Ngõ nhỏ phố nhỏ

Chủ Nhật, 12 Tháng Tám 20182:00 CH(Xem: 5645)
Ngõ nhỏ phố nhỏ

Tôi rồi cũng dần quen với những cơn nắng váng đầu của Hà Nội. Thế nhưng “thời trang vẫn cao hơn thời tiết” nên cái áo chống nắng hay cái khẩu trang chống bụi vẫn chưa thể dính chặt vào người. Hà Nội cần mưa như cần tự do. Những đợt nắng gay gắt chỉ kéo dài vài tuần rồi là lúc của những trận mưa rào cũng chỉ làm dịu đi hơi nóng trên những mặt đường hầm hập. Thời tiết ẩm ương nên Hà Nội luôn dễ rêu phong.

Một ngày với trận mưa rào rũ lá hiếm hoi. Và đây là cách tận hưởng cuộc sống theo thời của giới teen Hà thành. Thời của Facebook và Instagram thay cho trà sữa và báo Mực tím.

Mưa là dừng lại. Mưa để suy ngẫm. Việt Nam đang rất cần những điều này!

ngo-nho-pho-nho7

Thực tập viên “tạo mẫu tóc” dưới chân gầm cầu đường Láng. Cái không khí sôi động của kiểu “salon vỉa hè” thu hút khá nhiều lượng khách lao động hay sinh viên nghèo.  Ghế không đệm, không kiếng soi, số phận của những cái đầu tóc ở đây phụ thuộc vào cây tông đơ, cái kéo nhỏ từ những đôi bàn tay lọng cọng tuổi nghề, nhưng đầy tẩn mẩn. “Dã ngoại thực hành” là tiêu chí “giảm chi tiêu” của những trường dạy nghề tóc ở Hà Nội. Thực tập trên “đầu canh” hay mannequin thì tốn khá tiền nên thực tập viên trước kia thường dùng những cái “đầu ken” của các em học trò tiểu học. Giờ đây thì đến cả phụ huynh cũng từ chối cách thực nghiệm miễn phí trên những cái đầu tóc của con em mình.

“Salon vỉa hè” lại là chuyện khác, vì chẳng mấy ai màng đến những đường lướt tông đơ cùi bắp vằn vện đến sần đỏ trên những  đường chấn tóc mai. Tiêu chí ở đây là xấu/đẹp chẳng quan tâm, miễn mát mẻ và miễn phí!

ngo-nho-pho-nho6

Tiệm Phở Thìn có từ lâu đời sát mép Hồ Gươm và cũng nằm trong sự lựa chọn của Trip Advisor’s. Nó nằm ngay bên tay trái của con ngõ, khuất sau tiệm bán đồ giải khát của bà cụ già. Trong con ngõ này, đi sâu vào bên trong còn có thể thấy cả một khu vệ sinh công cộng còn tồn tại từ thời bao cấp với tường vàng, cửa gỗ xanh chia ra những buồng vệ sinh san sát.

ngo-nho-pho-nho5

Ngôi nhà xưa trong ngõ đường Âu Cơ của họa sĩ Đinh Lực. Vẫn phong lưu của người Hà Nội xưa. Vườn nhà nhỏ với nhiều chậu cây cảnh, cũng vẫn đủ loại nồi niêu lu nước của thôn quê làng mạc cũ. Họa sĩ Đinh Lực ở tại tư gia. Ông là trong số ít hiếm hoi còn làm tranh khắc gỗ ở Hà Nội. Từng triển lãm tranh ở Pháp, Mỹ, Úc, Nhật và chấm thi triển lãm hội họa quốc tế ở Nhật. Một con người khá trực tính nhưng lại khá niềm nở. Tranh của ông đều có nét trầm của không gian xưa cũ. Cái chốn của ông vẫn cứ vậy, ẩn mình trong một con ngõ nhỏ của con đường Âu Cơ, mảnh đất của gia tộc từ xưa để.

ngo-nho-pho-nho4

Nếu may mắn bạn sẽ gặp một ngôi nhà thực sự thuộc về di sản thế này ở thế kỷ 21 ở Hà Nội. Tiệm bán khóa với bù lon, đinh vít đã hoen rỉ. Cửa sổ bằng gỗ xếp dọc theo từng ván màu nâu từ thế kỷ 19. Cặp vợ chồng già vẫn tằn tiện hàng ngày mở cái tiệm làm khóa ngay ở con phố Hàng Phèn. Du khách thì cứ hay ngang qua đây chĩa máy hình vào khiến gia chủ cảm thấy vô cùng khó chịu và trở nên cáu bẳn. Phương tiện đi lại của vợ chồng già này là một chiếc xe đạp cũ kỹ mà giờ có bỏ không cũng chẳng ai thèm lấy. Dẫu chỉ cần phẩy tay bán cái tiệm mặt tiền này ngay trong Phố Cổ là dư tiền sắm biệt thự. Nhưng dường như họ chẳng màng, cũng chẳng buồn cho thuê kiếm dăm trục triệu một tháng mà sống phong lưu. Hàng ngày, cứ lay lắt mà bình an như ngọn đèn trước gió. Họ là những kẻ khó thích nghi, chịu o ép với thời cuộc hiếm hoi mà tôi gặp ở mảnh đất mà mọi thứ chỉ chực chồm ra, ngay cả khi đèn đỏ chưa kịp chuyển xanh!

ngo-nho-pho-nho3

Trưa oi ả, bác xe ôm “tranh thủ quãng nghỉ” ngồi xổm chân đất, đọc báo ngay lề đường. Phía sau lưng là phố sách Hà Nội ở chợ Âm phủ cũ mà giới trẻ Hà thành thường check in để selfie, bên đối diện là cổng sau Thư viện quốc gia mang vẻ tịch liêu. Chẳng hiểu cái kiếp xe ôm như bác sẽ thọ bao lâu khi Uber, Grab của đám thanh niên dần xâm lấn hết cái thị trường còm cõi này. Công nghệ thông tin đã thay đổi tất cả, kể cả thói quen người đọc. Các sạp báo vỉa hè tưởng đã lao đao dần mất hết thị phần bởi báo mạng. Những tờ báo lá cải giàu nội dung cướp -giết- hiếp lại sống khỏe như An ninh Thế giới…, những tờ được coi là chính chuyên như Văn nghệ thì lại thoi thóp.

Những góc chuyên bán báo giấy như đầu đường Lý Thường Kiệt – Phan Chu Trinh, hội sở của Thông tấn xã Việt Nam giờ chỉ còn hai ba tiệm. Góc Bông Nhuộm – Hỏa Lò cũng chẳng khá hơn. Cái thuở mà mọi người mặc áo cán binh tụ tập lố nhố xem báo tường, đến cái thời báo giấy lan khắp ngả và giờ hầu hết đều đọc online trên smartphone.

ngo-nho-pho-nho2

Tôi ở quán Docker’s Natura. Một quán bar của du khách phương Tây. Nó khá rập khuôn phong cách Tây phương, bàn billiard, bàn chơi banh bàn (tabletop football) và nhạc sống, mở cửa đến 2 giờ khuya.

Docker’s Natura thực sự mang phong cách vừa cao bồi vừa hard rock. Phố Trần Hưng Đạo ở Hà Nội thường quen thuộc với những tên quán như Seventeen Cowboys, gout nhạc Oldie với những em gái quần “soóc bò”, áo hở rún phục vụ đa tạp cả khách Tây, Ta thì Docker’s Natura lại chỉ dành cho dân Tây rặt.

Cái hương vị casual của những pub, bar ở Bắc Mỹ hay Úc có lẽ chẳng hợp điệu với tôi. Đã không bợm bia lại cũng chẳng thành thục vài đường bi da, nên đơn giản là chỉ đi thăm thú cho biết cái nhịp sống của dân “Tây expat” nó thế nào!

ngo-nho-pho-nho1

“Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó”, tôi đến xóm Hạ Hồi trong khu phố Pháp. Góc Trần Quốc Toản, Nguyễn Gia Thiều, Hạ Hồi, hay đường Liên Trì nằm phía bắc Hồ Ha Le là những con phố tương đối yên tĩnh mang đặc trưng nhiều nhất kiểu khu phố Pháp mà tôi thấy ở Hà Nội. Phía bên kia góc Bà Triệu, Trần Hưng Đạo là đại sứ quán Pháp với mảng cây xanh bóng mát. Chỗ con dốc Bà Triệu thả xuống đường Nguyễn Du vẫn thoảng mùi hoa sữa mỗi khi mùa thu về, và trưa hè thì những cây bàng, cây gạo đổ bóng. Trong con ngõ Hạ Hồi này, người bạn sinh ở Hà Nội dẫn tôi đến thăm một người thầy thời trung học của gã, “một người thầy mà đã không bắt bọn tớ phải chào cờ vào sáng Thứ Hai hay phải quàng khăn đỏ khi đến lớp”. Một gia đình “trí thức tiểu tư sản” cũ theo nghiệp dạy học.

Con ngõ yên tĩnh, chỉ có râm ran tiếng ve vào ngày hè và sự hiện hữu của những quán cà phê, nhà hàng nhỏ xinh không ồn ã.

ngo-nho-pho-nho

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn