Sài Gòn hiếu cổ

Thứ Sáu, 26 Tháng Mười 20189:00 CH(Xem: 5543)
Sài Gòn hiếu cổ

Ở thành phố này, xưa nay luôn có những người giàu có âm thầm chơi đồ cổ, sưu tầm và bày biện nhiều món đồ cổ quý giá trong nhà, không mấy người được thấy bộ sưu tập của họ trừ số ít thân hữu. Ngoài ra, có những người chơi nhỏ lẻ, có trong nhà vài món để ngắm nghía lúc trà dư tửu hậu, thường là giới văn nghệ sĩ… Ví dụ như họa sĩ Nguyễn Văn Rô, ông Ngô Bảo… có bộ sưu tập khá phong phú.

Một số người gốc miền ngoài, vào Nam năm 1954 hoặc trước đó mang theo một số đồ cổ, bày ở nhà, trao đổi cho nhau trong vòng thân hữu khép kín. Hầu hết đó là đồ gia bảo truyền qua các đời, là kỷ vật của những gia đình có gốc gác quan lại xưa kia. Trong nhà, họ trưng bày đồ cổ theo phong cách “cổ đồ” như hồi ở quê hương. Phong cách này sắp xếp một cách trang trọng đồ cổ chung với các vật dụng khác như sập gụ, tủ chưng, tranh. Họ bày biện từ trên xuống dưới: Tranh, kiếm, đàn cổ treo trên tường; chóe xanh trắng, bát điếu, tượng đặt trên đầu tủ; bình vôi, dĩa chưng, bình tu hú, tô,… trong tủ và bộ ấm trà trên sập. Chơi cổ ngoạn kiểu này “quý hồ tinh bất quý hồ đa” chỉ cần vài món chọn lọc, món nào phải ra món đó. Các món được bày trang trọng trên đế gỗ, kệ, tủ xưa, các bình sứ đủ kiểu dáng được cắm thêm hoa, cọ vẽ… để tạo hình.

Sài Gòn hiếu cổ
Bình xanh lam ngọc đời Càn Long, nhà Thanh. Trong bộ ảnh đồ cổ của một gia đình mang vào từ miền bắc. Hoàng Việt (s.t)

Trong sách của mình, cụ Vương có nhắc đến một tiệm bán đồ cổ trên đường Tự Do là tiệm Pháp Vũ (Fa Yue). Nhà nghiên cứu Lý Thân, vài lần đi cùng với cụ đến tiệm này kể với tôi là chủ tiệm là một ông người Tàu Quảng Đông có dáng gầy, cao, miệng ngậm ống điếu, nói sõi tiếng Việt. Tiệm này bán đồ cổ từ lâu đời, có nguồn đồ cổ mua từ Hồng Kông. Một người bạn, nhà ở gần đó, kể là người con trai của ông Pháp Vũ tuy là người Hoa nhưng không cho vào Chợ Lớn học trường Tàu mà là học trường Tây Lasan Taberd. Anh còn kể là đối diện với tiệm Pháp Vũ, bên cạnh tiệm may Tân Tân còn có một tiệm đồ cổ do một người Ấn làm chủ, trong nhà trưng bày lềnh khênh các loại chum chóe. Tiệm này đặc biệt có nuôi hai con chó Bẹc-giê giữ nhà to lớn, con nít đi ngang qua sợ chết khiếp. Tiệm này đến thập niên 1990 vẫn còn, sau đó thì mất hẳn.

Ông Lý Thân và cụ Vương cũng có đến một tiệm gần cầu Kiệu, từ Phú Nhuận qua cầu thì nhìn thấy đường cập theo thành cầu bên phải có dãy phố. Trong dãy phố có một tiệm bán đồ cổ, đầu tường có hàng bông gió hình chữ Vạn.

Trước năm 1975 ở miền Nam, công ty Mê Linh ngoài nghề làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất cũng có sửa đồ cổ. Ông Lý Thân kể năm 1973, ông cùng cụ Vương, họa sĩ Nguyễn Văn Rô đến Trung tâm này nhờ sửa các món gốm sứ cổ bị hư mẻ. Thời gian này, công ty Mê Linh có nhận biên soạn, in một cuốn lịch chủ đề Cổ ngoạn cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, qua mối quen biết với ông L.V.H, đang làm phó Giám đốc ngân hàng cũng sành chơi đồ cổ. Cuốn lịch này là vật phẩm quý, người viết bài này lâu nay cố tìm kiếm nhưng chưa ra.

Mùa hè này, tôi được nghe kể về giới chơi đồ cổ từ họa sĩ Nguyễn Văn Trung, từng là phó giám đốc công ty mỹ nghệ Mê Linh. Ông cùng họa sĩ Nguyễn Văn Minh, giám đốc công ty đều thích sưu tầm cổ ngoạn. Nửa đầu thập niên 1970, ông Trung thường đi với thầy dạy sơn mài của ông là họa sĩ Nguyễn Văn Rô lui tới các cửa hàng đồ cổ nên giao thiệp nhiều với giới chơi đồ cổ lúc đó.

Sài Gòn Hiếu Cổ
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung, cựu phó Giám đốc công ty Mỹ nghệ Mê Linh nổi tiếng trước 1975. Ảnh: Nguyễn Đình

Theo ông, thời nào cũng vậy, người Tàu rất sành sõi chuyện mua bán loại hàng hóa đặc biệt này. Họ giỏi lùng sục đồ cổ trong các gia đình một thời giàu có đang suy tàn trong Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây Nam bộ, mua lại bàn ghế cổ, giường nằm cẩn chạm, bàn đèn thuốc phiện cẩn ốc và đồ sành sứ cổ để bán cho dân sưu tầm. Trong Chợ Lớn, gần cầu Pa-li-kao và nhà hàng Á Đông có một ông Tàu nghiện hút có tiệm bán đồ cổ đủ thứ loại. Gần bến xe Chợ Lớn có anh A Cáo bán nhiều đồ gỗ cẩn chạm rất đẹp.

Ở đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần), đoạn giữa đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám) và đường sắt băng ngang (nay là Nguyễn Thượng Hiền), có hai tiệm đồ cổ: Tiệm thứ nhất của ông Năm Tàu, người Hoa Phước Kiến, trong một con hẻm. Ông bán đủ thứ gốm sứ Tàu, đồ gỗ chạm… Họa sĩ Nguyễn Văn Minh có lần mua được ở đó một chiếc bình sứ xanh trắng thời nhà Minh chuyển sang nhà Thanh, vẽ tích Ngưu Lang – Chức Nữ tuyệt đẹp với dáng tha thướt đi qua cầu, trên không cả trăm con quạ bay qua. Đây là món đồ rất quý hiếm.

Sau một thời gian, xuất hiện tiệm của ông Tư Vĩnh Long, người Triều Châu, ngay mặt tiền đường Trần Quý Cáp gần đó. Không ai biết tên thật của ông là gì, chỉ biết ông thứ Tư và gốc gác dưới Vĩnh Long. Nghe nói ông xuất thân từ nghề mua ve chai dưới miền Tây, sau mua được nhiều món đồ cổ, thấy bán có lời nên chuyển nghề. Đây là một người đàn ông cao gầy, da ngăm đen, lanh lợi, táo bạo, không từ nan vào bất cứ đâu từ nhà dân giàu lẫn nghèo cho đến các nơi thờ phượng để tìm đồ cổ. Nhờ vậy, ông có nhiều món đẹp, cổ, kỳ… khiến dân chơi đồ lắm phen mê mẩn. Ông có đủ các thứ, từ đồ Óc Eo bằng đá, chéo dân tộc Tây Nguyên, tượng tiền Khơ-me với đa số tượng nhỏ. Khách của tiệm rất đông, nhất là khách Tây, Mỹ và từ đó bao nhiêu cổ vật đội nón ra nước ngoài dễ dàng. Nhà sưu tập tranh nổi tiếng H.T.C thường lui tới tiệm này.

Có lần, ông Trung vừa đến tiệm thì đúng lúc Tư Vĩnh Long mang đồ về. Anh ta đưa ra một tượng thần Mặt trời bằng đá thời kỳ tiền Khơ-me bốn tay, cao bốn hay năm tấc rất đẹp, giá khá cao. Ông Trung thích lắm nhưng chần chừ vì nhiều tiền quá. Chủ tiệm bảo là cứ lấy đi, tiền trả sau cũng được. Ông Trung cân nhắc rồi từ chối vì không muốn nợ nần. Ngay sau đó, ông Philippe Franchini, chủ khách sạn Continental bước vào. Nghe giá, ông ta đồng ý mua ngay, móc bóp chồng tiền liền. Ông H.T.C biết chuyện, trách ông Trung: “Ông vừa mất 20 ngàn đô la, có biết không?”. Ông Trung cười, không nghĩ sẽ mua bức tượng đẹp như vậy để bán kiếm lời, còn nếu để chơi thì quá sức. Lâu nay, tính cách của ông là không theo đuổi đam mê bằng mọi giá, chỉ vì thích nghiên cứu kỹ thuật, vẻ đẹp của các món đồ cổ nên sưu tầm.

Ông Tư Vĩnh Long sau này nhờ bán đồ cổ trở nên rất giàu, ra sống ở nước ngoài rồi cuối đời mất tại Việt Nam.

Trên đoạn đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai), góc đường bà Huyện Thanh Quan có vài địa chỉ liên quan đến đồ cổ. Thứ nhất là căn biệt thự ngay góc đường của gia đình một vị giáo sư với bộ sưu tập gốm sứ cổ rất lớn. Gần đó có hai tiệm bán đồ cổ: Tiệm thứ nhất sát bên căn biệt thự nói trên của ông kỹ sư Khuê. Ông này treo bảng “Bleu de Hue”, chuyên bán đồ sứ xanh trắng ký kiểu của triều đình Huế. Khách của ông đa số là người nước ngoài. Cũng trên đường này, cách đó vài căn có nhà của ông Hoàng Lộc, thuộc một đại gia đình có nhiều người mở tiệm bán đồ cổ như cụ Hoàng Đàng ở khu Kho đạn, đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu thuộc quận I), Hoàng Cán có tiệm trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ). Một người nữa tên Trọng cũng gốc Huế bán đồ cổ trên con đường Đinh Tiên hoàng từ Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) gần đường qua Cầu Sắt và một người tên Chánh ở góc đường Phan Thanh Giản – Đinh Tiên Hoàng (sau mở tiệm lớn gần Tòa Đô Chánh, tức Ủy ban nhân dân thành phố sau này). Trong những người Huế bán đồ cổ, người chơi quý cụ Hoàng Đàng vì cụ cởi mở, biết nhiều về đồ cổ, tích tuồng, sẵn sàng trò chuyện với khách.

Sài Gòn Hiếu Cổ
Trưng bày đồ cổ trong nhà. Ảnh: Cuốn sách Vietnam, where East & West meet. Tác giả Do Van Minh – Edizioni Quattro Venti, Rome xuất bản 1962.

Năm 1962, báo Sáng Dội Miền Nam số xuân Nhâm Dần có tường thuật về một cuộc triển lãm cổ vật tư nhân tổ chức trang trọng tại Câu lạc bộ Báo chí Sài Gòn. Tác giả bài tường thuật cho đó là cuộc triển lãm hiếm có, tổ chức trong hai tuần lễ cuối tháng 12 năm 1961. Chủ nhân của bộ sưu tập là ông Nguyễn Văn Trọng (phải chăng là ông Trọng trên đường Phan Thanh Giản?). Triển lãm Tống, Nguyên, Minh… Đồ cổ Việt có đồ nhà Lê, nhà Nguyễn. Trong đó có những món đồ đáng lưu ý như bức Bình phong bốn cánh bằng gỗ cẩn ngọc thạch tạo hình hoa lá, cao 2,3 mét, đời Khanh Hy. Định giá 280 ngàn đồng thời đó; phong sách Kim ngân thời vua Thiệu Trị, nặng 940 grams. Định giá 50 đồng; Bát ngọc hai ngăn đời Hán. Bề ngang 15 phân, chạm từ nguyên khối ngọc. Định giá 50 ngàn đồng. v.v.. Ngoài ra còn có nhiều món đồ bằng ngọc, mã não và nhiều đồ sứ men màu, đồ ngà. Cuộc triển lãm này thu hút người mê cổ ngoạn và thích mỹ thuật đến xem, cả người Việt và người Hoa từ Chợ Lớn. Chủ nhân bộ sưu tập xác định sẽ trích 20 phần trăm tiền bán cổ vật tại triển lãm để giúp đồng bào bị lũ lụt trong năm đó.

Vai trò của những người “lái” trong thị trường đồ cổ rất quan trọng. Nhờ thường đi vào sâu tận hang cùng ngõ hẻm, buôn làng, họ có thể tìm ra những món đồ rất độc, rất xưa. Giới này có người biết đồ nhưng cũng có những người có lời là bán, không phân biệt và không đánh giá đúng giá trị từng món. Từ trước 1975 cho đến tận sau này, bên cạnh các “lái” từ miền Tây lên, còn có giới “lái” từ Bình Định. Người ta cho là ở Bình Định, từ cuối thế kỷ 18 có nhiều binh lính theo nhà Tây Sơn ra Thăng Long đánh nhau với nhà Thanh. Đến khi rời ngũ, về quê, họ mang theo tô chén, dĩa của đất Bắc về dùng, làm quà và lưu truyền trong dòng họ cho đến khi con cháu mang bán cho dân lái.

Đầu năm 2000, tôi thường thấy các bà lái đồ cổ Bình Định vào ngồi ở góc đường Nguyễn Thái Bình – Lê Công Kiều. Họ có giọng nói nặng của vùng núi miền Trung, da ngăm đen. Các bà khoe từng món sứ xanh trắng rất đẹp, màu lam xanh rưng rức trên mặt sứ vẽ cảnh và người trên dĩa trà, có các tích phổ biến như Đạp tuyết tầm mai, Ngũ liễu, Hạc rập…

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Trung, người Bình Định đã mang đồ cổ vào Sài Gòn bán từ rất lâu, thập niên 1960-1970, không chỉ đồ sứ xanh trắng như chung trà, dĩa trà mà còn là tượng Chăm bằng đá, bằng đất nung và bằng vàng. Họ đi xe đò vào Sài Gòn, khi đến nơi thì giở sổ tay ra, dò danh sách tìm số điện thoại những người có máu mặt chơi đồ cổ, gọi đến xem đồ theo thứ tự ưu tiên: người có tiền, người dám chơi mạnh tay, người dặn khi có đồ là gọi. Trong số lái Bình Định đó, có ông Châu thường đưa vào nhiều món đồ đẹp, đồ “độc” (lạ), thường giao dịch với các đại gia giới đồ cổ, trong đó có cụ Vương. Mỗi lần vào Sài Gòn, ông bày đồ ra phòng khách sạn, mời những khách có máu mặt đến và tổ chức “đấu giá” những món đẹp. Ông Trung không phải là mối thường xuyên, nhưng có lần vào năm 1974, đã xảy ra một chuyện đáng nhớ đối với ông khi đi cùng ông H.T.C đến thăm ông Châu vừa vào tại một khách sạn gần chợ Bến Thành. Vào phòng, ông Trung thấy trong góc có một cái bình lùn bị mẻ miệng cao khoảng ba tấc, men xanh trắng, vẽ người và cây chuối có tàu lá rất đẹp. Ông xác định ngay đó là cái bình thời nhà Nguyên (Yuan), rất quý. Ông mê quá, quyết tâm mua cho dù giá cao, nhưng khi hỏi ra mới biết họa sĩ Nguyễn Văn Minh đã muốn mua trước nhưng còn ngại giá lên tới 350 ngàn đồng lúc đó. Ông Trung suy nghĩ rồi quyết định rút lui, gọi điện cho ông Minh khuyên nên mua vì là đồ Nguyên rất quý hiếm. Họa sĩ Nguyễn Văn Minh trở lại mua chiếc bình này. Ông Trung được ông Minh cám ơn rất nhiều nhưng bị H.T.C chê là “quân tử Tàu”. Cái bình này được mang ra nước ngoài năm 1975. Sau này, một lần nữa ông H.T.C trách ông Trung đã bỏ lỡ cái bình quý không mua vì nếu cần ông ấy có thể cho mượn tiền. Ông ấy tiếc giùm vì chiếc bình sau được bán ở New York với giá rất cao.

Sài Gòn Hiếu Cổ
Một món đồ cổ trong bộ ảnh đồ cổ của một gia đình mang vào từ miền bắc. Hoàng Việt (s.t)

Nhờ là người điều hành công ty mỹ nghệ có tiếng, lại thường lui tới giới chơi đồ cổ Sài Gòn, họa sĩ Nguyễn Văn Trung quen biết nhiều người phương Tây, Mỹ làm việc ở đây, ham thích mỹ thuật và đồ cổ. Họ mời ông đến ăn trưa, cùng thưởng lãm những món đồ mới mua về, nhận xét và đánh giá. Ở Sài Gòn lúc đó, người phương Tây và người Mỹ nào thích chơi đồ cổ thường có nhiều sách báo, tài liệu in màu tuyệt đẹp về các món cổ vật quý trên thế giới. Họ quý sách, nhưng có thể cho mượn vài giờ để xem. Ông Trung mang về, mua sẵn một ống kính macro để chụp lại làm tài liệu rồi trả gấp. Trong số những người thích chơi đồ cổ ông quen, có viên lãnh sự làm việc đại sứ quán Mỹ, bà Patricia Wyser. Bà rất quý ông. Đến ngày 24 tháng 4 năm 1975, lúc tình hình chiến sự căng thẳng, bà còn mời ông dùng bữa cơm tối ở một nhà hàng đường Phan Thanh Giản nói chuyện về thú chơi đồ cổ. Trước khi về, bà đưa ông tấm danh thiếp và bảo: “Nếu cần gì thì cứ gặp tôi!”.

Một ngày cuối tháng 4 năm 1975, chiến cuộc dồn dập quanh Sài Gòn. Họa sĩ Nguyễn Văn Trung lo lắng nên đến gặp bà Wyser để hỏi thăm tình hình. Bà bảo: “Tôi có thể giúp ông và gia đình đi Mỹ. Hãy về nhà chuẩn bị ngay mỗi người trong gia đình hai tấm ảnh để làm hồ sơ gấp. Xin đừng lo gì hết và không cần mang theo bất cứ vật dụng gì ngoài những thứ kỷ niệm. Nếu ông thích món đồ cổ nào thì có thể mang theo.”

Về nhà, ông Trung hỏi ý kiến cha mình. Cha của ông bảo: “Tùy các con, thích thì đi, khôn thích thì thôi!”. Cuối cùng, ông quyết định ở lại quê hương, sau đó đi học tập hơn hai năm và cuối cùng cũng định cư ở Mỹ do được người em bảo lãnh.

Phạm Công Luận

(Trích cuốn Sài gòn chuyện đời của phố tập 5)

Phạm Công Luận là tác giả của bộ sách “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” hiện đã xuất bản đến phần V. Từng trang sách về Sài Gòn của ông như chuyến du hành ngược dòng thời gian, đưa độc giả về những nẻo đường Sài Gòn xưa. Đọc sách của ông mới thấm thía rằng những câu chuyện về Sài Gòn xưa sẽ chẳng bao giờ cạn kiệt. Mời độc giả tìm đọc bộ sách tại đây.

Đăng lại từ Facebook Sài Gòn – Chuyện đời của phố

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn