Chiến Đoàn Dù Tiếp Cứu Tiền Cứ Đức Cơ Tháng 8/65

Thứ Ba, 23 Tháng Mười Một 20214:34 CH(Xem: 3530)
Chiến Đoàn Dù Tiếp Cứu Tiền Cứ Đức Cơ Tháng 8/65
  • Vương Hồng Anh
Chiến Đoàn Dù Tiếp Cứu Tiền Cứ Đức Cơ Tháng 8 năm 1965 – dòng sông cũ

Như đã trình bày, đầu tháng 8/1965, Cộng quân khởi động cuộc tấn công cường tập tiền cứ biên phòng Đức Cơ. Để giải tỏa áp lực của CQ và tiếp cứu đơn vị trú phòng, 1 chiến đoàn Nhảy Dù gồm 2 tiểu đoàn do thiếu tá Ngô Xuân Nghị chỉ huy-đang tăng phái cho Quân đoàn 2, đã được điều động tiếp cứu Đức Cơ. Ngày 5 tháng 8/1965, chiến đoàn Nhảy Dù đã được trực thăng vận xuống khu vực kế căn cứ Đức Cơ, giao tranh đã diễn ra quyết liệt giữa chiến đoàn Nhảy Dù và các đơn vị Cộng quân. Tham dự cuộc hành quân tiếp ứng này, cố vấn của chiến đoàn là thiếu tá Norman Schwarzkope-vừa được đặc cách thăng cấp mặt trận vào đầu tháng 8/1965; năm 1991 là đại tướng tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ và Đồng Minh tại Vùng Vịnh, đã nỗ lực can thiệp với các đơn vị Không quân Hoa Kỳ yểm trợ cho chiến đoàn Nhảy Dù về hỏa lực Không quân chiến thuật và các phi vụ tiếp tế tải thương khẩn cấp, ông cũng đã chia xẻ với các người bạn Nhảy Dù VN những gian khó ngoài chiến trường. Khi trở thành một danh tướng, ông vẫn nhớ rất rõ diễn tiến của trận chiến Đức Cơ và đã ghi lại chi tiết trong cuốn hồi ký của ông.
Trong số trước, chúng tôi đã giới thiệu với bạn đọc phần 1 bài hồi ký của đại tướng Norman Schwarzkope nói về các khó khăn của chiến đoàn Nhảy Dù trước khi nhập trận và sự chống trả mạnh của CQ khi các đơn vị Nhảy Dù nhảy xuống bãi đáp kế bên căn cứ Đức Cơ. Sau đây là phần 2 của bài hồi ký, được biên tập dựa theo bản dịch đã được phổ biến trong tạp chí KBC năm 1994.

https://padresteve.files.wordpress.com/2012/12/sch0-017.jpg

* Chiến đoàn Nhảy Dù và thiếu tá Schwarzkope tại Đức Cơ:
Người đầu tiên mà tôi (cố vấn Schwarkope) gặp khi vừa xuống bãi đáp (cạnh căn cứ Đức Cơ) là 1 trung úy của Quân đội Hoa Kỳ, anh ta tự giới thiệu là cố vấn của trại. Gặp anh, tôi nhận ra rằng có lẽ trên đời tôi chưa gặp một người nào có niềm vui hơn anh ta vì trại của anh đã bị bao vây nhiều ngày và có thể bị thất thủ bất cứ lúc nào nếu không được giải cứu.
Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu tiến quân theo như dự trù, đơn vị tiền phong bị chận đánh gây tử thương cho 3 quân nhân Nhảy Dù. Khi trực thăng vào tiếp tế đạn theo yêu cầu của chúng tôi, sau khi đem đạn xuống thì binh sĩ bắt đầu đưa thi hài lên trực thăng nhưng phi công đẩy xuống không chịu chở, thấy vậy tôi phóng tới leo lên càng phía phi công hỏi nguyên do thì anh phi công nói không dám chở thi hài vì máu và phân sẽ dính xuống sàn. Tôi nói với anh ta là cần phải đem các thi hài này, nếu không chúng tôi phải khiêng theo. Viên phi công trả lời là anh ta không cần biết và không chịu chở. Tôi nghĩ nếu những thi hài này là người Mỹ thì chắc chắn không có gì để tranh luận và anh phi công đã chở ngay, khiến tôi cảm thấy quá chua xót. Tôi nói cho anh ta hay là tôi sẽ không bước khỏi càng trực thăng nếu họ không chịu chở và phi cơ sẽ không rời khỏi nơi đây. Còn nếu anh ta cất cánh mà tôi bị rớt xuống thì anh ta phải chịu trách nhiệm hoặc tôi sẽ bắn anh ta. Tôi biết là tôi chỉ dọa nhưng cuối cùng phi công đã chịu chở. Tôi đâu có nghĩ là chỉ với hành động nho nhỏ của tôi đã đi sâu vào tinh thần của những người chiến binh Việt Nam vì họ thấy một người Mỹ bất chấp nguy hiểm để lo cho họ và tin này đã được truyền về Sài Gòn tới tai tướng Dư Quốc Đống-tư lệnh Nhảy Dù và tất cả Cố vấn.

Report this ad

Chúng tôi tới biên giới sau một đêm dừng quân phòng thủ. Ngày hôm sau đổi hướng tiến về phía Nam theo như lệnh hành quân. Đang di chuyển trong khu rừng quá rậm rạp thì có tiếng súng nổ, nhưng có muốn cũng không thể tránh né vào chỗ nào cả và cũng chẳng thấy gì hết. Tiếng nổ khởi động tác xạ của súng cối địch nghe liên tiếp và chắc chắn hướng về phía chúng tôi nhưng tất cả các chiến binh Nhảy Dù VN tỏ ra rất bình tĩnh. Nếu chúng tôi không về tới trại Đức Cơ mà phải ở lại giữa rừng thì địch quân sẽ điều động lực lượng tăng cường để tấn công trong đêm hoặc trễ lắm là sáng hôm sau. Cuối cùng chúng tôi cũng về tới căn cứ, với hơn 40 người chết và gần 100 bị thương.

Tôi liên lạc với Pleiku nhiều lần yêu cầu tản thương nhưng đều bị từ chối với lý do rất nguy hiểm cho phi cơ khi vào vùng phải bay qua khu vực có quá nhiều phòng không. Nhưng trung úy Earl S. Van Eiweegen nghe biết tin này tại một quán rượu ngoài Pleiku đã tình nguyện vào tản thương cho chúng tôi. Khi phi cơ xuất hiện, phòng không địch bắn lên dữ dội nên tôi nghĩ là Van Eiweegen và 3 nhân viên trong phi hành đoàn của anh khó có thể đáp xuống phi đạo được. Nhưng cuối cùng anh đã đáp xuống và phi cơ bị trúng đạn khá nhiều và bị chảy dầu. Trong lúc chờ đợi phi cơ tới, phi đạo bị pháo kích rất nhiều, thêm một số binh sĩ bị thương cũng được sắp xếp để tải thương luôn. Phi công đã tỏ ra rất bình tĩnh, anh ngồi trên màn hỏa lực phòng không của địch bắn dữ dội và phi cơ bị hư nặng nên phi công đã bay thẳng về Sài Gòn thay vì về Pleiku. Tôi nghĩ đó cũng là một điều rất tốt vì các thương binh sẽ được săn sóc chu đáo hơn. Đó là một chuyến bay rất nhân đạo, can đảm phi thường của phi hành đoàn…
Chúng tôi còn khoảng 20 thi hài đang nằm trên phi đạo và bắt đầu chảy nước, khi trực thăng đáp xuống chúng tôi phải tự đem lên vì phi hành đoàn không dám sờ vào, nước hôi thối chảy dính vào tay áo mặc dù tôi cố rửa nhiều lần nhưng vẫn không thể nào sạch được… Một vị tướng Mỹ cùng đến Đức Cơ với cố vấn Quân đoàn và rất nhiều phóng viên. Ông hỏi tôi về vấn đề ăn uống cũng như thư từ, tôi trả lời cho xong việc là mọi thứ đều tốt đẹp cả nhưng họ có biết đâu là chúng tôi chỉ có cơm với muối và lá rừng làm rau. Ông cũng không hỏi han về thiệt hại của đơn vị, thiệt hại của địch cùng những trở ngại khi gặp phải trong lúc hành quân, ngõ hầu có thể nghiên cứu hoàn chỉnh cho tương lai.

Tôi rất vui vẻ trong suốt thời gian một năm làm việc với quân đội Việt Nam Cộng Hòa và tôi không muốn rời họ để ra đi, nên tôi đã viết đơn gửi cho bộ Tư lệnh Lục quân tình nguyện kéo dài thêm nhiệm kỳ phục vụ của tôi tại Việt Nam nhưng bị từ chối và ra lệnh cho tôi phải về làm việc tại West Point như đã được chỉ định.
Ngày cuối cùng nhất là ngày buồn thảm nhất khi tôi chào từ biệt mọi người, nhất là đối với trung sĩ Hùng, một người đã phụ giúp và gần gũi với tôi trong thời gian làm việc với Nhảy Dù cả ở ngoài mặt trận cũng như ở hậu cứ. Nước mắt Hùng trào ra, anh đã khóc với tôi. Phải vô tư mà nói rằng trong suốt một năm dài làm việc với đơn vị Nhảy Dù tôi chưa hề thấy một quân nhân Việt Nam nào khóc, nhưng trung sĩ Hùng đã khóc với tôi khi từ giã. Khi phi cơ bắt đầu chạy trên phi đạo, các quân nhân ngồi xung quanh tôi đều vui mừng vì họ bắt đầu trở về sau một năm dài đùa rỡn với tử thần. Nhưng riêng với cá nhân tôi, tôi đã xúc động đến nghẹn ngào, nhất là khi nhìn qua cửa sổ thấy một đơn vị Nhảy Dù đang lên phi cơ để ra hành quân ngoài Miền Trung. Tôi cảm thấy quá xót xa vì phải rời xa những người mà mình đã cùng chiến đấu, và tôi cũng đã tự coi tôi là một thành phần trong đơn vị. Trong thâm tâm tôi có cảm tưởng đã bỏ rơi họ.

https://padresteve.files.wordpress.com/2012/12/sch0-007a.gif?w=500

* Đại tướng Norman Schwardkope và những kỷ niệm đầu tiên khi mới đến Việt Nam:
Cũng trong hồi ký chiến trường nêu trên, đại tướng Schwardkope đã nhắc lại những kỷ niệm đầu tiên khi mới đến Việt Nam và những nhận xét của ông về binh chủng Nhảy Dù VNCH:
Chúng tôi vừa đến phi trường liền được xe bus của quân đội đưa về tạm trú tại khách sạn Majestic nhằm sát bờ sông Sài Gòn cuối đường Tự Do. Cùng đi với tôi có anh bạn John bạn học ở West Ponit anh ta có một danh sách tên và địa chỉ những nhà hàng sang trọng tại Sài Gòn nên chúng tôi dự tính sẽ có một bữa ăn ngon để đánh dấu một ngày đầu tiên tới xứ này. Nhưng buổi tối chúng tôi đổi ý nên lên ăn ở trên sân thượng của khách sạn, thức ăn vừa được bày ra thì một tiếng nổ khá mạnh ở phía dưới. Mọi người đều nằm xuống sàn, riêng tôi và John lại đứng lên để quan sát nên được biết đó là trái mìn claymore do VC đặt tại Mỹ Cảnh, nhà hàng đứng đầu trong danh sách của John và phải chăng đây là sự chào đón chúng tôi.
Ngày hôm sau một trung tá của phòng Nhân viên thông báo là tôi được lựa chọn bổ nhiệm vào công tác tham mưu làm việc tại Sài Gòn trọn nhiệm kỳ, nhưng tôi ngỏ ý muốn được đưa ra tiền tuyến hơn. Ban đầu ông ta nói không còn chỗ trống, nhưng sau cùng hỏi lại là tôi có đồng ý đi làm cố vấn cho đơn vị thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh không, hỏi như vậy nhưng ông lại nêu ra trường hợp để cho tôi e ngại: một đơn vị của Sư đoàn này trong một cuộc hành quân khi rút lui đã bỏ rơi Cố vấn lại phía sau, thế nhưng tôi trả lời không có gì trở ngại đối với tôi vì tôi không muốn ngồi làm việc ở văn phòng ngày này qua ngày khác, nên tôi đồng ý đi Sư đoàn 25 BB.
Ngày kế tiếp, khi tôi đang lãnh đồ tại trung tâm tiếp liệu thì Leroy người bạn cùng phòng ở trường Võ bị West Point tới, anh mặc quân phục ngụy trang, đội nón đỏ với huy hiệu Nhảy Dù VNCH mà anh là cố vấn, anh ta nói tại sao không cho anh ta biết khi tới Việt Nam và anh liền sắp xếp cho tôi gặp đại tá Naughton, cố vấn trưởng Lữ đoàn Nhảy Dù (vào thời gian này binh chủng Nhảy Dù còn ở cấp lữ đoàn, với 7 tiểu đoàn tác chiến, đến ngày 1 tháng 12/1965 được lên cấp Sư đoàn Nhảy Dù). Khi đại tá Cố vấn trưởng Nhảy Dù biết rằng trước đây tôi có phục vụ ở Sư đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ và nói được tiếng Pháp nên ông cho biết là tôi rất thích hợp với chức vụ cố vấn cho một đơn vị Nhảy Dù, ông cũng liên lạc với bộ Tư lệnh MACV yêu cầu thay đổi lệnh bổ nhiệm trước, và tôi được bổ nhiệm làm cố vấn cho một chiến đoàn Nhảy Dù vừa thành lập.
Nhảy Dù QL/VNCH là một binh chủng rất thiện chiến, đa số sĩ quan và hạ sĩ quan đều có khả năng kinh nghiệm chiến trường. Cố vấn đến rồi đi, ngược lại họ phải chiến đấu cả đời, khi thắng trận thì cố vấn được huy chương nhưng nếu thất bại thì người chỉ huy bị khiển trách, phải thẳng thắn nhìn nhận là các cấp chỉ huy Nhảy Dù giàu kinh nghiệm trận mạc, họ không cần đến sự cố vấn của chúng tôi.


Nguồn: https://vietbao.com/a48568/chien-doan-du-tiep-cuu-tien-cu-duc-co-thang-8-65

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn