CÁNH SẦU ĐÔNG. - Phan Hội Yên

Thứ Năm, 18 Tháng Giêng 20185:08 CH(Xem: 6731)
CÁNH SẦU ĐÔNG. - Phan Hội Yên
636518993434221689zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz

CÁNH SẦU ĐÔNG.

 

Đó là năm mà  chúng tôi, ngày cuối tuần phải chia nhau túc trục ở tiệm cho thuê sách để xí phần cuốn “Thiên Long Bát Bộ” từ người thuê tuần trước trả lại. Chúng tôi, tôi và Thế học cùng lớp từ đệ thất tới đệ tứ trường Hàm Nghi, rồi ba năm đệ nhị cấp ở Quốc Học. Cùng chung xóm nhà và cùng chung mọi ngỏ nghách quanh co từng vườn cây trong xóm Thượng Thành, khu dân cư cũ, sát nách với xóm chúng tôi: Khu định cư Tây Lộc.

 

Khu định cư Tây Lộc, Thành nội. Huế  là khu vực được bao bọc từ  đường Đặng Nghi – Cương Để - Chánh Tây và Thượng thành Tôn Thất Thiệp. Khu gia cư nầy được xây dựng khoảng năm  -1958-1960, khi chính phủ muốn giải tỏa khu nhà lá bên bờ thành trước cột cờ Phú văn Lâu. Khu vực giải tỏa kéo dài từ cầu Giả Viên đến Cửa Ngăn, e cũng mấy ngàn ngôi nhà. Tôi không biết, thủ tục và thời biểu hoán đổi như thế nào mà cả mấy ngàn gia đình đều vui vẻ, hớn hở lên xe GMC quân đội, dọn vào nhà mới, không một tiếng súng nổ, không một lời kêu khóc, không có cảnh “dân oan” như

 

 

 

 

 

bây giờ. Mọi căn nhà đều có diện tích bằng nhau, thiết kế na ná giống nhau

như nhà thằng Thế ở 25 Trần Duy Toản mà tôi thừơng ăn ở nhiều hơn ở nhà mình. Nhà có ba gian, gian giữa thờ tự và tiếp khách lẫn học hành. Hai gian hai bên là phòng ngủ. Nhà bếp được xây dựng thêm ở phía sau.

Ba của Thế làm Thượng sĩ Quân Cảnh trong Đà nẵng, lâu lâu bác mới về nhà một lần. Nghe bác về là tôi rút, không dám ở lại. Sợ Bác la hắn mà mình dính đạn lạc. Mà hắn thì quá nhiều tội như bác gái thường hăm he…  “Ba mi về là mi chết”…Bác gái, tôi cũng thương và sợ như Mạ của tôi, tôi ăn dầm ở dề nhà hắn một tuần ba, bốn ngày mà bác không la một tiếng, hắn ăn gì tôi ăn nấy, lâu lâu bác chỉ nhắc mi về tắm rửa thay áo quần, bác thấy hôi rồi đó. Tôi về thay áo quần thì Thế cũng dọn nhà về theo hai ba ngày, coi như thay đổi khách sạn. Bác gái ở nhà chăm lo cho thằng Thế và mấy đứa em, tôi không nhớ hết, chỉ nhớ Phạm Trọng Thủy em kế, học rất giỏi. Áng chừng giỏi hơn cả ông anh và tôi dù học sau hai lớp. Em Thủy là Tố Nga, hồi đó, thấy như con mèo, năm 71 hành quân về Huế ghé thăm bỗng giật mình. Nga học lớp với Thu, em gái tôi. Kế Nga là Hương,  không biết có đúng không. Sau nữa thì tôi không nhớ. Còn có Dì Hai phụ bác gái trong gia đình. An, con Dì hai cũng là em gái của Thế.

 

Sở dĩ tôi nhớ như in vì cho đến bây giờ, vì hắn là thằng bạn nối khố thân nhất, mà nếu không có những hệ lụy quấn quanh đời chúng tôi, giống như một bụi tường vi hoang dại, mọc lên khi chúng tôi ngủ vùi trong giấc trẻ thơ, êm đềm trói buộc chúng tôi bằng  những cành non xanh mềm của những ngày mới lớn rồi tù ngục chúng tôi bằng gai nhọn và sương ngát mùi hoa cho đến tận bây giờ. …

 

Nhà ở xa, rất xa trường chúng tôi đi học bằng xe đạp. Buổi sáng, nếu ở nhà Thế thì bác gái cho ăn cơm chiên, mỗi đứa một chén. Nếu ở nhà tôi thì ăn cháo trắng với muối. Dì tôi múc ra một mâm chừng mười chén, muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Rồi đi học, nhà tôi ở thuộc khu cư xá kiến thiết, số 11 Đặng Nghi. Khu nầy chỉ dành cho công chức và quân nhân. Ba tôi, lúc đó, cũng đi làm xa, tận Phong Điền. mỗi cuối tuần mới về nhà. Tôi ở nhà với Dì và bốn đứa em cùng Cha khác Mẹ…

 

Ngày học hai buổi, trưa thừơng ở lại trường. Tôi với Thế cùng về nhà Mệ Ngoại tôi gần đó chia nhau phần cơm mà Mệ ngoại để dành cho tôi, muốn ăn thêm thì trèo cây. Vườn nhà Mệ tôi bốn mùa cây trái…Mận, ổi…trái vả, trái chay…mãng cầu, thơm…mít…khế chua, khế ngọt.  Mệ tôi cũng đi vắng và  Dì Nhạn tôi cũng đi học như tôi bên Đồng Khánh.

 

Như đã nói ở trên, mỗi cuối tuần, hai đứa chúng tôi đều phải đi canh “Thiên Long bát bộ” Bộ truyện  kiếm hiệp của Kim Dung lúc đó rất ăn khách. Tiệm mua không đủ để cho thuê, vì phải đặt hàng tận nhà phát hành trong Sài gòn. Chúng tôi được ưu tiên và miễn phí vì chị chủ tiệm giao cho việc đi đòi sách trễ hẹn. Chị chỉ cho tên là chúng tôi đã biết nhà, tới dựng xe đạp trước của, vòng tay thưa Bác…thưa Chú, thưa anh…Chị. Rồi nhận sách về cho Chị Linh chủ tiệm. Ưu tiên, nhưng cũng phải chờ người ta trả, hoặc phải đi đòi.

 

Hôm đó, trời mưa. Đang rầu rĩ đợi sách thì Kim Anh lệt bệt đi tới. Nó cũng đi mướn sách cho Ba nó. Con bé học lớp đệ lục trường Đồng Khánh, nhà xế trước nhà tôi, đi học., đi mua nước mắm, hay theo Mạ đi chùa cũng phải đi qua nhà tôi. Cũng như mấy đứa con nít trong xóm, tôi chẳng nghĩ ngợi gì, à, mà tôi khi đó cũng chẳng lới hơn con bé bao nhiêu.

 

Tôi hỏi…Rứa Bác đọc tới cuốn thứ mấy rồi, em không biết…Kim Anh cừơi. Đưa anh coi đem trả cuốn mấy…cuốn năm, chừ lấy cuốn sáu. Tôi nhìn Thế và nói…thôi, chiều rồi em trở lại, chứ cuốn sáu mà về thì tụi anh lấy trước. Hí!!! răng rứa được, ba em đang chờ ở nhà…rứa thì chờ anh hỏi chị Linh coi có chỗ mô chưa trả, tụi anh đi lấy…Chị Linh lật sổ xăm xoi…không có mô, bửa nay chỉ có một cuốn sáu trả về…ba bữa nữa mới có. Rứa thôi! Kim Anh buồn bã quay ra, tự nhiên Thế quyết định…ừ, về đi, chút nữa có sách, tụi anh đem tới cho Bác. Nhìn cái mặt con bé nguýt tôi một cái, rồi hí hửng cám ơn anh Thế mà tôi muốn lộn gan…

 

Nói là định mệnh khởi đi từ lúc đó thì quá sớm, vì có ngang trang ngang lứa gì cho cam, với lại trong xóm, đi ra cũng gặp, đi vô cũng gặp. Nó đi gánh nước cho nhà dùng cũng ngồi bệt trước nhà tôi lật nón quạt phành phạch, rồi vói qua hàng rào ngắt ngọn lá chuối bỏ vô hai thùng nước, mặt nó đỏ hồng nhễ nhại mồ hôi, thấy tôi nó còn nói …anh gánh dùm em một đoạn…tôi nói…còn lâu …rồi đi vào nhà. Cái con dễ ghét!

 

Vậy mà Thế rủ tôi đem Thiên Long Bát Bộ cuốn sáu tới cho ba của Kim Anh thật. Bác cũng chẳng xa lạ gì với chúng tôi, bác nói cám ơn, để đó rồi lúi húi chùi xe. Bác có chiếc xe Zundap., đi làm và chở Kim Anh đi học, xe thì không còn mới, nhưng lúc nào cũng sạch bóng, ngay cả nước sơn lót phía trong đã dù đã phai, màu vàng cũng vẫn trơn tru. Thấy bác lau xe, Tuế nhanh nhẩu nhào vô…con phụ với bác, hắn lấy đồ mở bugi, cạo cạo thổi thổi rồi xoắn lại, bơm nhớt vô dây xích…thằng ni giỏi hè! Bác khen, tôi xớ rớ đứng ngó rồi thưa bác về trước.

 

Từ đó, Thế thường nài nỉ tôi cùng tới nhà Kim Anh để nói chuyện với…ba của Kim Anh mỗi cuối tuần. Cả ba bốn năm lui tới, chỉ xoay quanh “Thiên Long Bát Bộ” hắn gần như học thuộc cuốn truyện, phân tích như một triết gia khi so sánh hai mối tình của Đoàn Dự - Vương Ngọc Yến và Kiều Phong – A Tử. Rứa con có bồ chưa mà nói chuyện tình yêu hay rứa. Bác bất ngờ hỏi, hắn gãi tai…con có biết yêu chi mô…rứa giữa Vương Ngọc Yến và A Tử, nếu được chọn thì con chọn ai…Năm đó, chúng tôi đã qua Quốc Học lớp đệ nhị… Chọn chi được bác…Con may mắn lắm thì được làm Du Thản Chi, dù có móc mắt mình ra trao cho A Tử, cũng không mong gì được người ta ngó tới.…hắn không nói tiếp, ánh mắt như nhìn thoáng về phía Kim Anh đang đứng. Khi đó, tôi cũng không còn dám gọi con ni con tê…mà là Kim Anh rất nhẹ nhàng. Em đã lên lớp đệ tứ.

 

Bấy giờ, Kim Anh đã tự đi học bằng xe đạp, ba của em đã không phải chở đi chở về. Và chúng tôi thành nhóm, sáng cùng đạp xe từ nhà ra cửa Ngăn, gởi xe ở bến đò Thừa Phủ rồi qua sông đi học. Thế nhanh nhẹn tháo vát, khi nào cũng tình nguyện chèo phụ mỗi khi đò ngược nước…..

Chiều về, chúng tôi thường qua cửa Nhà Đồ, xuôi đường Cường Để về nhà. Bây giờ, hắn lại “Thiên Long Bát Bộ” với Kim Anh, dù em chỉ cười, không ý kiến. Kim Anh rất ghét truyện kiếm hiệp. Nhưng đó cũng là lý do mà cả hai người chậm lại sau tôi vài vòng bánh xe, vừa đủ để tôi sẽ không nghe gì về những câu chuyện …trên trời dưới đất…chỉ có hai ta. Tôi biết, đã đến lúc, tôi đã phải đạp xe nhanh hơn. Hắn không chọn A Tử, hắn không chọn Vương Ngọc Yến. Hắn chỉ chọn Kim Anh nên không cần móc mắt.

 

Và ngày tháng qua đi.

Lấy xong tú tài, Thế vào khóa hai, trường Chiến tranh chính tri Đà Lạt, sau khi đã hứa hôn với Kim Anh.Tôi thì lận đận thêm một năm đèn sách không như ý ở trường đại học, cũng vội vã lên đường. Có một điều gì đó khiến tôi phải rời xa Tây Lộc. Tôi không biết, nhưng tôi biết một điều rất rõ, khi những vòng lăn xe đạp đã rời xa con đường từng qua lại, trên đời, chẳng có loại xe nào sáu bánh mà giử được thăng bằng lâu dài, chỉ bốn bánh thôi nhé! Hai xe đạp cộng lại chỉ bốn bánh! Bạn ơi đi đi! Đi đi.

 

Thế mãn khóa, chọn Biệt động. Chú ruột của hắn làm lớn bên đó. Mà ăn nhằm gì, sĩ quan Chiến tranh chính trị ở đơn vị nào cũng có chử thọ trên đầu, huống chi là “cháu chú” như Thế, nên hắn yên tâm làm đám cưới. Oái oăm thay, đơn vị tôi lúc đó, cũng hành quân ở vùng giới tuyến. Không biết, hắn thế lực cỡ nào mà gọi thẳng cho đơn vị tôi, xin cho tôi rời vùng hành quân về dự. Khi hắn tự lái xe jeep đón ở bãi đáp, tôi mới biết lý do được bốc về. Tôi ôm chầm lấy hắn, hơn ba năm rồi không gặp, hắn vẫn thế, dù quân phục rằn ri nhưng thẳng thớm. Mắt kiếng có dày thêm một chút, nhưng có vẽ “thi sĩ” hơn. Quên nói, hồi đi học, hắn thường làm thơ và ký tắt là PTTT, mãi sau nầy nó mới nói PTTT là Phạm Thế thương Tùng, Tùng là tên ở nhà của Kim Anh.

 

Hành quân, tôi không đem theo bộ đồ vía nào để dự tiệc, quần áo hoa dù và chiếc nón đỏ tự nhiên lạc lõng giữa đám cưới linh đình của hắn, trong một khách sạn sang trọng bên bờ Hương giang. Hắn lấy cho tôi một phòng bên cạnh phòng của vợ chồng hắn, với chương trình một ngày dành riêng sau mấy năm chưa gặp lại. Khách khứa toàn tướng tá bạn của chú hắn và bạn bè trong đơn vi. Dĩ nhiên, tôi ngồi với gia đình hắn và bạn bè Tây Lộc….quen đó, lạ đó. Mặt người dưng lúc tỉnh lúc mê. Tôi đến chào Ba Mẹ Kim Anh…Hai Bác còn nhớ con không… Bác trai nhướng mắt kiếng rồi ôm chầm hai vai…Anh Tường đó hả…Anh Tường đó hả…Hai bác rất mừng khi cháu về dự đám cưới Kim Anh. Từ rất xa, Kim Anh chạy đến…đôi má hồng ngày xưa chợt hồng thêm bóng nắng chiều. Em rạng rỡ trong màu áo cưới, thanh khiết như một giấc mơ nào đã phai lắng trong tôi.Thế nâng ly với tôi và hỏi Kim Anh:

- Anh Tường có đem mận cho em không?

Kim Anh cười.

Hồi đó, chúng tôi vẫn đến nhà mệ ngoại tôi hái mận, hai đứa tôi leo lên hái, Kim Anh đứng dưới hứng mận, đôi khi quýnh quáng phải hứng bằng vạt áo. Đã có hai ba chiếc áo trắng không còn mặc được nữa vì loang lổ mủ mận. Không biết, những chiếc áo hồn nhiên đó em đã quên hay em còn nhớ, mà chùng như tôi, lối đi về mê mãi những bâng khuâng.

 

Tiệc tàn, tôi lặng lẽ lấy xe ôm về tiền trạm đơn vị ngủ qua đêm. Sau khi để lại vài chữ cám ơn hai vợ chồng bạn hiền dán trên cửa phòng. Trên chiếc ghế bố ngoài trời bên bờ sông lau lách,  những vì sao chợt gần, chợt xa, tôi thật sự không ngủ được. Ánh hỏa châu chầm chậm đong đưa rơi xuống.. Tôi búng mẩu tàn thuốc, đóm lửa vẽ một vòng cùng ngắn ngủi rồi lăn lóc khuất nẻo ở một nơi nào đó, ở gần đây thôi, tôi biết nó vẫn ở gần đây thôi, mà có khi một ánh sao băng xa vời vợi vẫn nhắc tôi về đốm lửa đã tắt.

 

Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần

Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân

Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng

Và nỗi tàn phai gõ một lần.

(*) Thanh Xuân – Nhã Ca

 

Bẵng đi hai năm, tôi không có tin tức gì của Thế. Có lẽ anh lính văn phòng, với hạnh phúc vừa có được, đã lấy hết thời gian của hắn. Vả lại, tôi cũng tất bật cùng đơn vị, xuôi Nam ngược Bắc. Bạn cũ…người xưa rồi cũng phai đi theo bụi mù chinh chiến. …và rồi cũng gặp lại hắn. Chiếc xe jeep có hình đầu cọp đỗ xịch bên quán cà phê bên đường, trong khu vực chúng tôi tạm thời trú quân, chờ vào vùng. Hắn vẫn thế, quân phục thẳng nếp, nón lưỡi trai giờ đã hai bông mai và mắt kiếng vẫn dày cộm.

 - Thế ! mình đây.

Chúng tôi bắt tay nhau.

- Mình họp bên Quân đoàn, biết đơn vị Tường về đây. Chỉ sợ tìm không kịp.

- Sao? Khỏe không? Nghe nói ở Liên đoàn 5 mà?

- Tăng cường! mình theo Ông Tướng lo một vài việc.

- Vợ con khỏe không!

- Kim Anh vẫn khỏe, chưa có đứa nào..

 

Chúng tôi gọi một ấm cà phê, năm điều ba chuyện, Thế cho biết đã dọn nhà về Sài gòn gần một năm nay. Kim Anh trở lại lớp, muốn học cho xong năm cuối ở trường luật trước khi có nhóc tì. Hỏi tôi sao rồi? tôi nhún vai…bạn thấy đó, đi hoài kiểu nầy có ai chịu yêu! Tới đâu hay đó.

- Thế bây giờ làm gì bên Biệt động? coi bộ cũng nhàn nhã!

- Mình lo chuyện báo chí cho Ông Tướng.

Nó trầm giọng…kỳ nầy. Tường cẩn thận nhé…mặt trận lớn lắm. Chú mình cho biết. Hắn cho tôi địa chỉ…về Sài gòn mình gặp nhau.

Và chia tay.

 

Tôi nhìn theo chiếc xe jeep cuốn tung lớp bụi vàng, hai bên đường đã trỉu nặng bông sầu đông. Những cánh hoa điểm màu xanh tím…như con đường ngày xưa chúng tôi thường đi qua khi bất chợt hứng chí đạp xe qua cống Thủy Quan. Xuôi hàng tre rợp bóng, nghịch ngợm những cánh sầu đông thơm ngát bên đường, ngày nào hắn cũng lựa cành hoa lớn nhất và ngắt…một cánh nhỏ nhất, mổi khi như thế, Kim Anh vẫn thường đứng đợi, mở sẵn tập vở chờ hắn ép cánh hoa vào…Còn đường xanh như một cánh rừng hoang vắng, tà áo trắng, tập vở trắng, em hồn nhiên đưa tập vở cho hắn. Hắn đặt cánh hoa vào và khép lại, hai người cụng đầu vào nhau, bầy chim sẻ đang chiêm chiếp chuyền cành bổng rủ nhau sà xuống những vồn rau lang cũng tròn hoa sắc tím. Hình như chúng muốn nghe rõ hơn lời đã thì thầm, hay muốn nhìn rỏ hơn một bức tranh cổ tích đang vẽ xuống đời thường….

Tôi bất chợt nhìn thấy trong ly cà phê Thế để lại.

Một cánh sầu đông đang im vắng lênh đênh.

 

Vừa đổ xuống là chạm địch, con mẹ nó! Tụi nó bắn rát lên mấy chiếc gunship nên đám Cobra không xuống đủ thấp để cover hai bên hông, tuy thế, vẫn phải xuống. Trong nhiệm vụ một đại đội phó, tôi phải dẫn hai trung  đội  nhảy xuống trước, chiếm giữ đầu cầu để toàn tiểu đoàn sẽ xuống tiếp ngay sau đó, đặt được chân xuống mặt đất mà còn la hét được, coi như thành công.  Chúng tôi tám người của chiếc thứ nhất gồm tôi, người lính mang máy  và sáu khinh binh nhảy ào ra khỏi máy bay rồi nẳm dán xuống đất, không biết chiếc UH1 dính đạn ở đâu, nhưng không lên được nữa dù cánh quạt vẫn đang quay. Cũng may, nhờ nó mà chúng tôi có chỗ ẩn nấp, mà cũng xui, bao nhiêu đạn tụi nó có đang châu vào chiếc máy bay bị nạn. Phải thoát gấp trước khi bị bắn nổ, tám chiếc chở hai trung đội đã xuống đủ. Tôi gọi phi hành đoàn bốn người vẫn còn nguyên vẹn, chạy ngược lui sau, nhảy lên chiếc gần nhất, bay trở về. Hy vọng không bị ngộ nhận, rồi dẫn lính xông lên. Cây RPD trước mặt bắn xủi đất cát, kệ mẹ mầy, tao tính mầy ngay đây thôi. Cũng lạ, không thấy B40 bắn kèm. Bắn tới tấp và tung lựu đạn, M79 rồi đồng loạt xông lên. Quả M72 cũa hạ sĩ Báu thổi chính xác, bắn tung cây RPD cùng thằng xạ thủ phía sau gốc cây đổ. Hai thằng còn lại tháo chạy. Cho mầy chạy, tao làm tới đó cái đã…Im tiếng súng, cuộc đổ bộ tiếp tục cho đến hoàn tất. Lạ nhỉ, không thấy hầm hố gì, mới đầu, tưởng xuống ngay ổ kiến lửa, nhưng không phải. Thằng xạ thủ bị thương khai…đang di chuyển thì gặp đổ bộ, chạy không kịp nên phải trụ lại…Đại đội băng bó tạm, cho bỏ lên bang ca, khiêng về Tiểu đoàn cứu chữa và khai thác. Tôi tiếp tục phần việc của mình. Cũng hên, địch xây xước, ta vô sự.

 

Bắt đầu các công việc cần thiết để xây dựng căn cứ Alpha.

 

Đang phân chia chiến tuyến với đơn vị bạn thì có lệnh bố trí khẩn cấp, tìm chỗ an toàn vì napalm sẽ đánh rất gần. Không biết ở trên đã khai thác được gì từ tù binh, và chiếc OV10 đang lòng vòng rất cao đã nhìn thấy gì, nhưng chắc chắn là tình thế đã căng thẳng lắm. Tôi cũng rất hiểu cái lệnh “rất gần” vừa nhận được. “Rất gần bất cần thân thể” là kiểu đánh bom mà chỉ có nhảy dù yêu cầu, và cũng chỉ có A1 của VNAF mới thỏa mãn được. Mặt trận nầy, chỉ có F của “người bạn Hoa Kỳ” nên không biết sao đây. Vừa chuyển lệnh xuống trung đội thì bốn chiếc F4 đã lao tới. Khói vàng vừa bục lên trên đỉnh đồi thì chúng đã tách thành hai tốp lao xuống hai bên sườn đồi, dọc theo đường thông thủy rồi vút lên cao rẽ về hai hướng, vòng lại đánh tiếp, tiếng kêu hùng, hục hùng hục của bom napalm lăn trong gió, tiếng nổ bụp và khối lửa bùng lên, lan nhanh, thiêu cháy mọi thứ. Bốn chiếc Fantom chưa khuất tầm mắt thì bốn chiếc A4 vào vùng. Xong hai đợt không kích, chúng tôi được lịnh chuẩn bị. Bốn chiếc A 4 vừa rời vùng và Cobra thay thế là chúng tôi tiến xuống khu vực vừa oanh kích.

 

Đồi dốc không cao lắm, nên khoảng chừng ba mươi phút là tiếp cận mục tiêu. Sườn đồi bên kia cũng do một đại đội khác lục soát.

 

Bạn cứ tưởng tượng đi.

Nguyên một thùng đồ chơi gồm xe cộ, sung ống, toán là súng cộng đồng, đạn dược. Đổ thùng đồ chơi xuống đi bạn, lấy mền đây lại. Xong rồi, kéo mền ra đi bạn, bạn sẽ thấy hiệu lực khủng khiếp của một đợt oanh kích trúng mục tiêu…xe chở súng, xe chở hàng, xe chở đạn dược vẫn còn khói đen và lửa bao phủ, cả hai ba chục chiếc Zin vận tải, không chiếc nào không trúng bom….Tuy nhiên, không có lấy một xác người. Tôi báo cáo tình hình, ghi nhân các thiệt hại của địch, và được lịnh khẩn cấp rút về, không lấy chiến lợi phẩm.

Vừa lên tới đỉnh đồi thì pháo địch làm việc….

Việc thiết lập căn cứ đã không thành công và chúng tôi bắt buộc phải triệt thoái bằng đường bộ khi toàn bộ không phận tác chiến, yễm trợ đã bị khóa chặt.

 

Ba tháng sau, chúng tôi mới được trở lại Tam Hiệp. Hậu cứ đơn vị..

 

Tôi dừng xe trước một căn nhà nhỏ trong trại Đào bá Phước. Trời nhá nhem tối và lâm lâm mưa. Rụt rè gõ cửa, hy vọng Thế sẽ nhào ra thật nhanh với vòng tay siết chặt của những người bạn cùng trở về từ cỏi chết.

Nhưng không! Cánh cửa mở ra để rất nhanh, tôi thấy ảnh Thế đang ở trên bàn thờ đèn nhang hương khói. Người thiếu phụ, Kim Anh đó, chỉ kịp gọi tên tôi và nặng nề rơi xuống chiếc ghế gần đó. Ở nhà sau, má của Kim Anh cũng chạy vội vào. Tôi chào bác,rồi lặng lẽ ngồi xuống.

- Con về đó à! Má Kim Anh hỏi.

- Thưa bác, trước khi vào vùng, con và Thế có gặp nhau ở An Hòa. Thế vẫn ở Bộ Tư Lệnh …mà sao lại...

- Chiếc trực thăng chở báo chí Biệt Động Quân bị bắn rơi, trong đó có anh Thế, khi trở về từ căn cứ. Kim Anh cho biết.

- Bên phần đất của Lào?

- Sâu trong đó, và không ai sống sót..

Tôi đốt cho Thế một nén nhang…yên nghỉ Thế à, mình chỉ đi trước hay đi sau.

 

Đó là năm mà mặt trận Hạ Lào đã lấy mất của tôi nhiều người thân, trong đó có Thế.

 

Mãi bốn năm sau, có dịp là tôi lại ghé thăm, đốt nhang cho người bạn cũ. Chia xẻ với Kim Anh năm điều ba chuyện.

1975 đứt phim.

 

Tôi bảy năm khăn gói quả mướp vào tù, không có ai để chia tay và không có gì để lo lắng, tiếc nuối. Xem như một cuộc hành quân dài hơn, vậy thôi.Ngày trở về, tôi không có ý định tìm gặp Kim Anh, coi như sông đã đường sông, biển tan vào biển, với lại có lo lắng gì được cho ai mà vướng bận người dưng.

 

Chuyến xe dừng lại bên cầu phà Mỹ Thuận, tôi xuống xe lục tìm gói thuốc, kiểu nầy cũng phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ mới lên phà được. Những dề lục bình trôi hối hả, bập bềnh theo giòng mước vàng óng phù sa. Sông mênh mông và nước cũng mênh mông. Đã nhiều lần, tôi ao ước được về miền tây, nhưng chưa bao giờ đến được. Hồi mới ra trường, khoảng 1968,đơn vị được diều động hành quân ven đô. Ven đô từ Tân Bữu Bình Chánh qua Kinh Xáng Lương Hòa thượng. Sáng đổ quân vô mật khu Lý văn Mạnh, có khi bốc về có khi phục lại…chỉ mới một rẻo sông nước Vàm cỏ Đông, tôi đã choáng ngợp với vẻ trù phú của cõi đất phương nam, dù vẫn đang hoang tàn, khốn đốn với chiến chinh. Ở quê tôi, miền trung, dù có làm đủ cách, vất vả đủ điều, cá tôm vẫn không phải là thực phẩm thông dụng, vì nó quá ít trong thiên nhiên. Nhưng ở đây, trong những cánh đồng hoang cỏ lác, cá…có khi nhiều hơn nước, đến nổi buỗi sáng ngủ dậy trong điểm đóng quân, muốn có nước rửa mặt, phải xua đàn cá rô con, lúc nha lúc nhúc nhiều hơn cả đám cá nóc trong vũng nước sau cơn mưa…Đêm, nằm trên poncho chờ giặc, lại ngọ ngoạy ống quần như có ai kéo đi, soi đèn pin để chỉ giật mình mấy chàng cua lớn hơn cả bàn tay đang giương mắt dòm ngó…Sông nước…cá tôm đã vẽ trong tôi một ngày hòa bình lập lại. Thế nhưng, hòa bình đã hơn tám năm rồi, mà sao quanh tôi còn tang tóc hơn cả chiến tranh.

 

Người lơ xe vỗ vào thùng xe kêu hành khách xuống phà. Tôi tựa vào lan can, nhìn mây nước, rồi bỗng nghe một giọng Huế giữa gió chứơng miền Tây.

- Rứa anh không nhìn ra em à? Anh Tường phải không ?

Tôi giật mình quay lại, ngờ ngợ nhìn người vừa gọi tên.

- Có phải Kim Anh?

Người đàn bà tháo vội khăn che mặt.

- Em đây! Rứa anh đi mô ở dưới ni?

Trong một xúc động bất ngờ và kỳ lạ, cái bắt tay chào hỏi đã giữ chặt mắt nhau. Tất nhiên, có rất nhiều điều phải hỏi thăm. Trước nhất là tin tức của Thế. Không có gì mới, Kim Anh cho biết, hơn mười năm rồi còn gì. Chắc anh ấy đã chết, và Kim Anh vẫn ở vậy. Hiện tại, em theo buôn mắm. Mỗi tháng một hai lần, Sơn em của Kim Anh từ Huế vào Sài Gòn rồi hai chị em xuống tận Cần Thơ nhận hàng. Sơn chào tôi và ân cần thăm hỏi. Tôi chưa tiện nói nhiều với hai chị em vì phà đã cập bến, chúng tôi ghi lại địa chỉ ở Sài Gòn để cùng hẹn gặp.

 

Tôi chưa nói gì với Kim Anh, trước hết, vì thời gian qua ngắn, thứ đến, tôi phải gặp Khánh. Một bạn cũ là một đại đội trưởng của tiểu đoàn 3, đang lánh nạn tận Cà Mâu, mai danh ẩn tích cho những toan tính riêng của Khánh. Nhưng, bạn lại cần gặp tôi, chẳng biết sẽ là chuyện gì, nhưng tôi cứ nhận. Một đời Mũ Đỏ với nhau, có ai đưa nhau vào tuyệt lộ bao giờ. Việc Khánh nhờ, cũng chẳng có gì to tát. Chỉ tìm cho được một hải bàn…càng sớm càng tốt. Tôi sẽ có hai chỗ trên chuyến tàu của Khánh.

 

Việc tưởng dễ hóa ra là khó. Sau mười năm tổ chức vươt biển, hải bàn gần như cạn sạch trên chợ trời, tôi lục tìm các mối lái quen biết, qua các anh em “phe ta” đang hàng ngày chạy chợ cũng không thể nào kiếm được. Trong một lần đến thăm Kim Anh theo địa chỉ em đã cho, tôi buộc lòng phải than thở về điều việc khó đó.

- Để em xem!

Kim Anh chạy vội ra nhà sau, lục tìm trong đống đồ củ ngổn ngang ở hiên nhà, lấy vào một bao cát khá nặng.

- Anh xem thử phải nó không?

Ướm ướm cái bao cát bụi bậm trên tay, tôi đã thấy hồi hộp, loay hoay một hồi mới mở được dây buộc. Tôi sửng sờ nhìn chiếc hải bàn gần như còn mới.

- Đúng rồi em! Sao em có vậy?

- Hồi 30 tháng tư, em lượm được trong Cư xá Bắc Hải. Không biết là cái gì, nên em cứ để đó.

Tôi nói , bạn anh nhờ tìm cái nầy, giao cho anh hai cây vàng. Tôi mở túi đựng hai lương vàng đeo trong lưng áo. Em nhận đi, rồi cho anh lấy nó.

- Anh cần thì cứ lấy đi! Em không nhận vàng của anh.

- Em nhận dùm, thêm vốn cho Sơn mua hàng, đây không phải là của anh. Mình sẽ nói chuyện thêm.

Kim Anh lặng yên, tôi nhờ em cất kỹ cái hải bàn vào nhà, rồi nhắn Khánh lên nhận. Hai ngày sau, tôi giao được hải bàn cho Khánh. Khánh cho tôi điểm hẹn để tuần sau lên đường.

 

Tôi cùng Kim Anh dựng xe đạp trước một quán cà phê ở đường vào cổng sau cư xá Bắc Hải. Quán vắng, vì chỉ mới hai giờ chiều. Chiếc bàn nhỏ vừa đủ cho những điều cần nói. Thật sự, thì chúng tôi cũng không có nhiều điều phải bày tỏ. Suốt mười năm qua, kể từ khi Thế giã từ cuộc vui, chúng tôi, tôi và Kim Anh, gần như quanh quẩn trên vòng quay thế sự. Chiến tranh khốc liệt đã vượt tất cả mọi toan tính và hy vọng của đời người. Khoảng cách giữa tôi và Kim Anh mỗi một ngày qua đi là mỗi một ngày như ngắn lại, ngắn đến nỗi trong giấc mơ, tôi đã nắm tay em để kể cho em  cánh hoa sầu đông trong ly cà phê cuối cùng Thế đã để lại cho tôi trước cuộc hành quân ly biệt. Ngắn đến nỗi, có khi tôi đã quên mất nó đã dài đến vô tận trước mỗi một cuộc hành quân. Trong mịt mù lửa đạn, cánh hoa cô đơn hoảng hốt bay vút lên cao, rất cao và rất xa, tôi tưởng như chẳng bao giờ gặp lại. Em, như con chim bị đạn, em sẽ bay xa, sẽ chạy trốn tất cả mọi bóng hình từ khói lửa bước ra. Tiếng quân reo mong manh trong hồn tôi bước chân xung trận…tiến lên đi…nhào zô đi… lính nhảy dù ai hẹn trước ngày về…Tôi ngược chiều đạn địch, tốc độ cộng hửơng từ hai phía sẽ  đưa tôi rất nhanh về một cõi khác, một hướng lạc màu ánh sáng. với cánh sầu đông vô định cõi trời xa.

 

Tôi gọi cho em một ly nước dừa

- Em vẫn chọn nước dừa?

- Từ rất lâu, em đã không biết mình có cần chọn lựa!

Tôi im lặng, Kim Anh chợt khóc.

- Đời sống đã chọn sẳn cho mình anh à.

Tôi nhìn vào mắt em và xưng tội;

- Như anh đã nói, đây là cơ hội duy nhất mà anh có thể có, chỉ một lần trong đời, bạn anh dành cho anh hai chỗ, em có đi với anh không. Anh sẽ lo hết mọi việc.

Trong ngấn lệ, em ngước mắt nhìn tôi không nói.

- Anh yêu em.

Trái M72 cứu mạng cuối cùng đã được tôi “dũng cãm”  bắn thẳng vào mục tiêu. Mục tiêu lại hư ảo khói sương như một tấm màn nhung đàn hồi ôm trọn lấy trái hỏa tiễn. Đạn không nổ, tôi ngồi sượng trân như bước lên đoạn đầu đài. Phút im lặng của Kim Anh dài hơn cả tám năm tôi dài trong lửa đạn. Cuối cùng, em nắm nhẹ lấy tay tôi rồi lặng lẽ gật đầu. Tôi rộn ràng vô duyên hát khẽ…. “ta chiến binh…Sư đoàn Nhảy dù”…ha ha, yêu mà cũng Sư đoàn nhảy dù, tôi thiệt vô tích sự….Mà hình như, tôi chẳng có bài hát nào khác.

 

Cuối cùng thì chúng tôi lên được tàu lớn với Khánh chờ sẵn. Trong bóng tối, chiếc tàu lặng lẽ ra khơi. Nói là tàu lớn, nhưng nó cũng không lớn lắm, chở khoảng năm mươi người. Phần lớn là gia đình và họ hàng Khánh, cùng với chúng tôi. Sau khi sắp xếp một chỗ nép mình cho Kim Anh trong hầm tàu, tôi được Khánh giao cho một cây M16 và hai băng đạn, cùng với một trái M72. Gặp tụi nó là mình xả láng, Khánh nói. Bị bắt về, mình cũng còn đường sống. “Tụi nó” đây là công an Việt cộng và tụi cướp biển. Mầy giúp tao lo vụ nầy!

 

Tôi cầm lại khẩu súng quen thuộc mười năm trước mà nghe hồn lâng lâng. Mình lại hành quân! Ừ thì đi.!

 

Tàu chạy chừng sáu tiếng thì hừng đông ló dạng. Đã ra tới hải phận quốc tế, biển êm và sáng. Từng đàn cá heo rượt đuổi nhau tung bọt nước lên tàu. Mọi ngừời được lên bong vì không còn nguy hiểm. Nói là lên bong, nhưng thực ra, chỉ dở tấm bạt che hầm tàu để cùng hít thở. Tiếng lâm râm đọc kinh cảm ơn Trời Phật, cám ơn bề trên đã che chở cho đoàn người chạy nạn.

 

Tôi dìu Kim Anh ra trước mũi tàu, nhìn đàn cá chuồn bay là đà trên mặt nước, em nép sát vào người tôi, không biết gió biển hay nỗi sợ hải đã làm em run bần bật.  Tôi khoác chiếc áo lính cũ và giữ chặt lấy vai em.

- Mình đi hơn nửa đường rồi em! May quá!.

- Em sợ quá!

- Em đang đi với Kiều Phong mà! Sao phải sợ!

- Đừng nói gở, em không yêu Kiều Phong! Anh không thể là Kiều Phong!

- Sao vậy?

- Em sợ mất anh! Em cần anh chỉ là Hồ Tường, lão già chung tình của em!

Kim Anh cười rung đôi mắt.

 

Tôi hôn nhẹ lên tóc em, sóng vổ vào mạn thuyền reo vui như cả ngàn tiếng lục lạc khật khưỡng gã xà ích mổi sáng qua đường. Gã xà ích say rượu, còn tôi, say một hơi ấm lạ thừơng.

 

Chợt Khánh la to trên phòng lái.

- Ê Tường, nhìn phía trước! Bà con mau xuống hầm tàu.

Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của Khánh và thấy hai bóng đen đang lộ rõ tận chân trời. Hai chiếc tàu đang tiến về hướng chúng tôi.

- Tường! Coi chừng tàu hải tặc.

- OK Tao lo thằng bên trái!

Tôi kéo nòng trái M72 rồi gác cây súng M16 thủ thế, định bụng khi nổ xong là bắn bồi. Ở mạn bên kia Khánh cùng với người em cũng dấu người dưới  tấm bạt, chỉ đề họng súng ra ngoài. Tôi thấy bình tĩnh vô cùng. Sá gì đám giặc cỏ chỉ giỏi cưỡng hiếp đàn bà con gái.

 

Quả nhiên là đám hải tặc, chúng cho tàu rẻ làm hai hướng, cùng tiến sát tàu chúng tôi với tốc độ rất nhanh. Tôi nhìn thấy đám đàn ông râu ria bặm trợn, vung mả tấu, bắn chỉ thiên hò hét, ra dấu bắt chúng tôi dừng lại. Theo lệnh của Khánh, tài công cho tàu giảm tốc độ như có ý dừng lại, một chiếc xáp vào muốn cặp mạn, phơi cái sườn tàu xám xịt tênh hênh trước mũi súng. Phải đánh trước, một chết một sống, tôi hướng mủi súng vào phòng lái bấm nút. Ngay lập tức, chiếc tàu trúng đạn, nổ tung và bốc cháy, chiếc còn lại quay đầu bỏ chạy. Khánh chỉ bắn với một tràng M16 rồi cũng mở máy hết tốc lực thoát nhanh ra khỏi vùng biển hiểm nguy.

 

Ba ngày sau thì được tàu Nhật cứu về trại tỵ nạn Hồng Kông.

 

Đó là tháng mười, năm một chín tám tám.

Chúng tôi đến Mỹ theo danh nghĩa vợ chồng, cho đến một chín chín lăm thì có với nhau một trai, một gái.

Và yên vị ở Philadelphia.

Lúc đó, chúng tôi lại nhận được tin tức của Thế.

 

Câu chuyện chưa từng thổ lộ với ai cho đến tận  hôm nay, trong căn phòng nhỏ của khách sạn, rộn rịp màu quân phục vì vừa dự tiệc hội ngộ của đơn vị. Màu nón đỏ, sắc áo rằn ri, và men rượu ân tình như treo Hồ Tường lên một cánh dù rồi thổi bay lên cao thật cao…Anh nhắm mắt như đang bơi vào ký ức. Người vợ. Kim Anh âu yếm tì hai tay trên vai chồng, hình như chị đang khóc…cả bốn mươi năm một đời. Tình bạn, tình yêu, hạnh phúc và ngang trái…Tường như lật từng trang sách, như nhìn từng đám mây trắng bay vội qua đời…một xóm nhỏ Tây Lộc quẩn quanh đời chị với cả con đường thơm ngát sầu đông….sầu héo mười năm cô phụ, để mặc  Hồ Tường ngu ngơ câm nín…Anh em đừng hỏi, để tôi nói tiếp, anh em muốn hỏi Phạm Thế phải không.

 

Tường áp tay vào tay vợ. Cái thằng thiệt vô tình. Hắn còn sống!

Cả phòng ồ lên.

 

Để tôi nói tiếp về cái thằng bạn Biệt động quân trời đánh.

Máy bay của hắn bị bắn rớt, nhưng không cháy. Tàu lộn nhào mấy vòng rồi rơi xuống. Hắn may mắn không bị hất tung ra khỏi máy bay, và bất tỉnh trong xác tàu. Không ai sống sót, chỉ một mình Phạm Thế. Tỉnh dậy thì thấy đang được nằm trên một tấm gổ, lót

cao khoảng một viên gạch, trong túp lều nhỏ. Chung quanh có mấy đứa con nít, và một ông lảo người Lào đang lom lom nhìn.

 

Thế ra dấu khát nước. Toàn thân hắn, từ bụng dưới, xuống tân hai chân hoàn tòan tê liệt, không còn cảm giác, kín mít vải băng. Vết thương chắc nặng lắm đây. Thế tự nhủ …một ca nước được mang lại. Thiếu nữ túm gọn xà rông và nâng đầu hắn dậy, Thế nhìn thấy nụ cười hiền lành của cô gái và an tâm. Hắn không bị bắt, một gia đình du mục người Lào, tình cờ ở gần chiếc trực thăng bị bắn rớt, đã lôi hắn ra, đem về lều, săn sóc, băng bó, cứu chữa cho hắn….

 

Vắn tắt với anh em chuyện của Thế vậy thôi. Thế, bây giờ là công dân Lào, có tên Lào và vợ con người Lào. Vợ, dĩ nhiên là cô bé đã săn sóc, chạy chữa cho Thế suốt hai năm trời mới bình phục. Ngay khi có tin của Thế, mình và Kim Anh đã từ Thái Lan, vượt sông Mekong, tới Savant Nakhet tìm thăm. Những gì mình có thể chia xẻ đươc, vợ chồng mình đã chia xẻ với Thế. Tụi mình vẫn là bộ ba bằng hữu phải không em! Tường âu yếm nhìn Kim Anh.

 

Cám ơn Mđ Hồ tường.

Maryland. DC 2013.

Phan Hội Yên  (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn