Người tình của ông nội tôi

Chủ Nhật, 25 Tháng Bảy 202111:54 CH(Xem: 2855)
Người tình của ông nội tôi

photo-1581849777206-31dd2f1fe80e-1280x827

Khi mẹ mang bầu tôi thì ông nội tôi mất. Rồi bố tôi cũng mất sớm nên những gì liên quan cuộc ra đi lịch sử của gia đình ông tôi khi di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, tôi chỉ biết qua sách sử…

T ôi không biết tại sao ông quyết định đưa cả nhà vào Nam. Để chạy trốn cộng sản vì sớm nhìn thấy bộ mặt đạo đức giả của Việt Minh cộng sản? Để tìm một vùng đất an toàn và bình yên sinh nhai? Để tạo dựng tương lai cho con cái? Tôi không chắc. Chẳng ai có thể giúp tôi giải đáp những thắc mắc này. Có điều chắc chắn rằng, ông nội tôi, như đa số người Bắc di cư 1954, là không đội trời chung với cộng sản. Khi vào Nam, một trong những nơi đầu tiên mà ông lập nghiệp, cùng bà vợ trẻ và đàn con nheo nhóc gần 10 người, là Tây Ninh – tôi được nghe kể vậy. Sau đó thì ông đưa cả nhà về Phú Nhuận. Đến khi tôi trưởng thành, căn nhà gỗ một tầng mà ông dựng lên vẫn còn và đó vẫn là nơi mà con cháu luôn tề tựu mỗi năm vài lần, vào dịp Tết nhất và dịp giỗ ông.

Lúc còn sống, bà nội kể với tôi, khi ông bà dọn về đây – trước 1975 gọi là đường Nguyễn Huệ và sau 1975 đổi thành Thích Quảng Đức – khu vực này vẫn còn hoang vắng. Chung quanh đều là rừng. Cỏ lau cao ngập đầu người. Thú hoang vẫn còn đầy khắp. Tối ngủ có khi còn nghe cọp rống. Lưa thưa mới có vài căn nhà. Hầu hết là dân Bắc di cư 54 cả. Nhắc đến bà, tôi nhớ như in hình ảnh một bà nông dân Bắc bộ truyền thống. Răng nhuộm đen, nhai trầu bỏm bẻm, chít khăn mỏ quạ…

Bà vẫn giữ nếp quê nghèo khó dù gia đình chưa bao giờ thiếu ăn thiếu mặc. Trong nhà lúc nào bà cũng “tích trữ lương thực”, từ lọ đậu vừng đến thố cải chua. Bà ăn uống tằn tiện như thể ngày mai biết đâu lại chẳng còn gì mà ăn. Phải biết ăn dè, nghe chửa! Trưa trưa, thỉnh thoảng, từ căn nhà mình bên phía đối diện cách chỉ vài bước, tôi chạy tọt vào nhà bà, vờ vịt hỏi han rồi lẻn xuống bếp ăn vụng. Bà mà phát hiện thì chạy sang mách bố lập tức, anh phải dạy con anh nhé, sao nó cứ sang nhà tôi vét sạch thức ăn tôi để dành. Lúc ấy là sau 1975, đói lắm, thèm khát mọi thứ, cứ thấy thức ăn là thọc tay bốc vào mồm thật nhanh.

Kỷ niệm và ký ức của tôi về bà là giai đoạn thời niên thiếu đói khát và nghịch ngợm. Nhưng mà chẳng phải lúc nào tôi cũng hư như thế. Thỉnh thoảng tôi hỏi bà này nọ. Vẫn giữ nếp quê rặt một nông dân Bắc bộ, bà nằm trên chiếc võng căng giữa nhà, đung đưa cọt kẹt, tay cầm cái quạt mo phe phẩy, bà kể chuyện quê nhà ngoài Bắc. Bà tiết lộ bí quyết nấu món cá chép kho riềng. Bà vừa nhổ bã trầu vừa nói về kỹ thuật nấu xôi vò, nghệ thuật nấu xôi khúc. Bọn bán xôi khúc bây giờ nấu sai cả. Nấu đúng cách là phải thế này thế này, kỳ công lắm, chẳng phải đùa. Tôi nằm dài dưới sàn ximăng mát lạnh nhà bà, thế hử bà, vậy hả bà. Ừ ừ…

N ếu bây giờ bà còn sống, tôi sẽ không “thế hử bà” về chuyện xôi khúc. Tôi sẽ hỏi bà về chuyện bà gánh gạo đi bộ từ làng Ngọc Trì, Bắc Ninh, lên tận Hà Nội để nuôi bố tôi ăn học ra sao, rằng bà đi nhọc như thế mất bao nhiêu ngày, bà nghỉ ở đâu, rồi bà ở Hà Nội bao lâu hay lại quày quả quay về ngay để còn kịp ngày ra ruộng. Bố con ngày xưa nghịch lắm hở bà. Ôi giời, còn phải hỏi, cứ là nhất làng… Tôi sẽ hỏi bà lúc vào Nam thì ông vất vả như thế nào, bố tôi làm gì, chú tôi và các cô làm gì…

Và nữa, tôi sẽ hỏi bà, hồi trẻ ông tán tỉnh thế nào mà lấy được bà. Tiên sư bố mày, rõ linh tinh bố láo! Dở hơi! Bà sẽ nguýt một cái rõ dài, lườm một phát rõ kinh và bĩu môi một cái rõ to. Bà nguýt thì kinh lắm. Hồi ngay sau 1975, mỗi ngày bà đều nhìn lên tường nguýt một cái rõ lâu, vừa vung chổi vừa nói một câu rõ giọng đanh đá: Tiên sư bố nhà chúng nó, bà đã chạy trốn để cố thoát thế mà giờ chúng nó lại vào rồi. Trên tường là tấm ảnh ông Hồ mà lúc ấy nhà nào cũng buộc phải treo.

Tôi không biết và không thể tưởng tượng nổi, dù cố gắng hết mức, để hình dung tâm trạng của ông và bà tôi như thế nào khi quyết định chọn con đường duy nhất đầy rủi ro và thách thức là bỏ hết tất cả tài sản để vào Nam với bàn tay trắng. Cuộc ra đi kéo dài 300 ngày đó là cuộc ra đi lịch sử của dân tộc. Nó là cuộc thiên di định mệnh với ít nhất 800,000 người Bắc tay xách nách mang lếch thếch vào Nam tạo dựng lại cuộc đời. Dù không thể biết tâm trạng và cảm xúc của những người như ông nội tôi nhưng chắc chắn một điều rằng chẳng có cuộc ra đi nào khỏi nơi chôn nhau cắt rốn là một chọn lựa nhẹ nhõm. Nó rất nặng nề. Thậm chí vô cùng đau đớn. Họ để lại phía sau vô số kỷ niệm. Họ để lại không chỉ hình ảnh bụi tre, sân đình hay giếng nước. Họ thậm chí để lại những cuộc tình.

K hoảng năm 2000, bác cả dâu của tôi lần đầu tiên kể từ sau 1954 trở về làng cũ để thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn trước khi kịp nhắm mắt. Khi về đến làng, bác tìm lại được những người quen xưa. Này, tôi bảo, bà không biết đâu – có người nói với bác tôi – bố chồng của bà có con rơi đấy! Vớ vẩn, làm thế nào có chuyện đấy được! Thế mà có thật. Bác tôi được đưa đến nhà “ông con rơi” ấy. Không còn hồ nghi gì. Đích thực là con của ông nội tôi thật. Chú ấy với ông tôi như hai giọt nước!

Quả là một chuyện chấn động. Bà tôi lúc còn ngoài Bắc có biết chuyện? Chưa ai trong nhà nghe bà nói đến việc này. Các cô chú tôi khi nghe chuyện cũng nháo nhào, ôi, bố kinh nhỉ, ông cụ thế mà kinh nhỉ (lúc này, bà nội lẫn bố tôi đều đã mất). Quả thật “phiên bản thứ cấp” của ông nội tôi không lẫn vào đâu được. Khi chú ấy vào Sài Gòn, tôi nhận ra ngay đó là bản sao mà tôi thấy ở các bức hình chụp ông lúc sinh thời, trong bộ áo dài the đen đội khăn đóng…

Có thể dễ dàng tưởng tượng phản ứng của bà nếu bà biết chuyện nhưng thật không thể hình dung nổi tâm trạng và cảm xúc của ông khi ông vội vã chia tay cuộc tình vụng trộm với việc hối hả để lại một ký ức sống, bằng hình hài. Nếu không có cuộc thiên di 1954, ông có thể công khai chuyện tình để nhận bà cụ làm vợ lẽ – chuyện thường tình ở xã hội ngoài Bắc thời kỳ ấy – nhưng rồi định mệnh dân tộc trong một thời cuộc nghiệt ngã đã tạo nên oan trái cho nhiều số phận trong đó có ông, khiến ông, vĩnh viễn cho đến lúc mất, không nhìn thấy được đứa con của mình. Có bao nhiêu người như ông tôi, trong cuộc thiên di lịch sử 1954? Có bao nhiêu cuộc tình tan nát chia lìa bởi cuộc di cư 1954 cũng như vô số cuộc ra đi khác chưa bao giờ ngừng lại đối với người Việt cho đến thời điểm này?

N ăm 2010, tôi ra Bắc, đi một mình, về lại ngôi làng cũ của ông tôi. Tôi nghe kể nhiều chuyện về ông lẫn bố tôi. Tôi đến ngôi đền cổ Ngọc Trì thắp hương. Tôi đi trên những con đường làng và tưởng tượng cảnh ngày xưa bố tôi chạy nghịch trên đó. Tôi thấy những mái nhà và cảnh đồng quê ruộng lúa Bắc bộ hệt như tôi từng hình dung khi đọc những quyển truyện Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đi cùng với ông chú-con rơi của ông tôi. Tôi có cảm giác như đang đi với ông mình. Tôi bỗng thấy nhẹ lòng. Chú không phải là một “oan nghiệt” gì cả. Chú là một gạch nối, giữa quá khứ và hiện tại, một gạch nối giúp liền mạch cuộc ra đi của ông ngày xưa với sự tái hợp ngày nay của thế hệ con cháu cùng một gốc gác cội nguồn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 30 Tháng Chín 201810:44 SA
Thứ Hai, 24 Tháng Chín 20187:41 CH
Chủ Nhật, 23 Tháng Chín 20187:53 SA
Thứ Tư, 19 Tháng Chín 20182:30 SA
Thứ Tư, 12 Tháng Chín 20185:31 SA
(HNPD) "Mỗi công tác là một bức họa độc đáo thể hiện sự hóa thân của các