XÓM CŨ

Thứ Sáu, 19 Tháng Giêng 20182:30 SA(Xem: 5947)
XÓM CŨ

Nguyên Nhung

Muà Xuân lại một lần nữa trở về khu xóm nhỏ ven sông đầy những mành đời âm thầm buồn tẻ, cơn gió tháng Chạp dường như chỉ làm cho Xóm nghèo có phần hiu hắt hơn khi người ta phải nghĩ đến chuyện Tết. Thêm cái tin ông Ba Trường Sơn chết vì phong đòn gánh, bởi sợi dây kẽm buộc quai dép đứt làm chấn động cả xóm. Rồi không ai bảo, mọi người đều có ý nghĩ  cho rằng sự cần kiệm, tính toán để kéo dài tuổi thọ cho đôi dép đứt, dẫn đến cái chết  cho một con người từng tham gia Cách mạng như ông Ba Trường Sơn là một điều không nên bắt chước.

Nhà bà ngoại thằng Nam nằm trong một con hẻm cách đường phố khoảng hai trăm mét, nhưng chỉ sau mấy dãy nhà lầu phía ngoài đi thẳng vào phía trong thì phong cảnh đã có vẻ như miền đồng quê. Giữa hai xóm nhà có một  con rạch thông ra con sông nhỏ, dẫn nước vào cho cư dân sinh sống ở hai bên bờ rạch, người hai bên qua lại bằng chiếc cầu đúc xi măng, lâu ngày được gọi là xóm Cầu Đúc.  Người ta giặt giũ, rửa ráy và cả tắm rửa bằng thứ nước ấy hằng bao nhiêu năm nay, đám trẻ con vẫn bì bõm bơi lội bằng những cây chuối dài thượt, mỗi chiều con nước thủy triều lên khuôn mặt của xóm nghèo cũng dậy chút sức sống.

Thực ra thì ba mẹ thằng Nam không có nhà, lúc nó nhỏ ba nó còn ở trong quân đội, thằng Nam nhớ là mẹ con nó đi theo ba nó ở một khu nhà cửa giống nhau, tường xây mái lợp tôn, người ta gọi là khu gia binh. Nhà mái tôn rất nóng, sau ba nó nhặt nhạnh những chiếc thùng gỗ, mấy tấm ván ép rồi cũng làm được một cái trần nhà sơn xanh khá mát mắt. Mùa hè, quạt quay vù vù suốt ngày, thổi thứ gió giả tạo đẩy hơi nóng từ mái tôn thốc vào lũ nhỏ mình đầy rôm sảy, cởi trần nằm sắp lớp trên chiếc chiếu trải dưới nền xi măng, người khô khốc. Đến khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống, đập ầm ầm lên mái tôn, cùng với sấm chớp đầy trời, con em út còn bé nằm co lại trong lòng mẹ, hai con mắt mở to, sợ hãi nhìn cơn thịnh nộ của trời đổ xuống theo dòng nước xối xả.

Căn nhà ấy sau này cũng không thuộc về gia đình thằng Nam. Tháng Tư năm ấy, ba mẹ nó hối hả chồng chất lũ con thơ lên chiếc xe Honda chạy về nhà bà ngoại nó, từ đấy thằng Nam không bao giờ còn trở về nơi mà nó đã từng sống những ngày thơ ấu. Nó nhớ mù mờ hình ảnh những người lính mặc quần áo trận màu xanh, vai mang ba lô, đầu đội nón sắt, rồi những chiếc xe nhà binh màu rêu ra vào khu trại lính. Tất cả như những cái bóng đã mịt mờ trong trí nhớ non nớt của thằng bé sáu, bảy tuổi, kéo luôn theo hình ảnh của ba nó trong gia đình sau đó một thời gian. Thằng Nam và lũ em nó dần quen với căn nhà của bà ngoại nó, nằm lọt thỏm vào một cuộc đất trồng chuối xanh um, bên bờ con rạch nhỏ.

Khi thằng Nam theo ba mẹ về xóm của bà ngoại thì nơi này đã có nhiều đổi khác. Một số nhà được gia chủ đập vỡ tan hoang, chỉ còn trơ lại nền gạch lam nham, lở nhở, họ đã bảo nhau bỏ thành phố hồi hương lập nghiệp. Cái xóm ấy ngày xưa nhà liền nhà, xóm liền xóm, nay ảm đạm như một khung cảnh chết, bà ngoại nó cố thủ trên mảnh đất này, như một nương tựa cho cô con gái gặp cảnh không may trong lúc đổi đời.

Sau đó ít lâu là sự xuất hiện ồn ào của một vài cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về, họ mua lại những căn nhà gạch khang trang với giá rẻ mạt. Nhà tám Tâm vật tư có cô vợ chân quê người Thái Bình, tư Bình chất đốt dẫn về một bà Hải Phòng người cứng như que củi, phía bên kia ngay đầu cầu là nhà ông Ba Trường Sơn. Người ta đặt cho ông cái tên Trường Sơn là vì chân ông lúc nào cũng mang đôi dép lốp, đôi dép nặng nề khiến đôi chân gầy gò, xương xẩu của ông đen xỉn lại, cáu bẩn. Người ta xầm xì bàn tán về ông Ba, khi thỉnh thoảng có một cán bộ già từ phương xa ghé thăm, nhà ông lại có những bằng khen treo đầy vách cho nên người ta đoán ông Ba Trường Sơn có một quá khứ rỡ ràng lắm.

Thực ra chỉ mình ông Ba mới biết được điều đó, khi ông ra Bắc ăn học rồi kẹt lại suốt hơn hai mươi năm, ông đã nhiều lần tìm cách trở về mà không được. Trong lúc những tay cán bộ trẻ hồ hởi, bon chen ngay vào guồng máy lãnh đạo, tìm cách dành giựt lấy những gì không được hưởng bao nhiêu năm ở miền Bắc, ông Ba lại bời rời, chán ngán trong nỗi cô đơn của một người thất vọng. Ông nhìn lũ  con dễ thương của anh Đại úy ngụy đang bị tập trung cải tạo, nhìn dáng vẻ thanh thanh, khuôn mặt buồn buồn toát ra vẻ chịu đựng của mẹ lũ nhỏ, bỗng dưng ông có cảm tưởng mình đang phạm một lỗi lầm không làm sao sửa chữa được. Ông cố làm quen với thằng Nam và em nó, nhưng không biết tại sao hai đưá nhỏ rất e dè khi ông hỏi thăm về ba mẹ chúng nó, những con mắt ngây thơ trân trối nhìn ông rồi ù té chạy.

Đáng lẽ ông Ba phải hãnh diện về quá khứ của mình, từ khi ông còn rất ngây thơ và say sưa về lý tưởng của một người trí thức trẻ tuổi yêu nước, thì ông lại buồn rầu và mơ hồ như là con đường mình đi nó có điều gì lấn cấn không nói ra được. Suốt một thời gian dài Nam Bắc phân ly, ông Ba nhớ đến não lòng cái không khí tự do và thanh bình của miền Nam. Quê hương ông là vựa lúa, là nồi cơm cho cả nước mà rồi bây giờ người dân vẫn phải chen chúc, xô đẩy nhau để chờ mua từng mấy ký gạo, mấy ký khoai. Đôi lần, ông Ba cố làm quen với gia đình vợ con anh Đại úy chế độ cũ, chị ta chỉ độ hơn tuổi con gái ông, nhưng ông ngại ngần lắm khi nhìn thấy nét mặt lạnh lùng, cô đơn, đôi mắt u uẩn mang nỗi buồn xa vắng nhìn ông như một lời trách móc làm ông bức xúc, xốn xang. Ông Ba Trường Sơn hiền lành lắm, dù bao nhiêu năm ở miền Bắc, ông vẫn không học được tính nói phét “một tấc lên đến Giời”, vẫn giữ được bản chất thiệt thà của người miền Nam có đạo đức, nhưng kẹt là ông vẫn không thể nói với người thiếu phụ xinh đẹp ấy rằng, cái khổ mà chị ấy đang mang không phải là điều ông mong mỏi.

Tết đến nơi nhưng cái chết của ông Ba Trường Sơn làm cả xóm ngẩn ngơ và nghẹt thở khi nhìn những đôi dép đứt, được cột lại bằng sợi dây kẽm hay đóng lại bằng chiếc đinh con, vi trùng uốn ván chờ dịp sơ hở của chủ nhân là tiến đến âm thầm và lạnh lùng như một tên sát nhân, cũng bởi cái khốn quẫn, nghèo nàn phát  xuất từ sự thiếu thốn.Ông Ba chắc không thể nghĩ rằng ông lại chết một cách lãng nhách như thế, vì ông không tính toán nổi cho mình một cái chết thật anh hùng. Sự lầm lỡ ấy như một thứ định mệnh oan nghiệt đeo đuổi ông ngay từ thời trẻ tuổi, cả cuộc đời như miếng vỏ của một trái chanh, bị vứt đi sau khi vắt hết nước.

Mẹ thằng Nam đẹp, ít là dưới mắt nhìn của nó, nắng mưa cuộc đời vẫn không xóa nổi chút nhan sắc dịu dàng, cái vóc hình thon thả của một thời xuân sắc, như một thứ kỳ hoa dị thảo giữa đám hoa cỏ táp nham trong xóm. Mẹ nó buôn bán ngoài chợ, với một cái sạp gỗ con con bày dăm thứ lỉnh kỉnh, bộ tách trà, cái bình thủy đựng nước, mấy bộ quần áo cũ, nghĩa là tất cả những thứ người ta cần bán và người ta cần mua. Cả nhà sống bằng thứ thu nhập không rõ ràng và không tính toán được, nên mỗi lần đi thăm nuôi ba nó, bà ngoại nó lại phải đưa chiếc nhẫn vàng để dành được cho con gái lo lắng trong ngoài.

Bà ngoại thằng Nam lo xa đến lẩm cẩm và tội nghiệp. Suốt ngày bà chỉ lo đói, Tết đến nơi mà vẫn tẩn mẩn ngồi gọt mấy rổ khoai lang mua ở chiếc ghe khoai ghé vào mỗi buổi nước lớn. Bà nó xắt nhỏ những lát khoai, phơi khô, để dành nấu chung với cơm, gọi là ăn độn. Thằng Nam nghe mẹ nó than thở:

“Thôi má ơi, đừng nấu độn khoai với cơm không làm sao ăn nổi. Ăn ít cũng được, cơm ra cơm, khoai ra khoai, ngày nào con còn kiếm được thì để lũ nhỏ ăn cơm.”

” Bay không lo rồi có lúc không có cháo mà ăn…”

Bà ngoại nó nói như rên, tiếng mẹ nó gắt gỏng:

” Khổ thì bề nào cũng khổ, sao phải đày đọa mình làm chi cho khổ hơn.”

Hai mẹ con lại cãi nhau vì chuyện cơm cháo hằng ngày, càng khổ người ta lại càng bực dọc vì không tìm được lối thoát, chứ đâu phải vì không thương nhau. Bà ngoại nó nấu cơm trắng vài ngày, rồi lại quen tật bỏ khoai độn vào cơm, mẹ nó lại lằng nhằng than thở, cái ám ảnh đói khổ làm bà lão gần đất xa trời luôn luôn lo lắng,  thằng Nam có cảm tưởng ngoại nó còn lo mãi cho tới chết.

*    *     *

Nhưng trong  xóm những ngày giáp Tết lại  xảy ra một chuyện rùng rợn hơn cái chết của ông Ba Trường Sơn, đó là cái chết của cô Hai Lan có hai đứa con còn nhỏ.Chồng cô hai đi lính rồi tử trận trước ngày hòa bình không lâu, vành khăn tang trên đầu còn mới toanh và món tiền tử chưa kịp lãnh để cô hai có chút vốn mà nuôi con. Cô hai Lan cũng như mẹ thằng Nam, long nhong suốt ngày ngoài chợ đi kiếm ăn, nuôi một mẹ già và hai con nhỏ. Kẹt vốn, cô hai Lan phải gỡ cái mái tôn nhà bếp còn mới để có chút vốn đi buôn. Những hôm trời mưa, căn bếp ướt nhẹp như ngoài đường, mỗi khi nấu cơm cô hai phải đội nón lá, căn bếp nhà cô khói um lên như nhà có đám cháy, khói xộc vào mắt cay xè làm cho người lớn, con nít ho xé phổi.

Người ta tìm hiểu thì được biết cô hai Lan chết vì đi bán máu. Gần Tết, con cô đau lai rai  uống thuốc mãi cũng chưa hết bịnh, con nhỏ bị sưng phổi phải uống thuốc trụ sinh, nhưng ai dám bảo đảm mấy viên thuốc ấy là thuốc thiệt, thời buổi khó khăn cái gì người ta cũng giả mạo được. Kẹt tiền quá cô hai Lan nghe lời ai hổng biết, nhà ngó quanh cũng hổng còn gì đáng giá để đổi chác lấy tiền chữa bịnh cho con và làm mâm cơm cúng chồng, cô hai dại dột tưởng rằng sau khi bán máu được bồi dưỡng lại thì số máu bị mất sẽ trở lại. Chắc cũng không phải đi bán máu lần đầu nên cô Lan có hơi chủ quan, quên một điều quan trọng là lấy gì ăn để phục hồi lại số máu nuôi dưỡng cơ thể.

Âu là tới số! Ai cũng chỉ chết có một lần, kỳ này cô hai Lan kiệt sức rồi đi luôn không gượng được nữa. Cả xóm nghe tin cô chết đều ngẩn ngơ thương xót, cũng như người ta đã ngẩn ngơ khi ông Ba Trường Sơn “tiêu diêu miền cực lạc”. Họ xì xào bàn tán:

“Thiệt bất nhơn! Người gầy nhom như con mắm khô, hổng biết máu ở đâu ra mà bán.”

“Cái khó nó bó cái khôn, Tết đến nơi rồi mà nhà hổng còn hột gạo, bán bậy xị máu làm mâm cơm cúng chồng…”

“Ui chời”! Nghe sao mà tội nghiệp. Chồng nào “ăn” được mà cúng, ăn như vậy là uống máu “dzợ”  à?”

Người ta khuyên bà Út, má cô hai Lan, cầm bán nhà lấy tiền lo ma chay cho con gái. Cuối cùng thì căn nhà không phải cầm vì quyên góp bà con đầu trên xóm dưới, mua đủ cái hòm, còn đất chôn thì cứ đưa đại ra cái nghĩa địa nào đó, thời gian này nhà cửa còn bỏ trống ê hề, chưa ai nghĩ tới chuyện ra bãi tha ma dành chỗ với người chết.

Cái chết của cô hai Lan lại càng làm cho bà ngoại thằng Nam rầu rĩ, bà sợ mẹ nó lo không xiết rồi có lúc đi làm bậy lấy tiền ăn, hay rồi . . . cũng đi bán máu như cô hai Lan để ra người thiên cổ. Để tiết kiệm tiền củi lửa cho con gái, những khi em nó ngủ, mẹ nó không có nhà, bà cháu dắt nhau đi quét lá về nấu cơm. Buổi trưa hè oi ả, bà đi trước, đầu đội nón lá, tay cầm cái chổi tre, cháu theo sau vác trên lưng cái bao tải cũ, lòng vòng mấy khu vườn rộng trong xóm là cũng được mấy bao lá về nấu cơm. Mỗi lần theo bà đi quét lá, thằng Nam lại nhớ đến bài “Nhặt lá bàng” của một nhà văn mà nó đọc được trong cuốn sách cũ của ba nó còn sót lại, cuốn tiểu thuyết trong đó có những truyện ngắn nó còn nhớ tên như “Gió Đầu Mùa”, “mẹ con nhà bác Lê ” khiến nó cảm động vì cái tình người đầy ắp trong đó, khác xa với những truyện nó được nghe trong lớp học.

Hai đứa nhỏ nhặt lá bàng trong một tối mùa Đông gió rét, rét đứt ruột ra ngồi núp mình phía sau gốc cây bàng mà miệng vẫn gào: “Gió lên, lạy Trời gió lên!”. Đoạn văn ấy đã diễn tả được cái nghèo đến tận cùng bằng số, để lại trong tâm hồn thằng Nam nỗi ám ảnh đến tội nghiệp. Bởi vậy, khi bà ngoại nó lui cui quét lá, thằng Nam lại ngửa mặt lên Trời mà rống lên:

“Gió lên, lạy Trời gió lên!”

Bà ngoại nó đưa đôi mắt hấp hem nhìn đứa cháu ngoại với cái nhìn trìu mến, thương xót. Tội nghiệp, đứa cháu ngoan của bà mặt mũi sáng sủa, tâm hồn đơn sơ chưa được mấy tuổi đã biết cám cảnh trước cái nghèo của thế nhân, và của chính gia đình mình. Bà lại thầm lo ngại cho tính gan lì, bình thản của mẹ nó trước đám người a dua lúc nào cũng muốn xây dựng tư tưởng người khác, chưa bao giờ người ta lại thấy có bổn phận, dòm ngó, xây dựng vào đời nhau như lúc này. Bà hai Nữ, hội trưởng hội phụ nữ nhiều lần đề nghị thím năm Tôn đi xây dựng vùng kinh tế mới, với một loạt bánh vẽ được bày ra như nhà cửa, ruộng vườn, trường học, điện nước. Lúc đầu, thím năm Tôn có vẻ xiêu lòng, nhưng lúc bàn lại với lũ con và khi bà Hội trưởng hỏi ý dứt khoát thì thím Năm rụt lại ngay. Thím thỏ thẻ nói với bà Hội trưởng :

“Hay bà hội trưởng cứ đi trước, chừng nào xây dựng xong mấy thứ kia, gia đình tôi sẽ đi.”

Bà Hội trưởng có vẻ hậm hực, cuộc vận động không thành công, bà rủa thầm con mẹ này chưa đả thông đường lối. Dạo ấy, ông Ba Trường Sơn còn sống, ông không dấu được sự hài lòng cho sự may mắn của gia đình thím Năm.

Tết năm đó, thằng Nam được mẹ mua cho đôi dép mới, đôi dép bằng mủ trắng của Trung quốc trong suốt và êm làm sao, nghe nói thứ dép này dạo trước chỉ dành cho cán bộ và sĩ quan ở miền Bắc, thằng Nam lẩm ngẩm nghĩ không biết nhân dân đi bằng gì. Năm nay nó đã mười hai tuổi, có lẽ mẹ nó muốn đôi chân đã dày cộm da người của nó được hưởng chút sung sướng đời sống văn minh, chứ lúc đi học chân nó chỉ loẹp quẹp đôi dép bằng mủ nâu cứng ngắt. Thằng nhỏ đã quen đi chân đất, thiệt dễ chịu khi không phải băn khoăn gìn giữ một cái gì đó, đôi chân không có được cái tự do của một anh nhà nghèo, không phải cửa đóng then gài sợ mất trộm. Thiệt ra mẹ nó không muốn nó đi chân không, vì nó có vẻ nhem nhếch và bẩn thỉu, lúc nào mẹ nó cũng đem câu “giấy rách phải giữ lấy lề ” để bảo ban nó. Thằng bé thấy mẹ nó thiệt kỳ cục, cái chuyện “giấy rách”  với “đôi dép” có liên quan gì đến nhau, khi xung quanh thằng Nam, lũ con nít cả xóm này đều đi chân đất. Và bây giờ khi thằng Nam có một đôi dép mới, bỗng dưng nó đã biến thành kẻ xa lạ trước mắt nhìn ganh tỵ của những đứa bạn cùng xóm.

Khi một thói quen đã thành nếp, dù không tốt đẹp người ta vẫn chấp nhận nó thật dễ dàng, thằng Nam làm sao hiểu nổi cái đau xót của mẹ nó, khi nhìn đời sống của gia đình ngày một xuống dốc và những đứa con lớn dần lên, không còn cảm thấy cái ước vọng sáng sủa ở tương lai. Đôi chân đất của thằng Nam, cũng như những đôi chân đất của lũ nhỏ trong xóm, không hề nghĩ rằng có những cái nguy hiểm đang rình rập dưới kia. Một mảnh chai nhọn, một chiếc đinh rỉ sét, những trứng giun móc bám vào kẽ nứt của bàn chân, lũ nhỏ chấp nhận cái tự do của đôi chân không dù đấy chỉ là thứ tự do khốn khổ.

Sau cái chết của ông Ba Trường Sơn, thằng Nam mới bắt đầu nghĩ ngợi đến sự tai hại của những đôi chân không, nó đã biết ích lợi của những đôi dép. Vậy mà trong lúc mải chơi, thằng nhỏ quên bẵng đi đã để đôi dép ở dưới gốc cây mận, sau khi ăn đã thèm mấy trái mận đỏ, sực nhớ ra thì đôi dép của nó đã biến mất. Có thể một thằng lỏi nào đã chớp mất đôi dép của nó, hồi nãy có một bà ve chai đi ngang, không chừng bà ta lấy mất cũng nên. Thằng Nam vội vã rượt theo bà bán ve chai, người đàn bà khốn khổ lê đôi dép loẹp quẹp đang gân cổ rao, hai cái gióng gánh của bà trống trơn, thằng Nam thất vọng chạy về chờ đợi mấy câu mắng mỏ của mẹ, nhưng mẹ nó không nói gì chỉ buồn buồn nhìn nó.Thằng Nam hối hận quá, nó leo lên trên nóc chiếc bể nước uống, ngó chăm chăm vào những đôi chân  lũ nhỏ thỉnh thoảng chạy chơi trong xóm, hy vọng sẽ vớ được thằng ăn cắp và tống cho nó mấy đấm vào mặt.

 Ngồi chán sinh buồn, Nam ngó ra bờ rạch ngắm nghía đạo quân móc bọc ny lông, mình mẩy đen thủi đen thùi như quỉ sứ. Già có, trẻ có đang lặn ngụp trong dòng nước đen, sình non bốc lên một mùi oai oải giữa nắng trưa oi ả khiến thằng nhỏ lợm giọng. Suốt con rạch là những cái hố sâu hoắm dọc theo hai bờ mương, đống bọc ny lông cùng những thứ chai lọ được vùi lấp trong lòng bùn đen hằng bao nhiêu năm dài, nay được đạo quân nghèo khổ lôi lên, nay mai lại từ những nhà máy tái chế, sản xuất ra những đôi dép đen và những chiếc bọc ny lông xám ngoét, bẩn thỉu.

Thằng Nam nghĩ đến đôi dép mới mủ trong của mình, nó nảy ra ý nghĩ đi nhặt những chiếc bao ny lông cũ, dành dụm tiền để mua lại một đôi dép khác cho mẹ nó đừng buồn. Ngay lúc ấy nó cũng biết rằng mẹ nó không bao giờ chấp nhận chuyện đó, như  chuyện ăn những bát cơm  ra cơm, khoai ra khoai, mặc cuộc sống có tồi tệ thế nào đi nữa.

Đêm ấy, thằng Nam thấy mẹ ngồi viết thư cho ba nó mà hai dòng nước mắt lã chã rơi trên đôi má hồng rám nắng, nó lại càng buồn hơn. Nó nảy ra ý định viết thư thăm ba nó với đôi lời nhắn nhủ mà nó thấy rất cần thiết, nhất là sau cái chết của ông Ba Trường Sơn. Có lẽ ba nó không thể nào hiểu hết lời lẽ ngây thơ của đứa con đầu lòng, khi đọc lá thư của con : “. . . . Ba ơi, nếu một khi dép của ba bị đứt quai, thì ba đừng bao giờ cột nó lại bằng những cọng dây kẽm, nếu ba còn muốn trở về với mẹ và tụi con…..”

Cuối cùng thì muà Xuân năm đó ba thằng Nam cũng trở về, xóm cũ vẫn y chang như ngày xưa chỉ khác là cây cầu đúc lâu năm không được sửa chữa, mấy tấm đan bị bể ra tạo nên nhiều lỗ ổ gà lổng chổng, đêm tối hổng thấy đường có người đã bước hụt té gãy chân. Chẳng ai nghĩ tới chuyện sửa cây cầu, cả cái rạch tự nhiên cũng chỉ là nơi để người ta đổ rác và phóng uế khi cần thiết. Nước không ra vào được nên tắc lại đen ngòm, hàng dừa thơ mộng năm xưa lả bóng xuống con rạch nay trông vô duyên như con gái đã hết thời, đám trẻ không thấy ra đầu cầu ngồi hút thuốc tán tỉnh nhau như hồi con rạch còn đầy nước.

Ba thằng Nam chạy xe đạp ôm với chút sức lực còn lại, mẹ nó vẫn sớm trưa làm thân cò lặn lội bờ sông. Nhìn ba mẹ nó lam lũ cực khổ, thằng Nam chỉ mơ ước là làm sao có đủ “cơm no, áo ấm” mà thôi, chứ đâu dám nghĩ đến chuyện “ăn ngon, mặc đẹp”. Chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy tới, cho nên việc ba nó và gia đình được đi Mỹ nghe như chuyện “Cây Đèn Thần” huyền thoại xứ Ba Tư. Năm thằng Nam đi Mỹ nó đã lớn xộn,  qua đến nơi  vẫn được cắp sách đến trường đi học tiếp, bởi vậy mà sau mười năm đèn sách, nó đã đỗ đạt và đi làm, thành một người trí thức trẻ tuổi mang danh dự về cho xứ sở và dân tộc.

*    *     *

Khi Nam ngỏ ý muốn được về thăm lại quê hương,trở về xóm cũ ngày xưa để tìm lại những kỷ niệm cũ ngày thơ ấu thì ba mẹ nó không ngăn cản. Chuyến bay chưa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt mà mắt Nam đã rưng rưng vì cảm xúc, bài hát “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày” bây giờ mới thấm thía làm sao! Quê hương đây rồi, những nhà cao tầng mọc lên như phép lạ, đường phố xe cộ chen chúc nhau , bụi bặm làm không khí đặc quánh , hèn gì có nhiều người về thăm quê đều than không có “air” để thở.

Nam vẫn nhớ xóm cũ và những người hàng xóm nghèo khổ cùng thời với mình ở miền Tây năm xưa, cái xóm nghèo mà bà ngoại Nam hồi còn sống gọi là xóm của những người lắm TỘI nên không ngóc đầu lên được. Nam làm một chuyến về xóm cũ, thăm cô giáo cũ thời Trung Học, thiệt cảm động khi thấy cô vẫn gầy, vẫn nghèo như xưa. Con rạch và chiếc cầu đúc không còn, nhà nước đã lấp con rạch nước đen để mở  đường cho rộng rãi “xóa đói giảm nghèo”, tất cả những nhà hai bên bờ rạch bây giờ bỗng thành nhà mặt tiền, nhà nào cũng buôn bán một cái gì đó. Căn nhà của chú Tám Tâm Vật Tư bây giờ đồ sộ chồng lên mấy tầng cao ngất nghểu, đằng trước là chiếc xe hơi láng coóng đậu trước sân , tuy những nhà dân sống phía sau vườn cây thì vẫn khiêm nhường thẹn thùng núp sau các nhà cao tầng phía trước. Những người Cách Mạng nhiệt huyết như ông ba Trường Sơn năm xưa đã chết hay cũng ngấp ngoải hết rồi, họ mang vào lòng đất nỗi ấm ức vì đã uổng phí hết một đời thanh xuân để mong mỏi làm một điều gì tốt đẹp cho quê hương dân tộc, cuối cùng đi một vòng, đổ bao nhiêu xương máu thì cũng chẳng có gì chứng minh được điều đó.

Hỏi thăm thì mấy người hàng xóm năm xưa đã dọn đi gần hết, chỗ nhà ông Ba Trường Sơn bây giờ mở một dịch vụ cà phê internet, lúc nào cũng đầy một bọn choai choai ngồi chít, chát. Một dãy xe gắn máy kiểu hiện đại đậu trước cửa tiệm, những khuôn mặt học trò ngây thơ thời tuổi Nam không còn, chỉ thấy những quần bò, áo thùng thình, mũ đội ngược, quần hở rốn, áo hai dây đi ra đi vào, “model” khác gì kiểu Mỹ.

Nam lần mò cũng tìm được con ngõ hẹp đi sâu vào phía trong, gặp dăm thằng bạn cũ, có thằng vẫn nhếch nhác như xưa, nhà cửa tối tăm chật chội. Chẳng tìm đâu ra căn nhà xưa và mảnh vườn ngập lá khô của bà ngoại, bây giờ đất chật người đông, đứng trước số nhà cũ mà nhìn không ra nơi mình đã từng sống. Nam thấy lòng bâng khuâng khi nhớ lại thuở xa xưa đi quét lá với bà ngoại, Nam đã từng ao ước một ngày cha về, dọn nhà lên rừng ở để tha hồ hốt lá về nấu cơm. May sao lại vẫn tìm được căn nhà của cô hai Lan, bà mẹ cô vẫn còn sống nhưng hai mắt đã lòa, hai đứa con gái mồ côi sau này đứa đi bán cà phê ôm, đứa lấy chồng Đại Hàn đã xây lại được căn nhà gạch. Ngồi nói chuyện lung tung mà Nam vẫn không quên liếc nhìn căn bếp ngày xưa trống phọc, mỗi lần mưa trong nhà ướt nhẹp như ngoài sân.

Đúng ra thì mọi nhà có khá hơn trước, bà con ai cũng mừng rỡ hỏi han, chút quà phương xa dúi vội vào tay họ, tuy chẳng đáng bao nhiêu nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi, mấy cô bé thấy Việt Kiều trẻ tuổi bảnh bao như Nam về quê, chớp chớp mắt làm duyên. Bạn bè những đứa đi chân đất như Nam ngày xưa, có đứa học không bao nhiêu nhưng chịu “lăn lóc” cũng ăn nên làm ra, còn lại đa số đều nghèo, có học hành xong chưa chắc đã tìm được việc làm, đứa nào cũng mơ ước được may mắn như thằng Nam chân đất bạn nối khố thời thơ ấu.

Nam từ giã bạn bè và những người hàng xóm ngày xưa trong cái xóm nghèo đầy những mảnh đời khốn khổ, với niềm hy vọng rằng tất cả cũng đều phải tiến lên với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Chuyện mở rộng kinh tế để người dân được vươn lên, Nam chỉ nhìn thấy được ở một giai cấp nào đó, còn thì theo bạn bè cho biết, 80% dân vẫn sống lất lây với lợi tức thật khiêm nhường trong những xóm lao động và những căn nhà ổ chuột. Không biết đến bao giờ mới có đủ cơm ăn áo mặc, lại còn được ăn ngon mặc đẹp nữa, quên hẳn cái quá khứ đói rách một thời.

Đường phố đặc nghẹt những tiệm buôn, tiệm ăn và quán cà phê nhạc, chỗ nào cũng đông vui tấp nập, trưa chiều đông nghẹt người nhậu nhẹt, ăn uống, cà phê, đánh cờ , tán gẫu. Ở nước ngoài làm bù đầu ra, ngày thường đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về, có ra ngoài chỉ cuối tuần mà thôi, đào đâu được những con người lè phè ngồi đầy quán như vậy.Hình ảnh ấy nghịch lý làm sao đó, Nam chịu không lý giải được. Nhìn sơ hiện tượng thì có vẻ như thoải mái, nhưng cũng vì thế mà nước không giàu, dân không mạnh vì kiếm không ra việc làm, chỉ chú tâm vào việc buôn bán sống qua ngày.

Trời nóng quá, Nam ghé vào một tiệm hớt tóc rất lịch sự, trong lúc chờ đợi  Nam tò mò ngồi đọc một tờ báo cuả điạ phương. Bản tin có người cho vay “xanh xít đít đui”  những người nghèo đi bán máu  như cô Hai Lan ngày xưa khiến Nam rợn người.Nam choáng váng bước ra khỏi tiệm hớt tóc, không nghe cô gái hớt tóc  hỏi có cần gì…nữa không? Trước mắt Nam hiện về hình ảnh cô hai Lan bao nhiêu năm về trước, mặt xanh nhợt gục chết vì bán máu để kiếm tiền mua thuốc, mua gạo cho con. Nhưng hơn 30 năm rồi sao trên đất nước này vẫn còn những người nghèo khổ đi bán máu để sống, vẫn còn  người bóc lột người, vẫn còn những con kên kên hút máu đồng loại như vậy thì Nam không  hiểu được. Nam hình dung ra dưới đáy huyệt đen ngòm lõng bõng nước, có cái thây ma được cuộn tròn trong manh chiếu rách . . .

NGUYÊN NHUNG

https://dongsongcu.wordpress.com/2018/01/17/xom-cu/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn