Nữ sinh áo tím

Chủ Nhật, 26 Tháng Tám 201811:00 SA(Xem: 6835)
Nữ sinh áo tím

Đọc bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà làm tôi nhớ đến chuyện các nữ sinh Gia Long (sau này là trường trung học Nguyễn Thị Minh Khai), vẫn thường tự hào một thời từng học trường này. Thi sĩ Kiên Giang cũng vậy nhưng ông lại nhớ người con gái năm xưa khi ông lên Sài Gòn viết báo. “Mười năm trước em còn đi học / Áo tím điểm tô đời nữ sinh / Hoa trắng cài duyên trên áo tím / Em là cô gái tuổi băng trinh”.

nu-sinh-ao-tim
Trường Gia Long thuở thập niên 1960 Ảnh: Manhhaiflicks

Bài thơ viết khoảng năm 1955, khi ấy trường Collège de Jeunes Filles Indigènes đã đổi tên trường thành Trường nữ trung học Gia Long và đồng phục áo dài tím trước đó được thay thế bằng áo dài trắng với huy hiệu đoá mai vàng. Hẳn nhà thơ tiếc nuối thuở nữ sinh áo tím của cô gái đất Tây đô (Cần Thơ) cảm hứng viết ra bài thơ dành tặng mối tình đầu và sau này được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc, lại càng khiến công chúng yêu thích, nhất là các nữ sinh từng học trường Gia Long. Từ sau khi giành độc lập từ Pháp, Miền Nam đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy trong các trường do Pháp xây dựng.

Ở giai đoạn này, việc giáo dục văn hoá dành cho nữ giới đã được mở rộng ra nhiều trường ở khắp Sài Gòn Gia Định. Tuy nhiên với ba bốn thập niên trước, vấn đề “nữ quyền” trong giáo dục thời Pháp chỉ giới hạn ở trường Nữ sinh áo tím tọa lạc trên đường Legrand de la Liraye tức Phan Thanh Giản sau này (Điện Biên Phủ hiện nay).

Tài liệu báo Phụ Nữ Tân Văn ngày xưa cho biết về việc xin mở trường Collège de Jeunes Filles Indigènes: “Trước thế kỷ thứ 20, nền giáo dục khoa bảng tại Việt Nam ít quan tâm đến việc giáo dục nữ sinh. Vào năm 1908, một số nhà giáo dục và trí thức Việt Nam khởi ý đề nghị và gửi thư yêu cầu chính quyền địa phương thành lập một ngôi trường đa cấp (mẫu giáo, tiểu học và trung học) dành riêng cho nữ sinh. Đơn thỉnh nguyện được chấp thuận vào năm 1909 nhưng vì không đủ ngân khoản nên việc xây cất chỉ được khởi xướng vào năm 1913”.

nu-sinh-ao-tim3
Ảnh thầy cô dạy tại trường Nữ sinh áo tím, người xách bóp đứng thứ ba bên phải là cô Nguyễn Thị Châu sau này làm hiệu trưởng trường Ảnh: Tài liệu của Tiến sĩ Dương Thanh Bình

Thực ra, vào thời gian đó, tại Đakao và một ít trường học các tỉnh ở Nam kỳ đã có các lớp tiểu học dành cho nữ sinh. Nhưng xét ra việc học dành cho nữ sinh vẫn còn rất thấp ở bậc học trong khi nam sinh lại có đường dễ tiến thân trên con đường học vấn. Ở Sài Gòn, nhiều phụ huynh, đặc biệt các gia đình giàu có cùng nhau ký tên làm đơn thỉnh nguyện kêu gọi chính phủ cho lập trường sơ học cao đẳng cho con gái Annam được tiếp nhận nền giáo dục cao hơn theo từng cấp như nói ở trên.

Mường tượng lại việc mở rộng giáo dục cho nữ sinh vào thời gian đó chắc rầm rộ lắm. Nhiều cuộc kêu gọi quyên góp tiền của đầu tư xây trường của các quan chức, thương nhân, thậm chí dân chúng từ bên Pháp cũng sẵn lòng đóng góp. Cuộc quyên tiền do Tổng đốc Đỗ Hữu Phương làm hội trưởng cùng với mấy bậc tri thức như các ông Nguyễn Văn Mai, Lê Văn Trung, Lê Quang Liêm, Diệp Văn Cương đã thu được kết quả ban đầu khá mỹ mãn. Báo Phụ nữ Tân Văn tổng kết sơ bộ: “Người Tây và người Nam ở Nam kỳ quyên được 25.000$. Mấy làng dưới tỉnh, có hơn 50.000$. Sổ công nho Nam kỳ xuất ra 10.000$. Người Pháp bên Pháp cũng gởi cho 3.000$”.=

Dãy nhà lớp đầu tiên được xây dựng lên bằng số tiền khiêm tốn quyên góp đã là một thành công lớn cho giới trí thức mong muốn dành cho nữ sinh Annam có sự học cao hơn. Thống đốc Roume đã cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng niên học đầu tiên vào năm 1915. Trường mở lớp đồng ấu (tiểu học) cho tới trung học đệ nhất cấp, rồi thi lấy bằng Thành Chung (Diplôme). Nói chung, ai có được văn bằng Thành Chung lúc đó là oách lắm rồi, lại là phụ nữ nữa thì còn ai bằng. Trường còn mở lớp sư phạm dành cho học sinh có bằng Thành Chung, để đào tạo thành giáo viên dạy các lớp tiểu học.

nu-sinh-ao-tim4
Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes (Nữ sinh áo tím năm 1918) Ảnh: Panoramio

Ngày khai giảng, trường vỏn vẹn chỉ có 42 nữ sinh tiểu học. Vị hiệu trưởng đầu tiên là cô Lagrange, người Pháp. Lúc đó, chánh quyền sở tại và ban giám học lấy làm lo ngại sợ nhà trường không có thu hút được nhiều học sinh. Nhờ báo chí vận động kêu gọi phụ huynh khắp nơi cho con gái đến trường được chăm lo giáo dục chu đáo. Học sinh ngoài Sài Gòn được ăn ở nội trú trong trường, được học nữ công gia chánh nên số học sinh mỗi năm tăng dần.

Phụ nữ Tân Văn năm 1926 viết: “Năm sau 1916, Trường Nữ học được 157 trò. Năm 1920 được 215 trò. Cứ tiến như thế mỗi năm cho đến số 400. Hiện nay trong trường học sinh ở trong và ở ngoài còn được lối ba trăm mấy. Lúc bấy giờ thấy rõ phụ nữ Annam “thèm” sự học như người đói khao khát, mới cất thêm lớp, thêm nhà cho số học sinh ở luôn tại trường. Mỗi năm, trường Nữ học phát ra vài chục nữ sinh tốt nghiệp. Đến nay số nữ giáo viên tốt nghiệp từ Nữ học đường mà ra có đến hai trăm mấy. Ấy là chưa kể mấy cô giáo sơ học. Các chị em học trường này đang trông mong nơi Hội cựu học sinh Nữ học đường để làm một cơ quan chung cho mấy trăm người”.

Tuy nhiên, thời gian sau, trường không đủ kinh phí nên không đào tạo các lớp sư phạm nữa mà chỉ chuyên giảng dạy bậc học phổ thông từ tiểu học đến trung học. Cho đến năm 1954, trường chỉ nhận học sinh đệ nhất cấp, những học sinh muốn vào trường phải qua kỳ thi tuyển. Chuyện trường không đào tạo sơ học như ngày trước nữa là do khoảng thập niên 1950, các trường học công lập hoặc tư thục khắp nơi ở Sài Gòn bắt đầu mở các lớp tiểu học. Nhiều tầng lớp phụ huynh ý thức được cho con gái đi học mở mang kiến thức và tạo nền tảng theo học bậc cao hơn. Do đó số học sinh nữ tăng nhanh khiến ngành giáo dục phân cấp các lớp học lại cho phù hợp thời cuộc.

nu-sinh-ao-tim2
Lớp học thêu của trường Collège de Jeunes Filles Indigènes Ảnh: Manhhaiflicks

Cũng nên nhắc lại một chút về trường Nữ sinh áo tím cũng như một số trường học khác ở Sài Gòn vào thời gian quân Nhật chiếm đóng khi bắt đầu cuộc chiến tranh Đông Dương vào thời Đệ nhị Thế chiến. Các lớp học phải chuyển qua dạy tạm bên trường tiểu học Đồ Chiểu ở Tân Định. Đây là khoảng thời gian nữ sinh áo tím bỏ học rất nhiều do quân Nhật chiếm trường từ mùa hè 1940 cho đến khi quân Nhật đầu hàng đồng minh, sau đó quân Anh vào giải giáp quân Nhật, lại dùng nhà trường làm trại lính cho đến năm 1947. Trường không được bảo trì, hư hại  trầm trọng.

Hai năm sau, trường được chỉnh trang và xây mới thêm dãy lớp hai tầng dọc theo đường Bà Huyện Thanh Quan. Học sinh ghi danh vào học rất đông. Cũng chính trong năm này, một nữ giáo sư Việt được cất nhắc chuẩn bị làm hiệu trưởng trường Nữ sinh áo tím. Sang năm học mới 1950, cô Nguyễn Thị Châu chính thức nhậm chức thay cho vị hiệu trưởng người Pháp là cô Malleret. Cô Nguyễn Thị Châu không chỉ là nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường mà còn là nữ hiệu trưởng trường trung học đầu tiên của cả miền Nam bấy giờ.

Xuất thân trong một gia đình quan lại, cha cô là quan huyện Nguyễn Định Trị, sau làm nghị viên thành phố Sài Gòn. Ông cũng chính là “ông bầu” của đội bóng tròn Ngôi sao Gia Định đình đám một thời. Cô còn có một người em gái tên Nguyễn Thị Kiêm nổi tiếng đấu tranh cho nữ quyền và là nhà thơ và là ký giả nữ đầu tiên của làng báo chí Sài Gòn với bút hiệu Manh Manh.

nu-sinh-ao-tim1
Trường Gia Long dùng làm điểm bỏ phiếu bầu cử tổng thống đầu thập niên 1970 Ảnh: Manhhaiflicks

Cuộc đời và sự nghiệp của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Châu còn rất dài và rất ly kỳ, tôi sẽ nói ở một bài viết khác. Người đương thời lúc đó còn biết cô còn giữ trọng trách Tổng thư ký của Uỷ hội Quốc gia UNESCO Việt Nam. Và là nữ Đại biểu đầu tiên của Việt Nam dự Hội Nghị Pan-Pacific and South East Asia Women’s Association (PPSEAWA) lần thứ 7 thảo luận về vấn đề phát triển nữ quyền tổ chức ở Manila, Philippines năm 1955. Sau năm 1975 cô sang Pháp định cư tại Montpelier và mất năm 1996, thọ 84 tuổi.

Một người bạn nữ đồng nghiệp lớn tuổi của tôi khi nghe tôi hỏi chuyện về trường Nữ Trung học Gia Long rất thích thú, cứ nhẩn nha lời hát: “Tôi yêu màu áo tím Gia Long / Tôi yêu trường mái ngói rêu phong / Tôi yêu bạn bè xưa thân ái / Và ghi ơn thầy cô giúp tôi nên người…”. Chị bạn từng là học sinh Gia Long năm 1971 tự hào cũng phải thôi vì lúc đó, có tới  khoảng tám ngàn thí sinh nhưng chỉ có tám trăm thi đậu.

Vào được Trung học Gia Long còn khó hơn thi vào đại học.

TN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn