Tình Như Bóng Bay

Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 201811:10 SA(Xem: 6470)
Tình Như Bóng Bay
Tranh của LÊ KÝ THƯƠNG trong bộ sưu tập của tác giả

bongbongTranh của LÊ KÝ THƯƠNG trong bộ sưu tập của tác giả

Tôi đang cố tình quên anh, vì để làm được điều này tôi nhất định tạm ngưng không gửi bài đến tờ báo do anh phụ trách hoặc giở đọc những trang báo có bài viết của anh. Có lẽ với suy nghĩ đơn giản, tôi biết, chỉ cần nhìn thoáng thấy giòng chữ hay tên của anh là tất cả sẽ phục hồi, tất cả sẽ y như cũ và một lần nữa, tôi, sẽ khổ sở trong sự bắt buộc phải chọn lựa – Hoặc anh, hoặc đời sống của tôi lâu nay – Khổ thay, đời sống của anh, đời sống của tôi – cả hai đã mọc rễ trong hoàn cảnh cố định từ lâu rồi và, nếu chọn nhau, chúng tôi liệu có đủ nhẫn nại để kéo dài sự chịu đựng giằng co của tình lý? Đó là chưa nói đến sự phán xét nghiêm khắc của những người chung quanh? Và, liệu chúng tôi có yêu nhau đủ, để, có thể đương đầu với vô số hệ lụy chung quanh?
Trong khi tôi đang hài lòng về quyết định độc đoán của mình thì bỗng dưng sáng nay, tôi nhận một bài viết mới nhất của Nguyễn Xuân Thiệp về quán Café Trieste ở San Francisco xa tít nơi góc bờ Tây nước Mỹ do một người bạn chuyển tới khiến trong lòng tôi lại sóng sánh một nỗi buồn, và tâm trạng này vừa đủ để đánh thức nỗi quên lãng tưởng đã ngủ yên, vừa đủ cho tôi bỗng bàng hoàng sợ hãi nhận ra những hồi ức đẹp về anh tưởng tôi đã vùi lấp được rồi lại ào ạt tràn về… Tự nhiên, ngực tôi thắt lại với một nỗi bất an đột ngột, ngỡ ngàng khi nhận ra một sự thật mà suốt năm nay tôi thực hiện để quên anh, nhưng, sự kết thúc đó chỉ là vẽ vời cho một ảo tưởng mà thôi.
Chuyện của chúng tôi cũng thường tình và kéo dài đã hơn mấy mươi năm. Cuộc tình lén lút nhiều lần tưởng chừng đã vào quá khứ, vì, chúng tôi có khi thân nhau, thân nhau nồng nàn, có lúc rời rạc, không ít lần đứt khúc, rồi gặp lại rồi mất hút cho đến khi cả hai không là của nhau… Tuy nhiên, mỗi lần gặp bất trắc, gặp muộn phiền là tôi men đến anh – như một chỗ dựa tin cậy vì biết anh một mực rất thương tôi. Có lẻ, trên đời này, nếu có người nào đó thầm yêu tôi với một tình cảm say đắm, hoặc có người nào đó đã yêu tôi trong cách yêu thật liều lĩnh kể cả bất chấp nhưng đến khi tình không thành là tan, là hết, là xong một cuộc tình… Cuối cùng, tôi nghiệm ra – chung thủy với duy nhất một bóng hình suốt hơn mấy mươi năm thì không ai hơn anh! Dù rằng, từ đầu hình như tôi chẳng hứa hẹn điều gì với anh, thậm chí anh không cần điều này hay cần bất cứ điều gì từ phía tôi, anh chỉ nói “Anh yêu em rồi, nên không còn yêu ai được nữa…” …. Những lời chí thiết như thế nhưng tôi cứ lay lắt chỉ muốn buông tay, thả tình cho gió, thả tình cho tình bay vì sợ không chịu nỗi những áp lực vô hình quá lớn.
Tôi thay quần Jeans bạc thếch rách ống, áo sơ mi và ra đường. Tôi có ý muốn khuây khỏa bằng một cuộc đi dạo, và tôi cứ như thuận theo tiếng bước chân dẫn dụ của mình. Bước chân nhẹ tênh, người tôi như bị hút trống, lung lay như một cánh lá mềm. Trời trên đầu buông những chùm nắng chói loà của một mùa hè lộng lẫy khiến tôi thầm hài lòng trong bầu không khí ấm áp hiếm hoi trên con đường có nhiều mảng hoa Tulip đã nở bung từng cánh. Tôi tạt vào quán cà phê quen đến phía quầy chờ đợi mua cho mình ly cà phê rồi bưng ra ngồi thoải mái trong chiếc ghế sắt có nệm đặt dọc theo mái hiên. Tôi ngồi một mình, nhấm nháp ly cà phê lâu lâu lơ đãng ngửng nhìn như chờ đợi mà có chờ đợi ai đâu, có khi cắm cúi săm soi những giọt nước đóng lăn tăn ngoài thành ly mà đầu óc rưng rưng nhớ đến khoảng ngày tháng này năm ngoái anh nhắn “Về nghe em, chúng mình phải đến Givral trước khi người ta đập bỏ nó” Tâm trạng của anh giống như của nhiều người yêu Saigon khác, muốn bảo tồn nơi chốn – kỷ niệm “Xưa vốn thế – nay vẫn thế…” nên đtq đã có lần tức tối: “Ôi, hãy tưởng tượng một người Paris một buổi sáng ra phố, bỗng thấy ở cái chỗ bao nhiêu năm là nơi có cái bảng hiệu Café des Deux Magots, hay Café de Flore, nay chỉ là những đống gạch vụn, để rồi sau đó thấy dựng lên một thứ Mỹ không ra Mỹ, Tàu không ra Tàu, Ấn Độ không ra Ấn Độ…”
Có lần, để an ủi, tôi hẹn “Khi nào qua thăm, em sẽ đưa anh đến cà phê Trieste, viếng lại San Francisco nơi hơn 30 năm trước anh đã từng ghé qua và hiện nay nơi đây vẫn còn giữ quá khứ, hiện tại trong một khúc đường ẩn chứa nhiều điều thú vị”
Anh là một nhà văn đã gắn bó với chữ nghĩa từ rất sớm, lại là nhà văn Quân Đội, nên tôi tuy không thể mường tượng hết những năm tháng “đầy thất kinh lận đận” của những nhà văn còn kẹt lại sau năm 1975 ra sao, nhưng tôi biết họ và anh khốn khó trăm bề, khốn khổ trăm đường, vì vậy được làm người thật thân hiếm hoi của anh, được anh cho xem hàng trăm bài viết ngắn, dài về cuộc đời được giấu kín đâu đó mới thấy được sự mê say miệt mài viết của anh là điều gì đó rất mãnh liệt thầm kín và mới cảm nhận sức phấn đấu của anh mới thật là dễ sợ, thật đáng phục. Anh là một nhà văn lững thững đi gần tận cuối cùng trên văn đàn. Anh chọn thái độ sống một mình, tránh né hết thảy mọi đàn đúm bè phái xu nịnh. Đối với bạn cùng tâm ý anh hết lòng hết mực, mặc dù nhìn bên ngoài người ta thấy anh với dáng cao khều gầy nhom và vẻ xương xẩu lúc nào cũng phớt lờ một cách điềm đạm. Đối với tôi, anh cũng ít khi nào tỏ bày bằng lời, anh chỉ lặng lẽ nhìn tôi bằng cái nhìn lơ đãng như thăm thẳm thương yêu. Tôi nhớ, ngày đầu, chỉ một ánh nhìn thôi, tôi cũng đủ ngất ngây với nỗi rung động thanh khiết đầu đời. Mỗi cái nhìn sau đó gặp nhau cũng đủ cho tôi sống trọn vẹn những khắc giây đắm đuối của một kiếp đàn bà.
Qua ánh mắt đó, tôi biết chắc chắn trong đáy sâu trái tim anh lúc nào cũng cất giữ những góc ký ức của chúng tôi cho riêng mình và sẽ mang nó về nơi thiên cổ cùng anh.
Khi gặp lại nhau lần vừa rồi sau mười mấy năm (tôi không nhớ là lần thứ mấy) anh chưa bao giờ nói về những chuyện riêng của gia đình, nhưng tôi mơ hồ thấy anh có vẻ như dè dặt và thu nhỏ đời sống mình lại. Tôi cảm thấy hình như anh đang sống trong một cái lưới, với một không khí tức thở ngột ngạt, nhưng anh vẫn không muốn cựa quậy – hoặc để thoát ra – có lẽ anh tự tin là người biết chịu đựng, có lẽ anh tự biết dù gì đi nữa cũng phải hoàn tất những trách nhiệm của mình… Chính vì thế, anh làm việc thật nhiều để lấp trống những nỗi muộn phiền, cũng như đang tận dụng từng năm tháng ngắn ngủi của sự sống để làm nốt những việc còn lại…
Tôi uống hết ngụm cà phê cuối cùng và cảm thấy mùi vị đăng đắng thấm sâu trên đầu lưỡi và tự hỏi “Có nên báo cho anh biết tôi vừa xong thủ tục ly dị?“

thụyvi
(Hầm Nắng, 17 tháng 3 năm 2017)
http://nguoivietboston.com/?p=36955

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 20187:00 CH
Vốn là người miền Trung, lúc tuổi còn ấu thơ mãi vui đùa với bạn bè trong xóm nên khi bắt đầu vào bậc trung học đệ nhất cấp tôi mới lưu ý đến thành phố Sài Gòn,
Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 201810:00 SA
Gõ một mạch, viết đến đâu nước mắt lăn dài đến đó. Xót ông bà ngoại, thương phận mẹ, và tủi cho kiếp mình. Tôi viết để tự nhắc nhở mình phải nhớ lấy lời mẹ dạy
Thứ Hai, 08 Tháng Giêng 20184:45 CH
(HNPD)Ai ngờ tờ báo Anh Ngữ có tên ASIA này là cơ quan truyền thông cuả Cộng Đồng dân Á Châu tại thành phố biển êm đẹp, hiền hoà San Diego cuả tôi.
Thứ Ba, 02 Tháng Giêng 201810:14 SA
(HNPD) Chúng tôi ba đứa đồng tuế ở lứa tuổi 28 năm 1963, độc thân vui tính, cùng phục vụ tại Trung Đoàn 33 Bộ Binh, thân quý nhau như ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (Les Trois Mousquetaires).
Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 20179:13 SA
(HNPD) Sang định cư ở Mỹ, tại San Diego, Nam California theo diện H.O. 10, năm 1992, gia đình tôi khá đông người, đi được gần hết, chỉ trừ người con trai lớn có gia đình, phải ở lại Việt Nam, đợi gia đình bảo lãnh khi đủ điều kiện.
Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai 20179:00 CH
Charles Jenkins, binh sĩ Mỹ trốn sang Triều Tiên, đã qua đời tại quê vợ ở Nhật Bản vì bệnh tim hôm 11-12, ở tuổi 77.
Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 201711:00 SA
Tháng Chín 1954, ngôi nhà rộng lớn của nội trở nên trống vắng. Chị vú về quê trên làng Lộc Đại, khách khứa không còn lai vãng, và vườn rau bỏ phế không ai chăm sóc. Cậu Há và thầy Trình đã đưa gia đình di cư vào Nam
Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai 201712:10 SA
(HNPD) Bây giờ hồi tưởng lại, 42 năm viễn xứ, của người Việt tha hương tỵ nạn cộng sản qua mốc thời gian xa xưa, từ năm 1975. Và cá nhân tôi lại xa Sài Gòn lần thứ 3 từ năm 1993 đến nay (2017),...
Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai 20173:53 SA
Đoạn đường từ Pleiku lên Kon Tum khá giống con đường dẫn lên đỉnh trời, liên tục có những bầu trời bị bỏ rơi lại sau lưng và những bầu trời mới liên tục xuất hiện với những khoang trời rộng,
Thứ Năm, 14 Tháng Mười Hai 20174:00 CH
Mới đây tôi đổi bức ảnh trên FB. Hai người bạn của tôi trong phần comments có nhắc đến chuyện “ Củ khoai Yên Bái “ và những ngày gian nan tù tội của tôi ở Bù Đăng . Năm 2006 những bạn bè cũ còn sống sót của Y khoa