Đã có một thời như thế đó - Nguyên Quân

Thứ Bảy, 03 Tháng Tám 20196:05 CH(Xem: 6961)
Đã có một thời như thế đó - Nguyên Quân
Hôm nay họ đã về nhà rồi, chớ một tuần lễ trước, ông bà Hương chủ Hòa ở Ngan Dừa sai hai đứa tớ trai là thằng Mun và thằng Khỏe, đứa chèo lái, đứa chèo mũi chèo chiếc ghe hầu (loại tam bản lớn thiết kế tiện nghi dùng cho việc du lịch) đưa ông bà và thằng cháu đích tôn là bé Luân độ chừng mười tuổi, đi về chợ Gò Quao, đến nhà ông bang biện Ân (chức phó Tổng) tức là anh cả của ông để cúng giỗ thân phụ ông tại đó. Nếu vậy thủy trình của họ là phải men theo con rạch ‘Ngã Ba Tàu’ ra sông Cái Bé, rồi khi đến cái cửa con sông Cái Bé tức là vô con sông Cái Lớn, thì rẽ phải và chèo thêm một đỗi nữa là tới chợ Gò Quao (sông Cái Bé đổ vào sông Cái Lớn trước khi đổ ra biển). Sở dĩ ông bà phải đi cúng giỗ xa xôi như vậy là tại vì cái thuở xa xưa cậu ba Thiện Hòa cưới vợ rồi ở rể luôn cái xứ Ngan Dừa, chứ thật ra gốc gác ông cha của cậu Ba ở xóm Nhà Thờ gần chợ Giồng Riềng thuộc tỉnh Rạch Giá. Thân sinh của cậu Hòa là ông bà Xã Hiếu thuộc hàng phú nông, sở hữu trên dưới một trăm mẫu ruộng tại đây. Ông bà Xã có 4 con gồm 2 trai và hai gái, và rồi ông bà được một bà mai dong dẫn lối đưa đường giúp họ làm xui với ông bà bang Yễn là người Hoa ở cái xứ Ngan Dừa thuộc tỉnh Bạc Liêu. Cách gọi ông Yễn là ông Bang chỉ là tâng bốc thôi, chớ làm sao ông nầy làm được tới cái chức ông Bang, tức là bang trưởng của một bang lớn của người Hoa sống trên đất An Nam (Cách gọi nước VN vào cái thời gian nầy).
                  Gia đình Bang Yễn rất giàu có, ruộng đất cũng lắm ngoài ra ông còn có nhà máy xây lúa và năm bảy chiếc ghe cà dom đi thâu mua lúa khắp miền U Minh Thượng. Ông bà có hai con trai và một cô con gái út là A Lìn (Cẩm Linh), ổng bả thương cô Út nầy lắm, nay lại sắp gả cho cậu ba Hòa nhà mình đây. Lúc chạm mặt lần đầu thì Bang Yễn đã lên tiếng: “Vợ chồng tôi vốn có ít con nên chúng tôi rất thương con gái út của chúng tôi. Không phải chúng tôi đòi bắt rể làm gì đâu nhưng chỉ muốn con gái được ở gần gũi với vợ chồng già nầy, nếu có thể được thì xin anh chị : sau khi cưới xong thì cho cháu Hòa ở lại đây làm ăn với gia đình chúng tôi. Thời buổi nầy đi lại không khó khăn, có nhớ cha mẹ thì hai đứa nhỏ cứ đưa nhau về thăm anh chị. Chúng tôi tính như vậy, có thuận ‎ý với anh chị không, thưa anh chị?”. Dĩ nhiên ông bà xã Hiếu không hài lòng chuyện nầy rồi, nhưng ngặc nỗi cậu ba Hòa vừa trông thấy mặt Cẩm Linh thì kết liền, mà cậu thương thì cũng phải thôi vì Cẩm Linh rất đẹp gái : nào là trắng da dày tóc, vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt tròn phúc hậu, mày thanh và môi đỏ, y như đôi môi cô mới được bặm vào cái bao đựng nhang nên cậu nài nĩ, ỷ ôi ba má mình phải cưới cho được ả, rồi cậu hứa sẽ đưa vợ con về thăm ông bà thường xuyên mà. Thế là đôi bên chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành lễ hỏi, lễ cưới cho đôi trẻ.
                  Cậu ba Thiện Hòa nhờ có chút chữ nghĩa vì cậu đã đậu bằng tiểu học CEPFI (Certificat d’Étude Primaire Franco – Indigène) nên giúp gia đình Bang Yễn rất được việc. Từ ngày có con rể, Bang Yễn tính thêm cái chuyện mua bán lúa theo lối tín dụng giống như ngày nay người ta mua bán cổ phiếu. Đó chẳng qua là hình thức vay mượn vốn của khách hàng để khuếch trương thêm thương vụ của ông. Nếu thế thì mỗi ngày ông phải thông báo giá lúa, bằng cách là viết lên tấm bảng đen lớn treo trước cửa chành vựa của ông. Thí dụ : ‘Giá lúa hôm nay là 10 đồng/một tạ’, thế thì người dân vùng nầy ai muốn mua bao nhiêu mà chả được. Rồi thí dụ tiếp : Có ông Mít muốn mua 100 tạ, qui thành tiền sẽ là 1.000$,00 (một ngàn đồng), ông Mít phải trả cho bang Yễn số tiền đó, còn ông Yễn sẽ cấp cho ông Mít một tờ giấy biên nhận. Đại khái như là : “Chành Vạn Phúc có nhận bán cho ông Lê văn Mít 100 tạ lúa với giá là 10$,00 cho mỗi tạ. Chúng tôi đã nhận đủ số tiền của người mua nhưng chưa giao lúa.” có k‎ý‎ tên và đóng dấu hẵn hòi. Ông Mít cứ an tâm ra về, nhớ cất kỹ cái biên nhận nầy, rồi đợi khi nào giá lúa lên khoảng 12, 13 đồng/một tạ hay cao hơn nữa thì đem bán lại cho chành (nhà vựa), lấy lời. Cũng đôi lúc người mua trong khi chờ đợi cho giá lúa lên cao, nhưng rồi gia đình gặp chuyện chẳng lành, cần tiền xài, bắt buộc họ phải chịu bán lỗ thôi. Nói chung là gia đình ông Yễn làm ăn đàng hoàng và có uy tín. Ông Yễn ngày càng giàu thêm thì ông bà Hòa cũng khấm khá theo. Bà Hòa cũng giống mẹ đã sanh cho chồng hai đứa con trai và một đứa con gái. Bà rất yêu chồng và hãnh diện vì có một ông chồng cao ráo, đẹp mã lại có học thức nữa chớ, vì thế khi rảnh rang bà nhắc nhở ông là phải đem vợ con về thăm ba má chồng, chẳng những thế bà còn đối đãi anh chị em, con cháu bên nhà chồng rất thân thiện, rất hào phóng nên ai nấy đều qu‎ý‎ trọng vợ chồng bà.
                  Rồi thời gian trôi qua, bây giờ ông bà xã Hiếu đã qua đời, nơi nầy vợ chồng ông Bang Yễn cũng đi bán muối âm phủ. Trước khi mất ông Yễn để lại di chúc cũng như dặn dò con cái trong những ngày hấp hối : “Anh em tụi bây phải luôn luôn thương yêu và bảo bọc lấy nhau. Tài sản của ba mẹ để lại sẽ chia làm 5 phần, thằng hai Kim Tễnh và thằng ba Xía An là con trai còn có bổn phận thờ cúng tổ tiên, ông bà nên mỗi thằng được nhận 2 phần. Còn con Út Cẩm Lìn thì nhận một phần thôi”. Nói nào ngay con cái nhà nầy rất hiếu thảo, biết nghe lời cha mẹ dạy nên anh em họ luôn yêu thương hòa thuận. Sau khi nhận được mớ của cải kết xù, hai ông anh lớn ra chợ Bạc Liêu mua căn phố lầu để buôn bán chạp phô (hàng bách hóa) còn nhà máy xây lúa vẫn là của chung của ba anh em, mọi lợi nhuận từ nhà máy cũng được chia theo cách bố Yễn căn dặn. Hãy nói sơ về ông rể Thiện Hòa một tí. Với bản tính hiền lành đôn hậu rất được lòng mọi người, chính vì vậy mà ban hương chức hội tề trong làng xã quyết định đề cử ông giữ chức vụ hương chủ, tức là nhân vật số hai trong 12 cụ hương trong làng. Hiện tại thì ông bà chủ Hòa cũng đã bước vào cái tuổi ngũ tuần, ông bà đã dựng vợ gả chồng cho con cái, đâu đó xong xuôi và đã có năm ba đứa cháu nội, ngoại để ẩm bồng giống như người ta.  Rồi nhân cái ngày kỵ cơm của cha ông năm nầy, ông quyết đem cái  thằng cháu đích tôn theo để nó biết thêm về cội nguồn tổ tiên, ông bà …
                  Khoảng bốn giờ chiều ngày hôm sau thì chiếc ghe hầu của ông bà đã tới bến trước nhà thầy bang biện, nơi nầy đã có vài chiếc ghe đậu sẵn. Ông Hòa buộc miệng nói “chắc là mấy cô nó tới trước mình rồi”, và rồi ông trêu vợ :
                  -- Mấy cô em tôi, nghĩ cũng có phước thiệt nghen. Là gái mà được lấy chồng ở xứ sở quê mình, sướng nhỉ. Rồi nghĩ mà buồn tủi cho cái thân tôi, là phải…đi làm rể ở phương xa đó đa.
                  Bà Hòa hu‎ýt yêu chồng :
                  --- Có ai xúi biểu mình làm chuyện đó đâu nà.
                  Thế là hai ông bà lại cười xòa. Đàng trước thằng Khỏe đã gát hai mái chèo lên hai bên be ghe, rồi cuối xuống nhặt lấy một khoanh dây luột mà một đầu dây đã buộc sẵn vô mũi ghe, đợi khi thằng Mun chèo rướn thêm một chút nữa cho chiếc ghe áp sát vào bờ thì nó phóng xuống, cột dây nầy vào một cây cộc đã được đóng sẵn nơi đó, như vậy chiếc ghe không thể nào trôi dạt ra sông được nữa. Và rồi thằng Khỏe trở lên ghe, lấy tấm ván dài ở trên mui đem gát từ mũi ghe lên tới bờ để mọi người lên xuống cho dễ. Nếu đứng nhìn từ mũi ghe mới thấy toàn cảnh ngôi nhà đồ sộ của thầy bang biện Ân, đó là biệt thự xây bằng gạch rộng ba gian, tường quét vôi màu vàng sậm, mái lợp loại ngói nhỏ theo kiểu âm dương, nền nhà cao quá ngực bên ngoài cẩn đá da qui đen bóng. Muốn vào nhà là phải bước lên chín bậc thang xi măng vừa rộng lại vừa dài, nội cái hành lang thôi cũng có thể đặt được 15 chiếc bàn tròn đãi tiệc, như vậy thì tưởng tượng ngôi nhà nầy rộng lớn cở chừng nào.
10 điểm “phải đến” ở Cần Thơ

                  Bà con trong nhà trông thấy ông bà chủ Hòa đến, họ túa ra bến sông để chào mừng thăm hỏi, xong rồi tất cả kéo nhau vào trong nhà hàn huyên tiếp tục. Trong khi đó thằng Mun ở phía sau ghe lấy cây sào dài cắm sâu xuống đáy sông, sát cạnh be ghe cốt là giữ chiếc ghe luôn thẳng góc với bến đậu cho dù nước có chảy xiết đi nữa cũng không thể lôi chiếc ghe trôi về một phía. Xong xuôi, nó và thằng Khỏe bắt đầu mang những phẩm vật cúng kiến đem lên nhà, chuyến đầu là bưng hai chiếc giỏ bội, bội nầy nhốt 2 con gà giò với lại 2 con mái dầu, bội kia nhốt 2 con vịt xiêm và 2 con vịt tàu cổ lùn. Hai đứa nó phải mang đi vòng bên hong nhà, thẳng xuống nhà bếp rồi để nơi đó. Xong hai thằng trở lại ghe để lấy cái quả lớn 3 ngăn chứa đầy ắp các loại bánh nướng, một cặp rượu Cognac Bisquit và một cần xé nhỏ đựng hơn một chục lon đồ hộp đủ loại, như là : vài lon trái vải, vài lon trái nhản, cacao, đậu petit pois, bơ Brétel, cà tomate tán nhuyễn, lạp xưởng, tôm khô v.v…cũng đem vào nhà bếp. Sau đó tụi nó ở lại nhà bếp để phụ hợ với mọi người nơi đây, coi ai cần gì thì tụi nó giúp.
                  Đã đến lúc ăn cơm chiều, hai bàn tròn đã kê sẵn bên gian trái (tính từ trước cửa nhà, nhìn vào). Một bàn dành cho các ông gồm : ông bang biện Ân, ông chủ Hòa, dượng xã Tư, dượng hương kiểm Út và thêm 5, 6 đứa cháu trai lớn tuổi. Bàn bên nầy dành cho qu‎ý‎ bà như : bà bang biện, bà hương chủ Hòa, cô Tư, cô Năm (hai cô em gái của nhà nầy) và 5, 6 cô trẻ nữa, họ là dâu con hoặc là cháu gái gì đó, thằng đích tôn Luân của ông bà Hòa được ngồi kế bà nội. Chủ nhà đãi cơm khách với các món đặc sản địa phương : Một tô lớn canh cá mú nấu măng chua với lại cà chua được nêm thêm mẻ, trên mặt có rưới mỡ phi tỏi thêm ngò gai, rau om với lại ớt hiểm xắc nhỏ thơm phức; rồi một dĩa dài đựng nguyên con cá chẽm to chiên dòn dầm nước mắm tỏi ớt, đệm thêm xoài tượng thái sợi để lên trên mặt, ăn kèm với món dưa cải chua; rồi thêm một dĩa tròn lớn đựng tôm trứng rim mật ong chung với hột điều rang vàng và cuối cùng là tô mắm ba khía trộn với hổn hợp : ớt, tỏi, chanh, đường và lá chanh non xắt nhuyễn. Mắm nầy là sản phẩm làm từ miền Xẽo Rô, Miệt Thứ, nằm về bờ biển phía tây gần cuối nước Việt. Đặc biệt là ba khía nơi đây to con, chắc thịt, hai càng đỏ au và trong mai (mu) chứa đầy gạch son. Nói chung các món ăn cũng bình thường thôi nhưng rất ngon miệng có lẽ là nhờ mấy cô nhà bếp nấu quá khéo đi chăng? Bà Bang thỉnh thoảng cứ gắp đồ ăn bỏ vào chém thiếm ba (tức là bà Hòa) dường như bà nầy qu‎ý mến bà Hòa lắm thì phải? Sẵn đông đủ mọi người trong gia đình, bà Bang phác họa việc cúng giỗ ngày mai :
                  -- Chị tính như vầy, để thiếm Ba và hai cô nghe có được không nghen : Khoảng chừng 10 giờ tối nầy thì gia đình mình cúng cái lễ ‘Tiên thường’ (Ở nhà quê mỗi khi giỗ chạp, người ta cúng lễ nầy vào ngày trước. thông thường họ chỉ cúng bằng trà nước, bánh trái hoa quả thôi, coi như là cái lễ thỉnh rước vong linh ông hoặc bà về nhà với con cháu, để rồi ngày kế, tức là ngày chánh kỵ, họ mới cúng nhiều thức ăn, tưởng chừng như đãi tiệc cho ông hay bà mình vậy). Ngày mai khách khứa sẽ đến đầy nhà, chắc là phải đặt 5 bàn phía ngoài cho qu‎ý‎ ổng và ngay cái khu mình đang ngồi đây sẽ thêm một bàn nữa vị chi là 3 bàn cho các bà. Thực đơn tối thiểu cũng phải đủ 6 món, mới tạm coi là được. Chị định: đãi đợt đầu là bánh hỏi thịt heo quay và mình sẽ đãi cặp thêm món cá chẽm chiên sốt cà, lót xà lách son củ hành cà chua trộn dầu giấm. Đợt kế mình sẽ bưng lên món gà nấu ra gu và vịt xiêm nấu cà ry, cả 2 món nầy ăn cặp với bánh mì xắt lát, xem ra cũng tiện việc. Đợt sau cùng là lẩu thập cẩm với lại cơm chiên Dương châu, rồi sau đó là minh sẽ đãi trà và bánh ngọt, vậy là xong. Sẵn đây chị cũng nói thêm : ông tàu Dzì sẽ giao nguyên con heo quay vào khoảng 9:00 sáng, mình sẽ đặt lên bàn thờ rồi đợi các món ăn khác làm xong bưng lên đây, chừng đó cúng luôn một thể. Ông Dzì cũng hứa là trả lại bộ đồ lòng heo, vậy thì sáng sớm mình cho người đến đó lấy, đem về luộc liền, xong xắt lát cho vào tám cái lẩu thật cẩm, phần nước lèo mình sẽ dùng nước luộc gà vào tối nầy. Anh chị em mình cả năm mới có dịp đoàn tụ vào ngày giỗ chạp, chắc mọi người sẽ không ai muốn đi ngủ sớm đâu hén, vậy thì thức để hàn huyên tâm sự cho nó đã. Chị đã bảo mấy bà bếp luộc một con vịt tàu cổ lùn, lấy nước luộc vịt nấu cháo đậu xanh, còn thịt thì trộn gỏi bắp (hoa) chuối và luộc thêm con gà giò, xé phay trộn củ hành, rau răm để mọi người lót dạ vào lúc đêm khuya. Sáng mai chị nhờ cô Tư và cô Út đứng bếp chánh, có vậy thì dù thực khách khó tánh đến đâu cũng không thể chê bay thức ăn của nhà mình rồi. Ở dưới đó chị cũng có sẵn hai ba bà, các bà ấy sẽ phụ giúp hai cô nghen.
                  Nếu như vậy là bà Bang gỏ cửa không nhầm nhà đâu bởi vì hai cô em chồng nầy có tiếng là nấu nướng vừa khéo lại vừa ngon, bởi cái lúc còn nhỏ hai cô nầy cũng như bao cô gái khác ở miền quê, họ không được cha mẹ khuyến khích đi học chữ, trái lại họ được dạy dỗ hay được chỉ bảo về : công, ngôn, dung, hạnh nhất là ‘công’ nghĩa là các cô phải học về chuyện may vá, thêu thùa, học làm bánh mứt, học về nấu nướng, chẳng những phải nấu rành những món ăn thường nhật mà còn phải học nấu những món cầu kỳ để khi gia đình có chuyện như cúng giỗ hay tiệc tùng, thì đó là lúc các cô phải trổ tài ra đấy.Hơn thế nữa bà xã Hiếu, mẹ của các cô còn gởi các cô đi học với các bà cô, bà dì cốt là muốn các cô sau nầy phải thật giỏi chuyện bếp núc, có vậy thì gia đình mới hạnh phúc ấm êm được. Cứ nhìn cái cách sắp đặt chu đáo, thật hợp l‎ý, đâu vào đấy, thì mới thấy bà bang biện Ân, khuê danh là Yvonne Nhã Trân thật xứng đáng là con dâu trưởng của nhà họ L‎ý: ‘L‎ý‎ Thiện Hiếu’. Chắc là phải cần nói ít nhiều về bà nầy, muốn vậy thì trước tiên phải biết chút ít về cậu cả Thiện Ân cái đã, vì phải có cậu thì mới có mợ, đúng vậy không nào?
                  Thuở nhỏ cậu Cả học hành thông minh sáng dạ, cậu đậu cái bằng CEPFI tại tỉnh lỵ Rạch Giá vào cái tuổi 16 ,15. Sau đó cậu được ba mẹ gởi lên Mỹ Tho vào Lycée ‘Le Myre De Vilers’ (sau nầy là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu) học tiếp để thi bằng Thành Chung (Diplôme d’Etude Primaire Supérieurs). Xin nói thêm vào cái thời kỳ nầy tất cả mười lăm tỉnh ở phía tây-nam Sài Gòn, chỉ có Mỹ Tho là có trường dạy lên cấp Trung học và mãnh bằng Diplôme khi đó vô cùng giá trị, điển hình như nhà văn Hồ Biểu Chánh, khảo cỗ gia Vương Hồng Sển cũng đỗ mỗi cái bằng nầy thôi. Chuyện học hành của Thiện Ân ở Mỹ Tho xem ra thì cũng khá tốt đẹp, nghĩa là mỗi năm mỗi lên lớp, thế nhưng… không biết cậu Cả mắc cái chứng cốt gì mà đang là giữa năm của năm thứ ba Trung học, cậu lại nghỉ học ngang xương, rồi nghe lời ai xúi bảo chi đó, cậu về Cần Thơ xin làm thơ k‎ý cho một hảng xí nghiệp lớn. Cũng nơi đây cậu gặp được cô Yvonne Nhã Trân, câu chuyện đầu đuôi là thế nầy : Cái xí nghiệp nầy có một phần hùn vốn rất lớn là của ông Hội đồng Albert Vĩnh Trường (Thái Vĩnh Trường), ông nầy vốn là một đại điền chủ ở vùng giáp ranh hai tỉnh Cần Thơ và Rạch Giá, ruộng điền của ông nằm trong khu tứ giác Long Mỹ-Vỉnh Tuy-Gò Quao-Hỏa Lựu chắc phải là trên chục ngàn mẫu, chớ không thể dưới con số đó đâu. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi con, chuyện nầy có tin được không ? Chắc phải cần xem xét lại. Ông chỉ có vỏn vẹn 2 con : Yvonne Nhã Trân là con gái lớn và thằng con trai là Joseph Vĩnh Trọng. Yvonne năm nầy đã được 16 hoặc 17 tuổi rồi, cô không đẹp lắm, da hơi ngâm đen, cao ráo khỏe mạnh, mặt bị rỗ nhẹ do hậu quả chứng bệnh đậu mùa năm xưa, nếu được dậm chút phấn thì đố ai biết được, mắt to, mũi cao, răng trắng, ăn nói có duyên rồi cộng thêm nhân tố là con nhà giàu nên từ trang điểm, trang sức đến trang phục ôi thôi vô cùng lộng lẫy. Cũng đã có vài nơi, hầu hết là bạn của ông muốn cưới Yvonne cho con của họ, nhưng ông Hội đồng Trường chán ngấy cái bọn công tử con nhà giàu thuộc loại ‘phá gia chi tử’. Ông thường nói với con gái : “Cái lũ nầy sẽ có ngày phá tan hoang sự sản của bố mẹ chúng, rồi khi gia sản bên đó trụi lủi, chúng lại tính chuyện phá đến gia sản bên vợ. Ai mà gả con cho chúng thì tương lai có đường dắt nhau đi ăn mày”. Vì vậy cái tầm nhắm của ông là Thiện Ân dù ông biết gia đình hắn thuộc hàng trung nông thôi, so với bên ông thì không được môn đăng hộ đối nhưng bù lại Thiện Ân là đứa có ăn học lại hiền lành, ông tự hứa sẽ là ô dù che nắng mưa cho hắn, tất nhiên sau nầy hắn sẽ rất biết ơn ông, rồi đối xữ tốt với con gái của ông, đây chẳng phải là điều ông mong ước đó sao? Cho nên ông chủ động tạo cơ hội cho hai đứa nhỏ quen nhau. Từ ngày quen biết Yvonne, cậu Cả từ một thơ k‎ý quèn bỗng chốc đã trở thành phụ tá trưởng phòng tài chánh. Qua một năm dò xét, ông thấy tình cảm của hai đứa đã thật chín muồi, ông bảo Thiện Ân về thưa với ba má và mời ba má sang chợ Long Mỹ gặp ông để hai bên người lớn bàn chuyện cưới gả cho hai đứa. Rồi hai năm sau đó nữa, ông dựng chuyện nói là vùng đất Gò Quao nầy có cái không khí rất trong lành, mát mẻ lạ kỳ, có lẽ là nhờ ở bên con sông lớn chăng, nên ông quyết định xây một ngôi biệt thự tại đây để khi nào mõi mệt vì công việc, ông sẽ về nghỉ ngơi dưỡng sức. Thực ra ai cũng biết đó là của hồi môn ông muốn cho cô con gái cưng. Và trong ngôi biệt thự nầy, ngày hôm nay ông bang Thiện Ân đang cử hành lễ giỗ cha của mình như nói ở đoạn trên.
                  Nhờ sự sếp đặt khéo léo của bà Bang mà giỗ tiệc chấm dứt sớm vào lúc 3 giờ chiều, khách được mời hôm nay là những bà con họ hàng thân thích, những vị có chức việc trong làng xã, bạn bè của vợ chồng ông và cuối cùng là những người hàng xóm gần gũi bên cạnh nhà. Sau đó bốn người nhà gồm có ông, chú ba Hòa và hai dượng Tư và Năm ra đứng hai bên ngõ bắt tay tiễn khách. Khách rất hài lòng vì được thưởng thức một bữa tiệc ngon vui vẻ thỏa mái, trong đám đó có một vị khách khá đặc biệt : người cao lỏng khỏng, ốm gầy mặc bộ bà ba vải nâu giản dị, tóc đã bạc hoa râm để dài rồi bới búi tó, vẻ mặt hiền từ, dáng trông thật là tiên phong đạo cốt. Khi ông đến bắt tay giả từ, thì thầy Bang nói nhỏ đủ ông nghe :
                    -- Nán ở lại chơi chút nữa đi thầy, để anh em tôi được dịp trò chuyện cùng thầy cho vui.
                  Vị trung niên nầy cười, mới thấy miệng ông móm xọm chỉ còn vài chiếc răng tiền hàm thôi, ông gật đầu đồng ‎ý rồi đi đến cái bàn thầy Bang ngồi khi nãy, ngồi xuống đó để đợi ông. Chập sau,  khách đã về hết, bốn anh em họ trở lại bàn nầy. Thầy bang Ân giới thiệu từng người để họ quen biết nhau :
                  -- Giới thiệu với các em : đây là thầy Bảy Thà, quê quán ở Tri Tôn Long Xuyên, ông là thầy thuốc miệt vườn và có biệt tài là chuyên trị rắn độc cắn rất giỏi. Chính mắt anh trông thấy ông chữa trị một nạn nhân, chứ không phải nghe người khác nói lại đâu. Cũng giới thiệu với thầy Bảy : đây là chú hương chủ Thiện Hòa, em trai kế tôi, nhà cửa ở chợ Ngan Dừa thuộc tỉnh Bạc Liêu. Còn đây là dượng Xã Quới ở Giồng Riềng, chồng cô em thứ Tư, còn vị nầy là dượng hương kiểm Nên, chồng cô em Út cũng ở Giồng Riềng.
                  Thế là năm người đã biết nhau rồi đó nên họ chuyện vãn thật cởi mở và thân mật. Đến đây thì thiếm ba Hòa bưng lên một cái khây đựng 5 tách sữa cacao nóng và một cái dĩa bàn đơm chừng 10 cái bánh Su kem (Choux à la crème) rồi mời mọi người dùng. Ai nấy đều khen bánh và sữa cacao thật ngon, rất cám ơn bà hương chủ Ba. Thầy Bang chợt nhớ ra cái chuyện thầy Bảy Thà có ‎ý định xuống chợ Chắc Băng sau khi ở đây thêm vài ngày nữa, nên thử hỏi :
                  -- Chú Ba nầy, vậy chớ từ xứ Ngan Dừa của chú đến chợ Chắc Băng có xa lắm không? Ba cái vụ du hành nầy nếu đi ngược miệt trên thì anh còn biết chút đỉnh, chứ đi xuống miệt dưới U minh thì anh hoàn toàn mù tịt. Anh nhớ chỉ có một lần anh xuống dưới đó, là để dự đám cưới của chú rồi kể từ đó đến nay, anh không có dịp đặt chân tới đó nữa. Lần đó cách đây chắc cũng là ba mươi năm rồi hả chú ?
                  -- Thưa anh Hai, thưa thầy Bảy. Chắc qu‎ý vị biết con sông Cái Bé mà, nói cho dễ hiểu là đi từ đây ra biển bằng ghe, khi gặp con sông đầu tiên nằm phía tay trái chảy xuôi về hướng nam thì đó chính là con sông Cái Bé. Tiếp tục đi trên con sông nầy vào khoảng mươi cây số thì gặp một cựa gà cũng nằm bên tay trái chảy về hướng đông, đó là rạch Ngã Ba Tàu đi về Ngan Dừa quê vợ tôi. Còn nếu không rẽ trái, tiếp tục đi thẳng thì đó là kinh Ngã Ba Dinh và cứ theo con kinh nầy đi tiếp, tất sẽ gặp kinh sáng Chắc Băng chạy cắt ngang, thì từ chỗ nầy đến chợ Chắc Băng độ chừng hai, ba cây số thôi. Hay nói cách khác là sự thành hình của con sông Cái Bé là do hai con kinh Ngã Ba Tàu và Ngã Ba Dinh hợp thành. Nhân đây tôi kể thêm một chút về sông nước vùng U Minh cho qu‎ý vị nghe chơi, cũng thú vị lắm quí vị ạ. Sỡ dĩ tôi biết kha khá là nhờ thuở nhỏ tôi có một thời gian theo ông ngoại sắp nhỏ (ông Bang Yễn) đi thu mua lúa vùng U Minh về cho nhà máy xây lúa của ông. Chắc một điều mà ai cũng biết là bất cứ con sông dù lớn nhỏ nào cũng phát nguyên từ một vùng đất cao hay cao nguyên, nhưng cái nguyên l‎ý nầy không thể áp dụng vào sông nước của vùng U Minh được đâu nghen, lấy thí dụ như là cả ba con sông lớn, huyết mạch của vùng U Minh là : Sông Cái Tàu, Sông Trẹm và sông Ông Đốc, chúng giao thoa tại một xã nhỏ ở phía đông-bắc Cà Mau cách tỉnh nầy chừng một chục cây số. Cũng chính nơi đây mỗi con sông chảy về mỗi ngã khác nhau, như vậy làm sao ai biết được: đâu là nơi phát xuất của mấy con sông nầy? Thưa thầy Bảy, trước khi gặp thầy tôi đã nghe anh Cả tôi nói qua về thầy. Thầy định xuống Chắc Băng để hành thiện, làm phước gì đó chăng? Thôi thì đi với tôi, xuống Ngan Dừa chơi một chuyến cho biết, đi làm phước thì đâu cũng vậy mà, chừng nào thấy chán ở đó, thầy qua Chắc Băng cũng không xa lắm. Có hai cách đi qua đó, nếu là mùa khô nên đi bộ tiện hơn vì chỉ mất chừng 5,6 giờ thôi, chớ còn đi ghe thì lâu lắm, có khi mất cả ngày tại vì con kinh qua bển thật là ngoằn ngoèo quanh co, có nhiều chỗ uốn khúc giống y mẫu tự Oméga, người ta ước gì xuyên qua được cái đáy của Oméga cho nó ngắn, thay vì phải đánh một vòng cung lớn rất mất thì giờ. Âu đó cũng là đặc điểm sông nước U Minh, qu‎ý‎ vị ạ.
                  Nhân lúc trò chuyện với nhau, thầy Bảy nhận xét thấy anh em nhà họ L‎ý nầy, tuy giàu có nhưng họ nói năng thật nhã nhặn lễ độ, đúng là con cái của một gia đình mô phạm nên ông thấy mến phục họ lắm :
                  -- Thôi được rồi, tôi sẽ theo thầy Ba về đó chơi một chuyến cho biết. Thật tình nói, tôi nghe tiếng Ngan Dừa từ lâu, cũng ao ước đến đó lắm. Vậy chừng nào mình về đó hả thầy? 
                  -- Sáng sớm ngày mốt mình lên đường nghen.

                 Đúng như giao hẹn, thầy Bảy có mặt ở nhà thầy Bang vào lúc sáng sớm tinh sương và được gia đình thầy Bang mời ăn sáng luôn thể. Đêm rồi bà Bang dặn mấy bà nhà bếp thức sớm làm xôi đậu phọng trên có đơm lạp xưởng chiên xắt lát xéo, tôm khô rửa sạch chiên tỏi, trứng tráng mõng xắt sợi và thịt chà bông (ruốc) để đãi bà con, mỗi người được nhận một dĩa. Loại thức ăn sáng nầy đã ngon còn có cái hay nữa là làm người ta thấy no dai trong lúc đi đường. Nghĩ đến lúc phải chia tay thì bất cứ ai trong anh em họ cũng không khỏi bịn rịn quyến luyến vì họ rất thương mến nhau, y như lời cha mẹ dạy bảo từ lúc còn nhỏ. Họ lại hẹn năm tới, vào ngày kỵ giỗ mẹ tức là bà xã Hiếu thì sẽ đến gặp lại nhau. Ông bà Xã nầy nghĩ cũng lạ nghen, chết thì cách nhau năm ba năm gì đó, nhưng người thì mất vào tháng 11, còn người kia ra đi vào tháng chạp, nên anh cả Ân bàn tính với các em : “Nếu năm nầy mình cúng giỗ lớn cho cha thì năm tới mình sẽ làm giỗ mẹ rình rang không kém, bởi công cha nghĩa mẹ sinh dưỡng đạo đồng. Vậy thì khi cúng lớn thì các em phải thu xếp về đầy đủ nghen”. Ông chủ Ba tuy là con trai thứ trong gia đình nhưng cũng lập bàn thờ trong nhà, thờ vọng cha mẹ một cách trang nghiêm. Cho dù ngày nầy năm nay ông bà phải về kỵ cơm ở Gò Quao nhưng ông bà vẫn dặn hai con trai ông, thay cha mẹ cúng giỗ ông nội đàng hoàng y như khi cha mẹ có mặt ở nhà.
                  Từ giã mọi người xong xuôi, nhóm người của ông chủ Ba bước xuống ghe mình. Hôm nay là ngày rằm, sáng sớm thủy triều dâng khá cao, nước đã lấp xấp tới mé bờ, thêm cơn gió hây hây buổi sáng làm thầy Bảy cảm thấy rất sảng khoái, thầy tình nguyện chèo giúp một tay, ‎ý của thầy là muốn chèo phía trước mũi nhưng bị thằng Khỏe cản ngăn :
                  -- Từ đây ra biển, mặt sông rất rộng thường có sóng to gió lớn. Con và anh Mun quen chuyện nầy rồi, vậy hãy để tụi con chèo. Rồi đến khi vô vàm sông Cái Bé, sóng yên gió lặng thầy Bảy có muốn chèo cho vui thì tụi con sẽ nhường cho thầy.
                  -- Thằng Khỏe nói đúng đó thầy Bảy. Ông chủ Ba đã tiếp lời thằng Khỏe, xong ông nói tiếp : Mấy ngày nay không vận động gì ráo tôi cũng thấy uể oải trong người đó đa, thôi thì đợi vô vàm sông nhỏ, tôi và thầy thay phiên nhau chèo phía trước mũi cho khỏe người ra hén.
                 Nghĩ cũng tội cho hai cụ nầy, muốn chèo lắm nhưng không ai cho, thôi thì hai cụ ngồi tựa lưng vào vách ván mặt trước của chiếc phòng ngủ bên trong, rồi trò chuyện để giết thời giờ. Hai người có lối nói chuyện rất là hợp ‎ý với nhau y như là Lưu Huyền Đức lúc mới thỉnh được quân sư Gia Cát Lượng. Thầy Bảy thì kể chuyện về người Khmer ở Tri Tôn, rồi nói về cách họ làm đường thốt nốt ra sao, xong rồi bàn về sự khác biệt giữa người Khmer ở Tịnh Biên, Tri Tôn với lại người Khmer sống kỳ cựu ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu v.v…Còn thầy chủ Ba thì khoe chuyện cá mắm nhiều vô số kể ở miệt nầy, rồi lại kể những chuyện làm chơi mà ăn thiệt của người dân nơi đây, cũng như cuộc sống rất ư thanh nhàn của bà con rừng U Minh v.v…Bên trong phòng ngủ, bà chủ Ba cùng cháu Luân đổ hột xí ngầu chơi cờ quan tiêu khiển. Thật ra thằng bé rất muốn câu cá nhưng lúc nầy chiếc ghe còn đang di chuyển trên sông lớn nên bà nó không cho phép, rồi sợ nó buồn bà nghĩ ra cách : rũ nó chơi cờ quan,  thằng bé lại làu bàu “phải chi có ông nội chơi nữa thì vui biết nấy”, thôi thì bà nội cứ nhường để nó thắng hoài hoài, chừng đó nó mới chịu cười tươi. 
                  Chiều về, chu kỳ con nước lớn trở lại kèm theo cơn gió nhẹ mang theo hơi nước làm ai nấy đều cảm thấy khỏe người. Ông bà chủ Ba đề nghị nên tấp vào cánh rừng thưa nào đó rồi lên bờ cho khuây khỏa một lúc, mình sẽ nấu cơm và ăn cơm trên đó luôn, giống như người tây dương đi chơi Pinic vậy. Họ phân công : bà chủ Ba vo gạo, thằng Khỏe thì tìm một chỗ cao ráo để làm cái lò nấu, nó đào lài lài một vũng đất cứng, rồi đặt 3 viên gạch ở 3 nơi làm đầu ông táo, còn thằng Mun và thầy Bảy đi tìm cành cây khô về làm củi. Khi cơm chín, họ nhấc nồi cơm xuống và hâm nóng lại cái nồi thịt quay kho nước dừa có đệm thêm trứng vịt do bà Bang ưu ái tặng cho ‘phái đoàn’ Ngan Dừa, rồi thêm một dĩa dưa leo xắt lát với dăm ba trái ớt chỉ thiên chín đỏ nữa thì coi như một bữa ăn khá tươm tất trong lúc đi đường. Trong khi ăn, bà chủ Ba không quên đặt lên lò một ấm nước, đợi sôi lên sẽ pha trà bông lài cho mọi người nhâm nhi sau khi ăn, bà cũng khuyến khích mọi người làm ơn độ cho hết nồi thịt nầy, chớ để dành ngày mai có thể bị thiu.
                  Mun và Khỏe ăn rất mạnh cơm, sau đó còn được thưởng thức chén trà ngon, nên hai đứa nó có vẻ hứng chí, hứa là sẽ chèo đến khuya mới đi nằm. Trăng đêm nay mọc sớm lại vừa tròn vừa to, vì vẫn là tiết cuối thu nên nền trời trong vắt không gợn một áng mây. Trăng chiếu sáng lung linh xuống dòng sông, nhìn mặt nước y như là tấm lụa màu ngà thướt tha trải dài vô tận. Đêm về khuya tiếng bì bõm của mái chèo khua động mặt nước phá tan đi cái tỉnh lặng cảnh vật nơi miền thôn dã, đã đôi lần làm giật mình loài chim vạc ăn đêm dọc theo hai bên mé sông, chúng sợ hãi, hốt hoảng vỗ cánh tung bay. Có ở thôn quê mới được dịp thưởng thức vẻ đẹp của một đêm trăng, người dân quê luôn tận dụng trăng sáng để giã gạo, còn cái chuyện bên anh đọc sách bên nàng quay tơ là ở đâu, chớ không có ở miệt U Minh nầy. Giã gạo là một trong những công đoạn cực nhọc nhất của nhà nông, bạn đọc hãy tưởng tượng với cái chày trọng lượng chừng 5 đến 10 kg, người giã gạo phải nhấc chày lên cao rồi bổ chày xuống. Ồ, chỉ một động tác đơn giản như vậy sao?…Vâng, nhưng phải giã liên tục trong vài giờ liền mới làm trắng được 7, 8 cối gạo lức, tức là số gạo trắng cần có cho một gia đình ăn ròng rã trong một tháng. Chuyện nặng nề thế nầy thường giao phó cho đám thanh niên trai tráng, có lẽ mấy chàng nầy không thấy mệt đâu vì được dịp chuyện trò giao du, khoe cơ bắp với các cô thôn nữ tuổi bước vào độ trăng tròn. Hãy nhìn cô gái với cái thế ngồi độc đáo bên hong chiếc cối giã, dáng trông vừa đẹp lại vừa kín đáo, nàng ngồi bẹp xuống mặt đệm, hai chân co lại dũi về một phía, một tay vịn vào cối cho đở mỏi, còn tay kia kéo tay áo lên cao quá khủy để lộ nguyên cánh tay dài suôn đuột mượt mà, cô dùng tay nầy để khỏa lấp (vùa) hố trũng trên mặt gạo do chàng thanh niên kia mới vừa nện chày xuống. Thoạt nhìn cái cách giã gạo, ai cũng cho là dễ nhưng đòi hỏi đôi bên phải ăn ‎ý với nhau mới làm được hoàn hảo. Có đôi lúc cao hứng anh và chị thường hò đối đáp với nhau, nghe thật là tình tứ, hoặc nói thơ theo âm điệu U Minh, đặc biệt là có đệm thêm hai chữ “cái mà”, ôi nghe sao thật là chân quê chất phác, thật là dễ mến vô cùng :
                  “ Anh ra (cái mà) mặt trận … giữ gìn biên cương. Thà là chết ở chiến trường. Còn hơn (cái mà) chết ở … trên giường thê nhi. Phản công súng nổ ầm ì, kìa bao (cái mà) chiến sĩ … chết vì non sông, em ơi tình nghĩa vợ chồng………”.

Image result for images trai gái miền
                          quê 
                  Họ về tới nhà vào chiều hôm qua, khi ghe vừa cập bến ai nấy đều tươi vui hí hửng, vì sau hai ngày dài và một đêm trên ghe họ cảm thấy rất ư tù túng, gò bó vô cùng. Vào nhà xong, họ thay phiên nhau tắm gội, thay đồ mới cho nó khỏe, sau đó bà chủ Ba pha cho chồng và thầy Bảy một bình trà Ô Long. Trong khi chờ đợi bữa cơm chiều, ông chủ Ba mời thầy Bảy chơi một vài ván cờ tướng. Trình độ chơi cờ của hai cụ thuộc hàng lão tướng, tương sức nhau nên hai cụ rất lấy làm hứng thú …
                  Sáng nầy hai cụ thức sớm rủ nhau ra chợ xã chơi. Sau một vòng dạo quanh, hai cụ tấp vào tiệm nước của lão Tàu Huỳnh Tệch, đây cũng là tiệm duy nhất chuyên bán cà phê vợt, nhiều ông cắc cớ gọi là cà phê vớ (bí tất) nghe mà phát buồn nôn, ngoài ra còn có thức ăn điểm tâm của người Hoa như : bánh nếp gói lá chuối, bánh bao, xíu mại, há cảo, bánh tiêu, bánh bò, giò chấu quảy...đựng trong dĩa nhỏ và bày ra đầy mặt bàn. Tiệm rất đông khách, chú Tệch đặt gần 20 cái bàn tròn bọc nhôm trên mặt, mỗi bàn có chừng 7,8 chiếc ghế đẩu, tức là loại ghế không có dựa lưng, không có tựa tay nên ít chiếm chỗ. Ấy vậy mà bàn nào cũng đầy người, hai cụ ngó dáo dát cố tìm bàn trống, thời may bên trong một góc xó có cái bàn mới có hai người ngồi, thế là hai cụ ráp vô ngồi với họ. Ông chủ Ba ngoắc phổ ky đến, rồi ông bảo mang ra cho ông 2 cái ‘pạc xỉu phé’ (ly sữa nóng có chút cà phê) xong mời thầy Bảy có muốn ăn gì không. Ông chủ Ba gặp rất nhiều người quen nơi đây, ông không quên giới thiệu thầy Bảy với họ. Uống cà phê xong hai cụ rời đây, kế tiếp ông chủ Ba muốn đưa thầy Bảy đi thăm nhà máy xây lúa Vạn Phúc của gia đình ông.
                  Họ đi dọc theo mé sông trên con lộ có trải đất nung đỏ trên mặt, đi độ chừng 400 thước là tới nhà máy. Cơ sở nầy, trông thật bề thế, trước mặt nhà máy là con sông lớn có 3, 4 chiếc ghe chở đầy lúa cập sát bờ, công nhân đang gánh lúa đem vô nhà máy. Phía bên trong tiếng máy xây nổ to xành xạch, bụi cám bay mịt mù. Ông chủ Ba thăm hỏi từng công nhân và giới thiệu thầy Bảy với họ. Sau đó ông chủ Ba đưa thầy Bảy ghé vào văn phòng nhỏ đặt phía trước nhà máy để nói chuyện với trưởng nam của ông là L‎ý‎ Thiện Đức, hiện làm quản l‎ý tại đây. Trước hết ông giới thiệu con ông cũng như giới thiệu thầy Bẩy để hai người biết nhau, sau đó ông hỏi con : có chuyện gì lạ không trong tuần lễ ông đi vắng? Sở dĩ ông còn phải quan tâm nhiều về nơi đây mặc dù ông đã nghĩ hưu được vài tháng rồi, là vì lời gởi gắm cũng như dặn dò của cậu Hai, cậu Ba (Kim Tễnh, Xía An) của Thiện Đức. Họ muốn ông luôn quan sát cũng như chỉ dẫn thêm kinh nghiệm cho ông tân quản l‎ý nầy. Đúng là cái tánh cẩn thận cố hữu của người Hoa trong việc buôn bán làm ăn vì vậy họ ít khi thất bại.
                  Nói chuyện xong với tân quản l‎‎ý, ông chủ Ba đưa thầy Bảy đi xem vườn rau xanh um của ông bà Ngô Sển ở phía sau nhà máy nầy. Ông Sển lúc còn trẻ cũng là một công nhân gánh lúa, vác gạo như mọi người nơi đây, đặc biệt tánh tình ông rất ngay thẳng hiền lương, khi làm việc thì luôn tận tụy và rất có tinh thần trách nhiệm nên anh em ông chủ Ba qu‎ý mến ông ấy lắm. Đến khi ông có tuổi rồi không thể làm việc nặng nhọc như xưa, nhưng ông chủ Ba vẫn lưu ông lại. Ông chủ Ba kêu thợ che thêm cái mái tôn bên cạnh nhà máy cho gia đình ông, gồm bà Sển và cô con gái đã lớn tuổi nhưng hơi khờ khạo nên chẳng chồng con chi cả. Ông chủ Ba muốn họ giúp cái việc quét dọn sạch sẽ trong ngoài nhà máy, tối đến phải đóng tất cả các cửa, phòng ngừa trộm đạo và mỗi ngày nấu một bữa cơm trưa cho khoảng tám chín công nhân để họ khỏi phải về nhà ăn, đỡ mất thì giờ. Buổi chiều, sau khi xong việc trên nhà máy, ông Sển cùng vợ con cùng ra đây chăm sóc khu vườn rau. Vợ chồng ông nầy gốc người Tiều (Triều Châu) nên rất giỏi việc trồng trọt. Sau khi ngắm kỹ vườn rau, thầy Bảy tấm tắc ngợi khen : “Đẹp và có kỹ thuật, trồng ngay hàng thẳng lối, sạch sẽ không có cỏ dại mọc chen lẫn, rau củ loại nào ra loại đó, bụi nào bụi nấy tốt tươi to ù, đặc biệt không bị sâu bọ đục khoét v.v…”. Đúng như lời nhận xét của thầy Bảy, thật ra thì chỉ có 9, 10 luống gì đó thôi, ông bà nầy trồng những loại rau củ mà người Hoa ưa thích như : cải bẹ xanh, cải rổ, cải phụng, cải củ, cải bắp (nồi), su hào, hẹ, gừng, ớt, hành lá v.v…Rồi hai cụ tiến tới vách sau nhà máy để chiêm ngưỡng vài luống nhỏ trồng hoa vạn thọ và hoa mồng gà. Thêm một lần nữa thầy Bảy lại khen : “Ông Sển nầy có sở thích giống y như tôi nghen, nếu hoa vạn thọ phải là hoa màu hoàng yến, cũng như nếu là hoa mồng gà thì phải là loại hoa lưỡi búa. Chớ vạn thọ màu vàng cam hay hoa mồng gà có dạng giống đuôi gà là tôi không chuộng đâu đa”. Ông chủ Ba gật đầu đồng ‎ý, có nghĩa là ông cũng thích giống y như vậy.
                  Chợt thầy Bảy phát hiện có một cái hang rắn hổ ở giữa hai luống hoa. Hang nầy có vẻ mới và lớn, dường như ăn luồn vô phía trong, ông đoán cặp rắn nầy chắc khá lớn đây, ông nhất quyết phải bắt chúng. Ông chỉ cho ông chủ Ba thấy cái hang rắn, rồi rũ ông trở lại nhà ông Sển vì ông cần một chén hành lá giã dập để thoa vô bàn tay. Ông Sển giúp ông có chén hành như ông muốn và xin theo hai cụ để xem thầy Bẩy trổ tài bắt rắn. Còn cách hang chừng 5 thước, thầy Bẩy ra dấu hai ông nầy đứng đợi ở đây, chỉ một mình thầy bưng chén hành tiến tới miệng hang thôi. Hai ông quan sát kỹ để xem thầy Bảy làm gì đây, thấy thầy quỳ xuống, tay phải lấy hành thoa kỹ vào bàn tay trái xong ông đặt chén hành ra xa miệng hang, xong ông chà bàn tay phải xuống cát. Ông chủ Ba đoán rằng có lẽ ông sẽ dùng bàn tay nầy để chộp đầu con rắn, vì vậy ông không muốn quá trơn trợt bởi nhựa hành lá, nên ông chùi xuống cát chắc là như vậy? Hãy xem ông làm gì tiếp đây, bàn tay trái ông vổ xuống miệng hang? Mà không, ông không vổ xuống đất đâu, ông chỉ vổ xuống gần tới miệng hang, rồi đưa tay lên khoảng 2 tấc chiều cao, lại vổ xuống nữa, ông lập đi, lập lại động tác nầy nhiều lần giống như trẻ con chơi nhồi trái banh, ông chủ Ba nghĩ là ông muốn tạo một làn gió nhẹ mang theo mùi hành lá đưa xuống tận đáy hang. Hiệu quả thật, năm phút sau con rắn bắt đầu chui lên, đầu nó nhố cao chừng hơn một tấc so với miệng hang, Thầy Bảy lập tức rút tay trái ra, nhá tay về một phía, con rắn vô tình quây đầu ngó theo bàn tay đó, nên nó bị chộp cổ từ phía sau gáy bởi bàn tay phải của thầy Bảy. Đoạn thầy Bảy dùng tay trái phụ vào nắm đầu để lôi nó lên một cách từ từ, thầy luôn dùng tay phải vuốt xương sống lưng nó, mục đích của thầy là phải giữ thân hình nó thật thẳng. Khi tới cái đuôi thì tay phải ông nắm thật chặt vào cái đuôi, vẫn phải căng dài nó ra, tuyệt đối không để nó cuộn mình lại. Rồi ông lấy lại thế đứng cho vững chắc và bất thình lình ông buông đầu nó ra, lập tức ông quây cánh tay phải thật nhanh y như là chong chóng máy bay. Con rắn bị sức ly tâm quá mạnh, không thể quay đầu lại để tấn công ông. Chỉ bước thêm vài bước nữa là ông tới bức tường gạch nhà máy, ông va đầu nó vào đây, con rắn chết tốt, miệng ứa đầy máu đỏ. Xong ông xách ‘chiến lợi phẩm’ trình cho hai ông bạn xem…
                  Ông thả nó xuống đất, ông thở hổn hển trông có vẻ mệt đấy. Ông cho biết :
                  -- Đây là con rắn hổ đất cái. ‘Chị’ nầy đang thời kỳ hôi cơm, tanh cá mà ngữi phải cái mùi hành lá cũng giống mùi lưu hoàng (huỳnh) cũng có người gọi là diêm sinh, thì chị làm sao chịu nổi nên chị mới vọt ra sớm, chịu chết. Bây giờ là tới chuyện khó đây. bởi vì thằng chồng của chị không phải là thứ dễ dụ đâu, đôi khi phải mất cả giờ chớ chẳng chơi. Thôi thì hai ông cứ ở đây xem tiếp.
                 Thầy Bảy hít thở vài cái thật sâu rồi trở lại cái hang, thầy dùng phần hành còn lại trong chén, xoa hết lên bàn tay trái rồi ‘chơi trò nhồi banh’ như lúc nãy. Đã mười phút trôi qua vẫn chưa thấy hắn ló đầu ra, ông kiên nhẫn chờ tiếp, thêm chừng bảy phút nữa hắn mới chịu xuất hiện. Ông Bảy tiễn hắn giống y như tiễn bà vợ của hắn đoạn xách hắn đặt nằm kế vợ hắn. Ông chủ Ba và ông Sển mừng lắm ôm chầm lấy thầy Bảy, họ hết sức ngưỡng mộ ông, khen ngợi ông không ngớt lời. So với rắn cái, con đực nhỏ hơn chừng 8 phần 10. Vòng tròn bụng của chúng cở chừng bằng cán dao phay, chiều dài hơn một thước, tương đối mập mạp. “Hai con nầy chắc được gần 2 kg thịt đó đa, đủ làm mồi nhậu cho anh em nhà máy chiều nầy”, đó là lời tuyên bố của ông chủ Ba. Thầy Bảy xách một con, ông Sển xách một con rồi cả ba người trở lại nhà ông Sển. Thầy Bảy hỏi mượn một con dao bén, chặt đứt đầu chúng rồi đem chôn ngay, chớ không thể vứt bậy được, vì lỡ có người đạp nhầm thì cũng giống như bị nó cắn, có thể chết người như chơi. Đến đây cụ Sển hỏi :
                  -- Thầy Bảy ơi, cách làm lông con rắn ra sao ? Vì từ nhỏ đến bây giờ tôi chưa biết làm thịt hay nấu nướng thịt rắn bao giờ.
                  -- Bắt nồi nước sôi làm lông, cạo bỏ lớp da ngoài, đoạn mổ bụng bỏ tất cả đồ lòng bên trong, nhưng giữ trứng của con rắn cái lại vì trứng nó rất ngon y như là trứng vít vậy. Sau đó đem rửa lại thật sạch, rồi chặt khúc mỗi khúc chừng 2 tấc, xong đem luộc chín, nhớ thêm chút muối và thường xuyên vớt bọt cho sạch sẽ. Xong tắt lửa, cứ để yên trong nồi, xế xế chiều tôi đến sẽ ra món…

Image result for Images rắn hổ 
                   Bữa tiệc hôm nay thật là vui, thực khách có hơn mười người. Thầy Bảy giúp ông Sển nấu thịt rắn ba món : cháo đậu xanh với nước cốt dừa rồi gia thật nhiều hành lá xắt nhỏ và tiêu cay, món thứ nhì là loại thịt trắng phía bên trong, giống y như thịt ức gà thì đem trộn gỏi với hoa chuối, rau răm củ hành. Sau cùng là món độc đáo đây : da rắn xắt nhỏ xào với nấm mèo, kim châm, bún tàu, củ hành, bột ca ry chấm với món nước chấm đặc biệt, làm bằng tương giã nhuyễn nấu với nước cốt dừa, rồi đậu phọng rang đâm dập rãi lên trên. Còn phần ông chủ Ba thì đem đến hai lít đế nếp và vài xị đế ngâm rễ nhàu dành cho các cụ. Thực khách hôm nay không ngớt lời khen ngợi thầy Bảy và họ rất ngưỡng mộ ông về cái khoản bắt được cặp rắn nầy, coi ông như là anh hùng trừ gian diệt bạo giùm họ.
                  Trong số họ có một người ở xã Huyện Sử (nằm khoảng giữa con kinh sáng nối liền hai chợ Chắc Băng và chợ Thới Bình) biết rành về thầy Bảy. Ông nầy kể lại chuyện thầy Bảy bắt một cặp rắn hổ lớn trong một cái đình thờ Thần tại xã Huyện Sử ra sao, ông cũng kể luôn cái chuyện thầy Bảy đấu trí với thầy rắn Hai Phách tại xã nầy như thế nào. Cuối cùng thì vợ chồng thầy Hai Phách phải lạy thầy Bảy để xin cứu mạng v.v… (sẽ kể thêm chuyện nầy trong một dịp khác). Tiếp theo là phần thầy Bảy giải đáp thắc mắc của một vài vị hiện đang có mặt. Trước hết là của ông chủ Ba :
                   -- Thầy Bảy có rãnh xin làm ơn quan sát một vòng chung quanh nhà máy, xem có còn hang ổ nào nữa của chúng không ? Thú thật tôi rất ớn ba cái vụ nầy lắm nghen.
                  -- Thầy chủ Ba cứ an tâm. Tại sao ông bà xưa đặt tên “Hổ” cho loại rắn nầy? Tôi nghĩ cái cốt cách của nó giống y như loài hổ (cọp). Nghĩa là hung bạo và độc tôn “rừng nào, cọp nấy”. Một khi cặp rắn nầy trấn ở đây thì trong vòng bán kính bốn năm trăm thước không có con nào dám bén mãng tới gần. Tôi nói ‘con nào’ là ám chỉ là loài rắn hổ thôi, chứ các loại rắn hiền như rắn giun, rắn lãi, rắn nước, rắn ri cá, rắn gáo, rắn rồng trên mái nhà v.v.. thì có thể đến đây chung sống được.  Một vị khác hỏi:
                  -- Thầy Bảy ơi, thầy giỏi như vậy, sao thầy không bắt rắn hổ đem bán? Trước nhứt là trừ hết giống độc hại nguy hiểm, kế đến sẽ kiếm được nhiều tiền vì thịt của nó quá ngon rất được nhiều người ưa thích, nhất là giới ‘ve chai’ như anh em chúng ta, đúng vậy không qu‎ý vị ? (Có nhiều tiếng vổ tay).
                  -- Tạo hóa đất trời sanh ra loài người cũng sanh luôn muôn thú, vạn vật để sống cùng  nhau trên mặt  quả địa cầu. Tốt hơn là phải nương với nhau mới tồn tại, nếu cứ cái nhìn phiến diện thì cho đây là loài độc hại, tại sao chúng ta không thấy ở một góc cạnh khác. Thử nghĩ đi, nếu không có loài nầy thì hoa mầu của mình có còn gì để gặt hái khi mùa thu hoạch đến? Hay đã bị lũ chim chuột phá hổng hết rồi. Vì vậy nếu chúng thật sự gây nguy hiểm cho chúng ta như cặp rắn nầy thì mình cũng nên giết nó đi, không thôi thì có ngày trong số anh em mình ở đây sẽ bị nó cắn, nhưng khi chúng sống yên lành trong rừng rong rú, thì mặc kệ chúng nó, đừng cố tìm để tiêu diệt chúng…đó là trái với luật trời đất thiên nhiên...
  
   Nguyên Quân ( HNPD )
   A Đ 225

  Chú thích thêm:   Bởi nhu cầu về chiến lược, năm 1961 chánh phủ miền nam quyết định thành lập tỉnh Chương Thiện bằng cách là cắt xén một phần đất của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Rạch Giá. Vì vậy Ngan Dừa trở thành là quận Kiến Thiện, Gò Quao trở thành quận Kiên Hưng của tỉnh mới Chương Thiện. Còn Chắc Băng có tên mới là quận Kiên Long của Rạch Giá.  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn