Nghìn thu nhớ anh

Thứ Sáu, 04 Tháng Sáu 20215:33 CH(Xem: 7592)
Nghìn thu nhớ anh

Làng Côn Đan tên một làng miền quê tỉnh Quảng Trị giáp tuyến với dòng sông Bến Hải. Tất cả nơi đây đều mang những địa danh tuyệt đẹp như Cồn Tiên, Trung Lương, Gio Linh, Ái Tử v.v… Nhưng oan nghiệt thay những địa danh này cũng là nơi gió đạn mưa bom đêm ngày không ngơi nghỉ. Và cũng nơi này là vùng đất cày lên sỏi đá, có người bừa thay trâu cày.

Người em gái thuộc cư dân nơi miền đất kể trên. Em mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, bởi trái pháo oan nghiệt đã giết chết cả cha lẫn mẹ em, kể từ lúc em ba tháng tuổi. Em được viện mồ côi nuôi dạy và đặt cho tên Lệ Mi, cái tên định mệnh cho đến cả cuộc đời nàng, lúc nào tiếng khóc cũng thay cho tiếng cười trên gương mặt ôm trọn nỗi buồn của nhân thế.

Những địa danh gió tanh mưa máu, nơi đây có những gia đình đều chết hết, không còn một ai để nhớ để thương, hay để oán trách hận gì thù nữa!

Dòng sông Bến Hải là nơi chia hai miền Nam-Bắc. Nhưng chỉ một dòng chảy nhỏ, một con lạch nhỏ cũng có thể chia con người thành đôi bờ, chẳng còn lệ thuộc về một ai nữa, trên cả lĩnh vực tình yêu cũng như ý thức hệ.

songbenhai
Sông Bến Hải

Lệ Mi, như cây trụi mùa Đông, nàng vẫn là cây cổ thụ miệt mài dẫu Đông có về nhưng hoa lòng vẫn nở, nàng có biết gặp ai không để đợi chờ! Nàng chỉ hy vọng một chút nắng chiều dầu là hắt hiu, mong rọi đến để nàng thắp sáng chút hy vọng, nhưng cũng thấy rất hiếm hoi.

Lệ Mi chờ và chờ mãi người bạn đời của nàng là người lính mang tên Vũ đồn trú nơi đầu giới tuyến, vừa quen nhau lúc nàng ở tuổi mười tám, lứa tuổi đầy mộng mơ cho một ngày mai tươi sáng. Họ cưới nhau chưa tròn những chiếc hôn, chàng phải quay bước ra đi về đơn vị, và cũng từ đó chồng nàng đã xa và xa mãi.

Tình yêu giữa nàng và chàng đã chết ngay giữa hoàng hôn, thế mà Lệ Mi cứ ngỡ rằng ảo ảnh ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Nàng biết yêu lính là chấp nhận cuộc sống buồn, “chinh phu tử sĩ mấy người” và mấy người đi rồi trở lại. Thế nhưng nàng vẫn yêu lính, như một thứ tình yêu thiêng liêng, nàng vẫn phải tiếp tục đi cho trọn nghĩa tình thủy chung.

cancuhoaluc5-namvietnam-binsinamvietnamtrumponchogacduoimua-17061971
Nhạc buồn đời lính là những tình khúc thời chinh chiến làm cứu cánh của những người ở hậu phương, và cũng là nguồn an ủi duy nhất khi lính dừng chân trên Poncho, hay nơi tiền đồn nay rừng mai mốt núi thẳm. Vặn nhỏ chiếc radio qua chương trình Dạ Lan người em gái hậu phương “nếu em không là người yêu của lính” hay thăm hỏi gởi qua làn sóng điện “giờ nay anh ở đâu, Bến Hải hay Cà Mau, biên cương hay nông trường.” Người lính cho đó là sân khấu thu nhỏ nơi chiến trường, hạnh phúc mong manh từng phút qua từng giây trong giờ phút đêm khuya, đôi khi lời ca tiếng nhạc hòa lẫn những đốm mắt hỏa châu soi sáng, người lính tưởng đang mơ một ngày về phép nơi kinh thành. Nhưng dầu sao cũng là nguồn xúc tác to lớn cho người lính VNCH đang xông pha ngoài trận tuyến, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Người lính ngày ấy dẫu ở tiền đồn hay biên khu xa thẳm, thì vợ con và người yêu anh nơi hậu phương, xem như những cánh hoa thời loạn bên dây kẽm hầm chông, là nguồn tiếp liệu tinh thần vô giá để người lính có thêm sức sống.

tiendonbiengioi
Hy vọng ngày chinh chiến tàn, Lệ Mi cũng như những người vợ lính khác, mong đợi ngày đoàn viên cùng các anh trong khúc khải hoàn ca. Nhưng thời gian trôi qua, năm tháng trôi theo không như ý, và những ai đã từng yêu lính mang một niềm thương tiếc vô bờ, khi nghe tin anh gục ngã trước đạn thù.

Và chính nơi này là cái bến cuối cùng của cuộc sống. Người lính đã về đây lạnh ngắt, máu đông khô cứng từng cục, hay còn rịn máu tươi nguyên. Dòng máu ấy, máu nào là của mẹ và tình thương nào là của em! Người thân anh, vợ con anh và bạn bè anh, “nào ai gọi mặt nào ai gọi hồn”!

Nhưng đau thương hơn hết, khi hình hài anh không còn nguyên vẹn trở về, thân xác anh đã gói tròn trong tấm poncho, mà trước đây chính anh đã dùng nó để che mưa trắng nắng. Ngoài bút nào dẫu có điêu luyện sâu sắc đến đâu, cũng không diễn tả hết cảnh thực, người thực, đớn đau tột cùng trên hiện trường giờ phút cuối ấy, khi anh đã trở về thực thụ bằng một thể xác lụn vụn thịt xương, giữa những vật vã đau thương gào thét của vợ con anh và người thân anh, bên cạnh những khăn sô và hai hàng nến trắng.

Giờ đây anh phủ màu cờ, và chỉ còn một “tấm thể bài mang tên anh.” Anh chỉ có ngần ấy để lại em và cho người thân anh. Anh đã chết cho em, và cho dân tộc anh, qua hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.

Hỡi người chiến sĩ đã yên giấc nghìn thu! và những người lính hiện sống còn đang phiêu bạt trên khắp năm châu bốn bể, có phải các anh là hiện thân của “kiếp dã tràng xe cát biển động” thời đại? Của giấc Nam Kha bất bình.

Sau khi phủi sạch tay, một đau thương ê chề đổ nát, cho những cô nhi quả phụ, những anh em thiếu hụt, người hao mòn, đang tiếp diễn trên quê hương người lính hôm nay.

Người dân miền Nam chân chính, hay những ai còn mang nặng vết thương lòng với người lính VNCH ắt phải còn thiếu món nợ tinh thần, mặc dầu các anh không đòi hỏi. Nhưng dân tộc anh cần phải có nhiệm vụ ơn đền nghĩa đáp, thiết thực bằng hành động không bằng lời. Các anh là những những bậc thánh đã có công với tổ quốc, vì nước quên mình, vì đồng bào anh hy sinh.

tusivietnamconghoatrongtranlamson719halao1
Cuộc sống của gia đình người lính nói riêng và của đồng bào miền Nam Việt Nam nói chung, là tình ruột thịt của những người cùng hội cùng thuyền, khi thấy máu chảy ắt ruột phải mềm, và lúc nào cũng mang theo sau một trang sử lòng, đang dày vò mãi đến hôm nay và đến tận mai sau, khi con đường đi không có đến.

Anh! 41 năm sau ngày quốc biến! Có còn chi không anh, hay chỉ còn là tấm thẻ bài mang tên anh, và hàng hàng lớp lớp nấm mồ người lính VNCH nơi nghĩa trang bị kẻ thắng đào bới sang bằng, còn đâu “nghĩa tử là nghĩa tận” anh ơi!

Người lính có thấy gì không anh! Tượng tiếc thương rơi xuống ngoài đường phố, để hồn thiêng anh phẫn uất những việc làm bất nhân của kẻ thắng, để từ đó anh đứng dậy đòi hỏi câu trả lời. Và anh sẽ tha thứ cho họ, để họ có dịp được làm người một lần nữa.

Và còn nhiều nữa nữa! Những nấm mộ nơi góc núi bìa rừng không tên tuổi, người thân của anh cũng chẳng biết đâu đi tìm.

Lệ Mi, người thiếu phụ phụ son trẻ góa chồng lúc tuổi 18. Nàng giữ lời sắc son, dầu không ai bắt buộc nàng phải ở vậy thờ chồng! Đến nay Lệ Mi 56 tuổi đời, nàng không bước thêm bước nữa.

Hằng năm, đến ngày 30 tháng 4 và dịp Tết Nguyên Đán về trước đó một tháng. Nàng âm thầm mua bông hoa nhang khói, và cầm bên tay nhiều tấm thiệp nàng tự làm, và viết sẵn trên trang giấy bìa cứng cỡ trang giấy học trò. Lệ Mi mượn mấy vần thơ “anh hùng vô danh” của Đằng Phương để cắm trên mộ người quá cố. Nàng tìm đến những ngôi mộ nơi nghĩa trang bị đào bới, và những ngôi mộ người lính VNCH vô chủ.

Lệ Mi cắm thiệp, hoa, và thắp nhang trên ngôi mộ. Nàng mím chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc, nhưng đau thương uất nghẹn vẫn dâng trào.

“Họ là những anh hùng không tên tuổi.
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên.
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên.
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất.
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình chung.
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.”

Nàng có linh cảm hồn thiêng của người chiến sĩ đâu đây, hòa trong cơn gió chiều buông xuống, mang từng loạt tiếng thở dài vọng lên từ lòng đất lạnh, như muốn chia sẻ nỗi xót xa của người cô phụ bằng dư âm đáp lễ.

Rồi những ngày tháng quen thuộc ấy. Lệ Mi thường gặp những tiếng ca bên ngoài hè phố, bên góc chợ cuối đường. Anh em ấy đến ngày tàn cuộc chiến, mất tay thiếu chân, nay chỉ còn là thân xác rã rời, đã mượn lời ca bất đắc với cây đàn tự tạo một dây, qua bài hát tự tạo “không ai ngăn nỗi lời tôi ca” làm lay động lòng người, khi nghĩ đến tình cố cựu, và những ai còn giữ chút nghĩa xưa, bằng liên khúc tình ca rướm “sau cuộc chiến này có còn chi không anh”!

Tiếng ca ngoài đường phố, tiếng ca của lứa tuổi thanh xuân đầy nhựa sống, giờ đây đã mất hẳn. Những người anh em ấy ngày nay, họ bị xã hội thống trị bạc đãi và người đời lãng quên họ.

Ai quên ai nhớ đến người lính hiện đang sống còn trên quê mẹ. Họ là những người một thời đang ôm kín nỗi cô sầu, nhưng lương thiện trên đôi môi, sống nơi đây và chết cũng nơi đây! Để cho ai và cho những ai “nhất tướng danh thành vạn cốt khô.”

Người lính đi không ai tiễn, người lính về không ai đón, chỉ có vợ con người lính hiểu và biết được giá trị đều đó, và cũng không ai thương lính bằng vợ con người lính, một trái hỏa châu lập lòe về phía trời xa, nơi người lính đóng quân, cũng làm vợ con họ mất ngủ âu lo. Để cho những ai không mấy mẩy may, không một chút gì liên hệ đến người lính, cứ ngủ ngáy thẳng giấc trong chăn êm nệm ấm, và cho một ai đó chưa thức khuya làm sao biết đêm dài.

Ngày nay, anh đã mượn sân khấu cuộc đời còn lại, bên chiếc nạn gỗ làm đôi chân đứng, với chiếc mũ sắt phai màu thuở trước. Sau cuộc chiến anh chỉ còn có ngần ấy thôi.

Anh đã từng vào sinh ra tử nhờ nó che chở, để tránh những viên đạn thù bắn thẳng vào đầu anh. Anh đã dùng nó như người bạn đời ngoài trận tuyến. Chính nó đã giúp anh trong mọi lãnh vực của sự sống lúc quân hành, nấu nướng, xách múc, tắm rửa. Giờ này anh không xem nó là vật kỷ niêm, mà chính nó đã trở thành một thứ tình yêu thiêng liêng mầu nhiệm đối với đời anh.

Rồi hôm nay đây, nó theo sát anh bên cạnh. Anh xem nó như một “người tình không chân dung” “anh đâu em đó.” Anh đã đem sinh mạng đời mình, đặt trên đường bay của tầm đạn, và đặt niềm tin vào sự sống còn nơi anh trên nòng súng thân quen. Anh đã quen trong gian khổ, và làm bạn với hiểm nguy.

Xin ai đó, đừng hiểu lầm là anh đã bán nó một cách dễ dàng, hay những ai lợi dụng sự nghèo đói của anh, mua về làm mũ bảo hiểm che chở cho người thân quen họ! Không! Tất cả đều không! Dầu anh là lính quê mùa dốt nát. Nhưng anh vẫn còn một chút liêm sỉ, anh không bán rẻ lương tâm, nhất là “bán” với ‘buôn.” Anh nhắn lời đến những ai. Nếu có bán buôn gì thì buôn bán, xin đừng “bán nước” và “buôn dân.”

Giờ phút này, anh đặt nó bên cạnh chân anh, để anh “mua lòng từ tâm” những ai còn có chút tình người qua lại nơi đây. Tiếng hát của anh chỉ là tiếng ca ngoài đường phố, chỗ đứng của anh chỉ còn vỏn vẹn trên nạn gỗ. Anh đã về từ bốn vùng chiến thuật, từ những quân binh chủng kiêu hùng, đã từng một thời làm bạt vía kinh hồn quân giặc.

Thế nhưng, có kẻ nào đó không một chút gì thương xót đến người bạc phận hôm nay, đã liệng vào nón sắt anh những trái chanh chua hơn giấm, thay vì cho anh một vài tờ “bạc cụ” để anh mua được dĩa xôi cho ngày.

Hành vi đó, không làm anh tổn thương chút nào. Anh sẵn sàng đưa tay đón nhận kẻ đã cho anh trái chanh chua, nếu có cả quả cam sành hay quít hôi anh cũng nhận tất cả.

Anh nghĩ rằng “chanh chua khế chín cũng chua.” Anh không chê chua và cũng không trách đắng. Anh sẽ biến những quả chanh, hay quả cam sành thành những ly chanh đá có đường uống rất hữu ích, vừa giải nhiệt vừa đỡ khô cổ. Anh chẳng biết nói gì hơn, bằng hai chữ cảm ơn người cho chanh! Dầu anh hôm nay thân tàn ma dại, nhưng lương tâm anh không ma dại.

Lòng khoan dung của người lính vừa thua trận hôm qua, luôn luôn là tấm lòng vị tha đáng giá nhất trên đời, cho những ai thật tâm kể cả những kẻ manh tâm.

Chế độ VNCH trước đây, đã giáo dục người lính qua bài công dân giáo dục, “hãy trọng người để được người trọng lại.”

Và giờ đây anh không còn là những ngày xưa thân ái thuở trước. Tiếng hát của kẻ đã bị tước đoạt mọi quyền sống. Tiếng hát của anh thăng trầm không theo phách nhịp, có lúc gào thét vùng vẫy như con mãnh thú bị đạn, thoát ra từ con tim se thắt, đôi mắt anh mở to rồi từ từ nhắm nghiền lại, giọng hát trầm lắng mang nhiều đau thương rồi tắt lịm, đã làm những ai còn chút tình người, dừng chân đứng nghe chắc chắn sẽ làm não lòng không ít.

Ai đã yêu lính bằng lời, qua sách vở, trên màn ảnh tivi, và những hoạt cảnh mang nặng phần trình diễn, bên quân phục mũ xanh mũ đỏ, mũ nâu, với bộ Trelli “cáu cạnh” ủi hồ thẳng nếp, và dưới chân với đôi boot bóng loáng, để cho người xem thấy rằng người lính “nhìn quân phục biết tư cách.” Và nhịp nhàng lâm ly hơn, bên những vần thơ ngậm ngùi “Sông Dịch tiễn anh đi” rồi dũng cảm trong tiếng vó ngựa “thét roi Cầu Vị ào ào gió thu.”

Thế thì, nước mắt nào là của Lưu Bị, và nước mắt nào là của Tào Tháo, xin người “ngoài vòng cương tỏa” trả lời giúp.

Nhìn lại hôm nay, người lính VNCH đang đi những bước cuối đời trên quê hương không còn chỗ đứng cho anh. Lịch sử giờ đã sang trang. Dân tộc Việt nói chung và gia đình bạn bè anh nói riêng, đã ghi chiến công anh vào trang sử xanh. Và chỉ còn biết nói “tôi nhớ tên anh” trong mọi trái tim của người Quốc Gia chân chính. Và người viết bài này, xin mượn hai câu thơ Nguyễn Du làm lời kết “áo xiêm ràng buộc lấy nhau, vào luồn ra cúi công hầu mà chi.”

Trà Khan
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn