ANH TIN RẰNG, NƠI CÕI VĨNH HẰNG EM VẪN MANG THEO NIỀM VUI !

Thứ Sáu, 09 Tháng Tám 20197:20 CH(Xem: 4652)
ANH TIN RẰNG, NƠI CÕI VĨNH HẰNG EM VẪN MANG THEO NIỀM VUI !

Ánh nến đỏ quạch hắt ra từ hai chiếc cốc mầu đen loang nổ, nó cứ leo lắt lúc sáng, lúc lại như tắt lịm đi và rồi lại cố ngắc ngoải cháy lên để cho người ta thấy được mập mờ của bó hoa cúc trắng cắm vội vào cái lọ hoa mà như không dành cho đặt trên bàn thờ mới lập vội, nải chuối xanh xiêu vẹo nằm trên chiếc đĩa cũng có vẻ không cân xứng, cái bát hương chắc cũng được làm vội vã bằng chiếc cốc thủy và trong đó đã có vài cái chân hương cao thấp giữa những hạt gạo trắng đục, khói hương mập mờ, quẩn quanh, quện quánh với mùi nồng đặc. Hình ảnh đó càng làm căn phòng trống vắng thêm phần ảm đạm, u tối. Tôi ngồi đó cô đơn, nhìn chăm chăm vào di ảnh mập mờ theo ánh nến, bóng tôi hắt lên tường mờ nhạt, tâm tư chua xót, xa xôi.
Trọn vẹn đúng 30 năm. Ngày đó tôi và anh còn trẻ trung, tôi thì mới lớn, nhanh nhẹn và nghịch ngợm, còn anh thì vẫn còn nổi tiếng về một thanh niên bảnh trai và ngoan ngoãn. Cả nhà máy mà hai chúng tôi cùng làm việc ở đó có mấy nghìn công nhân mà ai cũng tấm tắc khen ngợi anh đủ khía cạnh, anh được cất nhắc lên phụ trợ cho phòng giám đốc, nhìn anh lúc nào cũng sơ mi trắng ôm cặp văn thư cứ thoan thoắt nơi này nơi kìa mà không bao giờ chúng tôi những đứa học viên mới mơ được một góc như anh.
Rồi vài năm mọi sáo trộn cuộc đời vẫn cứ trôi đi để đến một ngày năm 1988 chúng tôi xách va li háo hức bay sang đất nước đầy mơ ước Tiệp Khắc. Những năm tháng đầy kỷ niệm nơi đó cũng qua đi nhanh chóng, anh vẫn là người ngoan ngoãn, chăm chỉ, vui tính nhưng có phần nhút nhát khi đứng trước phái nữ, còn tôi thì sung mãn trong thế giới tự do của trời Âu, lao hết sức của tuổi trẻ vốn có vào cờ bạc, rượu chè... Đã có lúc anh nhắc nhở tôi nên cẩn thận vì thời gian ở Tiệp cũng không còn dài. Anh chơi thân với một vài anh cùng tầm tuổi (chúng tôi vẫn gọi đùa là Hội già) chịu khó tập võ, tập thể thao và một ngày anh làm quen được với một bóng hồng cách chỗ chúng tôi ở vài bến tầu. Anh đã sống những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời cho đến ngày Cách Mạng Nhung ào ào bùng nổ trên đất nước Tiệp... Rồi chế độ XHCN sụp đổ, tương lai làm giàu của chúng tôi hoàn toàn đổ vỡ, hợp đồng làm việc bị chấm dứt, nhà xưởng bị chia cắt bán cho các hãng tư bản, việc làm không còn, cả khu nhà ở chung lúc nào cũng náo loạn về lo toan, sợ hãi khi mà phải trở về nước nhưng lại chưa kịp tích lũy tài sản.
Rồi sau đó nhiều thông tin ở nơi này nơi kia đã có nhiều người bỏ trốn đi qua các nước tư bản tây Âu. Thời gian vài tháng đó bạn bè mình cũng đã lên đường vượt biên, từ bên kia biên giới những thông tin tốt đẹp cứ tới tấp bay về làm nung nấu ý chí bỏ đến miền đất thật sự tự do, giàu có. Đoàn chúng tôi lên đường trong những lời chúc tha thiết của những người ở lại, khi chia tay lên tầu cũng còn có cả nước mắt chia ly dành cho chúng tôi. Và đoàn tàu thẳng hướng biên giới. Trải qua bao lặn lội, khó khăn anh chị em chúng tôi cũng đến được nơi mơ ước. Anh lao vào công việc lao động, quên đi thời gian, bản thân, thu vén, tích lũy, tằn tiện từng đồng xu để có được điều kiện giúp đỡ gia đình ở trong nước. Từ một thanh niên bảnh trai giờ anh tằn tiện với chính bản thân mình, xuề xòa, tạm bợ, hời hợt với vóc dáng. Anh làm đủ thứ việc lao động chân tay nếu có thể ra tiền mà không màng đắt rẻ, những đứa con cứ lần lượt ra đời, anh chăm bẵm chúng không ngại ngần, thay tã, tắm giặt, cho ăn, đưa đón đi học cho tới lúc chúng tự lập, lớn khôn.
Còn anh mái tóc thật nhanh bạc mà anh không hay, cuộc sống vẫn cứ đơn giản với anh trôi đi vèo vèo mà anh thì không có chút thay đổi nhân cách gì nhiều. Anh cũng không đi đây đi đó, biên giới nước ngoài là điều xa xỉ với anh, anh chưa một lần uống cốc rượu đắt tiền, anh không đọc sõi tên một lọ nước hoa, quần áo anh mặc đều không có tên những hãng sản xuất nổi tiếng, điện thoại anh dùng anh cũng không biết nước nào sản xuất, xe anh chạy cũng không biết đời xe thuộc diện nào... Còn bao thứ anh chưa được hưởng thụ. Nhưng ở anh lại có những thứ mà nhiều người không có. Đó là tình vợ chồng, tình yêu thương con cái của anh thật chân thật, anh chơi đùa với chúng, chuyện trò với chúng như những người bạn đồng lứa, quê hương và gia đình, họ hàng anh nhớ từng tên tuổi, tính cách, với bạn bè trước sau như một là tình huynh đệ, với nơi làm việc thì anh coi như hãng xưởng của chính mình... Ôi còn bao nhiêu điều về anh nữa? Nhưng thôi nay anh đã trở về với trời đất, cát bụi, hai bàn tay buông xuôi, trút hơi thở cuối cùng thật nhẹ nhàng, không lời chăn chối, không đau xót, gương mặt khi anh rời nhân thế thật mãn nguyện, thư thái. Vài ngày trước chỉ dặn dò vài câu rằng "Chú hãy yêu thương mấy đứa nhỏ như chú đã từng yêu thương chúng"

Hôm nay, 20.11.2018, Lễ tiễn đưa chú Nguyễn Khắc Dục về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi được Tuấn nhờ chụp ảnh thì mới hay chú Dục là người đồng hương Hà Tây cũ với tôi. Chú người Ứng Hoà, còn tôi Hoài Đức. Hơn 20 năm ở cùng Landkreis với nhau mà tôi chưa giáp mặt chú ấy lần nào. Hỏi ra thì mới hay, chú Dục sống khép kín, thường tránh xa những chỗ đông người, chỉ toàn tâm toàn ý với gia đình vợ con nên ngoài các mối quan hệ cũ và đồng nghiệp cùng làm, chú không muốn mở lòng với bất cứ ai.

Mặc dù là ngày thường, nhiều anh chị em đã phải cắt phép và tranh thủ từng giây từng phút để tới nghiã trang tiễn người anh em. Ni sư Thích Tuệ Đàm Châu được chùa Bảo Quang Hamburg giao trọng trách trông nom ngôi chùa mới ở tận Oberhausen xa gần 400 km cũng về cầu siêu cho người qúa cố. Các anh em Tăng thân Lá Bối do bác Tạo, chú Nam đại diện cùng vợ chồng anh Thị Thiện - Phạm Công Hoàng và hai chị em cô Mai Vo - Trinh Mong Vo tụng kinh niệm hộ với sư cô Tuệ Đàm Châu.

Ban tang lễ lần này làm việc rất hiệu qủa với giọng đọc trang nghiêm đầy truyền cảm của Trưởng Ban Ngô Quốc Huy. Chủ tịch Hội Nguời Việt Hoàng Tiến mặc dù thời gian eo hẹp cũng hoàn thành xuất sắc vai tròn MC và các thủ tục cho tới phút cuối. Xong công việc, tôi may mắn có được vài phút qúi báu trò chuyện với sư cô Đàm Châu. Đây là lần thứ tư, tôi được tác nghiệp (quay phim và chụp hình) cảnh Ni sư làm lễ tang cho bà con người Việt rời cõi tạm về cõi vĩnh hằng. Điều làm tôi ấn tượng vô cùng bởi chất giọng tụng niệm kinh kệ đặc biệt lôi cuốn của Ni sư cùng những lời căn dặn tang chủ một cách cặn kẽ kỹ càng. Mỗi lần như thế, tôi như được trở về lại những ngôi chùa thân thương ở quê nhà...

Sau khi được cô Đàm Thơ, cô Phú Đào đưa ra Park lấy xe, trên đường mã hồi một mình phiêu bồng tự dưng lại nhớ giai điệu một bản nhạc trong chiếc CD cũ mà tôi đã từng nghe trong xe năm nào văng vẳng hiện về:

Tìm một con đường
tìm một lối đi
ngày qua ngày
đời nhiều vấn nghi
lạc loài niềm tin
sống không ngày mai
sống quen không ai cần ai
cứ vui cho trọn hôm nay...

Chẳng biết có phải chỉ những ai sống khép kín nơi xứ người mới có thể thấu hiểu được ý nghĩa thâm sâu của những nhời bất cần da diết ấy?
Gần cuối đám tang, thấy cả anh Thị Thiện và Tuấn đều nói, trên giường bệnh Dục cũng xác định được căn bệnh hiểm nghèo do phát hiện qúa muộn và chấp nhận ra đi một cách thanh thản. Chỉ dặn dò người em, người bạn thân nhất của mình rằng: "Chú hãy yêu thương mấy đứa nhỏ (của anh) như chú đã từng yêu thương chúng".

Nhắc lại những câu ấy giọng Tuấn như nghẹn lại khiến bao người trong đó có tôi nước mắt rơi...

Xin cầu nguyện cho chú em đồng hương mà tôi chưa một lần giáp mặt sớm cao đăng Phật Quốc!

Anh tin rằng, nơi cõi vĩnh hằng em vẫn luôn mang theo niềm vui vì hôm nay anh đã thấy mọi người trong đám tang ai cũng yêu thương Dục một cách chân tình...

Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây, đám mây, thực vật, nhà và ngoài trời
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và trong nhà
https://gocomay.wordpress.com/2018/11/21/896-anh-tin-rang-noi-coi-vinh-hang-em-van-mang-theo-niem-vui/
49
39
3
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn