Con có còn sống tới ngày mai?

Thứ Tư, 23 Tháng Chín 202010:00 SA(Xem: 4898)
Con có còn sống tới ngày mai?

Đoàn Xuân Thu

tap-nghi-DXT
Embers fly across a roadway as the Kincade Fire burns through the Jimtown community of Sonoma County, Calif., Oct. 24, 2019. (AP Photo/Noah Berger)

Mùa cháy hàng năm ở Úc, kéo dài từ tháng Chín đến tháng Ba. Trời khô, hanh nóng và gió nhiều làm lan truyền ngọn lửa. Năm 2019, Úc trải qua ngày nóng nhất và mùa Xuân lại ít mưa, khô hạn nhất. Giông gây ra sét. Sét làm bùng lên những đám cháy giữa rừng khô khốc nước. Hơn 18 triệu ha và hơn 5.900 căn nhà đã cháy rụi tính đến giữa tháng Giêng 2020.  Khói từ các đám cháy rừng từ Australia bay qua Thái Bình Dương tới Nam Cực, đến New Zealand và tuốt tới cả Argentina và Chile bên Nam Mỹ.

Lính cứu hỏa và hàng ngàn tình nguyện viên giúp ngăn chặn cháy rừng lan rộng. Cảnh sát, quân đội được huy động. Tàu Hải quân của Úc phải vào sát bờ biển để đón người dân đang hoảng loạn chạy trốn cháy rừng chờ cứu.

Mùa màng bị đốt rụi, năm nay, 2020, Úc thiếu gạo ăn phải nhập từ nước ngoài. Người chết, hàng tỷ động vật, kangaroo, koala, dơi và côn trùng bị mất môi trường sống và nguồn thức ăn.

Cháy rừng, khói dữ dội tạo ra ô nhiễm gây xốn mắt và khó thở với người bị bệnh suyển, bệnh tim hoặc bệnh mãn tính, trẻ em cũng như người lớn.

Tuy vậy, Thủ tướng Úc Scott Morrison lại công khai hạ thấp ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với những vụ cháy rừng. Ổng dắt vợ con đi ‘holiday’ cuối năm.  Cả nhà ông Thủ tướng nằm phè tắm biển Hawaii, Hoa Kỳ. Dân Úc ở nhà chửi bới um sùm; nên ông Thủ tướng vội bay trở về, đi thăm những vùng quê bị cháy rụi. Đón tiếp ông là nhưng khuôn mặt thất thần, ánh mắt đầy phẩn nộ. Bắt tay, lính cứu hỏa làm ngơ! Đi vòng vòng thị sát bị dân kêu là đồ ‘idiot’(đồ ngu), rồi rượt cả đám tai to mặt bự chạy có cờ: “Nói nhiều quá rồi! Thôi hãy làm cái gì cho dân đi chớ!”

Tháng Chín mùa Xuân lại tới! Nước Úc đang rộn rịp chuẩn bị cho mùa cháy rừng lại tới trong thời ôn dịch COVID-19 thì cháy rừng dữ dội lại bùng phát dọc bờ Tây nước Mỹ!

Ở phía Nam tiểu bang Oregon, hai thành phố nhỏ Phoenix và Talent, với dân số chỉ khoảng 11,000 người, hầu như bị lửa rừng thiêu rụi hoàn toàn.

Rồi ở Marion County, hôm Thứ Ba, mùng 8, tháng Chín, cậu bé Wyatt Tofte, 13 tuổi, đã chết trong một chiếc xe hơi, trong lòng vẫn còn ôm một chú chó cưng. Bi kịch cháy rừng nầy làm xúc động người dân toàn thế giới.

***

Những trận cháy rừng dữ dội ở Hoa Kỳ làm gợi nhớ đến trận cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử Australia xảy ra tại tiểu bang Victoria, vào ngày thứ Bảy, mùng 7, tháng Hai, năm 2009, làm hơn 173 người đã chết.

Marysville là thị trấn yên bình rợp bóng cây, phía tây bắc, chỉ cách Melbourne một giờ rưởi lái xe, chưa đầy 100 km. Marysville với những cây cổ thụ ngập tràn màu sắc, vang tiếng hót của bầy chim, những thảm cỏ xanh mướt, vườn hoa rực rỡ trước những ngôi nhà xinh xắn.

Mùa đông, đi núi tuyết Lake Mountain, tôi đã từng dừng chân ở Marysville vì cảnh nơi đây đẹp như là tranh vẻ của Levitan. Nhưng chỗ thiên đường đó đã biến thành hỏa ngục: Trận cháy rừng ngày vào ngày thứ Bảy đen tối, ngày thứ Bảy tang tóc đó, Marysville đã hoàn toàn bị thiêu hủy. Những lớp khói bụi đen ngòm, che cả ánh mặt trời, trong khi ngọn lửa vàng rực, nuốt dần những ngôi nhà xinh xắn đó. Trận bão lửa như từ địa ngục đuổi theo. Chẳng khác gì thảm họa ở Hiroshima, chẳng khác gì một vụ nổ bom nguyên tử. Xác động vật nằm la liệt khắp trên đường! Chúng tôi lái xe đi, khi lửa ngùn ngụt trên những ngôi nhà hai bên vệ đường”.

Toàn bộ thị trấn này bị thiêu rụi và ngôi làng Marysville đẹp như tranh giờ chỉ còn là đống tro tàn. “Khi điện tắt, tôi, một người dân Maryville, vội vã chộp lấy vài món đồ cho vào túi. ‘Bế lấy con! Ra khỏi nhà ngay!’ Ngày tang tóc đó, một người cha đặt hai đứa con thơ vào xe rồi quay vào nhà lấy thứ gì đó. Một loáng sau, chiếc xe chìm trong biễn lửa, lũ trẻ vẫn còn kẹt trong xe. Nước mắt!

Khi đó, Melbourne, nhiệt độ lên hơn 47 độ C. Lịnh cấm lửa toàn diện tiểu bang. Tôi  vẫn ung dung ngồi ở nhà, trong cái hiu hiu dịu mát của máy điều hòa không khí chạy hết ga thì chuông điện thoại reo. Nhà trường kêu đón cháu về sớm, vì khói rừng cháy đã theo gió tràn về thành phố.

Đến trường, hai ông cháu ra trước sân. Con bé dừng lại, nhìn về phía xa xa, nói: “Nội à! cháy rừng! Hổng biết mấy bạn có sao không? Tôi nói cho cháu yên lòng “Chắc hổng sao đâu con?!”

Cùng lúc ấy, môt bé gái trạc tuổi cháu tôi, trên đường bôn tẩu ở Marysville, hỏi mẹ khi trận bão lửa cùng hơi nóng quét qua: ‘Mẹ ơi! Khi nào con gặp lại các bạn? Con có còn sống đến ngày mai không?’. Câu trả lời là: “Có! con yêu! Con sẽ còn sống để về dựng lại Marysville”

Marysville thành phố của một người con gái tên “Mary” chiều nay đã cháy!

***

Rồi giờ đây lòng tôi đầy chua xót và đau đớn khi đọc trên báo, nghe trên đài những đám cháy rừng gây chết rất nhiều người đang xảy ra ở vùng bờ biển phía Tây nước Mỹ. Nỗi thống khổ của hàng chục ngàn người, mà nhà chức trách đến đánh thức họ vào nửa đêm trước khi lửa rừng tràn tới. Họ di tản mà không có ‘vớ’ để mang, không có gì cả!

“Hơn 30 năm trước, tôi đã bỏ thuốc lá. Nhưng tôi đã bắt đầu hít khói lại trong sáu ngày qua chỉ từ không khí” Một người dân Hoa Kỳ than thở.

Oregon chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này! Khói dày đến mức khó có thể nhìn thấy phía trước hơn 10 feet. Khoảng 500.000 người ở Oregon đang trong tình trạng báo động sơ tán. Thảm trạng cháy rừng sẽ gây chết người hàng loạt cho đến khi những cơn mưa mùa Đông rơi xuống mà bây giờ trời chỉ mới sơ Thu!

California, lính cứu hỏa đang chiến đấu cật lực với hơn hàng chục đám cháy lớn, cho đến nay đã thiêu rụi hơn 3,2 triệu mẫu Anh, cao gấp nhiều lần so với những gì đã bị thiêu rụi vào cùng thời điểm này năm ngoái.

Hơn 4.000 nhà đã bị phá hủy trong năm nay.

Washington có hàng chục đám cháy lớn đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai trong lịch sử của tiểu bang. Malden, một thị trấn nhỏ ở phía đông Washington, nơi 80% các tòa nhà của thành phố – bao gồm trạm Cứu hỏa, Bưu điện, tòa Thị chính và Thư viện  đã bị phá hủy hoàn toàn. Vùng đất điêu tàn trông giống như vừa trải qua những trận bom rải thảm.

Vào giữa đêm khi đám cháy rừng đến gần hơn, một gia đình đã rời bỏ xe và chạy đến một con sông để chạy trốn ngọn lửa đầy đe dọa. Hai vợ chồng được cứu thoát khỏi dòng sông nhưng con trai của họ đau đớn thay đã không qua khỏi.

John Tripp, người đã sơ tán khỏi nhà ở Butte County, nói rằng mình sẽ không tìm thấy bất cứ gì còn sót lại khi được phép trở về.

“Tôi đến từ Miami. Tôi đã trải qua những trận cuồng phong. Tôi đã trải qua những cơn lốc xoáy. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì kinh khủng như thế này. Tôi nhìn ra ngoài và chỉ thấy có một màu cam đang tan chảy khắp các ngọn đồi”

***

Những đám cháy đang hoành hành dữ dội ở miền Tây nước Mỹ là chưa từng có. Chúng là chỉ báo trước về những hậu quả tàn khốc của việc khí hậu biến đổi đang diễn ra nhanh hơn những gì mọi người dự đoán.

Thống đốc tiểu bang Washington tuyên bố: “Khi tôi nhìn vào mắt những người bị mất người thân, bị mất nhà cửa và nhìn thấy những giọt nước mắt của họ trước thảm kịch cháy rừng! Đây không chỉ là do rừng bị cháy, chúng là những đám cháy do biến đổi khí hậu gây ra”

Đúng vậy! Mùa cháy rừng ở Úc, ở Mỹ mỗi năm càng dài thêm, càng khốc liệt thêm. Thế hệ chúng ta đã tham lam, đã tàn phá môi trường, đã sống ích kỷ như thế nào, đã hâm nóng hành tinh xanh nầy ra sao để gây ra biến đổi khí hậu, để mùa giông tố tàn phá dữ dội hơn, để mùa Hạ những cơn cháy rừng khủng khiếp hơn lần lượt xảy ra từ Nam Bán Cầu lên Bắc Bán Cầu. Nhà cháy, người chết! Thiệt hại kinh tế vô cùng to lớn!

Chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào với con cháu của chúng ta đây?

Đoàn Xuân Thu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn