Thà Như Cánh Chim - Nguyễn Trọng Hoàn

Thứ Tư, 05 Tháng Tư 20237:54 CH(Xem: 6451)
Thà Như Cánh Chim - Nguyễn Trọng Hoàn

644e

I.
Dù đã có của ăn của để, nhưng dưới mắt nhìn của người dân trong làng, Tư Thành vẫn chỉ là loại dân nhập cư, loại người bị dè bỉu là “dân phường dịch..” Các bà thì kháo nhau: “ Chỉ nội thấy hắn cười thôi cũng đã thấy sờ sợ”. Còn chính Tư Thành thì lại không bao giờ giấu diếm về hai chuyện, lẽ ra người bình thường không bao giờ dám hé răng:
Anh ta kể rằng trước khi đến đây anh ta làm cái nghề hèn mọn ở nhà quê, “nghề leo dừa ấy mà!

Thì có sao đâu nào, nghề nào chẳng là nghề_Tư Thành vẫn cười hề hề. Tớ làm cái nghề lúc nào cũng đứng trên đầu trên cổ người khác! Ôi chao! những hàng dừa xanh um, xanh thẫm cả một vùng trời với những cây dừa trĩu quả, với một anh chàng, là tôi đấy! Áo quấn quanh cổ, chiếc nài bện bằng lá chuối khô vắt vẻo trên vai, cứ ngày nào cũng như ngày nào, tôi đi từ đầu thôn Thượng đến cuối xóm Hạ. Người ta mướn tôi hái dừa cũng có, gài chuột cũng có. Công sá chẳng kể gì, cứ leo lên, bẻ, xong gom đủ dừa để dưới gốc cây cho chủ, thế là xong, rồi đi sang vườn khác. Chủ vườn ghi vào sổ, để vụ mùa xong cho người mang tiền đến tận nhà tôi để trả. . .” Đấy, quá khứ nhão nhoét của tôi đấy. .

Còn việc thứ hai mà ông không gật đầu hay lắc đầu mỗi khi bị mời lên phòng Cảnh sát Đặc biệt của Thị xã với câu hỏi cứ lập đi lập lại của người Biên tập viên có bộ mặt lạnh như tiền:
- Thằng Quyền, con ông bỏ ra bưng, nó liên lạc với cơ sở nội thành như thế nào?
Chỉ có một lần, chai “ cuốc lủi” trước đó đã khiến ông nữa đùa nửa thật:
- Ối dà! Mấy chú tính xem, giống như con chim ấy thôi, có lông có cánh thì bay đi tứ phương, cha mẹ bây giờ chứ có phải thời xưa đâu mà cấm với cản! Nó thoát ly từ thời tám hoánh nào ấy mà.
Tư Thành vẫn ỡm ờ như thế mỗi khi có ai hỏi. Thời chiến tranh, người ta hay hỏi về nhau về chuyện người khác tỉ mỉ hơn thời bình.
Nhưng bây giờ khác rồi, Tư Thành là chủ của một ngôi nhà khang trang trong một khu vườn, mà chỉ cần đi ngang nhà, nhìn qua cái tường có hoa bông bụt được cắt xén thẳng tắp, có hoa trái bốn mùa, có một phụ nữ, có dễ kém Tư Thành cả hơn con giáp, đẹp người, có cuộc sống như một nữ tu. . . Thì người ta quên ngay cái anh chàng có gốc gác leo dừa, có nụ cười bí hiểm. . .

2.
Tư Thành hỏi con gái:
- Việc ba bảo con tổ chức “ nhóm” đến đâu rồi.?
Ngọc Dung vẫn chăm chú vào tờ báo. . .
- Con không làm được hay con không muốn làm?
Bà Tư Thành cầm bình trà bước ra:
- Tôi đã nói với ông nhiều rồi, cái thời này nó khó khăn lắm mà. . . Vả lại, thanh niên bây giờ nó có cái nhìn khác rồi. . . Khác với hồi trước của mình lắm. Một đằng từ gốc ra, một đằng từ trên ngọn xuống. Ngọn bảo gốc mục, hiếu sát. Gốc bảo ngọn cành non nớt, thiếu lý tưởng!
Tư Thành lẳng lặng thở dài, ông với tay lấy chiếc khăn rằn, quấn lên đầu, đến chái của căn nhà ngang, lấy cái cuốc xăm xăm đến vuông đất có những gốc huệ tàn. . .
Hôm nay cũng như những buổi nói chuyện với Dung, những nhát cuốc của ông có vẻ hằn học.

Bà Tư đến bên Ngọc Dung, giọng bà trìu mến:
- Chuyện của Tấn mẹ đã nói với bố cứ để thư thả đã. Con có bạn trai chưa vậy?
Dung cười:
- Có rồi, mà mẹ biết rồi mà. . .
Bà Tư biết chứ ! Chồng bà, do sự sắp xếp từ xa, muốn nối tổ chức đến tận Ba Lê, đã tính gả Dung cho một anh bác sĩ mới ra trường, cuối năm nay, Tấn sẽ về Việt Nam, sẽ chạm ngõ. . . Rồi Ngọc Dung một cô gái xinh đẹp nổi tiếng Nam Long sẽ trở thành một bà bác sĩ làm “ công tác kiều vận cho ta”, bà còn biết nhiều điều nữa, nhưng mỗi lần nghĩ đến những oan khuất trong cái chết của chị bà, nghĩ đến đôi mắt đa trá của chồng, bà phải ngậm đắng nuốt cay. . .
Bà Tư Thành nhăn nhó:
- Cái thằng Xuyên ấy phải không? Này, mẹ nói cho con nghe, ba con không bằng lòng cái thằng ấy đâu đấy?
Dung vẫn cúi đầu xuống tờ báo:
- Có gì mà không bằng lòng?
- Ba con nói nó có gốc gác không rõ ràng?
Bây giờ nàng mới ngẩng đầu lên:
- Thế nào là rõ ràng hả má? Rõ quá đi chứ? Con một ông Chánh sự vụ này, sắp tốt nghiệp Đại học này. . . Con nói thật với má. . . Từ cái nhìn của chúng bạn, ngay với cả xóm giềng, gia đình mình mới có cái lý lịch không rõ ràng đấy mẹ ạ. . .
Bà Tư Thành vuốt tóc con gái:
- Từ ngày thằng Quyền đi, không thấy nó đến đây?
- Đến làm sao được, cứ mỗi lần ảnh đến, bố cứ nhìn anh ấy như quân hằn quân thù. . .
Con đến nhà con Mai một chút nghe mẹ. . .
- Nhớ về sớm nghe con, ba mày cằn nhằn tao hoài. . .

Dung bước vội ra khỏi nhà. Trời mênh mông đầy sao. . . Xuyên ơi ! Có ngôi sao nào của em đang ngân ngấn lệ trên ấy ?

3.
Xuyên lầm lũi bước qua cầu Nam Giao, vượt qua con dốc ẩm mịn hơi sương. Có nắng quái còn chần chừ trên những tàng cây. Mặt đường loang loáng như một thứ mầu nhờ nhợ lẫn trong sương khói. . . Anh rẽ vào chùa Từ Đàm anh gặp ngay thày Giác Đức đang đứng bên cạnh cây bồ đề cổ thụ.
- Bạch thày. . .
- Đừng cà giỡn nữa. Sao hôm nay có ngọn gió trái chiều ? Ấy, kiếm được ở đâu một bộ mặt từ bi nghiêm túc thế kia?
Xuyên nói nhỏ:
- Mình vào trong hậu viên, tớ có chút việc. . .
- Cái gì nào ?
- Chắc tớ bỏ học. . .
- Sau đó làm gì ?
- Tớ đi lính !
- Sao không chờ lấy nốt. . .
- Lấy cái gì nữa, tình hình như thế này. . .
Giác Đức cười lớn :
- Đã có cái thế Tam Quốc rồi đấy ! Có ba thằng nối khố thì một thằng lên rừng . Tớ đang tìm đường sang Thiên Trúc. Còn cậu đi  Đà Lạt . . Bao giờ đi thế?

Xuyên bước ra khỏi cổng chùa, gió đêm thổi nhè nhẹ, một màn sương sà thấp xuống mặt đường như che chắn cho một bầu trời chi chít những vì sao lấp lánh. Có cả vành mặt trăng như một cánh diều mong manh, tròng trành như đang cố vít bầu trời xuống thấp. . . Đèn đường vàng vọt lẻ loi .

4.
Qua khỏi cầu Tràng Tiền Dung rẽ vào một căn nhà gần chợ Đông Ba. Mai đang giúp mẹ cắt bó những nhánh hoa huệ cho buổi chợ mai. Thấy bóng Dung, mẹ Mai nói với cô.
- Thôi bỏ đó cho mẹ. Con Dung nó đến kia kìa. . .
Hai người dẫn nhau lên gác. Căn gác bằng gỗ, ọp ẹp nhưng vẫn còn níu theo hương thơm của những bó hoa vừa được tỉa bó.
- Lại khóc à?
Dung không trả lời cô gieo mình xuống chiếc giường đơn của Mai bên cạnh cửa sổ. Hơi gió lạnh từ ngoài làm cho Dung kéo chiếc mền đơn trùm kín khuôn mặt.
- Mở mắt ra, xem cái gì đây?
Dung hất tung mền, nhìn chiếc phong bì cô đã biết của Xuyên, nhưng Dung vẫn hỏi:
- Thư hả, của ai đấy?
Cô giật lá thư rồi xé vội. Mai nhìn Dung . . Cô vội quay đi, có tiếng nấc của bạn làm xé lòng cô. . . Cô bước đến bàn học mở radio. Tiếng Duy Trác đang hát bài Ngày về của Hoàng Giác. . .

5.
Những làn gió sông hắt lên mang theo hơi nước ngầy ngậy, cảnh vật như đang được kéo xích gần lại. Sương mù phủ trên mặt sông như một lớp phấn mỏng, như một mảng khói, nhấp nhô, lung linh theo những cơn gió nhẹ, lúc thì loãng ra, bay là đà vào chân núi. Lúc thì tụ lại cau có, che lấp cái bóng xanh thẫm của quả núi ven sông. Hai cặp chân chim dài ngoằng lao vút về hạ du, tiếng chim trầm sắc, âm vang như tiếng khánh đồng.
Dung chỉ tay về phía xa, nơi có hai chiếc chấm trắng nhỏ li ti đang di động, đang ve vãn nền núi mầu xanh thẫm.
- Kiếp sau, mình đừng thèm làm người nữa anh ạ, làm cánh chim trời sướng hơn. . . Chim bao giờ cũng có cặp có đôi mà chẳng bao giờ phải khóc cả. . .
- Thế ngộ lỡ anh vì vụng tu mà không làm được chim trời thì sao?
- Em xin hóa thân thành cánh chim một mình. Một cánh chim cô lẻ, ngàn năm cô lẻ_ Dung nức nở. Em sẽ bay vòng vòng từ làng Tuần, trên làng Nam Giao, qua đồi Vọng cảnh, đến những nơi có bàn chân của hai đứa mình để ngắm lại những phiến đá, những gốc cây mà chúng ta đã có nhau trong những chiều đông, trong những ngày nắng hạ.
Xuyên nhắc:
- Em quên bay về một chỗ. . . Một nơi. .
Dung đỏ mặt cô nhớ ngay nơi ấy. . .
. . . Hang lớn của động Tây Thi thông với động Uyên Ương bằng khu đầm nhỏ, một con đường bằng đá nối liền hai động. Con đường nằm dưới mặt nước của mùa lũ. Xuyên đi trước
- Chết em rồi.
Xuyên quay lại. Dung chìm nghỉm trong làn nước xanh trong. Xuyên nhào tới nhưng Dung đã bám vào được mỏm đá leo lên. Anh đứng sững lại. . . Chiếc áo phin nõn mầu vàng dính sát vào tấm thân thon thả. . . Còn Dung đứng lên nhìn xuống ngực mình, chiếc áo nịt nhỏ, không đủ che cho hết đôi gò ngực trắng hồng.
Xuyên đi nhanh lên bãi cỏ, anh cởi nhanh quần áo ngoài rồi ném về phía Dung
- Em thay nhanh lên kẻo lạnh
- Quay mặt đi nhá, không được quay lại đâu đấy!
- Được rồi, thay đồ nhanh lên không bị cảm đấy. . .
Có tiếng ho húng hắng của Dung
. . . “ Em nói là nói vậy thôi, chứ không một lùm cây, không một mỏm đá lớn. Em đứng thẳng, trần truồng, ánh nắng hạ non, nồng nàn lấp lánh. Cả người em như nổi gai. Em biết anh không quay đầu lại, nhưng em vẫn tưởng là anh đang nhìn em. Trong cảnh trời đất vắng tanh, chỉ có hai đứa chúng mình, em tự nhiên thấy hết xấu hổ, thay vào đấy là những đợt xúc cảm kỳ lạ. Tai em chợt nghe, không phải từ bên ngoài mà từ ở đâu đó xa lắm, từ tuổi thơ có đêm ngủ chung với mẹ. . . Có tiếng ú ớ, tiếng động của chiếc giường. . . Cả người em nóng ran, miệng em khô đắng. Một sự khao khát, không như thiếu nước, không như khát ăn. . . Một sự háo hức như muốn bật tung, như muốn ứa ra. . .
- Xong chưa em, trời nổi gió rồi kìa. . . Vả lại. . .
. . . “ Em vẫn đứng im, mê man hầm hập như một pho tượng đồng bị hun lửa. . . Sao anh không quay lại. . . Không chạy lại em. . . Cả người anh cũng đang trắng đỏ kia kìa!”
- Xong chưa, anh mỏi cổ lắm rồi.
. . . “ Em hậm hực, anh ngu ngốc đến độ tội nghiệp. . . Em chậm chạp mặc quần áo, khắp người em nhột nhạt khó chịu khi quần áo anh cọ xát vào da thịt em. Một mùi mồ hôi ngây ngất đang ve vuốt từ lỗ chân lông, lan đến da thịt em. Em ôm đầu ngồi phịch xuống.
Em mở mắt ra, bên kia triền đá, anh đang lom khom giặt quần áo cho em, anh đang vò, anh đang vắt, anh đang ngơ ngác kiếm chỗ để phơi. . “

Có tiếng chim gọi nhau về tổ, âm thanh ẩm ướt, nhão nhoét
Xuyên ôm lấy Dung:
- Khi nào đến quân trường anh viết thư cho em liền.
Dung bật khóc anh cảm thấy hơi ấm trong người cô đang truyền qua thân thể anh, mùi thơm bồ kết trong làn tóc âm ẩm sương chiều, vẻ mặt thẩn thờ, đôi môi hé mở, cô như đang sẵn sàng chấp nhận tất cả, cho dù là hạnh phúc hay tuyệt vọng. Cô như người lữ hành đang đi trong sa mạc, đang say sưa tận hưởng làn sinh khí của một ốc đảo diệu kỳ, một niềm hoan lạc đang chạy rần rật trong thớ thịt, trong làn da, vào tận trái tim cô.
Trong nụ hôn mằn mặn, nồng nàn họ nghe thấy tiếng đập đang dồn dập trong lồng ngực của nhau, họ quấn chặt lấy nhau, không nghe gì cả, không thấy gió lạnh gì cả, Họ đang dìu nhau vào cõi thiên đường trong chốn hồng trần.
Có tiếng chim cú từ một hốc cây gần đấy.
Dung bàng hoàng buông Xuyên ra.
- Thôi về đi anh, em sợ lắm, tiếng chim cú. . . Mẹ bảo tiếng kêu của nó là điều báo gở.. .
Xuyên thẫn thờ nắm tay Dung xuống đồi. Gió lạnh bắt đầu thổi mạnh. Họ đi sát vào nhau,
Mùi thơm của đủ loại hoa, lan tỏa quấn quýt như muốn giữ chân của hai người yêu nhau. Có tiếng trẻ con hát nô trong vườn nhà ai.
Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà phải tội đàn ông!

6.
Năm ấy, ngày cuối cùng trước khi Quyền đi, anh đã gặp Xuyên.
- Tao đi đâu thì mày biết rồi. . .
- Mày yêu Cộng sản đến thế cơ à?
- Chúng mình còn rất ít thời giờ để tranh cãi về chủ nghĩa này, lý tưởng nọ nữa. Mày thấy đấy, khi thằng Đức cạo đầu vào chùa, tao có cản nó một tiếng đâu nào ?
Xuyên để tay lên vai bạn:
- Có cho tao khuyên mày một điều không?
- Khuyên gì thì khuyên, đừng đụng chạm đến con đường của tao sẽ phải đi !
Xuyên cười buồn:
- Thế thì thôi vậy ! Mai biết chuyện này chưa?
- Tao không cho cổ biết. Tao chọn lối chấm dứt như thế. . . Đỡ khổ cho cả hai!
- Thế còn Dung?
Quyền vén tay áo lên xem đồng hồ. Anh nhớn nhác nhìn ra ngoài. Xuyên hiểu ý bạn, anh ra đóng cửa phòng. Mặt Quyền đanh lại:
- Chắc không có dịp gặp lại nhau nữa. Tao kể cho mày nghe chuyện gia đình của tao. . .
Xuyên nghe xong , mặt anh tối hẳn đi:
- Thế sao mày không cưỡng lại quyết định của ổng.
- Trong tao bây giờ nó có hai điều mâu thuẫn: Đi tìm lý tưởng Cộng Sản và đi tìm những điều gì tao kể cho mày, nhưng tao đã có cách của tao. Tao chỉ lo cho Dung, nó yếu đuối quá! mày giúp nó, mà cũng đừng cho nó biết. . .
Xuyên thấy lồng ngực của mình đau nhói.
Hai người bạn thân ôm nhau. Bên ngoài, mưa bỗng dưng nặng hạt, òa trắng cả bầu trời.

7.
Tên cô là Mai, nhưng có chữ lót giống người bạn thân nhất của cô, Ngọc Mai, cô sinh ra và lớn lên nơi có những mảnh vườn có đủ trái cây thơm ngọt, miệt vườn mà hình như những người con gái sinh ra ở đây đều đẹp cả. . . Nơi còn lưu lại mối duyên tình của một ông vua Thành Thái với một cô lái đò dọc trên giòng Hương Giang.. . . “ Nì, o tê! O cứ nóiÔ “ ưng” để coi thử nờ!”
Cô chua chát nói với Dung:
- Tên là Mai, nhưng chắc không phải mai của xuân tiết, của đất trời, mà là mai của ngày mai xa lắc xa lơ, của mỏi mòn, của vò võ chờ trông.
Rồi cô đứng dậy vuôn vai:
- Bao giờ tao mới được làm chị dâu của mày vậy, Dung ơi!
Những lúc ấy, Mai đều quay mặt đi, cô không muốn Dung nhìn thấy cô khóc. . .
Từ ngày Quyền mang tình yêu của cô ra đi, không một lời từ giã, cô vẫn chờ. . . Cô vẫn mong một lá thư về. Cô vẫn khao khát bao đêm chờ tay anh gõ cửa, nhưng anh vẫn bặt vô âm tín. Cô biết anh yêu chủ nghĩa Cộng sản hơn yêu cô. Nhưng linh tính của người đang yêu cho cô biết thế nào cũng có ngày anh quay trở lại.
Có lần, do không nén con tim, cô đã đánh liều trốn học, bỏ gia đình vào mật khu thăm anh. .

Con đò đưa cô đến bến đò Khèn có một cây cổ thụ đang ngắm nhìn những cánh hoa “ pơ lư” trắng xóa nổi bật lên dòng nước sông Cồn đục ngầu sau cơn lũ dài. . . Rồi cô ngước nhìn lên con dốc có những tàng cây cao đang nghiêng ngả gió chớm đông với những hình ảnh của Quyền trao qua, trao lại. . . Một chàng trai Huế dong dõng, sống mũi thẳng tắp, thông minh, đôi con mắt như cả đại dương có thấp thoáng một cánh buồm đen của mất mát hận thù. . .
Cô ngơ ngác hỏi thăm tên anh, nhưng chỉ một lát sau, người cảnh vệ trở lại, cho cô biết là anh đã đi công tác xa. . . Cô gạt nước mắt trở ra bến đò xuôi về Kim Long. . .
Thực ra Quyền vẫn ở đơn vị, nhưng anh không ra gặp Mai. . . “ Bây giờ thì cô ấy đang khóc, cô đang ngồi trên một con đò mỏng ngược theo dòng kỉ niệm, đang nhìn xuống mái chèo đưa đẩy nước sông cùng bềnh bồng nỗi nhớ, về xuôi. . . Tội nghiệp em, Mai ơi! Đến lúc này, anh có một cảm giác mơ hồ là anh đã bước sai đường ( Thuở còn thơ, anh vốn bị chúng bạn chê cười là mỗi khi chơi diều, không bị vuột thì cũng bị đứt giây mà!) Anh không muốn kéo em đi cùng trên con đường bất trắc chưa biết sẽ đưa anh về đến đâu nữa Mai ạ !”
Quyền nhớ Mai, nhớ đến se lòng đôi lúm đồng tiền như giếng khơi thăm thẳm đã chôn kín hồn anh. Nhớ cả đến một mảnh trời quê đầm ấm. Nhớ những buổi sáng trong khu vườn đầy hoa, có mặt tròi mọc ở phía đằng đông của gốc khế già, có cội mai đang gọi nắng về hong ấm sau những tháng mưa lê thê giá buốt. Nhớ cả đến tiếng gà lay vắng thôn trưa. . .
Còn hôm nay, chiều xuống chậm quá! Từ phía Tây ráng chiều hắt lên một mầu đòng đọc. . . Những ngọn núi xa đã đổi thành một màu tím ngắt, mờ dần trong bóng tối như con đường trước mặt của Quyền.
Cầm lá thư và gói quà của Mai. Quyền gọi người trợ lý:
- Đồng chí mang giấy bút ra đây! Đồng chí ghi đi.
- Nhưng đồng chí là thủ trưởng cơ mà! Việc gì phải làm biên bản cơ chứ?
Quyền lạnh lùng đọc:
. . . Một lá thư, thư này, lát nữa đồng chí chuyển lên khung phê duyệt rồi tôi mới đọc. . . Một gói mè xửng,. . . Một bịch thuốc gồm thuốc sốt rét, trụ sinh, hai chiếc quần đùi. . .
Chuyện ấy thì Mai không biết, cô chỉ biết chắc một điều. . . Như một bông mai nguyên nụ, cô vẫn chờ, vẫn đợi. . .

8.
Hội trường của Sư đoàn bộ căng thẳng, ảm đạm.
Chính ủy mở đầu:
- Trên khung đã có nhận xét về bản kiểm điểm của đồng chí Hồng Quyền tuần rồi và những tuần lễ kế tiếp. . . Là, không đạt yêu cầu ! Hôm nay theo lệnh Quân ủy Miền, Đảng ủy họp phiên bất thường để giúp đỡ đồng chí Quyền soi rọi lại bản thân mình, thấy rõ mặt yếu, mặt tồn tại của mình. Tôi yêu cầu tập thể giúp đỡ đồng chí ấy.
Quyền đứng phắt dậy.
- Thưa các anh, từ nay đến khi tôi có tội danh, tôi không dùng hai chữ đồng chí nữa. Để khỏi mất thì giờ, tôi xin khẳng định lại bốn việc mà đảng ủy không chấp nhận phần kiểm điểm của tôi.
- Một là, sơ hở về chiến thuật để cho lính thủy đánh bộ Ngụy chọc thủng phòng tuyến phía đông Cổ thành là do yếu kém của cơ sở đã không tập trung đơn vị tinh nhuệ ở đấy chứ không phải lỗi của Tiểu đoàn do tôi chỉ huy.
- Hai là, gia đình tôi là một gia đình cách mạng đã có công nuôi dưỡng cơ sở, che dấu các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Việc tôi có quan hệ bè bạn với nhà sư Giác Đức của chùa Từ Đàm và một sĩ quan của chế độ Sài Gòn là do hoàn cảnh xã hội trước kia. Việc Đảng ủy quy kết cho tôi tiết lộ quân sự là không có cơ sở.
- Ba là bài thơ “ Nhớ mẹ” của tôi đăng trong báo tường của Sư đoàn bộ, đã qua nhiều khâu xét duyệt mới được đăng. Nội dung chỉ vỏn vẹn có một ý: Xa nhà, nhớ mẹ. . . Có thế thôi mà các anh phê bình tôi là lãng mạn, có tiềm ẩn bản chất của tiểu tư sản. Các anh thắc mắc bài thơ không có tính đảng, tính chiến đấu, tính nhân dân. Việc đó có cần hay không và tại sao phải như thế nhỉ? Chả lẽ một người lính xa nhà vừa cầm súng chiến đấu, vừa phải làm cho sơ cứng tâm hồn của mình hay sao?.
- Bốn là anh Thép Mới khi phê bình tôi, anh có dẫn chứng bằng kinh điển của Mác. Phần này tôi xin nói thẳng: Muốn hiểu về Mác, phải có học, phải có kiến thức! Tôi từ trường Đại học ra bưng biền này, đọc Mác tôi còn chẳng hiểu gì, huống hồ các anh. . . Tôi xin hết, tôi xin ra ngoài cho các anh làm việc.

Câu cuối cùng đã dẫn anh bước thêm một bước nữa đến với bi kịch : Một buổi chiều cuối cuối Thu, có cơn mưa lất phất trái mùa, trong gió lạnh se sắt của núi rừng An Lão. . . Trong khi Quyền đang tắm giặt ở đầu suối, một viên đạn từ lùm cây làm anh ngã bật ra
Con suối từ trên cao đổ xuống nghiêng nghiêng trắng xóa như một mảnh khăn tang quần hờ hững trên mái đầu còn rất xanh. . .
Gió của thu vàng thê lương như bản nhạc chiêu hồn. Khuôn mặt đất trời nhăn lại cau có, chan hòa nước mắt. . .

9
Khu vườn sau của một căn nhà mà Bộ chỉ huy của Tiểu đoàn Xuyên trú đóng là một cái vườn duy nhất chưa bị đào xới bởi bom đạn của xóm Hạ này, nó có chiều ngang rộng chưa quá mười mét, nhưng càng về phía bờ sông càng phình ra. Trừ một cây mít ở cuối vườn là là bị một trái 82 ly bạt mất một nửa. Còn thật là kỳ diệu, từ cái giếng nước ở sân trước cho đến cây cầu ao ở mép sông. Từ mặt đất đến những ngọn cây, ngập đầy một màu xanh tươi mát. Hàng cây ăn trái trồng theo hình chữ “ công” có hai nét ngang là hai hàng mít thẳng tắp. Nét sổ là con đường trải đá cuội trắng, hai bên trồng xoài, khoảng cách giữa hai cây trồng cỏ mịn và hoa hồng.
Mãng cười:
- Ông chủ nhà này vừa có học, vừa là một nhà thơ đây!
Gần cây mít bị đạn pháo. Xuyên cho làm một lô cốt diện tích chỉ khoảng 4 mét vuông để làm phòng hành quân phụ. Làm trừ bị cho phòng hành quân chính ở nhà trên, nếu phòng này bị đạn pháo làm tê liệt. Ban đêm Đại úy Mãng, Tiểu đoàn phó “ trụ” trong cái “ am” ấy.
Sau khi chia tuyến phòng thủ cho các đại đội xong. Mãng nhận xét:
- Đóng bộ chỉ huy ở đây thì hơi gần bờ sông, vừa đúng tầm pháo 61 ly bên sông của địch, lại quá gần tuyến phòng thủ chính. Tôi sợ. . .
Xuyên nhìn các bóng cây im mát, như một người đi xa trở về với căn nhà dịu dàng của mình, anh quyết định:
- Thôi cứ đóng quân ở đây đi! Vả lại trong thị trấn này, có nơi nào là chỗ không nằm trong tầm tác xạ của các loại pháo của địch đâu chớ. . .

Thế là từ hôm ấy, sau cả ngày quần thảo với địch. . . Xuyên thường đi một vòng dài của tuyến phòng thủ, ủy lạo đồng đội, rồi anh trở về, ra ngồi bên bờ giếng. Anh vất nón sắt, áo giáp trên thảm cỏ xanh. . . Anh mê man ngắm những con chim đuổi nhau dưới tàn lá thấp. Tiếng hót trong veo của con chích chòe lửa như tiếng sáo thiên thai gọi mời tiên nữ. . .
Kiếp sau em không làm người nữa, làm cánh chim trời. . .”
Xuyên lại nhớ đến Dung . . Anh nhớ đến tâm sự của Quyền về chuyện gia đình ông Tư Thành. Anh quyết định viết thư kể hết cho Dung biết nhưng anh chưa gửi đi được, còn thư Dung, từ ngày bắt đầu cuộc hành quân Nam Lào đến nay, đã có hơn ba tháng, anh không nhận được một lá thư nào. . . Thư chót anh đã đọc đến nhầu nát:
. . . “ Anh yêu ơi! Hàng ngày nghe tin chiến sự qua radio, từ giọng nói của cô xướng ngôn viên em cứ ngỡ như em đang cận kề cùng tiếng bom đạn từ vùng trận mạc của anh. Bom đạn phá tan con người, nhưng nó đang xẻ nát con tim em.
Huế đang vào mùa mưa, những giọt mưa cứ như nằm lì trên những ngọn sầu đông đáng ghét ngay trước cửa nhà. . . Mưa sờn sợt ướt sũng lòng em. . . Trắng xóa, ảm đạm. Những lúc như thế này, em và con Mai thường ngồi thu lu, quấn chung một chiếc mền đơn đến tận cổ. . . Bên ngoài là một bức tranh loang lỗ, có những mảng sáng, đan với những mảng tối trong những ánh chớp loằng ngoằng rạch ngang rạch dọc. Có những tiếng sấm rền vang ở cuối chân trời với cùng một câu, đứa nọ hỏi đứa kia:
- Tiếng sấm dậy hay tiếng bom nổ vậy kìa?
Chỉ có những tiếng mưa tí tách trả lời. Chiến tranh là đồng nghĩa với đau khổ và chia xa, nhưng cũng buồn cười quá Xuyên nhỉ? Hai mảnh đời chông chênh, hai người con gái đang quay quắt nhớ mong về hai chiến binh ở hai chiến tuyến thù địch . . . Tiếng súng nào của mình? tiếng súng nào của đối phương? Mình là ai? Và đối phương là ai? Nước mắt nào là chân? Nước mắt nào là ngụy đây hở anh? Với em, cho dù anh có là ai chăng nữa, anh ở bên này hay ở bên kia, em vẫn yêu anh, ngàn năm em vẫn chỉ yêu có một mình anh thôi!”

10.
Viên đạn xé khung cảnh tĩnh mịch, đã làm tắt ngúm đốm lửa tàn Cộng sản trong cái đầu của Tiểu đoàn trưởng Hồng Quyền ( Mà nhiều năm về trước nó vừa như những ngọn gió thần thổi vào lòng anh, hun sôi máu nóng của tuổi trẻ trong con người của anh, vừa như cơn gió ma đã đánh át đi nỗi đau kì quặc của anh về con người của Tư Thành. . . ) Nhưng Quyền biết con tim anh vẫn còn đập. . . Anh biết mình không chết khi anh nghe một tiếng nói quen thuộc:
- Nó chết là cái chắc rồi! Khỏi phải chôn lấp gì cả, chỉ đêm nay, nước triều dâng lên sẽ mang nó đi thôi. . . cho quạ mổ nát cái thây ma phản bội ấy đi!

Khi những tiếng chân của những người, mà chỉ mới hôm qua đây thôi còn là đồng chí thì hôm nay đã là quân thù, đã đi xa. . . Quyền co chân, co chân co tay. . . May quá, viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm trên thân thể. Anh quơ vội chiếc áo vừa giặt xong, quấn chặt cho máu bớt chẩy. Và vừa chạy, vừa đi, có lúc mệt quá vừa bò. . . Anh lần ra quốc lộ. . .
Nhà sư Giác Đức đang chắp tay đi đi lại lại trước sân chùa, thì có tiếng gõ cổng yếu ớt..
Quyền chỉ còn kịp lắp bắp vài tiếng:
- Nhớ nghe Đức! Chớ cho thày Cả biết, thày Đôn Hậu ấy mà. . . À mà quên, đừng cho gia đình tôi biết, ông Tư thành ấy mà. . .
Rồi anh mê đi. . .

11.
- Bố đã kể hết cho con nghe, đấy cái chết của mẹ con như vậy đấy. Còn chuyện thằng Tấn sắp ở Pháp về. . . Con cũng nên biết, con lớn rồi. . .
Dung bật khóc, tuổi trẻ và những nhớ mong xa cách với người cô yêu chưa dẫn cô đến tận cùng của cảm giác bất hạnh như lúc này.
Như một phản xạ. . . Cô tiến tới quỳ xuống trước mặt bà Tư Thành:
- Con xin mãi mãi gọi. . . Là mẹ, mẹ nhé.
Cả đêm ấy cô không ngủ. Tiếng nước mưa tí tách ngoài thềm như những lưỡi kéo cắt vụn lòng cô. . .
Nhưng ( cô vẫn băn khoăn): Những lời của bố có thiệt không nhỉ? Sao mẹ đẻ ra mình lại phải chịu cảnh dầy vò của bọn Lê dương khát dục đến khủng khiếp như thế? Bà Tư Thành có phải là em của mẹ cô không nhỉ? Bố đem cái chết của mẹ mình ra kể, với ngày về của Tấn cùng một lúc, có phải đẩy mình thoát ly không?. Sư băn khoăn đẩy cô đi xa hơn, đến tận những hình ảnh có thấp thoáng bóng cán bộ Trung Cộng bên chiến hào Điện Biên. Cây cầu thi ca Tràng Tiền bị sập gẫy. Trẻ em đang học bị banh xác vì đạn pháo? Linh tính con gái cho cô thấy trong đôi mắt của bố cô, có lấp ló những tia kỳ bí. . . Còn những người lính Lê dương năm ấy, họ là ngoại nhân cơ mà! Có bao giờ tìm được lòng tử tế của những kẻ ngoại xâm đâu chứ?

Cô nhớ đến một đoạn thư Xuyên viết cho cô , anh nói về những người Mỹ đang chiến đấu bên cạnh anh. . .
. . . “ Anh không bao giờ coi họ là cố vấn, họ, một toán ba người chỉ là những người bạn giúp đơn vị anh xin không, pháo yểm hoặc tản thương. . .
. . . Nhưng sẽ có một ngày nào đó, không xa, những sĩ quan trẻ của quân đội Việt Nam đang chứng tỏ cho người Mỹ biết rằng, sẽ có lúc chúng tôi không cần phải vịn vai ai cả, chúng tôi sẽ chiến đấu với chính sức mạnh được trang bị bằng lòng yêu nước và lý tưởng Quốc gia của chúng tôi!

Cô nhớ tới Xuyên và những hình ảnh hào hùng của anh đang nằm gọn trong trái tim cô, nhưng khi nghĩ đến cái chết của mẹ, cô nhớ đến những lần đi học về, cô đã phải đỏ mắt che nón khi nhìn thấy, bên những chiếc vải lều che tạm, cạnh những chiếc xe làm đường của công binh Mỹ, nhưng thân thể to như hộ pháp đang phủ lên những em bé bán nước mía, bàn đậu phộng rang. . “
Cô đứng bật dậy, viết thư cho Xuyên. Cô vừa viết vừa khóc khi nghĩ rằng đây là lá thư cuối cùng cô viết cho anh. . .
Ngoài hiên bây giờ, trên không, dưới đất, mưa cùng trời vẫn đan dệt những tia chớp loằng ngoằng như đang dăng những sợi chỉ rối vào trong lòng Dung. . .

12.
Ngọc Dung đem lá thư đẫm nước mắt nàng viết cho Xuyên đến nhà Mai, để người bạn thân này có thể chia bớt với cô nỗi khổ đau mà cô biết, với cô thì chỉ mới đây thôi, nhưng với “ Chị ấy, thì ông anh của mình đã làm cho chị ấy héo hon lâu lắm rồi. . .”
Mai không có nhà. Chờ lâu quá, nàng hỏi mẹ Mai:
- Cô có biết con Mai nó đi đâu không?
Tuy thân tình, tuy vẫn luôn luôn coi Dung như “con Mai” của mình, nhưng bà vẫn luôn cảnh giác với chính bà: Dung là con của Tư Thành! Là một người nhập cư, là cán bộ Cộng sản nằm vùng. Là. . . một trong những thủ phạm ( xa hay gần thì vẫn là thủ phạm) đã gây nên cảnh góa bụa, long đong cho bà. . . Mười chín năm trước, sau đám cưới chưa đầy một tháng, bà biết bà có thai cùng lúc với tin chồng bà đã ngã gục trên chiến hào Điện Biên Phủ khi những làn sóng khủng khiếp của cơn sóng dài hồng thủy chồm lên bờ bãi tự do. . .
Bà cay đắng khi biết con bà yêu Quyền, bà còn băn khoăn mãi một nghi vấn trong đầu:
- Tại sao như thế nhỉ? Tại sao hai con người có tâm tính nhân hậu như Quyền và Dung lại có một ông bố vừa quê mùa, vừa Cộng sản thế nhỉ?

Nhưng người mẹ Việt Nam yêu con đến mức lạ kỳ, bà vẫn mong cho cuộc tình của con bà được vuông tròn. Có ai đó ngạc nhiên hỏi bà, sao cứ mang mãi mảnh khăn tang ủ dột cô đơn ?
Những lúc ấy bà phải quay đi để tránh cho người hỏi phải thấy những dòng nước mắt. . .
- Tôi sẽ mang mảnh khăn để tang cho chồng, cho lý tưởng quốc gia của chồng tôi về bên kia thế giới. . .
Tối nay, bà đang cùng Mai tỉa hoa cho buổi chợ mai thì thày Giác Đức đến, rồi Mai chạy lên gác lấy vội những dụng cụ y khoa cô đang học ở trường, vội vã đi theo thày, linh tính mách bảo cho bà biết, có một việc gì hệ trọng lắm. . . .
Bà nói dối:
- Bác không biết nó đi đâu nữa.
Dung bỗng quỳ xuống bên cạnh, nắm tay bà:
- Con đến chào cô, chào Mai. Đêm nay con sẽ đi xa. . .
Rồi Dung bật khóc:
- Con sẽ đi thật xa, mai mãi không bao giờ gặp lại cô nữa.
Mẹ Mai cũng khóc:
- Con đi bình an cho bác gửi lời thăm thằng Quyền. . .

Dung gạt nước mắt, đi như chạy ra khỏi nhà Mai. Mặt trăng bị khuất một nửa trong đám mây đêm . .  Vĩnh biệt Huế, vĩnh biệt anh ! Trăng trên trời vẫn là trăng hò hẹn của ngày nào ! Thế mà anh xa quá đi thôi ! Giờ này, nơi cuối triền mây hút khói kia, anh có biết một nửa vầng trăng khuất này đang tan ra thành từng giọt. . . mặn đắng, chà xát cõi lòng em ?

( Các bà ! Nếu đây là những chi tiết cho một truyện ngắn mà bất cứ một nhà văn hạng xoàng nào như tôi cũng có thể nắm lấy để tròn trĩnh câu chuyện. Họ sẽ tả cảnh trời đất của Huế đang oằn mình, co ro vì những cơn mưa dầm dề. . . Họ sẽ cho Mai đem theo những nổi sung sướng được gặp lại Quyền, được thấy con tim mới toanh của một người chán chường Cộng Sản trở về, Họ sẽ cho Mai chạy thẳng ra bến xe lam để cản Dung lại. . . Họ sẽ cho Mai và Dung hàng ngày lén lút đến trai phòng của thày Giác Đức để chăm sóc cho Quyền. . . Họ sẽ không cho Dung bỏ đi chiến khu nữa. . . Rồi, có khi muốn vuốt ve những trái tim nhân ái của các bà và để thêm thắt vào cho hấp dẫn, Họ sẽ cho Huế chuyển mùa, cho những tia nắng Hạ ươm nóng tình yêu của hai cặp tình nhân ấy, rồi những cành sầu đông sẽ õng ẹo, vươn những cành mềm mại kéo họ về đoàn viên . . . Rồi có khi, họ còn cho cả sông Hương, núi Ngự mềm đi một màu xanh ngan ngát, đầy ắp tiếng âu ca để chúc cho họ nên vợ nên chồng. . . Biết đâu đấy, họ viết văn mà ! Nhưng, tôi không làm thế được ( Và dù cho có muốn làm thế chăng nữa, tôi cũng không có tài để kể lại cho có lớp lang) vì tôi đang viết những chuyện có thật, thật đến nỗi, nếu tôi có viết thêm một chi tiết hư cấu nào, thì tôi có cảm tưởng tôi đang xúc phạm đến những tấm lòng của người trong cuộc. . .
Do vậy tôi sẽ không kể cho các bạn nghe các chi tiết về nội tình của ngôi chùa nổi tiếng, có sư Cả Thích Đôn Hậu cũng nổi tiếng, là người của phía bên kia, nên khi Quyền, cho dù có dặn đi dặn lại thày Giác Đức, thày Cả vẫn biết, thày liền báo ra ngoài mật khu. Trong khi , chính ông Sư trưởng, người ra lệnh thanh toán  đồng chí Quyền vẫn đinh ninh rằng :. . . Thế nào, Rồi đêm nay, nước triều lên sẽ đem nó đi cho quạ mổ nát cái thân phản bội !
Tôi cũng sẽ không kể chi tiết về hình ảnh một cô nữ sinh lặc lè đi vào mật khu tìm anh, rồi lại bị lừa dối rằng anh nàng đi công tác xa. . .
)

13.
Thiếu tá Trần Như Xuyên, Tiểu đoàn trưởng TĐ3/2 có lệnh về trình diện bộ Tư lệnh Sư đoàn I. Trung tá Nguyễn Thanh Nhàn Trưởng phòng 3 nói với anh :
- Thiếu tá chờ một chút nữa, tôi sẽ dẫn lên trình diện Thiếu tướng Tư lệnh.
Xuyên có chút lo lắng, anh thử cố nhớ xem anh hay đơn vị của anh có mắc phải lỗi lầm gì. . . Cho đến khi. . . anh không thể tin vào con mắt của anh khi thấy Quyền bằng xương bằng thịt đang ngồi cạnh Tư lệnh. Giá không có ông Tướng, có lẽ anh đã chạy đến ôm lấy người bạn mà anh nghĩ sẽ không có bao giờ gặp lại, họa chăng là gặp nhau ngoài trận tuyến thù địch.
Thiếu tướng cười :
- Thân nhau lắm phải không ? Thôi ta đi vào vấn đề. . . Trước tiên, tôi xin thay mặt những chiến sĩ Cộng Hòa chào đón anh Quyền đã quay trở về với chính nghĩa Quốc gia. . .
Trong lúc ông Tướng nói. . . Xuyên và Quyền lâu lâu lại nheo mắt nhìn nhau. . . Thấy thế, ông Tướng an tâm vì ông chắc chắn rằng, chỉ có những người bạn nối chí thân mới có những ánh mắt như thế!
Rồi ông Tướng sai Trung tá Nhàn đưa Quyền xuống câu lạc bộ Sư đoàn “ uống bia Tự do”. Còn Xuyên theo ông Tướng vào phòng hành quân. . .
Xong, ông Tướng tiễn chân Xuyên và Quyền ra tận thềm rồi cười đùa :
- Ngộ cố tri là một trong tứ khoái của anh hùng hào kiệt, các cậu về hàn huyên với nhau, À mà, Xuyên này, đã lâu cậu không đi phép. cho cậu về thăm nhà, cho tôi gửi lời cám ơn thày Giác Đức nghe. . . Rồi phòng Ba sẽ gửi lệnh hành quân chi tiết cho.
Lệnh hành quân cấp sư đoàn trừ với hai trung đoàn 1 và 3 cùng thiết đoàn I kỵ binh sẽ tấn công chớp nhoáng vào mật khu An Lão, nơi có Công trường X.23 Bắc Việt đang hoạt động, theo lời khai tỉ mỉ của Quyền. . .
Nhưng khi Quyền và Xuyên quàng vai nhau mang tất cả niềm vui lẫn nỗi buồn của họ đi khỏi, thì Trung tá Nhàn ngạc nhiên hỏi ông Tư lệnh :
- Trình Thiếu tướng, trước đây, trong kế hoạch, Zone1 là chỗ đổ quân của thằng 1 và cả “ gia đình” trừ, sao bây giờ lại khác hẳn như thế này ?
Ông Tướng trầm ngâm :
- Tôi không tin. . .
Trung tá Nhàn băn khoăn:
- Thiếu tướng không tin anh chàng chiêu hồi này thì đã đành, chẳng lẽ Thiếu tướng không tin cả Xuyên, một Tiểu đoàn trưởng xuất sắc của Sư đoàn mình nữa hay sao ?
- Tôi tin Xuyên, tôi tin cả Quyền nữa chứ! Nhưng tôi không tin ông sư trụ trì Thích Đôn Hậu. . . Thôi cậu cứ thế mà làm, nhớ đấy, cậu cho ngày N sớm hơn hai ngày nữa nhé. . .

14.
Viên Chính Ủy chỉ vào sa bàn :
- Theo nguồn tin cuối cùng của cơ sở Z.18 và Z.12 vừa gửi ra, tôi khẳng định với các đồng chí là bọn địch sẽ tấn công căn cứ của ta theo lời khai và chỉ vẽ tường tận của tên phản bội Hồng Quyền. . .
Sư trưởng giật mình :
- Tổ bắn sẻ của ta đã khai tử tên ấy rồi mà?
Chính ủy nghiêm nét mặt :
- Vì bảo mật cho nên tôi đã không cho kiểm điểm các đồng chí về vụ việc này. Để sau trận đánh, đồng chí tiến hành tìm cho ra khuyết điểm, trong đó có cả sự thiếu cảnh giác của chính đồng chí nữa. . .
Ông lại chỉ xuống cái sa bàn :
- Tên Hồng Quyền ở căn cứ này rất lâu, nó tất biết phía đông căn cứ này là một khu vực sình lầy không thể đổ quân được. . Khu vực phía tây này, địch sẽ chọn làm nơi đổ quân đây, và đây là tuyến phòng thủ chính của ta, đồng chí cũng cho bố trí sơn pháo và phòng không tại các cao điểm này. . .
Sư trưởng băn khoăn :
- Ta bỏ trống khu vực sườn phía đông ?
- Đúng, phía ấy không cần, cứ bỏ trống cho tôi.
Chính ủy cười đắc thắng:
- Tôi biết ngày quân địch nạp mạng sẽ không còn bao lâu nữa đâu!
Rồi ông ta cười khúc khúc nói đủ để chỉ một mình sư trưởng nghe thấy :
- Ai đời nào ra hồi chánh, đưa đường dẫn lối cho địch đánh lại cách mạng lại dung dăng dung dẻ ở nơi nhĩ mục quan chiêm như thế. Chỉ có bọn Ngụy mới nghe theo có cái đầu dốt nát như thế mà thôi. . .
Rồi khuôn mặt ông ta bỗng lạnh tanh :
- Từ nay cho đến khi có lệnh của Phòng chính trị, không một đồng chí nào được cử đi công tác, kể cả các đồng chí giao liên.
Họp xong, Chính ủy đi theo triền suối, ông ta đi nhanh đến một căn láng nhỏ của tổ bắn sẻ. . .

15.
Mai chăm chú ngồi nghe tin chiến sự :
. . . "Theo tin tình báo chiêu hồi, một cuộc hành quân chớp nhoáng cấp Sư đoàn đã được tổ chức dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Ng.Q. Tr. Từ sáng sớm, các phi tuần B52 đã trải những thảm bom xuống vùng đồi núi phía Tây, trong khi các đơn vị bô binh của ta đã ào ạt đổ quân xuống phía Đông của mật khu An Lão, nới tình nghi có sự hiện diện của công trường X. 23 Bắc Việt.
Tin sơ khởi cho biết, quân ta đã hoàn toàn làm chủ mật khu, bắt sống được tên Chính ủy và nhiều cán bộ việt cộng cao cấp, cùng tịch thu nhiều vũ khí cùng quân trang, quân dụng của địch.
Phía ta tổn thất rất nhẹ. . . Riêng người cán binh chiêu hồi, người góp phần không nhỏ vào chiến thắng lừng danh này, vào phút chót đã bị bắn sẻ, trên đường tản thương, anh đã trút hơi thở cuối cùng.
.."
Mai thảng thốt :
- Trời ơi !
Toàn thân cô tê dại, cô gục đầu xuống bàn nức nở. . .
Những giọt mưa tí tách ngài hiên như những giọt nước mắt tích tụ từ bao ngày đang trào ra khóe mắt cô. . . “ Tội nghiệp anh, Quyền ơi ! Với chừng ấy sự mất mát, hi sinh. Chừng ấy khổ đau chua sót, người Quốc gia có thể đổi lấy được chiến công, thậm chí có thể làm anh hùng. Còn anh, anh được trả công bằng những viên đạn bắn sẻ. . . Vĩnh biệt anh, Quyền ơi, Mới đây thôi, em đã tưởng anh trở về để mang cho em hạnh phúc của một người chinh phụ, nhưng không ngờ anh về để chít cho em vành khăn tang tàn nhẫn như thế này. . . Anh ơi, em sẽ để tang anh, mãi mãi, như mảnh khăn đã nhuộm trắng tóc đời của mẹ. . .”

16.
Ngay ngày hôm sau, các tờ báo lớn ở Sài Gòn đều đăng bài phóng sự của cuộc chiến thắng An Lão. Phần đầu bài báo của phóng viên quân đội D. Ph. có tiêu đề :  Một cuộc đấu trí :
. . . Chưa bao giờ Xuyên thấy lòng anh náo nức như lần xuất phát kỳ này, cũng chưa bao giờ anh thấy thời gian sao mà chậm chạp như thế. Ngồi bên cạnh anh là Quyền trong một bộ đồ lính Cộng hòa còn thơm mùi vải mới. Anh náo nức nhưng anh lo ngại. . . “ Lậy trời cho Dung của con, đừng có mặt trong căn cứ này. . .” Những chiếc trực thăng võ trang đang lao vút qua bên cạnh chiếc máy bay chở quân của anh, dũng mãnh như những con trăn nước. . .
Anh dặn đi dặn lại các Đại đội trưởng : Bãi đáp là một vùng sình lầy cho nên trực thăng không đáp xuống được. Khi vừa tầm, phải nhanh chóng nhẩy xuống, nhớ nhắc anh em kiểm soát giây ba chạc, dùng dây thun cột kíp hỏa của lưu đạn lại. . .
Như những con chim ưng bắt mồi, cả đoàn trực thăng hơn ba chục chiếc, chia làm hai đợt sà xuống, trong khi những phi tuần F16 thi nhau trút bom xuống những đồi núi quanh đấy.

Căn cứ của địch cách chỗ đổ quân này cũng còn hơn 400 mét đang bùng cháy, tre nứa nổ bôm bốp cho người ta có cảm tưởng cả một thung lũng này đang hực hực, vàng rực chói lòa trong nắng. . .
Quyền chỉ cho Xuyên.
- Qua dẻo núi này là bộ chỉ huy của chúng nó. Nhưng, sao không thấy lực lượng địch bắn trả. Rồi Quyền cười ngất :
- Hóa ra những “ đồng chí”của tôi đã đánh giá nhầm hướng tấn công của các bạn rồi, Xuyên ạ!
Cũng có những phản ứng yếu ớt từ những hốc đá, nhưng tiếng súng tấn công đã ròn rã đều khắp hướng về những bóng địch đang chạy ùa ra khỏi những căn nhà có những cành lá cây ngụy trang. . .
. . . Quyền cùng Xuyên chạy đến đám tù binh, trong đó có Ngọc Dung đang tròn mắt kinh ngạc khi cô nhìn thấy anh mình đang nắm tay Xuyên. Cô bỗng hiểu ra tất cả! Hai anh em ôm chầm lấy nhau thì một viên đạn chát tai từ một hốc đá gần đó vang lên. . . Quyền rũ xuống như một sợi bún. . . Xuyên kéo giật Dung về phía anh. . . Viên đạt thứ hai khét lẹt, Anh đẩy Dung về chỗ có một tảng đá. . . Rồi anh chỉ tay, nói như hét :
- Bắn sẻ từ hốc đá kia kìa!
Những trái đạn M79 và nhưng tràng M.16 vãi như mưa vào nơi phát xuất lằn đạn bắn lén ấy, nhưng khi Xuyên chạy lại phía Dung thì đúng lúc một tiếng súng khác lại xé gió bay tới. . . Dung chới với, hai tay xoải ra, quờ quạng như cố gắng hái nốt cái khổ đau trần thế. . . Rồi cô từ từ khụy xuống, mặt cô trắng như sáp, bên khóe miệng hằn lên nét đau đớn :
- Hôn em đi Xuyên ơi, Vĩnh biệt anh. . .
Xuyên thấy mắt mình mờ đi, một bức tường dầy toàn khói là khói đang run rẩy, lững lờ di động trước mặt anh.

17.

LỜI NGƯỜI VIẾT.
( Có một chi tiết có thể tôi sẽ bị các văn sĩ nhà nghề chê tôi là giông dài, đơm đặt. Họ sẽ chê tôi viết không chắc tay khi chỉ xăm xăm tìm cách  giải quyết  các nhân vật mà nới lỏng cái phần bố cục. Kệ họ, tôi phải kể thêm một chi tiết này, mà chỉ mới đây thôi. . .)

Tôi tình cờ gặp lại nhà sư ở một ngôi chùa Việt Nam phía nam thành phố Los Angeles.
Tôi chắp tay ngờ ngợỳ :
- Bạch Thày !
Thày khom người xuống, ngước mắt nhìn tôi rồi đứng thẳng lên vỗ tay vào trán :
- Trông quen quá. Ở Quân đoàn I phải không ?
- Có phải thày Giác Đức đấy không ?
Vài tín hữu người Việt ngạc nhiên nhìn chúng tôi ôm nhau. Tôi nhìn ngôi chùa nghèo, bổ bã :
- Ở Mỹ, có ngôi chùa, có cái  job  như thày thế này, khỏi lo bị  lay-off .
Thày kéo tôi vào hậu viên, có hòn non bộ cao to, có hòn phụ như cái mỏm núi An Lão, có hòn tử không khác gì núi Ngự Bình, có khúc quanh che phủ bởi một gốc si già như một khúc quặn mình của giòng Hương Giang dâu bể. Có chiếc cầu xám nghoét vắt ngang. . .
Thế nào tôi cũng phải hỏi thày về một người ? Tôi loay hoay mãi mới mở miệng :
- Tôi có một người bạn thân, thày có biết anh Trần Như Xuyên thuộc Sư đoàn 1 ?
Thày chăm chăm nhìn tôi, ánh mắt xa xăm như đang trên con đường tìm về một ký ức xa thẳm :
- Ông biết đến đoạn nào rồi ?
( Ôi ! Lúc này thì tôi mới được khải ngộ : Hóa ra ở trong mỗi đoạn đời của người Việt Nam, hơn nữa, là một người lính trận, tất cả đều là cảnh ngộ trong những trang tiểu thuyết đầy nước mắt. . .)
- Tôi chỉ biết đến mặt trận An Lão, là hết. . .
- Thế thì tôi xin kể từ đầu, cái gốc gác của y cho anh được biết luôn. . . Tư Thành, gã leo dừa. . . Sau khi Cộng sản về, hắn leo luôn lên chức Chủ tịch xã, hắn tổ chức đấu tố đến chết cả cha lẫn mẹ của Quyền và Dung, rồi Tổ chức  ép em gái nạn nhân lấy hắn. Cho hắn nuôi hai em bé này đến lớn, từ từ bịa ra cả một gia phả  đầy oán thù để đẩy hai anh em Quyền vào sự hồ nghi, mù quáng. . . Sau cái chết của Quyền và Dung, bà Tư Thành bỏ đi biệt tích. Sau đó một thời gian, có người quả quyết thấy bà ở đang làm công quả ở một ngôi chùa ở tận Châu Đốc. Còn Tư Thành bây giờ chính là Nguyễn Văn Chí, bí thư Thành ủy Thành phố Huế kia đấy !

Tôi mím môi thấy có vị mặn chát :
- Chuyện ấy, tôi có biết loáng thoáng. . . Còn Xuyên, còn Mai sau đó nổi trôi đến đâu ?
Có tiếng chim hót trên cây mận đang nở hoa trắng cành.
Thày Giác Đức đi vào trai phòng rồi tất tưởi đi ra, tay cầm tấm hình. . .
- Họ trôi về đây này !
Tôi run run, tim tôi rộn lên khi nhận ngay ra một cụ bà. . . Ồ ! Còn hai người tôi muốn biết là Mai và Xuyên thì mỗi người đang bế một đứa bé. . . Xa xa là hình chiếc cầu Golden Gate có lấp lánh ráng chiều như còn đọng một nỗi nhớ mênh mông. . . Chỉ có hai đứa bé là cười toe tuyét, còn ba người lớn có vẻ trầm mặc, riêng Mai, cùng cụ bà, chắc chắn là mẹ của Mai, bên trong mái tóc xõa, vẩn ẩn hiện vành khăn tang mầu đen đau đáu, xe xiết hai mảnh đời chinh phụ. . .
Tôi cúi xuống lấy cây cầu giả của đoạn sông có cây si già, đặt lui xuống phía hạ lưu.
Tôi nghèn nghẹn:
- Tôi nghĩ, đặt chiếc cầu ở đây mới đắc địa, thày ạ. . .

NGUYỄN TRỌNG HOÀN.

HNPD

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn