Trường Xưa…Kỷ niệm

Thứ Hai, 30 Tháng Mười 20174:20 CH(Xem: 8627)
Trường Xưa…Kỷ niệm

Lê Ngọc Trùng Dương

Màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ
Ở bên kia nhìn trở lại phương này
Gió lay lắt bốn phương trời dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay. (Bùi Giáng )

Description: IMGDescription: IMG

Quê tôi bên bờ sông*  Chợ Gạo.  Người bạn nhỏ cùng trường, Nguyễn Thị Sứ đã viết về quê hương thân mến:

Về quê em,
Chiều nghiêng nắng tắt,
Con sông rộng nước xanh bờ cỏ mướt,
Cảnh mây bay trắng xóa, cõi bềnh bồng .
Về quê em nghe lòng se sắt… 

Thuở thiếu thời, những ngày nghỉ học, tôi thường đi men theo bờ sông, nhìn đám lục bình lá xanh hoa tím theo con nước, bềnh bồng nổi trôi trên dòng sông đục phù sa; tôi tự hỏi ngày mai định mệnh sẽ đưa đẩy đời mình về đâu? …  Như đa số dân chúng trong làng, cha mẹ tôi chuyên về nghề nông.  Những ngày thơ ấu, tôi đã may mắn được mẹ tôi cho đi học trường làng thay vì phải ở nhà phụ giúp gia đình trong công việc đồng áng.

Trường tôi chỉ có hai thầy: Thầy Châu dạy lớp Dự Bị và thầy Dứa dạy Đồng Ấu. Trường sở thật đơn sơ, nền đất, mái dột, không  phên vách để che nắng che mưa.  Các thầy phải vất vả lắm mới duy trì được kỷ luật và dạy dỗ đám học trò thơ dại.  Khi tôi lên học lớp nhì, làng tôi được chính quyền đương thời xây cho ngôi trường mới khang trang, thay thế ngôi trường cũ đã mục nát.   Thầy Trần Quang Hồng dạy chúng tôi lớp nhì, rồi lớp nhất.  Năm cuối cùng, tôi đã xúc động rơi nước mắt khi nhận được phần thưởng cao nhất do thầy trao tặng.  Tôi vẫn nhớ mấy vần thơ dào dạt tình nghĩa của thầy:

Dạ thắm đinh ninh vị quốc tình,
Đôi trăng đâu thỏa nghĩa đồng sinh.
Mày xanh hiếu học tân dân chí…

Thầy Hồng tốt nghiệp trường Sư Phạm, trẻ tuổi, tài cao, hăng say và nhiệt tình trong công vụ.  Học trò của thầy trúng tuyển vào Trung Học Công Lập Chợ Gạo gồm có tôi và các bạn, Thơm, C, Mười, Em, Ngọc, Yến, Bông và Mậu.  Thầy rất hài lòng khi biết rằng tôi là một trong số thí sinh đỗ đầu.  (55 học sinh trúng tuyển trong số 750 thí sinh).
Description: IMG

( Hình chụp thầy hiệu trưởng Quách Đình Mỹ, tác giả ở trần/góc phải, và các bạn cùng lớp mang đất xây nền móng cho trường)

Lớp đệ thất và đệ lục, vì trường sở chưa có, chúng tôi tạm theo học tại trường Tiểu Học Chợ Gạo.  Khi chúng tôi bắt đầu năm đệ ngũ thì ngôi trường mới đã xây cất xong và chúng tôi di chuyển về đó.

Ngôi trường mới tuy nhỏ, chỉ có hai lớp học nhưng rất xinh xắn.  Năm cuối cùng trước khi lìa trường, bạn Phó đã viết đôi dòng:

Mai tôi đi nhớ hoài trường trung học
Chợ Gạo nằm trong biển lúa mênh mông,

Cũng như bạn Đoàn Thế Chương đã ghi lại trong Đặc San Trung Học Chợ Gạo:

Có dịp anh về thăm Chợ Gạo
Ghé lại thăm em một chút nào.
Môi cười duyên dáng nghiêng vành nón,
Thẹn thùng má ửng nét thanh tao.

Giáo sư Huỳnh Thị Hường dạy chúng tôi hai môn, toán và pháp văn.  Cô tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm.  Cô rất trẻ, xinh đẹp, trong sáng như vầng trăng mười sáu. Dáng người mảnh khảnh, quí phái, duyên dáng trong chiếc áo lụa cùng suối tóc thề đen nhánh xõa bờ vai.   Cô thông minh, dịu hiền và tinh khiết như thiên thần trong huyền thoại.   Như gót chân tiên vừa bước xuống thềm đời, cô hăng hái sinh hoạt, hòa đồng cùng đám học trò của mình, tổ chức những buổi đánh bóng bàn có phần thưởng, bơi xuồng trên sông Chợ Gạo, ra đồng ruộng câu cá và nấu ăn ngoài trời.

Vẫn nhớ ba định đề mà cô đã dạy:
Định đề là điều mà nhà khoa học yêu cầu ta chấp nhận.

1/  Định đề Euclide (Pháp):  Từ một điểm ngoài một đường thẳng, ta có thể vẽ một đường thẳng  song song với đường thẳng đó và chỉ một mà thôi.  (Vì không gian theo Euclide là một mặt phẳng).

2/  Định đề Rieman (Đức):  Từ một điểm ở ngoài một đường thẳng ta có thể vẽ được vô số đường  thẳng song song với đường thẳng đó (  Vì theo Rieman, không gian là đường Parabole,  mọi đường thẳng trên Parabole  đều đi về vô cực.  Theo định nghĩa, hai đường thẳng song song là: Hai đường thẳng không bao giờ gặp nhau hay gặp nhau ở vô cực.).

3/  Định đề Lobatchevky (Nga Sô): Từ một điểm ở ngoài một đường thẳng, ta không thể vẽ đường thẳng nào song song với đường thẳng đó .  Vì theo định nghĩa về khối cầu, mọi đường thẳng đều đồng qui ở hai cực.  Không gian mà nhà toán học Lobatchevky yêu cầu ta chấp nhận là một khối cầu.

Về pháp văn, cô trích giảng nhiều tác giả như:  Victor Hugo, Jean- Jacques Rousseau, Paul Valery, Paul Verlaine, René-Sully Prudhomme … nhiều bài từ ba quyển Cours de langue et civilisation franđaise 1, 2, và 3.  Bài thơ Le Vase Brisé  (Bình Vỡ ) của Sully Prudhomme có đoạn như sau:

Le vase où meurt cette verveine
D’un coup d’ évantail fut fêlé;

Sa blessure fine et profonde
Il est brise’, n’ y touchez pas.

Chúng tôi học Việt văn và âm nhạc với thầy Trương văn Hoàng.  Thầy Hoàng có phong cách lịch lãm của một người nghệ sĩ, thầy thích âm nhạc, chơi đàn guitar, và nhiếp ảnh nghệ thuật.  Năm đệ ngũ, thầy có giới thiệu nhiều tác phẩm của nhà văn Chu Tử như:   Yêu, Sống, Ghen, Huyền …  Thầy cũng nói qua với chúng tôi nhiều triết lý hiện đại qua các tác giả như:  Jean Paul Sartre với tác phẩm La Nausée, viết về sự phi lý của đời sống , có quá nhiều điều ta không hiểu, như nhân vật chính đã buồn nôn khi anh ta có điều không hiểu.   Albert Camus  qua các tác phẩm,  L’ Étranger  (Người là kẻ xa lạ với chính mình,  không biết từ đâu đến, sinh ra ở đời không do ý muốn của ta, sống ở đời để  làm gì ? Khi chết sẽ đi về đâu ? );   La Peste  (truyện kể lại  bệnh dịch hạch đã giết chết hết mọi người trong làng kể cả vị bác sĩ.  Triết lý: Nhiều khi, từchối thân phậnhiện hữu để chấp nhận thân phận khác, còn bi đát hơn .Nếu cóvấn đề, chúng ta nên hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề đó.’)  Ngoài ra, chúng tôi còn học Hán văn, Việt văn với thầy Văn và thầy Tôn.  Học toán và hóa học với Thầy Tòng, vạn vật với cô Phước, âm nhạc với thầy Hưng.  Thầy Đàm Ngọc Đạt dạy sử địa.  Thầy Đạt người Bắc, lần đầu tiên gọi tên trả bài, thầy gọi Trần văn Cờ, thấy không có ai trả lời, thầy viết lên bảng  chữ C làm cả lớp cười ầm, thì ra thầy gọi bạn C ! (Thực ra tên bạn là Xê, nhưng viên chức hộ tịch vì sơ suất nên viết là C ).

Mùa nghỉ hè, nhớ thật nhiều thầy cô và các bạn.  Tôi thích nhất là những chiều thứ bảy, nghe các bạn cùng trường:  Kim Ba, Phó, Sáng, và chị Minh Hoàng trình diễn ca nhạc trên đài phát thanh Định Tường.

Dù bụi thời gian có làm mờ đi kỷ niệm, tôi cũng không bao giờ, không baogiờ quên anh 
( Hoàng Trang.).

Giọng hát chị Minh Hoàng dịu dàng trầm ấm, lãng đãng bay đi trong chiều phai nắng mơ hồ.
Năm đệ lục, chị Bạch Cúc rời trường để theo học trường Lê Ngọc Hân.  Chị Kim Anh và bạn Trương Quang Hùng theo cha là quận trưởng Trương Quang An thuyên chuyển đi nơi khác.  Năm đệ ngũ, chị Cúc Ngô lập gia đình.  Sau ngày vu qui, gặp lại bạn bè chị mừng đến rơi lệ.
“Lấy chồng sớm làm gì ?
Để lời ru thêm buồn “  (#)

Description: IMG

(Hình Phó tóc ngắn, Kim Ba đàn guitar)

Cũng trong năm đệ ngũ, lớp chúng tôi có thêm người bạn mới là anh Lê Tấn Tài, biệt tài của anh là  ‘’ học nhảy’’.   Cuối năm đệ ngũ, anh dự thi trung học đệ nhứt cấp và thi đậu.  Sau đó anh được chấp thuận vào học lớp đệ tam trường Nguyễn Đình Chiểu.  Cuối năm đệ tam anh dự thi và đậu tú tài 1, năm sau anh đỗ tú tài 2 ban B.  Anh tiếp tục theo học tại Đại Học Khoa Học  Sài- gòn.  Sau ngày ra trường anh làm giáo sư dạy ở Ban Mê Thuột.  Có tin là sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, một vài năm sau đó, anh và phu nhân là chị Kim Loan (Cựu nữ sinh Lê Ngọc Hân) đã về tùng sự tại tỉnh nhà.  Một người bạn thân thiết khác là anh Đinh văn Tài học cùng lớp bốn năm đầu tại trường quận; sau lên Nguyễn Đình Chiểu anh học ban B.   Anh đậu tú tài và tình nguyện đi học khóa sĩ quan .  Sau ngày du học tại US  Naval Officer Candidate School, năm 1971 trở về, tôi rất đau lòng khi được tin bạn Đinh Văn Tài,  thiếu úy Bộ Binh, và bạn Đoàn Xuân Hòa, trung  úy Thủy Quân Lục Chiến,  hai người bạn anh hùng trẻ tuổi đã liệt oanh vị quốc vong thân!  Gần đây, tôi vô cùng đau xót và thương tiếc khi được tin người bạn trẻ tuổi, tài hoa bạc mệnh Nguyễn Văn Phó, Thiếu úy Cảnh Sát , sau ngày 30/4/1975, đã từ trần.

Lớp đệ tứ là lớp cuối cùng tại trường Chợ Gạo.  Cuối niên học, ai cũng buồn vì mùa khai trường năm sau, thầy cô, bạn bè thân quen biết bao giờ gặp lại ?

Buổi họp mặt chia tay cuối cùng có đông đủ thầy cô và bạn bè.  Phần văn nghệ có các bạn:  Bạn Phó chơi đàn banjo, Kim Ba đệm guitar, Trần Văn Sáng thổi sáo.  Tiểu muội Giáng Ngọc ** diễn ngâm bài thơ Trốn Chạy,

Tôi trốn chạy ôi niềm đau giã biệt
Trái tim hồng xơ xác vết thương đau,
Lệ rưng rưng theo khóe mắt nghẹn ngào
Môi ngừng ngập giã từ nhau lần cuối
Tôi trốn chạy ôi niềm đau tiếc nuối
Giờ nơi nào hai đứa ở hai phương
Tình của tôi vừa đến nửa chặng đường
Chợt gãy đổ sau những lần dang dở …  ( Nguyễn văn Phó)

Giao duyên cùng nhạc phẩm Giọt Buồn Ly Biệt:

Mai xa nhau rồi
Đàn chim về muôn lối
Nắng rưng rưng sầu
Hoa rụng ngẩn ngơ…

Muôn ve kêu sầu
Tiễn  ta về vạn lối…
Rồi gót chinh nhân mình đi với nỗi thương sầu
Gió mây cũng buồn cho giờ kẻ ở người đi … (Nguyễn Văn Phó)

Âm điệu buồn như vấn vương trên từng trang lưu bút chuyền tay.
Đầu năm đệ tam, chúng tôi được chuyển trường đến theo học tại trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu.  Trường sở, khuôn viên rộng rãi, dinh thự  theo lối kiến trúc La Mã, trang nghiêm cổ kính; với những đường nét kỷ hà hài hòa.  Thư viện khang trang với nhiều sách vở.  Phòng  thí nghiệm hiện đại, trong đó có lưu giữ bộ xương của một vị giáo sư người Pháp, khi từ trần đã tặng lại  cho trường để học sinh nghiên cứu khi học về sinh vật học.  Chúng tôi học Pháp văn với một vị thầy mà tôi đã quên tên (Xin lỗi thầy, tôi có điện thoại cho Kim Ba để hỏi tên thầy và vị thầy dạy triết học năm đê tam và đê nhị nhưng hắn không nhớ ra, thành thật tạ lỗi cùng hai thầy). Thầy có dáng cao tương tự như người Pháp, mũi cao, tóc đen và gợn sóng.   Thầy đã dạy chúng tôi các tác giả cổ điển của nền văn học Pháp như Pierre de Ronsard, Franậois de  Malherbe, Franậois de Rabelais … Cám ơn thầy, thầy Phúc và cô Hường (Chợ Gạo) đã trang bị cho tôi kiến thức cần thiết để sau này khai dụng và (get straight A in French) khi theo học và tốt nghiệp tại University of Connecticut.  Trong đặc san NDC-LNH/2000 tôi đã ghi lại hầu hết các thầy cô, bạn bè. tuy nhiên khi đọc lại, vẫn thấy còn thiếu sót và sai lạc.  Tôi cũng xin lỗi thầy Vũ Tuyên, thực ra thầy là giáo sư kinh tế học, không phải là giáo sư sử địa như tôi đã viết, vì chợt nhớ lại lời thầy dạy rằng:  ‘’Khicó nhiều tiền, người ta sẽ mua sắm giầy vớ, quần áo nhiều hơn, hớt tóc nhiều lần hơn, nhờ đó mà nhiều người có công ăn việc làm, dịch vụ phát triển, và kinh tế phát triển.’’

Năm lên đệ nhứt, thầy Nguyễn Phong Châu dạy chúng tôi anh văn sinh ngữ 2.  Nhà thầy trong cư xá giáo sư góc đường Lê Lợi – Thủ Khoa Huân gần Cầu Quây, cách nhà chị Trung không bao xa.  Thầy có vóc dáng phong lưu, tao nhã, tài hoa như Kim Trọng.  Đôi khi chúng tôi gặp thầy đạp xe trên đường đi dạy. Thầy mang kính trắng, trang phục cẩn trọng, và nói năng hòa nhã.  Có lần tôi được thầy gọi trả bài, đứng trước cả lớp nói về mình, về gia đình mình bằng anh ngữ.

Thầy Mân dạy thể dục, dù lớn tuổi, nhưng thầy trông rất tráng kiện và giỏi võ.  Thầy có truyền dạy cho môn sinh vài tuyệt chiêu, đường quyền rất lợi hại, có thể liên tiếp đánh trúng vào ba yếu huyệt làm trọng thương hay giết chết đối phương khi phát động.

Trong phong trào Phục Hưng do bác sĩ Trần Công Trực đề xướng, ban đêm tại trường Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi học thêm toán do thầy Canh giảng dạy, thầy Nghĩa (?) dạy việt văn và bác sĩ Trực phụ trách môn pháp văn.  Thầy Canh, khi có bạn hỏi thầy cố vấn tìm việc, thầy nói rằng:  ‘’Nghề  hớt tóc, nghề giặt ủi, nghề may, nghề đóng giày, nghề thợmộc, thợ hồ…; nghề nào cũng tốt.  Lao tâm lao lực đều đáng trọng như nhau, các em chớ khinh thường những nghề lao động.  Xã hội nào cũng cần những bàn tay đen và những lương tâm trắng.‘’   Dù đời sống đạm bạc, nhưng với tinh thần phục vụ vô vị lợi, các thầy đã  tận tình truyền dạy những kiến thức cần thiết cho các môn sinh.  Ngày nay thầy Trần Quang Minh cũng đang tiếp tục truyền thống, tinh thần thiện nguyện vô vị lợi đó qua nhiệm vụ Hội Trưởng NDC -LNH.  Chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn nghĩa cử của quí thầy.

Năm lên đệ nhị, chị Xuân Mai từ Lê Ngọc Hân sang học với chúng tôi. Thầy Trần Văn Hương  phó tổng thống VNCH về thăm lại trường.  Tướng Lê Minh Đảo, lúc đó là tỉnh trưởng Định Tường nhiều lần vào trường đọc diễn văn và sinh hoạt với học sinh.  Năm 1968  là năm có nhiều biến động lịch sử, chúng tôi tham gia Chương Trình Quân Sự Học Đường,  nhiều bạn lên đường nhập ngũ.

Năm đệ nhất, trường Nguyễn Đình Chiểu được đón tiếp thêm nhiều chị từ Lê Ngọc Hân sang học chung với chúng tôi.  Sự hiện diện của các chị làm lớp chúng tôi thêm phần linh động.  Con đường đến trường, sân trường, và lớp học có thêm nhiều hình ảnh đẹp.

Hình dung lại con đường rộng thênh thang hằng ngày đến trường với hàng me bên đường ngây ngất lá me bay, trên từng bước chân ngoan,

Em đến trường, em nép dưới hàng cây … (1)
Ngoan như cặp vở trên tay
Hiền như những sợi mưa bay cuối mùa
Em về khép nép lời thưa
Nghiêng nghiêng bím tóc, gió lùa xuống vai. (2)

Và giờ chơi trên sân trường,  tóc dài, áo trắng học trò, xôn xao như đàn bướm trắng:

Có những sáng sân trường ngập nắng,
Ta ngẩn ngơ nhìn bóng dáng tiên nga.

Bọn nam sinh chúng tôi càng thêm cẩn trọng, chăm chỉ học hành vì không muốn thua kém những người bạn mới.  Những người bạn xinh đẹp, thông minh và rất trẻ.  Giữa năm đệ nhứt thì chị Phú Quí đi tu.  Trong Đặc San Tuổi Mây Bay do lớp chúng tôi thực hiện, chị Quí có viết bài Nhật Ký Ann Frank.  Anh Hiền ghi lại mấy vần thơ:

Từ dạo nào em thu vừa ghé bến,
Sông xanh này nước mắt bỗng dăng dăng,
Và trên cao mây sầu sao bỗng nặng
Hàng trăng xưa về ủ bóng bên ngàn.

Từ dạo đó sông xanh dài nẻo đợi,
Nước đôi dòng cuồn cuộn ý chờ mong,
Mà cánh én vẫn ngàn năm biền biệt
Cho giọt buồn hoa sóng nở đầy sông

… Sao cố nén mà tim lòng nấc nghẹn,
Sao cố cười mà hờn tủi ngăn ngăn! …

Anh Ba và bạn Hiền khi in báo đã để mực in dính bẩn cả áo chị Trung. Nếu có dịp gặp lại hai bạn nhớ đền chị Trung chiếc áo mới.  Bao giờ về thăm quê hương, mong các bạn đừng quên ghé thăm chị Phú Quí, chị Huỳnh Mai, chị Tường  Vân,  anh Quang và các bạn, các thầy, các cô …, những người còn ở lại phương trời lận đận.  Bạn cùng lớp sống bên Mỹ hiện có: Chị Trung / California.  Chị Phương Quế/ Cali.  Chị Vân Khanh/  Florida.  Anh Nguyễn Phước Hồng /  Cali.  Anh Trần Lê Khải/ Texas.  Anh Nguyễn Văn Ba / Virginia , và tôi/ Texas (Trước đây tôi sống tại Connecticut).  Tuy sống ở Hoa Kỳ, nhưng không dám liên lạc nhiều vì tôn trọng hạnh phúc, sự hài hòa, bình yên trong gia đình các bạn, và vì biết rằng ai cũng tất bật trong cuộc sống để mưu sinh.  Riêng tôi, bao giờ cũng mong tin tức thầy cô và các bạn.  Những người -xưa- nhưng -không- bao- giờ -cũ !  những người có một chỗ đứng đặc biệt trong  trái tim tôi.

Tôi vẫn đợi trên lối mòn dĩ vãng,
Nghe rộn ràng đâu đó tiếng chân quen. (3)

Tôi vẫn thường điện thoại thăm hỏi thầy Thanh, anh Kim Ba; đôi lần liên lạc với chị Trung, thầy Minh.  Riêng với chị Vân Khanh, Phương Quế, và anh Nguyễn Phước Hồng, tôi chỉ được hân hạnh trò chuyện cùng các anh chị duy nhứt một lần.  Mong tin quí thầy cô và các bạn. Mong lắm thay!

Nhiều kỷ niệm êm đềm dưới mái trường xưa, hành lang dài loang bóng thầy cô, tiếng reo vui trò chuyện của bè bạn thân thương,  những tà áo trinh nguyên duyên dáng, cành phượng u hoài, lơ đễnh buông rơi vài cánh hoa lã chã rơi rơi trên sân trường ngập nắng, theo tháng ngày rồi cũng phai quên, trang lưu bút rồi cũng phai màu  mực,

Tôi đi về giữa nước non nầy,
Tìm lại những gì trong lá cây
Có bóng chập chờn đôi cánh thoáng
Có hình nguyên vẹn một bàn tay

Phải chăng thi sĩ Bùi Giáng muốn diễn tả nỗi thất vọng của ông qua những hình ảnh tượng trưng?   Phải chăng lá cây là biểu tượng cho tuổi trẻ, và đôi cánh thoáng là thời gian?  Ông đã tìm về dĩ vãng, thời thanh xuân cũ, nhưng chẳng được gì ngoài đôi cánh thời gian thấp thoáng bay đi với bàn tay đuổi bắt.

Nhưng riêng tôi, nhiều kỷ niệm tuổi học trò, những đóa mai vàng của thời thanh xuân cũ đã không bao giờ chết héo mòn trong huyệt mộ thời gian.  Mà vẫn tiềm sinh, vẫn sống động, huy hoàng, và rực rỡ trong kho tàng ký ức.
Cuối cùng, kiếp người rồi cũng chỉ là hữu thể cô đơn, sống chung với nhau, nhưng chết đi cô độc như một vì sao đơn lẻ.  Ai tài hoa, ai tiết liệt ai đài trang ?Cùng mộtgiấc mơ màng trong vũ trụ. (4).   Hiện tại, tôi và nhiều bạn cùng lớp đã bước qua lứa tuổi năm mươi.  Trong bối cảnh trời đất nửa gần, nửa xa; xin gửi đến quí bạn, thầy cô lời thăm hỏi ân cần và lời chào thân ái.

Xin chào nhau giữa con đường,
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau.  (5).


Ghi Chú:

*Thực ra đó là Kinh Chợ Gạo, nhưng người dân trong làng quen gọi là sông.

** Xin lỗi, không nhớ tên bạn, tạm gọi là tiểu muội Giáng Ngọc.

#  Bài hát Lá Diêu Bông-Thơ Hoàng Cầm.

1/ Thơ Trầm Thụy Du.

2/  Thơ Phạm Thanh Chương.

3/  Thơ Trần Trung Đạo.

4/ Thơ Tản Đà.

5/ Thơ Bùi Giáng.

http://www.bienkhoi.com/so-54/truong-xua.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn