Cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị tháng 6 năm 1972

Thứ Hai, 01 Tháng Ba 20214:47 CH(Xem: 4609)
Cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị tháng 6 năm 1972

Nhân Tập Thể Chiến Sĩ VNCH kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị
Xuân Sơn

Ngày 6 tháng 6 năm 1944 được đánh dấu là một trong những ngày vẻ vang nhất của quân đội Mỹ, khi mà đoàn quân viễn chinh đổ bộ lên bờ biển Normandie để giải phóng Âu Châu khỏi ách cai trị của Hitler. Trong khi đó tháng 6, 1972 cũng đánh dấu một khúc quanh quan trọng của cuộc chiến VN khi Tướng Ngô Quang Trưởng, Tướng Bùi Thế Lân tổ chức cuộc phản công tái chiếm cổ thành Quảng Trị.

* Kế nghi binh:

Đầu tháng 6, Nha Kỹ Thuật (Biệt Kích) bỏ lại tại thung lũng A Shau một xác chết ở trong đó có một cuốn mật mã ghi lại những kế hoạch tấn công miền Bắc và cùng một lúc đó MACV cũng tung ra tin sẽ mở một cuộc hành quân ra Bắc, đổ bộ ở Vinh hoặc nhảy dù xuống Thanh Hóa hòng làm giảm áp lực của quân CS ở tuyến Mỹ Chánh. Dù cho địch có bị mắc mưu hay không Tướng Trưởng, Tướng Lân, Đại Tá Lịch đã soạn thảo kế hoạch phá địch. Đó là cuộc hành quân Lam Sơn 72.

Khởi đầu Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù vượt tuyến Mỹ Chánh và sau 2 tuần lễ thì chiếm được 4 đồn địch ở dọc quốc lộ 1. Địch bỏ chạy tán loạn và mất tinh thần chiến đấu và rút về Quảng Trị vào 4 tháng 7. Khi đến làng Mai Lĩnh ở ngoại ô Quảng Trị thì Đại Tá Lịch thận trọng dừng quân để gửi một toán cảm tử trực thăng vận vào bên thành phố để dò xét tình hình. Sau khi toán thám báo trở về thì Đại Tá Lịch quyết định tấn công vào ngày 8 tháng 7.

Lần này quân BV nhất định chống lại đến cùng và dùng súng cối bắn vào quân Nhảy Dù đã tiến đến sát Cổ Thành. Hai bên quần thảo ác liệt và tranh giành từng căn nhà một. Quảng Trị bị vây chặt nhưng Tướng Trưởng đã để bỏ ngỏ một ngõ ở phía Tây để cho địch chạy thoát, ông đã áp dụng lời dạy của tiền nhân là không dồn địch vào đường cùng và có lẽ cũng vì lòng nhân đạo không muốn tàn sát quá nhiều sinh mạng. Nhưng Tướng Giáp đã ngoan cố bắt các người lính BV ở lại tử thủ đến người lính cuối cùng, không cho rút mà còn lợi dụng kẽ hở để đem thêm quân vào tử địa.

Advertisement
Report this ad

Hàng ngàn phi vụ B52 và phi vụ chiến thuật đua nhau giội bom lên đầu địch, đã có tất cả 2054 phi vụ B52 gieo rắc kinh hoàng cho các người lính BV bị dùng làm vật hy sinh một cách vô ích. Những cuốn nhật ký thu lượm được mô tả sự tuyệt vọng của những người lính này trước những cơn mưa bom từ trên trời rơi xuống. Họ tiếp tục kháng cự và dùng các ổ trọng pháo 130 ly để tấn công quân Nhảy Dù. TĐ7 không tiến lên được và phía TQLC ở phía Tây cũng gắng sức kháng cự mạnh mẽ của địch.

Các phi vụ B52 tiếp tục đánh phá và một chiến đấu cơ đã dùng một quả bom laser nặng một tấn phá vỡ một bức tường của cổ thành. Nhưng Th/Tá TĐ Trưởng Văn Lê Mễ tỏ ra thận trọng, không muốn tiến chiếm ngay Cổ Thành vì không muốn mắc mưu kế của địch có thể dùng đại bác 130 ly để bắn vào thành sau khi rút đi.

Hải Quân Mỹ trên chiến hạm Eversole bắn phá dữ dội và làm nổ nhiều kho đạn địch mở đường cho một đại đội Dù tiến vào bên trong thành nhưng ngay sau đó một đại đội bị bao vây bởi một tiểu đoàn địch nhưng đã rút ra được mà chỉ bị thiệt có 7 người chết mà thôi. Phía BV bèn tung nốt sư đoàn trừ bị cuối cùng là 324 C cùng với SĐ 312 để cố giữ lấy Quảng Trị. Ngày 17 tháng 7 quân BV phản công lại nhưng bị đẩy lui với những thiệt hại ghê gớm, 295 xác chết đếm được trong khi phía Dù có 27 chiến sĩ hy sinh. Cuộc chiến kéo dài quá lâu với những tổn thất quá lớn về nhân mạng khiến Tướng Trưởng có lúc tính đến việc bỏ Quảng Trị và đem quân chặn đường tiếp tế của địch để rồi quân BV ở bên trong Quảng Trị phải đầu hàng. Nhưng vì lý do chính trị nên Quảng Trị cần phải được chiếm lại bằng mọi giá nên cuối cùng ông đã quyết định dùng tới TQLC để hoàn thành việc này.

*Những đợt sóng thần…

Tướng Bùi Thế Lân trước đó đã đưa TĐ3, 5, 7 và 8 tiến dọc quốc lộ 1 vào ngày 28 tháng 6. Đến ngày 29 thì hai TĐ 1 và 4 đổ bộ lên Wunder Beach. Nhờ thế đã giải tỏa áp lực cho SĐ Nhảy Dù và trong cuộc hành quân này địch đã bị thiệt 1515 lính bị chết và 18 xe tăng phá hủy.

Tướng Lân cho trực thăng vận một tiểu đoàn qua sông Vĩnh Định ở Đông Bắc thành phố và bao vây phía Tây và Đông không cho quân tiếp viện tới giải cứu.

Ngày 11 tháng 7, các TQLC được trực thăng vận bởi 34 trực thăng CH 53 của Mỹ và được yểm trợ bởi các trực thăng võ trang Cobra. Cuộc hành quân hỗn hợp này vô cùng phức tạp và khó khăn nên không tránh khỏi tai nạn thí dụ như một chiếc CH 53 đã bị trúng hỏa tiễn SA7 khiến cho 55 TQLC bị chết, phi hành đoàn được cứu thoát. Đến ngày 14 tháng 7 thì vòng vây đã siết chặt, địch không còn được tiếp tế như trước nữa khiến sức kháng cự yếu dần.

Các phi vụ tải thương được thực hiện dễ dàng hơn, nhưng trước con số thương vong quá lớn các vị tướng lãnh VNCH cũng phải nghĩ rằng nguồn nhân lực không phải là vô tận và phải nghĩ đến việc kết thúc trận đánh sớm hơn nhưng cùng một lúc phải tiết kiệm nhân mạng, khác hẳn với thái độ thí quân của Giáp coi sinh mạng con người như rơm rác trong các đợt tấn công biển người học được của Mao Trạch Đông.

Ngày 27 tháng 7, SĐ Dù được lệnh rút về để cho SĐ TQLC đảm nhiệm việc chiếm Cổ Thành. Địch vẫn nhất định tử thủ với SĐ 325 được tăng cường bởi nhiều đơn vị của SĐ 308 và 320. Các tổn thất của địch thật là kinh khủng, gần 200 lính chết và 51 xe tăng bị bắn cháy. Vì bị bao vây cả 3 mặt còn phía sông Thạch Hãn thì bị phi cơ bắn phá, địch tung ra một cuộc phản công cuối cùng để thoát ra khỏi vòng vây trong tháng 8 nhưng bị TQLC đẩy lui. có thể nói Cổ Thành Quảng Trị đã trở thành một thứ Điện Biên Phủ cho quân Cộng Sản nhưng họ không được phép đầu hàng như quân Pháp!

Ở mặt trận Nam TQLC tiếp tục tiến đến gần khu Cổ Thành và càng đến gần thì sức kháng cự càng mạnh, thí dụ như trong ngày 22 tháng 8 địch đã bắn 3,000 phát đại bác và súng cối vào TĐ 8 TQLC để tìm đường rút lui ra khỏi tử địa.

TT Thiệu và Tổng Tham Mưu đòi Tướng Lân phải chiếm lại Quảng Trị bằng mọi giá, nhưng ông tỏ ra thận trọng vì ở trong vùng vẫn còn 5 sư đoàn địch và nếu đem Lữ Đoàn 369 TQLC vào vòng chiến thì có thể bị hở ở mặt Nam. Tướng Trưởng đồng ý với Tướng Lân và ngày 8 tháng 9 ông quyết định đem 3 TĐ Biệt Động Quân để thay thế cho Lữ Đoàn 147 TQLC đang án ngữ mặt Bắc khiến Tướng Lân có đủ 2 lữ đoàn để tấn công trong khi vẫn còn một lữ đoàn trừ bị ở phía Nam. Theo đúng tinh thần của những vị Tướng TQLC, Tướng Lân luôn luôn hành sự hết sức thận trọng, để phòng những bất trắc có thể xảy ra và không có những việc làm khinh suất liều lĩnh gây thiệt hại đến tính mạng của binh sĩ.

* Kết thúc trận đánh:

Hàng trăm phi vụ B52 được tung ra và ở ngoài khơi chiến hạm Juneau cũng ào ạt nổ súng khiến quân BV tưởng là sắp có đổ bộ nên chui ra khỏi hầm hố địa đạo để bảo vệ khu Cửa Việt. Nhưng đây chỉ là nghi binh điệu hổ ly sơn khiến ở mặt Nam TQLC tiến sát đến bờ thành mà ít gặp trở ngại. Để nắm vững tình hình địch ở bên trong, một toán cảm tử thuộc TĐ 6 tiến vào bên trong và sau đó trở lại báo cáo về tình hình địch rất yếu và đây là cơ hội tốt nhất để dứt điểm. TĐ 1 vượt sông Thạch Hãn và cùng với TĐ 2 Trâu Điên và TĐ 6 bao vây địch. Ở phía Bắc Cổ Thành TĐ 3 và 7 đến sát chân thành và đến ngày 15 tháng 9 thì coi như làm chủ hoàn toàn Quảng Trị, địch như cá nằm trên thớt chờ đợi bị đem ra làm thịt.

Địch cố gắng chống lại một cách tuyệt vọng và đến khi người lính TQLC dựng lá cờ vàng 3 sọc đỏ ở bờ phía Tây Cổ Thành thì tiếng súng im bặt. Bao nhiêu lính BV ở trong thành đã bị chết hoặc chôn vùi dưới đống gạch vụn. Sáng ngày 16 một buổi lễ thượng kỳ long trọng được cử hành trước sự vui mừng của người chiến sĩ TQLC nhưng xen lẫn với những dòng nước mắt tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh nằm xuống cho trận đánh dữ dội nhất và hao tổn xương máu nhiều nhất trong quân sử VNCH.

Giá biểu của trận đánh tái chiếm Quảng Trị quá lớn và nhiều người cho rằng sự hao tổn này có xứng đáng không? Tr/Tá cố vấn Gurley viết trong cuốn hồi ký của ông rằng người lính TQLC Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng họ đầy lòng dũng cảm, giàu quyết tâm và họ là những chiến sĩ TQLC can trường không kém bất cứ một đơn vị TQLC nào khác. (Short in stature, rich in courage and full of determination, stood tall in the eyes for all Marines).

Để đạt được vinh dự đó, TQLC Việt Nam đã bị thiệt mất hơn 5,000 người từ tháng 6 và trong trận tái chiếm Quảng Trị đã có tất cả 3,658 chiến sĩ hy sinh. Trên 4 người lính TQLC thì có một người hy sinh vì tổ quốc.

* Nếu chẳng may cộng sản thắng năm 1972?

37 năm trôi qua, xem xét lại những tài liệu lịch sử đã được bạch hóa của cả hai bên thì chúng ta thấy rằng tình hình miền Nam vào năm 1972 đã nguy hiểm hơn là chúng ta tưởng. Mỹ muốn phủi tay ra đi, Nixon khi tranh cử hứa sẽ giải quyết dứt khoát cuộc chiến. Kissinger muốn bán đứng miền Nam bằng mọi giá nên đã để mặc cho miền Nam đối diện với kẻ thù được võ trang đầy đủ hơn, quân số đông hơn gấp nhiều lần.

Nếu sau khi chiếm được Quảng Trị, Giáp cứ tiếp tục đem chiến xa đánh tràn xuống phía Nam và chiếm Huế gần như bỏ ngỏ, dân chúng mất tinh thần, Đà Nẵng đang bị đe dọa và toàn thể Quân Đoàn 1 sẽ tan rã như vào năm 1975. Bình Định đã bị cắt đôi ở Bồng Sơn, Tam Quan bị địch chiếm, Komtum bị vây hãm khiến miền Nam có thể bị cắt đôi. Tình hình ở An Lộc hết sức nguy kịch và nếu tin thất trận ở vùng 1 được loan đi thì các binh sĩ SĐ 5 đang tử thủ có thể sẽ mất tinh thần và An Lộc sẽ bị tràn ngập bất cứ lúc nào khiến Saigon có thể bị tấn công bằng đại pháo 130 ly và sẽ biến thành biển lửa.

Nếu lúc đó không có sự lãnh đạo can đảm của Tướng Trưởng, Tướng Lân và sự hy sinh của hai sư đoàn nhảy dù và TQLC thì tình hình đã đổi khác và miền Nam chắc chắn sẽ bị mất vào năm 1972, khi đó với sự say men chiến thắng thì sự trả thù của quân BV sẽ ghê gớm hơn là năm 1975. Một biển máu có thể sẽ xảy ra và một số lớn chúng ta sẽ không được như ngày hôm nay…

Những gì mà chúng ta đang an hưởng hiện nay trên đất Mỹ này một phần lớn là do sự hy sinh của những người anh hùng vô danh đó… Chúng ta có bổn phận phải ghi nhớ công ơn đó và để lại muôn đời con cháu mai sau về chiến công oanh liệt nhất của người chiến sĩ VNCH ngày 16 tháng 9 năm 1972 tại Cổ Thành Quảng Trị, một ngày cần được ghi vào lịch sử Việt Nam bên cạnh những trận Đống Đa, Bạch Đằng…

1. Tham khảo: Trail by fire: Dale Andrade.

2. The Easter Offensive: T. Gurley. Vietnam at War. Philip Davidson.

3. Vietnam on the frontlines. History Channel. 2001.

Sep 18, 2012

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/newarticle/Cuoc-phan-cong-tai-chiem-Quang-Tri-thang-6-1972-0027/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn