Người về

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai 20176:00 CH(Xem: 8649)
Người về

Miền trung Việt Nam là một dải đất hẹp, một bên là núi, một bên là biển, có nơi, núi lấn sát biển đến độ đường quốc lộ phải chạy dưới chân núi, mấp mé bờ biển, còn xe lửa phải chui vô hầm để qua bên kia núi.

Có một thị trấn nằm sát bờ biển như thế mà núi chỉ cách thị trấn một con sông nhỏ. Bên kia sông là đường xe lửa, bên nầy là quốc lộ cũng là đường phố chính của thị trấn. Một tờ báo quốc tế về du lịch, có bài viết về thị trấn duy nhất trên địa cầu nầy có đường sắt nằm sát bờ biển. Xưa kia, thời Pháp thuộc, thị trấn là tỉnh lỵ, về sau, tỉnh lỵ dời đi, cách đó vài cây số, mở mang rộng lớn, nhà cửa, phố xá tấp nập và thị trấn bị bỏ quên. Muốn xây nhà mới, muốn buôn bán làm ăn, người ta lên tỉnh lỵ, vì thế, những dãy phố cũ kỹ, với mái ngói rêu phong, thấp như những ngôi miếu vẫn còn giữ nguyên như cách đây cả mấy trăm năm. Nhưng đường xe lửa, (bên kia sông) lại thêm nhiều chuyến tàu xuôi ngược, hết tàu suốt (chỉ dừng ở các ga lớn) đến tàu chợ, dừng lại mỗi ga, ồn ào náo nhiệt. Ban đêm những chuyến xe lửa, trước khi ngang qua thị trấn thường kéo một hồi còi từ rất xa, tiếng còi vọng vào núi rền rĩ chưa dứt thì cái đầu tàu đen thùi với hai ngọn đèn như hai con mắt sáng chói ầm ầm chạy qua. Đoàn tàu giống con quái vật, rít lên ken két, như điên cuồng đuổi theo một con mồi vô hình rồi chui tọt vào đường hầm trong núi đằng xa kia, mất dạng.

Ngoài đường phố chính của thị trấn, còn có năm, bảy đường lát đá chạy song song và những đường nhỏ cắt ngang dẫn ra bờ biển, ở đó có những con thuyền nằm phơi mình trên cát trắng chờ những chuyến ra khơi. Những con đường dù nhỏ như đường hẻm cũng được mang tên một danh nhân lịch sử.

nguoi-ve
Bảo Huân

Sau năm 1975, Cộng sản chiếm được miền Nam, đổi tên hầu hết mọi con đường, thay bằng tên những đảng viên Cộng sản đã chết, mà chính cán bộ, đảng viên cũng không biết rõ là ai? Bởi thế mới xảy ra chuyện tìm tên đường cũ của hai ông xa xứ mới về. Hai ông từ Mỹ về Việt Nam, ra miền Trung, vào thị trấn đó, đi tìm người quen. Một ông đi trước, tay cầm cái phong bì cũ, dáo dác tìm số nhà, ông theo sau, râu ria, tóc tai lởm chởm, ngơ ngáo như người mất hồn. Đã gần ba mươi năm rồi, người già hầu như không ra đường, người trẻ thì không biết trước đây có những con đường mang tên (cũ) xa lạ. Rồi cũng có người nhớ ra, chỉ cho họ. Ông đi trước tìm được số nhà, dòm vô, nhưng nhà thấp lại về buổi chiều trời u ám nên chẳng thấy gì. Người đàn bà, trên năm mươi tuổi, ngồi trong nhà nhìn ra, thấy vậy, mới bước ra cửa hỏi “Hình như quý ông tìm ai, phải không ạ?”

Ông ta chìa cái phong bì ra “Tôi tìm người có cái địa chỉ nầy”.

Cô ta cầm phong bì, nheo mắt đọc và nói “Đúng là địa chỉ nhà nầy rồi”.

“Tôi tìm cô Lan, có tên trên phong bì đó!”

Cô ta đưa phong bì gần mắt “Tên mờ quá! Nguyễn Thị Lan. Đó là tên tôi. Quý ông tìm tôi có chuyện gì không ạ?”

Người đàn ông cười, chỉ ông bạn “Ông nầy đi tìm cô Lan. Có phải chị là cô Lan không?”

Cô ta cũng cười “Cô Lan là tôi, nhưng không còn cô nữa mà là bà già”.

Rồi cô ta nhìn người đứng sau lưng ông kia. Cô nhìn chăm chú, mắt mở lớn, vừa ngỡ ngàng vừa như vui mừng. Cô lại cười, giọng thân mật “Anh tìm Lan? Thì có Lan đây. Mời quý anh vô nhà”

Người được hỏi không trả lời, theo bạn bước lên thềm “Mời hai anh ngồi”

Cả hai ngồi xuống tràng kỷ, một loại ghế dài xưa, lên nước đen bóng. Cô ta mở đèn. Ánh sáng chan hòa, soi rõ những câu đối chữ nho nhụ vàng, những cột kèo chạm trổ cầu kỳ, bàn thờ cẩn xà cừ lóng lánh, trên tường treo mấy bức tranh thủy mạc, vẽ cảnh trời nước mơ hồ. Mọi vật đều xưa cũ trong ngôi nhà âm u, ẩm thấp.

Cô ta nói vọng vào nhà trong “Chị Ba cho em miếng nước pha trà”.

Có tiếng trả lời “Chị biết rồi, đang nấu đây”.

Người đàn ông nói “Anh bạn tôi đây, ở tận bên Mỹ mà cứ lang thang khắp tiểu bang Cali. bên đó, tìm cô Lan bên nầy”.

Cô ta ngạc nhiên “Sao kỳ vậy? Cô Lan ở Việt Nam mà tìm ở Mỹ, làm sao gặp được?”

Ông kia, cứ ngồi ngơ ngác nhìn khắp nhà như tìm kiếm vật gì.

Người đàn ông đỡ lời “Nguyên do thì dài lắm, nhưng để tôi tóm tắt cho chị nghe”.

Vừa lúc, một người đàn bà bưng khay trà từ sau nhà đi ra. Bà ta gật đầu chào hai ông khách, để khay trà lên bàn, rót nước vào tách rồi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.

Cô Lan giới thiệu “Đây là chị tôi. Nhà có hai chị em, các cháu, con chị tôi, buôn bán dưới chợ, gần tối mới về. Mời hai anh dùng trà. Xin anh kể tiếp”.

“Vâng. Trước năm 1975, hai đứa tôi là lính, chung một đơn vị của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những ngày cuối cùng của đất nước, ở miền Tây, chúng tôi vẫn còn chiến đấu. Đầu năm 1975, đơn vị chúng tôi phải chận đánh địch từ xa để bảo vệ một thành phố. Chúng tôi cố cầm chân địch để chờ cứu viện. Nhưng pháo yểm trợ, không quân và các đơn vị bạn cũng không thấy! Chúng tôi lùi dần, chỉ còn cố gắng bảo vệ thành phố một cách tuyệt vọng. Chúng tôi bắn hết đạn, đành bỏ chạy theo dân. Ông bạn tôi đây, bị một mảnh đạn pháo vào đầu, ngã gục. Dù nghĩ rằng bạn đã chết nhưng tôi cũng cõng bạn, vượt vòng vây. Chúng tôi xuống thuyền, chạy ra biển. Thuyền ra khơi thì gặp hạm đội Mỹ, bạn tôi được cứu sống, nhưng đầu óc bị tổn thương, khi nhớ khi quên. Qua Mỹ, anh ta sống nhờ trợ cấp xã hội chứ chẳng làm được việc gì. Chúng tôi phân công nhau đến nhà an dưỡng thăm viếng anh ta, đưa đi ăn uống, đến nhà bạn bè chuyện trò. Anh ta được bác sĩ khám bịnh, cho thuốc. Chỉ ít lâu sau là trí nhớ phục hồi. Thấy bịnh tật thuyên giảm nhiều, chúng tôi rủ nhau đến chúc mừng nhưng đến nơi lại thấy anh ta ngồi u sầu. Hỏi. Sao buồn thế? Anh ta bảo nhớ nước Việt Nam Cộng Hòa, nhớ bạn bè, nhớ người yêu. Chúng tôi, ai cũng nhớ nước, nhớ bạn, nhưng sao không khóc? Bác sĩ bảo thần kinh chưa ổn định và nhất là tâm lý dễ xúc động, cứ tiếp tục uống thuốc sẽ trở lại bình thường. Vậy mà anh ta không chịu uống thuốc tiếp, bảo rằng thà quên đi cho bớt đau khổ. Vì thế bịnh càng nặng thêm. Không hiểu sao, từ hai năm nay, anh ta lôi trong túi áo nhà binh, mà anh ta cất kỹ từ mấy chục năm nay, cái phong bì cũ nầy, ra các chợ Việt Nam ở quận Cam, tiểu bang California, gặp ai cũng chìa cái phong bì và hỏi. Có biết nhà cô nầy ở đâu không? Chỉ giùm tôi. Ai cũng cười và nói “Phải về Việt Nam mới tìm ra cô ta. Ở Mỹ làm gì có!” Cứ lang thang ngoài đường, ai cho gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đó, không chịu về nhà an dưỡng. Bịnh ngày càng trầm trọng. Chúng tôi nghĩ, có lẽ cô Lan, tên người trên phong bì đã chết, về bắt hồn anh ta, nên góp tiền, mua vé máy bay cho anh ta về Việt Nam. Tôi có nhiệm vụ hộ tống anh ta đi tìm cái địa chỉ nầy, Không ngờ, cô Lan vẫn còn đây, nhưng anh ta lại không nhớ ra.

Cô vào nhà trong, lên gác, lát sau xuống, tay cầm một xấp thư và cái thẻ học sinh. Cô đưa anh ta cái thẻ học sinh “Anh biết ai đây không? Nhìn kỹ xem!”

Người mất trí cầm cái thẻ học sinh nhìn một lúc, vẻ suy nghĩ nhưng cũng không nói gì. Cô Lan nói với người bịnh “Anh cứ giữ cái thẻ học sinh của em. Em tặng anh. Còn đây là mấy lá thư anh gửi cho em, anh đọc sẽ nhớ ra cô Lan ngày xưa của anh”

Cô trao cho người bịnh một xấp thư  “Anh đọc đi!”

Người bịnh ngước nhìn và lắc đầu.

Cô Lan nói “Anh gửi cho em nhiều thư lắm. Để em đọc lá thư nầy. ‘Trong túi áo anh bao giờ cũng có một tờ giấy trắng, trong một phong bì ghi địa chỉ của em. Nếu anh ngã gục ngoài chiến trường thì đồng đội anh sẽ viết mấy dòng báo tử, ghi ngày giờ, gửi cho em. Chỉ cần mấy giọt nước mắt tiếc thương của em là linh hồn anh sẽ không còn lưu luyến gì ở cõi đời nầy nữa, sẽ siêu thoát’… Anh có biết, lá thư nầy đã khiến em khóc mãi vì lo sợ cho anh. Nó như  lời trăng trối vừa như điềm gở khiến em nghĩ rằng, sau 1975, anh đã chết thật rồi”.

Người bạn cười để không khí bớt ảm đạm “Nhờ sáng kiến đó mới có cái phong bì anh ta để trong áo trận có ghi địa chỉ cô Lan để mà đi tìm. Bây giờ như thế nầy. Việc tìm ra cô Lan coi như xong rồi, vấn đề là làm sao cho anh ta chịu về Mỹ tiếp tục uống thuốc để khỏi bịnh. Hôm trước, tôi nói, không chịu uống thuốc thì tôi không dẫn đi tìm cô Lan, anh ta nghe lời, chịu uống thuốc, nên khá hơn trước nhiều. Nhờ hai chị, với khung cảnh cũ, kể lại chuyện xưa, tên những người thân yêu thời còn trẻ sẽ kích thích, phục hồi phần nào trí nhớ. Nhất là thử hỏi anh ta đã nằm mơ thấy gì, có ai xui khiến anh ta đi tìm cô Lan suốt hai năm nay?”

Người chị nói “Trước đây, thời còn đi học, anh Tần thường đến đây vì là bạn cùng lớp với anh Hai chúng tôi. Anh Hai chúng tôi đã tử trận. Bây giờ chỉ còn anh Tần, chị em tôi coi như người anh. Hôm nay mời hai anh ở lại dùng cơm với gia đình chúng tôi”.

“Cám ơn hai chị, xin cho lần khác”. Rồi quay hỏi người bịnh “Ông biết đường từ khách sạn đến đây không? Lát nữa tôi sẽ dẫn ông đi thăm lại thị trấn nầy, để ông nhận diện nhà cửa, đường sá, ông sẽ đến đúng nhà nầy”.

Người bịnh gật đầu một cách ngớ ngẩn nhưng cũng khiến mọi người vui “Gật đầu là hiểu rồi, biết đường xưa, nhớ ra người cũ rồi”.

Người đàn ông đứng lên “Chúng tôi xin phép cáo từ”.

Người mất trí bước ra mà còn quay đầu nhìn mọi vật trong nhà. Cô Lan cầm tay người bịnh “Anh nhớ đến thăm em nghe. Em chờ! Có lẽ hai anh còn ở đây lâu. Buổi tối, mời hai anh đến dùng cơm với gia đình chúng tôi. Anh Tần thì như người nhà rồi”. “Cám ơn chị. Xin cho anh bạn tôi được đến một mình, vì tôi thì chiều nào cũng đi nhậu với các chiến hữu thương phế binh. Anh bạn tôi, từng sống ở đây, tất biết đường”. Cô Lan thân mật với người bịnh “Anh cứ giữ cái thẻ học sinh của em, tối nào cũng ngắm thì sẽ nhớ ra em”.

Một buổi tối, cô Lan chờ như mọi khi mà không thấy người bịnh đến. Sợ anh ta đi lạc nên cô đi tìm khắp thị trấn. Khi ra bờ sông thì thấy anh ta ngồi trên ghế đá nhìn đăm đăm vào nơi vô tận. Màn đêm như chiếc chăn ấm phủ lên dòng sông. Tiếng sóng vỗ vào bờ, êm, nhẹ và đều đều như hơi thở của một sinh vật đang chìm vào giấc ngủ bình yên. Bên kia bờ sông, thấp thoáng ánh đèn dầu. Giờ đây, dòng sông cũ với những đợt sóng tí tách như vỗ vào ký ức mịt mờ của người bịnh những kỷ niệm xưa.

Cô thì thầm hỏi “Anh đã nhớ ra dòng sông. Anh có nhớ ra em không? Anh có nhớ, ngày anh sắp vào quân trường, một buổi tối, anh và em ngồi ở ghế đá này, anh đã cầm tay em và ngỏ lời yêu em. Anh nói rất nhiều, suốt buổi tối hôm đó, Em chỉ biết ngồi khóc rồi gật đầu và nói “Cho em về”. Anh còn nhớ không? Anh gật đầu đi anh! cho em mừng”

Anh ta vẫn ngồi bất động, mắt vẫn nhìn vào màn đêm mịt mù. Cô nhỏ nhẹ, vỗ về “Mình về kẻo gió lạnh. Về uống chén trà nóng với em rồi bạn anh sẽ đến đón. Đứng lên! Giỏi, em thương!”.

Đã đến ngày hai người phải vô Sài Gòn về Mỹ. Cô dặn người bịnh “Khi nào lên đường, nhớ đến từ giã em. Nghe anh!”.

Một buổi sáng, khoảng năm giờ, trời còn lờ mờ ánh hồng ở chân trời, hai người đàn ông, với ba lô trên lưng như thời còn chinh chiến, đến từ giã cô Lan. Cô ra mở cửa, mời vào nhà. Trong nhà yên tĩnh, thoang thoảng mùi nhang, trầm. Cô mặc áo dài màu lam rộng thùng thình của người tu Phật tại gia. Họ đặt ba lô xuống ghế. Người đàn ông ái ngại “Xin lỗi chị. Chúng tôi đến sớm quá, làm phiền chị”

Cô Lan lắc đầu “Không sao đâu anh. Sáng nào tôi cũng dậy sớm tụng kinh, lễ Phật. Tôi tụng kinh xong rồi. Vả lại, tôi biết, sáng nay, hai anh sẽ ghé từ giã”

Cô rót trà “Mời hai anh dùng trà cho ấm bụng”

Người đàn ông uống xong tách trà, đứng lên nói “Xin phép chị, tôi ra đường đi ngắm thị trấn một lát. Buổi sáng ở đây thật yên tĩnh, hiền hòa…”.

Cô Lan nói “Dạ. Anh Tần mà về ở đây, hy vọng bịnh sẽ thuyên giảm”.

Người đàn ông cười “Mấy bữa nay hăng hái uống thuốc lắm, coi bộ khá hơn nhiều, chịu nghe lời và chuyện trò chút đỉnh. Xin phép chị!”

Anh bạn ra cửa, bước xuống đường. Cô biết đó là cách tránh mặt cho cô và người bạn cũ được tự nhiên trong lúc chia tay. Cô Lan ngồi đối diện, ngập ngừng “Sáng nay anh vào Sài Gòn, mấy hôm nữa là lên máy bay về Mỹ. Anh có nghĩ gì về em không?”

Người bịnh nhìn cô, nhíu mày rồi chỉ tay lên đầu, thở ra và lắc đầu.

Cô Lan cười “Không phải vì anh bị thương trên đầu mà không nhận ra em đâu. Em già quá rồi! Khác xưa rồi”.

Cô trìu mến nhìn người bịnh “Về Mỹ nhớ uống thuốc và đừng ăn uống thất thường. Đừng đi lang thang bên đó tìm em nữa. Em không thể ở gần anh để săn sóc anh. Em ước được anh về đây với em. Anh có muốn về đây với em không?”

Người bịnh yên lặng nhưng hơi chồm người tới, vẻ chăm chú.

Cô nói chậm rãi như thổ lộ tâm sự “Suốt đêm qua, em suy nghĩ mãi, không biết chuyện gì xảy ra khiến anh đi tìm em? Và em đã hiểu ra rồi. Để em kể anh nghe. Từ khi anh không viết thư cho em nữa thì em không biết anh ra sao, nhất là sau năm bảy lăm. Mất nước, quân đội tan rã. Em dọ hỏi khắp nơi mà chẳng được tin tức gì về anh. Tất cả đàn ông đều bị tù cải tạo, ngoài đời cũng chẳng ai dám tiếp xúc, chuyện trò với nhau. Cho đến cách đây hơn hai năm, gặp được một cựu sĩ quan, cũng là tù cải tạo về, em hỏi thăm về anh thì được anh ta kể rằng. Khoảng tháng tư năm 1975, trong một trận đánh, chính mắt anh ta thấy anh ngã gục vì một quả đạn pháo. Em lấy ngày được tin anh mất làm ngày giỗ anh. Em quy y, rước kinh Phật về tụng niệm để cầu xin Đức Phật độ trì cho linh hồn anh được bình an trong vòng tay thương yêu của Ngài. Lần nào tụng kinh xong em cũng van vái, xin đấng Từ Bi đưa vong linh anh về cho em được gặp trong giấc mộng. Em cầu Phật. Em gọi anh. Gọi mãi. Mấy năm nay. Tình yêu của em đã cảm động đến đức Bồ Tát, Ngài đã khiến xui anh đi tìm em. Gặp em, nhưng em không còn xuân sắc nên anh không nhận ra em! Em không có cách nào nối liền dĩ vãng với hiện tại để anh biết, người con gái ngày xưa là em đang ngồi trước mặt anh. Anh vừa thân yêu lại vừa xa lạ. Mấy mươi năm, anh đi chinh chiến, rồi biệt mù tăm tích. Anh có biết. Em vẫn ở vậy, chờ đợi với hy vọng được gặp lại anh. Bây giờ, anh về với em, mà như thế nầy sao?!  Hôm kia, đáng ra là ngày giỗ anh, nhưng anh đã về nên em không còn cúng kiếng gì nữa. Em đã mãn nguyện. Em sẽ tiếp tục tụng kinh, cầu xin Phật Tổ gia ơn cho anh sớm bình phục. Anh cứ giữ cái thẻ học sinh của em để khi nào nhìn đến hình em, tưởng như em đang ở bên anh, anh sẽ không còn cô đơn nữa. Anh và em ở cách nhau quá xa, lại quá lớn tuổi, anh thì bịnh hoạn, e rằng sẽ không còn dịp để gặp lại nhau. Em linh cảm đây là lần cuối chúng ta nhìn thấy nhau, là lần cuối em được ở bên anh dù chỉ trong chốc lát”.

Rồi cô nhìn người bịnh như chờ đợi “Anh nói gì với em đi anh! Thời còn đi học, anh vui tính, nói nhiều lắm… Để em nhắc lại vài kỷ niệm, hy vọng anh sẽ nhận ra em. Năm đó, anh Hai em và anh vào quân trường. Em và các bạn ra sân ga tiễn hai anh. Tiếng còi tàu báo giờ khởi hành làm em khóc nức nở. Sau này hễ nghe tiếng còi tàu là em lại nhớ anh Hai em và anh. Anh gửi thư về, báo ngày về phép, em mừng rỡ ra sân ga đón anh, em lại khóc. Những ngày phép ngắn ngủi nhưng rất hạnh phúc được đi bên anh, vào tiệm cà phê, lang thang ngoài đường phố, trong công viên. Tay em trong tay anh, em vẫn không dám nói yêu anh. Anh gửi cho em biết bao nhiêu lá thư, em trả lời mà cũng không dám nói yêu anh. Bây giờ, em nói “Em yêu anh!” thì anh lại không hiểu em nói gì!”.

Hình ảnh người bịnh nhạt nhòa vì nước mắt. Cô biết, mình đã bất lực! Người mình thương yêu, chờ đợi ngồi đó mà không thể giữ lại được. Người bịnh bỗng ngước lên, nhìn cô đăm đăm. Cô cảm nhận được điều gì đó trong ánh mắt. Như hân hoan, vui mừng, như thất vọng, buồn phiền?! Cô đứng lên, bước tới… bước tới nữa. Mắt anh ta như chạm vào bụng cô. Cô đưa hai tay vuốt mái tóc bờm xờm của anh ta rồi chải ra phía sau. Người bịnh vòng tay ôm cô, úp mặt vào bụng cô. Cô hiểu ý, ép người vào, yên lặng, chờ đợi…

Cô chợt nghe tiếng khóc, nước mắt thấm ướt áo cô. Cả người anh ta run lên, môi mím chặt, cố giữ tiếng nấc, nghẹn trong hơi thở. Ngoài chiến trường, đồng đội ngã gục, anh ta cố giữ bình thản. Nước mất, nhà tan, anh ta cố quên. Bao nhiêu cay đắng, phiền muộn đó, đã bị dồn nén từ bao năm nay, giờ đây, cùng với dòng nước mắt, được dịp tuôn trào theo với mối tình tuyệt vọng.

PTC

http://baotreonline.com/nguoi-ve/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn