là cùng. Theo tôi thấy, Sài Gòn đang tùm lum, đánh nhau trong thành phố rất là gay go. Khó mà tiếp tế và tản thương. Tôi xin đề nghị Thiếu tá gọi cho ông Chuẩn úy Danh, chỉ huy hậu cứ chất lên một chiếc GMC đạn dược các loại, nòng đại liên M60, pile cho các máy truyền tin và các thứ cần thiết… Tôi sẽ nói Trực nó chất bông băng, nước biển truyền.

Ông Lịch ngồi lắng nghe, không nói gì, có vẻ suy nghĩ rất căng thẳng. Tôi bèn chêm vào:

-Tôi chỉ dự trù cho một cuộc hành quân bình thường, nên độc dược như morphine chỉ có giới hạn. Nếu không tản thương được ngay mà phải giữ ít ngày thì sẽ phải dùng nhiều. Tại hậu cứ không có tồn trữ. Tôi xin phép được về TĐQY xin thêm.

-Bác sĩ đi nguy hiểm lắm, để cho cậu Am đi cũng được mà. Mặt Trời bàn ra.

-Thưa Thiếu tá, chắc là Trực hắn không xin được với bác sĩ Lân đâu. Tôi thấy cần phải đích thân tôi về mới được. Tôi nằn nì.

-Thôi được, nhưng bác sĩ phải cẩn thận đấy!

-Vâng, tôi sẽ đi bằng xe jeep Hồng Thập Tự nên chắc quân mình không chặn đường đâu. Còn việt cộng thì ở đâu cũng vậy thôi.

Tôi chào tay rồi quay về trạm cứu thương, gọi Am giao công việc. Anh này thẳng tính nên gây liền:

-Đâu cần bác sĩ phải đi? Tôi đi là được rồi. Bác sĩ ăn học bao nhiêu năm, vợ con đầy đàn, có chuyện gì thì sao?

-Thôi đi cậu ơi! Đừng cãi lệnh. Tôi đi với Đặng Là và Bùi Văn Trung, lấy cho tôi hai khẩu M16 và một khẩu M79, một ít lựu đạn. Trên đường về hậu cứ thì hơi ngại, chứ lúc quay lại đây sẽ có một xe GMC và lính bổ sung nữa. Không sao đâu.

Thế là chúng tôi mau chóng phóng xe đi. Chỉ sợ ông Tiểu Đoàn Trưởng đổi ý. Xe chạy ra tới đường Trần Quốc Toản nối dài mới thấy là mình quên một điều khó tha thứ. Đó là quên lấy một cái máy truyền tin AN-PRC 25. Nếu rủi có gì thì làm sao báo cho Tiểu Đoàn. Nhưng, đành liều thôi.

Xe chạy tới khoảng trường đua Phú Thọ thì thấy súng nổ về phía chúng tôi. Tôi hét lên với tài xế Trần Văn Kê:

-Cứ chạy thẳng đi. Kệ nó, trúng đạn thì chịu thôi. Tới đường Nguyễn Văn Thoại mình ngoẹo trái thì có tường cao của trường đua che rồi.

Kê mắm môi chạy như bay. Đúng là sau khi ngoẹo đường Nguyễn Văn Thoại là ngớt tiếng súng. Bên vệ đường có mấy anh lính Mỹ bị thương đang nằm núp sau một cây cột đèn. Họ vẫy tay. Nhưng tôi bảo tài xế tiếp tục chạy. Họ có xe cứu thương của họ. Không phải nhiệm vụ của mình.

Về tới nơi, Trung vào trạm cứu thương trước và quay ra báo cáo:

-Bà với mấy đứa nhỏ ở trỏng, bác sĩ.

Tôi vào trong nhà, thấy bả mắt còn đỏ hoe. Thế là lại phải có một màn giải thích. Rồi tôi ra nói với Trực để chất đồ lên xe GMC. Ông Chuẩn úy Danh có mặt đang cho lính khuân đạn và lương khô lên xe. Tôi nói với Trực:

-Tôi lên TĐQY xin thêm thuốc độc dược

Tôi và Kê chạy xe ra trực chỉ trại Hoàng Hoa Thám. Tới nơi, tôi vào trình diện Y Sĩ Thiếu tá Hoàng Cơ Lân, TĐT/TĐQY/SĐND và trình bày nhu cầu xin thêm thuốc và bông băng. Nhu cầu của tôi được thỏa mãn cấp kỳ. Các bác sĩ đàn anh đang túi bụi với thương binh của các tiểu đoàn đang đụng dịch.

Nhận đủ tiếp tế, tôi nhảy lên xe chạy lại về Tiểu Đoàn. Tới nơi thì thấy bà xã có vẻ nguôi ngoai và còn thêm vẻ hối hận nữa. Chắc là nghe Trung hay Đặng Là nói dọc đường bị bắn như thế nào. Tôi dặn dò đôi điều rồi cho xe chạy ra chuẩn bị lên đường. Chuẩn úy Danh đề nghị để chiếc xe Dodge 4 chạy trước, rồi đến xe tôi và tiếp đó là xe GMC.

Trên đường về, qua ngã tư trường đua không bị bắn phát súng nào. Về đến vị trí hành quân an toàn. Từ lúc khởi hành đến lúc trở về chỉ mất có hơn hai tiếng đồng hồ.

Sau khi vào trình diện Mặt Trời, tôi trở về trạm cứu thương và chỉ thị cho y tá trưởng Am gọi các y tá đại đội về lãnh thêm bông băng, thuốc men về để phát cho các quân nhân tác chiến. Các anh em của trạm cứu thương cũng bổ sung thêm thuốc men, chuẩn bị cho một cuộc chiến trong đường phố, với các cao ốc, thường có các vết thương đầu và ngực do từ trên cao bắn xuống… Cũng phải dự trù phải giữ thương binh chưa di tản được với thuốc men điều trị. Việc tản thương trong thành phố chủ yếu là bằng đường bộ, khó có chỗ để làm LZ, bãi đáp cho trực thăng. Tôi đã dặn dò anh em rất kỹ.

Trời sập tối, tiếng súng có vẻ xa dần. Không gian khá vắng lặng. Mảnh trăng lưỡi liềm lên cao hơn ngọn tre. Sao trời vằng vặc. Giải ngân hà với vô vàn tinh tú sáng hơn mọi hôm. Mai đã là mồng năm Tết Mậu Thân.

Vào vùng khói lửa

Trời tờ mờ sáng, Trung đã gọi tôi dậy để lên BCH/TĐ họp gấp. Chỉ kịp đánh răng rửa mặt xong là tôi đai nịt gọn gàng chạy nhanh sang BCH. Các đích thân đã có mặt đầy đủ. Hồng Vân đang phát bản đồ với overlay vùng hành quân của TĐ3ND. Sau đó, anh theo lệnh Mặt Trời brief về nhiệm vụ của TĐ3ND. Tóm lại, SĐND dưới quyền tư lệnh của Thiếu tướng Dư Quốc Đống trách nhiệm khu vực A, tức vùng Bắc phi trường Tân Sơn Nhất và thủ đô Sài Gòn với hai Chiến Đoàn: Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù của Trung tá Đào Văn Hùng với TĐ6ND và TĐ8ND trách nhiệm vùng Tây Bắc bao gồm khu Bà Quẹo, Phú Thọ Hòa, Bà Điểm. Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù của Trung tá Nguyễn Khoa Nam, gồm TĐ1ND và TĐ3ND trách nhiệm tảo thanh quân địch trong vùng Đông Bắc thủ đô dưới quyền chỉ huy của Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù. Cụ thể là vùng Gò Vấp, thay thế cho TQLC để tiến lên giải tỏa khu các căn cứ tiếp vận như trại Phù Đổng của Thiết Giáp, Cổ Loa của Pháo Binh và các căn cứ của Quân Cụ, Truyền Tin, v.v. Các đại đội đã được chỉ định vùng hoạt động trên overlay. Mặt Trời chỉ có vài lời khích lệ, đại ý nói rằng TĐ3 trong suốt 4 ngày qua đã chưa chạm địch, là tiểu đoàn khỏe nhất hiện nay của SĐND. Tất cả phải cố gắng duy trì truyền thống của tiểu đoàn.

Tiểu đoàn đổ quân xuống trước những con mắt ngưỡng mộ của dân chúng quanh vùng Gò Vấp, dù rằng họ đã phải sống trong những ngày súng đạn, chết chóc khủng khiếp vừa qua. Đoàn quân tiến lên phía trước, càng lúc dân đứng hai bên đường càng thưa để rồi chỉ thấy còn những bộ đồ hoa rảo bước, với mắt rực lửa, súng cầm tay, sẵn sàng nhả đạn vào kẻ thù đã phản bội cam kết ngưng bắn, tấn công gieo rắc chết chóc cho bao thường dân vô tội… Dọc đường tới trại Phù Đổng, nơi đặt BCH binh chủng Thiết Giáp, rải rác còn vài xác chết việt cộng đã chương phình. Mùi tử khí bắt đầu bốc lên, khiến không gian trở nên hoang lạnh, mặc cho trời đang nắng gắt. Mồng Năm Tết! Sáng nay tôi thoáng nghe có ai trong tiểu đoàn nói “mình xuất quân ngay ngày Mồng Năm Tết”. Chắc anh ta nhớ bài hát “Chuyến xe lửa mồng năm” của Trần Văn Trạch với đủ mọi thứ xui xẻo. Lính tráng có khi cũng dị đoan hơn cả các bà, các cô nữa. Nhưng tôi chợt nghĩ tới vua Quang Trung đã đại thắng quân Minh trong một ngày mồng năm Tết.

BCH/TĐ3ND và Đại Đội 30 đóng ngay trong vòng thành căn cứ Phù Đổng. Nơi đây, nghe nói khi bị việt cộng chiếm được đã tàn sát gia đình binh sĩ rất dã man. Nghe Mặt Trời kể sơ về chuyện việt cộng giết hại gia đình Trung tá Nguyễn Tuấn, chúng tôi tin chắc vong linh cố Trung tá Nguyễn Tuấn chỉ huy trưởng Căn Cứ này đang đón TĐ3ND vào căn cứ của Trung tá. Chúng tôi thấy dâng lên lòng căm thù và nguyện sẽ trả thù cho gia đình Trung tá 8 mạng đã bị việt cộng sát hại một cách hèn hạ.

Cả một vùng bao gồm nhiều doanh trại với tường thành cao ba, bốn thước với dây thép gai và concertina tăng cường, chìm vào màn đêm. Điện bị cúp, tiểu đoàn cấm lửa. Ánh trăng yếu ớt trải trên những nóc nhà đen ngòm hoang lạnh. Thỉnh thoảng vài trái hỏa châu lắc lư từ xa, chiếu sáng những mái tôn, mái fibro ciment rồi lại tắt ngấm, trả cảnh vật vào bức màn đen tối. Chỗ tôi ngủ là sát chân tường ngoài hành lang của một căn nhà Eiffel. Trung và Đặng Là nằm gần, võ trang bảo vệ. Giấc ngủ nhất định không đến với tôi. Đầu óc tràn ngập những hình ảnh hãi hùng của cảnh việt cộng giết hại thường dân, bỏ lại trên hiện trường trước khi chúng chui lủi, tháo chạy thoát thân… Căm hờn, tức giận không sao nhắm mắt được.

Trời mờ mờ sáng, tôi đã đai nịt sẵn sàng. Tưởng mình là sớm nhất, ai ngờ anh em trạm cứu thương cũng đã đóng xong balô ngồi hút thuốc chờ lệnh rồi. Không cần chờ lâu, chỉ trong chốc lát, trong lúc vừa uống ngụm cà phê cuối cùng và hít một hơi Ruby Quân Tiếp Vụ, là Mặt Trời đã sai người sang mời bác sĩ sang họp.

TĐ3ND được lệnh tiến vào khu các trại định cư Xóm Mới. Xuất phát ngay, trực chỉ hướng Bắc. Đây là khu các đồng bào miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp Định Genève năm 1954 định cư. Hầu hết dân cư đều là công giáo. Họ theo các linh mục cai quản kéo nhau cả họ đạo, cả làng, cả giáo xứ di cư. Tới khu định cư, dọc theo con đường lộ theo hướng Đông Tây nối liền các giáo xứ với nhau, tiểu đoàn đi hai bên lộ. Dân chúng ra trước cửa nhà chào đón, hoan hô.

Trận giáo xứ Lạng Sơn

Vừa đi qua khỏi Nhà Hưu Dưỡng các cha già thuộc giáo phận Phát Diệm thì ĐĐ31ND chạm địch phía trước. Các đại đội bung ra hai bên, dàn thành đội hình. Bộ Chi Huy tạm dừng tại một khu nhà phía bên phải đường. Theo các báo cáo của Thanh Tùng thì địch ít nhất cũng là cấp đại đội, có thượng liên, trung liên và súng cối. Địa điểm chạm địch là phía sau nhà thờ giáo xứ Lạng Sơn, giáo xứ cuối cùng của chuỗi giáo xứ nằm dọc theo đường lộ.

Tiếng súng càng lúc càng nổ ran, dân chúng vẫn cứ nấn ná bám theo quân ta để theo dõi tình hình. Mặt Trời phải ra lệnh cho Tango, đài hiệu của Trung úy Trần Văn Toán, ĐĐT/ĐĐ30ND giải tán dân. Hữu hiệu hơn lệnh giải tỏa là một quả 61 rơi ngay trên lộ phía trước chúng tôi khoảng 50m nổ chát chúa. Dân chúng bỏ chạy tán loạn vô nhà. Trả lại đường phố cho các quân nhân của TĐ3ND đang điều quân lên phía trước và chiếm các cao ốc.

Mặt Trời ra lệnh BCH tiến lên phía trước. Trước khi vào địa phận của giáo xứ Lạng Sơn là một ngã tư, với mấy căn nhà lầu, và một khu chợ, hôm nay không có một ai. Tới nhà thờ giáo xứ Lạng Sơn, cách tuyến đầu của tiểu đoàn đang chạm địch chỉ 100 thước. Mặt Trời ra lệnh thiết lập BCH.

Trạm cứu thương của tôi ở ngay sau lưng phía hông phải của nhà thờ, hiện các cửa đều đóng chặt khiến kế hoạch dùng nhà thờ làm trạm cứu thương trong đầu tôi tan thành mây khói. Sau khi kiểm tra, thấy có một căn nhà khá rộng, có lan can, tôi hạ lệnh đặt trạm cứu thương. Xe hồng thập tự đậu sát hông nhà thờ.

Lúc đó, theo hướng trục tiến quân thì trực diện phía trước, ĐĐ32 đã chiếm được bờ đê ấp chiến lược. Khu di cư này trước đây được xây dựng theo mô hình ấp chiến lược, nên có đắp bờ đe cao vây quanh ấp. Phía ngoài bờ đê là khu ruộng mía được trồng sát chân đê.

Cũng phía trước ở cánh trái thì ĐĐ34 của Bích Vân chạm địch nặng. Thôn xóm ở đây, khi trước vốn nằm ngoài bờ đê bao quanh ấp, chủ yếu là nơi cư ngụ của đồng bào địa phương Miền Nam và có cái tên là Xóm Dừa. Ở khoảng này bờ đê đã bị phá hủy sau khi giải tán các ấp chiến lược, có một khoảng trống là ruộng rồi tới rặng tre. Trước đó có một căn nhà lá thấp lè tè. Khi ĐĐ34 dàn quân tính sang bám bờ tre bên cánh trái thì từ căn nhà lá đó, dịch đã nã thượng liên sối sả vào quân ta gây thương tích cho một số voltigeurs (3) của đại đội. Mặt Trời và Hồng Vân cùng cố vấn Mỹ ở cách tôi khoảng 30m. Chúng tôi nhìn thấy nhau.

Tiểu đoàn đã dồn nỗ lực khá mạnh gồm đại liên 30, M60, súng M79 và cả đại bác không dật 57 nã vào căn nhà. Nhưng khi quân ra xung phong lên là lại bị việt cộng từ trong đó bắn ra gây thiệt hại cho quân ta. Chắc rằng chúng có hầm có nắp nên khi ta bắn chúng núp được. Tính tôi thích tò mò, nên đã lặng lẽ tới sát chỗ những anh em ở tuyến đầu. Đứng nép sát vào một góc tường nhìn sang khoảng trống và căn nhà lá, tôi đã nghe những tràng đạn AK 47 chát chúa bắn về phía tôi. Tiếng đạn ở thành phố nghe nó dữ dội và dễ sợ hơn ở trên rừng hay ngoài đồng trống. Biết nó bắn từ phía trước, nhưng khi nghe những tiếng chát chúa thì hình như nó bắn từ phía trái hay phía phải, hay ngay đàng sau mình; tiếng vang dội thật khiến mình dễ mất tinh thần.

Tôi chứng kiến anh em chạy ra kéo thương binh và tử sĩ từ ngoài bờ ruộng vào. Có người vì ra cứu đồng đội mà bị thương hay bị chết. Kéo được về đến chỗ tôi, tôi và anh em dìu, cáng về trạm cứu thương ở cách đó mấy thước để băng bó, điều trị. Cũng may, ngày đầu tuy số thương binh có lên đến hơn 10 người, nhưng chưa cần di tản gấp.

Nếu không dẹp được ổ kháng cự và bọn việt cộng đang thủ trong căn nhà lá và bên hông, trực diện với ĐĐ34 thì không thể có bãi đáp để tản thương bằng trực thăng. Chỉ còn cách tản thương bằng đường bộ. Xe jeep hồng thập tự, chỉ chở được hai băng ca, quá lắm là cái thứ ba đặt trên capot đàng trước tài xế. Tôi suy nghĩ nát óc. Nếu cần thì có thể dùng chiếc xe Dodge cũng được một số.

Trận chiến kéo dài cả ngày, chưa thấy một tên việt cộng nào bị bắt hay bị giết, chưa thu được một chiến lợi phẩm nào. Tôi cảm thấy sốt ruột, bực mình. Nhưng nhớ lại trận Dakto ba ngày đầu Tiểu Đoàn cũng bị vậy với tổn thất nặng nề hơn nữa. Mặt Trời và Hồng Vân đều trấn an tôi là không phải Tiểu Đoàn mới ra khỏi lò ấp nên xìu xìu ển ển đâu. Tôi cũng hy vọng là sẽ mau chóng thanh toán mục tiêu này. Nhiều phi vụ trực thăng võ trang đã được gọi tới yểm trợ cho tiểu đoàn để tấn công vào trận tuyến của địch hay để tản thương.

Trời dần tối, Mặt Trời gọi các ĐĐT về họp và lập kế hoạch đêm nay đánh đặc công việt cộng. Giống như trong trận Dakto, các Đại Đội được chỉ thị đưa ra những quân nhân thiện chiến nhất để thành lập một đội commando dưới sự chỉ huy của thượng sĩ Toản, một hạ sĩ quan kỳ cựu từng đánh trận ở Điện Biên Phủ. Lợi dụng đêm tối, khi trăng lặn sẽ bò ra dọc bờ ruộng, chủ yếu là phải thanh toán căn nhà lá bằng lựu đạn và dao găm nếu cần.

Mãi sau nửa đêm. tôi ngồi bên cạnh hố cá nhân của Mặt Trời và Hồng Vân, cố vấn Mỹ, bên một giàn máy truyền tin. Miệng tôi khô ran, đắng ngắt. Thèm một điếu thuốc nhưng có lệnh cấm lửa nên đành nhịn. Đưa tay ra sau lấy cái bi đông tu một ngụm. Rồi ngồi chờ. Trăng đã lặn. Nhìn mặt đồng hồ dạ quang, đã quá nửa đêm, cây kim nhảy từng giây thời gian dường như chậm hơn mọi khi…

Bỗng ĐOÀNH! một tiếng nổ lớn và tiếp là những tiếng nổ tương tự và từng băng súng tự động nổ ran làm cả tôi và Lê Hồng giật bắn mình lên. Bỗng “Tây coọc”, hỗn danh của thượng sĩ Toản, vang lên trên máy: Hồng Vân, đây Tango! 4 tên đầy đủ vũ khí. Cả tuyến bên hông trái cũng như phía bờ đê đều nổ ran. Những người cận vệ BCH bố trí quanh chúng tôi. Có lẽ chưa bao giờ BCH ở gần tuyến đầu như thế.

Súng các cỡ nổ cho đến sáng, trực thăng võ trang đến yểm trợ hết phi tuần này đến phi tuần khác. Bỗng ĐĐ33 đoạn hậu của Tiểu Đoàn báo cáo một toán việt cộng đã đột nhập vào khu di cư và đang kiểm soát ngã tư chợ Xóm Mới, chỗ có tiệm vàng. Chúng chiếm cao ốc này. Tôi chạy về trạm cứu thương giải quyết một số thương binh, giờ đó đã lên đến trên hai chục. Sau đó, tôi ra sân trước nhà thờ, trên đường lộ, nhìn về phía ngã tư. Ở đó súng cũng đang nổ ran, tôi tìm cách tới gần thì một quả B40 bay về phía tôi, tôi nép mình vào cửa sắt một cửa tiệm thì nó nổ chát chúa cách tôi không đầy mười thước.

Điệu này thì chắc tản thương bằng đường bộ cũng không thực hiện được rồi. Tôi chạy về đến trạm cứu thương thì có một thương binh bị thương đùi và khi mở băng cá nhân ra thì thấy rõ anh ta bị gẫy xương đùi. Một vết thương trầm trọng có thể gây kích xúc đi đến suy tâm mạch và tử vong. Đang tìm cách nẹp im đùi cho anh ta sau khi chích một mũi morphin giảm đau… thì…

Trời đất bỗng tối thui. Tôi không nghe tiếng gì, tai thì chỉ có tiếng ve kêu… Bỗng có tiếng của trung sĩ AM:
-ĐM, bás sĩ Tường chết rồi!

-Bác sĩ Tường chưa chết, tôi ráng nói mà ngực tức ran. Nhưng không được ĐM bác sĩ Tường.

-Bác sĩ ơi, bác sĩ đè em đau quá! tôi nghe ở dưới tôi có tiếng nói.

Lúc đó tôi mới nhận ra là mình đang nằm đè lên vết thương đùi của anh thương binh lúc đó. Thì ra một quả đạn súng cối đã rớt ngay ngoài ngõ, ngay sau lưng tôi. May mà có bức tường lan can ngăn cách giữa tôi và quả đạn. Ba thanh ciment đập vào lưng tôi. Cũng may có mặc áo giáp có cổ nên không có thương tích. Chiếc nón sắt bay tuốt vào trong nhà… Đứng dậy, thấy không có chỗ nào chảy máu, phủi bụi và lau mặt còn ám khói đen, tôi bước ra ngoài.

Sau trận pháo, chúng nhất loạt xung phong, nhiều tràng AK đã bắn vào hướng BCH. Tôi băng sang chỗ Mặt Trời xem người có hề hấn gì không? Rất may, không có ai làm sao cả. Các tuyến đều báo bắn hạ việt cộng và tịch thu chiến lợi phẩm. Liếc nhìn chiếc xe jeep hồng thập tự của tôi: bạt thì rách lỗ chỗ, hai bánh xe bên ngoài xẹp lép. Bỗng BCH Chiến Đoàn 3 báo trong máy, tăng cường 4 thiết vận xa cho TĐ3ND. Tôi mừng thầm trong bụng. Có phương tiện tản thương rồi đây. Nhưng mừng chưa được bao lâu thì Hồng Vân nói với tôi Ngô Tùng Châu bị thương vào ngực. Tôi nói ngay:

-Tôi lên đây!

Vừa nói tôi vừa chạy về trạm cứu thương kêu Phan Khuynh, y tá cấp cứu, và Đặng Là cận vệ phóng ra khoảng trống. Từ khu nhà ra đến bờ đê, khoảng cách chỉ cỡ 100m. Thấy có vẻ êm tôi lao người ra trong lúc Đặng Là gọi với theo:

-Bác sĩ cẩn thận

Tôi chạy khoảng được nửa đường thì súng bắt đầu nổ, thấy dưới chân mình bụi bay lên mỗi khi có viên đạn ghim xuống. Thực chất từ chỗ nó bắn, chắc nó chỉ quan sát được khoảng 10m, qua chỗ đó là không thấy nó bắn nữa. Ba thầy trò đều lao tới bờ đê cùng một lúc. Tôi lên tới chỗ trung uý Ngô Tùng Châu, ĐĐT/ĐĐ32ND thì người sĩ quan can trường này mỉm cười nói với tôi:

-Thối phổi rồi Tường Vi ơi!

-Thưa bác sĩ em đã băng kín cho Trung úy rồi. Lỗ ra không lớn lắm, y tá Nhơn của Đại Đội báo cáo.

Tôi kiểm tra tổng trạng, thấy ông còn khỏe, tôi để ông ngồi dựa một cái balô của lính cho dễ thở. Tôi cầm máy báo Mặt Trời tình hình, đồng thời cũng trình ông về vụ việt cộng còn bắn ở phía căn nhà ra lúc tôi băng ra đây. Ông đã chỉ thị cho toán đang chiếm căn nhà bung ra triệt hạ một tổ việt cộng trên bờ tre phía sau căn nhà lá.

Bỗng nhiên, toàn tuyến nổ ran, các quân nhân ĐĐ32 đều nổ súng trong lúc bên kia bờ đê có tiếng hô xung phong từ ruộng mía. Có tên vừa ló ra đã bị bắn hạ, có đứa chạy lên đến gần mặt đê mới ngã gục. Hầu hết đều mặc quần áo kaki và đi dép râu…

Hai đợt xung phong liều lĩnh của địch đều thất bại, ngoài ruộng mía đã có khoảng hơn 20 xác bỏ lại. Không biết Mặt Trời đã giao quyền chỉ huy Đại Đội cho ai mà từ tuyến mình có tiếng hô xung phong. Rồi từng đợt những người lính nhảy dù vừa bắn vừa chạy xuống bờ đê đánh vào khu vườn mía và bọc hai bên. Tôi ở lại cạnh Ngô Tùng Châu, anh lại mỉm cười:

-Mấy thằng con ngon lành rồi!

-Ông về kỳ này chắc phải điều trị vài tháng. Không biết có còn quay lại tiểu đoàn hay ĐĐ32 nữa không đây?

Châu lại mỉm cười…

Anh em ở lại đánh giặc bình yên…

Chợt nhìn trên bờ đê xuất hiện hai quân nhân khiêng băng ca trên đó có thương binh. Tôi chưa kịp nói gì thì Phan Khuynh đã chạy lại vừa lúc cái cáng được hạ xuống một chỗ bằng phẳng đưới chân đê. Tôi chạy lại vừa lúc tôi thấy anh ta gạt tay Phan Khuynh đang cầm cuộn băng bụng định đậy lên vết thương băng bó:

-Thôi, khỏi, tôi không xong rồi, để băng cho người khác… Gọi thượng sĩ nhất Ruy cho tôi.

-Tao đây!

Ông thượng sĩ già đã từng lăn lộn biết bao trận mạc từ Bắc vào Nam, thương lính như thương con, ngồi xuống bên cạnh đầu anh, mặt đã tái dần vì mất máu.

-Thượng sĩ nghe kỹ tôi dặn nghe…

Đại ý anh dặn, anh còn thiếu ai bao nhiêu, ai còn thiếu anh bao nhiêu, anh sửa đồ hoa ở đâu, dặn vợ con…

Ông thượng sĩ lắng nghe như vị linh mục nghe xưng tội, gật đầu; rồi nựng mặt người lính nhảy dù can trường.

Anh bỗng ngước mắt lên nhìn tôi và những người ở quanh anh, anh dơ tay phải lên như muốn chào tay, miệng nói:

-“Anh em ở lại đánh giặc bình yên…” rồi mắt bỗng đứng tròng, tay anh rơi xuống bên cạnh khuôn mặt thanh thản như không hề đau đớn.

Chắc anh đã lãnh cả một băng AK vào bụng. Vết thương đổ ruột ra ngoài, mất máu rất nhiều, sẽ không thể cứu chữa gì được ở trên mặt trận. Tôi ngậm ngùi trong lòng. Bỗng thấy tay mình còn ở thế chào tay tự lúc nào mà chưa bỏ xuống.

Lính Nhảy dù là như thế đó. Sòng phẳng với mình, sòng phẳng với người, sòng phẳng với đất nước, sòng phẳng với kẻ thù. Người đời gọi lính Nhảy dù là anh hùng, là thiên thần… thật tình chúng tôi chỉ là những con người cố gắng.

Thì ra đợt xung phong của địch ngày hôm nay là đợt cuối cùng để rút lui. Chúng nghĩ quân ta sẽ cố gắng phòng thủ không truy kích để chúng yên ổn chém vè. Chúng không thể ngờ là TĐ3ND có truyền thống là ngay sau đợt xung phong của địch, TĐ phản công ngay. Chính ở Đakto TĐ3ND đã chiến thắng vì chiến thuật này.

Ngay khi đó Mặt Trời và toàn BCH lên mặt bờ đê. Đặt ống nhòm về hướng Cầu Bến Phân qua An Phú Đông, địch đang hỗn loạn kéo nhau đi, dìu vác thương binh của chúng. Mặt Trời đã kêu pháo binh tác xạ vào đội hình của chúng và Chiến Đoàn đã điều TĐ1ND truy kích và tịch thu nhiều chiến lợi phẩm.

Chấm dứt nhiệm vụ tại giáo xứ Lạng Sơn, BCH/TD3ND đã rút về đóng tại Nhà Hưu Dưỡng Phát Diệm để điều động các Đại Đội tảo thanh quanh vùng.

Tiêu diệt địch tại kho đạn Gò Vấp

Nhà Hưu Dưỡng Phát Diệm nằm ở vị trí trung tâm chuỗi giáo xứ dọc theo đường lộ. Đây là một công trình kiến trúc đẹp, bằng các vật liệu nặng, kín cổng, cao tường. Bước vào cổng là một khu vườn vuông vắn, hai bên có hai dẫy nhà khang trang gồm các phòng dành cho các cha già. Chính giữa là một tòa nhà lầu khá đồ sộ, có sân thượng ở tầng lầu rộng rãi. Các cha đã dành tòa nhà chính này cho BCH/TĐ3ND trú đóng. Mặt Trời chỉ cho tôi một căn phòng rộng rãi có giường nệm tươm tất. Nhưng tôi vẫn chọn nằm trên chiếc băng ca như mỗi khi đi hành quân. Hỏi ra mới biết, đó là phòng của một danh nhân: phòng của Đức Giám Mục Ta-đê-ô Lê Hữu Từ, người từng được Hồ Chí Minh ve vãn, mời làm cố vấn tối cao trong chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945 cùng với Bảo Đại, người đã từng thống lãnh khu công giáo tự trị Bùi Chu – Phát Diệm vừa chống Việt Minh cộng sản vô thần, vừa chống thực dân Pháp xâm lược… Tôi thầm cầu nguyện, xin ngài phù trợ chúng tôi đang tiếp tục công cuộc chiến đấu chống việt cộng xâm lăng.

Chiều hôm đó, bếp Chiến và bếp Lược của Mặt Trời đã nấu một bữa cơm thật thịnh soạn. Từ hôm rời Bà Hom, thú thật tôi gần như không nuốt nổi chén cơm nào. Mỗi bữa cứ xin một hộp fruit cocktail hay miếng dưa hấu lúc ở Xóm Mới… Không thấy đói, chỉ thấy khát. Không nghĩ tới ăn, chỉ nghĩ đến đánh giặc, cứu chữa thương binh và nhất là di tản họ ra khỏi chiến trường. Còn nhớ mấy hôm trước đang nan giải vấn đề tản thương thì Tiểu Đoàn được tăng phái 2 chiếc thiết vận xa M113. Tôi xin được Mặt Trời cho phép một chiếc tản thương để giải quyết những anh em bị nặng về TYV/Cộng Hòa vốn gần ngay phía Nam Xóm Mới. Nhờ xe M113 và khẩu đại liên 50 trên pháo tháp nã đạn vào các cao ốc chỗ ngã tư chợ, xe và thương binh đã vượt qua được chỗ nguy hiểm. Phải khen ngợi tinh thần những người lính mũ đen thiết giáp. Họ đã hoàn tất nhiệm vụ di tản đến nơi, đến chốn và đã an toàn quay trở lại cùng với Tiểu đoàn chiến đấu.

Từ sau trận Chợ Cạn, Quảng Trị trong cuộc hành quân Lam Sơn 63, Mặt Trời mời tôi hàng ngày dùng bữa với câu lạc bộ Tiểu Đoàn. Bữa cơm hôm nay ngoài Bộ Chỉ Huy gồm Mặt Trời, Hồng Vân, Cố Vấn Mỹ, ĐĐT/ĐĐ30, còn có thêm các “tony” mới về trình diện Tiểu Đoàn. Đó là mấy Thiếu úy vừa tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Những vị sĩ quan hiện dịch, chọn đời lính làm nghiệp. Mặt Trời tính rất hào phóng và rất thương yêu đồng đội, nên các “tony” đã được mời dùng bữa với ông trước khi trở về các Đại Đội.

Đêm hôm đó, không nghe tiếng súng, trăng lên cao trên mấy hàng cau trong nhà hưu dưỡng. Tôi ra sân thượng, bàn ghế còn ngổn ngang sau bữa ăn tối, hút điếu thuốc Pall Mall, cố vấn Mỹ vừa được tiếp tế hồi chiều, tặng cho một bao. Dưới ánh đèn trong phòng tôi hắt ra, tôi lấy thư bà xã vừa nhận hồi chiều ra đọc. Đại ý bả nói, thấy yên rồi, nên xin phép đưa mấy đứa về nhà. Tôi nghĩ cũng phải, vì dù sao ở nhà cũng vẫn tiện nghi hơn trong doanh trại với trạm cứu thương chật hẹp. Cẩn thận xếp thư vào túi ngực, định bụng, sáng mai sẽ nhờ truyền tin gọi cho hậu cứ để bả về nhà, tôi vào phòng, tháo đôi dầy botte de saut, chui vào mùng đi ngủ.

Giật mình choàng dậy vì những tiếng nổ lớn… Không lẽ tụi nó pháo vào khu này để tấn công? Đai nịt gọn gàng, phóng sang bên chỗ Mặt Trời thì mới biết là chúng tấn công Kho Đạn Gò Vấp. Đã có lệnh cho TĐ3ND can thiệp. Nghe trong máy truyền tin Hồng Vân chuyển lệnh Mặt Trời cho ĐĐ31 chuyển quân ngay trực chỉ Kho Đạn. Những tiếng nổ lớn không phải là địch pháo kích mà là đạn đại bác trong kho đạn phát nổ. Không biết là do ta cho nổ hay địch phá hủy. Tiểu Đoàn được lệnh di chuyển tới vùng Kho Đạn. Tôi lấy xe Hồng Thập Tự phóng lên phía trước Từ xa xa đã thấy những cột khói đen bốc lên và tiếng nổ càng lúc càng gần. Tôi cho xe tắp và sát bờ tường gần cổng vào. Một số quân của Đại Đội 31 còn nép dọc theo bờ tường, chờ xung phong vào trong kho đạn.

-Sao chưa vào được hả, tôi hỏi trống không.

-Tụi nó ở trong bắn đại liên ra., một Thiếu úy mới nói.

Một lát sau, tôi thấy trung đội của ông thiếu uý này băng qua cổng vào bên trong. Tôi và trạm cứu thương là những người sau cùng của toàn quân chạy vào. Chúng tôi tắp vào phía bên phải mặt tiền của dẫy nhà Eiffel, có lẽ là ban chỉ huy kho đạn. Tôi bảo anh em thiết lập trạm cứu thương tại đó. Đã bắt đầu có một vài anh em bị thương được dìu, cáng về đây. Chúng tôi có việc làm ngay rồi. Những tiếng nổ lớn tiếp tục vang rền nhưng thưa thớt hơn trước. Những lúc chưa có thương binh, tôi đã bọc ra phía sau, tức là phía đang có đụng trận giữa ta và địch. Hai chiếc M113 len lỏi giữa các ụ chất đạn pháo binh. Trên nóc xe có lính TĐ3 ngồi cạnh pháo tháp, nhằm phía tường thành phía sau doanh trại tác xạ. Chiếc xe cứu hỏa của quân đội cũng tích cực, bất chấp đạn địch, cố gắng phun nước vào đám cháy phía sâu bên trong, gần lô cốt sát tường phía sau. Giữa hai loạt đạn, tôi ghé mắt nhìn ra phía đụng độ, thấy tường thành phía sau có một lỗ hổng lớn, đường kính phải rộng đến 3 thước. Tôi thấy đại liên 50 của chiếc M113 đậu sau ụ đất nhả đạn liên tục vào lỗ hổng đó. Tôi đã thấy dường như có người chạy vừa vào đến đó đã bị bắn gục, có kẻ chạy ra, chưa lọt cũng bị đốn ngã. Hay thiệt! Tôi đã báo cáo Mặt Trời phải tưởng thưởng các chiến sĩ thiết giáp này.

Bỗng có ai gọi tôi đàng sau. Tôi chạy lại thì một y tá của tôi nói, có xe jeep của ai đậu chắn ngang cổng, xe tản thương không ra được. Tôi chạy ra thì quả là có chiếc xe jeep không phải của Nhảy Dù. Tôi hét lên:

-Xe của ai, mang đi chỗ khác!

Tôi tới chỗ sát chân tường nới có lẫn lộn mấy người lính của mình lẫn với bộ binh. Bỗng nghe thấy đứng sát tường, phía sau tôi, một người mặc áo giáp, nói:

-“Xe của tôi. Để tôi nói em nó lái ra chỗ khác”

Vì áo giáp che cổ áo, nên tôi không biết ông này là ai, cấp bậc gì. Anh lính bộ binh lấm lét nhìn vào trong kho đạn rồi chạy ù ra nhảy lên xe, đề máy, rất may, máy nổ liền, anh ta phóng lên phía trước, vừa lúc một tràng AK bắn với ra phía cổng, tầm đạn bay cao ngang đầu. Một lúc sau, có ai đó nói với tôi rằng:

-Đại tá Đồng Văn Khuyên đó!

Tiếng nổ vừa dứt, tôi phóng trở vào trong. Và dặn tài xế xe hồng thập tự chạy qua cửa thật nhanh để tránh bị bắn. Nhìn kỹ lại, thì ra địch từ nóc lô cốt bắn ra cửa. Chứ toàn bộ kho đạn, quân ta đã tảo thanh hết địch rồi. Chỉ còn trong lô cốt là có tụi nó, và thường hay trồi lên bắn về phía quân ta. Xác địch nằm rải rác bên cạnh các ụ đạn khá nhiều. Súng ông và quân dụng của chúng được gom lại gần trạm cứu thương. Quân ta, cho đến lúc khoảng giữa trưa, không có nhiều thương binh, không có tử sĩ. Xe cứu hỏa hết hoạt động được vì các vòi rồng bị trúng đạn phun nước tung tóe. Cũng may là các đám cháy không còn nữa và cũng hết tiếng đạn nổ. Đại Đội 31 xung phong tới lỗ hồng ở bờ tường phía hậu kho đạn. Phía trong và phía ngoài lỗ hổng, ngổn ngang hơn ba chục xác giặc với đầy đủ vũ khí.

Đang lúc quân ta còn đang reo hò chiến thắng thì bỗng có tiếng nổ lớn ngay phía sau khiến có mấy quân nhân của mình ngã xuống. Thì ra cái lô cốt cao khoảng 6m, nằm trong vòng thành còn có việt cộng trong đó. Chắc chúng không dám chạy ra lỗ hổng, nên đã chui vào lô cốt, đóng chặt cửa sắt, tử thủ. Thỉnh thoảng chúng mở cửa trên vọng gác có mái bê tông che, ném lựu đạn ra.

Tất cả các loại súng lớn nhỏ đã nhắm vào cái lô cốt nhả đạn. Quân ta lúc đó chưa có đạn chống chiến xa nên không sao bắn xuyên qua cánh cửa sắt của lô cốt. Từ trưa đến chiều, hàng chục ngàn viên đạn bắn vào mà chiếc lô cốt chỉ mất lớp xi măng ngoài, trơ cốt sắt ra. Trong một phản ứng của địch, chúng đã ném ra một trái lựu đạn, trong lúc xung quanh, quân mình còn đang đứng bắn vào cửa sắt. Chưa kịp báo động thì lựu đạn phát nổ, một người nằm xuống. Tôi chạy lại thì đó là một trong những “tony” Thiếu úy mới đáo nhậm tiểu đoàn hôm qua. Chưa kịp nhớ tên thì nghiệp lính của anh đã hết.

Một nỗi buồn dâng lên trong tâm hồn tôi khi nhớ lúc trên tay tôi, anh nấc lên từng hồi, mắt môi hé mở, rồi… ra đi… Tôi đau xót nhìn theo anh em cáng anh ra đi ra phía trạm cứu thương.

Chung quanh lô cốt, các chiến sĩ TĐ3 tìm cách ném lựu đạn vào khe hở giữa mái che và bờ thành lô cốt. Nhưng gần như tất cả đều không ai ném lọt. Không biết bị hụt bao nhiêu lần rồi, lần này thượng sĩ Minatra, hạ sĩ quan trong toán cố vấn Mỹ ném lọt một quả M26 lọt vào bên trong. Lựu đạn nổ tung, khói tỏa ra khe cửa sắt dưới chân lô cốt. Chắc chúng nó tiêu rồi. Lúc đó, anh em đã có thể bám sát lô cốt. Người ta mang khẩu đại bác không dật 57 lại thổi thẳng vào cửa sắt làm cửa bung ra. Những người lính Nhảy Dù đầu tiên của ĐĐ31 nhảy vào và đưa ra một lá cờ đảng mầu đỏ với búa liềm mầu vàng chéo nhau, một lá cờ Mặt Trận Giải Phóng, nửa đỏ nửa xanh sao vàng, và một tấm hình Hồ Chí Minh bằng vải dệt tại Thượng Hải. Ba khẩu AK47 và một khẩu súng lục K54. Chắc đây là ban chỉ huy của tiểu đoàn việt cộng tiến đánh kho đạn. Chúng đã bị đồng đội sống sót rút ra khỏi kho đạn bỏ lại trong cái lô cốt oan nghiệt này.

Tôi rút ra ngoài vừa lúc Mặt Trời và BCH/TĐ tới nơi. Tôi báo cáo sơ khởi. Mặt Trời cũng lấy làm tiếc như tôi: nếu không có cái chết của ông Thiếu úy mới ra trường thì bên ta chỉ có 5 hay 6 người bị thương gì đó, thiệt hại rất nhẹ. Địch thì chết la liệt, hàng chục súng ống đã lọt vào tay TĐ3ND.

Tối nay, BCH/TĐ trở lại nhà hưu dưỡng. Tôi bỗng khựng lại khi bước lên sân thượng. Chính ở chỗ này, tôi đã bắt tay các sĩ quan mới ra trường về TĐ3. Tôi không còn nhớ khuôn mặt anh ta lúc tôi bắt tay. Tôi chỉ nhớ khuôn mặt nhợt nhạt với tiếng nấc cuối cùng của anh trên tay tôi.

Ngày hôm sau, TĐ3ND được lệnh di chuyển đến Trại Cưa Quân Đội để chuẩn bị tiến vào khu An Phú Đông truy kích địch. Sáng hôm đó, có một binh sĩ Tiểu Đoàn gặp tôi, chào kính rồi nói nhỏ:

-Em có cái này muốn tặng bác sĩ.

Còn đang sửng sốt thì anh ta dúi vào tay tôi một miếng vải và một sấp giấy rồi vội vã bỏ đi, chưa kịp cho tôi cảm ơn. Tôi kín đáo mở miếng vải ra xem: Thì ra đó là tấm hình Hồ Chí Minh dệt khá đẹp, lớn hơn bàn tay một chút. Sấp giấy là một bức thư lấy trên xác việt cộng. Tôi bỏ tất cả vào túi. Ăn trưa qua loa xong, tôi kéo Đại úy Andrews ra hút thuốc và lấy tấm hình ra khoe. Thấy trong mắt anh ta ánh lên một sự thèm thuồng. Tôi ngẫu hứng hỏi:

-Do you want it?

-Oh yes!

-I offer it to you!

-Oh no, I don’t believe it! Thanh you Bac Si! Thank you so much!

-Forget it. It’s my pleasure.

Thực chất, tôi rất cảm ơn anh lính đã cho tôi món quà mà anh đã đánh đổi mạng sống mình để đoạt được nó. Nhưng thấy cái bản mặt tên Hồ thì tôi lại không quên được những hình ảnh khốc liệt của cải cách ruộng đất năm xưa. Tôi không muốn giữ nó. Vì thế nên tôi có nhã ý tặng lại cho người bạn đồng minh, đã bỏ quê nhà qua chiến đấu bên cạnh tôi, và biết đâu, có ngày sẽ bị hy sinh vì chúng ta. Đang còn nói chuyện với Andrews thì tôi bỗng giật mình vì thấy vợ tôi ôm đứa con nhỏ nhất đang đi đến phía tôi. Tôi chạy lại hỏi:

-Làm sao bồ tới được đây?

-Em theo xe tiếp tế. Chú Trực nói, có phép của Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng.

Dĩ nhiên là tôi quá mừng và đây là điều ngạc nhiên thú vị nhất. Chúng tôi hàn huyen được một lúc, trước khi nàng phải theo xe về. Tôi nói với Trực là ngày mai cho bả và các con tôi về nhà. Chiến sự đã ra ngoài thành phố rồi.

Trước khi chia tay, vẻ mặt nghiêm trọng; vợ tôi nắm tay tôi nói:

-Trước đây em chỉ đồng ý cho anh đi Nhảy Dù một năm rồi phải về đi đơn vị tỉnh tại. Nhưng mấy hôm ở trên trại, em thấy mỗi lần xe chở xác các anh em về, vợ con họ chạy lên, khóc lóc đòi xem mặt. Nhưng khi mở poncho ra họ vừa bỏ chạy vừa khóc, vì có người bị cháy xém cả mặt mày… Em thương lính của anh và các người vợ lính lắm. Em nói hết cho anh nghe nha: Anh muốn đi bao lâu cũng được. Anh em cần anh lắm đó.

Tôi nghe mà lặng người. Nàng lên cabine chiếc xe GMC vẫy tay chào tạm biệt.

Đây An Phú Đông!

Ngay chiều hôm đó Tiểu Đoàn trực chỉ tiến vào khu An Phú Đông, một địa danh có tiếng thời Việt Minh. Vùng này từ đó vẫn được coi là vùng xôi đậu. BCH tiểu đoàn chia ra đóng tại một số căn nhà gạch bỏ trống ở “miệng túi” vùng An Phú Đông, vốn là một eo đất, một bán dảo nằm giữa vòng lượn của sông Sài Gòn.

Nếu không có chiến tranh, không có những trận chiến ác liệt vừa xảy ra ở trong vùng này thì đây quả là một vùng đồng quê êm đẹp. Những vườn cau, đang trổ hoa, những ruộng trồng huệ đơm bông trắng ngần. Những vườn ngâu cao vượt đầu người, hoa vàng thơm ngát. Đêm xuống với ánh trăng sáng vằng vặc khiến tôi nhớ đến những văn hào của Tự Lực Văn Đoàn khi xưa tả những cây cau trong bóng đêm, trông như những con nhện khổng lồ treo mình bằng sợi tơ vô hình từ trên trời thả xuống, hay ánh trăng loang loáng trên các tầu lá cau cho cảm tưởng như ướt át sau một cơn mưa… Bỗng nhớ lại sấp giấy anh lính trao cho tôi còn nằm trong túi. Tò mò, tôi lấy ra, bật đèn pin có kính mầu đỏ ra đọc.

Bức thư này của một người lính việt cộng mang tên là Khang. Anh ta đã rời quê hương Hưng Yên và được điều đến chiến trường Bắc Sài Gòn, để rồi đã bỏ mình bên hàng rào kho đạn Gò Vấp chiều hôm qua. Lá thư đang viết dở dang. Chữ viết đều đặn, nghiêng nghiêng cho thấy anh chắc đã học hết cấp ba. Thư viết cho một người tên Hải, không rõ là người yêu, là vợ, là em gái hay em trai. Lời lẽ rất thân thương. Thời gian sắp 48 năm qua, không nhớ từng câu từng chữ. Nhưng đại để anh viết, đây là lá thư đầu tiên gửi về thăm “nhà” từ “miền Nam ruột thịt”. Anh khoe “Anh hãnh diện sẽ là một trong những người đầu tiên nện gót dày trên thành phố mang tên Bác”. Thì ra, ý định đổi tên Sài Gòn đã có từ những năm đó, chứ không phải là sau ngày 30/04/1975. Anh kể những gian khổ, bom đạn, sốt rét trên rừng Trường Sơn. Không có xóm làng, không gặp ai chào đón như được học tập. Cho đến lúc nhìn thấy được nhà dân ở xa xa thì cũng là lúc được lệnh phải “ếm quân tránh địch đi càn”. Anh kể, nghe ké đài của cán bộ mới biết “ngoài mình” đang chuẩn bị Tết. Anh thú thật “cũng chẳng biết ngày nào là Tết, đã qua rồi hay sắp tới.” Trước khi anh và đồng đội tới đây, anh đã được cán bộ “lên lớp” là “nhân dân miền Nam đang nổi dậy và đang chờ đón quân giải phóng”. Anh rất phấn khởi… Và lá thư đã bị bỏ dở dang ngay chỗ đó. Dở dang vĩnh viễn…

Tiếng côn trùng, ếch nhái vang lên trong đêm, tôi không dám đốt điếu thuốc đã cầm trên tay, sợ làm mất đi cái hương thơm đồng nội. Tôi đi vào giấc ngủ cảnh giác một cách êm đềm. Đầu óc diễn lại bao nhiêu biến cố hiểm nguy, đau buồn, cảm động… đã diễn ra trong cái ngày hôm nay.

Sáng sớm, tôi thức giấc lúc trời mới hừng sáng, không bằng tiếng nổ, không cần ai đánh thức. Tôi đã được đánh thức bằng hương hoa vùng An Phú Đông. Thật là khoan khoái. Tôi chui ra khỏi mùng, đi ra ngoài hè lát gạch đỏ ối, hoa cau rụng trắng cả lối đi. Cùng lúc các mùi thơm của huệ, hoa lài, hoa ngâu, và dĩ nhiên là hoa cau… đầy ắp không gian. Gần 50 năm sau, khi viết những dòng này, tôi còn dường như ngửi thấy tổng hợp những hương thơm huyền diệu đó. Rất khó tả nó là mùi gì vì là sự pha trộn những mùi hương nhẹ nhàng nhất, êm ái nhất mà tạo hóa đã ban cho từng loài hoa. Giữa nơi bom đạn, lửa khói như hỏa ngục, đã có những khoảnh khắc thanh thoát lừng hương hoa thơm cỏ lạ như cảnh thiên đường! Quả là huyền diệu…

Bỗng Trung tới, mời tôi sang họp BCH. Thế là lại bắt đầu một chuỗi ngày súng đạn nữa rồi. Càng tiến sâu vào vùng An Phú Đông, các ruộng vườn hoa thơm dần dần nhường chỗ cho những bãi mía mênh mông. Tiểu Đoàn đi được nửa ngày thì súng nổ. Địch quân ở trong các ruộng mía bắn ra. Khi quân ta bắn trả thì chúng rút sâu vào trong rừng mía. M16, M60 nã vào chỉ làm gẫy cây mía mà việt cộng thì an toàn. Tiểu đoàn đã điều động tất cả M79 câu vào giữa ruộng. Bỗng có một trái M79 gây đám cháy, gió thổi vào làm cả ruộng mía phát hỏa, khói bốc lên nghi ngút. Việt cộng trong ruộng bỏ chạy thục mạng ra ngoài, không biết phương hướng nào cả, nhiều tên chạy thẳng vào phía quân ta. Có đứa bị bắn hạ, có đứa bị bắt sống. Từ đó, mỗi khi gặp “trận địa mía” là ta đánh hỏa công. Lần nào ta cũng thắng.

Càng vào sâu, địch càng chống trả mãnh liệt. Quân số của địch chắc cũng phải cấp tiểu đoàn vì chúng có cả súng cối và đại liên. Lực lượng giang thuyền của hải quân ta đã từ ngoài sông đã dùng súng MK-18 gắn trên tầu bắn từng tràng M79 vào các lùm cây ven bờ khiến địch quân bị kẹt giữa hai lằn đạn phía trước và phía sau. Trực thăng võ trang cobra của Mỹ đã tác xạ rất chính sác vào các ổ súng cộng đồng của địch. Từng ổ việt cộng bị tiêu diệt vì không có lối thoát, không có tiếp viện. Những đứa nhảy xuống sông lặn vào giữa những bụi cây um tùm cũng bị bắt sống hoặc bị lựu đạn chết chìm tại chỗ.

Trận An Phú Đông kéo dài mấy ngày liên tiếp, bên ta chỉ có một số không đáng kể bị thương nhẹ. Địch tổn thất nặng. TĐ3ND một mình một chợ đã tịch thu hàng trăm vũ khí đủ loại.

Sau trận An Phú Đông Tiểu Đoàn được điều đến an ninh vòng đai phía Bắc Sài Gòn. Bộ Chỉ Huy đóng gần Hãng Bột Ngọt Vị Hương Tố.

Cuộc tấn công của việt cộng trong dịch Tết Mậu Thân tại Sài Gòn đã bị hoàn toàn thất bại, với những tổn thất rất lớn cho địch. Một lần nữa, TĐ3ND, dù mới được bổ sung quân số và tái huấn luyện, đã chứng tỏ vẫn duy trì được truyền thống bách chiến bách thắng của Tiểu Đoàn từ ngày mới thành lập đến nay. Trận đánh ở Xóm Mới đã thắng lợi lớn vì bẻ gẫy được mũi tấn công của địch vào phía Bắc phi trường Tân Sơn Nhất và thủ đô Sài Gòn. Nó còn một thành công nữa về tình quân dân cá nước. Ông y tá trưởng của tôi và nhiều quân nhân khác của tiểu đoàn đã thành rể Xóm Mới.

Những tấm huy chương, những cặp lon mới đã nở trên cổ áo, trên ngực của rất nhiều quân nhân Tiểu Đoàn. Cờ Tiểu Đoàn được gắn thêm một Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu nữa. Chỉ cần một huy chương nữa là TĐ3ND sẽ được mang dây biểu chương mầu tam hợp.

Bây giờ khi ngồi viết những dòng này mới thấy thời gian đã xóa mờ nhiều ký ức, nhiều chi tiết, nhiều kỷ niệm. Mong rằng những ai của TĐ3ND đã dự trận này bổ túc thêm. Sao cho thế hệ con em chúng mình biết được những gì cha anh họ làm trong những ngày chiến đấu lịch sử trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Tiểu đoàn đóng ở Hãng Bột Ngọt chưa được bao lâu thì đã được không vận ra miền Huế để tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 207A hay Pegasus, giải tỏa Khe Sanh. Nhưng đó lại là chuyện khác.

MĐ Trần Đức Tường
Chỉ Huy Trưởng KBC 3053
Mùa Noel 2015

http://lhccshtd.org/sdnd/ld3nd/td3nd/hk/2016/gdmdhtd_ld3nd_td3nd_hk_2016_td3ndvatranMT68_2016FEB17.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn