Ký ức vụn của một đứa trẻ trong vùng Kinh Tế Mới

Thứ Năm, 11 Tháng Mười 20181:00 SA(Xem: 6517)
Ký ức vụn của một đứa trẻ trong vùng Kinh Tế Mới

Mình vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đặt chân lên vùng kinh tế mới dù lúc đó mình chỉ bốn tuổi. Một cái nhà tranh không có vách được dựng sẵn, mọi người tá túc tạm ở đó để bắt đầu dựng lên ngôi nhà của riêng mình. Mỗi hộ được chia một sào đất, nông trường vứt cho mỗi gia đình một ít gỗ, tre, tranh. Và cứ vậy từng cái lều được mọi người đổi công nhau dựng lên…

Căn lều của gia đình mình là cái thứ tám trong số hơn hai mươi cái của những gia đình có người là lính Việt Nam Cộng Hoà. Đàn ông đi tù cả, thành quả ấy chủ yếu là do đàn bà và con nít làm ra. Nhà ai dựng xong thì tự dọn về để dành cái chòi tập thể cho những người chưa có.

Ký ức vụn của một đứa trẻ trong vùng Kinh Tế Mới

Nơi lập làng kinh tế mới của gia đình mình là khu rẫy cũ của người dân tộc, ở đó người ta đào cho cả xóm bốn cái giếng nhưng mùa nắng thì không có nước. Mình bắt đầu đi lấy nước từ lúc năm tuổi, chỉ vác nổi một cái canh 4 lít thất tha thất thểu đi bộ.

Điều mình sợ nhất thời ấy là mỗi buổi chiều chạng vạng, khi người lớn đi làm vẫn chưa về. Nhà thì cách xa nhau, vô trong tối om nên những đứa trẻ như mình thường chỉ dám ngồi ngoài cổng để đợi. Niềm vui vỡ oà khi nhìn thấy bóng người lớn về tới. Vì vậy mà cho đến giờ mình không để con cháu phải đợi. Mình không muốn chúng gặp cái cảm giác như mình ngày xưa.

Rồi thế hệ mình lớn dần lên trong đói nghèo, lớn một cách tự nhiên như cái nấm, cây măng.

Ký ức vụn của một đứa trẻ trong vùng Kinh Tế Mới

Học thì đi bộ bốn cây số, về tới nhà thì xắt chuối cho heo, tưới rau, làm cỏ. Mỗi một đứa trẻ sẽ phải làm tất cả những gì mà người lớn đang làm theo phiên bản tuổi tác. Tụi mình cũng vần công cho nhau mỗi vụ mùa, đi đào hầm rác kiếm nhôm đồng bán để may quần áo, hái măng, nhổ nấm để cải thiện bữa ăn, nói chung khi ấy người ta sống theo đúng nghĩa tồn tại bằng mọi giá. Không thể nào kể hết những gì tuổi thơ mình từng phải trải qua.

Winston Churchill từng nói: “Chủ nghĩa tư bản không chia đều sự thịnh vượng, nhưng chủ nghĩa xã hội lại chia đều sự nghèo khổ.” (*) Thế hệ mình là thế hệ cảm nhận rõ nhất điều này. Mình không tin vào chế độ đã giúp mình cảm nhận được điều đó.

Đăng lại có chỉnh sửa từ Facebook Trương Quang Thi

(*) Ghi chú: Câu nói nguyên văn của Winston Churchill là: “The inherent vice of capitalism is the unequal sharing of blessings; the inherent virtue of socialism is the equal sharing of miseries.” Hiểu là: Cái “xấu” vốn có của Chủ nghĩa tư bản là “không chia đều” phúc lành; cái “tốt” vốn có của Chủ nghĩa xã hội là “chia đều” sự khổ đau. Hàm ý châm biếm cùng cụm từ “phúc lành” hay “khổ đau” đặc trưng của niềm tin Cơ đốc giáo khi dịch sang tiếng Việt đã bị thay đổi ý nghĩa. Cần chú ý rằng trong tín ngưỡng phương Tây, “phúc lành” là được Chúa ban cho từng cá nhân, nên việc so sánh có chia đều hay không là vô lý và thể hiện sự đố kỵ nhỏ nhen.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn