Điệu Thu Ca._ Nguyễn Trọng Hoàn

Thứ Hai, 17 Tháng Tư 20231:19 CH(Xem: 5693)
Điệu Thu Ca._ Nguyễn Trọng Hoàn
681e

( HNPĐ ) MỘT.
Nhật ký của Thu:
Anh ơi!
Vậy là em lại chịu thêm một lần đau khổ nữa. Con chúng mình đã chết thật rồi, Con nó đi đã hơn một tuần nay… rồi!
Em viết ra những cảm xúc này, không phải viết riêng cho anh, không phải cho những trang nhật ký, của ngày một đau thương thêm dày. Đấy là em muốn tự bộc bạch mình. Đấy là em muốn trang trải tâm hồn em cho bớt xót xa đau khổ.
Thế nhưng em biết là vô vọng, đối mặt với những trang giấy để viết về anh, về con, em như bị cả ngàn cây kim đâm vào trái tim mình. Cứ như vậy, đêm ngày, em gậm nhấm những kỷ niệm vui buồn của hai đứa mình. Em cứ mặc kệ những cảm giác ấy, nó lang thang vật vờ, bơi trượt trên mảng thời gian mà hai đứa đã gặp nhau, đã sống, đã ái ân…..
Ôi! Cái ngày đầu tiên ấy, em còn nhớ như in. Nó như mới xẩy ra, ngày hôm qua thôi, mới lúc nãy thôi. . .
. . . Sài gòn buồn quá. Hai buổi đến trường. Bảng đen, bụi phấn. Những bài toán với những phương trình, con số nhằng nhịt khô khan. Những buổi trốn học, đi chơi cuối tuần. Không lấp được khoảng trống cô đơn con gái…
Cuộc sống tròn trĩnh ấy, mách bảo cho em đang thiếu một thứ gì, nó không hình không bóng, nó nhẹ nhàng như sương chiều, hâm hấp như gió hạ. Có lúc, nó nhẩy múa reo vui như những hạt bụi ôm ấp những tia nắng vàng đang lọt qua cửa sổ trong những buổi sáng dậy muộn. Có lúc nó ảm đạm thê lương như những buổi mưa dầm.
Đoàn sinh viên, học sinh yểm trợ tiền tuyến phối hợp với trường em, tổ chức đi ủy lạo các chiến sĩ ngoài mặt trận. Em giơ cả hai tay. . .
Cả một miền Nam chiến tranh. Sài gòn chiến tranh. Chiến cuộc hừng hực ở ngay ven đô. Nhưng với một số thị dân, khói súng vẫn xa tít ở đâu đó, có chăng chỉ là những đợt còi hụ của cảnh sát dã chiến xé rúc màn đêm. Có chăng chỉ là những màn đấu đá chính trị với những sấp ngửa của cả từ trong Đạo, lẫn từ ngoài Đời. Trung tâm quyền lực quốc gia không còn trong dinh Độc Lập nữa, mà tản mạn theo từng cơn nắng mưa ở tận Hoa Thịnh Đốn, ở Việt Nam Quốc Tự, ở giáo xứ Bình An. Có lúc ở Ấn Quang. Có lúc lại rơi vào cả những cặp nạng khập khễnh của những thương phế binh Nguyễn Rô, Năm Sẹo..
Đấy là vì bố em làm chính trị nên em biết chiến tranh chỉ có như thế !
Còn chiến trận ư ? Nó chẳng gây cho em một ấn tượng gì, ngoài những trái hỏa châu xa tít, những tiếng máy bay rì rầm, tiếng đạn đại bác âm u như tiếng sấm ở mãi cuối chân trời, những tạp âm xót xa ấy, hòa với giọng nũng nịu của cô em gái Dạ Lan trên đài phát thanh Quân Đội, nhỏ to thì thầm với những anh trai tiền tuyến. . .
Thế nhưng, chỉ có lần ấy thôi, em đã nghĩ khác về anh, về những người lính trận. Nghĩ khác về cuộc chiến tranh khốc liệt và tàn bạo, mà các anh đã hiên ngang xông tới. . .
. . . Bốn chiếc Chinook đưa chúng em từ thiên đường Sài Gòn đến tận hỏa ngục Hố Bò. Em hoa cả mắt lên vì cảnh tượng khốc bạo, sặc mùi tử khí của trận mạc hiện ra ngay trước mắt mình. Chân chúng em vừa chạm đất thì từng toán, hai ba người một, khiêng băng ca chạy tới. Họ lam lũ mệt mỏiờ và chịu đựng. Có đồng đội bất hạnh của họ được gói gọn trong tấm poncho. Có những người chỉ được băng bó tạm thời, với những gương mặt trắng bệch, những cặp môi bậm chặt vì đau đớn.
Trước cảnh đau thương hãi hùng này, cả đoàn chúng em ngơ ngác nhìn nhau. Hình như cảm xúc đến đầu tiên ấy, không phải là sự đồng cảm mà là sự xấu hổ. Sự ray rứt bản thân đến tận cùng của mặc cảm nhân đạo…
Những bộ quần áo lòe loẹt của người thành phố đã khiến cho cả đoàn, gần một trăm người, ai ai cũng cảm thấy bơ vơ trơ trẽn. Cả toán cứ dúm vào nhau như họ vừa làm, vừa thấy, như có ai đó vừa làm một điều gì không mấy lương thiện ! Có một cái gì khác biệt trớ trêu, khiến ai ai cũng dấy lên một cảm giác, y như mình đang bị lột trần truồng giữa thanh thiên bạch nhật.
Nhưng thật là may, thật là cao thượng. Chính các anh là người đã an ủi lại tụi em. Những khuôn mặt rạng rỡ, phấn chấn, với thái độ thân thiện như họ đang đón những người thân ở xa trở về. .
Thiếu tá Tiểu đoàn phó, còn trẻ măng, hướng dẫn đoàn đi thăm những lô cốt, pháo đài, những giao thông hào.
Tại những nơi này, những câu hỏi và câu trả lời đã khép kín khoảng cách giữa chủ và khách:
- Ban đêm, các anh ngủ ở đâu?
- Ngay tại đây, ở ngay tại giao thông hào này.
- Thế trời mưa thì sao?
- Ngủ ngay trong mưa.
- Mưa trên chiến hào đẹp và hào hùng lắm các anh nhỉ ?
Ông Tiểu đoàn phó cười trừ..
- Việt Cộng trông như thế nào hả anh?
- Thì cũng là người Việt Nam như mình, cũng mũi tẹt da vàng.
- Thế không khác gì mình à?
- Khác nhiều chứ: Khác ở bên ngoài, phần trang bị, như quân trang, vũ khí. Phần bên trong, ý thức hệ!
Anh yêu ơi, lúc ấy chưa biết anh, chưa thấy anh, mà lòng em như cảm thấy còn thiếu một thứ gì ấy. Em có cảm tưởng lòng mình đang xôn xao, như muốn tìm cái gì rất mơ hồ ở cõi xa xăm,lung linh nơi tiền kiếp mà em không định hình được.
. . . Em đọc báo, thấy những mảng tin viết nhiều về sự phá phách của những người từ mặt trận về phép. Sự ngưỡng mộ của hậu phương về lòng can trường trước khói súng, họ đang đúng chênh vênh giữa lằn gianh của sự sống và cái chết. Thế mà sao họ cứ tỉnh bơ như thế kia nhỉt? Thế mà, nhìn họ kìa: Đứng trước đám con gái đàn bà chúng em, họ trông ngây ngô, chân chất quá chừng. Những đôi mắt của họ nó như cứ xoáy vào chúng em, lấp lánh, háo hức với những thèm khát, như bật ra từ vô thức. Vừa dung tục lại vừa thánh thiện.
Rồi anh cũng xuất hiện!
Em đã đọc nhiều tiểu thuyết của Pháp. Hiện thực cũng có, hiện sinh cũng có. Câu chuyện khởi đầu bằng tiếng sét. Tiếng sét giáng xuống hai con tim, làm bật tung những nhịp đập bình thường, làm rung chuyển cả trí năng lẫn xúc giác, đập vỡ tan tành những mai mối, rào đón. Để trong một khoảnh khắc kỳ diệu ấy, hai tâm hồn xa lạ ấy bỗng quấn chặt lấy nhau, hòa tan vào nhau. Trước kia, em cứ nghĩ đó là chuyện bịa, chuyện của văn chương phù phiếm. Làm gì mà nhanh đến thế cơ chứ!
Bây giờ thì em đã tin rồi, anh đã thu bắt hồn em ngay từ ngay phút đầu tiên ấy: Nước da anh xanh mét, cặp mắt mất ngủ quầng sâu. Cánh tay bị thương treo bằng giải băng cứu thương màu hồng nhạt, được vắt chéo qua cổ. Còn những ngón tay, khác với dáng dấp đàn ông của anh, những ngón tay dai, mảnh dẻ, dịu dàng (Người ta bảo những ai có ngón tay như thế là người vừa tinh tế lại vừa mẫn cảm) Còn cái trán kia kìa. Sao lạ vậy, giống như vầng trán mênh mông của bố vậy.
Anh nổi bật như một thiên thần, quý phái, kỳ bí.
Em đã ngơ ngẩn ngắm nhìn anh..
Rồi đến phần văn nghệ dã chiến. Không có trống, không có kèn. Có một cây ghi ta độc nhất, đệm cho những tiếng hát ngập ngừng e ấp.
Em bắt chuyện.
- Lính của Thiếu tá hát hay ghê.
- Đâu bằng các cô, các cô trình diễn vừa điêu luyện lại vừa cảm động.
- Nhưng cũng đâu có được bằng những ca sĩ chuyên nghiệp, Thiếu tá nhỉ?
- Trong văn nghệ, tôi thích sự không chuyên. Những vụng về, e ấp ban đầu, chứng tỏ có sự cộng tác của con tim. Còn một khi đã nhận nó là một nghề. Tệ hơn nữa là một nghề để kiếm sống. Tự nhiên mình biến thành thợ. Đó là bắt đầu của một sự hủy diệt…
- Thiếu tá nói ngộ quá, thợ gì cơ?
- Nghề nào thì thợ ấy, như thợ viết, thợ vẽ, thợ hát chẳng hạn
- Thế còn nghề của các anh?
- Không nên xem đó là một nghề. Đây là một sự cống hiến, một sự hy sinh. Các phạm trù ấy, có thể đúng với người này, sai với kẻ khác. Hững hờ với người này, nhiệt tâm với người khác.
Những cơn gió heo may se se lạnh, mang theo từng đàn chim ngói, quấn quyện với nhau trên không trung. . . Thế mà em thật sự ấm áp. . .
Bỗng em giật mình, có nhiều tiếng vỗ tay. Em tê cứng người khi nghe tiếng chị trưởng đoàn:
- Xin giới thiệu Minh Thu, hoa khôi của trường, hoa khôi của đoàn. Bông hoa rực rỡ nhất của mặt trận ngày hôm nay…
Toàn thân em hẫng ra. Con gái trường Đầm ngổ ngáo là thế.À Mềm nhũn ra trong tiếng hò hét cổ vũ. Em không rành Việt văn. Em nói tiếng Tây trôi chảy hơn tiếng mẹ đẻ, lại đứng trước ba quân tướng sĩ, em vô cùng lúng túng. Em liếc thấy nụ cười khuyến khích của anh. Và như từ đâu đó, xa tít. Từ trên trời, từ lòng đất, như có một cái gì đã nhập vào người em. Tình yêu mới chớm làm bật tung những tế bào, thớ thịt Việt Nam. Em hát cho mọi người nghe, nhưng có những câu, em chỉ muốn hát cho riêng anh.. .
- “ Hãy nói. . . mình yêu nhau bằng tiếng loài người”
Đến lúc này thì em bật khóc. Toàn thân em run rẩy. Trước mặt em không phải là anh, không còn là những người những người lính trận đang rạng rỡ nghe em hát. Mà là một vùng khói sương huyền ảo thảm đạm của sa trường, với những hồn phách mập mờ, với những xác thân đã sình rữa, với những xác chết máu me đầm đìa, những cánh tay, cẳng chân lắt lẻo. . .
Đừng sợ, đừng sợ các anh ơi. Có cả một hậu phương to rộng đang ươm ấm những trái tim yêu nước của các anh. Rồi chiến tranh vốn như những đám mây đen kịt, Thượng đế và chân lý sẽ thổi át đi hết mà thôi. Rồi lại có nắng vàng, lại có hoa lá xanh tươi, lại có âu ca ngập cả xóm làng . . .
Cho đến khi những chiếc trực thăng đưa chúng em trở về, bật lên cao. Em nhìn xuống tìm anh, em tìm hoài không thấy, khi máy bay lên cao dần, khi những chiếc xe tăng, những khẩu pháo, chỉ còn nhỏ xíu như những thứ đồ chơi của con nít, thì hình bóng của anh lại to dần và tràn ngập trong trái tim em.
Rồi những lần anh về phép, ghé thăm, đi chơi với nhau. Em đã yêu anh. Em đã hiểu thế nào là tình yêu. Đúng rồi! Em yêu anh như chưa từng yêu một thứ gì trên thế gian này cả. Em yêu anh cuồng nhiệt đến cái độ em quên hẳn em là con gái. Em đã chủ động tất cả. Từ đêm đầu đời con gái, em hiến dâng nốt phần xác cho anh, không do dự, không sợ hãi. Em chìm nghỉm trong cực lạc để mơ mơ màng màng rằng thế gian này chẳng còn ai cả. Chỉ có mình anh và em, với một vũ trụ đầy hoa thơm, bướm lạ, đầy ắp lời thơ và tiếng nhạc.
Rồi những lần gặp nhau sau đấy, chúng mình không còn thì giờ để đi bát phố, đi xi nê nữa .Anh như con trâu đói được thả vào vùng cỏ non. Còn em, từ sâu thẳm ở đâu đó, rất xa, có một cái gì như mạch nước ngầm, lúc nào cũng sùng sục, lay động trong từng mạch máu thớ thịt, đường gân. . .

HAI.

AN LỘC, BÌNH LONG 1972.
Sư đoàn 5 Bộ Binh của tướng Lê Văn Hưng, với các đơn vị mệt mỏi từ Lộc Ninh di tản về, co cụm lại trong một lòng chảo ngùn ngụt âm khí. . .
Thị trấn đã hoàn toàn bị cô lập và tuyệt vọng khi hai Công trường 7 và 9 Bắc Việt, có chiến xa yểm trợ từ hai tỉnh Kăm Pông Chàm và Crô Chê tiến sang, áp sát các đồn điền cao su, các cao điểm của những ngọn đồi ở phía Bắc và phía Tây của Thị xã. Con đường xương sống số 13, từ Lai Khê đi An Lộc đã bị Đoàn 209 BV. cắt đứt ra và đóng chốt ở từng đoạn.. .
Pháo tầm ngắn cùng các đơn vị phòng không của Cộng sản với loại hỏa tiễn cần tay SA7 và AT8, ngày đêm khống chế sân bay Bình Long...
Hai Trung đoàn 7 và 9 thuộc Sư đoàn 5, một Chiến đoàn Biệt động quân, Thiết đoàn 5 Kỵ binh, với một Tiểu đoàn của Sư đoàn 25 BB tăng phái, cùng vói các đơn vị yểm trợ và tiếp vận, bị đẩy vào thế phòng thủ vừa tuyệt vọng, vừa kiên cường...
Bộ tư lệnh Quân đoàn III của tướng Nguyễn Văn Minh ra lệnh cố thủ An Lộc bằng mọi giá, không cho phép phía bên kia dùng An Lộc như một lợi thế trong cuộc hòa đàm đang diễn ra ở Paris.
Những Sĩ quan tham mưu ở Biên Hòa đồn đãi rằng, vị Tướng 3 sao, rất thích đánh phé này, đã cố tình rút hai Tiểu đoàn Dù đóng chốt từ Chơn Thành đi Tân Khai, tạo điều kiện cho Sư đoàn 29 Bắc Việt cắt đứt quốc lộ 13. Đẩy các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa không thể di tản được mà phải cố thủ.
Việc trên có hay không thì không biết, nhưng việc quyết định không vận bằng trực thăng, cứu An Lộc bằng một đơn vị thiện chiến của quân đội là Liên đoàn 81 Biệt cách dù. Quả thật, chỉ có thể phát xuất từ một vị Tướng vừa có tài điều quân, lại vừa có óc cờ bạc...
Đoàn trực thăng gần 40 chiếc, do các phi công Việt Nam lái. Ập vào An Lộc, không kèn không trống, không có pháo dọn đường. Lảo đảo như những cánh chim trong cơn bão. . . luồn lách trong những màn lưới phòng không của địch... Cuối cùng cũng đổ được đơn vị tiếp viện ngay tại sân bay dã chiến của thị xã. . .
Khi Đại tá Phạm Văn Huấn, Chỉ huy trưởng 81, với nụ cười hồn hậu rạng rỡ trên khuôn mặt chữ điền. Một tay cầm M16, một tay quàng lấy Tướng Hưng. Thì cả vạn vạn con tim đang hấp hối, bỗng thấy mạch máu như nở ra, các tế bào như hồi sinh trở lại. Và trên những thân cây tan tác cành, xơ xác lá, cháy xém vì đạn pháo, như vừa mới đâm trồi nẩy lộc. . .
Y như những viên thuốc trụ sinh cho cái nhọt mưng mủ. Những cảnh đánh nhau xáp lá cà trên đường phố đã chấm dứt. Bộ đội Bắc Việt bị đẩy về phía các đồn điền cao su...
Tiểu Đoàn 2/46/25BB do Thiếu tá Lê Gia Tuân chỉ huy, tăng phái cho Sư đoàn 5 bị kẹt lại An Lộc trong một tình cảnh như vậy...
Đơn vị của Tuân được giao phòng thủ khu Cầu gẫy. Bên kia sông là hai quả đồi thoai thoải. “Quả đồi tử thần.”! Đấy là cái tên do đơn vị anh đặt cho nó! Có nhiều tàn cây thấp, mặt đất lỗ chỗ những lỗ bom như một tổ ong vò vẽ, lúc nào cũng như có thể ào ạt bay ra tấn công địch thủ. Đằng sau là những cánh rừng cao su bạt ngàn..
Trận chiến hàng ngày diễn ra giữa hai bên, cách một con sông rộng không đầy 50 mét này là những vụ bắn sẻ, pháo kích, hoặc những loạt súng cộng đồng bắn qua bắn lại.
Bộ huy Tiểu đoàn nằm lui về phía trong. Đó là một căn nhà gạch gần xụp đổ, vắng chủ. Mái nhà đã tốc hết còn trơ ra vài viên ngói đỏ. Đại đội chỉ huy đã căng lên đấy những tấm vải bạt quân đội màu ô liu. Trông xa, như một cái lều khổng lồ, tua tủa nhô ra những cần ăng ten trời, đã được ngụy trang bằng những cành cây khô héo. Phòng khách trước kia đã biến thành phòng hành quân với những bao cát được xếp vuông vức thành từng lớp với những chiếc võng được mắc chằng chịt trong phòng.
Tuân cũng là chủ nhân của một trong những chiếc võng ấy..
Bộ chỉ huy Tiểu đoàn đi lại với các Đại đội bằng những giao thông hào, được đào dọc theo bờ gianh của những mảnh vườn cũ. Trông xa, nó giống như một đường viền của một bức màn rách nát. Và từ trên cao nhìn xuống, người ta chỉ thấy những chiếc nón sắt di động lặng lẽ và vội vàng.
Tuân đứng ở ngả ba con sông, chỗ Đại đội 2 đóng quân. Bây giờ đang vào quá chiều, những tia nắng cuối cùng lấp loáng trên mặt sông, loang loáng chạy về phía chân đồi bên kia. Những tia nắng phản chiếu có hình nan quạt nhiều màu làm nổi bật lên những con chim bói cá xanh biếc, đang chúc đầu chăm chú xuống giòng sông lăn tăn gợn sóng. Sát mé sông bên kia, một con cò trắng lạc bầy, vừa bay vừa kêu. Gió luồn dọc theo sông thổi nghiêng cánh chim đang lao vút về phía hạ du
. . . Tuân ngước mặt nhìn hai quả đồi. Theo tinh thần của buổi họp hành quân sáng nay tại Bộ tư lệnh, đơn vị anh sẽ vượt sông để chiếm hai cao điểm chiến thuật ấy. Điều làm anh háo hức nhất là, có thể anh sẽ tìm lại được xác của những đồng đội của anh, họ đã nằm lại trong những lần phản công vô vọng trước đây. Mỗi lần nghĩ đến họ, anh như thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cổ, nằng nặng ở ngực. Mối ám ảnh về những Thắng, Tuấn, Đực, Năm Gà Mổ đang nằm tênh hênh, cho mưa nắng, chim quạ rúc rỉa vẫn làm đau nhói trái tim anh..
. . . Anh đứng bật dậy, quên hẳn quân phong quân kỷ:
- Chả lẽ Thiếu tướng để cho những cơn gió mang theo mùi xác rữa của lính tôi, nó hành hạ chúng tôi hàng đêm hay sao? Tôi phải đột kích qua đấy để mang họ về!
Có tiếng đập bàn:
- Đây là quân đội, chứ không phải một đám giặc cỏ mà ai muốn làm gì thì làm. . .
Tuân ngồi phịch xuống, gương mặt lúc nào cũng như cớm nắng của Tướng Hưng, ửng lên, giọng Nam bộ chân chất có chút đay nghiến:
- Anh xót thương cho lính anh, bộ tôi không xót cho họ hay sao?
Nhìn đôi mắt như muốn khóc ấy, Tuân thấy lòng chùng hẳn xuống, ray rứt. Quân đội ơi! Ta yêu mi cũng vì những đôi con mắt ngấn lệ này đây..
... Tuân nghĩ đến công việc của ngày mai, nếu chiếm được vùng đồi trước mặt, cả một vùng phía Bắc sẽ không còn bị địch chế ngự bởi phòng không và cao xạ nữa. Vòng vây sẽ được nới ra. Nó sẽ như những cái lỗ thông hơi, cho một căn nhà đã bị bít kín từ lâu. . . Rồi, có một khoảng trống con con ấy, ta sẽ được thêm một ít khí trời, được thấy thêm một chút mây bay tự do, lơ lửng.
Tuân thèm khát và ái ngại nhìn các mục tiêu ấy. Chỗ đất thoai thải kia là chỗ sẽ đổ quân. Có đường thông thủy nối hai quả đồi, như cái eo của người đàn bà vừa mời mọc vừa thách đố..
Ba.
Anh yêu ơi.
Đêm đêm khi không còn tiếng xe cộ, chỉ có tiếng đại bác từ xa vọng về, phủ lên những giấc ngủ chập chờn của em, một nỗi lo sợ và nhớ anh khôn cùng.
Bố bảo em, con hỏi bố về một người chồng tương lai, bố bảo: Bố chỉ khuyên con một lời khuyên đơn giản, nhưng rất khó khăn, chọn một đứa nào đó thật đàn ông.
Mợ thì bảo: Nếu nó thương con ( Nó, là anh đấy), con bảo nó xin về làm văn phòng đi, mợ chỉ nói với cậu Thuần một tiếng là xong( Mợ em thường đánh chắn với mợ Thuần). Con đừng dại đi lấy thứ đàn ông vừa có học lại vừa gàn, loại đàn ông này, luôn là mối thảm họa triền miên cho cho người đàn bà lãng mạn và đẹp. Như bố mày đấy! Ôi , cứ lúc nào cũng như tự khoanh vùng cho mình. Hồi mới lấy nhau, lúc ấy, mợ đang là hoa khôi của một trường nữ trung học. Ngay trong tuần trăng mật, cậu đã ném cho mợ một câu hết sức tàn nhẫn:
- Anh cố gắng đang tìm ở em một cái gì ngoài nét đẹp thể xác. Hình như em chỉ chăm chút đến khuôn mặt nhiều hơn cái đầu. Em kiêu hãnh bộ ngực no tròn mà quên hẳn trong đó có cả một thế giới huyền ảo là con tim. . .
Và từ đó, dù có con ra đời, thằng Bò, thằng Bê ra đời Cậu vẫn cố thủ trong cái hòn đảo rất là gần nhưng xa lắc xa lơ ấy. Có những đêm, mợ thèm một vòng tay ôm ấm áp, một câu nói dịu dàng. Đèn trong phòng đọc sách hắt ra những ánh sáng mời gọi. Mợ nhè nhẹ đi vào. Bố con với đôi mắt lạnh băng đang hòa với vầng trán xa xăm, một chồng sách cao nghều nghệu. Mợ kinh hãi lui ra. . .
Mợ kể ra như vậy là mợ ngầm khuyên em đấy, nhưng em không nghe mợ đâu, phần vì cậu mợ đâu có yêu nhau như chúng mình, phần thì anh của em đâu có giống bố em, anh nhỉ?
Hải vẫn đến nhà em, hắn vẫn còn cay cú việc em từ chối tình cảm của hắn, em nhớ tới lời cậu nói, khi đối diện với người con trai ấy, em thoáng ngửi thấy mùi nước hoa. Em nhìn gương mặt trắng bóng, có cặp môi mòng mọng con gái ấy. Tự nhiên em thấy lờm lợm. Có một cái gì lành lạnh, gai gai chạy dọc sống lưng, y như người đi trong đêm bất giác nghĩ đến con ma. . .
Tuân ơi,
Lúc này em có thể chết ngất đi được nếu được nằm ôm anh trong cái mùi nồng nồng, chua chua đàn ông ấy. . .
Còn điều này nữa, em càng khinh thị những lời tâng bốc của đám đàn ông con trai thành thị bao nhiêu, thì em lại càng say mê chất sắt đá mang tính nhà binh của anh chừng ấy. Mợ còn cay độc: “ Đàn ông càng đọc sách, càng ham mê công danh, họ càng khinh khi đàn bà. Họ không yêu gia đình. Họ yêu cái gì đâu đấy, họ như có hạnh phúc riêng của họ. Họ lang thang vật vưỡng như kẻ mộng du. Sách vở, quyền lực đã chắp cánh cho họ hay, nó đang du họ vào tận cùng của sự phi lý?”
Mợ nói vậy thì cứ để mợ nói, nhưng em thì vẫn cứ yêu anh, em yêu tất cả những gì anh yêu. Yêu tha thiết cuộc đời gió bão đầy bất trắc của anh.
Tuân ơi,
Những cơn gió chuyển mùa đã bắt đầu thổi, hàng me trên đường Lê Thánh Tôn đã bắt đầu rụng lá, em ngẩn ngơ đi bên đường mà mường tượng như có anh bên cạnh. Trong gió lạnh hiu hắt của những ngày chớm thu, em nhớ anh đến tê tái cả người. Nhìn những cánh lá con con lìa cành em cứ ngỡ như ông trời đang sai những chiếc thuyền vàng đến để chở chúng mình về tận thiên nhai hải giác. . .
Về với em một chút Tuân ơi ! Em nhớ anh vô cùng.
Tái bút 1_ Anh coi những giòng chữ sau đây như em không viết, cách đây 3 ngày em lên ngã ba Ông Tạ thăm Đẻ. Đẻ và chị Quyên tiếp em. Vẫn cái nhìn lành lạnh và đôi môi khinh bạc ( Trời ơi! đôi môi ấy sao giống anh quá chừng chừng) Đẻ hỏi em:
- Bà Giáo bên ấy bây giờ sống với ông nào ?
Em như bị ai tát vào má. Chị Quyên dìu em ra xe. Em nhìn cái cổng có giàn hoa tygôn nhà anh như nhìn lần cuối. . .
Tái bút 2_ Phần tái bút này thì anh không được quên đâu nhé: Sao hôm nay đã mồng tám, mồng chín rồi mà sao em “ không Có”? Mọi tháng em “ có” từ mồng một, trễ lắm là mồng 2, mồng 3?
Ôi, cứ nghĩ đến có một sự sống khang khác đang len lỏi vào mình. Em vừa yêu vừa ghét. Vừa thinh thích vừa sờ sợ. Như một thân cây căng nhựa đang đón nhận sự hài hòa của đất trời vào xuân, đang rạo rực, xôn xao như muốn nứt ra, vọt mạnh.
Eo ơi! Lần gianh giới giữa hạnh phúc và bất hạnh, lúc này sao nó mờ mờ như sương, như khói vậy Tuân ạ !Về với em đi anh ! Em rất nhớ rất thèm, rất cần có anh bên cạnh lúc này.
Hôn anh thật nhiều.

Bốn.
Rồi, Tiểu đoàn do Tuân chỉ huy cũng chiếm được quả đồi Tử thần, nhưng cũng chỉ đủ gian thời gian để anh làm những điều anh ao ước là gom lại những xác của đồng đội anh, rồi lại vội vã rút lui về bên này cây cầu gẫy. . .
Mặt trận lại hoàn toàn im tiếng súng, trên bầu trời nhá nhem đầy sương chiều, một chiếc L19 lượn đi, lượn lại, êm ả như cánh diều giấy. Gió rừng hun hút, đẩy những làn hơi ấm mát của gió xông lên choán ngập cả khu vườn, một cái lạnh rờn rợn. . . Gió lạnh vẫn là gió lạnh của ngày nào. . .
Trên hai bờ sông quê anh, những cánh đồng chiêm, những cánh đồng mùa đã vào vụ Hè Thu, với những ruộng mạ xanh rì, man mát chạy đến những rặng núi đá vôi. Tháng Ba hoa gạo đã nở đầy cành, sắc đỏ thẫm màu máu, nổi bật lên trên những sợi mây tơ còn vương vấn trên những ngọn cây. . .

. . . Đấy là hạnh phúc. Còn đây là bất hạnh: Đang có những dòng nước mắt đuổi theo những dòng chữ này. Trong khi trong em dấy lên sự kiêu hãnh vì sự no đủ trần tục, thì cũng từ đấy, lấp ló nỗi tủi thân và khó nói nhất của một người con gái. Lúc đầu em cứ đổ cho cái tính nhạy bén trời ban, nhưng dần dần sự nghi ngờ ấy cứ thành hình, thành dạng. . .

Anh ơi, cái mà em tưởng là hạnh phúc ấy chỉ là cái giả, nó không phải thứ khát khao của một phụ nữ, nó không phải là tình yêu. Nó chỉ là những nỗi hưng phấn cao độ khi hai con đực và cái lao vút vào vòng xoáy của nhục thể. Từ đó, em biết là anh không hề yêu em. Hay như nhiều lúc em tự an ủi: Anh chỉ mê em thôi. Tệ hơn một chút: Anh chỉ thèm khát cái thân thể con gái hừng hực cho, nồng nàn nhận của em mà thôi.
Tuy em chưa có cái kinh nghiệm từ những vuốt ve, phỉnh phờ của đàn ông. Nhưng bằng linh giác nhạy bén của đàn bà, ngay trước và sau khi cả hai đứa đổ nhào vào vực thẳm của khoái lạc, cho dù em có đê mê, quay tít. Nhưng trong một tích tắc ngắn ngủi khốn nạn ấy, em đã bắt gặp ở anh, ở ngay khuôn mặt của anh, ở ngay nỗi si mê háo hức của anh, ở ngay trong đôi mắt thành thực của anh. . . Trời ơi! Tất cả ở anh, có một cái gì như phân ra làm đôi ấy, như phân làm hai mặt ấy. Cái phần thứ nhất, sáng rực, đang háo hức cho, đang say sưa nhận, đang dang rộng cả hai tay như muốn ôm ấp cả thế gian. Còn mặt kia, hỡi ôi! Là cả một thế giới mông muội, y như chỉ có mình anh biết, chỉ mình anh giữ kiệt lấy nó. Nó như một mê cung huyền hoặc mà, mọi cửa nẻo anh đã đóng kín hết. Kín đến nỗi, không có một lối nhỏ cho em len vào.
Bất hạnh và hạnh phúc thay! trong đám mây loạng choạng và vật vã của mối hoài nghi về tình cảm anh dành cho em, thì em đã có thai thật. . . .
Em có lên hậu cứ tiểu đoàn hỏi thăm tin tức của anh, ông Thiếu úy chỉ huy hậu cứ nhìn em ái ngại:
- Tiểu đoàn, cùng những đại đơn vị khác, đã bị khóa chốt ở Bầu Bàn, Lai Khê rồi chị ạ ! Bây giờ tiếp tế cho Tiểu đoàn phải thả bằng dù. Cả một miền Đông này, lại đang trong mùa bão rớt. Đạn dược và thực phẩm thả xuống, mình chỉ nhận được một, còn hai phần kia rơi vào tay quân địch. . .
Em muốn khóc:
- Chú cho tôi gửi một thư và một gói quà cho Thiếu tá. . .
Em ra xe, nước mưa và nước mắt chan hòa, những chiếc trực thăng lên xuống hối hả như những tiếng đập con tim em lúc này. Em đứng trong mưa, em đứng trong gió, mắt đăm đăm nhìn lên bầu trời xám xịt. Quần áo trận, con tim lạnh sũng nước cả rồi! Anh và những đồng đội của anh đang xẩy ra chuyện gì vậy, Tuân ơi!
Mưa lạnh, gió lạnh cùng với những cơn mây vần vũ nặng nhọc chở em về thành phố. . .
Em về đến nhà , em chầm chậm bước lên những bậc thang , em có cảm tưởng như em đang bước chầm chậm vào một thế giới khác, một cuộc đời khác. Đang mang vác một sự sống khác. Anh biết không, có một cái gì vừa bí ẩn, vừa linh thiêng mà chỉ có em, và những người đàn bà đang thai nghén như em, mới có quyền tiếp thu sự cộng hưởng ngây ngất của đất trời kỳ diệu. . .
Trước kia, lúc chúng mình gần nhau, cho nhau. Em cứ nghĩ như thế đã là gắn bó lắm rồi. Thế mà bây giờ em thấy em có cảm giác còn hơn thế nữa kìa. Trước kia, lúc gần thì thật gần thật sát, nhưng lúc xa thì cứ là hun hút, ngong ngóng. Em lại có cảm tưởng như trong em có cả anh nữa, em đang giữ kịt lấy anh trong cơ thể em. Em đang nuôi anh, và mầm sống anh ban bằng máu thịt của em. Để rồi mỗi lần em nghe tin trái tim đập mạnh hơn, nghe thấy da thịt căng cứng hơn. Nghe thấy các tế bào lao xao dần dật trong người. Anh ơi! Em đê mê như muốn ngất lịm đi được, bên tai em là những tiếng máy bay, tiếng đạn pháo bắn đi, những tiếng thì thầm của hai đứa chúng mình, chen lẫn những tạp âm của những lần ân ái.
Em lấy lá thư anh viết, lúc con đường Lai Khê, Chơn Thành chưa bị cắt đứt:. .. “ Cứ tưởng tượng mình sắp được làm cha, anh thấy mạch máu, trí não anh rung lên hừng hực, anh như được tiếp thêm sức sống, như già dặn ra, con đường trước mặt như mở rộng thêm ra đủ cho anh, em và con sánh bước.
Trong tiếng đạn bom đang rung động cả đất trời này, anh cám ơn Thượng đế, chỉ có người quyền năng mới cho chúng ta cái ân điển vô song này. Thu ơi, Tội nghiệp em , rồi bây giờ em ăn nói làm sao với gia đình? Em làm mẹ mà đối với nhân quần em chưa được làm vợ. . .Ước chi nếu bây giờ anh được giải vây, được về với em. Chúng ta sẽ làm đám cưới thật to. Còn nếu không. . . Ao cưới, xe hoa, pháo đỏ rượu hồng, cả một đời con gái chỉ là giấc mơ nửa chừng. Anh vô cùng ray rứt đã bỏ em bơ vơ như thế này.”
Thư anh viết chân thành là thế, mà anh yêu ơi, lại những lính tính đàn bà cho em biết, có một cái gì giao động, lung lay, không phải từ một niềm hạnh phúc.
Em đau đớn nhận ra rằng hình như anh của em đang phải chèo chống một con thuyền ngược sóng.

Năm.
Trong phòng hành quân Tiểu đoàn 2/46. Trên gương mặt mất ngủ, xám xịt của từng người, có thoáng chút hốt hoảng, mệt mỏi nhưng lấn áp trên các dáng vẻ ấy là một vẻ cương quyết đầy nôn nóng và tự tin của những võ sĩ sau một thời gian dài khổ luyện, sắp bước lên võ đài.
. . . Tuân ngồi im trước tấm bản đồ có những khuyên tròn, những khu tứ, ngũ giác xanh đỏ được vẽ bằng bút chì mỡ. Mặt anh sắt lại, lạnh băng, toàn thân bất động như một pho tượng . Nhưng mọi người trong căn phòng u uất này đều biết, trong cái đầu của người chỉ huy của họ đang hoạt động như một cỗ xe sải nước rút. Anh đang phân tích, cân nhắc, dự trù những trường hợp xấu nhất. Cân nhắc giữa những quyết định và sinh mệnh của đồng đội anh.
Anh gục đầu xuống, mùi hăng hắc của tấm ny lon bọc bản đồ, gây cho anh cảm giác gai gai khó chịu. Anh nhớ đến Thu, đến hoàn cảnh của nàng đang gánh chịu, đến lá thư của chị Quyên, có đoạn:
. . . “Hình như đẻ khóc, đẻ bảo chị:
- Con phải lên hậu cứ của nó hỏi xem sự thể ra sao. Báo chí là chúa vẽ rồng, vẽ rắn. Chắc nó bị kẹt trong đó rồi. Lần này về, nhất định bắt lấy vợ mới được. Ai đời, ngần ấy tuổi đầu mà cứ như chó giái.
Đẻ ném mạnh cơi trầu xuống bàn:
- Nhưng không phải lấy con Thu đâu đấy! Thật xấu hổ, con gái mà mắt lá răm, lại ươn ướt, còn con gái mà tay đã nổi gân xanh. Loại này lãng mạn lắm. Bà mẹ, thì cứ như cô đầu!
Bỗng, khuôn mặt của đẻ như dịu lại:
- Cả tuần nay không thấy con Hương ghé đây. Đẹp người, đẹp nết, lại có cái tướng vượng phu ích tử!
Đấy là ý của đẻ, phần chị, chị rất quý Thu, nhưng chị cũng góp ý với em nhá: Nếu em không tính chuyện trăm năm thì nên dứt khoát để cô ấy chọn chỗ khác. Nhà Thu giầu có, thế lực. Một hàng dài đàn ông con trai đang xếp hàng trước cửa nhà ông Thượng nghị sĩ đấy! Phần gia đình mình, em cũng biết đấy, đẻ không lèng èng như ông bố mình đâu đấy. Từ ngày bố mất, chị em mình lại càng thấy chất thép trong con người của đẻ càng lộ ra, càng cứng cáp. . .
. . . Chị rủ Hương lên hậu cứ Sư đoàn để hỏi thăm tin tức của em, thì tình cờ, cái tình cờ khó chịu. Chị gập anh Thắng, em cũng biết từ sau cái ngày ấy, cả hai đều chẳng muốn gập nhau. Để khỏi ngỡ ngàng, chị hỏi tin tức của em, anh ấy mô tả tình trạng đơn vị của em là hết sức bi đát, con số tổn thất hàng ngày ít nhất là hàng chục. Anh ấy nói: “ Cái thằng quân tử tầu! Hôm trước anh dụ nó về làm Chánh văn phòng cho ông tư lệnh, không chịu, còn mỉa mai: làm chức ấy, khác chi con ăn người ở trong nhà! Phần này thì chị bênh em, có phải đàn ông khi lập gia đình thì nghị lực giảm đi một nửa, và cái hèn tăng gấp hai phải không Tuân?”
Tuân lại nghĩ đến Thu. . .
. . . Có một trái tim bé xíu đang đập, một lộc non đang nẩy mầm cho hoa lá mùa xuân hay đó là tiếng gõ cửa của một bi kịch? Thu nhìn sự dùng dằng của anh để tha thứ hay nhăn mặt ?
Thu ơi! suốt đời anh chỉ yêu có mình em thôi.
Sáu..
Cái giây phút lâm bồn ấy chẳng vất vả gì cho lắm, chẳng đau đớn gì cho lắm. Thiên hạ vẫn mỉa mai: Không chồng mà chửa, đẻ không biết đau. Chóng vánh như lúc làm tình. Vội vã, lén lút.
Cảm giác còn lại trong em lúc bấy giờ là niềm hoan lạc vô tận. Khi nghe tiếng con trai mình khóc chào đời và cảm giác nhồn nhột trước những con mắt hau háu của bọn sinh viên thực tập đang nhìn chòng chọc vào tấm thân trần truồng, nhễ nhãi của em.
À, còn một việc lạ kỳ này nữa!. Khi xong, trong lúc em đang lâng lâng, miên man một cảm giác nhẹ nhàng. Có một khuôn mặt đẹp, phúc hậu cúi xuống, nhẹ nhàng hỏi:
- Chúc chị mẹ tròn con vuông. À mà chị ơi! Lúc nẫy, trong cơn đau, chị có gọi tên cha đưa bé thì phải, bố cháu tên Tuân phải không?
Em nhìn lên, đến bây giờ em còn nhớ như in đôi mắt ấy, Một đôi mắt nâu! sao lạ quá, có những tia như đang nhẩy múa reo vui. Nhưng bên cạnh đó, trong tận cùng của cái nhìn ấy, có một cái gì xót xa, quay quắt, mà từ ở đâu đó xa tít, thăm thẳm một bầu trời có một tia sáng le loi của một vì sao lạc, cô đơn buồn bã. . .
Em quay mặt đi, từ một thúc đẩy vô thức nào đó, em đã trả lời:
- Không, tôi đã chửa hoang, chị ạ!
Anh yêu ơi! ước gì em là một nhà thơ, nhà văn để mô tả con chúng mình dễ thương làm sao, nó đẹp như thế nào, nó giống anh như thế nào. Ôi! một thiên đồng tuyệt vời, nó là cả người anh thu nhỏ lại. vầng trán của anh của bố phẳng phiu, quý phái. Đôi mắt trong veo, lấp lánh như hai vì sao nhỏ, như lúc nào cũng muốn tiếp thu ở thiên nhiên, lòng người, đất trời, những phẩn tính cao thánh nhất. ôi mỗi lần nhìn con mình bú. Đôi môi đo đỏ, xinh xinh của bé bậm chặt, day dứt núm vú em. Bàn tay nhỏ xíu như chuôi bút đồng kỳ áo mân mê cái núm vú bên kia (Đúng là “ Hổ phụ sinh hổ tử”). Một cảm giác bứt chạy ào ào từ kẽ tóc đến tận các ngón chân em. Cái cảm giác ấy cứ dấy lên từng chập, như những ngọn hải triều, từng lớp lại từng lớp mơn trớn bãi cát trắng mịn
Thế mà nó chết rồi anh ạ, những trang viết nhòe nghoẹt này vì em viết đến Nhân ái. Các cụ ngày xưa thường nói: “ có tin có lành, đặt tên cho con thật xấu cho nó hưởng mọi tối lành ở trên đời. . .”
. . . Em đã không cho đậy nắp áo quan, em cắt những mảnh áo, váy đầm của em nhét đầy chung quanh bé. Áo xống ấy có hơi của em, có hơi của anh. . . Còn một chút kỷ vật của bố nó em tìm hoài không có. Đây là lần đầu tiên em căm giận anh. Thế đấy, anh đến với em như một làn gió thoảng, và đi biền biệt như một cơn giông, chẳng để lại một dấu tích nào. Chẳng qua đúng như linh tính của em . Đó chỉ là một sự dan díu như hàng chục cuộc dan díu vội vàng, chằng chéo của những người lính trận.
Em xé nhỏ những bức thư tình xanh đỏ của anh, nhét đầy vào những túi áo của bé.
Con Ơi! Vĩnh biệt Nhân Ái của mẹ Thu khốn nạn, khờ khạo! Mẹ sẽ chôn theo con nguyên con tim của mẹ, tình yêu của mẹ. . . Tất cả sẽ cùng nằm chung trong nấm mồ của con. Đàn ông! trời ơi! đàn ông! Trí thức lịch lãm, cao ngạo. các mặt nạ cho một mặt người, nơi phát nguyên của dòng sông thù hận bẩn thỉu. tất cả các người chỉ là bọn đào mả chuyên nghiệp. Các người hí hửng bỏ túi các khoái lạc nhục thể, dương dương với những chiếm đoạt, kiêu hãnh với những quỵ lụy. . .
. . . Không, các người không bao giờ có tình yêu cả. Các người chỉ có khát vọng công danh, quyền lục. các người chỉ có sự phấn kích của con đực, chứ mãn đời các người không có tình yêu của con người.
Bẩy.
Tuân đi họp hành quân, anh về đến Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, anh nhìn ngay vào bảng báo cáo quân số:
Quân số hành quân 543 . Vắng mặt bất hợp pháp: 0
Tử thương 2. Bị thương 6 ( sĩ quan 1, hạ sĩ quan 2, binh sĩ:3) tại tọa độ XT . . .
Mãng vào, viên Thiếu tá Tiểu đoàn phó đen đúa mệt mỏi, bộ râu quai nón tua tủa như một cái bàn chải sắt, giây ba chạc có không cài có súng colt lủng lẳng. Giọng Mãng khàn khàn:
- Trình Thiếu tá vừa rồi thằng 1 đụng, Thiếu úy Thuấn bị thương, nặng lắm. Chắc nó đánh thăm dò. Tôi sợ tối nay
- Thuấn hả
Tuân nhắm mắt lại, lòng anh bỗng nhiên chùng hẳn xuống. Hai thái dương rần rật như bị va vào một vật cứng. . .
- Có một tin vui. Mãng nói, thằng Tiểu đoàn 1 của 46 mình vừa chiếm được cầu Tầu Ô, nó đang cố gắng để bắt tay với Tân Khai. Quốc lộ mà thông được thì mình đỡ quá. Tôi qua tần số nhà mình, để chúc mừng ông Cư thì gặp ngay lúc ông ấy đang cãi nhau với ông Tướng. . .
- Cãi cái cái gì vậy
Tôi chỉ nghe được phần cuối:
Ông Tướng hét:
- ĐM. anh, tôi lột lon anh, tôi cách chức anh.
- Tiếng ông Cư:
- Tôi thách Hằng Minh đấy, sao với siếc gì mà văng tục, văng tĩu. Tôi không thèm nói chuyện với Hằng Minh nữa. Tôi cúp máy.
“ Sao với Siếc” .
Mãng đi một lúc lâu , anh bước nhanh vào phòng mang theo chiếc ba lô đẫm máu:
Tuân thảng thốt:
- Thuấn sao?
Mãng ngồi phịch xuống ghế, châm thuốc. anh thiểu não lắc đầu:
- Tôi không mê tín, nhưng hễ thằng nào mới hết phép cưới vợ, ra đơn vị là tịch, lạ thật.
Tuân ném mạnh điếu thuốc đang hút giở vào góc tường. Thuấn là đứa đồng đội thứ mấy mà anh phải chia tay: Cử nhân văn khoa, giáo sư Việt văn, bị động viên khóa 13 Thủ Đức . Không một chút sợ hãi hay do dự, Thuấn lại lao vào mặt trận như một sĩ quan chuyên nghiệp .
Tuân rất yêu quý viên sĩ quan có nhiều cá tính này.
Thuân mới cưới vợ, Thoa đã có một đời chồng và một con, lại hơn anh cả 5, 6 tuổi. Tin Thuấn và Thoa quyết định thành hôn như một trái bom nổ dữ dội trong đám đồng nghiệp cũ cũng như đám nữ sinh trẻ đẹp.
Đám cưới của họ tổ chức trọng thể ở nhà hàng Kim Đô. . . Khi tân lang và tân giai nhân bước lên sân khấu để ra mắt hai họ, trong tiếng vỗ tay của thân nhân bè bạn. Bỗng nhiên, chú rể nhớ ra một điều gì, anh dừng lại rồi đi trở xuống. Anh âu yếm cúi xuống bế cậu con riêng của Thoa đi lên đứng bên cạnh Thoa. Cô dâu khóc nức nở vì cảm động, còn cả tràng vỗ tay gần như bất tận cổ vũ anh.
Bằng lối ra mắt vừa độc đáo vừa hóm hỉnh, anh nói:
- Thưa hai họ và các bạn. Tôi trân trọng giới thiệu:
Trong tình yêu, đây là vợ tôi.
Trong nghề nghiệp đây là đồng nghiệp cũ của tôi.
Trong nhà binh, đây là cô lính giúp việc riêng của tôi
Trong tuổi tác, đây là chị tôi.
Trong sự nghiệp, đây là người bạn đời lý tưởng sẽ cùng với tôi đi đến cuối con đường.
Đến cuối con đường? . Tuân lẩm bẩm, điểm cuối nào vậy?, Thuấn đã bỏ ngang, hay bây giờ anh đã về tới đích? Còn Thoa thì sao?
Có tiếng chuông nhà thờ xóm Mân Côi đổ dồn, có chú lính nào đã bỏ vị trí để vào kéo chuông?
Tiếng chuông bi ai nức nở như tiếng thổn thức của người vợ trẻ khóc chồng.
Tội nghiệp Thoa, mảnh khăn tang thứ hai, của người chồng lính thứ hai, lại đẫm máu và nước mắt, mãi mãi sẽ là đám mây dầy đặc che kín hào quang trên vương miện cô dâu ngày cưới.
Tuân lại nhớ đến Thu, anh sẽ không chiều lòng mẹ anh nữa, anh cũng sẽ làm đám cưới với Thu, anh cũng sẽ bế con anh, đứng bên cạnh Thu, y như Thuấn và Thoa, nhưng anh nhất định phải sống, anh se cùng Thu và con đi hết đoạn hồng trần..
Anh gọi chú lính cận vệ đến gần võng, nói nhỏ:
Chú Ánh này, ( Vừa nói anh vừa tháo trong tay chiếc nhẫn Võ bị), chú đeo giùm cho tôi, nếu tôi có mệnh hệ nào, chú đem về đưa cho cô.
Ánh thổn thức:
- Cho cô Hương phải không?
Tuân nói như ra lệnh:
- Đưa về cho cô Thu, phải đưa tận tay cô Thu. . .
Thu ơi, anh phải có trách nhiệm về những nhọc nhằn em đang phải gánh trĩu. . .
Tám.
Đơn vị trú phòng nằm bất động nhẫn nhục. Hai chiếc C47 thi nhau thả hỏa châu, và y như hai con rồng lửa chúng đang thi nhau khạc những tràng đại liên xuống ngọn đồi phía Bắc. Đạn lửa như những chuỗi tên đỏ bất tận vạch những lằn kẻ trên bầu trời đêm đen kịt.
Nếu không có những hồi hộp, sợ hãi, những ám ảnh của thần chết, những đồn đoán về một cuộc tổng tấn công của địch sắp xẩy ra, thì cả một vùng thị trấn này như đang chập chững bước vào một đêm trừ tịch. Có pháo mừng xuân rung đất, có hoa đăng đầy trời.
Nhưng thực tế thật nghiệt ngã, pháo địch càng gầm thét ào ập tới, thì các căng thẳng của những người lính trận, đang ghì chặt tay súng trong những giao thông hào càng căng thẳng. Một câu hỏi giống nhau, hình như đang lởn vởn trong đầu của mọi người:
- Đây có phải là một trận trống mái cuối cùng chưa nhỉ?
Có vài tiếng văng tục:
- Đ.M. vào đi con, hơn thua một trận cho xong. Sống thì trở về ôm đít vợ. Chết thì cũng tránh cái cảnh ngột ngạt, tù túng như thế này.
.. . . Súng nhỏ đả nổ ran khắp nơi, pháo địch phủ chụp lên đơn vị phòng thủ như một trận mưa đá, những tiếng hô xung phong man rợ mang đầy mùi tanh tưởi của máu. . . Từ lỗ châu mai phía Tây, những tiếng nổ long trời, những tia lửa hừng hực bốc lên mang theo hơi thuốc súng, hơi săng dầu khét lẹt.
Phòng hành quân bật tung lên, Tuân chỉ còn kịp chụp lấy quả lựu đạn. Anh thấy mình đau nhói toàn thân. . .
. . .Tuân bỗng người mình nhẹ tênh, bay bổng, chai martel trong tay chếnh choáng trên thảo nguyên bạt ngàn, chân nam đá chân chiêu, gió đồng lồng lộng, mây trời vần vũ, anh tu từng hớp như anh vừa nhận thêm vài mảnh đạn nữa. . . Anh từ từ bốc lên cao lơ lửng. Chai martel biến thành con ngựa hồng có vòng nguyệt quế lấp lánh tia ngũ sắc.
Ở cuối chân mây, có một bàn tay nhỏ xíu đang vẫy gọi. Tuân đang tính lao tới, thì bỗng dưng, như có một sức ghì nào rất mạnh níu anh lại anh lại. . .
Chín.
Trưởng phòng Hành quân sư đoàn báo cáo:
- Trình Thiếu tướng: Đã mất hoàn toàn liên lạc với Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 2 rồi.
Tướng Hưng:
- Liên lạc được với các đưa con của nó chưa?
- Chỉ liên lạc được với một đại đội của nó. Theo thằng này cho biết, cả Tiểu đoàn trừ đã mất tiêu rồi.
Giọng ông Tướng như vừa muốn khóc lại vừa cương quyết:
- Cho phi pháo rập ngay trên đầu nó, ( Ông Tướng cúi xuống ngẫm nghĩ) Xin cho tôi hai phi tuần bom Napaln, lệnh cho thằng mũ nâu của thằng Thúy chuẩn bị tái chiếm.
Người ta cũng đã chiếm lại cái đỉnh đồi chiến thuật ấy, và người ta không còn nhận dạng những tử thi đã cháy đen.
Thiếu tá Thúy báo cho ông Tướng:
- Tôi đã nhận diện được xác thằng Tuân?
- Sao anh biết.
- Nhờ chiếc nhẫn võ bị. . .
Mười.
Bây giờ thì trong em không còn một chút xíu nào nữa lòng oán hận anh cả, Tuân ơi, hết con rồi đến mợ, bây giờ lại đến anh.
Hôm đưa đám ma anh, đất trời sầu thảm, những giọt mưa có lẽ cũng nhiều như nước mắt của những người đưa tiễn anh. Có rất nhiều tiếng gào khóc. Có những người em quen, có những người em chưa biết mặt. Có người, mà qua lời họ thổn thức, em biết, họ đã có thời yêu anh. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, lúc này, ai còn ghen với tuông nữa chứ! Mỗi một người như đang cùng chung vai khiêng vác một vật gì nặng nề, mà ai cũng muốn có người chia sẻ. Nhưng, có một người mà em không thể quên được! Lúc thì dìu chị Quyên. Lúc thì kéo ghì lại đẻ không cho lăn xuống lòng huyệt. Lúc thì đứng bất động như một pho tượng. . . Người ấy, có đôi con mắt ( Đôi mắt nâu có vì sao lạc...) mà không thể nào em quên được. Thôi đúng rồi, đó là đôi mắt nâu của người đã đỡ đẻ cho em!
Khi thân nhân đã tản mát ra về gần hết. Nghĩa trang chỉ còn em vói người ấy. Em thì đứng dựa vào gốc cây. Còn người ấy, bứt từng nhánh hoa, xết thành một chữ T to tướng. Chữ T là “ Thương”, là “ Tuân”, là “ Thù”, hay người ấy cũng cũng có tên, có một định mệnh đầy nước mắt, như cái tên“ Thu” của em.
Bỗng, có một cơn giớ, len lỏi vào ngay những ống xương sống của em, em rùng mình. Cố bím vào một nhánh cây nhỏ nhưng. . .
Tiếng xì xào nói chuyện giữa thằng Bò và Người ấy:
- Cảm ơn chị nhiều. Không có chị không biết chị tôi sẽ r a sao.
- Chú đừng khách sáo. Chị chú mới sanh nên cơ thể còn yếu lắm.
Tiếng thằng Bò thảng thốt:
- Sao chị biết chị tôi mới sanh?
Tiếng trầm trầm, như tiếng của ngày hôm ấy:
- Tôi là bạn thân của chị ây mà. . . Tôi là em anh Tuân, A! Có một vật này, chị Quyên đưa cho tôi, nhưng có lẽ chỉ có chị Thu mới là xứng đáng nhận nó.
Cho đến khi ngồi viết lại những dòng chữ này, em không làm sao quên được những ngón tay lạnh giá của Người ấy, khi choàng vào ngón tay đeo nhẫn của em chiếc nhẫn Võ bị mà anh thường đeo, mà theo anh vẫn từng kể, Đó là chiếc nhẫn đính hôn của anh đối với quân đội , với trường mẹ. . .
Mười một.
Người Thủ trưởng Binh trạm hỏi tôi:
- Có phải đồng chí đã phải lòng tên tù binh ấy không?
Tôi gạt nước mắt:
- Đồng chí có biết đó là một sĩ quan cao cấp của Quân đội Ngụy, là đi ngược lại với lý tưởng Cộng sản và giai cấp. . ., là phản động không?
Tôi khóc thành tiếng. . .
- Đã biết sao đồng chí cứ làm.
- Tôi đã được cấp trên khen ngợi khi điều hành một trạm quân y gần 200 người này, nhưng tôi đã bất lực khi không chỉ huy được con tim của tôi.
Chính ủy đập bàn:
- Về làm kiểm điểm. Phí lý! Thậm phi lý. Tôi, bằng này tuổi đầu, chưa từng thấy có chuyện nào vô lý như thế cả.
Con Mai, con bạn thân nhất của tôi hỏi tôi:
- Mày bị hạ tầng công tác rồi à?
- Rồi.
- Nó bắt đầu từ đâu, từ lúc nào?
- Từ một ánh mắt nhìn như từ đáy vực sâu: “ Chị cũng có đôi mắt nâu, một đôi mắt nâu biết nói, giống y như một người. . .”
- Tả cho tao nghe, lý lịch trích ngang của cái tay ấy xem sao?
- Đẹp đàn ông, học thức, có nét riêng, có hai hay ba cô người yêu gì đó! À Mai ơi! Lại có đôi bàn tay tuyệt đẹp, người ta bảo, những ai có những ngón tay như thế này, vữa thông minh lại vừa mẫn cảm.
- Có bao giờ anh ấy nói yêu mày không?
- Anh ấy bảo, anh ấy không dám yêu ai nữa vì những người anh yêu đều có những kết thúc không có hậu!.?
- Mày kiểm điểm xem từ ngày ấy đến giờ, mày được gì, mất gì.
- Mất tất, công danh, gia đình. Nhưng tao đã được nghe nhịp đập của chính trái tim mình.
- Thế mày đã quên anh chàng Đáng “ Địa chất” của mày rồi sao?
- Tao không quên!
- Thế chị yêu một lúc cả hai người sao?
- Có sao? Tao yêu anh Tuân bằng vô thức. Tao yêu Đáng bằng trái tim!
- Điên, đồ điên!
Trưởng trại tù hỏi tôi:
- Trông chị quen quá!A, tôi nhớ rồi, có phải chị Thắm, bác sĩ Trưởng trạm quân y trung chuyển, Trạm ngã ba Đồng Lộc của đường Trường Sơn năm nào đấy không?Tôi là Thường đây, Thường Ký-Ninh ấy mà. . . Năm ấy, gió Đông cùng cơn sốt rét rừng, đã làm tôi có ý định tự sát, nhưng chị đã dã lá tầu bay cho tôi uống. Đã vực tôi đứng dậy. . . Đã dậy tôi câu kinh nhật tụng: Mỗi buổi sáng, thức dậy, cứ nghĩ mọi việc đẹp và xanh như nước biển, xanh như cây rừng, xanh như giòng nước sông Lô quê tôi vậy. . .
- Bây giờ tôi chỉ là Thắm.
- Chị thăm ai?
- Thăm anh Lê Gia Tuân, tổ chăn nuôi, Đội 4.
Bà Trưởng ban Hồ sơ thuộc Ban an ninh nội chính:
- Vào đây Thắm, vào đây, việc mày nhờ, cô đã sưu tra. Vương Thị Minh Thu. . . Con luật sư V.V.B. Sau năm 1972, vào tu ở giòng Đức bà truyền giáo. Sau năm 1975, sang Pháp, vào tu tại giòng tu nữ ở Nices. năm 1982, chết trong tai nạn giây “ cáp” treo trên núi Alpses.
Còn Hoàng thị Hương, bác sĩ sản khoa. Năm 1975, thì mày biết rồi, . . . Ôi, mày còn may đấy con ạ! Còn được chọn, còn được khóc. Còn được biết thế nào là yêu. Ôi còn bọn tao, thật khủng khiếp! cả một thế hệ khô khốc, cả một thế hệ không biết yêu! Ấy thế mà, Nhớ ngày trước khi tao tiễn chú Khương mày đi B. Trường phát động phong trào không được khóc. Nhưng khi nhìn những làn khói xanh của chiếc xe lửa bốc cao, quyện cùng những mảnh khăn vẫy vẫy, trắng xóa cả toa tầu, tự nhiên tao nghĩ đến chuyện sinh ly tử biệt ở trên quả đất duy vật này, thế là Tao khóc. Thế là năm ấy mất hết cả điểm thi đua. . À, còn cái bà “ Cai Từ, dân Ninh Bình, năm 1954 di cư vào Nam, để lại một đứa bé gái mới 2 tháng tuổi, với cái địa chỉ vu vơ thế thì bố ai mà mò ra được!
Tôi cũng lần theo địa chỉ anh Tuân đến thăm bà cụ. Trời ơi, quả đất vốn đã tròn, lại còn quá hẹp, lại bắt tôi nghĩ đến sự hiện diện của Thượng đế. . . Chỉ vì chiếc dây chuyền bằng bạc, có mặt đá , có khắc chữ Phúc, có đôi mắt nâu, mà mẹ con nhận ra nhau. . .
. . . “Năm ấy, mẹ mới sinh ra con, cái đêm cậu Ban con từ Nho quan về cho biết, sau bà Cát Hanh Long là đến phiên nhà mình. Đó là một đêm dông gió. Mẹ phải gởi lại con cho dì Chính định rằng khi lên Kim Sơn sẽ cho người về đón, nào ngờ, giống như chiếc thuyền trôi, sóng cứ xô, xô mãi. . .”
Mẹ con đang ôm nhau khóc lóc, thì có hai người con gái đèo nhau trên chiếc honda trở về. Một người thì tôi đã gặp ở trại tù Yên Bái ( Chỉ nguyên việc tôi gặp cô này đã làm nhòe cả hơn chục trang nhật ký của tôi), còn một người thì vô thức đã đẩy tôi chạy tới:
- Chị Quyên phải không, Chị của em. . .
Tôi quay sang người “ Tình địch” cũ của tôi:
- Chào chị dâu!
Tôi bỗng nhớ về căn nhà tranh đơn sơ của dì Chính tôi, tuổi thơ của tôi bên dòng sông Vân, dòng sông có lúc nào hình như cũng có sương thu lành lạnh, có gió heo may che tím cả khung trời. Có tiếng sóng, như những tiếng tì bà của cô Kiều lan tỏa mặt sông, có những cô gái giặt lụa làm hồng thắm mặt nước. . . Có gió Thu đang thả những chiếc thuyền vàng bé tí chở những chuyện Tấm Cám xuôi giòng. Tất cả lúc nào cũng như muốn đẩy cho chân trời hẹp lại, để quấn quyện lại với nhau tạo thành những điệu thu ca.
Điệu thu ca đang du người anh trai tôi vào giấc ngủ. . .

Nguyễn Trọng Hoàn
( HNPĐ )

Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 18 Tháng Tư 20237:26 CH
Khách
Da gan 48 nam. Nam nay da 73, tuoi gia,suc yeu,noi khong ra hoi . The ma doc nhung hoi ky chien truong xua kia, mau nong o dau no chay ran ran Oi ! ....ngan nam ho de may ai quen ! " , khong kheo lai mat ngu dai dai cho den het thang den. Me bo khi !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn