Miền phủ đệ

Thứ Tư, 07 Tháng Mười Một 20184:00 CH(Xem: 7389)
Miền phủ đệ

Hơn mười năm trước tôi đưa con trai về Kim Long – Huế, bâng khuâng đứng trước cổng một công trình nằm trong không gian thủ phủ của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Tôi nhắc con chụp ảnh bởi cái đẹp này có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Điều đó chưa xảy ra thì cổng xưa ấy bị phá bỏ, nhường chỗ cho một cổng xi-măng cốt thép thay vì được trùng tu. Theo thời gian và với thực trạng đảo điên các giá trị hẳn nhiều di tích cố đô đã và sẽ cùng chung số phận như thế.

Miền phủ đệ Huế
(Ảnh N.P Bảo Chương, dẫn từ Facebook nhà văn Vĩnh Quyền)

***

Có một phong cách Huế rõ nét và đậm đà, từ áo dài tím Huế, nón bài thơ-tóc thề xứ Huế, bữa cơm Huế, nhà vườn Huế, giọng Huế, ca Huế đến tâm hồn Huế… Dẫu tha hương vẫn dễ nhận ra một người Huế lang bạt giữa đám đông tứ xứ mà không cần phân biệt nhờ thanh giọng “trọ trẹ” đặc hữu. Bởi người ấy thường chăm sóc kỹ nếp ăn nếp mặc dẫu nghèo khó, cử chỉ khoan hòa trầm tư. Và khi đã “lên tiếng”, thế nào cũng hướng tới chuyện cao siêu! Nét Huế ấy, chỉ cần quá một chút là trở thành nhược điểm của Huế: chuộng bề ngoài, nhu nhược, không thực tế.

Trước kia và thậm chí bây giờ, vẫn còn nhiều cô gái ngoại tỉnh sợ làm dâu xứ Huế. Nghĩa là sợ lễ nghi phép tắc, sợ nếp sinh hoạt cầu kỳ đài các, sợ thói đa tình đa mang của mấy “ông Huế”, sợ cái sự thanh bạch, nghèo hàn của Huế và sợ luôn cả mưa Huế dầm dề…

Phong cách Huế dần hình thành qua mấy trăm năm, khởi từ nhà Nguyễn chọn Huế làm đất dựng nghiệp đế. Cuộc sống hậu cung tất nhiên cách biệt, bí hiểm. Nhưng theo lệ triều Nguyễn, đến tuổi 18-20, các hoàng tử, công chúa phải rời Tử cấm thành ra phủ. Chỉ tính riêng vua Minh Mạng với 142 người con (nên chi rượu Minh Mạng thang đến nay còn được sản xuất), đã “ban” cho Huế 142 kiến trúc phủ đệ. Và như thế, hàng trăm phủ đệ của ông hoàng, bà chúa mọc lên ngoài hoàng cung, trong lòng phố thị làng xã, cùng với hàng trăm dinh thự của giới quan lại, trở thành đường truyền trao đổi chất, chất vương giả và chất dân dã, góp một phần quan trọng làm nên hợp chất Huế, phong cách Huế.

Phủ đệ là chỗ ở của các ông hoàng, bà chúa nên thường là hình ảnh thu nhỏ của cung điện và nếp sống hoàng gia. Có trường hợp phủ đệ được nâng cấp thành cung, như cung An Định. Ngày nay, phần lớn du khách chỉ nhìn ngắm cung An Định như một kiến trúc giao thoa hoàn thiện giữa Đông và Tây, một tác phẩm bậc thầy của thời kỳ tân cổ điển. Có lẽ nên ghi nhận thêm ở đây một “đóng góp” của Khải Định, ông vua tầm thường của nhà Nguyễn, khi chủ nhân của kiến trúc này ghi rõ “quan điểm riêng-chung” ngay trên ban-công Khải Tường lâu:

“Năm Nhâm Dần (1902), ta theo lệ ra phủ, chính ở nơi này (…) Mùa thu Đinh Tỵ (1917) ta lấy bổng lộc vua, nhân nền móng ấy, thuê thợ đốc dựng lại (…) Nhất thiết không đụng đến kho nhà nước, bởi vì đây không phải là việc chung”.

Ứng xử không bình thường này đã như một ánh chớp soi rạng vẻ đẹp kiến trúc cung An Định.

Theo quá trình giao tiếp, một phần lễ nghi, kiểu cách từ các phủ đệ tỏa thấm vào tầng lớp viên chức, thị dân và ngược lại những tinh túy trong đời sống của tầng lớp này cũng xâm nhập vào phủ đệ. Rõ nhất là nghệ thuật ẩm thực. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, cung đình có 134 món ăn, đại yến ngoại giao lên tới con số 161. Thế nhưng, năm 1910, bà Trương Thị Bích, vợ công tử Hồng Khẳng, con dâu Tùng Thiện vương, xuất bản cuốn Thực phổ bách thiên, thể thơ, dạy cách chế biến 100 món ăn, trong đó bà chỉ chọn 34 món ăn cung đình, còn lại thuộc về dân dã và có tới 7 loại dưa cà, 14 loại mắm…

Đã có lúc phủ đệ còn mở rộng cổng đón nhận mọi tầng lớp dân chúng: Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính cứ mỗi độ xuân về lại tổ chức chợ, thực chất là hội chợ, ngay trong khuôn viên vương phủ, bên bờ sông Hương. Như cái tên Gia Lạc, là tăng thêm niềm vui, do chính quận vương đặt cho chợ, người ta lũ lượt đến đây không nhằm mục đích mua bán lời lỗ, chỉ cốt “lấy hên” đầu năm và vui chơi là chính với các tiết mục chọi gà, bài chòi, hát bội…

Lấy vườn phủ cho dân họp chợ vui xuân như Định Viễn quận vương là việc làm có một không hai. Còn tụ họp văn nhân xướng họa thi ca là “chuyện thường ngày ở phủ”. Có thể nói ông hoàng, bà chúa nào của triều Nguyễn cũng hay thơ, yêu thơ. Trong đó nổi bật hai đại gia: Tùng Thiện vương Miên Thẩm, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng và Tuy Lý vương Miên Trinh, con trai thứ 11 của vua Minh Mạng.

Tùng Thiện vương dựng Phương Thôn thảo đường làm nơi riêng tiếp bạn thơ. Nhà thơ Trung Quốc Lao Sùng Quang từng là tân khách ở đây, ghi lại cảm nghĩ: “Ái khách cách siêu Tề Mạnh Thường” (mến khách còn hơn cả Mạnh Thường nước Tề). Năm 1850 Tùng Thiện vương thành lập Mạc Vân thi xã, trụ sở đặt tại phủ đệ, được xem là “Hội nhà văn Việt Nam” thời bấy giờ vì quy tụ hầu hết anh tài trong cả nước như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Miên Trinh, Phan Thanh Giản, Nguyễn Hàm Ninh, Hà Tôn Quyền…

Huế là thành phố vườn. Bản thân phủ đệ từng là những nhà vườn mẫu mực nhờ ưu thế tài chính và văn hóa của tầng lớp quý tộc đương thời. Phủ đệ thường có diện tích lý tưởng để bày tạo sinh cảnh: từ 5 trăm đến 5 nghìn mét vuông. Nét chung của vườn phủ là ý thức quần tụ cây quả ba miền Việt Nam. Bên gốc thanh trà đặc sản của Huế có thể là gốc vải từ Bắc bộ vào, gốc chôm chôm từ Nam bộ ra… Khảo sát của các nhà thực vật học cho biết các vườn phủ Huế đã quy tập gần 30 loại hoa, 50 loại cây cảnh, 20 loại cây thuốc, 40 loại cây ăn quả. Bây giờ, thăm qua các vườn phủ còn giữ được hình hài, tôi vẫn có cảm giác những con số trên đã thuộc về quá khứ. Phần lớn con cháu các vương gia đang giữ gìn phủ đệ không đủ điều kiện bảo dưỡng cũng như không đủ tài hoa chăm giữ nét dáng độc đáo của vườn phủ thời vàng son. Mục đích thiết lập một hệ sinh thái nhân văn của vườn phủ xưa giờ ít nhiều đã lệch hướng sang mục đích “kinh tế vườn”. Một vài vườn phủ còn lâm nạn bị chiếm cứ, cắt xén trong những cơn sốt đất.

***

Phủ Tuy Lý vương được công nhận di tích văn hóa quốc gia từ năm 1991. Và từ Festival Huế năm 2000 nhiều phủ đệ trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch. Nữ nhà báo Pháp, Catherine Valabrègue phát biểu: “Khi nào quần thể phủ đệ với giá trị lịch sử văn hóa được phục hồi thì Huế hoàn chỉnh bức tranh cố đô của mình”.

Theo facebook Nhà văn Vĩnh Quyền

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn