Chị tôi

Thứ Ba, 23 Tháng Bảy 20197:35 CH(Xem: 6772)
Chị tôi

danBa-buon
Truyện ngắn Thái Sinh

Chị Thành là con gái bác Huệ tôi ở xóm Chùa, hơn tôi đến bảy tám tuổi, ngày bé tôi vẫn thường qua nhà chị trèo na, trèo ổi. Bác Huệ sinh dăm sáu bận nhưng chỉ nuôi được có hai, đó là anh Lâm và chị Thành. Anh Lâm thì công tác trên huyện ở nhà còn lại một mình chị Thành. Chị Thành quý tôi lắm, mỗi lần tôi đến chị đều dẫn tôi ra vườn hái cho tôi những quả ổi chín vàng, hoặc khi ra đầm Vạc vớt rong chị đều rủ tôi đi cùng. Những sợi rong xanh mướt dài gần một sải tay được chị vớt đổ thành đống trên bờ. Tôi giúp chị chất vào đôi quang. Lẫn trong đám rong tôi thường nhặt được khi là chú lạc liễng đen nhánh, khi là chú thồm lồm lúc bơi phụt nước ra phía sau nom như một chiếc tàu thuỷ. Mỗi bận ra đầm chị đều ngắt cho tôi những bông sen thơm ngát, hay mò cho tôi một vốc củ súng để khi thổi cơm xong tôi và chị vùi những củ súng ấy vào bếp.

Cho đến tận bây giờ tôi không thể quên được cái hương vị vừa bùi vừa ngậy của những củ súng nướng. Nhìn mặt mũi tôi lem luốc tro than chị mỉm cười, gương mặt chị lúc đó thật hiền, đẹp không thể nào tả nổi. Bác tôi thường bảo: “Thằng Phương là cái đuôi của chị Thành... ”. Tôi thích lắm.

Những tối sinh hoạt đoàn thanh niên hay họp đội sản xuất, chị đều dẫn tôi đi cùng. Tôi quanh quẩn ở ngoài sân chờ khi họp tan là theo chị về. Ngày ấy không ít trai làng để ý đến chị, tối tối họ tụ tập trong sân nhà chị đàn hát, nói những câu chuyện tầm phơ về mùa màng, gặt hái...

Chị Thành mặc chiếc áo phin màu hoa cà ôm khít lấy tấm thân tròn lẳn, mỡ màng càng khiến chị đẹp một cách quyến rủ. Chị là trung tâm của mọi câu chuyện, chị tới đâu là ở đó rộ lên tiếng cười vui vẻ. Chị là niềm kiêu hãnh của tôi, có lẽ nhờ chị mà các chàng trai yêu chiều tôi hơn.

“Cái đuôi” của chị thường được họ tặng những chú dế mèn, những ổ chim non hay những hòn cuội trắng có vân xanh đỏ... Tôi luôn được các chàng trai nhờ chuyển những bức thư tình si mê tới chị. Chị đọc những thư đó một cách hờ hững, đôi lúc cười rũ rượi rồi ném tất cả chúng vào lửa, coi như trò đùa vớ vẩn.

Ngày ấy tôi còn bé nên chả hiểu gì cả, bác tôi luôn mắng chị:

- Rờ hồn đấy, rồi có ngày chả cười mãi được đâu...

- Thế mẹ bảo con gái của mẹ phải làm gì bây giờ? Chiến tranh giống như những trận bão, sau mỗi sớm trở dậy trai làng vợi đi bao người...

Chị cúi xuống, gương mặt buồn hoang vắng. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng ra khắp miền Bắc, ập đến từng ngôi nhà. Gia đình nào cũng phải đào hầm tránh bom, lũ trẻ dù đến trường hay rong trâu ra đồng đều đội mũ rơm. Mũ rơm để ngay trên đầu giường, dưới ngăn bàn học, hễ nghe tiếng máy bay rẹt trên đầu là chụp mũ rơm lao ngay xuống hầm.

Trai làng lần lượt lên đường, vài tháng một một lần làng tôi lại tiễn người ra mặt trận. Mấy tháng đầu chị tôi nhận được hàng xếp thư, sau thưa dần, chị ghi ngày tháng, đánh số xếp những lá thư ấy vào góc hòm.

Công việc đồng áng chất tất cả lên vai những người phụ nữ từ việc cày bừa, cấy hái... Lúc nào tôi cũng thấy chị Thành tất bật, chị dậy từ sớm tinh mơ ra đồng, nhiều hôm nhọ mặt người chị mới trở về. Tôi nghe nói chị đang giữ một chức vụ gì ở xã. Ăn cơm tối xong chị lại vội vàng đi họp. Những cuộc họp miên man đêm này qua đêm khác, bởi thế sân nhà bác tôi thưa vắng tiếng cười vô tư và trong trẻo của chị và đám thanh niên. Tuy vậy, cứ hai ba ngày một lần chị lại ra đầm Vạc vớt rong.

Có một người thường giúp chị chở những búi rong bằng một chiếc thuyền câu vào bờ. Anh tên là Khoa, ở Tắp cách thôn tôi một dãy ao. Nghe nói bố anh trước đây có một thời trong quân ngũ, ông bị quân Pháp bắt trên đường rút khỏi thủ đô. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ông mới được trao trả. Có khá nhiều lời đàm tiếu quanh chuyện ông bị bắt, người thì bảo ông chạy sang hàng ngũ địch mang theo tài liệu kháng chiến của ta, người thì bảo ông không chịu được gian khổ nên đào ngũ... Xung quanh việc ông bị bắt có bao điều nghi vấn. Bởi thế, sau khi học xong lớp 10, anh Khoa thi vào mấy trường đại học đều đỗ, có trường gọi anh học nhưng sau vài tháng học thì lại trả anh về, có trường thì không gọi. Anh xung phong nhập ngũ nhưng cũng bị từ chối. Phẫn chí, anh ra ngoài đầm Vạc dựng lều chăn vịt, thả lưới đánh cụp.

Anh Khoa hơn chị Thành dăm sáu tuổi. Với một thân hình vạm vỡ, nước da màu đồng hun, nhìn anh ngụp lặn trong nước thật thích. Anh thường giúp chị vớt rong, chuyển rong vào bờ. Mùa sen, anh cùng chị Thành bơi thuyền ra tận giữa đầm hái hoa, hai người lẫn trong cái màu thẫm xanh của lá sen, tiếng cười vô tư và trong sáng của họ lan toả khắp mặt đầm. Một lần, không biết vì sao anh để thuyền lật làm chị Thành ướt lướt thướt, chị phụng phịu còn anh thì cứ ngây người trước thân hình ướt sũng sĩnh và quần áo như dính sát lấy người chị.

Tôi cứ tưởng sau lần ấy chị không nhờ anh bơi thuyền vớt rong, nhưng xem ra hai người càng quấn quýt nhau hơn. Tôi còn nhớ một tối chị rủ tôi ra ngoài đầm Vạc nhờ anh Khoa làm một việc gì đó. Đêm ngoài đồng đầy trăng và đầy gió, bàn chân tôi đặt lên những lớp cỏ mát lịm, mịn như nhung. Thật khó mà tả nổi cái cảm giác của tôi khi đó, vừa say say ngây ngất trước mùi hăng hăng của cánh đồng mới gặt xong còn trơ gốc rạ, lũ côn trùng ra rả hát những bài thánh ca muôn thuở mà Thượng đế đã ban tặng cho chúng, nghe buồn da diết.

Chị Thành nắm tay tôi, bàn tay chị mềm mại và ấm nóng, bước chân chị lúc vội vã, lúc lại ngập ngừng, thi thoảng chị ngoái nhìn lại phía sau như sợ ai nom thấy. Chợt chị dừng lại bảo tôi:

- Hay chị em mình về đi...

- Thì về - tôi đáp.

Thoảng trong gió, tôi nghe tiếng sáo từ phía đầm Vạc vẳng tới. Tiếng sáo đơn côi theo ngọn gió lang thang trải khắp cánh đồng ướt đẫm sương đêm. Chị Thành ngây người trong giây lát rồi bóp mạnh vào tay tôi, giọng lạc đi:

- Gần tới lều của anh Khoa rồi, đi với chị một đoạn nữa…

Lần này chị đi như chạy, tôi phải chạy gằn mới kịp. Chị ấn tôi vào lều với ngọn đèn đang cháy lom đom. Trên chiếc chõng tre tôi thấy bừa bộn quần áo, sách vở, những cuốn sách dày cộp đen nhẫy mồ hôi tay. Tôi không thể nhớ tên từng cuốn sách anh đọc. Nhìn đống sách tôi chợt nhớ lời của vài người bảo anh là kẻ ngộ chữ, cuồng chữ. Một tay chăn vịt quá rỗi rãi và dở hơi mới lôi những cuốn sách kia về đọc, phỏng có ích gì cho cái ngề chăn vịt của gã? Có một dạo đám thanh niên mới lớn tối đến thường tụ tập ngoài lều chăn vịt của anh, nghe anh kể đủ chuyện đông tây kim cổ rồi đàn hát cho tới tận khuya.

Bây giờ chẳng ai đến với anh, lũ thanh niên bị cha mẹ cấm, vì người ta sợ con cái họ lây cái đầu óc mơ mộng và viển vông của một tay cuồng chữ.

Chị Thành băng qua bãi ngô ven đầm Vạc đi về phía đê, nơi ấy anh Khoa đang thả hồn mình vào tiếng sáo. Tôi không biết mình chờ chị Thành bao nhiêu lâu, lật giở hết các trang sách để tìm tranh, rồi lại bắt châu chấu đậu trên vách nướng trên ngọn đèn dầu tù mù, ám khói.

Tháng bảy ở quê tôi có những trận mưa rất dai, kéo dài hai ba ngày liền, lũ trẻ chúng tôi thường đeo giỏ men theo bờ ruộng ngập nước bắt châu chấu. Châu chấu rang dòn ăn với cơm trắng vừa thơm vừa bùi. Sau vụ gặt tháng mười là mùa cày ải, lũ châu chấu bay đâu hết, thi thoảng chúng tôi bắt được vài chú châu chấu đất, thân màu xám có sọc đen béo múp míp, nướng trên các đống lửa đốt bằng các gốc rạ thơm lừng. Còn bây giờ bắt hết châu chấu tôi nằm áp tai lên đống sách nghe lũ ếch nhái ngoài đầm kêu inh uôm, một bản hoà tấu buồn đến nẫu ruột.

Trăng tháng mười vượt lên ngang đỉnh đầu, ánh trăng vàng nhợt chiếu qua cửa lều bò vào tận chỗ tôi nằm. Đêm mùa hạ mẹ tôi thường trải chiếu ra giữa sân ngồi hóng mát và kể chuyện cổ tích cho bọn trẻ chúng tôi nghe. Tôi nghe đi nghe lại có tới hàng trăm lần chuyện chú Cuội để trâu ăn lúa giờ đang bị nhốt trên mặt trăng kia. Ở trên ấy một mình chắc chú Cuội buồn và cô đơn lắm? Ước gì có chiếc thang dài hàng nghìn bậc nhỉ, đám trẻ chúng tôi sẽ giải thoát cho chú Cuội… Nhưng có đứa bảo dù đẵn hết tre làng tôi cũng không làm được cái thang dài như thế… Tôi sẽ ngủ quên mất nếu cứ theo đuổi những ý nghĩ miên man không đầu không cuối như vậy.

Chị Thành nói chuyện gì mà lâu vậy? Sốt ruột, tôi quyết định vượt qua bãi ngô ướt rượt sương đêm lên giục chị. Về khuya, trăng và sương giăng mờ mặt đất, cái thân hình nhỏ bé của tôi như nhoà lẫn trong ánh trăng và sương đêm, có lẽ vì thế mà chị Thành và anh Khoa không nhìn thấy tôi đang bước tới gần.

Hai người đang nằm trên vệ đê, tôi nghe tiếng chị Thành nức nở.

- Chẳng mấy ngày nữa là em sẽ lấy chồng, cuộc đời của em rồi đây sẽ ra sao khi em phải sống với người mà em không yêu…

- Em có thể từ chối, thời nay đâu còn chuyện ép duyên.

- Nhưng anh ấy sắp phải đi rồi, bây giờ ở nhà chỉ còn lại mỗi mẹ già, các em thì đã đi lấy chồng cả. Em thương bà cụ mà bà cụ cũng quí em lắm. Các bác trong chi bộ đã thuyết phục em, chả biết vì sao em lại nhận lời...

Tôi nghe tiếng anh Khoa thở dài, giọng anh mơ hồ như tự nơi nào vọng tới.

- Em ngây thơ quá! Chúng mình có thể bỏ đất này mà đi...

- Không được đâu, chúng mình còn bố mẹ, anh chị em và bà con lối xóm. Vả lại em không muốn mang tiếng một cán bộ lại bỏ nhà theo giai...

Chị Thành lại khóc, tôi lặng lẽ về lều vùi đầu vào đống chăn cố quên đi những gì mà tôi vừa thấy. Như vậy chị Thành của tôi sắp lấy chồng. Ai đã giật chị Thành của tôi đi mất? Nước mắt tôi tự nhiên cứ trào ra, thấm ướt cả đống chăn màn.

Phải một lúc lâu sau chị Thành mới trở về. Tôi nằm im giả vờ ngủ, chị khẽ lay tôi.

- Dậy về thôi Phương ơi...

Tôi uể oải ngồi dậy, nhưng không giấu được gương mặt nhoè nước mắt của mình.

- Lại mê bị bố đánh phải không? Chết thôi, con trai bằng này mà còn để bố đánh, lớn lên con gái nó thèm vào...

Chúng tôi trở về làng. Khác với lúc đi, chị chẳng nói một lời. Chị bước chậm chạp và hụt hẫng, dường như không làm chủ được đôi chân của mình. Đôi lúc chị lại xô vào tôi suýt làm tôi bắn xuống ruộng. Lúc ấy tôi nắm lấy cánh tay chị kêu lên:

- Chị Thành, trước mặt có vũng nước đấy...

Lâu lắm chị em tôi mới về tới làng. Đường làng thưa vắng bóng người, tới đầu ngõ chị em tôi bắt gặp mấy ông bà già, chắc đi họp tổ phụ lão về. Họ giơ chiếc đèn chai soi sát mặt chị, hỏi:

- Thành hả, cô đi đâu mà về muộn thế?

- Dạ- Chị lúng túng- Cháu xuống xóm Trại có chút việc ạ...

Về tới nhà, tôi lôi đôi guốc mộc ra bể dội qua loa vài gáo nước rồi trèo lên giường ngủ, tôi chả biết chị Thành còn làm gì, hình như chị lại ra giếng gánh nước.

Ít lâu sau tôi được tin chị Thành đi lấy chồng. Anh tên là Hoài, người xóm Trại hơn chị độ năm tuổi. Anh là bí thư xã đoàn, tính anh khe khắt. Đôi bận anh đến nhà bác tôi nhưng không vào nhà, chỉ đứng ở ngoài đầu hồi trao đổi với chị tôi điều gì đó. Tôi chỉ nghe được câu chào: “Tôi về đây đồng chí Thành nhé...”. Tôi nghe mấy chị bình luận: “ Tay Hoài này “bôn” lắm, đứa nào lấy nó tha hồ mà được chào cờ...”.

Tôi chả thích anh Hoài, một người ít cởi mở, nghiêm khắc đến lạnh lùng. Không hiểu vì sao chị Thành lại nhận lời lấy anh, để bây giờ mỗi lần sang nhà chị chẳng có ai cùng tôi trèo na, trèo ổi, chẳng được chị gội đầu cho bằng lá sả thơm lừng. Hình như hai bác tôi chả ưa gì anh Hoài lắm, nhưng chị Thành đã tự nguyện thì biết làm sao được? Thời nay trai gái tự do yêu đương, tự do tìm hiểu.

Ngày cưới chị tôi thật buồn. Anh Lâm không về vì bận việc, bác Huệ thì ngồi ở trong buồng, còn bác trai thì ngồi rúm ró sau hàng ghế dành cho các vị đại biểu. Đám thanh niên cười đùa ném bã trầu vào người nhau. Họ diễn tấu, làm trò và hát những bài hát hừng hực khí thế ra trận.

Đám cưới thời chiến diễn ra chỉ độ vài chục phút, vì Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, người ta còn phải ra đồng, ra trận địa trực chiến. Có khoảng hai chục người rước dâu, tôi lủi thủi đi sau cùng, vừa đi vừa sụt sùi khóc. Lũ trẻ con trèo lên cây sung, cây ổi mé bờ ao bên kia đường cùng đồng thanh hét toáng lên: “Cô dâu chú rể đội rế lên đầu/ Đi tới đầu cầu đánh rơi mất mũ... ”.

Bác xã đội trưởng bẻ cành tre vút vào không khí veo véo, trợn mắt hăm doạ:

- Lũ nhóc con, rờ hồn đấy, kẻo tao đánh cho tuốt xác bây giờ...

Tới đầu làng, chị Thành quay lại vuốt mái tóc khét nắng của tôi, giọng chị ầng ậc nước mắt.

- Tiễn chị như thế được rồi, thôi về đi... Chỉ ít ngày nữa anh Hoài lên đường nhập ngũ, đừng để anh ấy buồn...

Chị Thành ở với chồng được dăm ngày thì anh Hoài lên đường. Tối thứ ba chị về gánh cho hai bác tôi mấy gánh nước. Trước lúc trở về nhà chồng thấy tôi quay mặt vào tường ra chiều giận dỗi, chị ghì tôi vào lòng, nói với tôi như tự cãi lại chính mình:

- Mà sao mọi người lại không thích chị lấy anh Hoài nhỉ. Chị yêu anh Hoài vì anh ấy là người tốt, chiến trường đang cần anh ấy như anh ấy cần chị- Im lặng một lúc lâu, chị thở dài, tiếng của chị trầm xuống nghe như tự sâu thẳm lòng mình- Lớn lên em sẽ hiểu cho chị bây giờ... Nếu mai ngày lấy vợ thì em đừng lấy người đã bố thí tình yêu cho mình vì bất cứ lý do nào...

Nói với tôi chừng ấy, chị vội vàng xếp mấy bộ quần áo vào chiếc túi lưới rồi vội vã trở về. Bác tôi nhìn theo chị, thở dài.

Anh Hoài đi bộ đội được vài năm thì mẹ anh đổ bệnh, chị Thành hết lo việc đồng áng lại lo tiền chạy chữa thuốc men cơm cháo cho mẹ chồng, chị không còn thời gian để về thăm bác tôi. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, xã cho chị nghỉ công tác xã hội để lo việc gia đình. Mỗi chiều rong trâu trở về, tôi thường nhìn ra cánh đồng xóm Trại để tìm hình bóng chị, cứ hai ngày một lần chị lại băng qua dải đồng hẹp ra đầm Vạc vớt rong. Bây giờ chỉ có một mình chị vớt, bóng chị nhỏ nhoi, cô đơn trước đầm nước mênh mông. Mùa hạ sen, súng nở hoa bát ngát, còn mùa đông gió thổi làm tơ tướp mái tóc đen dài của chị.

Một hôm tôi quyết định buộc trâu bên rặng phi lao rồi tới bên chị. Chị nhìn tôi sững sờ, rồi bất chợt nắm lấy vai tôi lắc mạnh.

- Kìa Phương, dạo này em lớn quá...

Chỉ nói được chừng ấy, đôi mắt chị nhoè ướt. Chị cúi xuống vội vã xếp vội những mớ rong vào rổ.

- Đừng giận chị nhé, hình như mỗi người đều có một số phận riêng em ạ...

- Anh Hoài có ghi thư về cho chị không?

- Không... à mà có- Chị nói rất nhanh như sợ ai nghe thấy- Chị vẫn thường nhận được thư anh ấy- Chị nói hấp tấp rồi vội vàng cúi xuống gánh rong lên vai- Chị phải về đây kẻo tối...

Tôi nhìn hút theo bóng chị nhoà dần vào ráng chiều đang sẫm lại. Không hiểu vì sao sau đó tôi đi thẳng vào lều của anh Khoa. Anh ngồi bất động trước cửa lều, mặt hướng ra phía mặt đầm, sương chiều đang dâng lên nhoà nhạt. Anh không ngẩng nhìn tôi, hỏi một câu bâng quơ.

- Chưa về à ?

- Dạ, em cũng sắp sửa về rồi. Mấy bữa nay Mỹ ném bom ở đập Phùng ghê quá, ở ngoài này không có hầm hào anh có sợ không?

- Người ta sống chết có số cả, sợ cũng chẳng được - Im lặng một lúc lâu, chợt anh ngẩng lên kéo tay tôi ngồi xuống, nói với tôi như nói với một người bạn đầy tin cậy - Phương ạ, ít ngày nữa anh sẽ bán đàn vịt rồi lên ngược làm ăn. Hợp tác xã không cho anh chăn vịt ở đây nữa, hôm qua người ta đến lục soát lều của anh, hình như có kẻ độc mồm bảo anh làm ám hiệu cho máy bay thả bom xuống đập Phùng...

Tôi nhớ cách đây vài tuần tên phi công lái chiếc máy bay F111 bị trúng đạn nhảy dù xuống đầm Vạc, cả làng tôi người cầm dao, kẻ cầm xẻng, gậy gộc... ùa ra vây kín cả bờ đầm để tóm tên phi công đã gây cho dân ta bao nhiêu tội ác. Tên phi công bơi ngoi ngóp trên mặt nước phủ đầy rong rêu và sen, súng, hình như hắn bị thương nên cứ trồi lên ngụp xuống. Tuy thế nhưng chẳng ai nhảy xuống, họ chỉ hò hét, chạy quanh bờ chờ tên phi công bơi vào là tóm ngay. Không biết từ đâu anh Khoa đã lao xuống, bơi  về phía tên phi công đang vùng vẫy một cách tuyệt vọng. Anh túm lấy lưng áo nó lôi vào bờ. Vài thanh niên thấy thế vội ào xuống trợ giúp anh Khoa, phải một lúc lâu họ mới kéo được cái xác to như trâu mộng vào bờ.

Mặt hắn trắng bệch, quỳ trên thảm cỏ lạy mọi người như tế sao. Anh Khoa gỡ mấy sợi rong ở cổ. “Thằng này phải nặng gần hai tạ chứ chả ít...”.

Phải chăng vì việc làm ấy mà người ta nghi ngờ anh?

Tôi hỏi:

- Chị Thành vẫn thỉnh thoảng ra đây vớt rong, anh có biết không?

- Có, nhưng anh không thể giúp chị ấy được đâu, dẫu sao thì chị ấy cũng đã có chồng...

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, hỏi thành thật.

- Anh còn yêu và thương chị Thành không?

- Thương lắm - Anh đáp không một chút đắn đo - Nhưng cô ấy không có nghị lực để vượt lên chính mình - Ngừng một lát, dường như sợ mình nhỡ lời, anh giục tôi - Tối rồi đấy, em phải về đi kẻo gia đình mong.

Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với anh Khoa ở ngoài đầm Vạc. Mấy ngày sau tôi nghe tin anh Khoa bán đàn vịt sắm cưa, đục rủ mấy người lên rừng làm thợ xẻ.

Mẹ anh Hoài mất vào giữa những ngày B52 đánh dữ dội vào Hà Nội. Sau đám tang chị Thành gầy xộp đi trông thấy, đôi mắt chị quầng thâm, lơ láo sau bao đêm mất ngủ. Có người nói anh Hoài hai lần về tỉnh nhận quân nhưng không ghé qua nhà, có lẽ vì anh quá bận. Có người lại nói anh Hoài hy sinh rồi, thật chẳng biết đâu mà tin được.

Năm ấy cũng là năm tôi vào học cấp III, phải trọ học trên huyện thỉnh thoảng mới về, nên chả biết chị Thành của tôi sống ra sao. Ngày 30 tháng tư năm bảy lăm, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đám con trai khối lớp 10 được hoãn khám nghĩa vụ quân sự, tôi là một trong số đó.

Tôi quyết định thi vào Đại học Tổng hợp Văn. Những ngày chờ giấy gọi dài lê thê. Tôi thỉnh thoảng vẫn sang nhà bác Huệ, hai bác tôi đã già lắm. Anh Lâm được đề bạt làm chánh văn phòng uỷ ban nhân dân huyện, mấy lần anh về đón bác tôi lên ở với vợ chồng anh, nhưng hai bác không chịu đi.

Một hôm chị Thành đột ngột tìm tôi, gương mặt chị xanh tái như bị ai cướp mất hồn. Chị hoảng hốt:

-Anh Hoài sắp về rồi, mấy hôm nay nghe đài, đọc báo chị đều thấy người ta nhắc tới anh. Có lẽ cuối tháng này anh Hoài về đấy em ạ...

Tôi ôm chầm lấy chị reo lên sung sướng.

- Vậy là anh Hoài còn sống, em mừng cho chị quá...

Mấy hôm sau thì xe con và cần vụ đưa anh Hoài về, khiến người làng tôi phải trố mắt kinh ngạc. Xe con về làng tôi đã nhiều, nhưng đấy là xe của cán bộ cấp trên về làm việc với xã, chứ mấy người làng được ngồi lên cái xe đó, họ chỉ dám sờ vào cái vỏ xe mà khen sơn xe bóng. Anh Hoài về làng bằng xe con là cả một sự kiện để người ta đàm luận. Nghe nói anh là trung đoàn trưởng trung đoàn đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột, một trong số những người đầu tiên vào Dinh Độc Lập bắt nội các của chính quyền Sài Gòn đầu hàng... Anh là niềm kiêu hãnh của làng tôi, đám thanh niên đứng ngồi ở đâu cũng đều bàn luận về anh.

Anh tặng cho mỗi cán bộ xã một con búp bê biết nhắm mở mắt, vỗ vào mông biết khóc oe oe, cho mỗi đứa trẻ trong xóm một chuỗi vòng ốc biển, đám cháu của anh  mỗi đứa một chiếc váy liền áo nhiều tầng... Người làng lần lượt đến chia vui, khi về anh đều có quà tặng.

Chị Thành hết chạy lên nhà lại chạy xuống bếp, nom chị tất bật lắm. Hình như anh không biết đấy là vợ mình, anh đi thăm anh em họ mạc rồi ăn cơm luôn ở nhà bí thư đảng uỷ xã để kể chuyện chiến trường cho lũ thanh niên mới lớn nghe, đến khuya mới về. Anh bảo người cần vụ: Tối nay ta trải chiếu ra sân, mấy thằng bạn nối khố cứ tưởng mình đã hy sinh đêm nay xin ngủ ở đây để nghe mình kể chuyện...

Chị Thành dọn cơm chờ anh, nhưng khi anh về thì cơm canh đã nguội, chị thôi không ăn nữa ra giếng tắm rồi vào buồng nằm. Anh Hoài đêm ấy ngủ ngoài sân cùng mấy người bạn, họ nói chuyện với nhau cho đến sáng. Sau khi ăn qua loa bát bún riêu anh lên xã tham dự cuộc mít tinh, chiều lại đánh xe lên huyện...

Tối ấy chị tìm tôi:

- Chị có chút việc phải đi xa. Sáng mai anh Hoài về em đưa giùm lá thư này cho anh... Xin em đừng bao giờ trách chị, Phương nhé...

Chị khẽ khàng lấy phong thư từ ngực ra đặt vào tay tôi. Im lặng, chị ngó mông lung ra ngoài sân, gương mặt vô hồn câm lặng. Chị Thành chỉ nói được chừng ấy rồi vội vàng đứng lên, không để tôi hỏi thêm một lời.

Tôi không thể đoán được những gì chị viết trong lá thư này. Chị đi không mang một thứ gì ngoài mấy bộ quần áo, giao lại chùm chìa khoá cho đứa em, chỉ dặn lại: “ Chị đi không biết bao giờ mới trở về...”

Trưa hôm sau anh Hoài mới về, nghe nói anh được huyện mời lên báo cáo thành tích. Tự hào lắm chứ,  huyện tôi có mấy người được như anh. Anh Lâm nghe tin anh Hoài về phép cũng xin nghỉ nửa ngày về coi mặt thằng em rể làm trung đoàn trưởng thế nào...

Khi khách khứa đã vãn, tôi mới đưa cho anh Hoài lá thư của chị Thành. Anh Hoài liếc qua nét chữ trên phong bì rồi đưa cho người cần vụ:

- Chú bóc ra đọc cho mọi người cùng nghe.

Người cần vụ đón bức thư bằng cả hai tay, thận trọng mở lá thư. Tôi thoáng thấy gương mặt anh tái đi khi lướt đọc vài dòng đầu. Tay anh run run trả bức thư cho anh Hoài.

- Dạ, thưa thủ trưởng, thư này chị ấy gửi cho riêng anh...

Anh Hoài không quay lại nói như ra lệnh.

- Chú đọc to lên, đời lính có gì mà phải giấu diếm...

Ngần ngừ một lát, người cần vụ bắt đầu đọc, giọng lạc đi.

Tôi xin chép lại bức thư vốn rất ngắn và dễ nhớ.

Anh Hoài ! Trước hết xin anh tha lỗi cho những hành động của em. Ngày anh về cũng là ngày em phải bỏ nhà ra đi. Đó là lỗi lầm không thể tha thứ được. Lẽ ra trong những ngày này em phải có mặt tại nhà để chia vui cùng làng xóm, bởi mỗi chiến công của anh cũng có sự đóng góp của em. Em rất tự hào trong những ngày tháng anh đi xa em xứng đáng là người vợ thuỷ chung, người con dâu hiền thảo của gia đình. Nhưng hôm nay khi anh trở về, với những việc anh đã làm chứng tỏ chưa bao giờ anh cần đến em. Dù bao nhiêu năm tháng em sống cho anh và vì anh, như vậy có thể thấy anh không yêu em. Thú thật em cũng vậy, chưa bao giờ em yêu anh cả. Em mừng cho anh đã trở về nguyên vẹn, điều anh cần thì em đã làm trọn, nói với anh điều này cả anh và em đều thấy thanh thản hơn. Đã đến lúc mỗi người phải sống thật với chính những gì mình yêu. Vĩnh biệt anh”.

Gương mặt anh Hoài bạc đi, anh nhệch miệng cười mỉa mai.

- Hay lắm! Chú để lá thư đấy, lát nữa tôi chuyển tới gia đình cô ấy. Đây là bằng chứng về sự phản bội. Chúng ta không có thời gian để nghĩ tới chuyện này...

Tôi trở về lòng nặng trĩu nỗi buồn. Buổi tối anh Lâm xồng xộc vào nhà tôi, anh chìa lá thư đã nhàu nát nói như quát vào mặt tôi.

- Có phải cậu nhận lá thư này từ tay chị Thành? Thật là một điều sỉ nhục, một việc làm đáng xấu hổ...

Có lẽ tôi chả nhắc lại làm gì những lời bàn luận quanh chuyện ra đi của chị. Người ta bắt đầu xới tung mối quan hệ của chị bấy lâu. Ai quý chị thì cho đó cho rằng chị là một con người dũng cảm, người ghét chị thì cho rằng chị là kẻ phản bội tồi tệ...

Cuối tháng chín năm ấy tôi có giấy gọi nhập trường. Suốt mấy năm học ở Hà Nội tôi dành những ngày nghỉ la cà khắp các quán ăn, nhà hàng dò tìm tung tích chị, nhưng đều vô ích. Khi ra trường tôi xin vào làm phóng viên cho một tờ báo ngành, tất nhiên ngoài công việc tới đâu tôi cũng hỏi thăm về chị. Cho tới một hôm tình cờ tôi gặp chị trong một tiệm vàng phố Huế. Chị quay mặt đi tránh tôi, nhưng tôi gọi đúng tên chị, khiến chị không thể trốn tôi được.

Quả thật, chị chả giống chị Thành của tôi hai mươi năm về trước, chị đẹp và sang trọng như quý bà, quý cô ở đây. Chị kéo tôi vào một quán cà phê gần đó, chúng tôi tìm một góc khuất, chị kể cho tôi nghe chuyến tàu vào Nam hôm ấy. Ngồi cùng ghế với chị là một người đàn ông, anh tên là Đích vừa được cử làm giám đốc một nông trường cà phê trên tây nguyên.

Sau mấy ngày ròng rã ngồi trên tàu, không biết vì sao chị kể chuyện đời mình cho anh ấy nghe một cách thành thật. Khi chia tay, anh hỏi chị:

- Bây giờ cô định đi đâu?

- Em cũng không biết đi đâu nữa...

- Tôi chả biết khuyên cô như thế nào, trong cuộc chiến tranh vừa qua, mỗi người đều có những mất mát... Khi nào thấy cần sự giúp đỡ của tôi thì cô hãy tìm đến địa chỉ này...

Chị đi lang thang khắp các thành phố phía Nam, đất nước mới giải phóng người ta có bao nhiêu việc phải làm, với một người như chị không một thứ giấy tờ gì làm sao người ta dám nhận. Ban ngày chị vật vờ đến các công sở xin việc, tối chị ngủ ở vườn hoa, công an tưởng chị là gái bán hoa bắt đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, chị không dám nói thật quê quán mình, chị sợ người ta đưa chị về quê. Nếu vậy quả là nỗi ô nhục. Cho tới một hôm chị được cử ra ngoài mua thực phẩm, thế là chị trốn thoát. Chị tìm đường đến nông trường của anh Đích, anh nhận chị vào làm cấp dưỡng cho bếp ăn tập thể. Thương cảm với tình cảnh của chị thỉnh thoảng anh tới phòng chị thăm hỏi, động viên.

Những ngày ấy chị hiểu thêm về cuộc đời anh. Anh là người Hà Nội vốn là lính đoàn 559, bị thương năm 1968, anh được ra Bắc an dưỡng rồi đi học. Vợ anh mất trong một lần chị từ nơi sơ tán trở về nhà lấy thực phẩm. Anh có hai cháu, một đang ở với bà ngoại, một đang ở với anh. Không biết anh yêu chị từ bao giờ, cho tới một hôm anh ngỏ lời với chị, chị nhận lời lấy anh như một sự trả ơn. Sau gần mười năm làm giám đốc anh được điều về Hà Nôi, chị lại theo anh ra Bắc.

- Anh chị có thêm cháu nào chưa?- Tôi hỏi.

- Chưa!- chị lắc đầu- Anh ấy bị nhiễm chất độc màu da cam, mấy đứa trẻ chị mang hoặc bị sẩy thai hoặc bị dị dạng không nuôi được. Anh Đích thương chị lắm, mong muốn chị có một đứa con. Nhưng chiến tranh ngấm vào tận trong máu anh ấy rồi...

Chị thở dài, mắt ngước nhìn lên trần nhà, gương mặt buồn héo hắt.

- Chị đã xin nghỉ việc về nhà mở quầy tạp hoá rồi em ạ.

- Đã lần nào chị về quê chưa ? Tôi hỏi

- Kể từ ngày ấy chị chưa lần nào về. Nghe nói hai bác lên huyện ở với anh Lâm. Khổ quá, chị gây cho gia đình bao nhiêu chuyện tai tiếng. Bây giờ chị là người giàu có, nhưng chưa dám về quê, chị sợ người ta nguyền rủa, hai bác sẽ không chịu nổi những lời đàm tiếu mà sinh bệnh. Cứ coi chị đã chết, như thế là hơn...

- Chuyện ấy mọi người chắc đã quên rồi - Tôi an ủi - Anh Hoài đã lấy vợ, có lẽ anh đã hiểu việc ra đi của chị mà không còn oán trách. Một bận anh phàn nàn với em: “Mình là người vô tâm, tội nghiệp cho cô ấy quá...”. Còn bây giờ anh đang giữ một chức vụ gì đó trên tỉnh.

- Chị không quan tâm tới điều ấy, dù cho anh ta có oán trách hay thương hại. Có việc này Phương ạ - Chị nhìn tôi thoáng chút đắn đo - Anh Khoa đang ở đây, ngay sát nhà chị.

- Sao? Anh Khoa chăn vịt ở đầm Vạc cũng đang ở đây ư? Tôi ngơ ngác hỏi lại.

- Phải - Chị thở dài cay đắng - Hoá ra sau ngày chị đi là những ngày anh ấy đi tìm chị. Khi tìm thấy, thì chị đã là vợ của anh Đích rồi. Trên đời này chị chỉ có một người yêu, người ấy là anh Khoa. Nhưng chị đã đánh mất tình yêu thiêng liêng và trong sáng nhất của đời mình. Còn bây giờ chị muốn chia tay anh Đích, nhưng mà thương anh ấy lắm... Thế đấy, cuộc đời giống như một trò đùa tinh quái. Chị đã vài lần chuyển nhà, nhưng anh ấy đều tìm ra. Anh làm đủ nghề: chữa khoá, bơm xe, thông cống..., đủ các công việc mạt hạng để quanh quẩn bên chị. Có lần chị bảo anh: “Mỗi người đều có số phận riêng, chúng ta hãy bằng lòng với số phận của mình...”. Anh ấy bảo chị: “Tôi chả đòi hỏi ở em điều gì. Hãy để cho tôi sống với tình yêu của mình”. Bây giờ anh đang ở sát nhà chị, chiều chiều anh thẫn thờ ra ngồi bên bờ hồ, mỗi lần nhìn thấy anh ngồi bất động một mình như thế lòng chị lại buồn tan nát…. Thôi chị về đây, khi nào rỗi em hãy đến nhà chị, nhà chị nhìn ra hồ Trúc Bạch, cạnh cây phượng già, tới đó hẳn chị có bao điều để nói với em…

Chị đứng dậy trả tiền rồi vội vã đi như sợ ai nhìn thấy. Tôi trở về toà soạn, Tổng biên tập giao cho tôi viết một loạt phóng sự về nguyên nhân và tình trạng du canh du cư của đồng bào miền núi phía Bắc. Sau hơn một tháng theo dấu chân những người du canh du cư tôi trở về Hà Nội nộp bài rồi phóng xe tìm tới nhà chị. Cửa nhà chị đóng, tôi bấm chuông. Một người đàn ông trạc hơn năm mươi tuổi ra mở cửa. Tôi hỏi chị Thành, ông nhìn tôi nhệch nụ cười mai mỉa.

- Tôi là chủ mới của ngôi nhà này, cô ấy đã bỏ đi với tay chữa khoá rồi. Ông Đích sang tên cho tôi ngôi nhà này với giá trên một ngàn rưỡi cây. Ông ta quả là một người đàn ông cao thượng, yêu vợ và cũng tôn trọng tình yêu thiêng liêng của vợ. Cao thượng quá và cũng phức tạp quá!...

Tôi toan nhổ vào cái mặt bè bè trắng bợt và giọng nói ề à pha chút giễu cợt của lão. Không hiểu vì sao tôi đã kiềm được câu nói suýt nữa thì buột ra: “Người đàn bà ấy là chị tôi. Đó là người đàn bà tội nghiệp, ông hiểu chứ?”.

Tôi phóng xe khắp các đường phố cho tới tận khuya mới trở về, trống rỗng..

Tôi cũng chả hiểu lúc này mình đang vui hay đang buồn.

Lào Cai, những ngày trở rét 6/10/1995

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn