MỘT TRỜI MỘT BIỂN: THẤP THOÁNG HƯƠNG XUÂN – Nguyễn Tấn Hưng

Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một 20197:28 CH(Xem: 3846)
MỘT TRỜI MỘT BIỂN: THẤP THOÁNG HƯƠNG XUÂN – Nguyễn Tấn Hưng

Nguyễn Tấn Hưng

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2019/09/bia_mottroimotbien-1.jpg?w=390&h=669&zoom=2

Từ ngày dời lên khu Nguyễn Tri Phương gần bên giếng nước lớn, nhường chỗ cho chợ Hàng Bông, bến xe Mỹ Tho đã có một bộ mặt khang trang, sạch sẽ hơn. Rộng rãi nữa, đủ chỗ cho tất cả mọi thứ xe: xe đò, xe lô, và xe cà tàng chạy về các làng xã, thôn ấp xung quanh thành phố. Mát mẻ lắm, vì phía sau lưng kia là dòng sông Bảo Định, vẽ gọn một vòng đai bao bọc thiên nhiên. Nhiều chiếc ghe lớn chở đầy hàng hóa không thèm cặp bến Trưng Trắc, Cầu Quay, chạy tuốt lên đây, dở hàng ngay tại bờ sông cho đám xe thùng, vận tải đường bộ. Thật là tiện lợi. Dãy phòng ngủ năm bảy từng của thầu khoán Trương văn Phát vừa mới xây cất nằm bên hông ngó ra càng thêm vẻ tân tiến, văn minh.

Quang cảnh bến xe mới bây giờ lại càng rộn rịp hơn vì đang mùa Tết. Đây đó người ta thấy nhiều đụn dưa hấu xanh um, chất cao theo hình kim tự tháp. Những cành hoa mai nở rộ hoặc đương hàm tiếu được ràng dây xung quanh, dựng bán dọc theo những băng ghế ngồi chờ xe. Và phía trong cùng, dọc bờ sông, những chậu bông cúc, thược dược, ớt kiểng, vạn thọ được sắp đầy trên cỏ. Cơn gió Tết dịu dàng thổi qua, bỗng dưng, nghe thoang thoảng hương hoa.

Người đi xa, kẻ trở về có lẽ nhiều hơn mọi bữa, Tần cảm thấy như vậy! Có thể chàng bị ảnh hưởng tâm lý vì lâu lắm rồi, cũng đến gần cả năm qua, chàng mới được nhìn lại khung trời tỉnh lẻ thân yêu. Nhờ vào dịp có mấy ngày phép về quê ăn Tết, ba ngày lễ thiêng liêng, cao quí của dân tộc Việt Nam, những ngày của vui chơi, hội hè, đình đám, thay cho chém giết, hận thù. Trong bầu không khí mơn man, êm đềm một năm mới có một lần này, thử hỏi ai mà không muốn thả xuôi lòng mình vào niềm thanh thản an bình?

Tần không phải là dân thành phố. Nhà chàng ở làng Bình Đức, từ phía chợ Vòng Nhỏ đi lên, dọc theo bờ Tiền Giang. Bên này liên tỉnh lộ hầu hết là ruộng đồng và bên kia, sát bờ sông, là những khu vườn cây ăn trái rộng hẹp tùy khúc, thường có những đám lá dừa nước mọc xen kẽ trong đó. Cuộc sống nửa thành thị nửa thôn quê của nơi chàng ở thiệt không gì thần tiên, lý thú cho bằng.

Cách chợ Vòng Nhỏ khoảng một hai cây số, có chùa Quan Âm, với tượng Phật Bà bằng đá trắng như thạch cao, đang cầm bình nước cam lồ rải phước xuống chúng sinh, hiền hòa từ bi đứng trên tòa sen ngay trước mặt tiền chùa. Trong một vòng tròn lớn, cẩn đá trắng từng phiến to, trồng đầy hoa thơm cỏ lạ. Nhiều người lại cứ tưởng lầm đó là tượng của Đức Mẹ Maria. Mà xa xa nhìn cũng giống thiệt. Lối đi vào chùa cũng rất là đặc biệt, một cây cầu vòng cung, lót ván và hai bên có lan can sắt sơn trắng, bắc qua con lạch ba bốn thước bề ngang. Hai bên chân cầu có những bụi dứa gai mọc lan xuống bờ lạch, thỉnh thoảng vọt lên cao những chùm hoa trắng nõn… Bởi phong cảnh nơi đây cũng khá hữu tình, thanh khiết cho nên sau chùa Vĩnh Tràng trong miệt Gò Cát, chùa Quan Âm đã là nơi có nhiều hình ảnh và kỷ niệm với mọi lứa tuổi của học trò trung học Mỹ Tho.

Độ một khoảng nữa là chợ Đồng Xanh, nơi có thời làm trại cùi, dời từ Cồn Rồng về. Giờ chỉ còn là chỗ nhóm chợ với một nhà lồng trống lổng trống trơn, mái lợp tôn, như gắn hờ hững trên hai hàng cột dầu vuông ốm tong teo. Chung quanh chợ là vườn tược mọc rậm như rừng hoang.

Rồi mới đến cây cầu sắt bắc qua con rạch lớn cắt xuyên ngang liên tỉnh lộ. Đầu cầu phía trên có một đồn nghĩa quân. Chòi canh và bót chính còn lợp lá. Hàng rào kẽm gai kéo sát bên vệ đường. Phía sau những khu khai hoang dọc hai bên rạch là những đám lá dừa nước mọc cao và dầy không thua gì những đám lá tối trời ở dưới Gò Công.

Thêm khoảng một hai cây số nữa mới đến xóm làng Bình Đức, nơi mà sau này trở thành một trong hai ngã ba Đồng Tâm, hai lối chính đi vào căn cứ Đồng Tâm. Ngã ba trên nằm trên quốc lộ 4, cách Trung Lương năm bảy cây số về hướng Mỹ Thuận, không rộn rịp sầm uất bằng ngã ba dưới. Tại đây bây giờ đã mọc lên những quán nhậu, tiệm hàng xén khắp hai bên đường.

31155087078_cff32dd62b_z

Nhà Tần cách đó một đỗi về phía Mỹ Tho. Cất trong một khu vườn đầy mận, vú sữa, xoài, bưởi và chanh. Sát mé sông Cửu Long, giống như nhiều vườn khác, là vạt lá dừa nước của nhà. Cho một mớ lá chầm lá xé đủ chi dụng hằng năm. Len lỏi trong đó có một lối mòn đắp đất dẫn ra bờ sông. Chỗ có cái vại lá che mưa nắng cho chiếc xuồng, bên cạnh một cầu ván bắc ra xa làm cầu tắm. Một vài cây bần rất lớn mọc sát mí nước, lẫn lộn trong đám lá… Cha chàng đã mất, anh chị chàng tứ tán bốn phương trời và mẹ chàng hưởng huê lợi vườn sống đấp đổi qua ngày. Tần bây giờ như là con một thay vì con út.

Muốn về Bình Đức thì có thể nhảy lên xe Lam lấy bến ngay tại chợ Vòng Nhỏ hoặc quá giang xe đò đậu tại bến xe lớn chạy về vùng Vĩnh Kim, Xoài Hột, Rau Răm thuộc quận Sầm Giang. Tức là vùng Xoài Mút, Rạch Gầm theo tiếng gọi xa xưa, thời Gia Long tẩu quốc. Đó cũng là quê hương của quái kiệt Trần văn Trạch, xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi … Người đã bao lần trình diễn ngoài trời nhiều bộ môn khác nhau, ảo thuật và ca nhạc kịch, trong sân trường Nguyễn Đình Chiểu cho học trò coi miễn phí, dưới tàn che bóng mát của những cây sao, cây dái ngựa to lớn. Dạo đó Tần còn đang theo học các lớp đệ nhứt cấp.

Tương tự như những vùng Trung Lương, Đạo Ngạn, Đạo Thạnh, Bến Chùa, Bến Tranh…, Bình Đức là vùng nửa chợ nửa quê, chỉ cách Mỹ Tho độ năm bảy cây số. Học sinh ở vùng này thường lâm vào thế kẹt, tấn thối lưỡng nan. Nếu đạp xe đi đi về về trong ngày thì hơi mệt. Đó là chưa nói đến việc xe hư, vỏ mòn phải sửa chữa liên miên. Còn mướn nhà ở trọ thì hơi phí của. Tốt hơn hết có lẽ là ăn nhờ, ở đậu nhà bà con. Nhưng không phải ai cũng có bà con ở ngay tại tỉnh và đó là trường hợp của Tần. Bởi vậy, Tần thường ngủ lại nhà bạn bè, mỗi tuần lễ đôi ba ngày. Lúc thì nhà của thằng Thân ở Cầu Dầu, nhà máy Đỗ Quang. Khi thì nhà thằng Phát ở chợ Vòng Nhỏ, gần nhà bảo sanh cô mụ Sâm. Cũng có lần ở nhà thằng Hiếu, đối diện bên này Hãng Xáng…

Tần lẩn thẩn đi lại bến đậu của những chiếc xe cà tàng, xe đò không ra xe đò xe hàng không ra xe hàng, chạy đường Mỹ Tho – Vĩnh Kim. Hên quá, gặp chuyến xe sắp sửa rời bến. Hành khách ngồi chen chúc chật ních trong lòng xe, trên mui đầy quang gánh, gióng thúng. Coi bộ đồ trận bốn túi mới may trên người Tần như không có kí-lô nào hết trơn, anh lơ xe hỏi tới:

– Anh về đâu, anh hai? Về đâu?

Tần đáp gọn:

– Về Bình Đức!

– Bình Đức hả? Vậy thì anh phải xuống trước, thôi, hay là anh ngồi tạm phía bên ngoài này đi… Ở bên trong làm ơn xích vô giùm một chút coi bà con. Ở trong thiếu gì chỗ trống mà sao bà con cứ ngồi lấn ra ngoài này hoài làm chi hổng biết nữa!

Nói thì nói cho có lệ vậy thôi chớ anh ta cũng biết chỗ trống nào mà còn trong giờ xe sắp chạy. Tuy nhiên, có lẽ nhờ ảnh hưởng bởi tiếng nói của anh ta đôi chút, nhiều bà bạn hàng sáo lắc đít qua lại một đôi lần cũng lòi ra một chỗ hẹp té ở đầu băng cho Tần ngồi ké. Đang mang hia đội mão như vầy chẳng lẽ chàng lại đứng đằng sau thùng ba-ga! Nghĩ cũng kỳ, cho nên chàng vội nắm chặc trụ sắt gắn liền giữa mui và sàn xe, xoay người làm liều ấn mông ngồi xuống. Nhúc nhích vài bận thì cũng đâu vào đấy. Rồi như sợ có ai dòm ngó, ăn cắp cái sac Air-France của mình, Tần ôm gọn nó vào lòng. Trong đó có mấy bịch khô mực con nào con nấy thiệt lớn, làm quà cho xóm giềng, bà con… Một lát sau bác tài mở cửa ngồi vào ghế, đóng nhẹ cánh cửa cây, móc cái khoen sắt làm khóa rất là từ tốn, cẩn thận rồi mới chịu nhận nút đề máy.

Xe chạy vòng xuống Cây Xăng theo đường ông bà Nguyễn Trung Long* mon men ra bến phà Rạch Miễu. Rồi từ đó mới quẹo phải theo đường Ngô Tùng Châu về hướng chợ Vòng Nhỏ, thẳng về Bình Đức… Tần thấy mọi thứ dọc hai bên đường vẫn vậy, không mấy gì thay đổi. Nào là quán phở Tàu Bay, trường Kỹ Thuật, trường nữ Tiểu học và đối diện bên kia là hãng cà-rem Dân Sanh, trường bán công Thiên Hộ Dương, khu gia binh dựa lưng vào bức tường thành Sân Vận Động…, đâu đâu cũng quá quen thuộc đối với Tần.

Có thay đổi chăng chính ra là ở lòng người, Tần tự nhủ? Mấy năm trước đây chàng cũng đã từng lang thang trên khắp những con đường này, nhưng với một tâm trạng khác hơn nhiều. Cùng với một đám bạn học cùng lớp, lẽ dĩ nhiên. Những khúc bánh mì ba-tê, những cuốn bò-bía, những gói đậu phọng rang, những lóng mía thanh diệu hay mía tây đã róc sạch vỏ, những ly nước rau má hay sữa đậu nành… luôn luôn mời gọi bọn lữ khách nhóc tì dừng chân. Ở mỗi góc đường. Sáng cũng như chiều, chiều cũng như tối. Không ai mảy may bận tâm đến ngày mai. Phải làm gì, phải sống như thế nào? Tuổi trẻ và đời học trò, ôi, sao mà hồn nhiên, phơi phới.

Bây giờ mùa Tết này trở về đây, Tần chưa chắc là mình sẽ gặp lại được một thằng, trong đám bạn thân xưa cũ. Vì hầu hết bọn nó đã vào lính, trước Tần. Nhiều đứa đã ra trường và đang đóng ở những nơi đèo heo hút gió nào đó. Một vài thằng lại sớm ra đi mà không buồn trở lại, như Quyền, như Ấu, như Tấn… Nhưng, phố xá hai bên đường hôm nay vẫn vậy. Cột điện và những đường dây giăng mắc trên không vẫn vậy. Lá vẫn xanh và thân cây vẫn xám. Cái gì mãi mãi tồn tại và cái gì luôn luôn đổi thay trong trời đất này, chàng khẽ thở dài? Nhưng, việc trước tiên là chàng phải dành thì giờ để đánh một vòng thành phố Mỹ Tho. Xem lại những quán ăn lúc nào như cũng rộn rịp tấp nập trên đường Trưng Trắc. Ngồi lại ghế đá công viên Lạc Hồng nhìn dòng Cửu Long lặng lẽ chảy xuôi. Thăm lại trường xưa, nơi đã đào tạo biết bao nhiêu người tên tuổi… Cho dù không gặp một người quen đi nữa!

Và sau đó, có lẽ Tần sẽ tìm thăm những cô em gái hậu phương thuần túy của chàng. Một vài đứa trong số đó đã từng là học trò dạy kèm của chàng về các môn toán, lý hóa. Đặc biệt nhứt là Loan, có thân hình ôm ốm, dong dỏng cao và đôi tay dài thườn thượt. Dáng dấp dành riêng cho những ai thích mặc lên người chiếc áo dài Việt Nam. Đẹp và độc đáo. Chính vì vậy mà nhiều lần Tần bị tụi bạn chọc, đại khái: “Mầy có con nhỏ học trò có đôi tay dài như tay vượn, ngồi dưới bàn mà chỉ với tay là rờ được ông thầy đứng trên bảng, không sót một chỗ nào…” Tần hi vọng là Loan đừng bắt chước đám bạn của nàng, ùn ùn kéo nhau đi lấy chồng sạch trơn. Với cương vị mới của chàng, người anh tiền tuyến, tình nghĩa thầy trò ngày xưa chắc sẽ có gì thay đổi. Chàng những mong như vậy.

Nghĩ đến đó, Tần bỗng dưng lại thấy mình có lỗi với Hiền, người em gái hậu phương nơi phương trời xa. Kẻ mà chàng đã tự nhiên cảm thấy mến yêu, ngay từ phút đầu gặp gỡ. Không biết giờ này Hiền đang làm gì ở ngoài Nha Trang. Nàng về Thành ăn Tết với mẹ nàng hay là ở lại vui xuân với anh chị nàng trong căn nhà nho nhỏ gần chợ Xóm Mới? Lần này về phép, chàng có ý định sẽ nói qua với mẹ chàng về cảm tình của mình đã dành cho Hiền. Nhưng thôi, bà già chắc không thích gái miền Trung, chàng ngẫm nghĩ lại. Bảo đảm, một trăm bà mẹ miền Nam như một, hễ nghe nói tới gái miền Trung là nơm nớp lo sợ con trai của mình rồi đây sẽ bị vợ ăn hiếp. Làm như ở trong Nam này, không riêng gì con gái mà luôn cả con trai, ai ai cũng hiền lành tử tế hết. Chớ ai có ngờ đâu, lắm lúc gặp nhiều ông thiệt là trật cẳng ngỗng và nhiều bà hết sức trật bàn đạp… Ô hay, phải chi thân này ví xẻ làm đôi thì được việc biết mấy, chàng nhủ thầm!

Xe ngừng lại tại chợ Vòng Nhỏ lấy thêm hàng, thêm người. Hành lý lại được chất chồng lên một lớp nữa trên mui. Hành khách thì phải đứng sắp lớp hạng cá kèo trong bệ chứa ba-ga hoặc phải đeo vè. Phần sau xe xệ xuống thấy rõ. Cũng với một giọng dửng dưng, bất cần hậu quả, anh lơ xe oang oang hò hét:

– Quí bà con cô bác ngồi ở bên trong làm ơn xích xích vô giùm một chút nữa coi. Cho anh ba nầy lọt cái đít vô là xe chạy liền ông bà ơi…

Có bà bạn hàng sồn sồn phản ứng lại ngay:

– Còn chỗ đâu nữa mà xích vô với xích ra! Tại sao mầy không nhường khách cho chuyến tới, hả Tám? Ham ăn quá có ngày không còn cái giống đách gì ăn hết nghen con!

– Chỗ quen biết mà má! Ba bữa nầy đâu làm sao bỏ anh ba đứng đợi cả tiếng đồng hồ ở ngoài đường cho được, má. Tội chết… Tới luôn đi bác tài…

Xe từ từ bò ra đường. Tần thấy thấp thoáng những cành mai vàng rực rỡ được xếp ngay hàng thẳng lối bên cạnh những đống dưa hấu đủ cỡ đủ màu, đen có xanh có sọc có. Vạn thọ, cúc, hạnh, ớt ngũ sắc, móng tay … nữa. Một vài tấm giấy bầu cua cá cọp trải dưới đất đã quây quần được một mớ đông con nít. Phải, đúng là ba bữa này, đâu đâu cũng vậy. Sơn phết, chưng dọn, điểm hoa lá cành để chuẩn bị chào đón chúa xuân. Cùng rước ông bà về nhà ăn Tết. Tháng giêng ăn Tết ở nhà. Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè

Vừa qua khỏi mí vườn, trước mắt Tần là một vùng bao la, đồng không mông quạnh. Toàn là ruộng lúa đã gặt xong, chỉ còn trơ lại những gốc rạ chơ vơ một màu vàng quách. Như ánh nắng chói chang của mùa Tết thường ngày. Chạy dài tuốt qua phi trường mới mở, phi trường Bình Đức. Tuy được gọi là phi trường Bình Đức nhưng bên này phía Bình Đức lại không có đường đi vô, mà phải từ phía bên kia, độc đạo từ dưới đường Lý Thường Kiệt đi lên… Một cơn gió Tết thổi tạt qua, lòn vào xe mát rượi.

Không còn bao lâu nữa Tần sẽ về bên mái nhà xưa. Gặp lại mẹ chàng cả năm trời xa cách. Chắc bà cũng mạnh khỏe như thường, Tần nghĩ. Rồi còn các anh chị và lũ cháu của chàng nữa chi. Cùng vợ chồng con cái anh bảy Đồng, người phụ giúp và giữ gìn vườn tược cho gia đình chàng từ bao nhiêu năm nay. Tất cả sẽ vui vầy, sum họp.

Bây giờ chàng mới thật sự nôn nóng cho buổi hạnh ngộ trùng phùng. Tình thương gia đình bao giờ cũng ấm cúng hơn trong thấp thoáng hương xuân và rượu nồng pháo đỏ…*

Cựu quận trưởng quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, bị Việt cộng giựt mìn, phục kích giết chết hết cả nhà.

Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/2019/09/05/nguyen-tan-hung-mot-troi-mot-bien/10/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn