Những ngày hành quân chiến trận: Liên Đoàn Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211.2 – Huỳnh Hữu Lành

Chủ Nhật, 04 Tháng Bảy 20218:09 CH(Xem: 4475)
Những ngày hành quân chiến trận: Liên Đoàn Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211.2 – Huỳnh Hữu Lành

Trích đăng từ Đặc San 2009-denhihocap.com

Hồn tử sĩ gió ù ù thỗi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn,
Dấu binh lửa nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó, chạnh lòng thương.
(Chinh phụ ngâm khúc – bà Đoàn Thị Điểm)


Huỳnh Hữu Lành:

HỒI TƯỞNG LƯU ĐÀY – Lâm Hữu Phước – biển xưa

Thời gian thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ chấm dứt, chúng tôi trình diện Phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tư Lệnh để nhận đơn vị. Tôi và quan Hà Mạnh Hùng được “tặng thưởng” về đơn vị đặc nhiệm Thuỷ Bộ. Tôi đã được tân đáo về Bộ Chỉ Huy/Liên Đoàn Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211.2, điều động hai giang đoàn 72 Thủy Bộ và 73 Thủy Bộ. Quan Hà Mạnh Hùng về làm sĩ quan giang đĩnh Giang Đoàn 72TB.

Sau khi trình diện Bộ Tư Lệnh/Lực Lượng Thuỷ Bộ 211 tại căn cứ Đồng Tâm do HQ Đại Tá Nguyễn Văn Thông làm tư lệnh, và HQ Trung Tá Hoàng Cơ Minh làm tư lệnh phó. BCH/LĐĐN/TB-211.2 đang đảm trách vùng hành quân trên đất Miên, nên tôi đã theo chiến hạm xuống vùng hành quân để trình diện CHT/BCH “Chấm” là HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Tòng Khoá 11, và chỉ huy phó là HQ Đại Uý Đinh Văn Tráng khoá 13. – Sau này, HQ Thiếu tá Tráng đã được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Phòng Tổng Thanh Tra, và đã bị tử nạn trên đường đi thanh tra, trên một chiếc trực thăng chuyển vận vì đã bị hoả tiễn SA7 của Cộng Sản bắn rớt.

Bộ Chỉ Huy/Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211.2 đang đóng tại Neakluong, nằm giữa đường sông Mekong từ Tân Châu lên đến Nam Vang. Các chiến đĩnh của giang đoàn Thủy Bộ mới được Hoa Kỳ bàn giao lại, là những con cá trận mình bọc luới thép chống B40 & 41, lại thêm những bao cát và các thùng đạn chứa cát đặt quanh chiến đĩnh để chống đạn – nặng chình chịch và chắc nịch, chạy lừ đừ như những con cá sấu bơi trong kinh lạch, mang những tên sặc mùi Mỹ hoá như Alpha, Tango, và Charlie. Alpha (trợ chiến đĩnh-Assault Support Patrol Boat) là thành phần chiến đĩnh xung kích của các giang đoàn Thủy Bộ. Với vận tốc trung bình 6 gút, cùng hỏa lực của cây đại liên 50 ly trước mũi, và giàn phóng lựu MK-20 đã làm Cộng quân khiếp vía. Hai chân vịt, và hai giàn máy đã làm cho loại giang đĩnh này xoay trở dễ dàng. Những ống thoát khói được đặt dưới tầm mặt nuớc để giảm tiếng máy kêu, nên loại chiến đĩnh này rất được trọng dụng trong những công tác kích đêm. Chiều sâu của loại giang đĩnh này tương đối cạn, khoảng chỉ một thước nên chiến đĩnh có thể ủi thẳng vào bờ không khó khăn. Vỏ tàu bằng thép dầy, đáy hình chữ V để tránh ảnh hưởng công phá của mìn, và giàn thượng tầng kiến trúc lại đuợc kiến tạo đặc biệt với những thùng hai lớp đựng cát để chống B-40 và B-41. Alpha là loại chiến đĩnh, với một cấu trúc đặc biệt, đã được hải quân Hoa Kỳ đặt làm để dành cho cuộc chiến trong vùng sông rạch ở Việt Nam với cái tên ASPB (Assault Support Patrol Boat).

Monitor (tiền phong đĩnh) là loại chiến đĩnh đã được biến cải từ họa đồ của chiếc LCM-6 mà ra, nhưng nó lại là linh hồn của các cuộc hành quân thủy bộ. Hoả lực của nó thì thật là khủng khiếp – với một đại bác không giật 105 ly gắn phía trước, đại bác 20 ly hay đại liên 50 ly kép ở hai bên hông, và khẩu BKP 81 ly trực xạ ở sân sau – đã nhiều lần làm vui lòng các chiến sĩ TQLC hay bộ binh bạn khi đi hành quân hỗn hợp, hoặc yểm trợ những đồn bót đóng dọc bên sông lạch. Monitor một đôi khi còn được trang bị bằng một súng phóng hỏa với xăng đặc của bom napalm; ngọn lưả của nó có thể bắn xa đến cả hơn ba chục thước, đốt cháy những công sự cố thủ hay chốt đóng của địch quân. Soái đĩnh Charlie hay CCB (command Communication Boat) là loại chiến đĩnh được dùng để đặt bộ chỉ huy, cũng được biến cải từ họa đồ kiến trúc của chiếc LCM-6. Hoả lực không dữ dội, nhưng rộng rãi – có hình dáng như chiếc Alpha. Tango (quân vận đĩnh tác chiến) hay ATC’s (Armored Troop Carrier Refueler) là loại chiến đĩnh dùng để chở quân, cũng được biến cải từ hoạ đồ kiến trúc của loại LCM-6, có đáy bằng phía truớc mũi và cửa đổ bộ. Hoả lực của nó được trang bị với các giàn 50 ly nằm ở hai bên hông, phía truớc mũi, dùng để dọn bãi khi đổ quân. Nóc loại chiến đĩnh nầy, được biến cải thành một platform cho bãi đáp trực thăng.

Cuộc hành quân qua Cambodia thật sự đã được khởi sự từ ngày 9 tháng 5 năm 1970 phối hợp giữa lực lượng TQLC, HQ Việt Nam và một số đơn vị Hoa Kỳ. Tuy nhiên những cố vấn và lực lượng Hoa Kỳ đã không tiến vượt qua khỏi thành phố NeakLuong do sự phản đối dữ dội của những người chống đối chiến tranh ở bên Mỹ. Đoạn đường từ Neak Luong trở đi đều do những lực lượng của Việt Nam đảm trách hành quân, tiếp tế, bảo vệ an ninh, và cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Đây cũng là một cuộc thử thách đầu tiên với cuộc hành quân quy mô rộng lớn cho Hải Quân Việt Nam, trong thời gian Việt Nam Hoá cuộc chiến. Tuy không còn được sự yểm trợ hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ, nhưng lực lượng hành quân của Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó rất đẹp.

Bộ Chỉ Huy 211.2 có nhiệm vụ điều động 2 giang đoàn 72 và 73 Thuỷ Bộ phối hợp vớí một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tinh nhuệ gồm có các Tiểu-đoàn 3, 6, và 9 TQLC đóng quân tại Neakluong. Vừa đến đơn vị là tôi phải lên đường tham dự hành quân thuộc vùng Kompong Cham để càn quét những trung đoàn Cộng Sản đang dưỡng quân trong vùng, và phá vỡ những căn cứ hậu cần của địch trên vùng biên giới Miên Việt. Tiếp đến, là những cuộc hành quân Trần Hưng Đạo-18 với kế hoạch hộ tống đoàn tàu vận tải tiếp tế cho Nam Vang. Trung Tâm Hành Quân THĐ đặt tại căn cứ Tân Châu với Commander là “cao bồi” Luật. Hành Quân Trần Hưng Đạo-18 phối hợp giữa các Lực Lượng Tuần Thám, các giang pháo hạm LSSI, dương vận hạm LST, Lực Lượng Thủy Bộ và những toán quân xung kích tạo thành những đoàn tàu hộ tống tiếp tế Nam Vang.

Trong một lần hành quân càn quét để giữ an ninh hai bên bờ sông Mekong, Bộ Chỉ Huy 211.2 cùng hai giang đoàn 72 và 73 Thủy Bộ chở theo một tiểu đoàn bộ binh Miên. Chúng tôi vừa đổ quân xong, dự trù cho dọn sạch bờ sông, và trấn giữ những nơi eo hẹp của dòng sông. Các chiến đĩnh được lệnh rải đều và quay đầu về hướng Neakluong, ngược dòng để yểm trợ hỏa lực khi cần, thì địch quân bất ngờ đã khai hoả trước. Chúng đã cố gây rối loạn hàng ngũ chúng ta, nên rình bắn vào đoạn giữa của đoàn chiến đĩnh. Tôi đang ngồi trên flatform của soái đĩnh Charlie trực máy truyền tin, thấy chiếc pháo đĩnh Monitor đi phía truớc đã liên tiếp trúng nhiều phát đạn của đại bác 75 ly không giật, phòng lái đã bị trúng đạn, khẩu pháo tháp đại bác 20 ly ở phiá sau cũng bị một phát đạn 75 ly làm sập giàn súng, và pháo thủ đã tử trận tại chỗ. Tần số của máy truyền tin lúc nầy quá náo động, bởi lệnh lạc chỉ huy của các chỉ huy trưởng giang đoàn. Đoàn chiến đĩnh đồng loạt nổ súng vào bờ sông; những họng súng khạc đạn kêu lên như tiếng bò rống.

Chiếc Monitor tuy trúng đạn phòng lái, nhưng nhờ vách phòng thủ với bao cát và thùng cát nên không bị loại ra khỏi vòng chiến. Thủy thủ đoàn tiếp tục vận chuyển con tàu, và khẩu trọng pháo 105 ly sân truớc vẫn trực xạ từng phát một vào bờ, tạo nên những cụm khói đen hình cây nấm, bùng lên cùng tiếng đạn nổ ầm vang dữ dội. Các căn nhà dọc bờ sông trúng đạn bốc cháy. Sau đó BCH đã liên lạc được với không lực Mỹ xin yểm trợ, những chiếc phản lực cơ F4 đã gầm vang xé bầu trời, hàng loạt quả bom đã nổ tung vào những vùng địch ẩn núp. Những cuộc hành quân như thế cứ tuần tự luân chuyển; BCH đã có tân chỉ huy trưởng là HQ Trung tá Trần Văn Hãn, và đơn vị sẽ được chuyển vùng hoạt động về vùng U Minh.

Nguồn: https://www.denhihocap.com/ds2009/ncknx.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn