Biển mặn quê hương

Thứ Năm, 11 Tháng Tư 20199:09 CH(Xem: 4827)
Biển mặn quê hương

Câu chuyện bi thảm trên Quốc lộ 7 năm 1975, viết để tặng những em bé Việt Nam thương yêu.

https://i0.wp.com/baotreonline.com/wp-content/uploads/2019/04/bien-man-que-huong.jpg

Chị Trinh tôi mới ngoài hai mươi mấy mà trông chị già háp như gần bốn mươi. Vẻ khắc khổ tội nghiệp che lấp cả nét thanh tú xuân thì của chị. Chị hầu như đã bỏ quên những sửa soạn điểm trang của đàn bà con gái. Chị như không còn biết chị là con gái chưa có chồng. Mặc chiếc áo cũ vá quanh năm, nét mặt trầm buồn ít nói ít cười. Nét hao hao giống mẹ tôi, chị là thác thân của mẹ.

Không biết từ bao giờ, chị Ngọc và tôi đã xem chị như bà mẹ thật sự, nhiều lúc tôi có cảm tưởng chính chị đã sinh ra tôi và chị Ngọc. Chị như sinh ra để làm mẹ dù chưa một ngày làm vợ và quên cả làm con gái; một bà mẹ quá trẻ, hy sinh, chịu đựng. Đảm đang, can đảm. Chị Ngọc mặc dù lớn lên sau chiến tranh vẫn thừa hưởng nét yêu kiều của mẹ tôi, được sự bảo bọc của chị Trinh, chị còn giữ được nét tươi mát, với đôi mắt to trong sáng, dù nghèo khổ vẫn không giấu được nét diễm lệ làm cho mọi người ngưỡng mộ dù quanh năm vất vả chưa bao giờ có được cái áo  mới.

Những năm đọa đày lạc loài trên quê hương gian khổ, chạy từng bữa ăn để nuôi hai em làm cho chị Trinh cằn cỗi và chững chạc, sớm già trước tuổi. Mười bốn tuổi chị đã thay thế cha mẹ bị chết tức tưởi trong lửa đạn để nuôi hai em như là một bà mẹ góa bụa.

Cha mẹ tôi người miền Trung đem nhau lên tận Cao nguyên lập nghiệp. Ba tôi đăng vào lính nghĩa quân vừa để gần nhà giữ xóm làng và giúp đỡ bảo bọc gia đình. Hồi đó mẹ tôi mới bằng chị Trinh bây giờ, ba mẹ tôi rất yêu nhau, gia đình thật ấm cúng.

Tháng Ba1975  trên Cao nguyên với những ngày chiến trận sôi động. Những người lính thượng đã tự động bỏ đơn vị trở về buôn làng của họ. Rồi nghe tin quân đoàn triệt thoái. Ba tôi cũng như những người lính nghĩa quân xấu số khi biết mình bị bỏ lại họ buồn lắm, coi như đã bị tước súng vì cái lệnh quái ác đó. Ba tôi liền nộp trả súng, vội vàng trở về tìm kiếm gia đình. Từng làn sóng người đang tràn đi hoảng loạn, nghe quân đội kéo đi hướng nào là họ chạy theo hướng đó.

Gia đình tôi cũng bám theo họ với tay không chẳng mang theo được gì cả. Mẹ tôi khóc và ba tôi ôm mẹ tôi dỗ dành vừa giục mẹ con tôi phải nhanh chân. Tháng lương cuối cùng ba tôi cũng chưa được lãnh đó là Tháng Ba.

Chúng tôi mới ra khỏi thành phố núi Pleiku đã nghe đằng sau lưng có tiếng súng vẳng theo của bọn cướp loạn ở lại trong thành phố. Rồi những ngày sau đó đã nghe tiếng súng nổ chung quanh đoàn người di tản. Mẹ tôi bồng tôi, ba tôi bồng chị Ngọc chưa đầy sáu tuổi, tay dắt chị Trinh vừa tròn sinh nhật mười bốn tuổi. Nhiều lúc ba tôi phải dìu đỡ ôm kéo mẹ tôi, chung quanh là pháo nổ đạn rơi xác người ngã xuống.

Chúng tôi không biết trời đất đâu là đâu nữa, chỉ cắm đầu chạy bừa lên phía trước, nơi có bóng dáng người lính VNCH và tiếng xe cơ giới gầm rú. Tôi chết điếng người vì sợ không còn biết khóc nữa. Chị Ngọc ôm chặt ba thút thít không dám khóc to. Chị Trinh mặt tái đi nhưng chị không khóc, trời sinh chị có tính gan lì, đường rừng chị vấp ngã nhiều lần nhưng chị chỉ mếu máo vì đau quá.

Quân Bắc Việt tỏ ra quyết tâm bám theo ngăn cản để làm thiệt hại cho quân đội. Quân miền Nam thì không còn tha thiết chiến đấu vì tinh thần bị bỏ rơi và bị quẩn chân vì gia đình và dân chúng đi theo đông quá làm hỗn loạn. Lính và dân lẫn lộn trong cơn mưa pháo dội xuống, chớp sáng chung quanh với xác người gục xuống chết và bị thương không đếm xuể.

Lúc đầu người ta còn giúp đỡ nhau, những người còn lành mạnh đỡ những người bị thương, cuối cùng rồi không còn ai giúp ai được nữa, tất cả đều kiệt sức bò lê ráng tự cứu lấy mình. Tiếng khóc vang rền nhưng rồi  cũng không ai còn sức để kêu khóc nữa, khắp nơi là cõi chết, tiếng rên chìm trong tiếng nổ ì ầm.

Đoàn quân hỗn loạn cố bươn tới thoát khỏi sự bủa vây chết chóc. Quân Bắc cố bám cản như một đàn kiến, vừa la vừa chạy ngù ngờ, chúng bắn vào tất cả hình người di động không phân biệt dân và lính. Đoàn người càng lúc càng tản lạc gục ngã rơi rớt thưa dần. Một trái đạn pháo nổ rất gần đồng thời ba mẹ tôi cùng ngã xuống rồi không dậy nữa. Tôi văng ra một bên hãi hùng nhìn mẹ tôi ba tôi lặng yên như mê ngủ. Trong vài giây ngơ ngác khiếp đảm rồi bỗng nhiên chị Trinh chị Ngọc cùng khóc thét lên nhào tới ôm lấy thân xác ba mẹ tôi với tiếng kêu đứt ruột xé gan. Tôi cũng nhào vô kêu khóc. Không biết là bao lâu rồi có người kêu chúng tôi chạy đi.

Chúng tôi không còn lòng dạ nào để nghe người ta nói gì làm gì. Người ta tán loạn không còn ai để ý đến chúng tôi nữa. Chung quanh chúng tôi không còn ai cả. Bỗng có mấy người lính ở đằng sau chạy lên, họ gỡ tay chị Trinh chị Ngọc khỏi thân thể ba mẹ tôi và bắt phải chạy đi. Họ xách tôi lên lôi ba chị em tôi chạy xa khỏi vùng nổ súng. Một lúc sau khi hoàn hồn dừng lại chúng tôi không còn biết nơi ba mẹ nằm ở đâu nữa. Khắp nơi đều có xác người. Chị Trinh một tay ôm bồng tôi bên hông một tay dắt chị Ngọc vừa bước đi mà mắt chúng tôi vừa ngoái lại nhìn về phía sau như trông đợi tìm kiếm hình bóng ba mẹ, mắt nhòa lệ.

Không biết là đã bao nhiêu ngày vừa đi vừa khóc vừa quay đầu nhìn ngoái lui đằng sau như vậy, lòng tủi buồn mong ngóng mẹ ba. Chị Ngọc cứ kêu hoài mẹ ơi ba ơi dọc đường làm ai thấy cũng mủi lòng tội nghiệp. Đói quá chúng tôi ăn bất cứ gì vớ được; mỗi lần đói quá chúng tôi lại gọi ba mẹ rồi khóc. Chị Trinh ốm yếu như thế nhưng chị cứ nhịn ăn nhường phần ăn cho tôi và chị Ngọc, vừa phải ẵm bồng hai em đi băng qua bao nhiêu rừng già gai góc. Chị có một sức chịu đựng phi thường không biết nhờ phép lạ nào.

Từ sau ngày bỏ xác ba mẹ giữa rừng chị không khóc nữa; chị như chết lặng, bồng em đi trong cơn mơ, quên ăn quên ngủ. Áo chị dính đầy máu loang lổ của ba mẹ không kịp gột rửa. Chị không hề than thở mệt nhọc, nước mắt ráo hoảnh như không hề có cảm giác. Chị bồng tôi bên hông, thay đổi phía, khi thì cõng trên lưng, tay dắt chị Ngọc lần mò xin ăn khiến ai thấy cũng ái ngại cầm lòng không đậu.

Ở một điểm dừng chân, ngang qua một thôn xóm, chúng tôi thấy những người lính miền Nam bị quân miền Bắc bắt dẫn đi từng dọc, trong đó có những người bạn của ba tôi. Khi đi ngang qua họ ném cho chúng tôi túi cơm gạo sấy, có người ném cho cả phong lương khô, có lẽ là của Bắc quân vừa phát cho và họ đã tặng lại cho chúng tôi.

Vừa đói vừa mệt vừa buồn bã nhưng chị Trinh chỉ ăn rất ít, chị nhường cả cho chúng tôi ăn, mặc dù chị đã kiệt sức thấy rõ, chỉ mới mấy ngày trông chị khô hẳn lại. Về phần tôi vẫn vô tư phóng tâm ăn thoải mái, không hề nghĩ đến xem chị đã ăn gì chưa. Chị Ngọc hiểu biết hơn tôi, có lẽ vì chị là con gái nên có ý tứ đến người khác. Đôi lần tôi thấy chị Ngọc cầm miếng bánh ngập ngừng kêu chị Trinh ăn, chị Trinh lắc đầu, rồi chị Ngọc cũng ăn hết miếng bánh. Bao nhiêu ngày la lết lang thang, ba chị em dắt dìu nhau, ngủ bờ ngủ bụi, ăn chực nằm nhờ. Khi vĩnh biệt ba mẹ chúng tôi đi không kịp lục tìm một chút gì của ba mẹ để lại.

Chúng tôi đã ra khỏi vùng chiến trận khi nào cũng không hay; chúng tôi cũng không biết đến tình hình biến chuyển ra sao nữa. Ngày tháng trôi qua chúng tôi vẫn thất thểu lạc lõng không gia đình, không nơi nương tựa. Bây giờ không còn ai chung đường với chúng tôi nữa, những người di tản, có lẽ tất cả họ đều đã đến một nơi nào đó ổn định, chỉ còn chúng tôi vẫn còn lênh đênh không biết về đâu. Chị Trinh bây giờ đã lớn  hơn, nhưng vẻ lam lũ khắc khổ nghèo hèn quá, chúng tôi đều cằn cỗi tội nghiệp như nhau. Dân chúng hình như nghèo quá và lòng từ thiện cũng khô héo. Đời sống quả đã tận cùng khốn khổ và tôi không hiểu nhờ đâu chúng tôi vẫn còn sống sót.

Chúng tôi đã đi xa lắm vùng quê chiến trận của ba mẹ tôi, nhưng chúng tôi không biết về đâu nên vẫn đi mãi cho đến một ngày chúng tôi tới một thị trấn nhỏ vừa rừng vừa biển. Và chúng tôi tạm dừng lại đây, loay hoay dựng một túp lều gần dưới chân cầu để tạm trú.

Nhờ tài đảm đang tháo vát của chị Trinh, chúng tôi có được cuộc sống tạm đắp đổi qua ngày. Rời bỏ cuộc sống lang thang nhưng đói thì vẫn còn đói, nhất là tôi ăn không bao giờ thấy no cả. Hàng xóm của chúng tôi là chú thương phế binh làm nghề bán vé số và một ông già râu tóc bạc phơ không biết làm nghề gì. Chị Trinh hàng ngày làm bánh đem ra chợ bán, một thứ bánh của quê miền Trung rất rẻ tiền và dễ làm. Nhiều ngày bán không hết tối về phải ăn trừ cơm, có khi chúng tôi phải đem biếu chú thương phế binh và ông già, coi như nhờ họ ăn giùm, giữa chúng tôi có qua có lại giúp đỡ nhau như vậy. Chị Ngọc đã biết giúp đỡ chị Trinh hàng ngày.

Dù bao nhiêu năm trôi qua chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh cha mẹ tôi ngã xuống giữa núi rừng Cao nguyên Trường Sơn trong một cuộc truy đuổi của quân Bắc Việt. Thân xác ba mẹ tôi bây giờ chắc chỉ còn là những bộ xương khô giữa rừng già. Mỗi lần nhớ đến chúng tôi lại héo ruột bầm gan, ôm nhau khóc mùi mẫn cho đã thôi mà nỗi buồn như không bao giờ vơi được chút nào. Tôi càng thấy thương chị Trinh và chị Ngọc vì định mệnh phũ phàng đã trùm lên hai cuộc đời con gái ngây thơ non nớt.

Cho đến bây giờ chúng tôi cũng không biết địa danh chỗ ở đó, đó là nỗi ân hận không dứt trong lòng tôi.

TK

Arlington,TX

Trích truyện Biển Mặn Quê Hương của tác giả Trầm Khanh

Nguồn: http://baotreonline.com/bien-man-que-huong/

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 17 Tháng Tư 20191:57 CH
Khách
40 nam sau khi hy sinh hon 1 trieu quan, giet 1 trieu nguoi di tan vuot bien, VN la nuoc bi thut lui khoi cac nuoc tu do. Theo thong ke cua Ngan hang the gioi IMF GDP per capita nam 2018 la 7000 USD, Thai Lan la 18000, Dai Loan la 50000, Nam Han 48000, Nhat va Hong Kong, 60000, Singapore 70000 USD gap 10 lan VN, ma cac nuoc A chau nay khong phai tan nhan giet hang trieu nguoi dan nhu VN.
Tuy TT Thieu ra lenh bo Cao Nguyen ong noi voi tuong Phu bo dan, bo nghia quan, DPQ, canh sat cong chuc o lai nhung quan VNCH di tan khong bo dan, khong bo anh em khong bo dong doi, cho cung di theo. Khac voi nguoi mien Bac ban giet bua bai vao dan, linh mien Nam vi long nhan dao muon cuu dan va anh em binh si ma quan VNCHdi tan bi ket lai cung chet voi nhau. Giong nhu Luu Bi dan quan dan chay khoi quan Tao Thao, quan dan VNCH song chet co nhau.Tha chet nhung khong bo anh em khong bo ban be la cai nghia khi anh hung cua tuong Tat, cac si quan cap Ta , Uy, ha si quan, va quan linh VNCH tai cao nguyen. Chay nha moi ra mat chuot, co vao chon nguy hiem moi thay anh hung.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn