Phước Long: Trận thăm dò cuối cùng trước cuộc tổng tấn công của Cộng Quân vào Sài Gòn

Thứ Năm, 27 Tháng Năm 20216:42 CH(Xem: 3846)
Phước Long: Trận thăm dò cuối cùng trước cuộc tổng tấn công của Cộng Quân vào Sài Gòn

Vann Phan

(NV) – Sau khi Căn Cứ Tống Lê Chân lọt vào tay quân Cộng Sản vào ngày 11 Tháng Tư, 1974, mà Hoa Kỳ và thế giới không có phản ứng gì để trừng phạt Cộng Sản Bắc Việt, tình hình an ninh tại miền Nam Việt Nam ngày càng trở nên suy đồi.

Các chiến sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. (Hình: nhayduwdc.org)

Thời điểm đó các cuộc tấn công lẻ tẻ để lấn đất, giành dân của Cộng Quân liên tiếp diễn ra trong những tháng ngày còn lại của năm 1974.

Cho tới cuối năm 1974, Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam lại tiếp tục vi phạm nặng nề Hiệp Định Paris 1973 mà họ đã ký tên bằng cuộc đánh chiếm tỉnh Phước Long thuộc Vùng III Chiến Thuật và nằm cách thủ đô Sài Gòn khoảng 100 cây số về hướng Bắc.

Diễn tiến Trận Phước Long từ cuối năm 1974 tới đầu năm 1975

Trận Phước Long kéo dài chưa đầy một tháng, từ cuối Tháng Mười Hai, 1974, đến những ngày đầu Tháng Năm, 1975. Các cuộc giao tranh tại đây có thể được chia thành hai giai đoạn.

1-Giai đoạn 1, từ 13 đến 31 Tháng Mười Hai, 1974:

Trận chiến tại Phước Long khởi sự ngày 13 Tháng Mười Hai, 1974, khi các lực lượng Sư Đoàn 7 và Sư Đoàn 3 của Cộng Quân tấn công quận lỵ Đôn Luân nhưng bị các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đồn trú đẩy lui.

Ngày hôm sau, Cộng Quân quay sang tấn công và chiếm được Đức Phong và Bố Đức. Sau khi được một đơn vị của Sư Đoàn 5 Bộ Binh từ Lai Khê đến tăng cường, vào ngày 16 Tháng Mười Hai, quân bạn đã chiếm lại được Bố Đức.

Trong khi đó, Cộng Quân ráo riết pháo kích vào Phi Trường Sông Bé, làm gián đoạn và gây khó khăn cho việc tiếp tế súng đạn và thực phẩm cho các đơn vị bạn đang chiến đấu tại các mặt trận.

Có ít nhất là hai vận tải cơ quân sự C-130 của Không Quân VNCH bị súng phòng không của Cộng Quân làm hư hại khi thực hiện các phi vụ tiếp tế như thế. Ngay cả Lai Khê, nơi đặt bản doanh của Sư Đoàn 5 BB cũng bị Cộng Quân pháo kích nặng nề.

Cùng với nỗ lực làm tê liệt các hoạt động tại các phi trường bằng các đợt pháo kích liên tục, Cộng Quân lại tung thêm một cuộc tấn công khác vào Bố Đức và rồi tràn ngập nơi này vào đêm 22 Tháng Mười Hai. Bốn ngày sau, tức 26 Tháng Mười Hai, Cộng Quân lại đánh chiếm Đôn Luân, khiến các tuyến phòng thủ của Tiểu Khu Phước Long chỉ còn lại thị xã tỉnh lỵ và quận lỵ Phước Bình.

Đêm 30 Tháng Mười Hai, được tăng cường bằng chiến xa T-54 có giáp sắt chống hỏa tiễn M-72, Cộng Quân mở cuộc tấn công vào Phước Bình. Trận chiến kéo dài sang ngày hôm sau thì các đơn vị Địa Phương Quân và Sư Đoàn 5 Bộ Binh phải rút lui về lập phòng tuyến mới bên ngoài Phi Trường Sông Bé.

Kế đó, một lực lượng Cộng Quân khác từ Bà Rá khởi sự tấn công vào tỉnh lỵ Phước Long. Không Quân VNCH đã tiến hành hàng trăm phi vụ oanh kích đề yểm trợ cho quân bạn trong vòng đai phòng thủ.

2-Giai đoạn 2: Từ ngày 1 tới 6 Tháng Giêng, 1975:

Từ lúc 6 giờ sáng ngày 1 Tháng Giêng, 1975, Cộng Quân ra sức ngăn chặn các phi vụ không yểm của Không Quân VNCH bằng cách pháo kích nặng nề vào phi trường Biên Hòa, khiến một số phi đạo tại đây hư hại và một số công sự bốc cháy, làm gián đoạn các hoạt động yểm trợ cho mặt trận Phước Long trong một thời gian.

Đến 7 giờ sáng cùng ngày, Cộng Quân, có chiến xa và lực lượng tùng thiết yểm trợ, khởi sự tấn công vào mạn Nam thị xã Phước Long sau khi đã chiếm được căn cứ pháo binh Bà Rá gần đó.

Trong ngày 2 Tháng Giêng, Cộng Quân đã pháo kích trên dưới 2,000 quả đạn pháo đủ loại vào Phước Long, gây thiệt hại nặng nề cho các công sự phòng thủ của quân bạn.

Ngày 4 Tháng Giêng, hai đại đội thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù được các trực thăng của Không Quân đổ xuống mặt trận để giúp giữ vững phòng tuyến của các đơn vị phòng thủ thị xã. Trận chiến diễn ra hết sức ác liệt, nhưng hết lớp này tới lớp khác, Cộng Quân vẫn bám chặt trận địa trong nỗ lực vây hãm và tiêu diệt quân trú phòng.

Đến 9 giờ sáng 6 Tháng Giêng, các lực lượng bộ chiến và xe tăng của Cộng Quân lại mở một đợt tấn công mới hết sức ác liệt vào các lực lượng đang cố thủ tại Phước Long, và giao tranh tiếp diễn suốt ngày chung quanh dinh tỉnh trưởng.

Tới khuya ngày hôm đó, lực lượng bạn, biết không thể giữ vững được phòng tuyến, đã tìm cách thoát khỏi vòng vây của quân địch. Các chiến sĩ Biệt Cách Dù cũng lặng lẽ phân tán mỏng ra khỏi thị xã để đến nơi an toàn tại phía Bắc Phước Long. Tiểu Khu Phước Long đã thất thủ vào tay Cộng Quân.

Từ ngày 9 đến ngày 15 Thàng Giêng, 1975, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù và một lực lượng của Quân Đoàn 3 đã tổ chức tìm kiếm các chiến binh bị thất lạch sau khi Cộng Quân chiếm được Phước Long. Khoảng 3,000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa được coi là đã bị bắt hoặc bị thất lạc trong trận này. Các trực thăng của Không Quân đã di tản được hơn 1,000 người vừa cảnh sát vừa công chức và thường dân về nơi an toàn.

Bản đồ trận Phước Long. (Hình: en.wikipedia.org)

Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn tồn tại vài ba tháng nữa sau trận Phước Long

Trận Phước Long đã trở thành trận đánh thăm dò cuối cùng của Cộng Sản Bắc Việt trước khi họ dốc toàn lực mở cuộc tổng tấn công đánh chiếm miền Nam Việt Nam ít lâu sau đó.

Trận Phước Long là một diễn tiến cho thấy, sau khi Hoa Kỳ đã thôi can dự vào việc bảo vệ Miền Nam Tự Do đồng thời cắt hết viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa, nước này không còn tồn tại được bao lâu nữa.

Đây là một trận đánh ở quy mô trung bình, với tương quan lực lượng giao tranh là 1 chống 3 (4,500 quân Việt Nam Cộng Hòa chống 14,500 quân Cộng Sản), và lợi thế tiếp vận nghiêng hẳn về phía quân Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Nhưng đây cũng chính là tương quan lực lượng mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận khi họ luôn ở thế thủ trong khi các đơn vị chiến đấu của mình dàn trải ra quá mỏng trên một lãnh thổ rộng lớn, để rồi phải giao quyền lựa chọn chiến trường cho phe địch.

Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, sau năm 1973, nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chịu tái phối trí quân đội mà rút khỏi Vùng I và Vùng II Chiến Thuật sớm hơn để lui về phòng thủ Vùng III và Vùng IV Chiến Thuật mà thôi thì Việt Nam Cộng Hòa còn có cơ may đứng vững thêm một thời gian nữa.

Có điều, không một ai dám quả quyết rằng thời gian tồn tại như thế của miền Nam Việt Nam là bao lâu trước quyết tâm không gì lay chuyển nổi của Cộng Sản Quốc Tế là phải nhuộn đỏ cho bằng được bán Đảo Đông Dương cũ trong khi Thế Giới Tự Do thì lại không hề chứng tỏ quyết tâm bảo vệ miền Nam Việt Nam, Cambodia và Lào cho đến cùng.

Trận Phước Long, dù kết quả ra sao đi nữa, cũng cho thấy sự trưởng thành vượt bực và sức chiến đấu kiên cường của các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một lực lượng không được trang bị hùng hậu mấy và thường bị coi nhẹ trong suốt thời gian chiến tranh khốc liệt, với những trận đánh long trời, lở đất trên khắp bốn vùng chiến thuật.

Khi xét tới tương quan lực lượng hết sức chênh lệch giữa quân tấn công và quân phòng thủ cũng như sức yểm trợ không mấy dồi dào của pháo binh và phi pháo vì hỏa lực phòng không quân địch quá mạnh và đạn dược của quân bạn bị thiếu hụt trầm trọng tại mặt trận Phước Long, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Tiểu Khu Phước Long đã chiến đấu tuyệt vời, trên cả mức trông đợi của Bộ Tổng Than Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau cùng, trận Phước Long cũng cho thấy rõ thế tiến, thối lưỡng nan của dân, quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa khi phải tiếp tục chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi mặt để chống lại một đạo quân xâm lăng được trang bị ngày càng hùng hậu.

Bộ đội Cộng Sản Bắc Việt được trang bị đạn dược, trọng pháo, súng phòng không, và xe tăng, với lợi thế là họ được quyền chọn lựa những nơi nào yếu kém nhất của đối phương để tấn công. Trong khi đó, thật chẳng dễ dàng gì để cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có thể rút quân từ nơi này về cứu ứng nơi kia, để rồi lại  tạo nên kẽ hở mới cho quân địch tấn công.

Theo hai tác giả Clark Dougan và David Fulghum trong quyển “The Vietnam Experience: The Fall of the South,” do Boston Publishing Company xuất bản năm 1986, thật vô cùng khó khăn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và quân đội dưới quyền ông khi phải chọn lựa giữa việc rút bớt một số đơn vị từ các mặt trận khác về cứu ứng Phước Long để rồi bỏ ngỏ việc phòng thủ nơi đó và việc để mặc cho Tiểu Khu Phước Long thất thủ.

Và vị tổng tư lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau cùng, đã phải quyết định bỏ rơi Phước Long khi ông nói: “Không có quân Dù và cũng không có chuyện quân Dù [từ Vùng I] về kịp dẫu cho có muốn đi nữa.”

Sau khi thấy Tổng Thống Thiệu đã không thể làm được gì để giữ vững lời cam kết “không nhường đất cho Cộng Sản” trong lập trường “4 Không” của ông, và sau khi Hoa Kỳ không hành động gì cả để trừng phạt Cộng Sản Bắc Việt đã trắng trợn vi phạm Hiệp Định Paris khi tiếp tục tấn công Việt Nam Cộng Hòa như lời cựu Tổng Thống Richard Nixon đã răn đe trước khi ký Hiệp Định Paris 1973, Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam bèn quyết định dời thời điểm mở cuộc tấn công sau cùng vào miền Nam Việt Nam từ năm 1976 – năm bầu cử tổng thống Mỹ – về thời điểm 1975 để cướp thời cơ mà giành chiến thắng.

“Sau Trận Phước Long, Việt Nam Cộng Hòa còn vài tháng là sụp đổ,” tác giả Nguyễn Quang Duy, từ Úc, nhận định như thế trong một bài viết gởi cho Diễn Đàn BBC vào ngày 8 Tháng Giêng, 2019. (Vann Phan) [qd]

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/phuoc-long-tran-tham-do-cuoi-cung-truoc-cuoc-tong-tan-cong-cua-cong-quan-vao-sai-gon/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn