Nguyễn Thế Hồi – Nhớ về Qui Nhơn

Thứ Ba, 09 Tháng Bảy 20198:16 CH(Xem: 11042)
Nguyễn Thế Hồi – Nhớ về Qui Nhơn

Nguyễn Thế Hồi

Tháng ba đi hành quân,
Trưa qua đèo Mang-Giang,
Dưới đồi hoa cúc dại,
Nhớ em tôi tan trường.
Trần-hoài-Thư

8247844245_c882a172cd_z

Ông Trần-hoài-Thư, một Sĩ-quan trinh sát của Sư-đoàn 22 đã thơ mộng hóa đèo Mang-Giang, giáp ranh Bình-Định và Pleiku, với mấy câu thơ dễ thương. Tôi cũng đã qua đèo này vào một ngày tháng Ba. Sương mù phủ khắp núi rừng. Hoa cúc dại, hay hoa Dã-quỳ (hoa quỳ dại), mọc đầy sườn đồi. Ngồi trên xe M113, ngắm hoa cúc dại, làm hết nửa điếu Ruby Quân tiếp vụ là hồn đã về tới Sài-Gòn.

Nhưng đó là những tháng Ba xa – xôi. Tháng ba 1975 với ba Sư-đoàn chính-qui CS Bắc-Việt đã áp sát vào Kon-Tum, Ban-mê-Thuộc thì tình-hình đã khác nhiều.

Từ sau Tết, chi-đoàn chiến-xa 1/14 , với Thắng thẹo 727, đã đi hành-quân trên Pleiku. Còn chi đoàn 2/14 và 3/14 Thiết-kỵ thì yểm-trợ và tăng phái cho các Trung-đoàn của Sư-đoàn 22 và các Chi-khu thuộc Bình-Định.

Những ngày không đi hành-quân thì chúng tôi “nằm đường”. “Nằm đường” có nghĩa là đem mấy chiếc xe ra Quốc lộ. Chĩa súng vào trong núi và đưa đít ra đường. Sắp đặt canh gác xong là tôi nằm võng đọc sách hay ngắm những chiếc xe đò qua lại cho đỡ buồn.

Chừng một tiếng sau thế nào tụi nó cũng gọi : “Thiếu-úy ra làm vài miếng thịt chó cho vui.”

Cái gì thì được, chứ tôi không thể nào ăn thịt con vật có nghĩa này được.

Một buổi sáng đầu tháng ba, chúng tôi vừa rời căn-cứ ra “nằm đường ” thì bị gọi về. Có lệnh đi hành-quân gấp ở Phù-Cát. Gần trưa, Chi-đoàn đến Chi-khu Phù-Cát .

Ngay bên ngoài Chi-khu một đám đàn bà, con gái đứng đó tự bao giờ. Phẫm, tài-xế, cho biết họ là vợ lính đang chờ tin-tức chồng. Một chị còn trẻ, tay cầm lon Cô-Ca, cho tôi biết chồng chị bị kẹt trong vùng hành-quân đã mấy ngày. Nghe tin có Thiết-giáp đến, sáng nay chị gởi mấy đứa nhỏ cho hàng xóm rồi ra đây đợi.

Thì ra chuyện chúng tôi tới đây ai cũng biết. Chả có gì là bí mật cả. Ngay cả những đơn-vị Cộng-Sản đang ở trong kia cũng biết, chứ chẳng phải chuyện chơi.

Rồi chị mếu-máo nói : “Không biết anh ấy có sao không ? Em có mua cho anh ấy lon nước ngọt.”

Tôi quay mặt xót-xa. Biết nói gi để an-ủi chị bây giờ ?

Đại-úy Cẩm đi họp ra, cho chúng tôi biết những mục-tiêu phải chiếm hôm nay.

Chi-đội 2 Hải-Âu sẽ là nỗ lực chính. Tôi cho Hải-Âu 1 lên dẫn đường. Lính của Chi-đoàn 3/14, hơn một nữa là dân Bình-Định, nên họ rất rành-rẽ địa-thế ở đây.

Đoàn xe xếp hàng một, rẻ vào con đường đất chạy hun-hút về phía Đông.

Đại-úy Cẩm luôn miệng dặn dò : “Hải-Âu phải thật cẩn thận”. Tôi đáp nhận, mà lòng thấy căng thẳng.

Cái làng đầu tiên mà chúng tôi phải chiếm kia rồi. Từ con đường đất rẻ trái, vượt qua một cánh đồng đã gặt khoãng 500m thì đụng hàng tre bìa làng. Theo lệnh, 3 chiếc xe của tôi dàn hàng ngang tấn-công phía trái, và 3 chiếc xe của Chi-đội 1 tấn-công phía phải ngôi làng .

Sáu khẩu đại-liên 50 trên sáu chiếc xe nhả đạn liên-tục đàn áp và chúng tôi từ từ tiến vào. Không thấy địch bắn trả.

Còn cách bìa làng chừng 100m thì Đạt, xạ-thủ đại-liên 50, quay qua tôi, mặt hoảng-hốt chỉ tay về phía trước…! Đến lúc ấy tôi mới thấy có rất nhiều xác lính Địa-Phương-Quân, nằm rải-rác trước đầu xe không xa. Vì mải chăm-chú quan-sát mục-tiêu phía trong, suýt chút nữa là chúng tôi đã cán lên mấy cái xác này. Vừa chạm bìa làng, Bộ-binh tùng-thiết từ trên xe nhảy xuống, xông vào lục-soát.

Không thấy bóng dáng một tên lính CS nào, ngoại trừ những hầm hố còn sót lại. Ở ngôi làng bên cạnh, lính tìm được một ông già trong hầm. Ông già cho biết họ đông lắm, đã rút hết từ nửa đêm. Cụ cũng cho biết, những xác ngoài kia là của một đơn-vị Địa-Phương Quân đã bị tấn-công bất ngờ khi đang tiến vào trong làng. Tiểu-Khu Bình-Định đã mấy lần vào định giải-tỏa và lấy xác, nhưng không thành-công. Sau cùng Tiểu-Khu phải nhờ đến Thiết-giáp chúng tôi.

Một chiếc trực-thăng xà xuống thả toán lính Chung-Sự có nhiệm-vụ thu-hồi tử-sĩ. Mỗi anh trên tay cầm một bó bao ni-lông loại lớn. Những bao đựng xác của Mỹ ngày xưa đã không còn. Thay vào đó Quân-đội phải xử-dụng bao ni-lông làm ở Chợ-Lớn để đựng xác lính.

Tôi hỏi một anh lính Chung-sự khi thấy anh đứng từ xa, dùng một cây tre dài, đẩy đẩy một xác chết.

Anh trả lời : “Thiếu-úy không biết ! Có khi họ gài lựu-đạn dưới xác. Tụi tôi đã bị mấy lần rồi.”

Thì ra cuộc chiến ở đây đã đi đến giai-đoạn quyết-liệt : mắt đổi mắt, răng đổi răng. Ngay cả xác chết cũng được dùng như một cái bẫy để sát hại đối-phương.

Xế chiều, toán Chung-sự cho chúng tôi biết là đã hoàn-tất nhiệm-vụ. Trực-thăng sẽ xuống đưa xác về chi-khu Phù-Cát.

Một lát sau Thiếu-úy Hòa, Chi-đoàn phó, đến gặp tôi cằn-nhằn: “Tụi trực-thăng không chịu chở xác với lý-do đã chảy nước và bốc mùi. Chi-khu nhờ mình mang những xác này về.”

Rồi ông chửi thề : “Lúc nãy tao nghe trên hệ-thống Không-lực, ông Quận-Trưởng hứa sẽ cho tụi nó một thùng Henessy. Đám Không-quân đã nhận lời, mà bây giờ tụi nó bỏ đi.”

Tôi không lạ gì chuyện này, hồi còn là Sĩ-quan phụ-tá Ban 3 cho thiết-đoàn. Lần đó, Quốc lộ 1 bị CS cắt đứt ở đoạn Phù-Mỹ, Chi-đoàn 3/14 nằm ở Tam-Quan, hết xăng và đạn, không tiếp-tế được. Thiết-đoàn xin một chiếc Chinook từ Pleiku xuống để chở tiếp liệu ra Tam-Quan. Lệnh hành-quân xin 3 chuyến. Tôi được cử theo trực-thăng làm sĩ quan liên-lạc. Chuyến đầu tiên hoàn tất tốt đẹp. Viên phi-công trưởng cho tôi biết là phi-cơ bị trục-trặc cần về Pleiku ngay, để giám-định.

Tôi hoảng-hồn, chạy vào gặp Thiết-đoàn trưởng báo cáo. Ông thản-nhiên đưa cho tôi một cái bao thư và bảo trao cho phi-hành đoàn. Anh phi-công bỏ bao thư, đựng đầy tiền, vào túi áo bay, rồi mĩm cười : “Bây giờ mình có thể bay tiếp.” Tôi kể chuyện này với một thằng bạn Không-quân, nó cười nữa đùa, nữa thật : “Tụi tao nhiều đào. Phải làm vậy mới có tiền đi chơi với đào.”

Tôi cho lính biết là mình phải chở những bao ni-lông này về chi-khu Phù-Cát. Tụi nó cằn-nhằn không được vui.

Chiếc xe đối với chúng tôi là cái nhà. Bây giờ bỏ những cái xác này vào trong xe. Nước rĩ xuống thấm vào những thùng đạn đễ dưới sàn. Làm sao chúng tôi ngủ-nghê gì được. Mà cái mùi xác chết này sẻ ở trong xe rất lâu. Có khi đến hai ba tuần.

Nhưng lệnh đã ra thì phải thi-hành. Hơn nữa những xác này là xác anh em đã ngã xuống, không thể bỏ lại được.

Tụi lính có sáng – kiến là hạ tấm bửng nước trước đầu xe xuống, rồi đễ những bọc ni-lông này lên. Và chúng tôi, mổi người dùng một tấm khăn tẩm dầu Nhị-Thiên-đường bịt mũi, trong lúc di-chuyển.

Khi chi-đoàn ra đến quốc lộ thì trời đã choạng-vạng tối. Đám ruồi như đám mây, bay theo đoàn xe, đã biến đâu mất.

Đoàn xe Thiết-giáp lúc đầu khí – thế ngon lành : “Chẻ tre, tre gẫy. Đập ngói, ngói tan”. Bây giờ biến thành đoàn xe chở xác ảm – đạm, thê-lương. Nhảy dù mà đi gác cầu, đóng chốt như Địa-Phương-Quân lâu ngày, nhuệ-khí sẽ giảm đi. Con cọp Biệt – động – Quân bắt nó “ kéo xe ” mãi. Sẽ có ngày nó tưởng nó là con mèo.

Các ông Tướng miền Nam rất yếu kém về vấn đề tâm – lý này. Chỉ thích yến tiệc, ăn chơi , và tranh dành quyền – lực, tiền – bạc. Còn phía bên kia ? Tôi không dám nghĩ xa hơn nữa.

Đại-úy Tấn trong Quân trường đã nói một câu mà tôi nhớ mãi : “Các anh là cấp chỉ-huy tương lai. Các anh phải biết tiên – liệu.” Tôi đã tiên liệu là có ngày mình sẽ phải bỏ xe chạy bộ. Nên luôn dặn anh-em : “Phải thủ một mớ gạo-xấy, cơm khô. Có ngày mình sẽ cần đến.”

Sau khi ghé Chi-khu bỏ xác xuống, chúng tôi mở đèn mắt mèo, chạy hết ga về căn-cứ Trà-Quang. Chi-đoàn dừng lại ở một xóm nhà gần Phù-Mỹ. Nơi có cái giếng. Chúng tôi được một giờ để rửa xe và cơm nước.

Đốc thúc anh em rửa xe sơ-sơ cho bớt mùi hôi xong, tôi ngã người trên chiếc võng đầu óc lung-tung. Hôm nay quả là một ngày dài trong đời.

Bây giờ người vợ lính, với lon Cô-Ca, có lẽ đã biết chồng mình sẽ không bao giờ về nữa. Chúng tôi đã bỏ hơn 20 bao ni-lông xuống chi-khu Phù-Cát. Như vậy phải cần bao nhiêu vành khăn tang lớn, nhỏ để lấp đầy những mất mát hôm nay ?

***

Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình,
Ăn muối đá, mà hăng say chiến đấu,
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu,
Đi hành quân, rượu đế vẫn đem theo,
Mang trong đầu, những ý nghĩ trong veo,
Xem cuộc chiến, như tai trời ách nước,
Nguyễn-bắc-Sơn

***

Đơn-vị vẫn nằm ở căn cứ Trà-Quang, Phù-Mỹ. Một ngày rảnh rỗi, ông Sĩ-quan Địa-phương-Quân quen, người Bình-Định rủ đi chơi : “Tôi đưa ông lại chỗ này chắc ông thích lắm”.

Tôi nghĩ thầm trong đầu, chắc cha này định giới thiệu cô nào cho mình đây. Nhưng không sao, lòng anh chiến-binh xa nhà cũng đang trống trải. Anh ta đưa tôi tới một ngôi chùa cổ, vắng người, rất là thanh-tịnh. Trước cửa chùa có một cây cổ thụ lớn. Có lẽ phải tới hai người ôm. Tôi đứng tần-ngần trước cái cây. Một mùi hương thoảng nhẹ quen thuộc mà tôi không nhớ đã gặp ở đâu.

Anh bạn lúc ấy mới nói : “Đây là cây Ngọc-Lan.”

Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cây Ngọc-Lan lại có thể lớn đến như vậy.

Anh bạn tiếp : “Đây là thành Đồ-Bàn ngày xưa. Tương truyền rằng cây Ngọc-Lan này trồng bởi Huyền-Trân Công-Chúa.”

Tôi đi từ ngạc-nhiên này tới ngạc-nhiên khác: “Như vậy cây Ngọc-Lan này phải tới năm, sáu trăm tuổi ?”

Anh bạn cười : “Tôi nghe kể sao thì nói lại cho anh như vậy.”

Trong suốt lịch-sử Việt-Nam, có hai bà Công-chúa tội-nghiệp nhất là Mỵ-Nương, và Huyền-Trân công-chúa. Vua nhà Trần, vì muốn mở mang bờ cõi, đã gả Huyền-Trân công-chúa cho vua Chiêm là Chế-Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý. Huyền-Trân công-chúa lúc đó mới mười sáu và vua Chiêm thì đã ngoài bốn mươi. Bao nhiêu nước mắt đã rơi xuống khi chiếc thuyền hoa rời Thăng-Long, để xuôi Nam về đất Chiêm.

Bà công-chúa nhà Trần, đã trồng một cây Ngọc-Lan. Và hằng ngày đã ra đây nhìn về phương Bắc, khóc nhớ thương quê nhà. Có phải vì thấm những giọt nước mắt của bà Huyền-Trân, mà cây Ngọc-Lan trở nên bất-tử ? Được vài năm thì vua Chế-Mân băng hà. Theo tục-lệ Chiêm-Thành, bà Huyền-Trân phải bị hỏa-thiêu theo chồng. Vua nhà Trần thương con, sai tướng Trần-khắc-Chân vào giải-cứu. Trần-khắc-Chân đã cứu được bà Huyền-Trân ngay trên giàn hỏa, và đem lên chiến-thuyền ra khơi. Ông tướng đa-tình này không về Thăng-Long, mà lại mang bà Huyền-Trân đến một nơi nào không ai biết.

Dân gian có truyền tụng mấy câu ca-dao, đễ tả sự thống-khổ của bà Huyền-Trân công-chúa :

Tiếc thay cây quế giữa rừng.
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.

Nơi này, mấy trăm năm trước đã là kinh-đô tráng-lệ của vương quốc Chiêm-Thành. Người xưa không còn. Cung điện, thành quách, ngựa xe cũng không còn.

Tất cả chỉ còn lại một ngôi chùa nhỏ khiêm-tốn, vắng-vẻ và trang-nghiêm. Cây Ngọc-Lan cổ thụ tỏa mùi hương dịu-dàng, như nhắc-nhở ta rằng, tất cả mọi thứ trên đời này đều là phù-du, tạm bợ. Đều là ” sắc sắc, không không “.

Cái gì đã làm cho một dân tộc văn-minh và hùng-mạnh như Chiêm-Thành bị tiêu-diệt ?

Anh bạn giải-thích :

“Sau khi Chế-Bồng-Nga, một anh-quân của nước Chiêm qua đời. Chiêm-Thành rơi vào một sự tranh chấp quyền-lực giữa các quí-tộc và từ đó yếu đi. Nếu người Chiêm biết đoàn-kết, thì chưa chắc tổ-tiên chúng ta có thể đánh bại được họ.”

Rồi anh hỏi tôi :

– “Việt-Nam ngày nay bị rơi vào cuộc nội chiến tương-tàn là do một lời nguyền của dân Chàm. Anh có tin như vậy không ?”

Tôi không trả lời anh. Kiến-thức của tôi về Chiêm-Thành còn rất hạn-hẹp.

***

Chi đoàn ra lệnh cho chúng tôi chuẩn-bị hành-quân ở Tam-Quan, một Quận cực Bắc và bất-an nhất của Tiểu-khu Bình-Định. Nếu không có chiến-tranh, Tam-Quan là một nơi hữu-tình, với cát trắng và những rừng dừa thơ-mộng chạy dài ven biển.

Tôi nghe lính tráng kể là ở Tam-Quan, con gái rất dễ thương. Nhưng khi mấy cô mời uống nước dừa thì : “Thiếu-úy, ông phải cẩn thận.”

Thừa lúc mình vô ý, mấy cô sẽ dùng con dao chặt dừa chém xuống đầu mình. Không biết chúng nó có dọa tôi hay không. Nghe cũng thấy ghê-ghê.

Mấy ngày vừa rồi, quân CS tấn-công đồng loạt vào các đồn bót Địa-phương-Quân, phía Đông Tam-Quan.

Chiến-dịch mùa khô 1975 của địch đã bắt đầu. Một Tiểu-đoàn của Trung-đoàn 41, được đưa vào tiếp-viện. Hai bên vẫn giằng co. Bộ-binh cần chúng tôi tiếp sức.

Chi-đội 3 dẩn đầu đoàn xe vào vùng hành-quân. Tam-Quan mìn bẩy rất nhiều, xe đi đầu phải hết sức cẩn-thận đễ tránh thiệt-hại. Chạy sau, mình chỉ cần theo đúng vết xích của xe trước là chắc ăn.

Mấy tháng trước, xe một ông Thiếu-úy đàn anh, Chi đoàn 2/14, bị trúng mìn trong lúc hành quân ở vùng này. Phạm-ngọc-Hùng đi thăm về cho biết ông bị mất cả hai chân.

Bạn gởi một chân ngoài mặt trận,
Đem một chân về với mẹ già,
Mẹ già khóc ngất mờ đôi mắt,
Thương thằng con mất tuổi thanh xuân.
Nguyễn-bắc-Sơn

Chúng tôi vào tới nơi thì trận địa đã tạm lắng dịu. Mục tiêu là một ngôi làng với lũy tre dầy đặc bao quanh. Đám du-kích CS vẫn cố thủ trong làng. Đại-đội Bộ-binh đã xung phong mấy đợt vào làng nhưng đều bị đẩy lui bởi hỏa lực quá mạnh của địch. Bây giờ họ đang bị kẹt ở một khoảng ruộng lúa, cách bìa làng hơn 100m. Tiến không được, mà lui cũng không được. Anh lính nào ngóc đầu cao là bị bắn bể nón sắt ngay.

Chi-đội 2 được lệnh tấn công phía trái, Chi-đội 3 tấn-công bên phải ngôi làng. Đám Bộ-binh sẽ tấn công chính diện. Như mọi lần, chúng tôi vừa bắn, vừa từ-từ tiến vào.

Địch chống trả quyết-liệt. Đám du-kích Tam-Quan biết rất rỏ yếu-điểm của chúng tôi. Thay vì nhắm vào đầu xe, họ nhắm vào cái mặt nạ chắn đạn của cây đại-liên 50. Nếu bắn trúng cái mặt nạ này, toàn thể xa đội sẽ bị sát thương. Mấy quả B-40 phụt ra từ bụi tre trước mặt, bay sát đầu thấy rỏ mồn một. Không hề nao-núng, chi-đội Hải-Au cứ lầm-lủi xông vào.

Khi chúng tôi còn cách bờ làng khoảng 20m thì địch bắt đầu tháo chạy. Từ trên xe tôi thấy rất rỏ mấy cái đầu chạy lúp-xúp dưới giao thông hào. Một cây trung-liên RPD của địch, đặt trên cây dừa từ xa, bắn dữ-dội cầm chân chúng tôi cho đồng bọn rút lui. Thằng Hiến đã thẩy mấy quả M-79 về phia cây dừa, nhưng vẫn không làm câm họng cây súng này được.

Bộ-binh vào đến và bắt đầu truy-kích đám tàn quân CS.

Chúng tôi bố-trí tại chỗ để yểm-trợ cho Bộ-binh làm việc. Sắp đặt canh gác xong, tôi xuống xe đi quan-sát quanh ngôi làng. Vừa qua một xóm nhà, chợt nghe có tiếng gọi : ” Ông ơi, làm ơn giúp tôi. ”

Một chị tóc rối bù và vài đứa trẻ đang lấp-ló, sợ-sệt sau cánh cửa một ngôi nhà. Tôi bước vào sân xem chuyện gì, thì chị bật khóc nức-nở :

– “Ông già tôi bị đạn chết rồi. Đang nằm ở cái hố đằng kia .”

Tôi trấn-an người đàn-bà :

– “Tôi giúp gì được chị ?”

Chị vừa lau nước mắt, vừa kễ :

– “Lúc pháo-binh bắn, ai cũng vô hầm. Ông già đãng-trí, đi lang-thang ngoài xóm, không chạy về kịp. Nhà chỉ còn đàn bà và con nít. Nếu đễ ông nằm ngoài đó qua đêm, sợ bị thú ăn.”

Hầu hết những làng ở Tam-Quan đều có thân-nhân theo CS. Khi chúng tôi đến họ đã rút qua các làng khác. Chỉ có đàn bà, con nít hay người già cả ở lại.

Dù sao đi nữa, giúp chị lúc này là bổn-phận của tôi, người lính Cộng-Hoà.

– “Nếu đem ông già lên thì để đâu bây giờ ?”

Chị chỉ qua bên hông nhà :

– “Từ khi ông già bị bệnh. Gia-đình tôi đã chuẫn bị. Nhờ ông bỏ vào cái hòm bên đó dùm.”

Ông cụ bị trúng đạn pháo-binh và ngã xuống một cái hố sâu tới bụng, cây dại mọc tùm lum. Một mình tôi không đủ sức mang ông ra khỏi hố. Vừa lúc đó thằng Đạt vác một cái bao bố, trong có con heo kêu eng-éc, chạy qua.

Tôi gọi lớn : “Đạt ! Bỏ con heo xuống. Lại đây ngay.”

Đạt nhảy xuống hố, bế ông già lên đưa cho tôi. Ngực cụ bị đạn nát bấy. Chúng tôi đặt ông già vào cái hòm rồi đậy nắp lại. Cụ bây giờ tạm yên rồi. Được gần con, gần cháu mà không sợ bị thú hoang gậm nhấm.

Xong việc, tôi đi kiếm nước rửa tay. Quay lại thì Đạt và con heo đã biến mất.

Đây cũng là một chuyện làm tôi băn-khoăn không ít. Linh mình, Bộ-binh cũng như Thiết-giáp, hành-quân ở Tam-Quan, Bồng-Sơn bắt gà, bắt heo của dân là chuyện bình-thường .

Tôi có hỏi mấy ông Sĩ-quan cấp trên về chuyện này, thì được trả lời :

– “Vùng này là vùng CS. Nếu mình không bắt thì họ cũng đem tiếp-tế cho phía bên kia.” Lâu ngày rồi thành thói quen. Mấy ông lớn đã không quan-tâm đến chuyện này, thì một anh Sĩ-quan hạng bét như tôi làm sao có thể cấm cản được lính.

Chị chủ nhà và mấy đứa nhỏ vừa rồi đã chứng-kiến một điều rất mâu-thuẫn của quân-đội Cộng-Hoà. Ông sĩ-quan trẻ đã giúp chị đem xác ông già về nhà. Và cũng chính ông ta đứng nhìn lính lấy con heo của người dân mà không nói năng gì.

Người Sĩ-quan này không lâu trước đây, trên Vũ-đình-Trường của trường Đồng-Đế đã thề, sẽ vì tổ-quốc Việt-Nam mà phục-vụ bằng tất cả danh-dự và trách-nhiệm. Bây giờ thì danh-dự anh ta đã bị sứt mẻ.

***

Khi tôi đến thì anh du-kích đã yếu lắm rồi. Anh bị một viên đại-liên 50 bắn trúng đùi trong khi rút lui. Người Y-tá đã lắc đầu khi thấy vết thương quá nặng.

Anh nhìn chúng tôi nét mặt đầy sự căm-hờn. Rồi quay đầu về phía hàng dừa tít trong xa, ánh mắt buồn-bã. Chắc nhà của anh trong đó. Sau cùng anh ngữa mặt, bình-thản nhìn những đám mây chậm trôi trên trời. Có lẽ anh biết, những đám mây đó sẽ đưa anh đi một nơi thật xa. Xa lắm.

Tôi bỏ đi, không muốn thấy hình-ảnh quá u-buồn trước mắt.

Chiến-tranh quả là tàn-nhẫn.
Ta bắn trúng ngươi, bởi vì ngươi bạc phước,
Vì căn phần ngươi, xui khiến đó thôi.
Nguyễn-bắc-Sơn

Nguyễn Thế Hồi

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 12 Tháng Bảy 20191:17 CH
Khách
Hoi ky chien truong rat hay cua nguoi si quan tre. TGiong nhu phan song cac si quan tre, tac gia co nhan xet ve cac tuong lanh dao VNCH (Tong Thong, Thu Tuong, Bo Truong, Tong TM Truong, cac tuong dao chanh):
"...Chỉ thích yến tiệc, ăn chơi , và tranh dành quyền – lực, tiền – bạc. "
Phan dong trong hoi ky cua cac si quan tre dao tao sau nay nhu Tran Ngoc Toan (TQLC), Phan Xuan Sinh (SD 1 BB), Phan Duc Minh (QD 1) cac tac gia deu khinh re cac tuong lanh dao VNCH vi ho bat tai, tham nhung, hen nhat, tuong khong dam chet theo thanh. Neu nguoi My dua nhung tuong tre nhu Nguyen Khoa Nam, Le Van Hung, Le Minh Dao, Tran Van Hai, len lanh dao VNCH thi co the VNCH van con anh dung chien dau chong CS lau dai, neu chien dau den thoi ong Reagan len lam Tong Thong thi ho co the danh bai CS. Khi da chien dau cho tu do cua toan dan thi khong buong sung du khong co vien tro My. Cac anh hung Le Loi, Nguyen Thai Hoc, Phan Dinh Phung ngay xua khoi nghia cho tu do cua dan toc khong can vien tro cua ngoai bang thi khong the do loi cho My cat vien tro de khong o lai chien dau den cung. Cac tuong dao chanh tranh gianh quyen luc ngay ngay nghe Quoc ca VNCH " ...Dong long cung di hi sinh tiec gi than song... Mau hien than duoi co..." ma lai tiec than song, khong chiu hien than duoi co, bo quan chay hay dau hang de duoc song? Nhung ke lanh dao tiec mang song, khong chiu hien than duoi co thi khong som thi muon se lam mat nuoc vao tay giac.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn