Đám đông cô đơn

Thứ Tư, 15 Tháng Giêng 20209:38 CH(Xem: 4802)
Đám đông cô đơn

Hôm trước, tôi xem một phim của Mỹ, tôi không nhớ tên phim mà cũng không nhớ được tên diễn viên, chỉ có một chi tiết làm tôi suy ngẫm:

Anh chàng trong phim trải qua rất nhiều chuyện: vợ bỏ vì chàng bị ám ảnh với các vụ án giết người mà anh ta không phá được. Kẻ đánh bom giết người hết lần này tới lần khác thách thức và giết cả những người đồng sự rất thân của chàng mà chàng luôn tới trễ, đi sau nên không bắt được hắn. Sự ám ảnh, sự hận thù, sự tuyệt vọng trong trả thù làm chàng kiệt sức. Chàng uống say, ngâm người trong bồn tắm ở hiên, kê súng vào đầu định bắn thì vợ cũ ghé qua thăm. Nhìn bộ dạng của chàng, nàng hiểu ngay và bảo, “Anh không ổn. Anh có quyền nói mình không ổn.”

“Tôi ổn”, đó là một câu nói mà ta thường nghe từ nhiều người khi ta hỏi thăm họ. Tôi cũng thường nói, bất kể là lúc đó có ổn thực sự hay không.

Con người thường khoe niềm vui, khoe thành công, khoe cái mà mình hãnh diện, tự hào chứ ít ai bày tỏ nỗi buồn, cái đau và sự thất bại của bản thân. Tại sao? Họ sợ sự phán xét.

Chúng ta, những con người bình thường, chẳng phải là chuyên gia tâm lý, nhưng rất hay đi khuyên người khác và hay nhận xét hành vi để phán xét tư cách của cả một con người. Chúng ta phán xét người khác, người khác phán xét chúng ta, quay vòng như trò chơi xếp hàng vòng tròn đứa này đập vào lưng đứa kế, mình đập người và bị người đập.

Ở một xã hội mà sự thấu hiểu, sẻ chia trong tình yêu thương bị mai một, niềm tin cạn, thì nó làm cho chúng ta không biết được đâu thật đâu giả và nghi ngờ mọi sự, cảnh giác với mọi người và luôn trong tâm lý phòng vệ.

Điều này làm chúng ta sợ. Vì sợ nên chúng ta nói dối để che giấu những gì đang thực sự diễn ra với mình bởi không muốn bị đứa khác đập vào lưng. Nhưng cái cảm giác được đập vào lưng đứa khác là một cảm giác rất đã và đầy cám dỗ, sự cám dỗ vô thức làm cho chúng ta đi soi để tìm ra các yếu điểm của đứa khác để có cơ hội là đập nó một cái. Ồ, nghe chừng xấu xa dữ vậy? Bản chất của con người trong một xã hội rối loạn, mất niềm tin nó như vậy mà. Cứ chối bỏ, phủ nhận, biện minh tùy thích nhưng sự thật vẫn là sự thật: chúng ta có một niềm vui thích bệnh hoạn khi thấy đứa khác thất bại, đau khổ! Và dù nói ra hay không thì ta biết đứa khác cũng thích thú không kém khi nó thấy ta thất bại. Và thế là ta luôn mồm bảo “Tôi ổn” trong tâm lý phòng vệ.

Bản chất con người là luôn hướng thiện. Cho dù trong cuộc đời họ vì tham, vì cám dỗ, vì bất kỳ cái gì mà có hành vi sai, thì họ vẫn có sự hướng thiện trong bản chất. Cái bản chất hướng thiện này làm cho họ phải tìm ra các cách để biện minh cho việc làm sai. Họ thường lấy mục đích mà họ cho là (nghĩ là) cao đẹp để biện minh cho việc họ làm sai, bậy. Cũng chính bản chất hướng thiện này làm cho con người muốn được sẻ chia, tâm sự, nói thật, được sống là chính mình, được nói tất cả những gì mình muốn nói, được khen ngợi, được động viên, được khuyến khích và được yêu thương.

Tôi thường cố gắng không nhận xét vài hành vi, lời nói để phán xét một con người vì tôi muốn chạm vào bản chất hướng thiện trong tôi và trong họ. Chạm được hay không chưa biết, nhưng ít ra là tôi đã cố.

Trước đây, tôi có một bài viết “Học cách yêu thương” để nói qua về vấn đề này. Yêu thương đúng cách, chia sẻ đúng cách và có hiểu biết, đừng để cho con quỷ trong mỗi chúng ta cám dỗ chúng ta hả hê trước nỗi đau của đứa khác bởi nó làm mất niềm tin một cách nhanh chóng, hủy diệt tình yêu thương và rồi chính chúng ta cũng là nạn nhân của nó. Chúng ta sẽ là một đám đông cô đơn vô cùng vô tận.

Tôi có bệnh trong người. Ít người biết. Trong những người biết thỉnh thoảng hỏi thăm, tôi vẫn thường nói, “Em ổn” một cách phòng vệ. Tôi rúc một mình vào nơi vắng vẻ và cho dù đau đớn cũng chẳng kêu rên, không than thở, không than khó than khổ. Cho đến một ngày, tôi xem bộ phim trên và nhận ra tôi có quyền nói, “Tôi không hề ổn.” Mặc kệ ai nghĩ gì, mình nói được câu “tôi không hề ổn” là được nói thật với chính mình rồi. Và khi tôi giận dữ quát vào mặt người khuyên tôi phải mạnh mẽ lên, “Mạnh cái gì!” thì đó chính là lúc tôi sống thật nhất với cảm xúc của mình. Chúng ta vì kém hiểu biết về tâm lý con người nên thường khuyên và trong vô thức vô hình chung tước đoạt của người khác và chính mình cái quyền được có thể yếu đuối, đau khổ, sụy sụp, chia sẻ và do đó buộc họ phải nói dối để vừa lòng mình.

Chúng ta cũng trốn tránh nỗi đau bằng những lời nói dối. Tôi ví dụ, anh A rất yêu thương tôi, khi biết tôi khỏe và thành công thì anh vui, khi biết tôi không khỏe và thất bại hoặc sắp chết thì anh buồn và không biết làm gì. Vì không biết làm gì, vì nỗi đau mất mát hoặc vấn đề quá lớn so với sức chịu đựng và giải quyết của anh nên tâm lý chối bỏ trong anh liền buộc anh phải phủ nhận bằng một cách nào đó, anh sẽ không muốn nghe sự thật là tôi không ổn. Là một người có hiểu biết về tâm lý, tôi thoáng nhìn hoặc nghe là biết ngay người mà mình tiếp xúc có thể chấp nhận sự thật được bao nhiêu phần trăm và theo đó mà tôi sẽ nói thật hoặc nói dối. Và tôi phải nói dối thường xuyên, nhiều để làm vừa lòng người khác, tạo cho họ một sự an tâm giả tạo dù cả tôi và họ đều biết tỏng sự thật là gì, chỉ có điều không chấp nhận mà thôi.

Con người ngày càng sinh sôi, quả đất ngày càng chật, đồng loại ngày càng nhung nhúc nhưng chúng ta lại cô đơn hơn bao giờ hết chỉ vì chúng ta không biết cách yêu thương và để cho con quỷ trong mỗi chúng ta phán xét quá nhiều mà bỏ qua sự thấu hiểu, sẻ chia đúng cách.

Bạn thử đi, khi không ổn mà có người hỏi thăm thì cứ trả lời, “Em chẳng ổn đâu!” Cảm giác đã hơn khi phải nói dối nhiều lắm. Đừng sợ sự phán xét, kệ lời phán xét đi, sống thật cái đã rồi khi người ta thấy mình dám sống thật họ sẽ dần dần hiểu ra họ cũng thích sống thật, nói thật vì đó là điều đúng đắn để xây dựng lại niềm tin và tình yêu thương trong xã hội này.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn