“ly hương bất ly tổ”

Thứ Năm, 23 Tháng Bảy 20205:00 CH(Xem: 3254)
“ly hương bất ly tổ”
Ông nội tôi vào đời với nghề hương sư, dạy học ở trường làng. Một thời gian sau, không hiểu nghĩ sao nội lại tình nguyện đi lính. Nhưng ở lính chẳng bao lâu nội lại không may bị thương rồi được giải ngũ. Từ đó nội theo nghiệp nông cho tới già. Vốn ít thích giao du, những khi rảnh rỗi, nội chỉ làm bạn với mấy cuốn sách. Suốt cuộc đời nội luôn sống rất an phận.
NkKnG-o51UXu02fSyxFLLCdX_FWtrLSd-sj4kp4bVThY0uvvRad1YeWmJvPHR6DtwyahtzO0m9cm94DseEZsEWFpukitaH0Ab-XTQ_67xyGVHP9furvIJt98ANFKq1PWX7QcGzYRoKj-D3H5Pw
Ngô Viết Trọng – Món quà mang tính "Quốc văn Giáo Khoa Thư"
Khi cha mẹ tôi vượt biên trong nhà chỉ còn hai ông bà. Mấy năm sau thì bà nội mất, ông nội đã phải sống cô quạnh, túng thiếu qua một thời gian khá dài.

Mãi tới năm 2005 nội mới được sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Cha mẹ tôi có bốn người con: anh Vĩnh, chị Lệ và chị Hoa, tôi là con út. Lúc bấy giờ các anh chị tôi đều đã lập gia đình và đã ra riêng. Nhà tôi có 4 phòng ngủ nhưng hai phòng đã cho người quen thuê để kiếm thêm chút thu nhập. Vì thế, trong bước đầu đến Mỹ, nội được sắp xếp ở cùng phòng với tôi. Cha mẹ tôi vẫn còn đi làm nên thường ngày hay vắng nhà. Chỉ còn tôi ngoài việc học hành thì hoàn toàn rảnh rỗi nên trở thành người gắn bó với nội nhất.

Những khi tôi đi học khỏi, nội chỉ còn biết làm bạn với cái TV vô tình. Muốn cho nội đỡ thấy cô đơn, lạc lõng, tôi đã tạm bỏ hết các mục sinh hoạt riêng ngoài việc học để luôn gần gũi nội, chơi với nội, nói chuyện tầm phào cho nội đỡ buồn. Tôi còn đến các thư viện mượn những cuốn sách hoặc kiếm báo chí tiếng Việt về để nội đọc giải trí. Cái thiện chí của tôi cũng được đền bù rất xứng đáng: Nội đã truyền thụ cho tôi rất nhiều kiến thức xã hội, lịch sử, văn hóa… Tôi dần được hiểu biết thêm về sự khác biệt giữa các chế độ chính trị. Thực tế nhất là tôi được hiểu biết thêm nhiều về đất nước Việt Nam, cội nguồn của chính mình.

Một thời gian sau khi các người khách trọ đã dọn đi nội mới thật sự được làm chủ một phòng riêng có TV riêng để tùy ý sử dụng…

Năm 2014, cha tôi bảo tôi lo hồ sơ cho nội thi quốc tịch. Khi đi thi, may gặp được vị giám khảo dễ tính, thông cảm cho người già, nên nội đã được chấm đậu dễ dàng. Đậu xong, người ta có phát cho nội một mẫu đơn ghi danh bầu cử để tùy ý. Tôi hỏi:

-Nội cần ghi danh bầu cử không? Ở Mỹ công dân muốn bầu cử hay không tùy ý, không bắt buộc.

Nội thờ ơ nói:

-Nếu chính quyền không bắt buộc mình đi bầu thì thôi. Khỏi ghi làm gì.

-Hồi ở Việt Nam nội có đi bầu cử không?

-Ở bên đó đi bầu cử là chuyện bắt buộc. Sau ngày bầu cử mình đi đâu cũng có thể bị xét thẻ cử tri rất phiền phức. Ai không có thẻ cử tri chứng minh đã đi bầu sẽ gặp chuyện rắc rối ngay. Mỗi lần đi bầu nội cứ việc đến phòng phiếu, trình thẻ chứng minh nhân dân và thẻ cử tri cho cán bộ phụ trách phòng phiếu xem. Khi đối chiếu đúng họ sẽ phát cho mình một tấm phiếu bầu cùng một bao thư. Mình cứ việc nhờ người coi thùng phiếu tùy ý bầu giúp. Bầu xong họ sẽ đóng cái mộc có ba chữ “đã bầu cử” lên thẻ cử tri cho mình. Hầu hết cử tri đi bầu đều chỉ mong được đóng ba chữ “đã bầu cử” là yên tâm chứ chẳng ai cần biết mình đã bầu cho ai.

Nghe nội nói thế tôi tức cười hỏi:

-Vậy là đi bầu cho có lệ thôi?

-Đúng. Bầu là bầu để người ngoài nhìn vô thấy có vẻ dân chủ thôi chứ thật sự “đồng chí” nào sẽ nắm giữ chức vụ nào đảng đã sắp xếp sẵn cả rồi cháu ơi. Cách bầu cử bên Cộng Sản xưa nay vẫn thế chứ đâu có gì thay đổi.

-Vì vậy mà nội chán chuyện bầu cử luôn?

-Không phải đâu. Nội cũng biết ở Mỹ bầu cử rất tự do chứ. Nhưng người ta đi bầu đều có mục đích ủng hộ ứng cử viên đại diện để tranh đấu quyền lợi cho đoàn thể hay phe phái của họ chứ với nội ai lên cũng hưởng bấy nhiêu trợ cấp còn bầu bán làm chi cho mệt.

Tôi vứt tờ đơn rồi quên lửng chuyện đó luôn.

Hơn một năm sau, một hôm nội bất ngờ hỏi:

-Hồi trước người ta đã đưa đơn ghi danh bầu cử nhưng mình không ghi, giờ nội muốn xin bầu cử lại được không?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

-Việc ghi danh bầu cử thì khó gì. Nhưng tại sao nội lại đổi ý đột ngột vậy?

Nội cười cười, giọng khẩn khoản:

-Tại lần này nội xem truyền hình thấy có một ứng cử viên tổng thống mới xuất hiện có vẻ khác thường lắm. Đó là ông Trump. Nội có linh cảm ông này có thể đáp ứng nguyện vọng của mình nên nội muốn ủng hộ ông ấy. Ông ấy có chủ trương “Làm cho nước Mỹ mạnh trở lại”. Thật là tuyệt.

-Nội ơi, đó chỉ là một chiêu bài ông Trump dùng để tuyên truyền thôi. Khi đắc cử rồi chắc gì ông ấy đã thực hiện? Vả lại nước Mỹ đã là cường quốc số một sẵn, cháu nghe cái chiêu bài này nó có vẻ thừa thừa sao ấy.

-Ồ, cháu chưa hiểu đó thôi. Nước Mỹ hiện nay tuy trên danh nghĩa vẫn là siêu cường số một nhưng trên thực tế rõ ràng nước Mỹ đã yếu, đã bất lực đến độ phải làm ngơ để Trung Cộng thao túng mọi mặt rồi. Trung Cộng lấn chiếm biển đảo của các nước Đông Nam Á, tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông, dụ dỗ khai thác tài nguyên ở châu Phi, chi phối nền kinh tế nước Úc v.v… Vậy thì ông Trump đưa ra cái chủ trương làm cho nước Mỹ mạnh trở lại đâu phải là thừa? Rõ ràng là ông Trump đã kịp thời nhìn ra cái thế bấp bênh của nước Mỹ trước tình thế mới đó.

-Sao tự nhiên nội lại quan tâm đến tình hình thế giới dữ vậy?

-Có lý do chứ. Nội thấy ông Trump này khác người lắm. Nội tin là ông ấy dám nói dám làm. “Hai con chim dữ không thể đậu chung một cành”! Mỹ muốn mạnh trở lại tất phải tìm cách triệt hạ Trung Cộng. Trung Cộng có yếu đi Việt Nam mới hi vọng thoát nạn diệt vong! Đó chính là điểm mấu chốt đã kích thích nội đổi ý đấy. Nhất định chuyến này nội phải tham gia bầu cử.

-Tình thế Việt Nam nguy đến vậy sao?

-Trung Cộng bao giờ cũng tìm cách nuốt chửng Việt Nam cả. Chính quyền Việt Nam hiện nay chỉ là một đám tay sai của Trung Cộng thôi. Trung Cộng đã cướp nhiều hải đảo của Việt Nam, thao túng Biển Đông như ao nhà của chúng mà chính quyền Việt Nam đâu dám hó hé. Nguyên do khi phong trào Cộng Sản Quốc Tế khởi dậy, bọn lãnh đạo CSVN muốn cướp chính quyền của quốc gia mau chóng, họ đã phải nhờ cậy vào sự tiếp sức của đảng CS Tàu hùng mạnh. Đảng CS Tàu quỉ quyệt đã không bỏ lỡ cơ hội mưu tính lâu dài đối với Việt Nam. Họ vừa giúp đỡ vừa gây ảnh hưởng, vừa cấy người của họ vào tầng lớp lãnh đạo CSVN. Cuối cùng gần như việc gì đảng CSVN cũng lệ thuộc vào đảng CS Tàu cả. Việt Nam đã trở thành con nợ của Trung Cộng. Vì vậy mà hiện nay chính quyền CSVN đã phải tìm mọi cách qua mặt dân Việt Nam nhường đất biên giới, nhường các đặc khu, nhường các đảo trên khu vực Biển Đông cho Trung Cộng để được yên thân. Trung Cộng còn ngang ngược xâm phạm đến quyền lợi nhiều nước trong vùng như Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương… thế mà cộng đồng quốc tế có mấy ai thật sự quan tâm? Các ông tổng thống Mỹ như Bush cha, Clinton, rồi Bush con, rồi Obama ông nào cũng có vẻ nể nang Trung Cộng cả. Nhất là dưới thời Obama Trung Cộng càng lộng hành, tìm cách xây đắp các căn cứ bảo vệ các vùng biển đảo chúng đã cưỡng chiếm của Việt Nam ai cũng thấy đó. Như thế coi như số phận Việt Nam đã được định đoạt rồi. Cháu cũng hay đọc báo, nghe đài chắc cháu cũng biết số phận người dân các nước Tân Cương, Tây Tạng là những nước đã bị Trung Cộng chiếm đóng bây giờ đã ra sao. Nếu Trung Cộng nuốt Việt Nam xong thì số phận dân mình rồi cũng thế thôi.

-Giả như ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, nội liệu ông ấy dám đập Trung Cộng sao? Thời buổi này cháu thấy khó lắm. Nhất là Trung Cộng cũng là một cường quốc hạt nhân.

-Bộ cháu không nhớ Liên Sô cũng là một cường quốc hạt nhân sao? Ông Reagan đã làm Liên Sô rã đám đấy chứ! Tính toán của những siêu nhân mình làm sao hiểu tới?

-Ông Trump sánh với ông Reagan nổi à?

-Ông ấy đã làm đâu mà biết không nổi! Thôi, cháu cứ ghi danh cho nội đi bầu nhé. Nhớ đừng cho ba mẹ cháu biết. Ba mẹ cháu không thích chuyện này đâu.

*

Ghi danh bầu cử cho nội xong, tôi nói đùa:

-Nội ơi, trễ mất rồi, người ta không cho ghi danh nữa.

Nội nghe xong thở dài sườn sượt:

-Trời ơi, còn gặp cơ hội khác nữa không đây? Trời nỡ dày vò cái thân già này đến thế sao?

Ngạc nhiên trước thái độ của nội, tôi tò mò hỏi:

-Một lá phiếu bất quá như một hạt muối bỏ xuống biển, đáng gì mà nội quan trọng đến vậy?

-Cháu chẳng hiểu được chuyện này đâu.

Nhìn vẻ mặt thất vọng của nội tôi cười xòa:

-Xin lỗi nội, cháu đùa đấy. Cháu ghi danh cho nội rồi. Cháu còn tặng nội một món quà nữa đó.

Gương mặt nội đang ủ dột bỗng chuyển sang vẻ hớn hở. Nội cười:

-Thằng quỉ. Mày tặng nội món quà gì?

-Dạ, món quà này chắc chắn nội thích lắm. Một phiếu bầu cho ông Trump, được không?

Thật sự tôi chưa ghi danh cho tôi vì tôi cũng lười việc bầu cử lắm nhưng thấy thái độ thiết tha của nội đối với lá phiếu ủng hộ ông Trump tôi cảm động quá nên mới chợt nghĩ ra cách tặng món quà đó. Nội thích quá rối rít nói:

– Nội rất cám ơn cháu. Cháu đã tặng nội một món quà tuyệt vời. Đây đúng là một món quà đặc biệt mang tính “Quốc văn giáo khoa thư”.

-Sao lại gọi là món quà mang tính “Quốc văn giáo khoa thư” nội?

-“Quốc văn giáo khoa thư” là bộ sách dạy đạo lý làm người cho trẻ em mà nội đã được học từ thuở nhỏ. Nội biết cháu còn ham chơi đâu có quan tâm chi đến thời sự. Chỉ vì thấy nội ủng hộ ông Trump nên cháu mới tình nguyện bỏ phiếu cho ông Trump chứ gì? Việc này đã gợi cho nội nhớ lại hình ảnh những cậu bé ngoan trong bộ sách nói trên đã tìm cách làm cho ông bà của chúng vui lòng như thế nào. Vì thế nội gọi món quà cháu tặng là món quà mang tính “Quốc văn giáo khoa thư” vậy.

Trong thời gian đó hầu hết các đài truyền thanh truyền hình ở Mỹ đều cổ võ ủng hộ bà Hilary Clinton rất mạnh. Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cũng cho biết bà Hilary luôn thắng điểm ông Trump. Sự thắng bại tưởng đã phơi bày trước mắt. Biết thế nên tôi ái ngại nói với nội:

-Cháu thương nội lắm, cháu sẽ làm theo ý nội. Nhưng nội nên coi cuộc đầu phiếu này như một chiếu bạc đầy rủi may thôi. Coi như mình bỏ mấy đồng tiền xuống chiếu bạc để thử thời vận, ăn được cũng tốt mà thua cũng coi như pha. Chớ tin tưởng vào mấy lá phiếu của mình quá, biết đâu khi có kết quả nội sẽ phải thất vọng lớn.

-Không sao đâu cháu. Được cháu góp lá phiếu ủng hộ ông Trump là nội vui lắm rồi. Cuộc bầu cử này tuy là của nước Mỹ nhưng nó có thể ảnh hưởng đến số phận của dân tộc Việt. Mình là người gốc Việt cần phải hết lòng vì dân tộc Việt cho khỏi thẹn với lương tâm. Còn thành hay bại là việc của trời mình cưỡng sao được? Nhưng thật tình nội tin tưởng ông Trump lắm. Ông ấy có dáng dấp một tài tử pha lẫn một chút cô hồn, ăn nói ngang bạt, chẳng biết nể sợ một ai như nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều. Khi mới thấy ông ấy xuất hiện lần đầu trên truyền hình nội đã sinh lòng ái mộ. Tới khi nghe ông ấy tuyên bố chủ trương “Làm cho nước Mỹ mạnh trở lại” là nội hoàn toàn kết ông ấy. Mong cho ông ấy sẽ làm nên việc!

Từ đó ngày nào nội cũng chăm chú theo dõi các bài bình luận, các bản tin tức về cuộc bầu cử sắp tới. Đương nhiên là nội không được vui vẻ, hào hứng mấy vì gần như lúc nào nội cũng thấy bà Clinton chiếm thế thượng phong. Thỉnh thoảng tôi lại phải trấn an nội một câu “Biết đâu ngựa về ngược!”. Càng gần tới ngày bầu cử tôi càng ái ngại cho nội. Tôi biết nội đã mất ăn mất ngủ trong thời gian này. Người nội có vẻ gầy gò, hốc hác nhiều. Tôi thầm nghĩ một ông già đã ngoại 80 làm sao còn minh mẫn được? Dù tôi hết sức kính nể, khâm phục tấm lòng tha thiết của nội đối với giống nòi, đối với cố quốc nhưng tôi cũng thấy tội nghiệp cho cái ảo tưởng, cái hi vọng viển vông của nội quá. Tôi cứ sợ dại rằng sau khi có kết quả cuộc bầu cử bất như ý, nội sẽ khó mà sống yên bình nữa…

Vào ngày bầu cử tôi càng hồi hộp lo lắng. Ăn cơm trưa xong tôi đến phòng của nội ngay. Hai ông cháu cùng ngồi theo dõi kết quả. Thời gian như ngừng lại, lâu lâu mới nhích một tí. Một hồi lâu mới thấy những con số ghi số phiếu của đôi bên lác đác hiện ra trên màn ảnh. Khi những con số hiện ra đã khá nhiều, tôi hơi ngạc nhiên thấy số phiếu của ông Trump không phải tệ. Lúc này tôi mới thật sự bớt lo. Hai ông cháu đang theo dõi màn hình bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tôi bước ra mở cửa. Mẹ tôi bưng hai tay hai dĩa cơm bước vào:

-Thằng Mẫn sao không nhắc nội đi ăn cơm? Coi gì mà quên ăn quên uống hết thế?

Nội lộ vẻ vui mừng nói như khoe:

-Hai ông cháu đang theo dõi kết quả bầu cử. Hi vọng ông Trump thắng rồi.

Mẹ tôi cười nói với nội:

-Ai thắng cũng tốt thôi nội. Điều cần nhất là nội phải ăn cơm cái đã. Nội ăn uống thất thường thế này hèn gì mà lúc này trông nội có vẻ gầy ra đó.

Tôi giật mình nhận ra lúc đó đã hơn 10 giờ tối. Thế là hai ông cháu tôi vui vẻ vừa ăn cơm vừa theo dõi tiếp kết quả cuộc bầu cử.

Sau vụ đắc cử của ông Trump, nội tôi lên tinh thần rất nhiều. Nội đã sống có vẻ yêu đời hơn trước.

*

Đã gần mười lăm năm ở Mỹ, ngoài mấy lần chích ngừa cần thiết, nội chưa làm hao tốn thêm một đồng tiền thuốc nào của nhà nước. Thế nhưng từ cuối năm ngoái sức khỏe của nội bất ngờ sa sút khá nhanh. Nội bỗng trở nên kém ăn, khó ngủ và bắt đầu có dấu hiệu đi đứng khó khăn. Tôi đã đưa nội đi khám bệnh mấy lần nhưng lần nào khám xong bác sĩ cũng chỉ cho thuốc và bảo nội chỉ bị “bệnh già”.

Từ lâu ba tôi đã có ý nguyện phải làm một điều gì đó cho nội được thỏa lòng để đền đáp chút ơn sâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Thấy sức khỏe của nội đột ngột xuống dốc ba tôi rất lo ngại. Nếu lỡ nội ra đi bất ngờ chắc hẳn ba tôi sẽ phải ôm nỗi ân hận. Sau khi nghĩ đi nghĩ lại, ba tôi đã thổ lộ tâm sự cùng mẹ tôi. Mẹ tôi đề nghị:

-Trước đây anh có hứa năm 2022 sẽ tổ chức lễ mừng “thượng thọ 90” cho bố nhớ không? Nếu lo ngại sức khỏe của bố không ổn sao không tổ chức sớm lên 2 năm cho chắc? Tháng 5 năm 2020 cũng sắp đến rồi.

Ba tôi tỏ vẻ phân vân:

-Bố cũng ao ước tới ngày mừng thượng thọ 90 để bố gặp lại những bà con quen biết cũ đang ở Mỹ một lần. Kể ra số bà con quen biết cũng khá nhiều đấy. Nhưng tổ chức sớm hơn 2 năm thì cũng hơi khó ăn nói. Vả lại, tài chánh của mình vẫn còn eo hẹp quá làm sao tổ chức cho ra hồn?

-Được mà! Này nhé, tháng 5 năm 2020 bố đủ 88 tuổi tây thì cũng là 89 tuổi ta rồi. Mình cứ ăn gian cho bố một tuổi nữa cho đủ 90 là xong, ai bắt? Còn tiền bạc, chẳng lẽ vợ chồng thằng Vĩnh, vợ chồng con Lệ, vợ chồng con Hoa nó không phụ được đồng nào? Thằng Mẫn đã đi làm lâu nay cũng có ít nhiều, nó lại rất thương quí ông nội, lo gì. Vấn đề tiền bạc cứ để em liệu cho. Anh cứ yên chí mà lo cho bố vui.

Khi ba mẹ tôi đem việc đã bàn thưa lại với nội, cụ lộ vẻ sung sướng ra mặt:

-Được như vậy thì tốt biết chừng nào! Thế là bố sẽ được hội ngộ với bà con quen biết sớm hơn dự định cả hai năm! Đây cũng là cơ hội tốt để bố bày tỏ cùng họ một ý nguyện, hi vọng họ sẽ hiểu và sẽ hưởng ứng… Kịp thời lắm đấy! Quá kịp! Bố rất cám ơn hai con!

Thấy vẻ hớn hở của cụ, ba mẹ tôi rất cảm động. Mẹ tôi nói:

-Bố cứ yên chí, chúng con sẽ tổ chức cho bố một buổi lễ mừng thọ thật long trọng. Sẽ có quay phim chụp ảnh đầy đủ để gởi về Việt Nam, trước để khoe tin mừng sức khỏe bố với bà con xóm giềng, sau để con cháu lưu giữ làm kỷ niệm. Làm cho bố được vui vẻ, thỏa mãn chúng con cũng toại lòng. Nhưng thú thật trong lời bố nói có điều chúng con chưa được rõ. Bố định bày tỏ ý nguyện gì với những người bà con quen biết vậy? Nếu biết được ý nguyện của bố, biết đâu chúng con có thể giúp bố thực hiện tốt hơn?

Cụ ngần ngại giây lát rồi cười:

-Đó là một ý nguyện tâm huyết của bố. Nhưng nói ra bây giờ cũng hơi bất tiện. Tụi con cứ đợi tới ngày đó sẽ hiểu thôi.

Mẹ tôi nghe vậy không hỏi nữa. Tối hôm đó cha mẹ tôi gọi tôi lại để nói chuyện. Nghe xong tôi vui vẻ đồng ý:

-Ba mẹ tính như vậy con rất hoan nghênh. Cứ làm cho nội vui lòng đi! Tốn kém bao nhiêu con xin bao hết. Được không?

Mẹ tôi cười vui vẻ nhìn ba tôi:

-Nghe chưa? Thế là việc tiền bạc khỏi lo rồi!

Mẹ tôi lại quay về phía tôi:

-Ba mẹ cám ơn thành ý của con. Tuy thế, con cũng cần dành dụm để còn lo chuyện vợ con nữa chứ! Đã tính việc cho nội tất nhiên ba mẹ cũng đã chuẩn bị chút ít. Nếu thiếu con bao nhé!

-Dạ, lo việc cho nội con đâu tiếc gì.

Thế rồi chúng tôi chia nhau công việc để cùng tiến hành. Ba tôi bắt đầu sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, trang trí lại các phòng ngủ, chuẩn bị thêm chăn chiếu phòng cho khách xa ở lại. Cha tôi cũng lo tìm nhà hàng thuận tiện để đặt chỗ trước. Đối với những người thân quen ở xa cha tôi cũng liên lạc trước cả vài tháng để họ rộng đường tính liệu.

Thấy con cháu chuẩn bị lễ mừng thọ cho mình ráo riết như vậy nội vui lắm. Nét tươi cười lúc nào cũng đọng trên gương mặt của cụ.

*

Trận dịch cúm Vũ Hán đã tràn đến đất Mỹ như một cơn lốc. Chính quyền sở tại bất đắc dĩ phải áp dụng những biện pháp cần thiết như giới nghiêm, cách ly… để ngăn chận bớt sự lây lan. Thế là cái lễ mừng “thượng thọ 90” huy hoàng mà nội trông chờ bỗng trở thành ảo mộng. Cơ hội để nội tâm tình với những người bà con, quen biết cũ cũng tiêu tan!

Sau biến cố này, tánh tình nội bỗng nhiên thay đổi lạ lùng. Cụ đâm ra lầm lì, gần như không muốn chuyện trò với ai. Trước kia, ban ngày hoặc buổi tối, cụ vẫn hay ngồi ở phòng khách xem truyền hình, nghe tin tức vui vẻ lắm. Thỉnh thoảng cụ còn bàn chuyện thời sự hay tán dóc với tôi hoặc cha mẹ tôi nữa. Nhưng bây giờ cảnh đó không còn diễn ra. Ngày nào cụ cũng ở miết trong phòng riêng. Dù ở phòng cụ cũng có một cái TV nhưng cụ cũng chẳng thèm mở. Thảng hoặc có ra ngoài thì cụ lại ra vườn kiếm một chỗ yên lặng để ngồi… Sự thay đổi tánh tình của cụ đã làm mọi người, nhất là ba tôi, càng lo ngại thêm.

Không lâu sau đó cái chân trái của nội không cất bước được nữa. Cũng may là ba tôi đã chuẩn bị sẵn cho cụ một chiếc xe lăn. Việc ăn uống và việc vệ sinh cá nhân của cụ mỗi ngày mỗi khó khăn hơn. Rốt cục hằng ngày mẹ tôi phải bưng cơm nước vào tận chỗ cho cụ. Việc sử dụng phòng vệ sinh của cụ cũng trở nên vụng về khiến mẹ tôi phải ra tay chùi rửa thường hơn. Mẹ tôi vốn chịu khó, lại thương chồng thương con nên chẳng muốn cha con tôi chia sẻ nỗi khó khăn này. Gia đình tôi cũng đã làm đơn gởi “Nha Hỗ Trợ Chăm Sóc Tại Gia” (In Home Supportive Services Public Authority) của county xin giúp đỡ nhưng chưa có kết quả.

*

Một hôm ba tôi đang tưới mấy chậu hoa trước hiên nhà, tôi cũng đứng xem hoa gần đó, bỗng mẹ tôi xuất hiện với vẻ mặt cau có, miệng nói tay ngoắt:

-Này, cả hai cha con vô đây nghe tôi nói cái này.

Thấy mẹ tôi gọi với thái độ bực dọc, nghĩ chắc đã có chuyện không vui, cha con tôi tắt nước rồi đi theo mẹ. Mẹ tôi dẫn hai cha con đi thẳng vào phòng riêng rồi khép cửa lại. Khi ba người đã ngồi xuống quanh chiếc bàn nhỏ, mẹ tôi nhìn thẳng mặt ba tôi nhấn từng lời:

-Từ khi bố về sống ở nhà mình, anh thấy có khi nào em có thái độ không phải đối với bố không? Em tôn trọng bố như tôn trọng bố ruột. Chưa bao giờ em có một lời nặng nhẹ với bố. Trong thời gian gần đây, thấy bố lâm bệnh hoạn, em phải cơm hầu nước rót tận nơi. Cái cầu tiêu bố dùng luôn bị dơ dáy hôi hám em cũng phải cúi đầu chùi rửa hằng ngày không một tiếng than. Những việc đó đâu phải dễ chịu gì? Anh nghĩ coi, em chỉ là con dâu thôi chứ đâu phải là con đẻ của bố? Mà dù là con đẻ đi nữa cũng chưa chắc nó đã chịu phục vụ bố tận tình như em. Con dâu thời nay chứ đâu phải con dâu hồi thế kỷ 19, 20? Em ăn ở như vậy bố còn đòi hỏi chi nữa? Sao thời gian gần đây lúc nào bố cũng giữ bộ mặt khinh khỉnh bất cần? Chẳng thà không bằng lòng điều gì bố cứ nói toạc ra để em sửa chữa chứ cứ giữ cái thái độ thinh thinh đó em không chịu được nữa. Bây giờ việc chăm sóc bố em giao lại cho hai cha con anh tính sao thì tính!

Ba tôi dỗ dành, an ủi mẹ tôi:

-Anh xin lỗi đã để em phải gánh vác nỗi khổ này. Người già thường hay sinh chướng. Bố mới bị bại chân, lại bị “sốc” vì cuộc lễ mừng thượng thọ 90 của bố bị hủy bỏ nữa nên càng khó tính hơn. Thằng Mẫn đã nộp đơn xin “Nha Hỗ Trợ Chăm Sóc Tại Gia” giúp đỡ rồi. Ít lâu nữa cơ quan này sẽ cho người chăm sóc bố thôi. Em hãy gắng chăm sóc bố một thời gian nữa, khi cần thiết cứ kêu anh phụ với.

Mẹ tôi lắc đầu ngoày ngoạy:

-Không, em không thể gánh vác việc này thêm ngày nào nữa. Bưa lắm rồi. Ai gây ra thì người đó phải gánh chịu lấy. Chắc chắn là anh hay thằng Mẫn đã nói gì làm bố giận, bố tự ái. Em cảm thấy bệnh bố chưa đến nỗi nào nhưng bố lại cố tình làm mình làm mẩy cho hả giận vì ai đó. Em nghĩ bố còn cố tình không chịu ăn chịu uống nữa. Thời gian gần đây bố ăn rất ít nhưng hỏi bố cần ăn gì bố cũng lắc đầu, hỏi cần đi bác sĩ không bố cũng bảo không. Em không thể chiều sự khó tánh của bố được nữa. Em chẳng có lỗi gì với bố hết sao bắt em phải chịu?

Ba tôi buồn bã quay sang hỏi tôi:

-Mày có nói gì làm nội giận không?

-Không. Con không hề nói gì xúc phạm đến cụ cả. Nhưng có thể cụ giận con điều gì cũng nên. Có vẻ như cụ cũng lơ lơ với con. Nhiều lần con chào hỏi nhưng cụ chẳng ư hử gì hết. Thậm chí khi con vô phòng cụ chơi cụ vẫn giữ thái độ lạnh lùng như thế. Trước đây thỉnh thoảng buổi tối cụ lại sang phòng con nói chuyện nhưng cả tháng này cụ không hề tới.

Cha tôi lại quay về phía mẹ tôi:

-Lạ thật! Anh cũng đâu có xúc phạm gì tới bố mà bố cũng hững hờ với anh như vậy đó. Nói là bố thất vọng vì bị hủy bỏ cuộc lễ mừng thượng thọ 90 anh không tin lắm. Anh biết rõ bố tánh tình giản dị chứ đâu có hiếu danh? Việc tổ chức lễ mừng thọ là do mình xướng lên chứ bố đâu có đòi hỏi.

Mẹ tôi hỏi lại:

-Tuy bố tánh tình giản dị, không hiếu danh nhưng bố cũng có ý nguyện riêng chứ! Anh còn nhớ khi mình cho bố biết sẽ tổ chức lễ thượng thọ bố đã vui mừng thế nào và nói gì không?

-Có, bố đã rối rít cám ơn chúng ta, nét mặt cụ hớn hở vui tươi như trẻ thơ được quà đã làm anh quá xúc động nên cũng không để ý cụ đã nói gì nữa.

–Bố rất mừng khi nghe mình hứa sẽ tổ chức lễ mừng thượng thọ cho bố. Bố cho đó là cơ hội rất tốt, rất kịp thời để bố thực hiện một ý nguyện tâm huyết của bố. Anh nhớ chưa? Vậy thì sao bố lại chẳng thất vọng khi cơ hội đó bị mất?

Tôi ngạc nhiên trố mắt hỏi mẹ tôi:

-Nội nói ý nguyện tâm huyết gì vậy?

-Tao cũng không biết. Bữa đó tao có hỏi cụ nhưng cụ bảo tới ngày đó sẽ biết cũng không muộn.

Sực nhớ tới vụ nội hết lòng ủng hộ ông Trump, tôi lẩm bẩm:

-Một ý nguyện tâm huyết? Một cụ già tánh tình chất phác giản dị nay sao bỗng nói đến một ý nguyện tâm huyết có vẻ quan trọng, bí mật đến vậy? Phải rồi, có thể lắm!

-Sao? Gì mà có thể lắm? – cha tôi hỏi.

-Có thể là do chuyện bầu cử tổng thống sắp tới đó ba. Con nhớ ra rồi, nội là nhân vật “cuồng Trump” số một. Buổi tối ấy nội đến phòng con chơi gặp lúc con đang làm dang dở một công việc của sở. Nội nhắc con “Kỳ này cháu cũng bầu cho ông Trump nhé”. Dĩ nhiên con luôn chiều ý nội nhưng con lại đùa “Cháu không bầu ông Trump nữa đâu. Hiện nay, người ta đang qui lỗi cho ông Trump quá chậm trễ trong việc ngăn chận dịch cúm Vũ Hán nên đã làm nước Mỹ lâm cảnh chết chóc nặng nề hơn”. Đang chúi đầu vào mớ giấy tờ, con chỉ thoáng nghe nội nói “Khỏi cần, mày không nghe nội nữa thì thôi”. Khi ngước mặt lên con mới biết nội đã ra khỏi phòng. Sau đó con cũng quên lửng chuyện ấy. Bây giờ nghe ba mẹ nói đến ý nguyện tâm huyết của nội con mới sực nhớ. Có thể hôm đó cụ tưởng con nói thật nên đã giận con chăng? Mà có thể lắm, vì từ đó tới giờ cụ không nói gì với con hết.

Cha tôi bỗng đập mạnh tay xuống bàn:

-Thôi rồi! Nếu quả ông cụ cuồng Trump chắc ông cụ cũng giận tao lắm. Hèn gì lần đó đang ngồi xem truyền hình với tao ông cụ bỗng vụt đứng dậy bỏ đi. Giờ nghe mày nói tao mới rõ.

-Ba cũng nói gì làm nội buồn hả?

-Ừ. Khi đang nghe một bài một bài bình luận của ai đó chỉ trích tổng thống Trump khá gay gắt, tao buột miệng “Trông cho lão ấy sớm kết thúc nhiệm kỳ cho đỡ bớt ồn ào, nghe mệt quá”. Hóa ra tao đã vô tình xúc phạm tới thần tượng của cụ mà không hay.

Mẹ tôi nghe qua bỗng bật cười:

-Thì ra cả hai cha con anh chọc giận ông cụ rồi để tôi đứng ra gánh chịu sự trả đòn? Nhưng thằng Mẫn làm sao mày biết được ông cụ “cuồng Trump”?

-Thật đó. Con không dám nói càn đâu. Nhưng nội đã dặn con đừng có cho ba mẹ biết. Nếu ba mẹ tiết lộ chuyện này chắc cụ sẽ giận con thêm đó.

Cha tôi cũng tức cười:

-Thật lạ lùng hết sức. Từ trước tới giờ có khi nào tao nghe ông cụ nói đến chuyện bầu ông này ông nọ đâu. Ông cụ đã nói sang Mỹ chỉ vì mục đích được sống gần con cháu chứ chẳng mơ ước gì nữa nay sao ông cụ bỗng cao hứng xăm lo tới chuyện bầu bán vậy kìa? Sự việc ra sao mày nói hết tao nghe thử?

Tôi bèn kể lại từ đầu đến cuối việc nội đã âm thầm tham gia bầu cử ra sao. Nghe xong cha tôi chắc lưỡi than:

-Ông cụ vốn là người rất thận trọng. Làm việc gì ông cụ cũng suy nghĩ rất chín chắn. Không ngờ ông cụ nặng lòng với quê hương, dân tộc đến vậy. Nói là “cuồng Trump” thì lối cuồng này đáng nể trọng lắm chứ! Đó là một điểm son đáng hãnh diện của nhà mình. Ý nguyện cao đẹp như thế sao mình không ủng hộ ông cụ? Thế ra thời gian gần đây ông cụ đã đau khổ vì chuyện này? Tội nghiệp ông cụ quá. Bây giờ làm sao để dàn xếp, an ủi ông cụ?

Mẹ tôi cười hớn hở nói:

-Đã biết rõ ý nguyện của ông cụ rồi thì còn khó khăn chi? Cứ món quà “Quốc văn giáo khoa thư” ấy mà đền cho ông cụ thôi! Vợ chồng mình trước đây chưa bao giờ bầu cử nay sẽ ghi danh đi bầu. Được không? Mẫn, mày vào thăm nội và báo cho cụ biết về món quà đặc biệt này đi. Xem nội nói sao rồi cho tao hay.

Tôi toan đứng dậy đi thì cha tôi ngăn lại:

-Được rồi, việc ấy để đó tao. Lát nữa tao sẽ vào gặp ông cụ. Mày cứ về lo công việc của mày đi.

*

Buổi chiều, khi lại phòng ăn tôi ngạc nhiên thấy nội đã ngồi cùng cha mẹ tôi ở đó. Tôi chưa kịp chào nội đã tay vẫy miệng cười xuề xòa:

-Mẫn này, lần sau cháu đừng đùa với nội như thế nữa. Đùa gì mà làm nội muốn đứng tim luôn vậy?

Tôi cũng cười xòa ngồi xuống gần nội:

-Lần sau cháu không dám đùa nữa đâu.

Cả bốn người cùng cười. Chúng tôi vừa dùng cơm vừa nói chuyện. Chuyện quanh quất một lát cũng trở về vấn đề bầu cử. Cha tôi cười:

-Ông Trump cứng thật, bị phe đối lập vây đánh tứ phía liên tục vậy mà vẫn trụ vững như đồng. Nếu là người khác chắc phải đổ gục lâu rồi.

Nội thở dài:

-Toàn là chuyện đâu đâu cả. Người ta tố ông Trump nào nhờ thông đồng với Nga mà được thắng cử, nào lạm quyền, nào cản trở công lý…, đưa ra Quốc Hội đàn hặc, đòi truất phế xem ra gây cấn lắm. Thế mà cuối cùng… nào có gì đâu? Trong khi ông Trump đã làm được bao nhiêu việc cho nước Mỹ đối lập của ông có hề nhắc tới đâu? Ai đúng? Ai sai? Mình kiến thức bao lăm làm sao phân biệt nổi? Bố không dám suy xét hồ đồ. Thôi, chỉ cần hành động theo lương tri của chính mình là đủ.

-Theo bố, hành động theo lương tri như thế nào?

-Thứ nhất, không làm gì hại đến nước Mỹ, thứ hai, luôn nhớ mình là người gốc Việt Nam. Ông Trump chủ trương làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, mình ủng hộ ông ấy là hợp lý. Nước Việt mình đang gặp nguy cơ diệt vong trước Trung Cộng, ông Trump đã ra mặt triệt hạ Trung Cộng, mình ủng hộ ông Trump là hợp lý. Đó là hành động theo lương tri vậy.

-Bố ơi, giả như Trung Cộng nó rã đám như Liên Sô, có chắc dân Việt Nam sẽ thoát nạn không? Con nghe chế độ CSVN hiện có ngót hai triệu đảng viên, tạo thành một giai cấp thống trị có quyền lợi gắn liền nhau như rễ tre. Chúng đang ngồi xổm trên đầu để hút máu mủ của gần trăm triệu dân Việt, dễ gì chúng chịu nhả cái kho mồi ấy?

-Mất chỗ dựa Trung Cộng rồi nó sẽ đổ thôi!

-Con sợ không dễ như vậy đâu bố. Mới đây con nghe ông tỷ phú gì đó nói trước kia VNCH có hơn một triệu quân với đầy đủ vũ khí trong tay mà không làm gì được cái đám VC ấy, bây giờ chúng càng mạnh gấp bội mà dân mình chỉ có tay không làm sao lật chúng?

-Ai nói vậy là bởi họ không hiểu được sức mạnh của lòng dân, không kinh nghiệm lịch sử. Thời giặc Minh xâm lược nước ta, họ đã thiết lập cả một guồng máy thống trị khổng lồ, vững chắc để kềm kẹp dân ta. Sau đó ngài Lê Lợi đã dấy nghĩa với chỉ một dúm quân nhỏ ở Lam Sơn. Tương quan lực lượng đôi bên khác chi một hòn sỏi đối với một ngọn núi cao? Thế mà cuối cùng nhờ lòng dân theo về, ngài Lê Lợi đã quét sạch giặc Minh ra khỏi nước để dựng nên nhà Hậu Lê! Điều này chứng tỏ không phải số đông đã chắc ăn số ít. Ngài Lê Lợi thành công chính là nhờ lòng dân vậy. Đối với chính quyền CSVN, trước kia họ đã khéo dùng chiêu bài yêu nước để lừa bịp dân ta. Một số dân chúng vì tin lời họ, nhịn đói nhịn thèm để ủng hộ họ, nuôi giấu họ trong nhà để làm nội tuyến chống lại VNCH. Ngày nay thì khác rồi. Chính quyền CSVN đã lộ rõ họ chỉ là một đám tay sai của Trung Cộng, hèn với giặc, ác với dân, chỉ biết bóc lột, hút máu dân. Người dân đã căm hận họ thấu xương còn ai che chắn giúp đỡ họ khi có chuyện? Tất nhiên chúng phải đổ thôi.

-Cám ơn bố. Nay gần tới ngày bầu cử nên thấy trên các diễn đàn họ tranh cãi nhau dữ thật. Nếu con có được chút kiến thức như bố, chắc con sẽ tham gia các cuộc tranh cãi đó quá.

-Thôi, bố xin can. Tranh cãi mà không khéo chỉ tổ đưa đến chia rẽ, hận thù thôi. Không phải ai đứng ra tranh cãi cũng là người hiểu biết, trọng lẽ phải cả đâu. Phức tạp lắm. Gặp mấy tay háo danh háo thắng tranh cãi với họ chỉ có nhức đầu. Con chưa biết câu tục ngữ “một thằng nói ngang ba làng cãi không lại” sao?

Ba tôi cười hề hề:

-Nói cho vui thôi chứ người Việt ủng hộ ông nào có chính sách có thể giúp sự an toàn cho giống nòi Việt Nam là chính nghĩa quá đi rồi đâu cần tranh cãi chi nữa, phải không bố?

-Trong phiên họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2018, ông Trump đã công khai kêu gọi toàn cầu chung sức xóa bỏ “xã hội chủ nghĩa”. Thực tế ông đã khai màn cuộc chiến mậu dịch với Trung Cộng rồi. Rất tiếc là trận dịch cúm Vũ Hán đã cản đà cuộc chiến này. Nhưng vụ này lại vô tình phơi bày tất cả dã tâm đen tối của Trung Cộng cho toàn thế giới rõ. Không quốc gia nào còn dám tin vào thiện chí của Trung Cộng nữa. Trung Cộng nay đang bị cô lập. Nếu ông Trump được tái cử vào nhiệm kỳ 2 thì phải biết! Đây là cơ hội ngàn năm một thuở…

*

Sáng hôm sau thì anh Vĩnh, chị Hoa và vợ chồng chị Lệ anh Lân đều lần lượt về thăm nhà. Ai cũng có mang theo ít nhiều đồ ăn và hoa quả. Hỏi ra tôi mới biết ba mẹ tôi đã gọi nói chuyện với các anh chị ấy. Sau khi thăm sức khỏe nội, các anh chị tôi trở ra giúp cha mẹ tôi bày bàn tiệc. Sắp xếp mọi chuyện xong, cha tôi bảo tôi vào mời nội ra. Khi tôi đẩy chiếc xe nội ngồi ra thì mọi người đều đứng dậy chào. Ba tôi cầm một bó hoa trịnh trọng thưa với nội:

-Thưa bố, năm nay lẽ ra phải có một cuộc lễ “mừng thượng thọ 90” cho bố nhưng rất tiếc việc ấy đã không thực hiện được. Vì vậy, hôm nay chúng con xin bày bữa tiệc nhỏ này tạm thay cuộc lễ đó. Đặc biệt chúng con xin kính dâng bố một món quà mà chúng con nghĩ bố sẽ rất vừa ý. Đây chính là món quà mà bố đã ví von là món quà mang tính “Quốc văn giáo khoa thư”. Cả gia đình gồm bảy người chúng con xin hứa sẽ tham gia cuộc bầu cử kỳ này (2020) để bầu cho ông Trump. Con cũng xin thay mặt gia đình dâng bố bó hoa này tượng trưng cho lời hứa ấy. Mọi người hãy hứa đi!

Mọi người đồng loạt hô “Xin hứa! Xin hứa!” rồi vỗ tay bôm bốp trong khi ba tôi trao bó hoa cho nội.

Nội tiếp nhận bó hoa ôm trước ngực rồi nói:

-Nội rất vui mừng để đón nhận món quà tinh thần mà hai con và các cháu đã tặng. Đây đúng là món quà tượng trưng cho tinh thần “ly hương bất ly tổ”, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Được món quà này rồi, dù có phải chết ngay bây giờ nội cũng vui lòng. Với món quà này, nội sẽ không còn thẹn mặt với ông bà, tổ tiên vì nội đã tận dụng những gì mình còn có thể làm được để cống hiến cho công cuộc bảo tồn nòi giống Lạc Hồng. Nội vô cùng cám ơn hai con và các cháu.

Tiếng vỗ tay lại vang lên. Tôi đỡ lấy bó hoa giúp nội trong khi mọi người cùng hô vang trước đôi mắt rưng lệ của nội:

-Hoan hô ông nội! Hoan hô ông nội! Hoan hô ông nội!
Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 24 Tháng Bảy 20208:51 CH
Khách
Cám ơn tác giả đã mang chuyện gia đình mình , một gia đình tiêu biểu đang sống trên đất Mỹ . Ai cũng mải lo cơm áo gạo tiền , nên chuyện đi bầu , hầu như bỏ lơ !
May có ông nội , sang Mỹ qua bảo lãnh năm 2005 , 30 năm sống dưới nhà nước Việt cộng , 30 năm ngậm đắng nuốt cay , có miệng nhưng không được nói điều chính nghĩa .
Ông nội " cuồng Trump " là phải thôi ! Chuyện rất thật , tuy đơn sơ về tình tiết , nhưng với lối viết dẫn dụ đã lôi kéo người đọc . Thích nhất là món quà tặng ông nội ... mang tính “Quốc văn giáo khoa thư”.

Hy vọng mọi người sau khi đọc , cổ động con cháu hãy cho Ông Nội mình món quà tinh thần ... như trong bài viết .
Gia đình là nền tảng xã hội , là cục gạch của căn nhà ; nhưng cộng sản luôn tìm cách phân hoá gia đình , chia rẽ cha mẹ với con cái ..... khuyến khích con tố cha , vợ tố chồng , cháu tố chú ...
Bài viết đậm nét thời sự. Chờ hoài xem góp ý , không thấy !!! Đành xung phong viết trước .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn