Còn đâu chỗ quê hương

Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 201711:00 SA(Xem: 6584)
Còn đâu chỗ quê hương

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Tháng Chín 1954, ngôi nhà rộng lớn của nội trở nên trống vắng. Chị vú về quê trên làng Lộc Đại, khách khứa không còn lai vãng, và vườn rau bỏ phế không ai chăm sóc. Cậu Há và thầy Trình đã đưa gia đình di cư vào Nam, thương gia trên phố đóng cửa tiệm đi hết, và cả làng Tam Tòa đạo Thiên Chúa bỏ hết nhà cửa ra đi. Người ở lại trong làng thì thân cũng như sơ đều cố tránh gia đình nội vì sợ liên lụy. Sau nhiều đợt soi mói và lục lạo khắp nơi trong nhà và ngoài vườn, toán cán bộ thưa đến “làm việc”; chúng tôi bớt phải chịu đựng cảnh huống bực bội khó xử – đối diện với kẻ ác ngoài miệng xoen xoét ngọt ngào hơn cả người thân.

Nội im lìm như cái bóng, hết thắp hương lạy bàn thờ lại hút thuốc điếu bình. Trường làng đóng cửa, thằng Gái ở nhà lầm lầm lì lì không trò chuyện với ai. Anh Đồng, người bà con duy nhất còn đến nhà, trở nên ít nói và không ôm vai tôi kể chuyện làng nước xóm giềng như trước. Mỗi ngày mẹ ngóng trông tin cha hầu mong được chỉ nẻo – đi hay ở, và nếu di cư thì vào Nam gặp cha ở đâu – nhưng bặt vô âm tín. Mẹ khóc thầm, hàng đêm khấn vái ơn trên phò hộ ba đứa con thơ.

Sáng hôm ấy trời mưa lất phất, anh Đồng dẫn con Chắt đến. Con bé run rẩy cổi chiếc nón lá rách bươm và cái áo tơi xác xơ trong lúc anh mời nội và mẹ xuống nhà ngang nghe con Chắt kể.

“Con hái rau sau miễuThổ Địa thì thấy mấy ôông vô họp trong nớ – chú Chóp giữ trâu, ôông Rắm kéo xe, anh Cuốc ở đợ nhà ông Đàm, và một ôông không phải người xứ mình là cán bộ cầm đầu. Núp sau hè, con nghe ôông nớ hỏi:

“Vợ chồng tên Đàm biết tội đã tự xử, giờ phải đấu tố ai trước để làm gương cho các đứa ác ôn khác?”.

“Trình đồng chí, làng ta có thằng Phiến và con dâu hắn mụ Thông là địa chủ hút máu nhân dân nhứt hạng. Thằng Thông đi lính làm tay sai cho thực dân”. Anh Cuốc trả lời”.

Giờ tôi mới biết tên của nội là Phiến. Lỡ lời phạm thượng, con Chắt ngừng lại lấy tay che miệng, nhưng nội nói: “Mi tự nhiên kể đi”. Con bé nuốt nước bọt, nhắm mắt ôn lại chuyện xảy ra và tiếp tục:

Ôông cán bộ lưu ý mấy người :

“Đoàn công tác của ta dò biết mụ Thông tàng trữ nhiều vàng bạc nhưng chưa tìm ra nơi chôn giấu. Đừng để nó tẩu tán mà mang tội phí phạm tài sản của nhân dân. Ôông chưởi tục mấy câu rồi hỏi:

“Đã soạn xong bản tội trạng bọn nó chưa?”.

“Thưa đã. Mời đồng chí xem”. Chú Chóp trình tờ giấy.

“Cán bộ gật gù “Được, được...” liên hồi nhưng bỗng la lên:

“Còn một thiếu sót lớn đây. Sao không kê tội thằng Phiến hiếp dâm con Năn vú em rồi giết chết quăng xác xuống giếng?”.

“Nhưng con Năn còn sống sờ sờ, hắn mới xin nghỉ việc về làng tháng trước”. Ôông Rắm không đồng ý.

“Các anh dám chống lại tập thể hả? Tập thể không bao giờ sai, bảo các anh kể tội này ra tất phải có lý do; biết không?”. Cán bộ chỉ mặt mắng.

Ôông Rắm im thin thít. Cán bộ hỏi tiếp:

“Đã chuẩn bị người đứng ra hài tội bọn nó chưa?”.

“Thưa đã có mụ Đình vợ thằng Đồng và cháu nội hắncon Chắt”. Anh Cuốc trả lời.

“Phải buộc tội thằng Phiến đánh đập và hãm hiếp hai bà cháu mụ Đình nữa”. Cán bộ ra lệnh.

“Anh Cuốc phản đối yếu ớt:

“Trình cán bộ, mụ Đình già hơn thằng Phiến mười mấy tuổi còn con Chắt thì chưa đầy mười tuổi, chuyện nớ e không hợp lý”.

“Sao cần phải hợp lý? Trong tay ta có súng là nhân dân đồng ý”. Cán bộ nạt lớn.

“Tới đây con bò ra xa rồi chạy về nhà thưa với ôông con. Con lạy ôông sơ, con lạy mệ cố, con lạy ba ôông, con mà có lòng dạ phản phúc chim ô [gì đâu] thì chừ trời đánh con chết tươi tại đây”.

Từ đầu tới cuối mặt nội không hề đổi sắc. Đỡ con Chắt dậy, nội thở dài nói với anh Đồng: “Mi giúp mẹ Gái nghen”.

Nhìn kỹ ba anh em tôi lần cuối, nội nghẹn ngào dặn mẹ:

“Ráng sống mà lo cho con; Mẹ Gái và mấy đứa không cần chào bọ”.

Nội bước nhanh lên nhà trên, không muốn chúng tôi thấy người rơi nước mắt.

***

Mười lăm phút sau chúng tôi rời khỏi ngôi nhà yêu dấu. Mẹ ẵm thằng Sáng (lúc ấy lên ba), thằng Gái xách chiếc giỏ mẹ dùng đi chợ, anh Đồng khiêng cái rương nhỏ, còn tôi đi tay không lẽo đẽo sau cùng. Anh tôi than phiền:

Răng không kêu xe kéo đi cho mau?”.

“Tụi hắn chừ làm to, lấy ai kéo xe cho mi đi?”. Anh Đồng buồn bã trả lời.

Mẹ bảo anh Đồng đi trước, chúng tôi dừng lại ngồi trước hiên nhà cậu Há, nhà đóng cửa im lìm. Nhà ngoại nằm xéo bên kia đường, mẹ nhìn sang mắt đỏ hoe. Tôi muốn xin phép chạy qua gặp ngoại nhưng không dám nói. Mẹ dặn dò ba anh em tôi hễ ai hỏi thì nói đi vô nhà thương Đồng Hới thăm mệ ngoại đau nặng, bắt lặp đi lặp lại cho đến khi thuộc lòng.

Quả nhiên, lúc gần đến phố, chúng tôi bị một nhóm cán bộ mặc thường phục chặn lại. Họ trông dữ dằn nhưng nói năng lễ phép:

“Chào chị, chẳng hay chị và các em đi đâu?”.

Chúng tôi trả lời trót lọt; họ tin vì chiếc giỏ của mẹ đựng toàn thức ăn. Anh cán bộ đầu sỏ có bộ răng cải mả cười duyên:

“Phải rồi! Bây giờ đã hòa bình, đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc, chị và các cháu tha hồ hưởng”.

Anh ta nhìn mẹ từ đầu đến chân:

“Chính phủ ta còn nghèo, nhân dân cần sự đóng góp của mọi người. Chúng tôi hoan hỉ chấp nhận các món vàng trong người chị”.

“Chúng tôi là nhà nông chân lấm tay bùn, làm gì có vàng mà đóng góp”. Mẹ trả lời cứng cỏi.

“Thế còn chiếc vòng ngọc xanh trên tay chị? Chúng tôi sẽ không cho chị đi thăm bà cụ ốm nếu chị nhất định không đưa ra”. Cán bộ mím môi.

Thằng Gái đặt chiếc giỏ đồ ăn xuống, chống nạnh hai tay:

“Cán bộ làng tui nói “tuần lễ vàng” đã chấm dứt từ lâu rồi, và chính phủ chỉ quyên góp vàng và tiền chớ không nhận đá quý. Có phải anh tính lấy vòng ngọc mẹ tui làm của riêng?”.

Cán bộ giật mình cười giả lả:

“Quả nhiên em đã học tập tốt chính sách của chính phủ. Chuyện quyên góp hoàn toàn tự nguyện, chị và các cháu tự nhiên...”.

Đi một quãng, anh tôi lầm bầm:

“Học tập tốt con c... tau! Mi ngu thì có!”.

Đi mãi đôi chân mỏi nhừ, bàn chân phải hồi nhỏ ngồi sau xe đạp bị thương trở nên nhức nhối, tôi đi khập khiễngvà bước chậm lại. Lưng cõng thằng Sáng, tay xách giỏ đồ ăn để thằng Gái rảnh tay dìu tôi, mặt đỏ gay, mồ hôi lấm tấm trên trán, mẹ mệt lả – tôi biết –b nhưng vẫn luôn miệng khuyến khích:

“Gần tới rồi con, ráng lên kẻo trễ tàu”.

Anh tôi cố chọc cười:

“Đi mau lên, con Cúi chờ mi vô đánh ô làng tề”.

Nhưng tôi không vui nổi, cắn răng chịu đau mạnh dạn sải bước – thương mẹ quá đi!

Đến chiều, tới cửa sông Nhật Lệ, anh Đồng đang ngóng đợi. Trên bãi cát có nhiều người mang quang gánh đồ đạc chờ được bốc lên chiếc tàu hải quân Mỹ đậu ở mé biển. Anh vội vã vác rương và đỡ anh em tôi lên cùng với đám người di cư. Hành khách cuối cùng là chúng tôi vừa lên boong thì tàu nhổ neo chạy.

Thấy tàu đã rời bến, anh Đồng ngẩn người. Mẹ hốt hoảng kêu lên:

“Làm răng... làm răng cho eng ni [anh này] xuống? Có ai giúp eng không?”.

Càng lúc càng ra xa, anh Đồng cuống cuồng chạy tới chạy lui rồi leo lên thành tàu nhảy đại xuống sông. Từ trên boong cao nghễu, tấm thân khẳng khiu rơi xuống bị mặt nước xanh thẫm bên dưới nuốt chửng không một tiếng động.

Anh biến mất trong những làn sóng bạc quanh tàu rồi nổi lên bơi lóp ngóp. Choãi chân đứng trong nước nhìn về phía chúng tôi, một tay bơi một tay đưa lên cao vẫy vẫy một thanh tre ngắn – hình như là cái ống bóc, đồ chơi mấy thằng bạn học trường làng tặng tôi mấy năm trước – anh mang theo chưa kịp đưa. Tôi nhìn theo đến khi anh chỉ còn là một chấm lờ mờ.

Đó là hình ảnh cuối cùng của nơi chôn nhau cắt rún ghi hằn trong ký ức thằng Bé.

Tôi nhớ đến nét mặt buồn thảm của nội rồi tự hỏi ngoại có hay chúng tôi đã ra đi.

“Chỗ quê hương” không “đẹp hơn cả” như trong Quốc văn giáo khoa thư.

Ngày 6 tháng Tư, 2013

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn