Những Người Xếp Đi Qua Đời Tôi

Thứ Bảy, 21 Tháng Tám 20214:00 CH(Xem: 2577)
Những Người Xếp Đi Qua Đời Tôi

HINH-VIET-VE-NUOC-MY

Xếp. (hình minh họa – nguồn: https://www.businessinsider.com)

Tác giả  là một cựu nữ sinh Gia Long. Thúy Messegee vượt biên khỏi Việt Nam năm 1982, sang Mỹ năm 1983, đi học lại bằng kế toán, và làm việc cho đến nay.  Từng sống ở Cali nhiều năm, hiện tại sống và làm việc ở miền Đông, thuộc vùng DC, Thủ Đô Hoa Kỳ.7/2021

***

Năm nay là năm “rửa tay gát kiếm” sau 30 năm làm việc tại công ty. Tú bần thần ôn lại quãng đời làm việc trên quê hương Việt và trên đất Mỹ, những nghề ngỗng, thăng tiến, thất bại, vinh quang, đau buồn, và cả những vị xếp mình đã phục vụ trong đời.

Năm 1978 Tú tốt nghiệp bằng cử nhân, lứa gặt hái đầu tiên của chế độ XHCN tại miền Nam, được chế độ giao trọng trách làm “con người mới”. Tú đỗ đầu lớp, nên được cấp “bằng đỏ” theo truyền thống của các đại học Liên Xô. Nghĩ thật tội, thời ấy giấy má thiếu thốn, nên mảnh bằng của Tú thay vì màu đỏ thì đổi sang…màu nâu! Các bạn khác lãnh bằng bình thường là bằng xanh thời may nhận được “bằng đúng màu”, chứ nó đổi sang màu xám hay màu đen thì lại càng oái oăm!

Tú được giữ lại trường học thêm một năm bổ túc để dạy lại đại học năm thứ nhất. Chuyện này cũng chỉ xảy ra tại chế độ XHCN. Ngày xưa các giáo sư dạy đại học đều có bằng cao học hay tiến sĩ, và nếu dạy bộ môn ngoại ngữ thì tất cả đều tốt nghiệp tại những trường danh tiếng tại nước ngoài. Đến thời xuyên tâm liên chữa bá bệnh và rau muống bổ hơn thịt bò thì sinh viên tốt nghiệp “quốc nội” như bọn Tú cũng được đưa lên dạy lớp đại học, có sao đâu!

Những năm tháng mới vào nghề, Tú vất vả vô cùng nhưng chẳng thể nào qua đêm mà nâng cấp trình độ của mình được. Sách vở hạn chế, cơ hội tiếp xúc trao đổi với nước ngoài hoàn toàn không có. Mỗi tuần Tú mang xấp bài của sinh viên đến nhà cô trưởng bộ môn nhờ cô giúp đỡ. Viết tiếng Anh thì Tú viết được, nhưng sửa bài luận Anh Văn cho sinh viên thì Tú không tin tưởng chính mình. Cô nhẫn nại ngồi dò từng bài với Tú. Đối với những thành ngữ được dịch từng chữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách ngây ngô, cô có một bồ thành ngữ tiếng Anh đáp ứng ngay, gặp Tú là đầu hàng vô điều kiện! Có lúc cô lại bảo: “Em này học chương trình Pháp đây, tiếng Pháp có thành ngữ như thế này, nhưng tiếng Anh nói thế này!” Trên bàn cô la liệt những bộ từ điển đồ sộ, Anh-Việt Việt-Anh, Pháp-Việt Việt-Pháp, Anh-Pháp Pháp-Anh, v.v. Nói đến đâu cô lại mở ra tra cho Tú xem. Cuối ngày Tú mang xấp bài của sinh viên ra về mà lòng mừng khấp khởi vì bài các em đã được người giỏi lão luyện sửa cho chỉn chu, mình đã không hại các em vì tay nghề non nớt của mình! Phần Tú cũng học hỏi được bao điều. Cô vừa là xếp, vừa là thầy, vừa là người nâng đỡ dìu dắt từng bước chập chững trong nghề cho Tú. Tú nhớ đến câu thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên” mà thấm thía vô cùng.

Thế rồi Tú bước chân xuống thuyền…

Ngày mới bước chân sang Mỹ với tư cách tỵ nạn, gia tài có 40 đô la trong túi, Tú chẳng tìm được việc gì đáng gọi là nghề, mà như con ngỗng lạc đàn ngơ ngác giữa bãi ruộng hoang. Bằng cấp giấy tờ khi đi vượt biên không dám mang theo, xe hơi và bằng lái xe không có để di chuyển đến những nơi có công việc tốt, cả chỗ ở cũng không, Tú nhận chân bê bát đĩa dọn dẹp trong một nhà hàng chủ người Việt. Tú ở trong gian bếp của chủ không dùng đến vì gia đình ăn tại nhà hàng rồi mới về nhà. Nhà hàng bán kiểu buffet nên Tú cứ phải ba chân bốn cẳng chạy xoành soạch dọn đi những đĩa khách đã dùng bỏ sang một bên, để khách còn hăm hở đến quầy thức ăn đơm một đĩa to đùng khác bê về bàn tiếp tục ăn lấy ăn để, cứ như ngày mai là tận thế hay sao ấy. Đêm về ngủ trên chiếc giường tạm kê trong gian bếp, hai bàn chân đau dần, Tú nhiều lần bất chợt thức giấc nửa đêm, bắt gặp hai tay đang xoa bóp chân đau trong giấc ngủ. Nhà hàng như một xã hội Việt nam phong kiến thu nhỏ lại, hoàn toàn cách biệt với xã hội Mỹ bên ngoài. Ông chủ lấy cô chị rồi “bứng” luôn cô em, hai giòng con sống chung một nhà. Chủ hằng ngày hách dịch đay nghiến người làm bằng những lời nói cay nghiệt trên đầu trên cổ, người làm trả thù bằng cách ném vỡ bát đĩa hay vất bỏ thức ăn sau lưng chủ. Đêm đêm sau khi nhà hàng đóng cửa họ về nhà share phòng tụ tập bài bạc đến khuya, sáng hôm sau lại carpool với nhau đến nhà hàng làm việc vì không có cách gì thoát khỏi tình cảnh cùn đường không lối thoát đó để hội nhập với xã hội Mỹ. Đôi khi Tú nhớ lại những đồng nghiệp thời ấy và phân vân không biết ngày nay họ ra sao.

Dần dà Tú nhận được bằng cấp bên VIệt Nam gửi qua. Tú tìm được việc làm “cổ trắng” tại một học khu có trung tâm dạy English As A Second Language (ESL) cho học sinh ngoại quốc mới đến Mỹ. Đã quen với học trò Việt nam lễ phép và tôn trọng thầy cô, Tú thất điên bát đảo với lũ học trò ngỗ nghịch không coi thầy cô ra gì bên Mỹ. Không nắm được kỷ luật lớp thì không cách gì truyền đạt kiến thức. Tú thấy mình tài hèn sức kém, ngày cuối tuần nhức đầu bưng bưng, tự giam mình trong nhà sầu khổ chẳng thiết ra đường vui chơi cuối tuần.

Vài tháng sau hết năm học, trong kỳ nghỉ hè Tú lẳng lặng xin một chân thư ký cũng tại học khu đó, từ bỏ “chức quyền” giáo viên. Công việc của Tú là thu xếp xe bus cho những trẻ em khuyết tật không thể tự mình đón xe trường với các bạn đồng lứa tại một địa điểm chung gần nhà, nên được xe riêng đến tận nhà đưa đón. Tan trường nếu phụ huynh không có mặt ở nhà để nhận con em thì xe bus sẽ không để cho em xuống xe vào nhà một mình mà đưa em về học khu để Tú quản lý. Thế là phải gọi về trường xin số liên lạc khẩn cấp của người thân quen, truy tìm cho đến khi có người đến nhận các em, hay đôi khi chỉ cần biết phụ huynh đã về đến nhà thì ông giám đốc sẽ lái xe đích thân đưa em về giao lại. Thời ấy chưa có điện thoại di động nên việc dò cho được người thân các em vất vả vô cùng. Mùa giáng sinh thường có cảnh phụ huynh đi mua sắm bị kẹt xe về trễ giờ nhận con. Có khi gọi vào sở cho ông bố vì bà mẹ không có nhà thì bị quát mắng là đừng phá rối giờ tôi làm việc, cứ cố gắng gọi vợ tôi đi, v.v.

Thỉnh thoảng Tú phải tham dự một màn “đuổi bắt cụp lạc” trong văn phòng khi một em khuyết tật nặng nổi xung chạy vòng vòng không chịu ngồi yên. Có em đi bậy ra quần Tú phải mở cặp em lục tìm quần sạch để thay, thì chỉ tìm thấy chiếc quần dự trù cũng đã vấy bẩn đầy xú uế!

Thế mới cám cảnh cho những cha mẹ phải ngày đêm nuôi con khuyết tật như thế. Và cũng cám cảnh cho những thầy cô dạy các lớp khuyết tật.

Công việc vất vả nhưng văn phòng 5 người vui vẻ thân thiết như trong gia đình. Ông giám

đốc chương trình trẻ khuyết tật hiền như ông bụt và có nụ cười rất phúc hậu. Có lần Tú bị áp lục công việc quá căng đầu, lại bị bên xe bus quát tháo trong điện thoại, nên Tú khóc òa ngay tại chỗ không kìm được. Con bạn thân là thư ký trưởng hộc tốc chạy vào lôi ông giám đốc ra giải quyết:

 “Dick này, Tú nó khóc kìa!”

Ông Dick bước ra hỏi han sự tình rồi gọi công ty xe bus mắng cho chúng mấy mắng. Sau đó ông quay lại an ủi Tú:

 “Cô đừng buồn mấy chuyện này. Chúng tôi không trả tiền cô xứng đáng để cô phải bị bắt nạt như thế. Bỏ qua đi nhé! Đừng chấp bọn chúng!”

Đúng là “xếp” Mỹ! Chỉ một lời nói nhẹ nhàng, một cử chỉ ân cần đã làm tan những nỗi đau đớn nhức nhối trong công việc.

Cũng nhờ trong 7 năm “nương náu” tại học khu này mà Tú ban đêm đi học bán thời gian tại đại học cộng đồng Chabot College rồi chuyển lên trường 4 năm California State University Hayward.  Trường nằm trên đồi cao, khi chạy trên xa lộ 880 ngang qua Hayward có thể thấy được căn nhà 16 tầng trên đỉnh đồi.  

Mỗi ngày sau 8 tiếng làm việc văn phòng, Tú đánh xe lên đồi học chương trình ban đêm về Business Administration. Tối thứ hai & thứ tư lấy một lớp, tối thứ ba & thứ năm lấy một lớp, ngày thứ bảy & chủ nhật bới cơm vào thư viện học bài làm bài.

Người ta thường nói, có cố gắng sẽ có thành công. Đó cũng là châm ngôn trong cách sống và làm việc của Tú với hoàn cảnh này.  Tú phải vất vả trần thân trong 7 năm dài đằng đẵng mới xong mảnh bằng cử nhân. Có những đêm ngồi trên ghế mà buồn ngủ rục, chỉ cố gắng làm sao ngồi yên trên ghế đừng ngã lăn đùng xuống đất, chuyện tiếp thu bài vở là …chuyện phụ! Có những khóa kẹt lớp Tú phải lấy một đêm hai lớp, từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 8 giờ đến 10 giờ đêm. Xong lớp 1, Tú lên xe lái sang building khác để dự lớp 2. Tình tang thế nào mà đánh xe bon bon xuống đồi trên đường “hồi gia” lúc nào không hay, đến lúc sực tỉnh đành tiu nghỉu quay đầu xe trở lại lên ngồi lớp tiếp.

Đến mùa thi Tú gục lên gục xuống với cuốn sách dày cộm, để đèn sáng lòa khắp các phòng suốt đêm, lỡ khi ngủ gục thì một chốc sau cũng phải tỉnh giấc vì đèn sáng chói mắt, vô phòng tắm rửa mặt rồi gật gù ôm sách tiếp đến sáng.

Học bán thời gian vào ban đêm suốt 7 năm trường, ngày ôm mảnh bằng B.S. kế toán, Tú đã 36 tuổi, gần đáng làm “mommy” những sinh viên tốt nghiệp cùng khóa. Năm đó Tú dùng mảnh bằng mới... tậu để đổi nghề. Tú vào làm cho một công ty xây cất lâu đời tại San Francisco, đã từng xây những công trình nổi tiếng như cầu Golden Gate, đập Hoover, v.v.

Công việc đổi thay bao bận, xếp đổi thay bao lần, cũng gặp đủ bi hài kịch trên đời.

Bà xếp đầu tiên cực kỳ thông minh và dễ thương, mặc dù bà giám đốc kế toán thỉnh thoảng cho Tú biết là bà “nổi tiếng khó tính trong công ty” đấy, cô được bà quí mến là không dễ đâu. Bà rất nhỏ nhẹ, làm việc âm thầm, nhưng công việc thử thách gì giao cho bà đều được giải quyết ổn thỏa bằng cách vận dụng cái mới, cái sáng tạo vào công việc chứ không khư khư ôm mấy bài học vỡ lòng từ hồi nẳm ra xài đi xài lại. Bà để cho Tú nghĩ ra cách giải quyết công việc theo sáng kiến của mình chứ không buộc theo khuôn khổ cứng ngắc đã làm từ trước. Mỗi lần Tú làm được việc gì hay ho là bà bước vào phòng bà giám đốc cười rạng rỡ “khoe” thành tích của Tú. Tú còn nhớ làm việc với bà một thời gian thì bà chuyển công tác ra nước ngoài cùng với chồng. Buổi chiều cuối trong văn phòng bà đang ngồi trước đống thùng bè hỗn độn gồm giấy má hồ sơ để chuyển đi, bỗng đến 3 giờ bà lên tiếng: “Bây giờ thì chuyện gì cũng phải dẹp lại, tôi phải làm một việc rất quan trọng.” Việc gì thế nhỉ? Thì ra bà ra ngồi một góc hý hoáy viết một tờ thư khen thưởng và giới thiệu cho Tú (letter of recommendation) mặc dù Tú không hề yêu cầu.

Trời ơi, xếp cũ ơi, còn tình người nào sâu đậm được như vậy!

Dần dà Tú học thêm lấy chứng chỉ chứng chỉ quản trị kế toán (CMA – Certified Managerial Accountant) nên xin đổi sang làm một bộ phận khác để lấy được số giờ thực hành mà chứng chỉ đòi hỏi.  Bà xếp “thiên thần” ngày xưa lúc đó đã mãn nhiệm kỳ ở nước ngoài và trở lại làm xếp của Tú. Nghe tin Tú được bên kia nhận, bà bị shock phải ra khỏi văn phòng xuống đường đi một vòng cho dịu đi nỗi thất vọng. Thương bà làm sao!

Từ “xếp thiên thần” Tú đâm đầu vào tay “xếp ác quỷ”. Bà xếp này người Hoa nhưng lại áp đảo dân Á đông thẳng tay chẳng nể nang màu da chủng tộc. Báo cáo nào trình lên cũng bị bà soi mói tìm lỗi, những câu hỏi hóc búa mình chưa kịp nghĩ thấu suốt để trả lời (vì đối với một vấn đề rất phức tạp đâu phải ai cũng nhớ được từng chi tiết) là chứng cớ cho bà thấy rằng mình không nắm được công việc. Một lần bà bắt được một sơ xuất của Tú rồi bảo: “Tôi sẽ vẽ một ký hiệu đặc biệt chỉ có tôi và cô hiểu được lên bảng bulletin này trong phòng tôi đây để đánh dấu cái sơ suất ngày hôm nay của cô. Mỗi lần cô bước vào văn phòng tôi cô sẽ nhìn thấy nó để nhớ đến lỗi này và nhớ làm việc cho tốt hơn nhé!”

Cách cư xử với nhân viên như thế thì người ưu tú cũng hóa ra mặc cảm ngu đần! Hay là bị bịnh trầm cảm u uất. Có những lúc Tú nằm ứa nước mắt trong đêm, có những lúc muốn nộp đơn xin nghỉ rồi ra sao thì ra, nhưng rồi lại xé đơn đi vì “còn một miệng ăn phải nuôi”. Có lần trở về than thở với bà xếp cũ, bà không biết làm sao giúp Tú được, bèn an ủi: “Thôi Tú ráng đợi vài năm đi, tôi về hưu thì sẽ tiến cử Tú vào job của tôi”.

Ui cha, mình tâm sự cho vơi nỗi sầu chứ nào dám lấy job của bà đâu! Vì bước vào nghề muộn màng nên Tú xấp xỉ tuổi “bà xếp ác.” Tú nghĩ chắc bà cũng sẽ về hưu đồng lọat với Tú, thôi đành yên phận giả dại qua ải cho đến ngày cuối ở công ty này thôi. Nào ngờ một buổi sáng đẹp trời bà tuyên bố cái đùng là bà sẽ về hưu non vì con gái mới sinh cháu ngoại, bà muốn ở nhà trông cháu. Ở đời có nhiều chuyện Trời tính cho chứ mình chẳng tính lấy được.

Những năm gần đây Tú có một cô xếp trẻ thay thế bà xếp hắc ám đã về hưu. Tú được “đổi đời”, trút bỏ những phiền muộn ê chề của một thời khốn khổ. Ôi chao, đâu phải làm xếp là phải “đì” nhân viên lên bờ xuống ruộng mới xứng vai xếp đâu? Chỉ cần mình tin tưởng và quý trọng người ta là người ta sẽ hết lòng phục vụ. Cô xếp mới rất thông minh, nên dù không có chuyên môn của Tú cô vẫn có thể theo dõi và ủng hộ những việc làm đúng, chỉ dẫn những những gút mắc, và quyết định khiến mình tâm phục khẩu phục.

Khi Tú quyết định về hưu, cô xếp báo lại cho ông giám đốc thì ông bảo:

“Thế có cách nào mình giữ Tú lại được không?”

Ôi, một lời như thế còn đáng trọng hơn bất cứ cái Rolex nào nặng cân nhất trên thế giới này!

Tú về hưu có được một món quà tặng vô cùng quý mang theo ngoài những cái đồng hồ Rolex, Apple mà công ty ưu ái trao tặng: đó là cái tình sâu đậm của những người xếp biết quý trọng nhân viên.

Giờ ngồi đây điểm qua một đời người làm việc, Tú thấy mình được nhiều hơn thua, và luôn biết ơn những người xếp nhân ái đã hết lòng với mình.

Tú dành đoạn cuối của hồi ký này để nhớ đến ông xếp đáng kính và khả ái đầu tiên trong đời, đặc biệt số một, không ai qua mặt được. Ông nhận Tú vào làm việc năm 1973 ở Sài gòn để dịch các tài liệu kinh tế của Bộ Công Chánh cho 5 kế hoạch ngũ niên, mỗi kế hoạch dài 5 năm, từ 1975 đến năm 2000, từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Đó là một bộ sách dầy khủng, khô khan, chuyên môn cao và rất khó dịch. Bất cứ một người xếp nào giàu kinh nghiệm làm việc cũng sẽ không bao giờ dám giao việc cho một con bé non nớt mới đậu Tú Tài tập tễnh bước vào đại học. Nó gan cóc tía dám đến gõ cửa công ty ông tìm việc làm mùa hè để kiếm tiền mua sách.

Ấy vậy mà ông nhận nó vào ngồi làm việc với ông. Tú học hỏi được bao nhiêu điều từ ông. Tiếng Anh của Tú tiến bộ không ngờ, được ông sửa từng câu cú, cụm từ, thành ngữ, chấm phẩy, v.v. để hoàn tất bộ sách dịch. Thời gian trôi qua, công việc càng tiến triển thì tình cảm càng đậm đà gắn bó rồi… bước vào ngõ cụt! Một người đàn ông khác chủng tộc, đứng tuổi, đã có gia đình, và một thiếu nữ mới lớn, ngơ ngác vừa ra khỏi một trường trung học dành cho nữ sinh nghiêm nhặt như nhà tu kín. Hai người gặp nhau trong những năm tháng chiến tranh ngày càng sôi động tại Miền Nam, rồi Mỹ rút quân và cắt viện trợ, đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền VNCH. Có một hấp lực vô hình mãnh liệt đẩy hai người lại với nhau, nhưng cũng có một rào cản cao sừng sững không thể nào vượt qua được.

Thời cuộc xoay vần, ruộng dâu biến thành biển xanh, hai người gặp lại 17 năm sau tại xứ cờ Hoa và nên duyên chồng vợ. Ông thường kể vui với mọi người:

 “Ngày xưa tôi là xếp của cô ấy, bây giờ cô ấy là boss của tôi!”

Tú im lặng mỉm cười, tự nghĩ thầm:

 “That’s my best job ever, ever! I love you!” 

Nhưng nói thật từ tận đáy lòng, tới lúc này, tôi vẫn yêu mến tất cả những người xếp đã từng “đi qua đời tôi” kể cả bà xếp dữ, vì nhờ có xếp dữ tôi mới chỉnh đốn lại mình cho được hoàn hảo hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 26 Tháng Tư 202311:05 SA
( HNPD ) Sau khi Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tan rã, cả nước Nam tan rã, chúng ta phải sống tha phương nơi đất khách quê người.