• Robin Levinson-King
  • BBC News

Johnny Depp outside court

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Johnny Depp bên ngoài tòa án

Năm 2020, tài tử Hollywood Johnny Depp thua trong vụ kiện cáo buộc tờ Sun của Vương quốc Anh tội phỉ báng. Nhưng hôm thứ Tư này, ông lại thắng vụ kiện về tội tương tự nhằm vào vợ cũ Amber Heard tại một tòa án Mỹ.

Khi bắt đầu phiên tòa mới đây, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cơ hội thắng của ông Depp thấp hơn so với ở Anh Quốc, vì sự bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Mỹ rất mạnh mẽ.

Việc bồi thẩm đoàn cho rằng bà Heard phạm tội phỉ báng bằng một bài báo mà trong đó bà nhận mình là nạn nhân của bạo lực gia đình - nghĩa là bồi thẩm đoàn không tin lời chứng thực của bà.

Mark Stephens, luật sư về truyền thông quốc tế, nói với BBC rằng "rất hiếm" có vụ kiện mà giống nhau về bản chất, được xét xử ở Mỹ và Anh nhưng lại cho kết quả khác nhau.

Ông tin rằng yếu tố chính ảnh hưởng đến chiến thắng của ông Depp ở Mỹ là vì phiên tòa ở Mỹ có bồi thẩm đoàn trong khi phiên tòa ở Vương quốc Anh của ông - kiện tờ báo lá cải của Anh gọi ông là "kẻ đánh vợ" - chỉ có thẩm phán.

"Amber Heard đã thua hoàn toàn trước tòa án của công luận, và trước bồi thẩm đoàn," ông nói.

Trong cả phiên tòa ở Anh và Mỹ, các luật sư của ông Depp đều lập luận rằng bà Heard đang nói dối - để bào chữa cho vụ kiện của mình, họ đã tấn công vào tính cách của bà Heard và cho rằng thực tế - bà mới là người bạo hành bạn đời.

Ông Stephens nói đây là một chiến thuật bào chữa thường thấy trong các phiên tòa xét xử về tấn công tình dục và bạo lực gia đình. Nó được gọi là "phủ nhận, tấn công và đảo ngược nạn nhân và kẻ phạm tội" hoặc "Darvo".

Chiến lược này lật ngược thế cờ, đẩy cuộc đối thoại xa khỏi vấn đề.

Vấn đề ban đầu là "Người bị cáo buộc có hành vi lạm dụng (ở đây là ông Depp), sau đó chuyển thành "người được cho là nạn nhân - tức bà Heard - liệu có đáng tin hay không".

"Họ phủ nhận mọi thứ, họ phủ nhận việc họ là thủ phạm thực sự, và họ tấn công vào uy tín của người lên tiếng tố việc bạo hành, sau đó đảo ngược vai trò của nạn nhân và kẻ phạm tội", ông Stephens nói.

Trong phiên tòa ở Anh, ông Stephens cho biết, thẩm phán đã nhận thấy chiến thuật đó và bác bỏ nhiều bằng chứng không liên đới trực tiếp đến việc ông Depp có phạm tội hành hung hay không.

"Các luật sư và thẩm phán có xu hướng không mắc vào nó, nhưng chiến thuật này rất, rất có tác dụng đến bồi thẩm đoàn," ông nói. Đàn ông có xu hướng tin vào các lập luận của Darvo, nhưng ngay cả nữ bồi thẩm viên cũng dễ bị như vậy.

"Mọi người có một khuôn mẫu trong tâm trí về việc một nạn nhân bị bạo hành có thể sẽ như thế nào và cư xử ra sao, và tất nhiên tất cả chúng ta đều biết điều đó thường là sai."

Hadley Freeman, nhà báo của Guardian từng đưa tin về cả hai vụ kiện, nói với BBC rằng điểm khác biệt lớn nữa là việc phiên tòa ở Mỹ được truyền hình trực tiếp, biến phiên tòa thành "gần như một màn chơi thể thao".

Mỗi cú "twist" của phiên tòa đều được hàng triệu người đón xem - nhiều người trong số họ đã lên mạng xã hội để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Depp.

Trên TikTok, hashtag #justiceforjohnnydepp (công lý cho Johnny Depp) đã có khoảng 19 tỷ lượt xem. Bồi thẩm đoàn được hướng dẫn không lên mạng đọc về vụ án, nhưng họ không bị cách ly và được phép giữ điện thoại bên mình.

Bà Freeman cũng cho rằng những đả kích mà công chúng vận động nhắm vào bà Heard là "một chút phản ứng dữ dội của #MeToo".

Bà nói: "'Tin vào phụ nữ' có vẻ là chuyện xưa lơ xưa lắc khi nói đến Amber Heard."